Vai trò của các thư viện trong xã hội tri thức mở

E-mail Print

Tóm tắt

Sử dụng Internet trong quá trình nghiên cứu đã trở thành một thực trạng phổ biến. Và rất khó để nói rằng làm như vậy là đúng hay sai nếu chúng ta nhìn vào một trong những thách thức lớn nhất mà Internet mang lại - khi gắn nó với khái niệm tự học và tri thức mở - đó chính là phân tách các thông tin hữu ích ra khỏi hoạt động nghiên cứu, phân tách các học giả với các cá nhân chuyên viết blog, phân tách các nhà nghiên cứu ra khỏi các nhân vật luôn tìm kiếm sự nổi tiếng. Đó là lý do tại sao trong phần đầu bài viết của mình, tôi nhấn mạnh đến việc xếp chung tất cả các tiêu chí có thể giúp người dùng tin (NDT) phân định rõ 2 loại trên.

Nhưng thiết lập các tiêu chí và tuân thủ các nguyên tắc không giải quyết được vấn đề một cách toàn diện, bởi đây không phải là vấn đề đen trắng rạch ròi. Không phải tất cả các kiến thức đều là nội sinh, đặc biệt là trong những lĩnh vực nóng như ngành công nghệ số hoá, truyền thông xã hội, truyền thông trực tuyến, sự phát triển của web và thiết bị di động. Tôi sẽ coi đây như những lĩnh vực tri thức ngầm và đặt chúng ở vị trí xứng đáng trong bài viết này.

Mở đầu

Ngày nay, một phép tìm trên Google có thể là điểm mấu chốt trong quá trình tìm kiếm thông tin. Và khó có thể nói một cách rạch ròi rằng điều đó là đúng hay sai. Tôi cho rằng có thể chấp nhận được điều này khi chúng ta nhận thức được mình đang tìm cái gì và cần tìm ở đâu. Và như thế, chúng ta có thể chỉ ra một trong những thách thức chính mà Internet mang lại, khi gắn nó với khái niệm tự học và tri thức mở - đó chính là phân tách các thông tin hữu ích ra khỏi hoạt động nghiên cứu, phân tách các học giả với các cá nhân chuyên viết blog, phân tách các nhà nghiên cứu ra khỏi các nhân vật luôn tìm kiếm sự nổi tiếng. Đó là lý do vì sao mà trong phần đầu của bài viết này, tôi đã nhấn mạnh đến việc tạo dựng nên một bộ các tiêu chí có thể giúp NDT phân biệt rõ hai nhóm đối tượng trên.

Không phải tất cả các kiến thức đều là nội sinh, đặc biệt là trong những lĩnh vực như ngành công nghệ số hoá, truyền thông xã hội, truyền thông trực tuyến, sự phát triển của web và thiết bị di động. Luôn có những mảng màu xám mà chúng ta cần xử lý.

Phần cuối của bài viết bàn về vai trò của thư viện trong một bối cảnh phức tạp, cố gắng đưa ra đánh giá về vị trí của các thư viện trong hoạt động giáo dục ngày nay, những phân tích về việc liệu chúng ta có thể xác định được những chỉ dẫn và nguyên tắc gắn với những nhu cầu và kỳ vọng không ngừng biến đổi của người dùng số hoá. Để làm được điều này, tôi có sử dụng một số dữ liệu từ 2 nghiên cứu gần đây của Nielsen (về hồ sơ của “những kẻ đọc trộm sách” thời số hoá) và MIT (nghiên cứu về tương lai của các thư viện) để xem xét từ một góc độ khác các thói quen đọc sách của NDT đã thay đổi như thế nào và các thư viện phải cải cách hoạt động ra sao để có thể bắt kịp được với sự thay đổi đó.

Vào mạng khi có nhu cầu tin liên quan đến giáo dục

Như đã đề cập đến trong phần giới thiệu, hầu hết các nghiên cứu đều bắt đầu bằng một phép tìm trên Google. Trong bối cảnh của một xã hội tri thức mở, tự học là một xu thế lan truyền rất nhanh và tìm kiếm thông tin cho mục đích giáo dục là rất khác nhau. Việc tìm kiếm thông tin không còn bắt đầu tại thư viện hay ít nhất, cụm từ “tìm trong thư viện” không còn mang khái niệm thuần tuý ban đầu. Hoạt động tìm kiếm được triển khai trên một máy tính, người tìm tin gõ một số các từ khoá, nhấn nút enter và xem lướt các kết quả: các tờ tạp chí, các bài giảng, các tờ báo, các blog và cả sách. Thậm chí ngay từ đầu, sự thay đổi này gây ra những phản ứng mang tính đối nghịch. Đối với một số người, đây dường như không giống một chút nào, thậm chí là quá xa vời một quá trình tìm kiếm thông tin chuẩn mực và có phương pháp cụ thể. Không phải bởi vì họ từ chối bất kỳ lợi ích nào từ mạng toàn cầu mang lại mà bởi vì họ cho rằng, khi đang lướt mạng, bạn không thể đạt đến một thứ gọi là mục tiêu giáo dục.

Ví dụ, trong một bài viết của mình thuộc chuỗi bài “Các cỗ máy nghiền bằng cấp thời số hoá”, David Noble cho rằng tin học hoá các tài liệu giáo dục - thuật ngữ tin học hoá là sự chia sẻ các tài liệu học tập trực tuyến mà không cần đến sự hiện diện của giảng viên - người xây dựng các tài liệu đó - sẽ dẫn đến tình trạng hạ thấp chuẩn các trường đại học, làm cho các thư viện trở nên thất nghiệp và hậu quả là, quá trình giáo dục sẽ trở nên hỗn loạn, không theo định hướng và thiếu tính chỉ đạo. Hơn nữa, tác giả còn cho rằng thực tiễn giáo dục kể trên sẽ dẫn đến sự suy giảm chuyên môn nghiệp vụ, biến hoạt động giảng dạy chuyên sâu thành hoạt động đào tạo, tập huấn đơn thuần. Với cùng quan điểm mang màu sắc kém tích cực về tương lai của nền giáo dục truyền thống, trong bài viết “Điện tử học và tương lai mờ mịt của trường đại học”, Eli Noam cho rằng “Hệ thống giáo dục bậc đại học đang trong quá trình đi xuống. Vấn đề không đơn giản chỉ vì công nghệ. Công nghệ chỉ đơn thuần giúp cho sự thay đổi được diễn ra. Lý do cơ bản là việc xây dựng và chia sẻ thông tin đang làm cho dòng chảy truyền thống của thông tin bị suy giảm và vận hành chậm lại trong cơ chế truyền thống của trường đại học”.

Ngược lại, cũng có những người coi Internet như một hệ thống chung hoàn hảo cho mọi quá trình đào tạo. Ví dụ, đây là những gì mà Tom Koch miêu tả một trang web trong cuốn sách của mình “Thông điệp chính là phương tiện” được xuất bản hơn 20 năm trước:

“Khi cố gắng hình dung ra một phương tiện mang tính cách mạng này, hãy nghĩ đến một thư viện tra cứu tốt nhất trên thế giới và bao quanh thư viện đó là một trung tâm hội nghị khổng lồ. Mọi người có thể đi vào thư viện hoặc trung tâm hội nghị đó bằng một trong nhiều cánh cửa, những cổng truy cập thần kỳ luôn dành cho bất kỳ ai sở hữu một chiếc máy tính”.

Và đây là cách mà ông giải thích các sáng kiến của các thư viện số hoá:

“Thư viện điện tử khác hoàn toàn. Một cách đơn giản, đó là một phép lạ. Không có gì gọi là “xếp nhầm vị trí”, “đã xoá”, “đang được cho mượn” hoặc “bị thất lạc”. Kho tài liệu luôn hiện diện một cách đầy đủ nhất cho bạn. Không cần phải đợi cho đến lượt mình vì mỗi NDT thư viện đều ở vị trí đầu tiên trong hàng. Thậm chí, tuyệt vời hơn thế, toàn bộ vốn tài liệu đều là về chủ đề mà bạn quan tâm nhất. Không có gì trong thư viện ngoài các tài liệu giúp trả lời câu hỏi mà bạn đang quan tâm”.

Như vậy, ở đây chúng ta có hai viễn cảnh có thể đã lỗi thời nhưng rất sinh động về một thực tiễn nghiêm túc và không thể tránh khỏi: mọi người sử dụng web để thực hiện các công tác tư liệu. Trong suy nghĩ của tôi, không có đường thoái lui nhất là khi chúng ta cân nhắc đến những bước tiến nhanh chóng cho việc mở rộng dữ liệu nguồn mở hiện có.

Lựa ra cái đúng từ những cái sai

Dù cho những người dùng web đều có kiến thức nhất định về mặt công nghệ và việc tìm kiếm thông tin trực tuyến đã trở thành một thực tế thì hoạt động nghiên cứu trong môi trường số hoá vẫn là một hành trình đầy thách thức. Vấn đề cốt lõi ở đây là: ngay từ đầu, bạn đã không thể chắc chắn rằng thông tin mà mình vừa truy cập có đáng tin cậy hay không. Bạn chẳng bao giờ còn có thể có được những xác nhận có cơ sở khoa học tuyệt đối mà các thư viện truyền thống có thể cung cấp cho bạn cũng như những chỉ dẫn và tư vấn chuyên môn. Bạn phải tự làm mọi thứ một mình và không phải lúc nào việc chắt lọc những thông tin chất lượng từ những thông tin không có độ tin cậy cũng là điều dễ dàng!

Thật may là Internet không phải là miền đất vô chủ. Giờ đây, chúng ta có thể tập hợp thành một danh sách ngắn gọn nhưng hữu ích gồm những tiêu chí chính xác giúp có thể phân định được những thông tin đúng và sai.

Các tiêu chí đầu tiên liên quan đến vấn đề tác quyền. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ thông tin nào mà bạn tìm thấy là tác giả của nó. Hãy xem thông tin được công bố dưới tên ai. Nếu như đó là tác giả được nhiều người biết đến, hãy tiếp tục kiểm tra xem đó có thật sự là kết quả nghiên cứu của tác giả đó không. Nếu như đó là cái tên mà bạn chưa từng nghe nói đến, hãy tiếp tục tìm kiếm để biết thêm về con người này: ông ta đã học ở đâu, học cái gì, ông đã tham khảo những tài liệu nào, kinh nghiệm chuyên môn, các tài liệu ông viết được trích dẫn như thế nào, các bài viết nghiên cứu khác. Một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của Internet là khi một người đã “có tên” trên Internet thì người đó không thể xoá bỏ đi dấu vết của mình.

Bộ tiêu chí thứ hai liên quan đến nhà xuất bản. Liệu trang bạn tìm ra thông tin có phải thuộc một tạp chí khoa học? hay là một trang web? blog? thư viện trực tuyến? Các thông tin được đăng tải trên trang web đó như thế nào? Những thông tin đó có thể thuộc về một cơ quan cụ thể không? Đây là những câu hỏi mà bạn cần tìm ra câu trả lời khi bạn đang trong quá trình nghiên cứu và trang tin mà bạn tìm thấy có thể không được nhiều người biết đến. Nếu trang tin đó cung cấp những thông tin không chính thức, mang tính chủ quan và thiếu đi những kiểm chứng, đánh giá khoa học, bạn cần tìm thêm ở chỗ khác. Đôi khi, phép tìm sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu chúng ta thêm vào những chỉ dẫn đáng tin cậy.

Dạng yêu cầu tin như vậy sẽ có cú pháp như sau:

“Từ khoá x,y,z” trong “tiêu đề tạp chí”

hoặc “từ khoá x,y,z” bởi ”tên tác giả/ tên cơ quan”.

Nếu như thông tin bạn tìm kiếm có gắn với một mốc thời gian, bạn có thể thêm yếu tố năm hoặc một ngày tháng cụ thể vào yêu cầu tin. Dạng cú pháp này rất hữu dụng khi áp dụng tới một yêu cầu tin mang tính khái quát trong một công cụ tìm tin cụ thể như Google. Những yêu cầu tin được xây dựng trên các nền tảng tìm kiếm cụ thể thường sẽ áp dụng các phương thức khác để tra tìm và lọc thông tin.

Nghiên cứu và tìm kiếm thông tin trong những lĩnh vực tri thức ngầm

Như vậy, chúng ta đã phân tích một cách ngắn gọn những thách thức mà một phép tìm chuyên sâu trong môi trường số hoá có thể gặp phải và liệt kê ra một số những nguyên tắc hữu ích trong việc chọn lọc những thông tin xác thực từ những thông tin không chính tắc hoặc ít giá trị. Khi chúng ta đề cập đến việc tìm kiếm thông tin trên mạng, theo ý kiến của tôi, có một số lĩnh vực chuyên môn cần phải được phân tích một cách riêng biệt bởi chúng tuân thủ những nguyên tắc khác nhau. Tôi  muốn đề cập đến những lĩnh vực nghiên cứu nổi trội trong thế giới số hoá như truyền thông xã hội, đa phương tiện, thiết kế và phát triển công nghệ di động những vấn đề mà tôi xem như các lĩnh vực tri thức ngầm. Trong những lĩnh vực này, tôi nghĩ rằng các tiêu chí trong việc lựa chọn nguồn, tác giả và thông tin sẽ có những thay đổi.

Nhưng trước khi thử tìm hiểu những nguyên tắc để áp dụng trong các lĩnh vực này, hãy để tôi giải thích vì sao tôi lại nghĩ rằng chúng khác biệt. Đầu tiên, tôi gọi chúng là ngầm vì chúng có một thuộc tính cố hữu mang tính thử nghiệm. Hai là, chúng thay đổi quá nhanh đến nỗi ở mọi thời điểm, tất cả những lý thuyết được xây dựng một cách nội sinh (bài giảng, sách, tạp chí của các trường đại học) không thể bắt kịp được với thực tiễn. Vì những lý do này, những tiêu chí đề cập đến ở trên sẽ không có chỗ để áp dụng. Trong rất nhiều tình huống, trong những lĩnh vực tri thức ngầm, những thông tin giá trị nhất lại xuất hiện dưới dạng thô, có thể là blog cá nhân hoặc một phần mềm mã nguồn mở, có thể là vào lúc nửa đêm mà không đi kèm với bất kỳ đánh giá hoặc hiệu đính nào của giới chuyên môn. Trong những tình huống đặc biệt này, nếu tác giả không phải là một cái tên quen thuộc trong giới chuyên môn hoặc thông tin đó được công bố trên một blog của một cá nhân mới vào nghề nhưng thạo việc thì thông tin cung cấp cũng không bị giảm giá trị. Như vậy, câu hỏi chưa có lời đáp ở đây là vẫn chưa có câu trả lời: trong những lĩnh vực mang đầy những biến số, đâu là nguyên tắc có thể hướng mọi người đến những nghiên cứu khoa học hiệu quả và chuyên sâu?

Điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của tôi là cộng đồng ảo. Tất cả những người trong giới chuyên môn và những nhà lý luận trong các lĩnh vực đều tạo ra quanh mình một cộng đồng quan trọng để chia sẻ các ý kiến, giải pháp và thông tin. Theo tôi, điều này đại diện cho một tiêu chí quan trọng để chọn ra những thông tin hữu dụng từ những dữ liệu không phù hợp. Nếu như cộng đồng tập hợp xung quanh một cá nhân, một dự án trực tuyến đủ lớn mạnh hoặc một trang web uy tín, đáng tin cậy, năng động thì chắc chắn những thông tin công bố trên đó đều có độ tin cậy nhất định.

Và luôn có những hình thức công nhận về mặt chuyên môn. Những người đứng sau thông tin mà bạn thu thập được có thể không phải là một tác giả đã từng có tác phẩm được xuất bản nhưng họ có thể có những minh chứng liên quan đến việc công nhận về mặt chuyên môn. Hãy tìm kiếm các thông tin này, kiểm tra độ xác thực của chúng và nếu bạn không thể tìm được các thông tin đó, hãy tiếp tục quá trình tìm kiếm để kiểm tra độ xác thực.

Trong những lĩnh vực tri thức ngầm, tôi cho rằng uy tín cũng là một chỉ số đáng tin cậy để đánh giá chất lượng. Nếu chúng ta cho rằng môi trường kỹ thuật số cũng là một vũ đài nơi mà các nhà chuyên môn nhóm họp lại và tìm kiếm những thành công thì những gì mà họ để lại dấu ấn trên mạng trong suốt quá trình thực hiện các công việc có thể được xem như một thiết bị lọc. Do đó, hãy kiểm tra các đánh giá, nhận định của họ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và cách mà giới truyền thông miêu tả năng lực chuyên môn của họ. Nếu như đó là những ví dụ tích cực dành cho cộng đồng thì cơ hội đã đến khi chúng là những nguồn tài liệu có chất lượng dành cho bạn.

Trước khi chuyển sang chủ đề kế tiếp, tôi muốn chỉ ra rằng, tôi muốn đề xuất một số thay đổi đối với các nguyên tắc nói trên. Như bạn đã thấy, tôi đã không đề cập đến tác quyền và công tác xuất bản liên quan đến những vấn đề mà tôi đã nói ở trên. Điều này không có nghĩa là chúng hoàn toàn không phù hợp. Những nội dung này cũng xuất hiện trong các tạp chí khoa học và các tiêu chí này hiển nhiên cần được đưa vào xem xét. Có một lưu ý ở đây: sự phát triển chóng mặt của khoa học dẫn đến việc một số lý thuyết, phân tích và lý giải đã trở thành lỗi thời vào chính thời điểm chúng được công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Cần áp dụng các tiêu chí nói trên ở đây. Nói cách khác, trong những lĩnh vực tri thức ngầm, các tiêu chí chính thức về việc chọn lọc thông tin được áp dụng với những vấn đề luôn tồn tại, không dễ bị thay đổi. Với những vấn đề luôn không ngừng biến đổi, các nguồn thông tin không chính thức vẫn được đưa vào cân nhắc, xem xét.

Vậy thư viện và nhân viên thư viện sẽ về đâu?

Hiện tại, dường như trong bối cảnh giáo dục, khi mọi người vẫn quan tâm nhiều đến các nghiên cứu và việc tìm kiếm thông tin thì điều này vẫn khá phức tạp. Trong quá trình phức tạp kể trên, một câu hỏi nghiêm túc đã xuất hiện: vai trò của thư viện là gì trong việc cung cấp hoạt động truy cập thông tin? Các thư viện nên như thế nào để phù hợp với những bạn đọc của thư viện rất giỏi về công nghệ. Liệu có còn cần đến người làm thư viện và nếu có, chữ CẦN ấy cụ thể là như thế nào? Đây chỉ là một trong số nhiều câu hỏi mà tôi muốn tìm ra câu trả lời ở những phần sau của bài viết này.

Nhu cầu và kỳ vọng của NDT số hoá

Đầu tiên, tôi cho rằng để có thể nhận thức được vai trò của thư viện và người làm thư viện, chúng ta cần phải nhìn vào NDT mà thư viện và người làm thư viện đang phục vụ và cố gắng xác định ra những nhu cầu và kỳ vọng của họ. Một nghiên cứu gần đây của ACNielsen có tên là “Trong đầu kẻ đọc trộm sách” cho biết: những người tải sách điện tử một cách phạm pháp và hợp pháp hầu hết đều là những khách hàng thông thường, sinh viên, những người đi làm thường đọc sách điện tử từ rất nhiều nguồn số hoá, từ cả những trang đấu giá trực tuyến và cả từ thư điện tử của bạn bè.

Một dữ liệu khác của nghiên cứu khá phù hợp với nội dung của bài viết này: phần lớn những tài liệu được tải xuống đều là tài liệu nghiên cứu: có khoảng 40% sách chuyên ngành và sách giáo khoa, 30% các bài trích tạp chí. Cũng nghiên cứu đó chỉ ra rằng 70% những người tải tài liệu về đều tốt nghiệp phổ thông và có bằng đại học, họ truy cập các nội dung số hoá từ rất nhiều trang web khác nhau, các giao diện khác nhau cũng như các cổng truy cập khác nhau. Theo nghiên cứu này, đại bộ phận người tải tài liệu trong độ tuổi 18-34, có trình độ học vấn và có kinh tế nhất định. Hơn nữa, khi được hỏi lý do vì sao họ tải sách, vở từ trên mạng xuống mà không mua chúng, họ cho biết vì chúng có trên mạng (51%), vì chúng được cung cấp độc quyền: các tài liệu đó không có ở các địa chỉ cung cấp với số lượng lớn (33%) và do thói quen (17%), có nghĩa là NDT đã quen với việc tìm kiếm trực tuyến thông tin mình cần.

Như vậy, nếu chúng ta phải xây dựng hồ sơ của những NDT này thì họ sẽ có những đặc điểm sau:

- Họ đều là những người trẻ, được học hành bài bản, năng động và giỏi công nghệ

- Họ mong muốn sẽ dễ dàng tìm được những thông tin mà họ cần trên mạng mà không tốn quá nhiều công sức và không phải mất phí.

Phạm vi và nhiệm vụ của thư viện số hoá

Nếu như miêu tả ở trên phù hợp với hồ sơ của người dùng số hoá thì thư viện phục vụ những NDT đó sẽ như thế nào? Hãy bắt đầu bằng việc xem cách Bill Crowley nhìn nhận vấn đề này trong cuốn sách nhan đề ”Bảo vệ nghề nghiệp: nguồn tài liệu cho người làm thư viện, chuyên gia thông tin, các nhà quản trị tri thức và các cán bộ lưu trữ”, trong đó ông đã cố gắng đánh giá và bảo vệ sự cần thiết phải có người làm thư viện bằng việc đưa ra giả định sau:

”Không nghi ngờ gì nữa, thế giới đã thực sự đổi thay. Về mặt truyền thống, người làm thư  viện thường giúp cho mọi người truy cập và sắp xếp, tổ chức thông tin. Hiện giờ, lượng thông tin khổng lồ xuất hiện ở rất nhiều hình thức và có thể được cung cấp trực tiếp tới các văn phòng công sở, các địa chỉ nhà riêng và trên các thiết bị cầm tay. Do đó, nghề thư viện, theo nhiều cách khác nhau đã thực sự thay đổi. Internet có ảnh hưởng đến phương thức cung cấp thông tin cả ở trong và ngoài thư viện. Mọi người luôn mong muốn có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để định vị thông tin. Rất nhiều người tin rằng họ đơn giản chỉ cần ghé vào một điểm truy cập Internet và một trình duyệt web, không cần đến một khâu trung gian với con người và hiển nhiên là không cần đến người làm thư viện (Crowley).

Tác giả cũng đã chỉ ra ở phần sau của cuốn sách, câu hỏi cần được trả lời là: liệu người làm thư viện có bị cô lập và nếu vậy, thư viện sẽ ra sao? Trong bối cảnh phức tạp này, Crowley cho rằng thư viện sẽ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, không phải như một cơ quan lưu trữ mà hơn thế, như một cơ quan chuyên môn và đáng tin cậy, hỗ trợ việc tìm kiếm, chọn lọc và nhận thức được lượng thông tin khổng lồ trên Internet. Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.

Nói cách khác, NDT cần đến chức năng hợp lý đó của người làm thư viện, họ cần được tư vấn, chỉ dẫn và nhu cầu đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu chúng ta nghĩ đến lượng thông tin giả mạo và những thông tin kém chất lượng mà mọi người có thể tiếp cận khi truy cập Internet.

Với suy nghĩ đó, sẽ dễ hiểu vì sao yếu tố ảo của các thư viện trở nên đặc biệt quan trọng. Và khi đề cập đến yếu tố ảo đó, tôi không chỉ đề cập đến sự ảo đơn thuần của vốn tài liệu, cho phép mọi người truy cập tới các tạp chí điện tử và dữ liệu mở mà còn muốn nói đến việc tạo ra những trải nghiệm trong môi trường ảo một cách hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của NDT. Điều này có liên quan đến bộ nguyên tắc mà tôi có đề cập đến ở dưới. Nhưng trước đó, cần nói rằng tôi sẽ không đề cập đến các chức năng, những yêu cầu về mặt kỹ thuật, mà chỉ tới một số nội dung cần thiết liên quan đến nhu cầu và mong muốn của NDT.

Ở vị trí đầu tiên, điều quan trọng cần hiểu được là không giống như thư viện truyền thống, thư viện số là một hệ thống tương tác cho phép điều chỉnh và thay đổi dựa trên hành vi thông tin và hoạt động của NDT trên giao diện.

Thư viện số hoá phải lấy NDT làm trọng tâm chứ không phải nội dung làm trọng tâm. Những nội dung mà thư viện có và cung cấp chỉ phát huy giá trị khi chúng đáp ứng được nhu cầu của NDT. Khi lấy NDT làm trọng tâm, cần tính đến các khâu mà NDT tiến hành để tìm kiếm thông tin và biến chúng thành những bước đơn giản, dễ thực hiện. Do đó, ở vị trí đầu tiên, để đáp ứng nhu cầu của NDT, một thư viện số hoá cần phải dễ dàng định vị trên mạng và dễ tiếp cận.

Khi ở trong một giao diện lớn thì cấu trúc thông tin đóng vai trò quan trọng. Cách mà dữ liệu được tổ chức, sắp xếp trên các trang, các danh mục và được lọc theo loại hình, thẻ gắn tên (tag) hoặc bất kỳ hình thức nào đều trở nên cần thiết cho các trải nghiệm hữu ích của NDT. Cấu trúc thông tin của một thư viện số hoá cần mang tính trực quan để NDT cảm thấy dễ sử dụng để mỗi nhu cầu tin đều cảm thấy tự nhiên và không khó khăn. Theo quan điểm này, các cấu trúc web phổ biến hiện đang được sử dụng với quy mô lớn đều được ưa chuộng bởi NDT đã quen với một số bố cục cụ thể. Ví dụ, đặt một nút tìm kiếm ở đầu của trang và các đường dẫn tìm kiếm ở phía bên trái trang đã trở thành một hình ảnh rất quen thuộc.

Hơn thế nữa, với cùng lý do, thiết kế phục vụ mục đích thẩm mỹ luôn ở mức tối giản. Theo đó, nhu cầu chính của NDT là tìm kiếm những nội dung phù hợp vẫn là vấn đề trọng tâm của các giao diện và giúp cho NDT không bị phân tâm khi thực hiện các phép tìm tin.

Một điều quan trọng khác là NDT sẽ được hướng dẫn trong suốt quá trình tìm kiếm thông tin. Việc tìm kiếm thông tin cần được duy trì bởi các bộ lọc, các hình thức phân loại, các từ khoá và các đề xuất cá nhân dựa trên các phép tìm trước đó của NDT hoặc các phép tìm tương tự của những NDT khác. Nếu phép tìm càng chuyên biệt, càng tương thích thì lại càng tốt. Như đã nói ở trên: vai trò không bao giờ thay đổi của thư viện là đưa ra những hướng dẫn và tư vấn chuyên môn. Nhiệm vụ đầy thách thức này lại càng cần chiếm ưu thế trong thế giới số hoá. Và trong một thư viện số hoá, nếu người làm thư viện không thể hiện hữu ở đó thì sự hiện diện ảo của họ cần phải được thay thế cho sự hiện diện vật lý. Điều này có thể được thực hiện theo hai cách khác nhau.

Cách thứ nhất: Sự hiện diện ảo của người làm thư viện có thể được tăng cường bằng cách tạo ra một giao diện thân thiện với NDT, ngôn ngữ dễ hiểu và luôn dự đoán nhu cầu của NDT ở mỗi bước. Do đó, dù cho NDT không có trải nghiệm được nói chuyện trực tiếp với người làm thư viện thì họ cũng có được trải nghiệm hiệu quả của cách làm việc này.

Cách thứ hai: Người làm thư viện có thể hiện diện ở một thư viện nếu giao diện cho phép thực hiện các mẩu hội thoại thực tế với NDT. Các không gian trò chuyện trực tuyến (chat room), các diễn đàn thảo luận hoặc các ứng dụng nhắn tin nhanh trong cùng giao diện có thể là một trong nhiều giải pháp kỹ thuật có thể được áp dụng.

Như vậy, vai trò của thư viện đương đại dường như vẫn liên quan đến một số các đặc điểm chính: cho phép truy cập thông tin và hướng dẫn NDT. Các thư viện vẫn được cần đến khi đề cập đến nhiệm vụ và phạm vi của thư viện. Nhưng mọi người không thể bỏ qua những gì đã tạo nên sự khác biệt trên thế giới: đó chính là bản chất luôn thay đổi của nội dung thông tin - khổng lồ về mặt số lượng và đa dạng về mặt hình thức; đó còn là sự hiện diện ảo của người làm thư viện và trên hết là sự hiện diện của NDT với nhiều năng lực và quyền hạn hơn.

Triển vọng tương lai về vai trò của thư viện trong một xã hội tri thức mở

Hiện giờ, thông tin được truy cập một cách dễ dàng mọi nơi, mọi lúc đã trở thành một tiêu chí quan trọng. Đó không phải là một xu thế văn hoá đương đại mà cũng không phải là một mục đích không tưởng. Nhu cầu sử dụng web của NDT gắn với trình độ học vấn hoặc bằng cấp chuyên môn của mỗi người. Hệ quả là: tri thức mở không phải là một cụm từ thông dụng. Nó là một dạng thức của tư duy, một nhận thức mới về sáng tạo và chia sẻ thông tin mà các thư viện cần bao quát để có thể bảo tồn vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ các tiến bộ văn hoá.

Điều này không chỉ gây ra những thắc mắc hoặc thay đổi về sự hiện diện của các thư viện trong thế giới số hoá mà còn thay đổi cả về mặt lý luận về sự tồn tại của các thư viện. Đây không chỉ đơn thuần là cung cấp các tài liệu nhân bản đã được số hoá của các bản in. Nó đòi hỏi các thư viện cần có sự hiểu biết về quá trình sáng tạo và chia sẻ các tài liệu số hoá gốc, các nội dung đa phương tiện và trở thành một bộ phận tích cực trong quá trình này.

Theo tôi, để có thể tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn NDT, các thư viện số hoá cũng cần bao quát được các nội dung mà các cơ quan chuyên môn truyền thống coi là không chính tắc. Nguyên tắc được áp dụng nhiều nhất trong các yêu cầu tin là nếu nội dung nào hữu ích và giá trị với NDT thì nội dung đó sẽ phải có chỗ đứng trong thư viện. Phải khắc phục được tình trạng không tương thích giữa dạng thức thông tin và việc phân loại thông tin hiện có cũng như tình huống người kiến tạo thông tin không phải là một tác giả nổi tiếng đã có những tác phẩm đã được xuất bản. Nếu thông tin có một giá trị cụ thể, nếu thông tin giúp ích được cho NDT đạt được các mục tiêu giáo dục của mình thì thông tin đó cần được xem là tài liệu thư viện.

Trong nghiên cứu của MIT 2016 về sự liên quan của các thư viện đến việc nâng cao năng lực xây dựng, phổ biến và bảo quản tri thức, có 4 yếu tố cụ thể gắn với vai trò thiết yếu của thư viện trong tương lai:

- Cộng đồng và mối liên hệ với cộng đồng NDT.

- Tìm kiếm và sử dụng thông tin.

- Quản lý và đảm bảo tính bền vững của những thông tin được cung cấp.

- Quan tâm đặc biệt đến các nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm.

Theo nghiên cứu này, vấn đề cốt lõi là tìm ra được một cách để tiếp cận nhiều đối tượng sử dụng hơn và mặt khác, cần biến họ thành một thành tố năng động của quá trình tạo dựng và phổ biến thông tin. Hơn nữa, về khía cạnh phổ biến thông tin, nghiên cứu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc số hoá tất cả các nghiên cứu hiện mới chỉ xuất hiện dưới dạng bản in và đồng thời, tạo ra các nội dung số hoá nguyên bản mà cả con người lẫn máy móc đều có thể sử dụng được.

Về những thách thức của tương lai liên quan đến các hình thức và loại hình dữ liệu dạng thức và các loại dữ liệu, việc lưu trữ, chọn lọc và xử lý hình ảnh giữ một vị trí đặc biệt: ”Các học giả muốn có được khả năng tạo ra các bộ hình ảnh độc đáo để phục vụ công cuộc nghiên cứu, giảng dạy của họ, làm cho chúng trở nên nổi bật, xử lý những hình ảnh đó, gắn kèm với các chú thích, chia sẻ chúng với các đồng nghiệp - những người có cùng các nghiên cứu tương tự và kết nối chúng với các nguồn tài nguyên khác được lưu trữ tại chỗ hoặc như một bộ phận của mạng lưới nghiên cứu rộng lớn hơn” (trích từ htpp://future-of-libraries.mit.edu/).

Nói cách khác, thư viện trong tương lai cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và thậm chí là thực hiện việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức lớn hơn mà NDT kỹ thuật số có thể mang lại. Những người có quan điểm truyền thống thường sợ rằng những sự thay đổi này có thể làm sai lệch vai trò quan trọng của thư viện và người làm thư viện và nếu quá chú trọng đến nhu cầu của NDT, các thư viện sẽ đi quá xa khỏi văn hoá phục vụ của mình.

Tôi không cho rằng đó là một vấn đề cần suy nghĩ. Bằng việc giả định rằng vai trò của một người chơi năng động trong việc cung cấp tri thức mở, các thư viện sẽ không thoả hiệp về giá trị hay đạo đức nghề nghiệp của mình. Ngược lại, như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng hơn cả đối với các thư viện là giữ được vị thế của họ như một chủ thể trong việc lựa chọn và cung cấp những thông tin giá trị. Bổ trợ cho tri thức không có nghĩa là chúng ta cho phép bất kỳ thông tin được công bố nào cũng có thể trở thành tri thức mà chúng ta cần khuyến khích những thông tin có đóng góp cho quá trình nhận thức phải đến được với mọi người và mang lại lợi ích cho họ theo nhiều cách khác nhau. Các thư viện phải giữ vai trò như một cổng truy cập giúp tìm được các thông tin này.

Kết luận

Mọi người sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng dù chúng ta có thích điều đó hay không. Điều thường gặp là chúng ta hay kiểm tra hộp thư vào mỗi sáng hoặc tìm kiếm những người bạn đã bị thất lạc một thời gian dài trên facebook chứ không phải trong một danh bạ điện thoại. Sự kết nối giữa việc tìm kiếm thông tin và tìm kiếm trên mạng là ngay lập tức và không có cách nào để quay trở lại. Do đó, hiển nhiên là NDT không phải thay đổi địa chỉ và thời gian tìm kiếm mà chính các thư viện cần phải bắt kịp được với các hành vi thông tin luôn không ngừng thay đổi của NDT, tìm được chỗ đứng của mình trong một thế giới số hoá không ngừng chuyển động, nơi mà thông tin đã trở nên bão hoà.

Có một số những chỉ dẫn quan trọng trong quá trình này và nếu được cân nhắc kỹ, chúng có thể đảm bảo rằng các thư viện sẽ giữ được vai trò quan trọng của mình trong việc kiến tạo và phổ biến tri thức.

1. Luôn tìm hiểu và nắm được nhu cầu, mong muốn và hành vi thông tin của NDT.

2. Thiết lập những trải nghiệm lấy NDT làm trọng tâm.

3. Bao quát cả những thông tin không mang tính học thuật nhưng có giá trị nghề nghiệp nhất định từ các lĩnh vực tri thức ngầm.

4. Cung cấp những trải nghiệm kỹ thuật số toàn diện.

Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt khi nhắc đến một xã hội tri thức mở vẫn đang tiếp tục. Chúng thay đổi cùng tốc độ với công nghệ thông tin và tất yếu sẽ như thế. Yếu tố quan trọng để có thể đương đầu với chúng không phải là cố gắng giải quyết tất cả bởi điều này là không thể. Cần trang bị cho mỗi cá nhân một tư duy thay đổi mà theo đó sự kiến tạo và chia sẻ thông tin là một quá trình miễn phí, mang tính mở và ở đó, tri thức mở sẽ hỗ trợ chứ không đe doạ sự tiến bộ và chúng ta sẽ hành động theo phương châm này!

Dịch từ: http://library.ifla.org/2086/1/S17-2017-sirb -en.pdf.

_____________

Ngô Hồng Điệp lược dịch

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 4. - Tr. 56-62,66.


Đọc thêm cùng chuyên mục: