NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN



Xây dựng văn hoá đọc trong thư viện trường học: kinh nghiệm từ Singapore

E-mail Print

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối tương quan mạnh mẽ giữa việc đọc và thành tích học tập, trong đó thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng văn hoá đọc và nâng cao thành tích học tập. Tại Singapore, phong trào đọc quốc gia bắt đầu từ năm 2015 nhằm mục đích khuyến khích việc đọc như một thói quen và xây dựng một cộng đồng bạn đọc trong cả nước. Xác định vai trò cốt lõi của thư viện trường học là phát triển, duy trì thói quen đọc sách và kỹ năng học tập suốt đời, Singapore tăng cường nỗ lực để thư viện nhà trường có thể tập trung hơn vào việc thúc đẩy văn hoá đọc.

Không giống như các thư viện trường học ở Hoa Kỳ và Ôxtrâylia, các thư viện trường học ở Singapore không bắt buộc người làm thư viện phải được đào tạo đúng chuyên ngành thư viện. Thay vào đó, một điều phối viên thư viện (chủ yếu là giáo viên) làm việc với một nhóm các giáo viên khác để quản lý thư viện. Hoạt động hàng ngày của thư viện trường học được hỗ trợ bởi một trợ lý thư viện xử lý việc quản lý dữ liệu, các vấn đề về văn thư và các yêu cầu của học sinh. Trưởng khoa tiếng Anh được coi là người giỏi nhất để quản lý thư viện trường, cùng với một nhóm các giáo viên khác - được gọi là Uỷ ban thư viện. Các Uỷ ban thư viện trường học thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, khai thác sức mạnh của thư viện trường học để khuyến khích việc đọc, xây dựng văn hoá đọc trong đó chú trọng lựa chọn sách, trưng bày sách, xây dựng chương trình khuyến khích đọc sách, thiết kế không gian đọc và xây dựng hệ sinh thái đọc.

Lựa chọn sách

Người đứng đầu Uỷ ban thư viện lựa chọn sách cho thư viện hướng theo các mục tiêu của nhà trường để thu hút học sinh đọc. Quan niệm rằng thư viện trường học có thể truyền cảm hứng, hình thành tình yêu đọc và thúc đẩy học sinh đọc bằng cách cung cấp sách phong phú về nội dung cho học sinh lựa chọn, bao gồm cả lịch sử, địa lý, khoa học, văn học đại chúng… thư viện lựa chọn những cuốn sách truyền cảm hứng và gây sự tò mò để học sinh muốn rút cuốn sách ra khỏi giá sách và cầm lên đọc. Đa dạng các loại hình sách được lựa chọn, bên cạnh các bản gốc, thư viện chú trọng lựa chọn truyện tranh, khổ lớn, tiểu thuyết đồ hoạ, sách nổi 3D (pop-up book) để thu hút học sinh. Những cuốn sách được lựa chọn cho từng khối học. Ở mỗi khối, sách lại được chia theo các cấp độ từ A đến E. Học sinh bắt đầu đọc từ cấp độ A dễ nhất đến cấp độ E khó nhất. Thư viện đảm bảo các cuốn sách chất lượng có sẵn cho tất cả học sinh. Trợ lý thư viện quan sát việc lựa chọn sách của học sinh, khi các em đọc xong 15 cuốn sách bất kỳ cùng cấp độ sẽ kiểm tra khả năng đọc hiểu của các em về các cuốn sách đó. Kết quả kiểm tra sẽ quyết định các em cần đọc thêm sách cùng cấp độ đó hay được chuyển lên cấp độ cao hơn. Căn cứ vào kết quả quan sát lựa chọn sách của học sinh, trợ lý thư viện đề xuất thư viện bổ sung các loại hình và nội dung sách phù hợp với thị hiếu của học sinh.

Trưng bày sách

Quảng cáo sách và trưng bày sách là một chiến lược quan trọng để thu hút sinh viên vào thư viện. Thư viện trường học đã quảng cáo sách qua việc trưng bày và quảng cáo trực tuyến thông qua Instagram và Twitter - các nền tảng xã hội quen thuộc với học sinh. Thông qua đó, thư viện thu hút học sinh vào không gian vật lý để tra cứu sách mới, tham dự các sự kiện hoặc đăng ký hội thảo. Trong trưng bày quảng cáo sách, các thư viện thường trưng bày sách ở các lối vào, khu vực chào đón, kệ cố định và kệ di động. Mỗi khu vực có chức năng khác nhau và bổ sung cho nhau. Ở khu vực chào đón, các thư viện bố trí các phương tiện kỹ thuật số, màn hình hiển thị theo chủ đề hàng tháng và các băng ghế đa dụng hay các ghế lười. Khu vực này có thể nhìn qua các cửa trước bằng kính đôi và được thiết kế để mời học sinh đi vào thư viện. Trên các kệ cố định, những cuốn sách mới được trưng bày theo bìa trước của sách thay vì gáy sách đồng thời được che khuất một phần tên sách để tạo sự tò mò, khuyến khích sự quan tâm lựa chọn và cầm sách lên đọc của học sinh. Áp phích hấp dẫn và thiết kế bìa sách hoặc tranh vẽ lại cảnh từ sách được làm nổi bật trên các kệ sách để minh hoạ cho các cuốn sách đồng thời tạo hứng thú cho học sinh. Sách được sắp xếp theo thể loại thay vì theo hệ thống thập phân Dewey để thuận tiện cho việc xem và lựa chọn. Các thể loại bao gồm giả tưởng, lãng mạn, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết, du lịch… Mỗi phần được thiết kế hấp dẫn. Ví dụ, trong phần có tiêu đề khám phá, có ba thành phần là khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đồ hoạ [1]. Tiêu đề cho thấy những thế giới mới mà học sinh có thể khám phá bao gồm các tác phẩm kinh điển cũng như những cuốn sách đương đại thuộc thể loại này. Đối với các tác phẩm văn học kinh điển, thư viện luôn trưng bày hai bản: một bản sách nổi 3D bên cạnh văn bản gốc để thu hút học sinh. Trên các kệ di động, thư viện trưng bày các sách nghệ thuật tạo cảm hứng. Các kệ di động mang lại cảm giác chuyển động cho toàn bộ không gian, làm cho thư viện như là một bộ sưu tập thay đổi, hấp dẫn người đọc.

Xây dựng chương trình khuyến khích đọc sách

Mục tiêu của các thư viện là đưa việc đọc thành hoạt động xã hội có sức lan toả và xây dựng thư viện thành không gian đọc cùng với các hình thức học tập khác. Các chương trình liên quan đến sách và đọc sách được thư viện tổ chức lôi cuốn và sôi động. Giáo viên được mời để nói chuyện về sách đan xen biểu diễn âm nhạc. Phụ huynh tham gia đọc sách nâng cao cùng học sinh. Mỗi học kỳ sẽ có một hội thảo đặc biệt được tài trợ bởi nhà trường và giới hạn cho 20 người tham gia lần đầu tiên. Sự độc quyền của những sự kiện như vậy để tạo cảm giác phấn khích và xôn xao xung quanh các sự kiện. Thư viện sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá sách và sự kiện nhằm khuyến khích học sinh nhận thức được những gì đang diễn ra trong thư viện, thu hút học sinh đến thư viện để yêu cầu các cuốn sách được quảng cáo và tham dự các sự kiện. Thư viện không chỉ là không gian cho học sinh đọc sách mà trở thành không gian thú vị cho các hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Các giáo viên tiếng Anh đưa học sinh của mình đến thư viện để thuyết trình thơ và kể các câu chuyện văn học. Các giáo viên lịch sử đưa học sinh vào thư viện thảo luận [3].

Thiết kế không gian đọc

Nếu như việc xem xét lại bộ sưu tập tài liệu và các chương trình đọc là những cách để khuyến khích hành vi đọc thì thiết kế lại và làm mới không gian thư viện là một cách để khuyến khích học sinh đến thư viện trường. Nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn học sinh của các Uỷ ban thư viện trường học ở Singapore cho thấy rằng học sinh thích đọc sách ở thư viện trường nếu môi trường thuận lợi. Thiết kế và tổ chức không gian có thể ảnh hưởng đến cảm nhận, góp phần hình thành mong muốn đến thăm không gian và tham gia vào các hành vi học tập cụ thể của học sinh. Do vậy, nếu việc đọc là ưu tiên hàng đầu trong các thư viện trường học ở Singapore thì không gian được thiết kế và sắp xếp để khuyến khích các hình thức đọc khác nhau. Thiết kế thư viện trường học phản ánh thái độ của nhà trường đối với việc học. Việc cải tạo thư viện trường học xuất phát từ tầm nhìn của hiệu trưởng nhà trường nhằm xây dựng một không gian khuyến khích học sinh đọc theo cách tự định hướng. Uỷ ban thư viện làm việc hướng tới một thư viện lấy người dùng làm trung tâm, khuyến khích việc đọc, nghiên cứu và học tập độc lập. Sau khi xác định nhu cầu cải tạo không gian thư viện, các thành viên của Uỷ ban thư viện tiến hành phỏng vấn học sinh và giáo viên để tìm hiểu thêm về cách họ muốn sử dụng không gian thư viện. Trên cơ sở phân tích nhu cầu của học sinh và giáo viên, Uỷ ban thư viện lên ý tưởng và tiếp tục tham khảo ý kiến của cả giáo viên và học sinh. Các tính năng chính của thư viện mà Uỷ ban tập trung vào chiến lược thiết kế không gian đọc xây dựng văn hoá đọc bao gồm: bố trí vị trí tốt nhất trong thư viện (thường nhiều cây xanh) cho góc đọc sách; xây dựng các không gian đa mục đích cũng có thể được sử dụng để đọc; cung cấp các túi lười để học sinh đọc sách thoải mái hơn; tuyển chọn và trưng bày sách hấp dẫn [2]. Thư viện đã thông qua thiết kế bố trí hiện đại, hướng mở, gồm các khu vực:

- Khu vực biểu diễn: có một sân khấu nhỏ, bên trên được đặt nhiều ghế lười để tạo các chỗ ngồi thoải mái cho học sinh. Các bậc thang lên sân khấu cung cấp thêm chỗ ngồi cho học sinh đọc sách. Khu vực này có nhiều cách sử dụng khác nhau và thường được chuyển đổi cho phù hợp. Vào những ngày bình thường, địa điểm này được sử dụng làm không gian đọc sách.

- Khu vực trưng bày sách: nằm gần lối vào của thư viện. Thư viện đặt một màn hình lớn, nổi bật, hiển thị sách theo chủ đề được cập nhật hàng tháng, cho phép học sinh tương tác để truy cập tra cứu sách hoặc tìm hiểu về thư viện. Hệ thống ánh sáng kỳ ảo được sử dụng để làm nổi bật, thu hút bạn đọc chú ý đến màn hình chính ngay khi bước vào thư viện.

- Khu vực đọc sách chính: bố trí nhiều bàn học nhỏ có sức chứa 4 người, được chia cắt bởi các kệ sách di động và nội thất thư viện. Vị trí các bảng, kệ, đồ nội thất thư viện đa dạng và lấy người dùng làm trung tâm, cho phép nhiều người có thể sử dụng các tiện ích khác nhau một cách thoải mái mà không ảnh hưởng đến người dùng khác. Trên các kệ sách di động, thư viện đặt những cuốn sách khổ lớn mà không phù hợp với không gian kệ sách thông thường.

- Kệ tường: được thiết kế hấp dẫn, có nhiều không gian kệ khác nhau, tạo bố cục mở trong thư viện. Phần lớn bộ sưu tập của thư viện được lưu trữ trên các kệ gắn sát tường.

- Khu vực thảo luận: gồm 4 phòng thảo luận cách âm tốt, được ngăn cách bởi những bức tường kính để phục vụ mục đích kép. Các nhóm học sinh thảo luận trong các phòng này có thể sử dụng các bề mặt kính để lưu lại các ghi chú của cuộc thảo luận. Các bức tường trong suốt cũng cho phép trợ lý thư viện giám sát hoạt động của học sinh trong nhóm và can thiệp khi phát hiện các hành vi không phù hợp.

- Góc đọc sách: phía cuối thư viện là những chiếc ghế bành được đặt cách nhau khoảng 30cm, xếp theo hình bán nguyệt. Phía sau ghế bành là hai kệ di động với những cuốn sách hấp dẫn khuyến khích học sinh ngồi xuống ghế và cầm sách lên đọc. Việc sắp xếp, bố trí như vậy đồng thời để đảm bảo rằng người dùng không thể trò chuyện kéo dài với nhau. Học sinh được trợ lý thư viện quan sát để đảm bảo khu vực này yên tĩnh.

- Khu vực gắn tường: các khối hình màu sắc được gắn vào tường, bên trong được chiếu sáng tốt và được bố trí một băng ghế và một bàn viết nhỏ cho phép hai học sinh thoải mái sử dụng. Đây là khu vực được yêu thích và được sử dụng để học tập và đọc sách của nhiều học sinh.

- Khu vực quán bar: thư viện mới bổ sung để tạo không gian hoạt động linh hoạt cho học sinh. Nội thất thẩm mỹ, đa dạng kiểu dáng ghế ngồi để bổ sung lựa chọn cho các chỗ ngồi hiện có trong thư viện. Không gian được học sinh đón nhận và tham gia với nhiều hoạt động khác nhau.

Trong các khu vực, tính thẩm mỹ cao, hệ thống ánh sáng cân bằng và hương liệu để tạo bầu không khí thanh mát, yên bình và tĩnh lặng. Khu vực quán bar có âm nhạc nhẹ nhàng. Các thư viện được thiết kế và thiết lập khuyến khích học sinh điều chỉnh hành vi của mình khi vào các không gian thư viện. Theo quan sát của các Uỷ ban thư viện thì hiếm khi thấy các học sinh lên tiếng hoặc làm gián đoạn những người khác sử dụng không gian thư viện. Các học sinh có thể tự do di chuyển vị trí này sang vị trí khác để thay đổi không gian và tư thế đọc.

Xây dựng hệ sinh thái đọc

Để xây dựng văn hoá đọc, cần có một hệ sinh thái đọc trong trường học. Ở Thư viện nhà trường như một mô hình thu nhỏ của cuộc sống học đường, tầm nhìn và hoạt động thực tế của thư viện trường học được truyền cảm hứng hoặc giới hạn bởi tầm nhìn của hiệu trưởng trường học và nhân viên thư viện trường học. Ở Singapore, các hiệu trưởng trường học được lưu ý tầm quan trọng của việc ham đọc sách của học sinh, khuyến khích việc đọc tự động, xây dựng thư viện thành vị trí thứ ba để học sinh đi chơi và khuyến khích đọc sách. Bản thân các hiệu trưởng là những người ham đọc sách. Các hiệu trưởng đọc rất nhiều và thường gửi các bài viết cảm thụ sách lên Twitter để các giáo viên bình luận và chia sẻ, khuyến khích giáo viên đọc sách để tìm hiểu thêm về nội dung các cuốn sách. Từ đó truyền cảm hứng đọc tới các học sinh của mình. Nhà trường và thầy cô giáo khuyến khích thay vì bắt buộc học sinh đọc sách. Tuy nhiên, các học sinh cấp 2 phải hoàn thành một dự án để xây dựng một mô hình phản ánh nội dung một cuốn sách được đọc gần đây. Hầu hết học sinh thích và tìm thấy niềm vui khi đọc sách.

Có thể thấy xây dựng văn hoá đọc thành công, tạo một môi trường đọc sách cho học sinh là một thách thức lớn khá phức tạp đối với các thư viện trường học. Các thư viện trường học ở Singapore đã thực hiện nhiều cách trong đó chú trọng tới việc lựa chọn sách, xây dựng các chương trình khuyến khích đọc sách, thiết kế và tổ chức không gian. Các phương pháp thực hiện không khó nhưng tỉ mỉ, đòi hỏi một chính sách, chương trình và thực tiễn hợp lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chin Ee Loh, Mary Ellis, Agnes Alcantara Paculdar and Zhong Hao Wan. Building a suc- cessful reading culture through the school library: A case study of a Singapore secondary school // IFLA Journal. - 2017. - No. 43(4). - P. 335-347.

2. Cleveland BW. The school library as a behaviour setting: Exploring the physical and social components behind effective learning environments // Building a reading culture roundtable: School libraries and design. - 2017. https://www. readingcul turesg.org/talks. Truy cập ngày 1/4/2017.

3. Parrott DJ and Keith KJ. Three heads are better than one: Librarians, reading specialists, and classroom teachers in the learning commons // Teacher Librarian. - 2015. - No. 42. - P. 12-18.

_________________________________

ThS. Nguyễn Lê Phương Hoài tổng hợp

Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 59-62.

 

Về khái niệm tài liệu cổ

E-mail Print

Đặt vấn đề

Một trong những nhiệm vụ của các cơ quan văn hoá là kế thừa, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá của nhân loại, làm cho di sản quý báu đó được tiếp nối và đổi mới phù hợp với thời đại. Lịch sử cho thấy các cơ quan văn hoá như thư viện, cơ quan lưu trữ… đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, trong đó có di sản văn hoá thành văn, đặc biệt là các tài liệu cổ mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá lớn. Hiểu như thế nào về tài liệu cổ? Tài liệu cổ và tài liệu quý hiếm giống nhau hay khác nhau? Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các nhà sưu tầm, nhà thư viện, nhà lưu trữ đã đưa ra nhiều quan điểm về khái niệm “tài liệu cổ”. Việc xác định nội hàm khái niệm “tài liệu cổ” giúp nhận định đầy đủ về loại hình tài liệu này, đồng thời tiếp tục tạo tiền đề cho các nghiên cứu, nhằm làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn cho các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu cổ trong giai đoạn hiện nay.

1. Quan điểm của các chuyên gia sưu tầm

Thuật ngữ “sách cổ” (antiquarian book) được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm và mua bán cổ vật (antiquarian trade) trên thế giới để chỉ các loại sách, báo - tạp chí “cổ” và “quý hiếm”. Các chuyên gia trong lĩnh vực sưu tầm sách cổ đều cho rằng khái niệm “sách cổ” không chỉ giới hạn ở tuổi đời của sách mà còn liên quan chặt chẽ đến nhu cầu của thị trường (giá trị) đối với sách.

Từ điển Oxford (2018) giải thích hai từ loại của “antiquarian”, trong đó, tính từ “antiquarian” chỉ những gì liên quan hoặc thuộc về cổ vật hoặc sách hiếm, thí dụ “antiquarian booksellers” nghĩa là người buôn sách cổ; hoặc chỉ những gì liên quan đến nghiên cứu về cổ vật. Danh từ “anti- quarian” nghĩa là người nghiên cứu hoặc sưu tầm cổ vật. Thuật ngữ “antiquarian” được sử dụng lần đầu từ thế kỷ XVII, có nguồn gốc từ “antiquarius” trong tiếng La tinh có nghĩa là cổ vật [15].

Là một trong những chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về sưu tầm và buôn bán sách cổ, đồng thời là cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà buôn sách cổ Hoa Kỳ (Antiquarian Booksellers’ Association of America

ABAA), cựu Chủ tịch Liên đoàn các nhà bán sách cổ quốc tế (International League of Antiquarian Booksellers - ILAB), Thomas E. Congalton nhận định trong Bảng chú giải thuật ngữ “sách cổ” trên trang Between the Covers: “Người ta thường cho rằng sách cổ gắn với một thời kỳ hoặc đặc trưng quá khứ nhất định vì nghĩa khái quát của từ “cổ” trong ngôn ngữ Anh (có nghĩa là liên quan đến cổ vật, những thứ thuộc về thời cổ đại hoặc các giai đoạn trước đây). Tuy nhiên, ngành kinh doanh sách cổ hiện nay (việc mua và bán sách cổ) lại xoay quanh bất cứ loại sách nào được định giá như một đối tượng vật lý vượt ra ngoài giá trị của nó với tư cách là một vật mang thông tin (văn bản và/ hoặc minh hoạ)... Một nhà sưu tầm tài liệu chính trị của Anh những năm 1750 chắc chắn đã thu thập các sách cổ, cũng tương tự như vậy đối với các nhà sưu tầm sách bìa mềm nguyên bản của những năm 1950, sách ấn bản đặc biệt những năm 1980, sách đóng theo lối đương đại trước những năm 2000. Tất cả đều là sách cổ, không phụ thuộc việc chúng được in bao lâu. Ấn bản đầu tiên năm 1759 của cuốn Candide được liệt kê trong mục lục 155 của chúng tôi là một cuốn sách cổ, nhưng tương tự, cuốn Fire in the Nuts phiên bản giới hạn, có chữ ký năm 2004 của Hunter S. Thompson cũng được liệt kê trong cùng mục lục này” [10]. Chia sẻ quan điểm tương tự, Arnoud Gerits, cựu Chủ tịch ILAB đã trao đổi trên Hongkong Economic Times năm 2015: “Không có định nghĩa rõ ràng để phân biệt sách hiếm với sách cũ hay sách cổ. Định nghĩa tiêu chuẩn đối với sách cổ là sách phải có tuổi đời trên 100 năm, theo truyền thống thì sách cổ thường là những sách được xuất bản trước năm 1800. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, ý nghĩa của thuật ngữ này đã thay đổi và các sách hiếm hiện nay còn có thể bao gồm những sách được ra đời vào thế kỷ XX... Cổ không nhất thiết phải hiếm và hiếm không nhất thiết phải cổ. Nhìn chung, tôi cho rằng bất cứ sách nào hiếm, có khả năng sưu tầm và không được tiếp tục xuất bản nữa đều được coi là sách hiếm hoặc sách cổ… Sách cũ hay sách cổ hoặc sách hiếm đều có nguồn cung giới hạn vì chúng không được tiếp tục làm, sản xuất và in ấn nữa” [20]. Carter (2004) cho rằng chưa bao giờ có ranh giới rõ ràng giữa sách hiếm, sách cổ và sách đã qua sử dụng, ranh giới này cũng sẽ không bao giờ có thể xác định rõ được [11].

ABAA giải đáp cho câu hỏi “Một cuốn sách có tuổi đời bao nhiêu thì được gọi là cổ?” như sau: “Rất hiếm khi các cuốn sách có giá trị chỉ vì chúng đã cũ - đáng ngạc nhiên là có nhiều cuốn sách một, hai và ba trăm năm tuổi đã tồn tại với số lượng lớn nhưng lại không được quan tâm sưu tầm. Trong khi đó, sách, báo hoặc ấn bản giới hạn được xuất bản gần đây lại có thể có giá cao trên thị trường sách hiếm. “Cổ vật” là một thuật ngữ rất mơ hồ đối với trường hợp những cuốn sách có thể được sưu tầm trái ngược với những sách đã qua sử dụng” [5]. Cũng theo ABAA, những người sở hữu sách hoặc bản thảo cổ thường quan tâm làm thế nào để xác định giá trị của các tài liệu này. Việc xác định giá trị của sách cổ không hề đơn giản và hiện tại chưa có bất cứ tài liệu nào hướng dẫn cách định giá. ABAA cho rằng giá trị của một cuốn sách được xem xét dựa trên nhiều yếu tố: Tầm quan trọng nội tại của tác phẩm; Sự khan hiếm của tác phẩm; Sự quan tâm của người sưu tập đối với tác phẩm.

Phân tích từ thị trường, ABAA nhận định những cuốn sách được tìm kiếm nhiều nhất là những phiên bản đầu tiên của các tác phẩm tiểu thuyết, nhân văn, khoa học tiêu biểu. Đối với trường hợp tài liệu là bản sao của một cuốn sách, theo ABAA, giá trị của bản sao phụ thuộc vào một số yếu tố khác như: Tình trạng; Kỹ thuật đóng sách; Nguồn gốc; Tầm quan trọng của bất cứ câu chữ nào có trong tài liệu.

Đối với trường hợp tài liệu là bản thảo chép tay, giá trị tài liệu còn được xem xét dựa trên một số yếu tố khác như chữ viết, chữ ký của những người nổi tiếng… [5].

2. Quan điểm của các nhà thư viện, chuyên gia lưu trữ

Quan điểm của các nhà thư viện, lưu trữ học về sách cổ, tài liệu cổ ở các vùng miền, các quốc gia khác nhau cũng không đồng nhất. Ở Nga, trong bản Quy định về danh mục nhà nước những tài liệu quý, hiếm thuộc phông lưu trữ Liên bang Nga (Ban hành kèm theo Quyết định số 75 ngày 9/10/2001 của Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga) quy định về niên hạn tài liệu cổ là những tài liệu có từ cuối thế kỷ XVII trở về trước nhưng cũng nói rõ phải căn cứ vào “số lượng tài liệu cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay, ở vùng này hay vùng khác mà mốc thời gian ấn định để coi tài liệu có thuộc diện có niên hạn cổ đại hay không để đưa vào Danh mục Nhà nước”. Ở Trung Quốc, theo Chen (2003) sách cổ là “các sách phản ánh nền văn hoá Trung Hoa được tạo ra với các dạng thức truyền thống và được xuất bản trước năm 1911” [12].

Song song với thuật ngữ “antiquarian”, một thuật ngữ khác được các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện nhắc đến phổ biến hơn là “rare book” (sách hiếm) và “rare material” (tài liệu hiếm). Trong các quan điểm về “sách hiếm” hoặc “tài liệu hiếm” có một điểm chung là những tài liệu cổ, có giá trị được bao hàm trong hai khái niệm này.

Theo Từ điển Oxford, sách hiếm được định nghĩa là “sách có giá trị hoặc được quan tâm đặc biệt nhờ tuổi đời, xuất bản có giới hạn, cách đóng bìa hoặc các yếu tố lịch sử khác; thường mang tính quy kết”. Thuật ngữ sách hiếm được dùng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVI bởi John Rainolds (1549 - 1607) - nhà thần học, học giả người Anh [15]. Theo Từ điển thuật ngữ Khoa học Thông tin Thư viện ALA (2013), sách hiếm là “một cuốn sách được ao ước, ít khi hoặc đôi khi xuất hiện trên thị trường sách cổ. Thông thường các sách được coi là hiếm bao gồm các loại như: sách in cổ ở thế kỷ XV, sách xuất bản ở Hoa Kỳ trước năm 1800, ấn bản đầu tiên của các văn bản hay tác phẩm quan trọng, sách đóng bìa quý, sách độc bản, sách quan trọng đối với các hội đoàn. Các mức độ của tính hiếm rất đa dạng tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường sách cổ. Sách hiếm thường được lưu giữ trong các bộ sưu tập đặc biệt hoặc các bộ sưu tập nghiên cứu của thư viện”. Từ điển này cũng đưa ra định nghĩa về bộ sưu tập sách hiếm như sau: “Bộ sưu tập đặc biệt bao gồm các sách hiếm được tổ chức thành bộ phận riêng biệt với bộ sưu tập tài liệu nói chung do tính hiếm và thông thường là bởi chúng dễ bị hư hại hoặc chúng có giá trị tiềm tàng, giá trị tiền bạc hoặc giá trị nghiên cứu. Bộ sưu tập sách hiếm thường là một phần của bộ sưu tập tài liệu đặc biệt (special collections) hoặc bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu (research collections) của thư viện” [12].

Galbraith và Smitth (2012) đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu mà nhân viên thư viện đánh giá một cuốn sách là hiếm?”. Trả lời câu hỏi này, Galbraith và Smith, hai chuyên gia về sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt đã nhận định một cuốn sách hiếm là do tuổi đời hoặc giá trị tiền bạc của nó khá cao. Sách cũng được xem là hiếm nếu đó là ấn bản giới hạn hoặc được đóng bìa đặc biệt, được chính tác giả hoặc một người nổi tiếng ký tên lên. Bộ sưu tập sách hiếm và tài liệu đặc biệt tại các thư viện không chỉ bao gồm sách mà còn chứa các tài liệu chép tay, ảnh, bản nhạc, các tài liệu và hiện vật khác… [16].

Thư viện Đại học St Andrews Scotland (2018) đưa ra 6 tiêu chí xác định tài liệu như thế nào được coi là “hiếm”, bao gồm: Tuổi đời; Tác phẩm quan trọng hoặc tác phẩm xuất bản lần đầu tiên có thể được sưu tập; Sự khan hiếm ở các thư viện nghiên cứu khác; Giá cả thị trường; Các đặc điểm vật lý và bên trong khác; Điều kiện của tài liệu.

Phòng Sách hiếm của Thư viện công cộng New York tập hợp các sách ra đời từ thế kỷ XV, sách xuất bản tại Hoa Kỳ trước năm 1800, báo xuất bản tại Hoa Kỳ trước năm 1865 và nhiều ấn bản đầu tiên của các tài liệu hiếm [6]. Bộ phận chuyên trách về sách hiếm và bản thảo của ALA RBMS (Rare Books and Manuscripts Section) và ABAA (2011) cho rằng một số loại tài liệu cổ thường được tìm kiếm nhiều như: các sách in trước năm 1501, sách Anh văn in trước năm 1641, sách in ở Hoa Kỳ trước năm 1801 và sách in tại Tây Mixixipi trước năm 1850 [18].

Trên thế giới, việc nghiên cứu về sách hiếm, lịch sử sách và các lĩnh vực liên quan dành được sự quan tâm của giới học giả và các hiệp hội nghề nghiệp. Nhiều trường đào tạo chuyên môn về sách hiếm (Rare Book School) đã ra đời tại Hoa Kỳ (Trường Sách hiếm - Đại học Virginia, Trường Sách hiếm California - Đại học California, Los Angeles), Anh (Trường Sách hiếm - Đại học London), Ôxtrâylia (Trường Sách hiếm Dunedin Ôxtrâylia - Đại học Otago)… Trong chương trình đào tạo của các trường này, các môn học được cung cấp bao quát cả tài liệu cổ - hiếm và tài liệu hiếm - không cổ. Bộ sưu tập tài liệu hiếm và tài liệu cổ được gọi chung dưới cái tên “bộ sưu tập đặc biệt” (special collection) [17]. Những trường sách hiếm kể trên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực thư viện về bộ sưu tập tài liệu đặc biệt [7]. Liên đoàn thư viện quốc tế IFLA và hiệp hội thư viện tại nhiều nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Ôxtrâylia…) đều có bộ phận chuyên trách về sách hiếm và bộ sưu tập đặc biệt, cung cấp nhiều chỉ dẫn và tiêu chuẩn cho những người làm thư viện đảm đương nhiệm vụ quản lý và phục vụ khai thác các tài liệu này. Trong cuốn Biên mục mô tả tài liệu hiếm của Thư viện Quốc hội Mỹ, thuật ngữ “tài liệu hiếm dùng để chỉ bất cứ tài liệu đặc biệt nào mà cơ quan lưu giữ tài liệu lựa chọn để phân biệt với các tài liệu nói chung theo cách chúng được cất giữ, bảo quản hoặc thu thập” [14].

Quan niệm tài liệu cổ không những có tuổi đời dài lâu mà còn phải “hiếm” - có giá trị đã được nhiều từ điển thuật ngữ chuyên ngành đề cập. Từ điển Khoa học Thư viện và Thông tin trực tuyến (Online Dictionary of Library and Information Sciences - ODLIS) định nghĩa: “Sách cổ (antiquar- ian book) là một cuốn sách cũ, đã qua sử dụng, không còn được tái bản nữa, có giá trị hơn so với hầu hết các loại sách cũ vì độ hiếm hoặc tình trạng của nó, thường được bán bởi một người bán sách cổ. Các cuốn sách cổ hiếm và có giá trị được bán đấu giá”. Từ điển về Sách nêu định nghĩa: “Sách cổ là một thuật ngữ không chặt chẽ được dùng để chỉ các sách cũ (và bao hàm cả ý nghĩa có giá trị). Định nghĩa trước đây về khái niệm “cổ” xác định phải là những gì có tuổi đời 100 năm nhưng khảo sát qua cửa hàng sách cổ chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều những cuốn sách trẻ hơn thế” [8].

Ở Việt Nam, hiện cũng tồn tại một số định nghĩa về sách cổ, tài liệu cổ như định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Sách cổ là thuật ngữ xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX; thường dễ nhầm với sách hiếm, sách cũ. Giá trị sách cổ được xác định bằng phương pháp giám định về các mặt: ngôn ngữ cổ, nội dung thời đại phản ánh (sách thời cổ đại, trung đại, cận đại), vật liệu sử dụng, phương pháp in…” [19]. Theo Nguyễn Thị Thuý Bình (2005), tài liệu cổ là những tài liệu được xuất bản, xuất hiện vào thời phong kiến ở nước ta, có nội dung phản ánh các khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của đất nước ở các thời kỳ trong lịch sử [1]. Trần Thị Phương Lan (2015) và Dương Hoài Ý (2016) có nhận định với nhiều nét tương đồng khi đưa ra quan điểm về “tài liệu quý hiếm” và “tài liệu cổ quý hiếm”. Theo đó, “tài liệu quý hiếm” và “tài liệu cổ quý hiếm” được xác định là tài liệu có giá trị đặc sắc về các vấn đề lịch sử, văn hoá xã hội, khoa học, nội dung thông tin bao quát được các sự kiện, biến cố và hiện tượng đặc biệt quan trọng trong cuộc sống; số lượng bản ít, hình thức đặc biệt và khó bổ khuyết nếu như bị mất mát hoặc hư hỏng, xét về ý nghĩa pháp lý và bút tích của chúng [2, 4].

Kết luận

Các nhà sưu tầm, buôn bán sách cổ, quý hiếm quan tâm nhiều đến những tài liệu có giá trị, khan hiếm trên thị trường, được quan tâm bởi giới sưu tập. Bởi vậy, khái niệm “sách cổ”, “tài liệu cổ” được phát triển và mở rộng không chỉ bao gồm các tài liệu được ra đời từ giai đoạn trước đây mà còn bao gồm cả các tài liệu khác, mới hơn miễn là chúng có giá trị sưu tập.

Trong thư viện, do những yêu cầu khác nhau trong thu thập, lưu trữ, bảo quản và căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng, các bộ sưu tập tài liệu thư viện thường được xem xét ở nhiều góc độ, trong đó có quan điểm phổ biến về bộ sưu tập thông thường (chỉ những tài liệu phục vụ lưu thông bình thường) và bộ sưu tập đặc biệt (chỉ các nhóm tài liệu thư viện được quản lý riêng biệt so với các bộ sưu tập thư viện phục vụ lưu thông thông thường, do tuổi đời, sự khan hiếm, giá trị thị trường, nội dung, tình trạng, hoặc dạng vật chất) [8]. Tài liệu cổ được quan tâm lưu giữ trong các thư viện một phần do ra đời trong thời đại trước, số lượng bản hạn chế, không còn được tiếp tục sản xuất, một phần do hình thức và kỹ thuật chế tác đặc thù, nội dung phản ánh thời kỳ lịch sử đã qua, không chỉ có giá trị nội dung về mặt lịch sử, văn hoá mà còn được xem xét như một hiện vật lịch sử, thường được tách riêng so với các tài liệu thông thường để quản lý trong các bộ sưu tập tài liệu quý hiếm, tài liệu đặc biệt [12].

Những quan điểm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, hội nghề nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy ranh giới phân định khái niệm tài liệu cổ và tài liệu quý hiếm có sự đan xen. Mặc dù vậy, khái niệm tài liệu quý hiếm và tài liệu cổ cần được phân biệt rõ ràng để tránh những nhầm lẫn không đáng có. Tài liệu cổ chưa chắc đã hiếm. Tài liệu hiếm chưa chắc đã cổ. Tài liệu cũng có thể vừa cổ, vừa hiếm. Tuy nhiên, một điều chắc chắn được khẳng định là những tài liệu cổ dành được sự quan tâm của giới sưu tầm hay thu thập bởi các thư viện, cơ quan lưu trữ đều là những tài liệu vừa cổ, vừa có giá trị. Trên cơ sở đó, có thể xác định một số tiêu chí được đưa ra xem xét khi bàn về nội hàm khái niệm tài liệu cổ như: thời gian ra đời của tài liệu thuộc giai đoạn lịch sử trước đây, tài liệu không còn được tái bản; các đặc điểm về dạng vật mang tin, kỹ thuật chế tác, phương pháp in ấn, ngôn ngữ… của tài liệu thường là những hình thức đã được sử dụng trong quá khứ mà hiện tại rất hiếm khi hoặc không còn sử dụng; đồng thời, tài liệu phải có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Thuý Bình. Bảo quản di sản thư tịch cổ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội : Luận văn thạc sỹ chuyên ngành thư viện học. - H.: Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, 2005.

2. Trần Phương Lan. Bàn về khái niệm tài liệu quý hiếm // Tạp chí Thư viện Việt Nam. http://nlv. gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/ban-ve-khai-niem-tai- lieu-quy-hiem.html. Truy cập ngày 22/3/2019.

3. Từ điển Bách khoa Việt Nam. - H.: Từ điển Bách khoa, 2003.

4. Dương Hoài Ý. Bảo quản tài liệu cổ, quý hiếm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế : Luận văn thạc sỹ thông tin - thư viện. - H.: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2016.

5. About antiquarian book. https://www.abaa.org/ about-antiquarian-books/fag. Truy cập ngày 26/4/2019.

6. About the rare book division. https://www. nypl.org/about/divisions/rare-books-division. Truy cập ngày 2/3/2019.

7. ACRL special collections task force final status report, 2006.

8. Bates, Marcia J Author, Maack, Mary Niles, and Bates, Marcia J. Encyclopedia of Library and Information Sciences, 2009.

9. Berger, S. E. a. The dictionary of the book: a glossary for book collectors, booksellers, librarians, and others. - Lanham: Rowman & Littlefield, 2016.

10. Between the Covers Rare Books Inc. Glossary. https://www.betweenthecovers.com/btc/glossary/A?fbclid=IwAR2h4eNZRaXUdakCKM1UvDjsza2AQLpu oH1AMW8KOe7EWQjP_MP1XMztxFM. Truy cập ngày 20/4/2019.

11. Carter, J. ABC for book collectors. - London: Oak Knoll; British Library, 2004.

12. Carter, Toni M., Levine-Clark, Michael. ALA Glossary of Library and Information Science. - Chicago: ALA Editions, 2013.

13. Chen, Xianxing. Preservation and digitiza- tion of ancient books kept by the Shanghai Library. https://www.lib.cuhk.edu.hk/conference/chen-xx.pdf. Truy cập ngày 11/2/2019.

14. Descriptive Cataloging of Rare Materials. - Washington, D.C.: Library of Congress Cataloging Distribution Service, 2011.

15. English Oxford Living Dictionary. https://en. oxforddictionaries.com/definition/antiquarian. Truy cập ngày 15/5/2018.

16. Galbraith, Steven K, Geoffrey D. Smith. Rare book librarianship: an introduction and guide, 2012.

17. Rare Book Schools. https://rarebookschool. org/courses/. Truy cập ngày 22/3/2019.

18. RBMS, ABAA. Your Old Books. http://rbms. info/yob/. Truy cập ngày 22/3/2019.

19. What make a book “rare”?. https://www.st- andrews.ac.uk/library/specialcollections/collections/r arebooks/whatmakesabookrare/. Truy cập ngày 10/6/2018.

20. Why collect rare books? https://www.ilab. org/articles/why-collect-rare-books. Truy cập ngày 1/5/2018.

_________________

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Khoa Thông tin Thư viện, Đại học Văn hóa Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 13-17.

 

Công tác số hoá các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một: nghiên cứu trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai ở Việt Nam

E-mail Print

1. Các ngôn ngữ trước nguy cơ mai một và giải pháp số hoá nhằm bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ

Thuật ngữ “ngôn ngữ có nguy cơ mai một hay đang bị đe doạ, nguy cấp, có nguy cơ bị mất/ tiêu vong” trở nên phổ biến trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây, với những nét nghĩa có thể khác nhau. Nguy cơ mai một là hiện hữu với phần lớn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong một quốc gia đa dân tộc. Rất khó có thể tránh cho mọi ngôn ngữ khỏi bị diệt vong, nhất là khi cộng đồng (đặc biệt là lớp trẻ) người bản ngữ không còn thiết tha với tiếng mẹ đẻ, dù chỉ là vì lợi ích trước mắt, đó là cần các phương tiện giao tiếp khác là ngôn ngữ quốc gia và ngoại ngữ phổ biến, như tiếng Anh hiện nay, thuận lợi hơn cho sinh kế.

Nhằm bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ để xây dựng một xã hội đa văn hoá, có tư liệu thực tế cho khảo cứu lâu dài, việc tìm ra những giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn bằng lưu trữ dữ liệu các ngôn ngữ có nguy cơ mai một được đặt ra trong khung pháp lý thuận lợi. Đó là một phần chính sách của Nhà nước đối với các DTTS rất ít người ở Việt Nam, được thể hiện như ở Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015. Đối tượng áp dụng của Quyết định này là các cơ sở giáo dục có trẻ em (mẫu giáo 3 - 5 tuổi), học sinh, sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum.

Hội nghị bàn về "Giải pháp bảo tồn, phát huy văn hoá của các dân tộc có số dân dưới 1.000 người" của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 9/2/2015, có mặt đại biểu của 5 dân tộc Pu Péo, La Ha, Ơ Đu, Rơ Măm và Brâu ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An và Kon Tum tham dự.

Một trong các giải pháp nhằm bảo tồn ngôn ngữ các DTTS là công tác số hoá. Theo Tạ Văn Thông (2018), cùng với các biện pháp “nghiên cứu cơ bản về cấu trúc, tình hình xã hội ngôn ngữ học, cải tiến và xây dựng các hệ thống chữ viết; biên soạn các sách công cụ (sách giáo khoa, sách ngữ pháp, từ điển...); sưu tập các văn bản (vốn văn nghệ truyền thống; sáng tác mới...) và ghi bằng các ngôn ngữ có nguy cơ mai một; dạy và học các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong và sử dụng chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng” là việc “thu thập; lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu” không chỉ “giúp cho người bản ngữ có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ” mà còn hình thành một kho tài nguyên thông tin chân thực vô giá, giúp cho các thế hệ nghiên cứu hiện tại và sau này có tư liệu chính xác - trong mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra. Đề cập đến “Các loại từ điển đối dịch cần có ở Việt Nam”, Tạ Văn Thông (2018) cho rằng: “Trong sự đa dạng này, không nên “bỏ quên” các ngôn ngữ DTTS đang đứng trước nguy cơ tiêu vong như Pà Thẻn, Pu Péo, La Ha, Bố Y, Cơ Lao, Co, Rơ Măm...” [13].

Để bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, ít nhất là lưu trữ dưới dạng số hoá tại các kho tư liệu điện tử, tài nguyên thông tin được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại, luôn luôn có thể khai thác, không chỉ giúp ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học, mà còn phục vụ tìm hiểu về sự đóng góp của tất cả các (nhóm) tộc người đã cùng nhau chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, làm nên lịch sử và văn hoá Việt Nam.

Như thế, vấn đề số hoá có thể xem là một trong những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở nước ta. Trong nội dung bài viết này, tác giả xin viện dẫn các thứ tiếng thuộc ngữ hệ Thái - Kađai làm ví dụ.

2. Giải pháp số hoá nhằm bảo lưu các ngôn ngữ Thái - Kađai trước nguy cơ mai một

2.1.Các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có nguy cơ mai một

Từ hệ thống 09 tiêu chí xác định ngôn ngữ có nguy cơ mai một (chia thành 05 cấp độ) được UNESCO công bố năm 2003, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã có những cách nhìn độc đáo, như căn cứ vào sức sinh tồn, những điều kiện xã hội - ngôn ngữ học ở Việt Nam.

Nguyễn Văn Lợi (1999) phân các ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam thành 5 mức độ [9]. Trong nghiên cứu mới đây, sau khi liệt kê Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO), trong đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có: Nùng Vẻn[1], Cơ Lao Xanh (Green Gelao), La Chí (Lachi), La Ha (Laha), Nùng Vẻn (Nung Ven)[2], Cơ Lao Đỏ (Red Gelao), Thái Đỏ Tày Đeng (Tai Daeng) và Cờ Lao Trắng (White Gelao), GS. TS Nguyễn Văn Lợi (2018) đã điều chỉnh sự phân loại sơ bộ thành 4 mức độ nguy cấp - theo mức độ từ cao xuống thấp, với “gợi ý, tham khảo”, trong đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có: Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Xanh, Cơ Lao Trắng thuộc diện “nguy cấp cao”; Pu Péo thuộc diện “nguy cấp”; Bố Y, La Ha, Lự thuộc diện “đang bị mai một”; La Chí thuộc diện “có nguy cơ mai một” [10].

Trong bài tổng quan đã công bố, Trần Trí Dõi (2018) đã liệt kê “32 ngôn ngữ hay thổ ngữ có nguy cơ mai một ở Việt Nam” theo 5 mức độ mai một mà UNESCO đề nghị. Theo đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có ngôn ngữ, thổ ngữ: Cơ Lao Đỏ và Bố Y... thuộc diện “đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp”; Tu Dí[3], Cơ Lao Trắng, Pu Péo, Nùng Vẻn... thuộc diện “có nguy cơ bị mai một nghiêm trọng”; La Chí, La Ha... thuộc diện “có nguy cơ bị mai một rõ ràng” [3].

Tham khảo các kết quả nghiên cứu trên đây và từ những khảo sát trên thực địa, nhóm tác giả Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh (2018) đã bước đầu đưa ra bảng tổng hợp tình hình ngôn ngữ của 15/16 DTTS rất ít người ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ mai một cao [6]. Trong số đó, thuộc ngữ hệ Thái - Kađai có 5 dân tộc, trước hết là Pu Péo, sau đó, lần lượt là: Bố Y, Cơ Lao, Lự và La Ha.

Chấp nhận các ý kiến trên đây thì ngoài 5 dân tộc này, ngôn ngữ của người La Chí và tiếng nói của các nhóm: Nùng Vẻn, Thái Đỏ Tày Đeng cũng được xem là đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc số hoá ngữ liệu sẽ đề ra những việc mới cần làm, trên cơ sở tận dụng khai thác những kết quả nghiên cứu đã có, thể hiện rõ ở thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ này.

2.2. Thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ Thái - Kađai có nguy cơ mai một và công việc số hoá

Ngoài việc dựa vào các kết quả khảo cứu đã có, còn phải nghiên cứu bổ sung sao cho có một kho dữ liệu (điện tử) đầy đủ nhất, phục vụ (khi cần) cho việc tìm hiểu một ngôn ngữ về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và việc sử dụng nó trong đời sống ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.

Công việc số hoá sẽ được tiến hành trên cơ sở thực trạng khảo cứu về các ngôn ngữ của 6 DTTS và 2 nhóm người nêu trên. Cụ thể như sau:

Pu Péo

Là tộc người đang đứng trước nguy cơ bị biến mất bởi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của đồng bào rất thấp. Người Pu Péo dùng tiếng mẹ đẻ làm công cụ giao tiếp trong gia đình nhưng khi ra khỏi nhà, khỏi làng bản, họ sử dụng hoặc tiếng Việt, hoặc tiếng Tày, hay tiếng Nùng hoặc tiếng Mông.

Từ các nghiên cứu về vốn từ, vấn đề hình vị trong hệ thống ngữ âm của tiếng Pu Péo, đã có công trình tập thể của hai tác giả Hoàng Văn Ma, Vũ Bá Hùng (Tiếng Pu Péo, 1992).

Như thế, việc số hoá ngữ liệu có thể thực hiện cùng với việc ghi âm và ghi hình một số sinh hoạt văn hoá tiêu biểu, như bên cạnh lễ vào nhà mới, các lễ cúng cơm mới, cúng trừ sâu bệnh, đặc biệt có lễ xuống đồng hay ra đồng (pạt oong: pạt tiếng Pu Péo là làm sạch, oong là nước, pạt oong có nghĩa là làm sạch nước, phát lửa ra đồng đuổi tà ma và những điều xấu, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, khỏi vùng sinh sống. Xưa kia, cứ khoảng từ ngày 5-12 Tết, dân cả bản lại tập trung ở lễ pặt oong để cầu chúc một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Điều thuận lợi là Lễ pặt oong đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Đồng Văn tổ chức phục dựng từ năm 2015.

Thêm nữa, với người Pu Péo, bếp lửa có chức năng tín ngưỡng như ở gian thờ, lửa phải được nhen lên trong bếp qua đêm. Vì thế, nét văn hoá độc đáo này cũng cần được lưu giữ thích hợp ở dạng số hoá.

Ngữ liệu về tiếng Pu Péo còn có thể được ghi lại qua lời kể Inh và Ính là truyện về nhân vật người con riêng - có nhiều nét tương đồng với truyện Tấm Cám của người Kinh.

Bố Y

Đến năm 1979, nhóm Tu Dí mới hợp nhất với Bố Y thành dân tộc Bố Y, nhưng theo Hoàng Văn Ma: “Tu Dí và Bố Y không liên quan gì về ngôn ngữ mà xếp theo nguồn gốc lịch sử”. Như thế, cần tách biệt tiếng Tu Dí với tiếng Bố Y, trong vốn ngữ liệu chung.

Tiếng Tu Dí thuộc nhóm các ngôn ngữ “hầu như đã bị mất, hiện chỉ còn từ 1 đến 15 người sử dụng” [9]. Theo tác giả Trần Trí Dõi (2001), tiếng Bố Y là ngôn ngữ chưa có chữ viết và chưa được nghiên cứu ở Việt Nam, trong khi họ đã quên tiếng mẹ đẻ. Số đông người Bố Y đã dùng tiếng Nùng trong giao tiếp hàng ngày cùng với sự phai mờ tiếng mẹ đẻ [1].

Như thế, cần tiến hành nghiên cứu có bài bản và toàn diện về tiếng nói của người Bố Y, nhóm Tu Dí và công việc số hoá cũng cần dựa vào những công trình nghiên cứu (đã công bố) về văn hoá (ẩm thực, tập quán và nghi lễ đám cưới, âm nhạc) dân gian và văn học cổ truyền.

Cơ Lao

Gồm 3 nhóm: Cơ Lao Đỏ, Cơ Lao Trắng và Cơ Lao Xanh. Dân tộc này chưa hề có chữ viết. Tương ứng với 3 nhóm là 3 phương ngữ nhưng hiện nay phần lớn nhóm Cơ Lao Đỏ và một bộ phận nhóm Cơ Lao Xanh không còn sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình nữa [16]. Như vậy, chỉ còn nhóm Cơ Lao Trắng, với trên dưới 100 người sử dụng. Lớp trẻ gần như quên tiếng mẹ đẻ, dùng pha trộn. Nhiều thầy cúng tập hợp lại mới đọc được bài cúng.

Việc số hoá có thể sử dụng kết quả của sự hợp tác nghiên cứu Việt - Xô từ thế kỷ trước, đó là công trình Các ngôn ngữ của người Cơ Lao. Từ liệu từ vựng đối chiếu các ngôn ngữ Kađai (bằng tiếng Nga) của nhóm tác giả Samarina Irina, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Hữu Hoành và Tạ Văn Thông, do Nhà xuất bản Viện Hàn lâm, Moxkva, in vào năm 2011.

Lự

Gồm 02 nhóm: Lự Đen (Lự Đăm) và Lự Trắng. Người Lự có chữ viết cổ, song ngôn ngữ của dân tộc này chưa được giới nghiên cứu quan tâm, nên rất cần một nghiên cứu bài bản về ngôn ngữ, có thể dựa trên những khảo cứu về văn hoá.

Đó là vì trong kho tàng văn hoá dân gian của người Lự, phải kể đến các làn điệu dân ca, dân vũ mang nhiều dấu ấn đặc sắc. Về nhạc cụ, người Lự có pí Mo hoặc pí Lự. Trang phục của người Lự không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh: tất cả những hình hoa văn trang trí trên trang phục đều gắn với đời sống, mang những nét đặc trưng riêng với mong muốn sung túc, an lành, bình yên. Trong các lễ cúng, một trong những việc không thể thiếu trong Lễ mừng cơm mới của người Lự là kiêng nhà. Sau khi ăn uống, ông chủ gia đình đan tấm phên hình mắt cáo gọi là ta leo, dùng lá xanh cài và cắm trước cửa nhà. Kiêng trong 3 ngày, không mua bán, vay mượn hay cho ai bất cứ một vật gì trong nhà và nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tuy nhiên, người Lự không có bát hương mà gian thờ của người Lự ngày thường thì góc thờ không bày biện gì, chỉ đến khi nhà có lễ cúng thì gian thờ mới được dọn dẹp sắp lễ.

Từ năm 2013, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chính thức được công nhận là điểm du lịch văn hoá cộng đồng người Lự. Để giữ được những nét văn hoá truyền thống, vào những lúc nông nhàn hoặc các buổi tối bà con luôn duy trì nghề se bông, dệt vải, may hàng thổ cẩm…

La Ha

Gồm các nhóm: La Ha cạn nh.Khlá Phlao và La Ha nước nh.La Ha ủng. Tác giả Nguyễn Hữu Hoành (2004) trong Chương trình Điều tra nghiên cứu về ngôn ngữ học - xã hội (Hợp tác Nga - Việt) do Lý Toàn Thắng làm chủ nhiệm, cho rằng chỉ có 10,3% người La Ha biết tiếng mẹ đẻ, mà phần lớn là đàn ông trên 45 tuổi. Học sinh tiểu học và trung học thì tỷ lệ chỉ còn 8,6%. Rõ ràng là người ta đang bỏ dần tiếng dân tộc mình khiến cho “Tiếng La Ha thực sự rơi vào vực thẳm của sự diệt vong”.

Việc số hoá có thể sử dụng kết quả của sự hợp tác nghiên cứu Việt - Xô từ thế kỷ trước, do nhóm tác giả Hoàng Văn Ma và N. V. Sonceva công bố trong một cuốn sách có tên là Tiếng La Ha (bằng tiếng Nga), được Nhà xuất bản Khoa học, Moxkva, in năm 1986. Sau đó, Hoàng Văn Ma đã bảo vệ thành công (năm 1988) luận án tiến sỹ Về vấn đề vị trí của tiếng La Ha, tại Liên Xô (cũ), bằng tiếng Nga.

La Chí

Tiếng La Chí được coi là một “thổ ngữ có nguy cơ bị mai một nhất”. Rất may là việc xác định cấu trúc tiếng La Chí qua 3 phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được thực hiện thao tác ghi âm, đối dịch và lưu giữ theo kỹ thuật hiện đại” [7].

Như thế, việc số hoá ngữ liệu thu thập sẽ thực hiện dễ dàng khi giải pháp này được chấp nhận. Đương nhiên, có thể kế thừa công trình đi trước của hai tác giả Nguyễn Văn Lợi, Jerold A. Edmondson (1999, Tiếng La Chí ở thượng nguồn sông Lô), trong bức tranh chung về Người La Chí của Vũ Tú Quyên (2009, Người La Chí ở Hà Giang).

Nùng Vẻn

Nùng Vẻn nằm trong Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO). Phát hiện những khác biệt khi so sánh với các nhóm Nùng khác - vốn thuộc nhóm Tày - Thái, tiếng Nùng Vẻn được xem là một ngôn ngữ thuộc nhóm Kađai, cùng ngữ hệ Thái - Kađai [4]. Tiếp tục quan niệm này, trong phần “Các chi ngôn ngữ trong ngữ hệ Tai - Kađai”, Nguyễn Văn Lợi (2013) khẳng định rằng tiếng nói của người Nùng Vẻn ở Việt Nam cũng thuộc chi Kađai. Cụ thể đó là các ngôn ngữ: Cơ Lao, Pu Péo (còn gọi là La Quả) ở Hà Giang; La Chí, La Ha ở Sơn La, Lai Châu và Nùng Vẻn ở Cao Bằng [8].

Một số nét tương đồng và sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá giữa người Tày và các nhóm Nùng khác như Nùng An đã được người trong cuộc chỉ ra, nhưng cần có những nghiên cứu bổ sung để tài nguyên thông tin số hoá tập hợp đầy đủ ngữ liệu về tiếng Nùng Vẻn, khi hiện vẫn còn người biết, như trong bài viết Người Nùng Vẻn ở bản Cja Tjeng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng - nét tương đồng và sự khác biệt với người Tày và các nhóm Nùng khác của hai tác giả: Vương Văn Võ, Hoàng Thị Nhuận (2015) trong Kỷ yếu Hội nghị Quốc gia Thaí học Việt Nam lần thứ 7 tại Lai Châu. Đáng chú ý là 12 tháng trong năm thì gần như tháng nào nhóm người này cũng có tết, mỗi tết có một đặc trưng riêng. Như thế, ngữ liệu có thể được khai thác cũng là để ghi nhận những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này.

Thái Đỏ Tày Đeng

Thái Đỏ Tày Đeng (Tai Daeng) cũng nằm trong Danh sách 28 ngôn ngữ mai một ở Việt Nam (theo tài liệu của UNESCO).

Theo GS. TS Nguyễn Văn Lợi (2013): Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở nước ta và thế giới còn có sự khác nhau trong quan niệm về sự tồn tại một nhóm Thái riêng biệt: nhóm Tày Đeng. Phần lớn các nhà nghiên cứu dân tộc học nước ta cho rằng Tày Đeng chỉ là tên gọi nhóm cư dân vốn cư trú ở khu vực Mường Đeng, Thanh Hoá. Đa số các tác giả nước ngoài thừa nhận rằng, Tày Đeng là một ngành Thái riêng biệt bên cạnh Tày Đăm (Thái Đen), Tày Đon (Thái Trắng), Tày Do [8].

Về mặt ngôn ngữ, tiếng nói các nhóm Tày Đeng ở Thanh Hoá, cũng như Thái Thanh (còn gọi Man Thanh) ở Nghệ An, tiếng Thái Mai Châu, Hoà Bình, nhóm Tày Tấc ở Phù Yên, Sơn La, có những đặc điểm thống nhất và khác biệt với tiếng Thái Đen, Thái Trắng.

Vì thế, rất cần có một công trình nghiên cứu toàn diện để có ngữ liệu tin cậy đưa vào số hoá.

Kết luận

Ngày nay, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi. Phát triển tài nguyên số để trở thành một thư viện hay bảo tàng hiện đại, trong đó có việc bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, góp phần xây dựng một xã hội đa văn hoá, ít nhất là lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu là những kho tư liệu điện tử, được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại [15].

Tham gia Hội thảo quốc tế “Vai trò của đa dạng ngôn ngữ trong việc xây dựng cộng đồng thế giới chia sẻ tương lai” do UNESCO tổ chức, chúng tôi may mắn có dịp tham quan sản phẩm số hoá tư liệu về các ngôn ngữ ở Bảo tàng các dân tộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Vì thế, thiết nghĩ số hoá có thể xem là một trong những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở nước ta, bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về ngôn ngữ và văn hoá. Nếu được bảo quản tốt thì có thể khai thác lâu dài.

Được biết, đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc” - Mã số CTDT. 08.16/16-20 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt ngày 14/11/2016 đã triển khai, xuất phát từ nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DTTS và chính sách dân tộc phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” - Mã số CTDT/16-20.

Chương trình này đã tính đến tận dụng việc thu thập và khai thác các dữ liệu hiện đang lưu trữ ở các thư viện, bảo tàng trung ương và địa phương, đó là những kho tài liệu nghe nhìn lớn nhỏ về sinh hoạt văn hoá và ngôn ngữ tộc người, thường là sản phẩm của đề tài và nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó có một số đề tài hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, như kết quả của các chương trình hợp tác Việt - Nga hay Việt - Pháp, mà Trần Trí Dõi (2018) cũng đã nói tới.

Từ trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai, cũng có thể vận dụng vào các ngôn ngữ khác ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một, khi thực trạng khảo cứu có sự tương tự. Đó là có ngôn ngữ được nghiên cứu công phu, đã công bố bằng tiếng Việt (như tiếng Pu Péo) hoặc chủ yếu chỉ bằng tiếng Nga (như tiếng La Ha và tiếng Cơ Lao), có ngôn ngữ còn ít được nghiên cứu (như tiếng La Chí, tiếng Nùng Vẻn) hay chưa được nghiên cứu xứng đáng (như tiếng Bố Y, tiếng Lự, tiếng Thái Đỏ).

Khảo cứu bổ sung và tổ chức dịch thuật (từ tiếng Nga hay Pháp) để có ngữ liệu đầy đủ (bằng tiếng Việt) từ những nghiên cứu toàn diện về các ngôn ngữ có nguy cơ mai một cần được xem là một nhiệm vụ cấp bách của ngôn ngữ học tộc người hiện nay. Tài nguyên thông tin khoa học được thu thập sẽ được số hoá hình thành các cơ sở dữ liệu, góp phần bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ, ít nhất là lưu trữ tại các kho tư liệu điện tử, được xử lý bằng công nghệ thông tin hiện đại, đặt tại thư viện hay bảo tàng, có thể khai thác liên thông, giúp ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học cũng như các ngành khoa học khác, phục vụ tìm hiểu sự tham gia của tất cả các (nhóm) tộc người đã từng góp phần làm nên lịch sử Việt Nam, một quốc gia đa sắc màu văn hoá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. - H.: Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2001.

2. Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.

3. Trần Trí Dõi (CHEN Zhirui). Tổng quan về những nghiên cứu các ngôn ngữ đang có nguy cơ mai một ở Việt Nam // Tạp chí Học viện Bách Sắc. - 2018. - Tr. 33-41.

4. Edmonson, Jerold A, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Văn Ma. Nùng Vẻn - một ngôn ngữ thuộc nhóm Kađai mới được phát hiện // Tạp chí Ngôn ngữ. - 1999. - Số 5. - Tr. 12-21.

5. Dương Thu Hằng. Báo cáo đề dẫn // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 1-6.

6. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh. Bảo tồn ngôn ngữ tộc người - một vấn đề cấp bách trong hành trình bảo tồn và phát triển các dân tộc rất ít người ở Việt Nam hiện nay // Hội thảo khoa học Quốc tế “Nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá các dân tộc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”. - Trung Quốc: Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, 2018.

7. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh. Thực trạng mai một tiếng La Chí của người La Chí ở Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang từ góc nhìn ngôn ngữ học xã hội // Tạp chí Ngôn ngữ. - 2019. - Số 1. - Tr. 51-61.

8. Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông. Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. - H.: Nxb Từ điển Bách khoa, 2013.

9. Nguyễn Văn Lợi. Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam // Tạp chí Ngôn ngữ. - 1999. - Số 4. - Tr. 47-60.

10. Nguyễn Văn Lợi. Tình trạng ngôn ngữ mai một ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 7-30.

11. Nguyễn Thu Quỳnh, Ôn Thị Mỹ Linh. Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 31-49.

12. Mai Văn Thạch. Thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Mường Tè - Lai Châu // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 172-176.

13. Tạ Văn Thông. Biên soạn từ điển đối dịch trước nguy cơ mai một các ngôn ngữ ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2018. - Tr. 195-209.

14. Vương Toàn. Khai thác tiện ích của công nghệ truyền thông nhằm bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở nước ta // Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay. - Sơn La: Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc. - 2018. - Tr. 185-194.

15. Vương Toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đổi mới hoạt động thư viện. - H.: Nxb Thông tin và Truyền thông, 2013. - 239 tr.

16. Vương Toàn. Số hoá để bảo tồn bằng lưu trữ dữ liệu về các ngôn ngữ trước nguy cơ mai một: Từ trường hợp các ngôn ngữ Thái - Kađai ở Việt Nam // Kỷ yếu Hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. - Thái Nguyên: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. - 2019. - Tr. 53- 63.

17. Viện Dân tộc học. Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam. - H.: Nxb. Khoa học xã hội, 1983.


Tình trạng: Cự kỳ nguy cấp – Ký hiệu (ISO 639-3): enc

Tình trạng: Dễ tổn thương – Ký hiệu (ISO 639-3): enc

Từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 1979, Tu Dí được hợp nhất với Bố Y thành dân tộc Bố Y

_________________

PGS. TS. Vương Toàn

Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 18-23,51.

 

Đào tạo 4.0 ngành Thư viện - Thông tin

E-mail Print

Mở đầu

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã ảnh hưởng và tác động đến mọi ngành nghề trong xã hội, trong đó có ngành Thư viện - Thông tin (TVTT). Vì vậy, các cơ sở đào tạo ngành học này đang tìm cách thích ứng với tình hình mới là một động thái tích cực, đi kịp với sự biến đổi của xã hội.

1. Nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

Thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0. Đặc trưng chủ yếu của nó là những tiến bộ trong công nghệ có tiềm năng kết nối con người toàn cầu trên Internet. CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối và điện toán đám mây… được ứng dụng vào cuộc sống.

Theo dự đoán, khoảng 10 năm nữa sẽ có 90% dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh, 30% công việc kiểm toán trong các công ty, doanh nghiệp được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo, khoảng 80% hình ảnh người dân hiện diện số trên Internet, 10% ô tô chạy trên đường ở Hoa Kỳ không cần người lái; lúc đó cũng xuất hiện dược sỹ robot đầu tiên và triển khai ghép tạng trên người bằng công nghệ in 3D… [2].

Trong CMCN 4.0, các cơ quan TVTT Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại để thay đổi cách thức hoạt động cũ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phong phú, đa dạng của người dùng tin.

Bản chất tự nhiên không biên giới của Internet giúp các cơ quan TVTT có thể đi xa hơn, truy cập toàn cầu tới các tài nguyên tri thức và các cơ sở dữ liệu khắp trên thế giới với khung thời gian 24/7. Với khả năng mang thế giới ảo và thế giới thực xích lại gần nhau, CMCN 4.0 giúp các cơ quan TVTT cung cấp dịch vụ trực tuyến với nhiều tiện ích: từ đăng ký thẻ, thực hiện tra cứu, nhận tư vấn, đọc và sử dụng thông tin, tài liệu… phát triển số lượng người dùng tin trực tuyến và tham gia vào việc cung cấp các khoá đào tạo điện tử (e-learning) không bị giới hạn về địa điểm sinh sống, học tập [4].

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức mà một trong số đó là: môi trường TVTT hiện đại đòi hỏi những người làm việc phải có thêm nhiều phẩm chất, trình độ và kỹ năng mới ngoài các nghiệp vụ TVTT thông thường.

Như vậy, để có những sản phẩm thích ứng và bắt kịp với xu thế của thời đại, các cơ sở đào tạo ngành TVTT cũng phải chuyển mình để không bị tụt hậu. Không thể vẫn sử dụng nội dung, chương trình và phương pháp cũ để đào tạo những cử nhân TVTT thời kỳ CMCN 4.0.

Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng cần thời gian và một lộ trình thích hợp. Trước tiên, cần tìm hiểu hiện nay quá trình đào tạo đã cho ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay chưa?

2. Yêu cầu từ nhà tuyển dụng hiện nay

Tháng 5/2018, bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Cần Thơ đã nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học trường Đại học Cần Thơ” do tiến sỹ Huỳnh Thị Trang làm chủ nhiệm. Mục tiêu của Đề tài này là tìm những minh chứng thiết thực từ phía nhà tuyển dụng để biết được sinh viên tốt nghiệp có đáp ứng yêu cầu thực tế hay không nhằm cập nhật khung chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của ngành cho phù hợp với nhu cầu của xã hội. Năm 2017, Bộ môn cũng nghiệm thu Đề tài: “Khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên ngành Thông tin - Thư viện trường Đại học Cần Thơ sau khi tốt nghiệp” do thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Mai làm chủ nhiệm. Công trình này chủ yếu lấy ý kiến từ cựu sinh viên về các yếu tố tác động đến việc làm của họ nhằm cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo.

Kết quả của 2 đề tài nghiên cứu có nhiều điểm tương đồng. Đó là cả nhà tuyển dụng và cựu sinh viên cùng đề nghị chương trình đào tạo ngành TVTT cần tăng cường thời lượng các môn thực hành, giảm lý thuyết, chú trọng trau dồi kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin và ngoại ngữ, chú ý tinh thần thái độ làm việc, tăng cường nghiên cứu khoa học… [6].

Trong công trình khảo sát ý kiến của nhà tuyển dụng, nghiên cứu đã xác định được 03 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người sử dụng lao động là: Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và áp dụng công nghệ thông tin trong công việc; Thái độ của sinh viên gồm ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và tinh thần cầu tiến; Kiến thức chuyên ngành thư viện và kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và áp dụng công nghệ thông tin vào công việc của sinh viên là nhân tố có mức ảnh hưởng mạnh nhất đến mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng. Những người sử dụng lao động còn yêu cầu sinh viên tốt nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn cần phải có thêm 08 nhóm kiến thức, năng lực và kỹ năng khác, đó là: Kỹ năng giao tiếp; Làm việc nhóm; Tự làm việc; Phân tích và tổ chức thông tin; Phục vụ thông tin; Công nghệ thông tin; Quản lý; Kiến thức xã hội nói chung. Trong đó, kỹ năng giao tiếp được đánh giá là rất cần thiết [6].

Qua 2 kết quả nghiên cứu của bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, trường Đại học Cần Thơ và nhìn lại chương trình đào tạo ngành TVTT của một số trường đại học trên cả nước, có thể thấy nội dung chương trình đào tạo của các trường hiện nay đã đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, những yêu cầu về kỹ năng mềm, kỹ năng thông tin đang trở nên bức thiết, nhưng quá trình đào tạo hiện nay chưa chú trọng đúng mức. Một số chương trình đào tạo không có các môn như: Kỹ năng giao tiếp; Làm việc nhóm; Phục vụ thông tin…

Về phương pháp đào tạo, hiện nay đa số các cơ sở đào tạo ngành TVTT đã kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tế đối với những môn chuyên ngành. Nhưng với các môn thuộc về kỹ năng mềm, kỹ năng thông tin sinh viên còn học thiên về lý thuyết, chưa học thông qua trải nghiệm thực tế. Ví dụ môn: Kỹ năng giao tiếp, Làm việc nhóm, Phân tích và tổ chức thông tin… Vì vậy khi đi làm việc còn lúng túng, bỡ ngỡ, chưa áp dụng được ngay.

Việc lấy ý kiến phản hồi từ nhà tuyển dụng lao động của các cơ sở đào tạo ngành TVTT chưa được thực hiện rộng khắp, thường xuyên. Những yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với các cử nhân ngành TVTT hiện nay cũng đi cùng với những biến đổi của một xã hội thông tin và quá trình hội nhập quốc tế. Nếu đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động, các cơ sở đào tạo ngành TVTT sẽ có đà để tiếp tục thích ứng khi cuộc CMCN 4.0 chiếm lĩnh toàn bộ xã hội.

3. Đào tạo ngành Thư viện - Thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Ngành TVTT là một ngành không ngừng phát triển. Từ thời cổ đại cho đến nay, vai trò, nhiệm vụ của người làm thư viện không ngừng biến đổi cùng với những bước tiến của xã hội. Vào thời cổ đại họ là những nhà khoa học thu thập và phân loại tài liệu, đến thời trung cổ họ là những người thu thập, phân loại, giúp người dùng tin tra cứu thông tin, sang thời cận đại, chức năng tra cứu của người làm thư viện thể hiện rõ hơn. Khoảng thế kỷ XIX, người làm thư viện có các nhiệm vụ cơ bản: thu thập, xử lý, bảo quản tài liệu, phục vụ người dùng tin. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi công nghệ thông tin được ứng dụng vào thư viện, cách thức làm việc trong thư viện thay đổi về cơ bản, lúc này việc bổ sung nguồn lực thông tin được thực hiện qua mạng, biên mục bằng máy, phục vụ người dùng tin qua hệ thống tự động hoá, tra cứu được thực hiện trên máy tính và qua mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, người làm thư viện đã từ những người giữ sách thành những chuyên gia xử lý và phổ biến thông tin.

Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi tận gốc rễ bộ mặt xã hội và tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành TVTT. Để đào tạo ra những chuyên gia xử lý và phổ biến thông tin 4.0, các cơ sở đào tạo cần có những thay đổi căn bản trong: Thiết kế chương trình đào tạo; Phương pháp giảng dạy; Tư duy của giảng viên; Cơ sở vật chất; Liên kết chặt chẽ nơi sử dụng lao động…

3.1. Về thiết kế chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo vừa là công cụ, vừa là thước đo trình độ phát triển của mỗi trường. Việc xác định rõ ràng chuẩn đầu ra với các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của chuyên gia TVTT trong bối cảnh mới là một việc làm hết sức cần thiết.

Trong CMCN 4.0, chương trình đào tạo ngành TVTT cần phải cập nhật các nội dung kiến thức về công nghệ 4.0 ứng dụng trong thư viện như: trí tuệ nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, quản trị thông tin 4.0, các sản phẩm và dịch vụ thông tin 4.0, công nghệ lưu trữ và bảo mật thông tin…

Nội dung chương trình đào tạo ngành TVTT cần được thiết kế theo định hướng ứng dụng và thường xuyên được cập nhật, chuẩn đầu ra được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được. Các học phần về công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ lớn trong chương trình. Bổ sung thêm các môn học về kỹ năng mềm như: kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm… Nội dung chương trình cần được triển khai theo hướng mở, hội nhập quốc tế, có thể tham khảo giáo trình của nước ngoài.

Bố trí khoảng 50% thời gian dành cho hoạt động thực tập, thực tế. Học xong có thể thực hành được ngay.

Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ để đảm bảo tính mềm dẻo, giúp sinh viên có thể chủ động lựa chọn chương trình, kế hoạch học tập phù hợp, có thể rút ngắn thời gian học, có thể vừa làm, vừa học.

Chương trình đào tạo được thiết kế đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời tính đến năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc của sinh viên. Việc rút ngắn khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu đặt ra từ thực tế của nơi tuyển dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

3.2. Về phương pháp đào tạo

Phương pháp đào tạo là cách thức sử dụng các nguồn lực sẵn có để giáo dục sinh viên. Trong kỷ nguyên 4.0, chắc chắn phương pháp đào tạo ngành TVTT phải thay đổi để có thể đi cùng với sự phát triển của xã hội.

Ở thời đại số, giảng dạy trực tuyến tạo ra một môi trường học tập năng động. Các lớp học ảo khiến sinh viên dễ dàng tương tác với nhau qua máy tính: “Các sinh viên theo học những khoá trực tuyến thường là những học viên tự quản, tự định hướng. Họ thể hiện óc sáng tạo, tính độc lập và sự kiên trì trong việc học. Khi họ chịu trách nhiệm cho việc học của bản thân, họ coi các vấn đề như những thử thách thay vì những trở ngại. Họ có chung một niềm hiếu kỳ cao độ, một khao khát học hỏi mãnh liệt và khả năng kỷ luật tự giác. Họ có thể lập ra những mục tiêu, đề ra những kế hoạch, tổ chức thời gian và xác lập một nhịp độ thích hợp cho việc học” [5].

Hiện nay, hoạt động của ngành TVTT dựa vào những thành tựu của công nghệ thông tin. Khi CMCN 4.0 chiếm lĩnh toàn xã hội, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo ngành học này là tất yếu.

Đào tạo trực tuyến gia tăng sự giao lưu, tương tác giữa thầy và trò. Giảng viên có thể tạo ra những lớp học ảo hấp dẫn trên mạng, lấy ví dụ từ các thư viện số và với tới nhiều thư viện trên toàn cầu. Lớp học ảo nhưng người học được dẫn chứng bằng nhiều ví dụ rất thật.

Đến lúc đó, nguồn nhân lực TVTT được kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống. Đào tạo trực tuyến có thể áp dụng với các học phần môn chung và môn cơ sở ngành, có giám sát giúp sinh viên chuẩn bị bài và tự học ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào chỉ với điện thoại hoặc máy tính kết nối Internet. Đào tạo truyền thống áp dụng với các môn chuyên ngành, các môn kỹ năng để sinh viên học qua thực hành và trải nghiệm.

Với các lớp học trực tuyến, giảng viên ngành TVTT có thể tạo ra các khoá học, ghi danh và nhắn tin với sinh viên một cách dễ dàng. Người thầy lúc này có thể thiết lập các diễn đàn thảo luận, tạo ra hoạt động chat, đưa câu hỏi và bài tập lên mạng, đánh giá người học… Giảng viên có thể tận dụng các tính năng của Facebook, Google docs, Blog, Youtube, Ustream, Skype để có những lựa chọn hấp dẫn, lý thú và miễn phí cho các khoá học của mình. Lớp học ảo có thể chọn cách dạy không đồng bộ (sắp xếp theo trình tự thời gian) hoặc đồng bộ (trực tiếp theo thời gian thực). Với các lớp học không đồng bộ, giảng viên có thể tiến hành các hoạt động diễn đàn, tiểu luận và câu hỏi kiểm tra. Với các lớp học đồng bộ, giảng viên có thể tạo ra các nhóm chat trực tiếp, các nhóm thảo luận. Lúc này giảng viên và người học có thể thấy mặt nhau, giao lưu trực tiếp…

Bên cạnh các lớp học trực tuyến, các môn chuyên ngành TVTT và công nghệ thông tin phải được học qua thực hành, thực tế. Cách học hiệu quả là thông qua việc làm mẫu của giảng viên và sinh viên được áp dụng làm thử, làm ngay tại các cơ sở thực tập, những nơi liên kết, đối tác của cơ sở đào tạo.

Đào tạo trong công việc là phương pháp đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc. Cụ thể là sinh viên được đến các cơ quan TVTT hiện đại để học những kiến thức, kỹ năng cần thiết thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia TVTT lành nghề.

Đào tạo nghề TVTT cũng có thể áp dụng phương pháp dạy liên ngành như ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện, kỹ năng giao tiếp kết hợp với phục vụ người dùng tin… hay thực hiện mô hình đào tạo tích hợp, vừa giảng dạy chuyên môn, vừa đào tạo các kỹ năng, như dạy môn Tổ chức và bảo quản tài liệu, kết hợp kỹ năng giải quyết vấn đề, môn Phân loại kết hợp kỹ năng quản lý thời gian…

3.3. Về giảng viên

CMCN 4.0 làm thay đổi căn bản vai trò của giảng viên. Từ người dạy theo cách truyền thống trở thành người điều phối, xúc tác, tạo ra môi trường học tập… Giảng viên lúc này là người truyền cảm hứng, định hướng cho sinh viên, tạo cho họ nhiều cơ hội tự học, tự thực hành, tăng khả năng phản biện…

Cách học trực tuyến của ngành TVTT đòi hỏi giảng viên phải nắm vững công nghệ, thành thạo ngoại ngữ, có tư duy cởi mở, biết cách ứng dụng các tiện ích do Internet mang lại. Điều này đòi hỏi giảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi các kỹ năng.

Trong các lớp học ảo, giảng viên trao quyền cho sinh viên, để họ tự tìm hiểu và đào sâu kiến thức, làm chủ tư tưởng của mình. Giảng viên không còn là người có quyền lực độc nhất mà trở thành người truyền cảm hứng, điều tiết sinh viên…

Bản chất tương tác của giảng dạy trực tuyến là giúp duy trì sự nhiệt tình của sinh viên, nhưng cũng thử thách giảng viên về khả năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, công nghệ… Giảng viên phải tìm hiểu về hệ thống quản lý học tập trên Internet, hình thức học tập trên lớp kết hợp qua mạng máy tính và tự học, kỹ thuật hội thảo truyền hình cho phép nhiều người tham gia từ khắp nơi trên toàn cầu, có thể trao đổi trực tiếp với nhau qua hình ảnh và âm thanh hỗ trợ…

Để thích ứng với vai trò mới, mỗi giảng viên ngành TVTT phải tự nghiên cứu, học tập để bắt kịp với xu thế của xã hội… Thay đổi cần thiết nhất là thay đổi trong tư duy của người thầy.

Tuy nhiên, dù xã hội có phát triển vượt bậc đến đâu, giảng viên luôn là tấm gương để sinh viên học tập và noi theo. Giảng viên mang theo mình những chân giá trị vô hình như: yêu thương, khiêm tốn, khoan dung, trách nhiệm… những đức tính ấy sẽ được thẩm thấu một cách tinh tế vào sinh viên, hình thành thái độ tích cực và là hành trang quý giá mà các em mang theo suốt cuộc đời.

3.4. Về cơ sở vật chất

Nền tảng của CMCN 4.0 là những tiến bộ trong công nghệ, vì vậy, các trường đào tạo ngành TVTT cần đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường làm việc cho giảng viên và sinh viên.

Các phòng học với đầy đủ trang thiết bị nối mạng 24/7, các phần mềm tích hợp và quản trị là những yêu cầu cơ bản. Các phương tiện dạy học hiện đại, đa tính năng, ứng dụng tích hợp và sử dụng thiết bị ảo, thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D. Các kết nối wifi, kết hợp thực - ảo, kết nối nơi đào tạo và khắp nơi trong nước cũng như toàn cầu.

Nơi đào tạo cần có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan TVTT để tận dụng môi trường làm việc thực tế, sẵn có, tận dụng các trang thiết bị để sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập.

3.5. Đào tạo gắn với nơi tuyển dụng

Các cơ sở đào tạo ngành TVTT cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan TVTT để nắm bắt nhu cầu, cung cấp nguồn nhân lực, tạo môi trường tham quan thực tế và thực tập cho sinh viên…

Trong phát triển chương trình đào tạo, cần mời nhà tuyển dụng cùng chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn tham gia vào các Hội đồng phản biện và xây dựng chuẩn đầu ra, biên soạn chương trình, tham gia giảng dạy một số học phần chuyên môn.

Thực hiện thường xuyên việc lấy ý kiến phản hồi về nguồn nhân lực đã đào tạo tại những nơi sử dụng và kịp thời điều chỉnh chương trình, cách dạy. Việc lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên cũng là kênh thông tin cần thiết vì người trong cuộc bao giờ cũng có những cảm nhận rất sâu.

Các cơ quan TVTT và cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển rõ ràng. Những dự báo về nhân sự, yêu cầu của từng vị trí công việc tại nơi sử dụng lao động là cơ sở để nơi đào tạo dự báo số lượng nhân sự cho các giai đoạn. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo cần có chiến lược phát triển để các cơ quan TVTT biết được ngành nghề, năng lực đào tạo để đặt hàng. Như vậy, cả hai bên cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và sẽ rất hiệu quả nếu các bên tư vấn cho nhau trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển. Nếu có các bộ phận chuyên trách thực hiện công việc hợp tác, phát triển, đảm nhận vai trò làm cầu nối, điều phối chuyên nghiệp các hoạt động đào tạo gắn với nhu cầu của nơi sử dụng thì việc phối hợp giữa hai bên sẽ thuận lợi hơn. Đây là giải pháp thiết thực xoá dần khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng, góp phần nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế.

Kết luận

Cuộc CMCN 4.0 đã bắt đầu ảnh hưởng và sẽ tác động đến mọi mặt của xã hội trong thời gian không xa. Nhận diện những biến động do cuộc cách mạng này tạo ra đối với ngành TVTT để sẵn sàng đón nhận và vượt qua thử thách là việc làm cần thiết. Các cơ sở đào tạo ngành TVTT đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Việc nắm vững nhu cầu của nhà tuyển dụng, có những điều chỉnh trong nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và tư duy của giảng viên để phù hợp với cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng trở nên cấp bách.

Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Giảng viên phải chủ động thay đổi tư duy, đứng vững giữa biến động và giữ mãi những giá trị nhân văn tốt đẹp để truyền cảm hứng đến sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Clark, Dorie. Khởi nghiệp 4.0. - H.: Lao động, 2017.

2. Nguyễn Khôi. Việt Nam hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. - 2018. dan.com.vn/antuong/item/35210902-viet-nam- huong-toi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu- tu.html. Truy cập ngày 7/5/2018.

3. Nguyễn Huỳnh Mai. Khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên ngành Thông tin Thư viện trường Đại học Cần Thơ sau khi tốt nghiệp. - Cần Thơ: Đại học Cần Thơ, 2016.

4. Vũ Dương Thuý Ngà. Thư viện trong Cách mạng công nghiệp 4.0. - 2018. http://toquoc.vn/ thu-vien/thu-vien-trong-cach-mang-cong-nghiep- 40-341653.html. Truy cập ngày 7/5/2018.

5. Swenson, Pat. Giảng dạy trực tuyến trong thời đại số. - Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2015.

6. Huỳnh Thị Trang. Đánh giá mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học Trường đại học Cần Thơ. - Cần Thơ: Đại học Cần Thơ, 2018.

______________

TS. Dương Thị Vân

Khoa Thư viện – Văn phòng, trường Đại học Sài Gòn

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 1. - Tr. 18-23.

 

Tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức quản lý và hoạt động thư viện, chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

E-mail Print

Đặt vấn đề

Thư viện với sứ mệnh của mình đã có vị trí, vai trò rất lớn đối với xã hội nói chung, có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển đối với văn hoá, giáo dục, đào tạo, khoa học của mỗi quốc gia nói riêng.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với những công nghệ mới đang diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến mọi hoạt động của đời sống con người và xã hội. “Chuyển đổi để thích nghi” đang là xu hướng hoạt động thư viện trên toàn thế giới trước những thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới; những nguồn thông tin mới và nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của xã hội, xu hướng mới đã đặt ra yêu cầu cấp thiết có những cơ chế phản ứng phù hợp hơn đối với vấn đề tổ chức quản lý hoạt động thư viện.

Hoạt động thư viện nước ta trong những năm qua đã có những thay đổi vượt bậc từ phương thức hoạt động truyền thống sang phương thức hiện đại ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là CNTT đã tác động và làm thay đổi hoạt động của mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, ngành Thư viện không nằm ngoài sự tác động đó, từ những điều kiện khách quan, nhu cầu của xã hội, yêu cầu của người sử dụng đòi hỏi ngành thư viện Việt Nam (TVVN) cần phải đổi mới tổ chức quản lý hoạt động để phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời hiện thực hoá chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” ban hành ngày 4/5/2017 [1] và Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL ngày 28/11/2017 về “Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020” của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch [6], trong đó Chỉ thị số 16/CT-TTg đã đưa những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mục tiêu đưa Việt Nam bắt kịp nhịp độ phát triển của khu vực và thế giới, trong khi đó Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL đưa ra định hướng cụ thể hơn cho lĩnh vực thư viện đó là: Công nghệ số hoá, lưu trữ, kết nối và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) [6].

1. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến tổ chức, quản lý, hoạt động thư viện

Hiện nay cuộc CMCN 4.0 với hàng loạt công nghệ mới có tính tương tác cao như: Dữ liệu lớn (Big Data), Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Thực tế ảo (Virtual Reality - VR), Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ sinh học… đang có sức ảnh hưởng ngày các lớn đến cuộc sống của con người trên quy mô toàn cầu. CMCN 4.0 được dự báo sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, phương thức làm việc, cách giao tiếp, sản xuất, nghiên cứu của con người. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là ứng dụng rộng rãi những thành tựu công nghệ cao, đặc biệt là CNTT, số hoá, AI, kết nối mạng để quản trị nhằm tạo ra những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Xét về bản chất, CMCN 4.0 được coi là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức [2].

Đối với hoạt động thư viện, CMCN 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi cách các thư viện, trung tâm thông tin tổ chức, phổ biến, chia sẻ, phân tích và xử lý thông tin từ đó tham gia vào chuỗi các giá trị mà CMCN 4.0 mang lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu.

Không nằm ngoài quỹ đạo chung, các TVVN được sự đoán là sẽ chịu tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0, điều này vừa tạo ra cơ hội và những khó khăn, thách thức trong tổ chức, quản lý, hoạt động thư viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Trong thực tế, gần như mọi khâu công tác tại phần lớn các TVVN đã áp dụng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, nhất là CNTT và truyền thông. Với cuộc CMCN 4.0, dữ liệu (Data) đã trở thành trung tâm của mọi hoạt động, là "nhiên liệu" cho nền kinh tế số mới [8], chính là một yếu tố cấu thành của CMCN 4.0 và là yếu tố vô cùng quan trọng. Như vậy thư viện đã tham gia và đóng vai trò quan trọng trong khâu hỗ trợ cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu cho CMCN 4.0, bao gồm: Dữ liệu về tư liệu, dữ liệu người sử dụng, dữ liệu sản phẩm, dữ liệu thiết bị, dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu hoạt động, dữ liệu quản lý…

Như vậy, chính CMCN 4.0 đã tác động trực tiếp đến hoạt động tại các TVVN, nếu chúng ta có phương thức tiếp cận tốt, chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn thông tin khổng lồ đang được lưu giữ, bảo quản tại các TVVN, góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Thời cơ, thách thức trong quản lý và hoạt động thư viện hiện nay

Đối với ngành TVVN, CMCN 4.0 được xác định là một “sân chơi” lớn trong đó có thời cơ và khó khăn thách thức, nhất là trong điều kiện nhiều bất cập trong nội tại ngành Thư viện hiện tại vẫn chưa được quan tâm giải quyết kịp thời như: hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, chưa cụ thể; mức độ chuẩn hoá chưa cao; cộng đồng chưa mạnh; sự đầu tư chưa có tính liên tục và dài hạn; sự phát triển không đồng đều giữa các thư viện và hệ thống thư viện; nhân lực còn yếu; sự phối hợp chưa hiệu quả; công tác tạo lập, phát triển các bộ sưu tập số còn chậm, khả năng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, phối hợp hoạt động còn thấp; sự phối hợp với các ngành khác còn hạn chế… đã làm chậm sự phát triển của thư viện so với khu vực và thế giới, đồng thời đã làm giảm vai trò của thư viện đối với xã hội, thực tế thư viện đang thay đổi chậm so với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, hoạt động thư viện thế giới đang chuyển biến theo hướng ứng dụng mạnh mẽ sự đột phá của các công nghệ mới vào hoạt động thư viện theo hướng tích hợp và tương tác cao.

Đánh giá đúng thực trạng, nhận diện được thời cơ, những mặt thuận lợi cũng như thách thức, sẽ giúp ngành TVVN tìm ra được những giải pháp đối phó hiệu quả với tác động của CMCN 4.0, tham gia sân chơi chung của ngành Thư viện khu vực và thế giới.

2.1. Thời cơ

Tận dụng được sự phát triển vượt bậc của CNTT trong việc thu thập, tổ chức và phổ biến, phân phối thông tin, nhất là công nghệ nhận dạng thông minh, AI…

- Tạo cơ hội lớn, là yếu tố thúc đẩy ngành TVVN thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện.

- Giúp các TVVN nhanh chóng hoà nhập và tiếp cận được sự tiến bộ của ngành Thư viện trong khu vực và quốc tế.

2.2. Thuận lợi

- Về nhận thức, các TVVN cũng đang có sự tiếp cận rất nhanh chóng về CMCN 4.0 thông qua nhiều cuộc hội thảo, báo cáo nghiên cứu, đề xuất giải pháp.

- Các TVVN đã có quá trình ứng dụng CNTT vào hoạt động khá sớm, đã có kinh nghiệm nhất định trong việc triển khai hệ thống CNTT trong công tác thư viện.

- Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành quyết tâm thực hiện, đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể.

2.3. Khó khăn và thách thức

Hiện CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một số nước châu Á. Bên cạnh những cơ hội mới, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho ngành Thư viện nhiều thách thức phải đối mặt:

  • Thay đổi chính sách

Hoạt động thư viện gắn liền với ứng dụng khoa học và công nghệ, các dịch vụ thư viện mới cũng được triển khai chủ yếu trên nền tảng sự phát triển của CNTT. Trong kỷ nguyên số với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới nổi, là những công nghệ có tiềm năng rất lớn ứng dụng trong hoạt động thư viện, một số công nghệ trên đã được ứng dụng hoặc thử nghiệm thực tế ở một số thư viện trên thế giới, đòi hỏi có chính sách mới cả trong lĩnh vực thư viện và CNTT để có thể tiếp cận và ứng dụng các công nghệ này làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện ở nước ta.

Với yêu cầu trong việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0, ngành TVVN cần xây dựng những chính sách phù hợp để tận dụng tối đa lợi thế của sự phát triển công nghệ, nhất là trong lĩnh vực tạo lập, thu thập, xử lý và phân phối thông tin số hoá, hoặc cần làm rõ cơ sở pháp lý và các cơ chế để đảm bảo nào cho ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện?

Thách thức này sẽ đặt ra vấn đề hoạch định lại chiến lược phát triển cho ngành Thư viện trong thời gian tới.

  • Phát triển và quản lý bộ sưu tập số lớn

Với sự gia tăng nhanh chóng, đa dạng của các nguồn tin và nhu cầu cần thu thập và quản lý thông tin của thư viện, từ những nguồn tài nguyên nội tại của thư viện và nguồn thu thập từ bên ngoài như: Chuyển dạng tài liệu; Thu thập từ Internet; Dữ liệu nghiên cứu; Dữ liệu mở; Dữ liệu về người sử dụng; Dữ liệu tương tác từ các thiết bị trong thư viện; Dữ liệu mới được sinh ra từ chính các hệ thống AI, VR, AR...

Thu thập và quản lý dữ liệu dạng số không phải là một xu hướng mới, nhưng các công nghệ mới, sự bùng nổ của thiết bị di động, thiết bị kết nối Internet và ứng dụng cho các thiết bị di động ra đời trong thời gian gần đây đã cải thiện rất nhiều cơ hội thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu và tạo điều kiện phổ biến rộng rãi dữ liệu trên quy mô lớn. Yêu cầu đặt ra làm sao để có thể thu thập, tích hợp và quản lý các nguồn tin này một cách hiệu quả để người sử dụng có thể tăng cường tiếp cận và khai thác thông tin, xét về mặt chính sách và kỹ thuật?

- Về mặt chính sách: Cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo các hoạt động đó được triển khai một cách liên tục, đa dạng, bền vững, đồng thời xác định phạm vi ưu tiên và đảm bảo tính pháp lý trong việc thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thư viện.

- Về mặt kỹ thuật: Cần đảm bảo hạ tầng công nghệ đủ mạnh và các giải pháp kỹ thuật để có thể tích hợp được các loại hình dữ liệu, tạo ra nhiều định dạng tài liệu phục vụ các hình thức hiển thị của nhiều loại hình thiết bị truy cập, bảo quản số, duy trì và gia tăng thêm giá trị cho kho dữ liệu kỹ thuật số để duy trì lâu dài các bộ sưu tập số.

  • Làm chủ công nghệ mới

CMCN 4.0 với những công nghệ mới nổi đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển thư viện trên thế giới cũng như ở nước ta, đã có những sản phẩm cụ thể của các công nghệ này được ứng dụng thực tế hoặc đang trong quá trình thử nghiệm tại các thư viện, viện nghiên cứu, các hãng công nghệ trên thế giới.

Các xu hướng công nghệ dưới đây cần được chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng một cách phù hợp: Mạng lưới vạn vật kết nối; Trí tuệ nhân tạo; Dữ liệu lớn…

- Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT)

Trong những năm gần đây, IoT được nêu ra tại nhiều hội nghị quốc tế về thư viện và trở thành một chủ đề được quan tâm của các hiệp hội thư viện trên thế giới, được các chuyên gia về thư viện nghiên cứu triển vọng, tiềm năng, đồng thời thảo luận một cách tích cực để xác định phạm vi có thể và các hình thức ứng dụng công nghệ này vào việc triển khai các dịch vụ thư viện. Tiến xa hơn đã có những ứng dụng IoT đầu tiên ứng dụng trong hoạt động thư viện giúp người sử dụng tìm kiếm các tài nguyên và mở rộng sở thích của họ với các gợi ý theo ngữ cảnh [11], hay nhận thông báo cá nhân và thông báo theo ngữ cảnh (hoạt động, sự kiện, tương tác…) từ thư viện [20].

- Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)

Hiện tại AI được coi là một trong sáu công nghệ sẵn sàng tác động đến các chiến lược, hoạt động và dịch vụ của thư viện liên quan đến học tập, sáng tạo, nghiên cứu và quản trị thông tin [17]. Và AI cũng được coi là 1 trong 10 công nghệ tiên tiến được áp dụng trong thư viện tương lai [19].

AI đã được IFLA nhận định là 1 trong 4 xu hướng công nghệ quan trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thư viện toàn cầu (Dữ liệu lớn; Thiết bị di động; AI và In 3D) tại Báo cáo xu hướng IFLA (cập nhật 2018) [15] và IFLA cũng nhận định những tiến bộ trong nghiên cứu, ứng dụng về AI sẽ hứa hẹn sự đột phá trong việc phân tích dữ liệu và phát triển các thế hệ công cụ tìm kiếm thông tin mới [9].

- Dữ liệu lớn (Big Data)

Dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện cũng là chủ đề “hot” đang được các chuyên gia thảo luận tích cực trên phạm vi toàn thế giới. Như đã đề cập ở trên, dữ liệu lớn cũng là một trong những xu hướng chính được IFLA quan tâm và tổ chức các cuộc thảo luận những khía cạnh đa dạng của dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện [10].

Với tiềm năng ứng dụng rất lớn của dữ liệu lớn trong hoạt động thư viện, tuy nhiên sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, đó là: Phương pháp, cách thức tiếp cận; Sự tác động trực tiếp và gián tiếp của dữ liệu lớn đối với tổ chức, quản lý và hoạt động thư viện; Vai trò mới và cơ hội cho người làm thư viện; Giải pháp kỹ thuật cho thu thập, quản lý và phân phối bộ sưu tập số lớn; Cơ sở hạ tầng mạng thư viện để chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu lớn; Tính pháp lý trong việc thu thập, quản lý và phân phối dữ liệu lớn…

  • Tích hợp dữ liệu, tìm kiếm tập trung

Tổ chức tìm kiếm và hiển thị thông tin của mọi nguồn tài nguyên thư viện thông qua một nền tảng (platform) duy nhất như là các hệ thống “one search” - một nền tảng tìm kiếm tổng hợp hầu hết các tài nguyên dưới dạng điện tử và tài liệu dạng in ấn của thư viện (Sách; Tạp chí; Bài trích; Tài liệu nghe nhìn; Tranh ảnh; Báo; Hồ sơ; trang web, Tạp chí điện tử…), làm cho chúng có thể tìm kiếm được cùng một lúc từ một vị trí trung tâm. Tích hợp mọi nguồn dữ liệu và quản lý được chúng sẽ hỗ trợ các hệ thống công nghệ mới có sử dụng AI tiến hành xử lý và phân tích dữ liệu trên quy mô lớn được thuận lợi.

Hệ thống tìm kiếm tập trung không phải là công nghệ mới, tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ với các hệ thống thông minh nhân tạo, hệ thống “one search” với một nền tìm kiếm dữ liệu tập trung sẽ trợ giúp, rút ngắn quá trình tìm kiếm, tổ chức, phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu. Áp dụng công nghệ mới sẽ dẫn đến những đột phá trong quản lý dữ liệu số, kết quả tìm kiếm sẽ chính xác hơn và cho phép các thư viện quản lý và hiển thị tài nguyên có liên quan với hệ thống quản lý trích dẫn khoa học một cách hiệu quả hơn.

  • Chuyển đổi không gian thư viện

Chuyển đổi không gian thư viện là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghệ số. Không gian mới cần được tăng cường cho ứng dụng số, thiết bị công nghệ hiện đại, do đó thư viện cần định hình lại các dịch vụ, đổi mới môi trường đọc, không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ số, nhất là tập trung vào đa dịch vụ trong một không gian, hoặc các dịch vụ trải nghiệm, như:

- Không gian truy cập các nguồn lực thông tin: Xây dựng không gian mang tính kết nối cao giữa tài liệu truyền thống và các nguồn thông tin số, đảm bảo tính tập trung.

- Không gian học tập, giáo dục: Không gian học tập, giáo dục cần được thiết kế lại để có thể kết nối được các hoạt động học tập, nghiên cứu một cách thuận lợi và liền mạch, gắn liền với các dịch vụ thư viện, bao gồm: cung cấp tài liệu, truy cập các cơ sở dữ liệu, cung cấp máy tính, wifi, thiết bị truy cập Internet, thiết bị hỗ trợ trình chiếu, ổ điện, các thiết bị tập thuyết trình...

- Không gian chia sẻ tri thức: Không gian kết hợp các thiết bị công nghệ với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện và các hoạt động mang tính định hướng và truyền cảm hứng để tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức.

- Không gian sáng tạo, phức hợp, đa chức năng: Không gian thư viện phục vụ nhiều hoạt động, đảm bảo sự trải nghiệm của người sử dụng trong một không gian tiện ích với các công cụ hỗ trợ: chơi nhạc, xem phim, nghe nhạc, công cụ thí nghiệm, lắp ráp…

- Không gian sinh hoạt cộng đồng: Tạo không gian để cộng đồng dân cư hội họp, gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt tạo nên các quan hệ xã hội, là nơi phổ biến các kiến thức phổ thông. Thư viện cần được coi là “trái tim” của cộng đồng, từ đó xây dựng các kế hoạch hoạt động để có thể cân bằng giữa dịch vụ thư viện và nhu cầu của địa phương.

  • Đổi mới cung cấp dịch vụ

Cần xác định rằng hoạt động thư viện trong kỷ nguyên số với sự tác động của công nghệ mới chắc chắn sẽ thay đổi cách mà thư viện cung cấp thông tin tới người sử dụng, bên cạnh các dịch vụ cung cấp thông tin truyền thống như: Mượn tài liệu, truy cập Internet; khảo cứu; đọc báo, tạp chí; cung cấp thông tin đa phương tiện; in và sao chụp tài liệu… dịch vụ truy cập số cần phải thay đổi mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng và phù hợp với cách thức, phương tiện mà người sử dụng truy cập thông tin, mặt khác đảm bảo khả năng cho người sử dụng đánh giá, tương tác đến các nguồn tin của thư viện rất quan trọng.

Một số yêu cầu bước đầu cho việc đổi mới và tăng cường cung cấp các dịch vụ thư viện trong môi trường số, đây cũng là thách thức lớn mà các TVVN cần quan tâm là:

- Thay đổi phương thức vận hành thư viện theo hướng quản trị tri thức, triển khai dịch vụ số cung cấp khả năng truy cập cho cá nhân, tổ chức và các hệ thống thông tin số có thể tích hợp và khai thác thông tin.

- Triển khai và đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu cần coi thư viện là một mắt xích trong quy trình nghiên cứu và có tác động trong chuỗi giá trị nghiên cứu.

- Tăng cường triển khai ứng dụng di động.

- Hỗ trợ mạnh mẽ và tích cực triển khai truy cập mở (Open Access).

- Đẩy mạnh triển khai mượn liên thư viện (dạng in và dạng số).

- Hỗ trợ, hoặc cung cấp các khoá học trực tuyến (Online Learning).

Ngoài ra, phương thức vận hành thư viện thay đổi theo xu hướng công nghệ cũng như nhu cầu của người sử dụng, do đó thư viện cũng cần nghiên cứu xu hướng của xã hội, đổi mới và triển khai các dịch vụ thư viện trên nền tảng mạng xã hội.

Triển khai dịch vụ thư viện trên môi trường số có sự thay đổi nhanh chóng là công việc không dễ dàng, tuy nhiên việc thay đổi là bắt buộc nếu thư viện muốn đáp ứng các yêu cầu và xác định vị trí, vai trò của mình với xã hội.

  • Truy cập mở

Truy cập mở (Open Access) là quyền truy cập miễn phí vào thông tin và sử dụng tài nguyên điện tử không hạn chế cho tất cả mọi người. Bất kỳ loại nội dung kỹ thuật số nào cũng có thể là truy cập mở, từ văn bản và dữ liệu đến phần mềm, âm thanh, video và đa phương tiện… [21]. Truy cập mở được phân phối trực tuyến và có thể bổ sung giấy phép Creative Commons để thúc đẩy tái sử dụng.

Truy cập mở đang có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt là trong giáo dục và nghiên cứu, vậy thư viện cần có vai trò như thế nào đối với truy cập mở?

Trong tuyên bố của IFLA về tiếp cận mở [14], IFLA cam kết các nguyên tắc tự do tiếp cận thông tin và tin rằng việc truy cập thông tin phổ cập và công bằng rất quan trọng cho xã hội, giáo dục, văn hoá, dân chủ và kinh tế của con người, cộng đồng và tổ chức.

Truy cập mở với lượng thông tin số lớn có thể được truy cập dễ dàng và tự do phát triển đã tác động và gây áp lực ngày càng tăng lên đối với hoạt động thư viện trong việc tổ chức, triển khai truy cập mở, bởi khi xu hướng truy cập mở tăng lên, có thể vai trò truyền thống của thư viện sẽ bị giảm bớt, đồng thời sẽ tác động trực tiếp đến người làm thư viện trong truy cập mở với vai trò kết nối nghiên cứu, công bố và phổ biến rộng rãi.

Đối với truy cập mở, việc đánh giá, lựa chọn nguồn và cung cấp quyền truy cập cho người sử dụng thư viện không phải là dễ dàng cho các thư viện. Xu hướng truy cập mở này cần có đội ngũ chuyên môn trong việc đánh giá nội dung rất đa dạng với nhiều mức độ, do vậy vai trò và năng lực của người làm thư viện sẽ được định nghĩa lại.

  • Bảo quản tài liệu số

Bảo quản tài liệu số là sự kết hợp giữa chính sách, chiến lược và hành động nhằm đảm bảo nội dung tài liệu số được bảo quản dài lâu, bất kể những thay đổi về công nghệ và tuổi thọ của các phương tiện lưu trữ. Bảo quản tài liệu số cũng được hiểu là quản lý vòng đời của tài liệu số.

Quản lý vòng đời của tài liệu số bao gồm: Thu thập; Cung cấp khả năng truy cập; Quản trị; Hỗ trợ; Đánh giá; Làm mới [12].

Như vậy, thách thức để quản lý vòng đời của tài liệu số hiệu quả cần phải có tầm nhìn dài hạn, kế hoạch và giải pháp hợp lý để đối phó, các khía cạnh liên quan đến tài liệu số là [11]:

- Phụ thuộc vào máy móc: Để truy cập vào tài liệu số yêu cầu phần cứng và phần mềm cụ thể.

- Sự mỏng manh của thiết bị số: Các tài liệu số được lưu trữ trên nền tảng vốn không ổn định và không có điều kiện bảo quản phù hợp và có thể bị hỏng bên trong ngay khi không có dấu hiệu tác động từ bên ngoài.

- Tuổi thọ ngắn của thiết bị số: Sự dễ dàng thay đổi dẫn đến những thách thức liên quan tới việc đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và lịch sử của tài liệu số.

- Định dạng và loại hình: Tài liệu số cần được quyết định định dạng (format) và loại hình (type) phù hợp ngay từ giai đoạn đầu của các chương trình bảo quản số, bởi định dạng số và loại hình sẽ đảm bảo chất lượng trong quá trình phổ biến và chuyển đổi phù hợp với công nghệ trong tương lai.

  • An ninh, an toàn dữ liệu

CNTT và truyền thông, đặc biệt là các công nghệ mới nổi đã giúp tổ chức, quản lý, triển khai hoạt động thư viện trên môi trường số, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện, tuy nhiên cùng với những mặt tích cực, thì hoạt động thư viện số cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức hiện hữu và tiềm ẩn về an ninh, an toàn. Đây được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với thư viện số. Nếu hoạt động thư viện số không được trang bị các cơ chế bảo vệ hữu hiệu, nguy cơ bị mất mát, phá hoại, thay đổi thông tin cao, rất khó để khắc phục, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thư viện. Do đó, thách thức lớn trong công tác an ninh, an toàn thư viện số nói chung và dữ liệu số nói riêng là:

- Đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống CNTT và hoạt động thư viện số một cách thông suốt và ổn định.

- Thư viện số với tài nguyên số quan trọng và rất dễ bị tấn công, đánh cắp, do đó cần đảm bảo sự an toàn cho các bộ sưu tập số và các cơ sở dữ liệu.

- Phòng, tránh giảm thiểu các rủi ro, mất mát dữ liệu hoặc đình trệ hoạt động.

- Củng cố năng lực hoạt động nói chung của đơn vị cũng như năng lực hoạt động của thư viện số, nâng cao vai trò, uy tín và sự tin cậy của Lãnh đạo đơn vị và người sử dụng.

Kết nối nhiều thiết bị, đảm bảo đa truy cập, khả năng tương tác lớn với thông tin cần được truy cập mọi lúc, mọi nơi, vừa có lợi, vừa đặt ra thách thức lớn và bảo mật thông tin, an toàn, an ninh dữ liệu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thư viện.

  • Nhân lực

Trong kỷ nguyên số, hoạt động thư viện gắn liền với CNTT đã định nghĩa lại vai trò của người làm thư viện và đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nhân lực thư viện trên các khía cạnh về trình độ quản lý, khả năng làm chủ công nghệ và triển khai các dịch vụ số, mặt khác, thư viện cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao với những lĩnh vực khác, nơi có cơ hội phát triển cá nhân và thu nhập cao hơn, thực tế trong những năm qua và hiện nay, thu nhập thấp là nguyên nhân của việc có nhiều người làm thư viện có trình độ khá về tin học và nghiệp vụ rời bỏ thư viện. Đây là một trong những thách thức lớn mà TVVN phải đối mặt.

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nhân lực thư viện cần được trang bị những kỹ năng mới đảm bảo vai trò như là “lãnh đạo số” và “thủ thư số”, một số nhiệm vụ được đặt ra là:

- Người làm thư viện cần được trang bị những kiến thức, hiểu biết về dữ liệu, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số… [12].

- Luôn cập nhật xu hướng nghiên cứu và khẳng định vai trò của người làm thư viện trong chu trình nghiên cứu (phải là mắt xích trong quá trình nghiên cứu) [18].

- Cập nhật các thay đổi về chính sách: Luật CNTT; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục, Luật Viên chức… và các văn bản pháp quy ngành, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động.

- Đối với cán bộ quản lý cần cải thiện kỹ năng quản lý bởi thư viện hoạt động với môi trường công nghệ hiện đại, tương tác nhiều trên môi trường trực tuyến. Vì vậy đặt ra yêu cầu cao về quản lý hoạt động, đồng thời đánh giá được hiệu quả và hiệu suất làm việc của nhân viên.

Xu thế công nghệ mới chắc chắn cơ cấu nguồn nhân lực sẽ phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, các thách thức trên cần có những chính sách phù hợp để phát triển nguồn nhân lực theo kịp sự phát triển của công nghệ và xã hội.

3. Các giải pháp chủ động tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đề xuất các giải pháp thiết thực có tính khả thi, tận dụng tối đa các lợi thế, giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, đồng thời để các TVVN hoạt động có hiệu quả với sứ mệnh lịch sử mới, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế - xã hội, khoa học - giáo dục, kỹ thuật, y tế… của đất nước trong bối cảnh CNTT phát triển nhanh chóng và cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, các giải pháp cụ thể cần thực hiện như sau:

Một là: Đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Hoạt động thư viện hiện tại và trong tương lai vẫn phụ thuộc lớn và gắn bó chặt chẽ với việc ứng dụng CNTT, đặc biệt trong kỷ nguyên số, việc thu thập, quản lý, phổ biến thông tin một cách rộng rãi có vai trò rất quan trọng của công nghệ mới, trong kỷ nguyên số với sự phát triển nhanh chóng của CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới nổi đòi hỏi có chính sách mới phù hợp (cả trong lĩnh vực thư viện và CNTT) để tận dụng tối đa lợi thế của sự phát triển công nghệ, nhất là trong lĩnh vực tạo lập, thu thập, xử lý và phân phối thông tin số hoá một cách tự động, chủ động với nhiều phương thức phù hợp trong từng điều kiện cụ thể. Như vậy chính sách, hành lang pháp lý và các cơ chế để đảm bảo phải đi trước một bước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các hoạt động đó có thể triển khai một cách hiệu quả trong thực tiễn hoạt động thư viện.

Tiến hành đổi mới, sửa đổi các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động thư viện, tăng cường ngân sách, tạo chính sách thuận lợi cho sự phát triển các hệ thống, loại hình thư viện nói chung và hoạt động của các thư viện nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Hai là: Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản trị

CMCN 4.0 với lợi thế về sự phát triển cao của công nghệ, cần được xem là cơ hội to lớn để phát triển thư viện, rút ngắn khoảng cách giữa thư viện với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, giữa ngành Thư viện trong nước, khu vực và quốc tế.

Tiến bộ CNTT đã làm thay đổi môi trường vận hành của tổ chức nói chung và thư viện nói riêng, những quy tắc làm việc mới phát sinh mà từng tổ chức phải tiếp thu và tự biến đổi chính mình. Chính vì vậy mà người lãnh đạo, nhà quản trị cần được trang bị tư duy hệ thống, toàn diện và chiến lược để xem xét mọi biến đổi đang xảy ra, từ đó tự thích ứng tổ chức của mình với những thay đổi mới.

Đổi mới tổ chức quản lý hoạt động TVVN, lấy ứng dụng CNTT làm động lực chính và cần được thực hiện một cách toàn diện từ con người, hạ tầng công nghệ, cách thức vận hành, cơ chế triển khai hoạt động, dịch vụ… Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là đổi mới nhận thức, hình thành tư duy lãnh đạo mới, tư duy lãnh đạo, quản trị trên nền công nghệ, trở thành "lãnh đạo số", "quản trị tri thức", phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các tiêu chuẩn nghiệp vụ, coi đây như sự “tái cấu trúc” thư viện đáp ứng tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo bám sát chủ trương đổi mới của Đảng, Chính phủ, có cơ chế điều chỉnh cho phù hợp nhanh chóng với thực tiễn.

Ba là: Đổi mới tổ chức quản lý hoạt động

Thay vì tổ chức hoạt động theo phương thức truyền thống, phương thức cung cấp thông tin một cách bị động, trong bối cảnh mới, thư viện cần đổi mới theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số trên quy mô lớn, cung cấp dữ liệu cho các hệ thống thu thập, phân tích thông tin tự động thông qua các công nghệ mới, thông minh như AI, dữ liệu lớn, IoT… Đồng thời, thư viện cũng cần định hình lại chức năng, nhiệm vụ, tăng cường các điều kiện để hỗ trợ cho việc học tập ngoài nhà trường, học tập suốt đời; cung cấp hoặc tạo điều kiện để người dân có thể tham gia các khoá học trực tuyến; tham gia tổ chức, có vai trò quan trọng đối với nguồn mở và truy cập mở.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả hoạt động thư viện trong bối cảnh mới, nhất thiết cần lấy CNTT làm động lực đổi mới, triển khai các dịch vụ mới, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo trong môi trường số.

Bốn là: Xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, mục tiêu cụ thể

Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu cụ thể đang là điểm yếu của ngành Thư viện nước ta, cùng với chậm đổi mới, sức ì lớn. Một khi đã xây dựng được tầm nhìn, mục tiêu cụ thể thì cần thiết phải xây dựng chiến lược để thực hiện mục tiêu cần hướng tới. Mục tiêu là một trong những thành tố quan trọng có ý nghĩa quyết định của quá trình phát triển thư viện, nó quy định nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động thư viện. Là yếu tố dự kiến, dự báo về kết quả, do đó mục tiêu liên quan đến việc phát huy sức mạnh nội lực, ngoại lực, sức mạnh tổng thể, là vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển ngành Thư viện trong mỗi giai đoạn nhất định.

Như vậy, việc xác định đúng đắn mục tiêu phù hợp với sự phát triển thời đại của đất nước để định hướng cho hoạt động thư viện, đặc biệt hiện nay, trên thế giới, CMCN 4.0 đang ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi chiến lược của mọi ngành, mọi lĩnh vực trên quy mô toàn thế giới, trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, ngành thư viện cần có tầm nhìn, đặt ra được những mục tiêu cụ thể và xây dựng những chiến lược phát triển một cách toàn diện.

Năm là: Đổi mới công nghệ, tập trung hoá, tăng cường liên kết, chia sẻ

Quá trình hơn 30 năm ứng dụng CNTT vào hoạt động TVVN đã giúp ngành Thư viện có những bước phát triển vượt bậc những năm qua, đã hỗ trợ thư viện thực hiện vai trò xã hội của mình. Tuy nhiên trong thực tế những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện vẫn mang tính rời rạc, tuỳ từng điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, sự phát triển không đồng đều, không đồng bộ, nhiều khi không đạt tiêu chuẩn, do đó chỉ đáp ứng trong một điều kiện nhất định với phạm vi hẹp.

Để tiếp tục tận dụng lợi thế của công nghệ mới trong CMCN 4.0, ngành Thư viện phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới công nghệ, tập trung vào các công nghệ mới nổi hoặc đang có tiềm năng ứng dụng lớn trong hoạt động thư viện. Đổi mới phương thức ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện theo hướng tập trung hoá, một số hạng mục hạ tầng công nghệ có thể thuê ngoài, dùng chung để tăng cường tính hiệu quả, đồng thời giảm áp lực về ngân sách đầu tư cũng như nhân lực vận hành, hoạt động thư viện nên chỉ tập trung triển khai các dịch vụ thư viện.

Mặt khác đổi mới công nghệ hỗ trợ hoạt động thư viện cần theo hướng đồng bộ, hiện đại, có thể tăng cường được tính liên kết, chia sẻ, đáp ứng hội nhập trong nước, quốc tế và nhu cầu khai thác thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, văn hoá của xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương.

Sáu là: Tăng cường nguồn tài nguyên, giải quyết vấn đề bản quyền, đẩy mạnh nguồn mở, truy cập mở

Tài nguyên thư viện là một trong những thành phần quan trọng nhất của thư viện, như vậy, không có tài nguyên, thư viện không thể vận hành, hoạt động. Tài nguyên ít, hạn chế chắc chắn sẽ dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp, tuy nhiên ở chiều ngược lại có nguồn tài nguyên lớn chưa chắc hiệu quả hoạt động sẽ cao.

Cùng với cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thông tin, tài liệu nghèo nàn, lạc hậu, đơn điệu là thực trạng phổ biến của các TVVN hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng lượng người sử dụng thư viện có xu hướng ngày càng giảm mạnh, thư viện không thể cạnh tranh được với các hình thức cung cấp thông tin hiện đại khác như truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, các bộ máy tìm kiếm thông tin, ứng dụng điện thoại, thiết bị thông minh…

Vấn đề bản quyền là một trong những khó khăn, trở ngại lớn của hoạt động thư viện hiện nay, tác động lớn đến việc phát triển nguồn tài nguyên số cũng như chính sách triển khai các dịch vụ thư viện. Thực tế các điều khoản quy định về sở hữu trí tuệ của các văn bản pháp quy trong nước và quốc tế, nhiều nội dung không quy định cụ thể hoặc không có hướng dẫn thực hiện đã bó buộc và gần như ngăn cản công tác đáp ứng thông tin dạng số trong hoạt động thư viện, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi để tháo gỡ bất cập này.

Để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của thư viện trong kỷ nguyên số, trong bối cảnh dữ liệu được coi là "nhiên liệu" cho CMCN 4.0, phát huy ưu điểm của thư viện về tính tin cậy, xác thực, sẵn có, tính chuyên gia, hoa tiêu, định hướng… cần có cách thức đột phát trong chính sách cũng như trong công tác phát triển, bổ sung, thu thập, tổ chức, phổ biến tài nguyên thông tin, đặc biệt cần đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ, trước mắt cần tăng cường nguồn tài nguyên dạng số để phát huy ưu điểm của loại thông tin này; đẩy mạnh thu thập và hỗ trợ phát triển nguồn mở và truy cập mở, dần từng bước giải quyết vấn đề bản quyền.

Bảy là: Tăng cường chuẩn hoá

Hiện nay, chuẩn hoá nghiệp vụ cũng đang là điểm yếu của TVVN đặc biệt là chuẩn nghiệp vụ và chuẩn ứng dụng CNTT trong thư viện điện tử, thư viện số, dẫn đến việc khó khăn cho công tác liên thông, tích hợp, chia sẻ, dùng chung tài nguyên thông tin. Nguyên nhân chính là do có sự phát triển không đồng đều trong các hệ thống thư viện, loại hình thư viện; điều kiện hạ tầng công nghệ, ngân sách, kinh phí, nhân lực… chưa bảo đảm để có thể triển khai chuẩn hoá; mặt khác do các thư viện nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tác dụng của chuẩn hoá.

Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện đầy đủ, đẩy mạnh áp dụng các chuẩn nghiệp vụ, chuẩn ứng dụng CNTT vào các hoạt động thư viện để thống nhất quy trình, sản phẩm, dịch vụ… tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sử dụng, khai thác.

Tám là: Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, tăng cường nghiên cứu khoa học

Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ là vấn đề cấp thiết, thư viện cần định hình lại các dịch vụ, đa dạng hoá, xây dựng sản phẩm và dịch vụ mới, đẩy mạnh triển khai dịch vụ trực tuyến, tăng cường sự chủ động “tự phục vụ” của người sử dụng, tăng cường giá trị gia tăng của dịch vụ, hỗ trợ tích cực nghiên cứu, trong đó thư viện cần có vai trò là mắt xích quan trọng trong chu trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học. Đổi mới hình thức truy cập, đổi mới không gian, đổi mới theo hướng hỗ trợ tối đa và tăng cường sự tiếp cận, khai thác thông tin của người sử dụng, hướng đến cộng đồng.

Để đổi mới thành công, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm và dịch vụ, thư viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; nghiên cứu xu hướng truy cập; tìm kiếm thông tin của người sử dụng để có những phương án kịp thời, hợp lý.

Nghiên cứu khoa học là động lực quan trọng để thúc đẩy toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ, quản lý, trọng tâm cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, công nghệ mới hỗ trợ cho hoạt động triển khai các dịch vụ và công tác quản lý, hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; ngoài ra cần tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước, tăng cường hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt xu hướng hoạt động ngành Thư viện trong nước, khu vực và quốc tế.

Mặt khác cần đẩy mạnh công tác truyền thông làm cho xã hội nhận thức lại vai trò của thư viện; marketing sản phẩm và dịch vụ thư viện; tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường các sự kiện văn hoá, tri thức, cộng đồng.

Chín là: Tăng cường hợp tác, xã hội hoá hoạt động thư viện

Hợp tác, xã hội hoá trong hoạt động thư viện đã khẳng định được hiệu quả to lớn đối với ngành Thư viện trong những năm gần đây, thể hiện thông qua một loạt các dự án: Tăng cường nguồn thông tin sách ngoại văn của Quỹ Châu Á; Các dự án đào tạo nhân lực về tiếng Anh và nghiệp vụ thư viện của chính phủ Ấn Độ; Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam của Quỹ Bill & Melinda Gates; Dự án Không gian tri thức S-hub, Thư viện thiếu nhi, thư viện thông minh của Samsung; Xe thư viện lưu động… và các dự án khác cho thư viện của các nhà tài trợ trong và ngoài nước đã tăng cường được cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, môi trường tri thức, nguồn lực thông tin tại các thư viện. Do đó trong thời gian tới, công tác hợp tác cần tiếp tục được coi trọng và đẩy mạnh trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực được hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các cam kết, thoả thuận với đối tác, đồng thời cần tiếp tục xây dựng những dự án mới, tìm kiếm đối tác mới tham gia hỗ trợ hoạt động thư viện.

Song song với việc tăng cường hợp tác, xã hội hoá hoạt động thư viện, cần chú trọng tăng cường xây dựng, phát triển cộng đồng hỗ trợ hoạt động thư viện như đội tình nguyện viên, chuyên gia tư vấn, câu lạc bộ, mạng lưới bạn đọc yêu sách, yêu thư viện…

Mười là: Đổi mới đào tạo

Trong thực tế, hoạt động thư viện không chỉ liên quan đến khoa học thư viện mà nó gắn liền và liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên (sắp xếp khoa học, CNTT, phân tích dữ liệu, tự động hoá…), khoa học xã hội (giáo dục, văn hoá, nhu cầu xã hội…), kinh tế (marketing, truyền thông, dịch vụ…).

Một trong những hạn chế, bất cập lớn của nhân lực thư viện nước ta là hạn chế về trình độ CNTT, marketing, truyền thông… Những năm qua, tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng thực tế vẫn còn nhiều yếu kém, nguồn nhân lực thực hiện các mảng công tác này vừa thiếu, vừa yếu, có sự biến động cao, nhất là nhân lực có trình độ về công nghệ. Một trong những bất cập khác đó là hiện trạng phần lớn nhân lực chịu trách nhiệm vận hành các hệ thống CNTT, vận hành thư viện điện tử, thư viện số trong các thư viện không được đào tạo chuyên sâu hoặc không nắm được nghiệp vụ thư viện dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác ứng dụng CNTT hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, nhiều thư viện phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp dịch vụ CNTT, nhà cung cấp phần mềm.

Vì vậy, công tác đào tạo nhân lực cho thư viện phải được đổi mới, tăng cường kiến thức về CNTT nói chung và ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, đào tạo được nhân lực thư viện có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, từng bước xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao có các kỹ năng khác như: kỹ năng thông tin (information literacy), kỹ năng số (digital literacy), "thủ thư số" (digital librarian), đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng xã hội và của ngành Thư viện trong nền kinh tế tri thức, CMCN 4.0 là yêu cầu cấp thiết.

Mười một là: Đánh giá tác động

Hiện nay, trong hoạt động thư viện, chúng ta đang chỉ thực hiện thống kê hoạt động, đơn giản là các chỉ số về lượt luân chuyển tài liệu, lượt người sử dụng, lượt truy cập tài nguyên, số lượng đăng ký thẻ… những chỉ số này chỉ mới đánh giá được một phần hiệu quả hoạt động. Để có thể đánh giá được toàn diện và tập trung vào kết quả thực chất, khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của thư viện, người làm thư viện trong chu trình nghiên cứu là mắt xích quan trọng của công tác, kết quả nghiên cứu cần thiết phải thực hiện đổi mới, xây dựng được phương pháp, chỉ số, cách thức đánh giá tác động của thư viện đối với xã hội nói chung, người sử dụng nói riêng. Công tác đánh giá này cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động thư viện, là một công tác khó khăn nhưng cần thiết để có thể phân tích, đánh giá được kết quả hiện tại, đồng thời dự báo được kết quả hoạt động trong thời gian tới, là cơ sở để xác định hạn chế, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.

4. Đề xuất, kiến nghị

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động to lớn đến mọi hoạt động của đời sống con người và xã hội, thời cơ đi cùng thách thức, tuy nhiên các TVVN chủ động tiếp cận CMCN 4.0 là cần thiết, làm tốt điều này, ngành TVVN chắc chắn sẽ tiếp cận được đến ngành Thư viện khu vực và quốc tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bối cảnh mới với cuộc CMCN 4.0 cùng sự phát triển đột phá và những công nghệ hiện đại được ứng dụng trong cuộc sống vừa là cơ hội lớn, vừa là thách thức lớn cho hoạt động thư viện, đòi hỏi cần có chiến lược đối phó, phương án tiếp cận phù hợp mang tính tổng thể để có thể tận dụng những lợi thế của công nghệ mới ứng dụng hiệu quả vào hoạt động thư viện, từ đó làm tăng vai trò của thư viện đối với xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, phổ biến tri thức…

Để tận dụng tối đa những thành tựu, lợi thế và tiếp cận thành công, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 tới hoạt động thư viện trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số kiến nghị dưới đây:

Đối với Quốc hội, Chính phủ

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp cận CMCN 4.0, trong đó lĩnh vực thư viện, thông tin cần được coi là một trong các lĩnh vực ưu tiên bởi dữ liệu được coi là “nhiên liệu” cho CMCN 4.0, mặt khác, thư viện có nhiều kinh nghiệm trong công tác thu thập, tổ chức, xử lý và phổ biến dữ liệu.

- Cần xác định đúng vị trí, vai trò thư viện đối với chính trị, khoa học, giáo dục, kinh tế, xã hội, đồng thời cần có nhiều nội dung liên quan đến CNTT vào Dự thảo Luật Thư viện, làm cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động thư viện, sớm ban hành Luật Thư viện và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

- Điều chỉnh một số nội dung trong các văn bản pháp quy như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ… Tạo cơ chế pháp lý mạnh mẽ đảm bảo cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và công tác số hoá tạo lập các bộ sưu tập số; thu thập, phân tích dữ liệu và triển khai dịch vụ ứng dụng các công nghệ cao vào hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0.

- Đầu tư ngân sách, đảm bảo hạ tầng công nghệ cho triển khai, ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động thư viện một cách bền vững.

Đối với các Bộ, Ban, Ngành

- Phối hợp đồng bộ với ngành Thư viện, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo… giúp tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ thư viện trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới vào hoạt động thư viện.

- Ban hành các cơ chế về việc chia sẻ dữ liệu để ngành Thư viện có thể liên thông, kết nối, thu thập, tích hợp dữ liệu, làm giàu thêm tài nguyên thông tin, thư viện.

Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Đánh giá tổng thể thực trạng hoạt động và ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện hiện nay làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành Thư viện.

- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của công nghệ mới trong hoạt động thư viện, xác định những hạng mục ưu tiên để có những chính sách phù hợp.

- Điều chỉnh chiến lược phát triển thư viện phù hợp với sự phát triển của công nghệ mới và yêu cầu của xã hội.

- Có cơ chế, định hướng đảm bảo cho sự phát triển đồng đều giữa các loại hình thư viện.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể, định hướng hoạt động cho từng loại hình thư viện.

- Có cơ chế giám sát, kiểm tra, thống kê, đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thư viện, đồng thời có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các thư viện có ứng dụng CNTT hiệu quả.

Đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Cần được đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT mạnh mẽ (phần cứng và phần mềm), đảm bảo là đầu mối tích hợp dữ liệu số, xây dựng Bộ sưu tập số quốc gia, đồng thời là trung tâm bảo quản tài liệu số quốc gia.

- Cần có cơ chế, chính sách để Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng Trung tâm dữ liệu, điều phối chia sẻ khai thác tài nguyên thông tin một cách tập trung (Bộ sưu tập số quốc gia; các cơ sở dữ liệu trực tuyến, sách điện tử mua quyền khai thác; Các cơ sở dữ liệu được tài trợ…).

- Cần xây dựng thư viện điện tử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam theo mô hình thư viện điện tử tập trung, dùng chung hạ tầng CNTT (trong đó Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện quản trị trung tâm, các thư viện thành viên khai thác trên cùng hạ tầng có thể quản trị riêng và chính sách riêng…), trước mắt có thể triển khai đối với thư viện công cộng đang có khó khăn về ngân sách, nhân lực, tài nguyên thông tin…

- Tăng cường năng lực quản lý, xử lý, số hoá, tổ chức khai thác, chia sẻ (trong nước và quốc tế) thông tin, dữ liệu khổng lồ đang được lưu giữ bảo quản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước, sẵn sàng đáp ứng cuộc CMCN 4.0.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai, chuẩn hoá, ứng dụng nghiệp vụ thư viện (nhất là nghiệp vụ mới) và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thư viện toàn quốc.

Đối với các thư viện

- Cần lập kế hoạch và xây dựng chương trình cụ thể theo từng giai đoạn, luôn bám sát chủ trương của Đảng, phương hướng chỉ đạo của Chính phủ, quy hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và xu hướng chung của ngành TVVN và quốc tế, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện hạ tầng CNTT, hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm ứng dụng, nhất là phần mềm quản lý thư viện điện tử, đẩy mạnh áp dụng phần mềm quản lý các bộ sưu tập số, ưu tiên nghiên cứu áp dụng phần mềm mã nguồn mở. Tăng cường quảng bá, chia sẻ các phần mềm tiện ích, công cụ hiệu quả do người làm công tác thư viện phát triển.

- Tăng cường áp dụng chuẩn nghiệp vụ thư viện nói riêng và các tiêu chuẩn CNTT nói chung, sẵn sàng cho việc khai thác, chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

- Chủ động điều chỉnh và xây dựng kế hoạch đổi mới tổ chức, quản lý, phương thức hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ mới.

- Chủ động tiếp cận CMCN 4.0, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức và các đề xuất các giải pháp kịp thời trong điều kiện, tình hình của mỗi đơn vị.

- Đẩy mạnh phát triển nguồn tài nguyên số, nghiên cứu phương pháp, cách thức thu thập, tổ chức và quản lý dữ liệu lớn: dữ liệu nghiên cứu, dữ liệu tương tác của các thiết bị, từ hệ thống AI, VR, AR... trước mắt ưu tiên tài liệu nội sinh, tài liệu mở, tài liệu địa chí, quý hiếm và tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền.

- Thực hiện bảo quản số theo chuẩn quốc tế, tăng cường công tác an ninh, an toàn dữ liệu thư viện, dữ liệu cá nhân người sử dụng.

- Đổi mới dịch vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ truy cập mở, tăng cường khả năng truy cập cho cá nhân, tổ chức tới các nguồn tài nguyên thư viện, điều chỉnh, tổ chức lại không gian thư viện theo hướng tăng cường các dịch vụ số, đa dịch vụ và trải nghiệm. Tích cực nghiên cứu xu hướng công nghệ, nhu cầu người sử dụng để có phương án điều chỉnh dịch vụ thư viện một cách kịp thời.

- Có chiến lược về công tác cán bộ: Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực, đặc biệt là: kỹ năng số, kỹ năng thông tin, công nghệ mới. Tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế khuyến khích người làm thư viện có trình độ về CNTT gắn bó, làm việc lâu dài tại thư viện.

- Tăng cường liên kết, hợp tác với các thư viện, tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực hoặc có liên quan đến thư viện số trong và ngoài nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (CHXHCNVN). Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về việc Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, ban hành ngày 4/5/2017.

2. Bùi Thị Ngọc Lan. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao- doi-binh-luan/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu- va-mot-so-van-de-dat-ra-voi-viet-nam-129515.html. Truy cập ngày 20/10/2018.

3. Kiều Thuý Nga. Đổi mới mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động thư viện Việt Nam : Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. - H.: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, 2015.

4. Kiều Thuý Nga. Các thư viện Việt Nam chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 // Hội nghị lần thứ XVI Liên hợp Thư viện Việt Nam về nguồn tin Khoa học và Công nghệ. - Đà Nẵng. - 2018. - Tr. 15-23.

5. Kiều Thuý Nga, Lê Đức Thắng. Những thách thức về quản lý và phát triển Thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0 // Hội thảo Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. - H.:, 2018. - Tr. 67-80.

6. Quyết định số 4610/QĐ-BVHTTDL về “Định hướng danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020”, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ban hành ngày 28/11/2017.

7. Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống thư viện công cộng (2006 - 2016). - Đà Nẵng, 2016.

8. A data revolution in the Fourth Industrial Revolution. https://www.scmagazineuk.com/a-data-revolution-in-the-fourth-industrial-revolution/arti- cle/532254/. Truy cập ngày 26/06/2018.

9. Advances in Artificial Intelligence. https:// trends.ifla.org/literature-review/advances-in-artifi- cial-intelligence. Truy cập ngày 20/10/2018.

10. Big Data (Big Data Special Interest Group). https://www.ifla.org/big-data. Truy cập ngày 20/10/ 2018.

11. Chandran Velmurugan. Digital preserva- tion: Issues and challenges on libraries and informa- tion resource centres in India // e-Library Science Research Journal. - 2013. - Vol.1. - Issue. 8 June. - ISSN : 2319-8435.

12. Christina M. Geuther. Challenges of the Electronic Resources Life Cycle and Practical Ways to Overcome Them. - 2017. https://newprairiepress. org/culsproceedings/vol7/iss1/5/. Truy cập ngày 18/10/2018.

13. Emily Gillingham. Re-conceptualizing the role of librarians. - 2013. - https://hub.wiley.com. Truy cập ngày 22/10/2018.

14. IFLA Statement on open access - clarifying IFLA’s position and strategy. https://www.ifla.org/ publications/node/8890. Truy cập ngày 20/10/2018.

15. IFLA trends. https://trends.ifla.org/. Truy cập ngày 20/10/2018.

16. Jen Cheng. The Top 10 Challenges Academic Librarians Face in 2016. https://hub.wiley.com/. Truy cập ngày 18/10/2018.

17. John Galand. 10 innovative technologies to implement at the library of the future. - 2018. https:// princh.com/8-technologies-to-implement-at-the- library-of-the-future/. Truy cập ngày 10/10/2018.

18. Magdalena Wójcik. Internet of Things - potential for libraries // Library Hi Tech. - 2016. - Vol.34. - Iss 2 pp.

19. New Media Consortium The NMC Horizon Report: 2017 Library Edition. 2017. http://cdn.nmc. org/media/2017-nmc-horizon-report-library-EN.pdf. Truy cập ngày 08/10/2018.

20. Rawlins B. Mobile technologies in libraries: a LITA guide. Lanham, Rowman and Littlefield. - 2016. - 136tr.

21. What is Open Access? https://en.unesco. org/open-access/what-open-access. Truy cập ngày 25/10/2018.

_________________

ThS. Kiều Thúy Nga, ThS. Lê Đức Thắng

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 1. - Tr. 4-17.

 
Page 7 of 76