Pháp luật quyền tác giả trong hoạt động của thư viện một số đánh giá và kiến nghị hoàn thiện

E-mail Print

Đặt vấn đề

Tác phẩm là kết quả lao động trí óc của tác giả, do đó việc pháp luật trao cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền khai thác giá trị của tác phẩm nhằm tôn trọng kết quả lao động sáng tạo, đồng thời tạo cơ chế bù đắp các chi phí, thời gian, công sức đã bỏ ra để tạo nên tác phẩm là điều tất yếu trong quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, việc bảo hộ này phải trên cơ sở cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả và lợi ích cộng đồng. Thư viện với vai trò là tổ chức thu thập nguồn thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn thông tin và phương tiện để đáp ứng nhu cầu thông tin, nghiên cứu, giáo dục, văn hoá hoặc giải trí của người sử dụng [15] luôn được coi là một trong các trường hợp ngoại lệ về bảo hộ quyền tác giả theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các hoạt động truyền thống và hiện đại của thư viện để thư viện hoàn thành các chức năng và vai trò xã hội của mình.

1. Hoạt động cho thuê, cho mượn tác phẩm của thư viện

Trước hết, một trong các hoạt động chủ yếu của thư viện hiện nay là cho thuê, cho mượn tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Việc cho thuê, cho mượn tác phẩm có thể là mượn đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà, có thu phí hoặc không thu phí. Đây được coi là một trong các hoạt động truyền thống và chủ yếu của thư viện. Vấn đề đặt ra là việc cho thuê, cho mượn tác phẩm của thư viện có nằm trong quyền tác giả được pháp luật bảo hộ không?

Theo quy định tại Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ - LSHTT), một trong các quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả là cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không quy định về việc cho thuê tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác.

Tuy nhiên, theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 20 LSHTT, một trong các quyền tài sản trong quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ là quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Theo hướng dẫn tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/ 2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LSHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LSHTT năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là Nghị định 22/2018/NĐ-CP) thì quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

 Như vậy, theo quy định này, việc cho thuê tác phẩm là một trong các hình thức phân phối tác phẩm và thuộc quyền tài sản được bảo hộ trong quyền tác giả. Do đó, việc cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngược lại, việc cho mượn tác phẩm sử dụng trong một khoảng thời gian không thuộc trường hợp phân phối tác phẩm, do bản chất của quan hệ cho mượn không dẫn đến hành vi chuyển nhượng bản gốc, bản sao tác phẩm cho công chúng, do đó không được coi là hành vi vi phạm quyền tác giả. Như vậy, hành vi cho thuê tác phẩm với bản chất là khai thác lợi ích thương mại của tác phẩm được coi là hành vi phân phối tác phẩm và được bảo hộ, trong khi hành vi cho mượn tác phẩm không phải là hành vi vi phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, Khoản 9, Điều 28 LSHTT quy định, hành vi cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là một trong các hành vi vi phạm quyền tác giả. Quy định này dẫn đến cách hiểu khác: đó là việc cho thuê tác phẩm có trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi hợp pháp. Hay nói cách khác, việc cho thuê tác phẩm là hành vi không phải xin phép tác giả nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Quy định này làm cho pháp luật về bảo vệ quyền tác giả thiếu đi sự thống nhất.

Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa giao dịch cho thuê và cho mượn theo pháp luật dân sự là nghĩa vụ trả tiền. Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 [1], trong hợp đồng thuê tài sản, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn và phải trả tiền thuê, còn hợp đồng mượn tài sản thì bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được (Điều 494 BLDS 2015). Hiện nay, đa số các thư viện có dịch vụ cho mượn sách có thu phí. Ví dụ, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh có mức phí là 1.000 đồng/ ngày/ 1 cuốn sách [2]. Đối với các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Singapore, các thư viện lớn của các trường đại học dù nguồn vốn đầu tư có hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn thu phí cho các hoạt động mượn sách, không những thế, mức phí là khá cao [13]. Đối chiếu với quy định của BLDS 2015, việc mượn sách có trả phí mà các thư viện hiện nay đang thực hiện không phải là giao dịch mượn tài sản mà bản chất là giao dịch thuê tài sản và phí mượn sách thực chất là tiền thuê tài sản. Chính sự nhập nhằng trong việc phân biệt dịch vụ cho mượn và cho thuê tác phẩm của thư viện làm các cơ quan quản lý và chính các thư viện lúng túng trong triển khai các hoạt động để đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật về thư viện và sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đa số thư viện không thực hiện xin phép chủ sở hữu quyền tác giả đối với hoạt động cho thuê, cho mượn tác phẩm, hay nói cách khác, hoạt động của thư viện không tuân thủ đúng quy định về bảo hộ quyền tác giả theo LSHTT.

2. Hoạt động sao chép tác phẩm chưa công bố

Một hoạt động phổ biến mà các thư viện trực thuộc các trường đại học thực hiện là hoạt động cho thuê, cho mượn và cho phép sao chép là các tác phẩm khoa học của học viên, sinh viên trường dưới dạng các khoá luận tốt nghiệp cử nhân, đề án tốt nghiệp kỹ sư, luận văn tốt nghiệp thạc sỹ, luận án tiến sỹ (sau đây gọi chung là luận văn, luận án). Vấn đề đặt ra là việc cho mượn, sao chép các tác phẩm là luận văn, luận án có cần phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay không?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các luận văn, luận án mà tác giả là người sử dụng chính thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm, do đó tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả, có đầy đủ các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm theo quy định của LSHTT. Trường hợp thực hiện luận văn, luận án là thực hiện theo nhiệm vụ, yêu cầu của đơn vị đào tạo tác giả của tác phẩm khoa học, tuy nhiên quyền tác giả trong trường hợp này không thể coi chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả theo quy định tại Điều 39 LSHTT. Vì theo quy định tại Khoản 1, Điều 39 LSHTT thì trường hợp này người được giao nhiệm vụ phải là người thuộc tổ chức giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, ở đây học viên các hệ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ của các cơ sở đào tạo không được coi là người thuộc đơn vị đào tạo, họ chỉ là người sử dụng dịch vụ giáo dục đào tạo và trả học phí chứ không phải là cá nhân làm việc cho các tổ chức, làm việc theo phân công nhiệm vụ và được hưởng lương từ tổ chức. Trong trường hợp, các đơn vị đào tạo phân công các giảng viên hướng dẫn, tổ chức hội đồng đánh giá và góp ý các tác phẩm này thì cũng không được coi là đồng tác giả, vì theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.

Vậy các đơn vị đào tạo được lưu giữ và cung cấp các hoạt động thư viện đối với các công trình nghiên cứu này như cho mượn tác phẩm, sao chép tác phẩm có xâm phạm đến quyền tác giả hay không?

Trước hết, việc một tác phẩm luận văn, luận án tốt nghiệp các hệ đào tạo được đưa ra trước hội đồng khoa học tại các trường đại học không được coi là hành vi công bố tác phẩm. Vì theo quy định tại Điều 20 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng bản sao hợp lý để đáp ứng nhu cầu của công chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, việc bảo vệ tác phẩm trước hội đồng khoa học sẽ không thoả mãn điều kiện về đối tượng tiếp cận tác phẩm là công chúng và số lượng bản sao hợp lý của tác phẩm. Do đó, đây là trường hợp tác phẩm chưa được công bố.

Việc thư viện cho mượn các luận văn, luận án này trong quá trình hoạt động không xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu quyền tác giả vì một mặt việc cho mượn không tạo ra các bản sao tác phẩm để phát hành đến công chúng, do đó không được coi là hành vi công bố tác phẩm và cũng không được coi là hành vi phân phối tác phẩm như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, nhiều thư viện xây dựng dữ liệu số hoá các tác phẩm này và cho phép người sử dụng thư viện truy cập, đọc và tải về không hạn chế là hành vi công bố tác phẩm và phân phối tác phẩm do tác phẩm đã được cung cấp với số lượng bản sao hợp lý đáp ứng nhu cầu của công chúng, do đó hành vi này vi phạm quyền công bố và phân phối tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả.

Đối với việc sao chép các tác phẩm luận văn, luận án theo yêu cầu của người sử dụng thư viện được coi là hành vi vi phạm quyền tác giả vì các lý do: (i) đây là các tác phẩm chưa công bố do đó không thuộc các trường hợp được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 LSHTT) hoặc các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 26 LSHTT). (ii) Quyền sao chép tác phẩm là một trong các quyền tài sản được bảo hộ đối với tác phẩm khoa học quy định tại Điều 20 LSHTT, do đó các đơn vị đào tạo hoặc người sử dụng muốn sao chép tác phẩm chưa công bố trong mọi trường hợp phải xin phép và phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (Khoản 3 Điều 20 LSHTT).

Quy định như trên mặc dù bảo vệ được quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả một cách tuyệt đối, tuy nhiên lại gây khó khăn cho các trung tâm thư viện nói riêng và các cơ sở đào tạo nói chung. Nguồn tư liệu tham khảo từ các luận văn, luận án là một nguồn rất có giá trị cho người học trong quá trình đào tạo để tìm kiếm kiến thức chuyên sâu. Hơn nữa, để hoàn thành luận văn, luận án cũng có công sức rất lớn từ đơn vị đào tạo trong quá trình giao đề tài, định hướng, hướng dẫn góp ý và phản biện hoàn thiện. Đây gần như là một hoạt động truyền thống của thư viện các cơ sở đào tạo nhưng đối chiếu với các quy định của pháp luật lại là hành vi bất hợp pháp.

3. Các hoạt động của thư viện trong sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Một trong các hoạt động của thư viện hiện nay đó là cung cấp dịch vụ sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm theo yêu cầu của người sử dụng thư viện. Đây là dịch vụ thiết thực, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng thư viện, vì nhiều người không thể nghiên cứu tài liệu tại chỗ, trong khi nhiều tác phẩm được lưu trữ tại thư viện có số lượng hạn chế nên không thể mượn về nhà, hoặc người sử dụng có nhu cầu nghiên cứu tác phẩm trong một thời gian dài.

Hiện nay, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25 LSHTT, việc tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân là một trong các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả mà người sao chép không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này trong hoạt động của thư viện có nhiều điểm bất cập.

Thứ nhất, quy định tự sao chép một bản hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau. Một số quan điểm cho rằng, tự sao chép là việc chính người cần tài liệu tự mình thực hiện hành vi, trong khi quan điểm khác cho rằng tự sao chép là việc chính mình sao chép hoặc nhờ người khác sao chép theo yêu cầu của người sử dụng tài liệu [5]. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào thì việc ứng dụng thực tế đều gặp phải các khó khăn, bất cập nhất định.

Nếu hiểu “tự sao chép” là tự mình đứng máy photocopy để thực hiện thì rõ ràng quy định này là bất khả thi. Hiện nay, không phải người nào cũng biết cách sử dụng máy photocopy hoặc có điều kiện sử dụng máy photocopy để sao chép. Các máy photocopy tại các thư viện thì chỉ có nhân viên thư viện mới được sử dụng, tại các cửa hàng dịch vụ thì chỉ có nhân viên mới được sử dụng. Hơn thế nữa, thư viện không thể cho người sử dụng tự mang sách, tài liệu đi sao chép vì không kiểm soát được quá trình sao chép, việc hư hỏng hay mất mát tài liệu. Nếu hiểu tự sao chép theo nghĩa này sẽ làm quy định mất tính thực tiễn.

Trường hợp hiểu “tự sao chép” bao gồm cả việc yêu cầu đơn vị sử dụng dịch vụ photocopy thực hiện phù hợp với thực tiễn sao chép ở Việt Nam, tuy nhiên lại dẫn đến các bất cập trong quản lý và xác định trách nhiệm của người yêu cầu sao chép và người cung cấp dịch vụ sao chép. Ví dụ, việc thư viện sao chép tác phẩm theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thư viện thì chủ thể nào phải chịu trách nhiệm nếu hành vi sao chép này là bất hợp pháp? Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi vi phạm quyền sao chép được mô tả là “hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, trong trường hợp có sự vi phạm quyền tác giả xảy ra thì hiện nay cả người yêu cầu sao chép và người thực hiện sao chép đều là chủ thể có hành vi vi phạm do một bên là chủ thể yêu cầu thực hiện sao chép, một bên là chủ thể thực hiện sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Một câu hỏi khác đặt ra là, việc tự sao chép một bản có bao gồm việc sao chép các sách dưới dạng dữ liệu điện tử hay không? Nếu cho phép sao chép bằng dữ liệu điện tử thì rất tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho tất cả các bên nhưng dữ liệu điện tử có đặc thù là quá dễ dàng sao chép với số lượng lớn, dễ phân phối, truyền tải giữa nhiều chủ thể thông qua mạng Internet mà các bên có liên quan và nhà nước rất khó quản lý. Một số ít thư viện hiện nay vẫn cho phép việc người sử dụng máy quét để tạo ra tệp dữ liệu điện tử [12] với điều kiện chung chỉ mang tính khuyến nghị là người sao chép tự chịu trách nhiệm và đảm bảo tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ. Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp thư viện cho phép người sử dụng được sao chép các bản sao dưới dạng dữ liệu điện tử thông qua việc tải xuống hoặc sao chép các bản sao điện tử từ hệ thống dữ liệu của thư viện, dù người thực hiện hành vi sao chép là người sử dụng thư viện, nhưng chính thư viện là người tạo ra các điều kiện về vật chất, kỹ thuật để người sử dụng khác tiếp cận và thực hiện việc sao chép. Do đó, thư viện cũng phải chịu trách nhiệm đối với hành vi này nếu gây ảnh hưởng đến các quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ hai, mục đích sao chép là nghiên cứu khoa học và giảng dạy cá nhân. Theo quy định này, mục đích được sao chép các tác phẩm là khá hẹp trên cơ sở cân bằng lợi ích của cộng đồng và lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả. Nghiên cứu khoa học là quá trình tìm ra những kiến thức mới, những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Trong lịch sử phát triển của loài người đã xác nhận ý nghĩa to lớn của nghiên cứu khoa học đối với việc cải thiện cuộc sống, thay đổi nhận thức con người. Do đó, việc tiếp cận tri thức cho mục đích nghiên cứu khoa học là một trường hợp ngoại lệ vì lợi ích chung của xã hội. Bên cạnh đó, việc giảng dạy cũng là một ngoại lệ trong bảo vệ quyền tác giả nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tri thức của con người, tác động đến trình độ dân trí và chất lượng giáo dục, thúc đẩy sử dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ của nhân loại [9]. Vì vậy, các mục đích sử dụng như trên là cần thiết được coi là trường hợp ngoại lệ trong bảo hộ quyền tác giả.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thư viện kiểm soát được mục đích sử dụng của người sử dụng để cho phép họ tiến hành sao chép. Về nguyên tắc việc yêu cầu sao chép do người sử dụng thư viện thực hiện, do đó thư viện có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm với hành vi yêu cầu sao chép của mình. Tuy nhiên, như đã phân tích, do quy định về tự sao chép hiện nay không rõ ràng, cũng như pháp luật không minh bạch trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có vi phạm xảy ra, nên trên thực tế hiện nay thư viện rất e ngại trong việc cung cấp dịch vụ sao chép tác phẩm theo các ngoại lệ mà pháp luật quy định [10,11,14] hoặc chỉ cho phép sao chép một phần tài liệu [12] để tránh các khiếu nại không đáng có về quyền tác giả.

4. Kiến nghị hoàn thiện

Thông qua phân tích quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả trong các hoạt động thư viện của Việt Nam hiện nay cho thấy, mặc dù thư viện là một thiết chế đặc biệt được thiết lập nhằm mục tiêu xã hội và nhiều hơn các lợi ích kinh tế, tuy nhiên hệ thống pháp luật về quyền tác giả hiện nay chưa rõ ràng, minh bạch và tạo điều kiện cho các thư viện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Thông qua những phân tích quy định của pháp luật, tác giả đề xuất những sửa đổi, bổ sung quy định của luật như sau:

Thứ nhất, liên quan đến các hoạt động cho thuê, cho mượn tài liệu của thư viện hiện nay cần thiết có các sửa đổi để phù hợp với các quy định của pháp luật, cụ thể như: không cần thiết quy định quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính là một trong các quyền tài sản được bảo hộ tại Khoản 1, Điều 20 LSHTT vì bản chất quyền này chính là quyền phân phối tác phẩm đã được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 20 LSHTT và được mô tả chi tiết tại Khoản 3, Điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Việc quy định này của LSHTT dễ dàng dẫn đến hiểu nhầm việc cho thuê tác phẩm không phải là tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính không phải là quyền tài sản được bảo hộ và quyền được tự do thực hiện bởi các chủ thể nói chung và thư viện nói riêng.

Thứ hai, quy định của pháp luật tại Điều 28 LSHTT vẫn còn chưa hợp lý. Hiện nay, việc cho thuê tác phẩm là một trong các quyền phân phối tác phẩm đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, Điều 28 chia hai hoạt động này thành hoạt động phân phối tại Khoản 3 và hoạt động cho thuê tác phẩm tại Khoản 9 sẽ có sự trùng lặp, làm cho pháp luật thiếu tính thống nhất. Đồng thời, việc quy định tại Khoản 9 về nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp cho thuê tác phẩm mà không đề cập đến nghĩa vụ xin phép sử dụng sẽ làm cho điều luật trở nên đa nghĩa và mâu thuẫn với quy định tại Điều 20. Do đó, cần bỏ quy định tại Khoản 9, Điều 28 LSHTT vì hành vi này đã được điều chỉnh bởi quy định tại Khoản 3, Điều 28.

Theo quan điểm của tác giả, cần tham khảo quy định của pháp luật về việc coi hoạt động cho thuê, cho mượn tác phẩm của thư viện là một trường hợp ngoại lệ thư viện được thực hiện mà không cần xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Vì người sử dụng thư viện chủ yếu hiện nay là người học tập và nghiên cứu khoa học, do đó lợi ích xã hội mà thư viện mang lại có vai trò lớn hơn các lợi ích thương mại, kinh tế. Hơn nữa, việc cho thuê, cho mượn phải trả tiền bản quyền cho tác giả cũng là một cách thức bù đắp các lợi ích kinh tế cho tác giả.

Thứ ba, cần quy định cụ thể trường hợp các trường đại học sử dụng các luận văn, luận án do học viên của mình thực hiện tại trường để cung ứng các dịch vụ thư viện như cho mượn, cho thuê là trường hợp không cần xin phép và không cần trả tiền bản quyền. Điều này xuất phát trên cơ sở các luận văn, luận án được thực hiện là kết quả của quá trình đào tạo của đơn vị giáo dục, do đó cần thừa nhận những đóng góp nhất định của đơn vị đào tạo, chủ thể định hướng, giao nhiệm vụ, phân công người hướng dẫn khoa học, góp ý kiến để thực hiện các luận văn, luận án. Việc không quy định đây là trường hợp ngoại lệ cụ thể của quyền tác giả hiện nay trong luật mà các trường đại học thường quy định trong nội quy, quy chế đào tạo nội bộ của nhà trường làm cho bản thân các quy định nội bộ này vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Bên cạnh đó, các luận văn, luận án nêu trên là một nguồn tham khảo rất có giá trị cho các học viên, tránh việc chọn đề tài trùng lặp, nghiên cứu lại những vấn đề người khác đã nghiên cứu và một nguồn tài liệu để người học tự học, tự nghiên cứu.

Thứ tư,đối với hoạt động sao chép của thư viện, cần sửa đổi quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25 LSHTT, theo đó, Luật cần quy định hành vi được phép là hành vi “sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu và giảng dạy”. Đồng thời với quy định này, pháp luật cần xác định chủ thể có hành vi sao chép là người sao chép hoặc người có yêu cầu thực hiện sao chép. Còn thư viện với tư cách là chủ thể cung ứng dịch vụ sao chép không có trách nhiệm trong việc sử dụng bản sao tác phẩm không đúng với mục đích mà pháp luật cho phép, kể cả trong trường hợp thư viện cung cấp các phương tiện kỹ thuật để sao chép bản sao tác phẩm với điều kiện việc cung cấp các phương tiện kỹ thuật để thực hiện sao chép tác phẩm của thư viện không xâm phạm đến các quyền khác của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Cùng nội dung này, pháp luật của Hoa Kỳ có những quy định chi tiết về trách nhiệm của người sao chép. Theo đó, thư viện chỉ có trách nhiệm trình bày nổi bật khuyến cáo về quyền tác giả tại vị trí và thứ tự sắp xếp đã được chấp nhận và nằm trong hình thức bố trí của nó theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký bản quyền được quy định trong bản quy chế. Đồng thời, các trường hợp ngoại lệ trong hoạt động của thư viện được mô tả hết sức chi tiết tạo điều kiện cho thư viện thực hiện các hoạt động của mình mà không vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền tác giả vốn rất được coi trọng tại Hoa Kỳ [6].

Ngoài ra, để phù hợp với nhu cầu thực tế, pháp luật cần cho phép việc sao chép một phần không đáng kể tác phẩm mà không cần xin phép và không phải trả thù lao, nhuận bút như quy định trong pháp luật Nga, Ôxtrâylia, Singapore [5] trong trường hợp việc sao chép không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm. Quy định như trên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc tiếp cận thông tin, tri thức của người sử dụng thư viện, đồng thời đa số các hoạt động này tại thư viện nhằm mục đích học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích thương mại [4].

Cuối cùng, đối với dịch vụ thư viện số hiện nay, đây rõ ràng là một dịch vụ thiết thực phù hợp với nhu cầu da dạng của người sử dụng và thời đại phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hoạt động này nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì dù việc cung cấp dịch vụ của thư viện không nhằm mục đích thương mại vẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác của tác giả đối với tác phẩm. Do đó, pháp luật cần quy định cụ thể việc cung cấp dịch vụ thư viện số là một trường hợp mà thư viện muốn thực hiện phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, cần thiết quy định trường hợp ngoại lệ khi thư viện cung cấp một phần không đáng kể tác phẩm đến người sử dụng, khoảng từ 10% đến 15% dung lượng tác phẩm [9]. Điều này không những tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận thông tin, đồng thời không ảnh hưởng đến các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015.

2. Dịch vụ mượn tài liệu tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. http://www.thuvientphcm.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=246&Itemid=700&lang=vi. Truy cập ngày 20/8/2018.

3. Dự thảo Luật Thư viện. http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=494&TabIndex=2. Truy cập ngày 10/4/2018.

4. Lê Thị Nam Giang. Bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động của thư viện // Tạp chí Khoa học pháp lý. - 2015. - Số 3.

5. Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Thị Nam Giang, Nguyễn Thị Bích Ngọc. Về quyền photocopy trong môi trường giáo dục // Tạp chí Khoa học pháp lý. - 2007. - Số 2 (39).

6. Luật Quyền tác giả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - Copyright Act of 1976.

7. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12.

8. Trần Văn Nam. Quyền tác giả với Việt Nam Pháp luật và thực thi. - H.: Nhà xuất bản Tư pháp, 2014.

9. Ngô Kim Hoàng Nguyên. Phát triển thư viện số thông qua số hoá tài liệu và các vấn đề về quyền tác giả // Kỷ yếu hội thảo: Quyền tác giả trong hoạt động thư viện tại các trường đại học. - Tp. Hồ Chí Minh: Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, 2016.

10. Thư viện đại học Quốc gia Hà Nội. http://bookworm.lic.vnu.edu.vn/Default.aspx. Truy cập ngày 20/4/2018.

11. Thư viện Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. http://www.vnulib.edu.vn/?page_id=380. Truy cập ngày 20/4/2018.

12. Thư viện Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. http://library.hcmulaw.edu.vn/index.php/vi/photocopy. Truy cập ngày 20/4/2018.

13. Vũ Văn Sơn. Dịch vụ thư viện có thu phí // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6.

14. http://www.thuvientphcm.gov.vn/index.php?lang=vi#. Truy cập ngày 20/4/2018.

15. http://uis.unesco.org/en/glossary-term/library. Truy cập ngày 20/4/2018.

_______________

Ngô Nguyễn Cảnh - Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

Dương Thị Mỹ Ngọc- Khoa Kinh tế, Luật - Đại học Trà Vinh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 6. - Tr. 16-22.


Đọc thêm cùng chuyên mục: