Manuscriptorium và giải pháp quản lý, khai thác tài liệu cổ trong các thư viện Việt Nam

E-mail Print

Đặt vấn đề

Những đặc điểm độc nhất vô nhị và giá trị văn hoá, lịch sử, khoa học đặc biệt đã khiến tài liệu cổ trở thành đối tượng khai thác, tìm hiểu quan trọng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Các thư viện được giao trọng trách tập hợp và gìn giữ sưu tập tài liệu cổ luôn xem những di sản văn hoá thành văn này là vốn quý, là niềm tự hào của thư viện mình. Mặc dù vậy, phần lớn các bộ sưu tập tài liệu cổ trong thư viện đang đứng trước một thực tế: tồn tại rải rác ở các thư viện, được tổ chức, quản lý theo các phương thức riêng lẻ, thiếu chuẩn hoá, thiếu sự liên kết, đông đảo công chúng nói chung cũng như người dùng thư viện nói riêng ít nắm bắt được những thông tin hoặc nắm bắt không đầy đủ về tiềm năng và giá trị của loại tài liệu này tại các thư viện, do đó tài liệu cổ chưa dành được sự quan tâm khai thác xứng đáng của người dùng.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều sáng kiến đã và đang được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tài liệu cổ, giúp các bộ sưu tập tài liệu cổ “xuất hiện” trước mắt công chúng và đến được với đông đảo người dùng. Ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ số, trong quản lý và khai thác tài liệu cổ hiện nay đã và đang trở thành một xu hướng chủ đạo. Manuscriptorium - thư viện số về tài liệu cổ, được khởi xướng ở châu Âu trong nhiều năm qua, đã trở thành điểm hội tụ các nguồn tài liệu cổ quý hiếm của nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại những hiệu quả đáng kể, cho phép các thư viện quảng bá sưu tập di sản cũng như tạo điều kiện để người dùng từ khắp nơi trên thế giới dễ dàng tiếp cận, khai thác dài hạn những di sản đó. Thư viện số Manuscriptorium có thể trở thành bài học kinh nghiệm hữu ích để các thư viện Việt Nam hợp tác gìn giữ, phổ biến và phát huy có hiệu quả giá trị kho tàng tài liệu cổ quý báu của dân tộc.

1. Manuscriptorium

1.1. Thư viện số tài liệu cổ lớn nhất thế giới

Xuất phát từ mong muốn vừa bảo quản được các di sản văn hoá thành văn giá trị, vừa cho phép truy cập tới các tài liệu đó thông qua các bản sao số hoá, năm 1993, UNESCO đã đề nghị Thư viện Quốc gia Cộng hoà Séc thực hiện dự án số hoá thí điểm trong khuôn khổ chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World). Dự án đã số hoá bộ sưu tập tài liệu chép tay và tài liệu in quý hiếm của Thư viện Quốc gia Cộng hoà Séc và kết quả là sự ra đời của cơ sở dữ liệu Manuscriptorium. Ban đầu, Manu- scriptorium được xuất bản dưới dạng CD-ROM và chỉ chứa 70 hình ảnh các trang sách mẫu kèm theo một thư mục về các tài liệu chép tay. Dự án thí điểm được đánh giá thành công chính là tiền đề cho thư viện số Manuscriptorium sau này. Trải qua hơn hai thập kỷ xây dựng và dần hoàn thiện với hàng loạt dự án lớn (MASTER - Dự án truy cập tài liệu chép tay thông qua chuẩn biểu ghi điện tử châu Âu, ENRICH - Dự án nguồn lực kết nối mạng và thông tin về di sản văn hoá châu Âu…), đội ngũ phát triển Manuscriptorium đã thành công khi đưa vào thực tiễn một giải pháp hiệu quả cho phép tập hợp các tài liệu số riêng lẻ thành một cơ sở dữ liệu truy cập được qua mạng Internet.

Hướng tới mục tiêu chính là giúp người dùng truy cập và chia sẻ thông tin về các bộ sưu tập tài liệu cổ do Manuscriptorium tạo lập và các bộ sưu tập uy tín đến từ các đơn vị thành viên khác, Manuscriptorium tuyên bố: cung cấp truy cập tới “tất cả các tài liệu số hiện có về tài liệu cổ” nằm rải rác ở các thư viện số khác nhau trên thế giới và cho phép tất cả các tài liệu này hiển thị trên “một giao diện thư viện số duy nhất” [2].

Hiện nay, Thư viện số Manuscriptorium (Manus- criptorium Digital Library) hay Thư viện số tài liệu viết tay châu Âu (European Digital Library of Manuscripts) được đánh giá là một trong những dự án thư viện số về tài liệu đặc biệt được thực hiện toàn diện nhất. Người dùng Thư viện số Manuscriptorium không chỉ truy cập được các tài liệu cổ quý hiếm của Thư viện Quốc gia Cộng hoà Séc mà còn cả các bộ sưu tập tài liệu đặc biệt đến từ hơn 100 đơn vị cung cấp nội dung (thư viện, bảo tàng, cơ quan lưu trữ, bộ sưu tập tư nhân và các tổ chức văn hoá khác) thuộc hơn 20 quốc gia như: Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Hungari, Rumani, Mônđôva, Ba Lan, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Aixơlen, Latvia, Litva, Crôatia, Hàn Quốc… Tính đến năm 2016, Thư viện số Manuscriptorium có hơn 400.000 biểu ghi thư mục các tài liệu chép tay và tài liệu in cổ. Đặc biệt, với số lượng hơn 24.000 tài liệu số toàn văn (tương đương 5.000.000 hình ảnh riêng biệt), Manuscriptorium chính là thư viện số tài liệu cổ lớn nhất thế giới [7].

1.2. Điểm truy cập 24/7

Được hỗ trợ phát triển bởi các cơ quan uy tín hàng đầu thế giới như Trung tâm Dịch vụ Điện toán Đại học Oxford (Anh), Trung tâm Siêu máy tính và Mạng Poznan (Ba Lan), Trung tâm Truyền thông và Truyền thông Quốc tế Florence (Italia), Manuscriptorium đã phát triển qua nhiều phiên bản, trong đó mới nhất là phiên bản thứ ba. Người dùng Thư viện số Manuscriptorium có thể truy cập đồng thời phiên bản hai và ba trên mạng Internet qua các địa chỉ: http://www.manuscriptorium.com/ (phiên bản 3); http://v2.manuscriuptorium.com/ (phiên bản 2).

Truy cập vào Cổng thông tin Manuscriptorium, người dùng được hướng dẫn sử dụng rất chi tiết. Phần đầu trang chủ là một bản trình bày giới thiệu sơ lược dạng slide. Ngoài ra, ở gần cuối trang này, người dùng cũng dễ dàng tìm được ba video hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, bao gồm: làm thế nào để truy cập vào thư viện số, cách tìm kiếm, cách xem một biểu ghi đã chọn.

alt

Hình 1: Trang chủ Manuscriptorium (nguồn: http://www.manuscriptorium.com)

Đúng như tuyên bố “Manuscriptorium là thư viện số miễn phí cho phép truy cập tới các thông tin được tập hợp về các nguồn tài liệu cổ thông qua các công cụ tìm kiếm tinh vi”, không cần đăng nhập, người dùng có thể truy cập vào thư viện số và xem lướt mục lục bằng cách nhấp chuột vào phần “Library” trên thanh định vị. Nếu muốn lưu lịch sử tìm kiếm, nhận diện các tài liệu ưa thích, tạo lập các tài liệu số hoặc bộ sưu tập theo yêu cầu, người dùng phải có một tài khoản đăng ký. Việc đăng ký tài khoản là hoàn toàn miễn phí với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện (chưa đầy 5 phút thao tác).

alt

Hình 2: Giao diện Thư viện số Manuscriptorium (nguồn: http://www.manuscriptorium.com)

Phần trên giao diện Thư viện số là thanh công cụ tìm kiếm. Khi thực hiện một cuộc tìm, người dùng có thể sử dụng nhiều cách thức khác nhau. Ở chế độ mặc định, một thuật ngữ được gõ vào ô tìm kiếm sẽ trả kết quả bao gồm các tài liệu có chứa thuật ngữ tìm đó trong mọi trường của biểu ghi. Kết quả tìm được thu hẹp theo tuỳ chọn của người dùng bằng cách sử dụng các trình đơn xổ xuống bên cạnh ô tìm kiếm với các chức năng tinh lọc (Refine) và các công cụ tìm (Search Tools) khác nhau.

Phần phía dưới thanh công cụ tìm kiếm là khu vực làm việc chính được thiết kế thành ba cột. Danh sách kết quả tìm được hiển thị ở cột bên trái. Người dùng có thể chọn kết quả tìm phù hợp để xem thêm thông tin về tài liệu hiển thị ở cột giữa, bao gồm: Khái quát (các thông tin về nguồn lưu giữ tài liệu, cơ quan lưu giữ, số ký hiệu cá biệt, định dạng tài nguyên thống nhất URI), Chi tiết  (thông tin mô tả vật lý, nguồn gốc, thông tin thư mục, đường dẫn tới các ảnh bản sao), Bản sao  (xem lướt hoặc xem kỹ từng ảnh), Toàn văn, XML và Bình luận. Cột ngoài cùng bên phải dành cho người dùng đã đăng nhập. Khi đã đăng nhập, người dùng có thể lưu cuộc tìm, đánh dấu tài liệu ưa thích và sắp xếp chúng trong mục Favorite, ngoài ra còn có các tính năng đặc biệt như “Tài liệu ảo” (Virtual Documents) và “Sưu tập” (Collections) cho phép người dùng tạo lập một tài liệu ảo hoặc sưu tập mới trên cơ sở các nguồn lực và hình ảnh đã đưa vào mục “ưa thích”.

1.3. Các vấn đề kỹ thuật

Mục lục của Manuscriptorium bao gồm các biểu ghi được thực hiện theo khổ mẫu chuẩn MASTER (Manuscript Access through Standard for Electronic Records). Khi các biểu ghi do các đơn vị khác thực hiện hoặc cung cấp (dưới dạng MARC 21, UNMARC, Dublin Core, MODS…) được nhập vào cơ sở dữ liệu biểu ghi cơ bản của Manuscriptorium, chúng sẽ được chuyển đổi thành định dạng chuẩn MASTER. Ưu điểm lớn nhất của chuẩn MASTER là phân mảng dữ liệu rất chi tiết, vì vậy đảm bảo tính thống nhất cao khi tìm kiếm. Cơ sở dữ liệu Manuscriptorium có độ linh hoạt rất cao do cho phép thực hiện nhiều tuỳ chọn đối với biểu ghi (ví dụ, thứ nhất, cơ sở dữ liệu các biểu ghi cơ bản có thể cùng lúc bao quát nhiều khả năng chuyển ngôn ngữ khác nhau; thứ hai, có thể thay thế các biểu ghi cơ bản bằng các biểu ghi chuyên biệt trên cơ sở quan điểm của từng chuyên ngành cụ thể như: khoa học nghiên cứu sách chép tay, lịch sử mỹ thuật, âm nhạc học…; thứ ba, có thể cải tiến từng biểu ghi mục lục có sẵn).

Các hình ảnh, bản sao kỹ thuật số của tài liệu cổ gốc trong Manuscriptorium được quét bằng công nghệ có chất lượng cao và cung cấp ở nhiều chế độ: ảnh thu nhỏ (gallery thumbnails), xem trước (previews), chất lượng thấp/ Internet, chất lượng bình thường, tối ưu đen và trắng với độ tương phản cao để dễ đọc khi cần.

Dữ liệu toàn văn của Thư viện số được thực hiện theo chuẩn TEI (Text Encoding Initiative). Trên thực tế, các dữ liệu toàn văn bản sao tài liệu gốc và/ hoặc các tài liệu cổ nguyên gốc trong Manuscrip- torium có dạng thức không thống nhất: bản sao số hoá từ tài liệu nguyên gốc, bản sao chuyển dạng hồi cố của các ấn bản in, bản dịch tài liệu gốc, bản sao làm bằng phương thức chép tay hoàn toàn thủ công, bản sao chụp bằng công nghệ scan và OCR… Ngôn ngữ trong các tài liệu cổ rất đa dạng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc nhận dạng, đặc biệt đối với chữ viết tay. Để giải quyết những khó khăn đó, Thư viện Quốc gia Cộng hoà Séc đã nhờ tới sự cộng tác của Viện Ngôn ngữ Séc. Đối với các bản ký âm, chú âm, Manuscriptorium sử dụng định dạng XML, MusicXML và MEI (Music Encoding Initiative) tương thích với chuẩn TEI [13].

Manuscriptorium là một thư viện số được cải tiến liên tục. Hiện nay, các chuẩn và giải pháp vẫn tiếp tục được đội ngũ Manuscriptorium hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của việc tích hợp đa dạng các loại hình tài liệu cổ khác nhau trong cùng một thư viện số. Đồng thời, việc khảo sát, nghiên cứu hành vi của người dùng khi tìm kiếm trên giao diện Manuscriptorium cũng được thực hiện thường xuyên với mục tiêu tạo ra một giao diện tìm kiếm ngày càng tốt và thân thiện hơn với người dùng [11].

Những thành quả mà Manuscriptorium đạt được cho đến nay chính là nhờ quá trình hợp tác giữa các thư viện thành viên với vai trò chủ đạo của Thư viện Quốc gia Cộng hoà Séc. Manuscriptorium đã trở thành một minh chứng điển hình cho xu hướng hợp tác giữa các thư viện số lưu trữ tài liệu cổ tại nhiều quốc gia trên thế giới giúp phát huy được giá trị di sản thư tịch quý báu, phục vụ người dùng đạt hiệu quả cao.

2. Hợp tác xây dựng một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam

2.1. Xây dựng thư viện số tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam

Ở Việt Nam, bên cạnh các cơ quan lưu trữ, nhiều thư viện hiện còn lưu giữ được hàng chục vạn tài liệu cổ xưa có niên đại hàng thế kỷ như: hương ước, thần tích, thần sắc, thần phả, sắc phong… được viết tay bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc in trên giấy dó, các bản văn khắc cách đây khoảng một đến hai thế kỷ, thậm chí có những tài liệu cổ có niên đại cách đây gần 600 năm. Trong các sưu tập tài liệu đó có những tài liệu cổ đặc biệt quý hiếm như những cuốn sách chép tay có niên đại hơn 400 năm, những tấm bản đồ thế kỷ XVIII, XIX; những bản sắc phong của nhà Lê, nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; các tài liệu Latin cổ có từ thế kỷ XVI, XVII… Kho tàng di sản quý báu đó được bảo quản và khai thác tại các thư viện tiêu biểu như: Thư viện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện - Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện - Viện Văn học, Thư viện - Viện Sử học, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội… Nhiều năm qua, các thư viện lưu giữ tài liệu cổ ở Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập tài liệu cổ bằng nhiều hình thức với xu hướng chủ đạo là số hoá tài liệu cổ và xây dựng thư viện số [7]. 

Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” với trọng tâm “Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số; Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá trong thư viện theo phương pháp hiện đại dựa vào công nghệ thông tin phát triển ở mức cao… Số hoá 100% tài liệu quý hiếm trong thư viện” là tiền đề cho những bước tiến của các thư viện Việt Nam trong việc xây dựng sưu tập số về tài liệu cổ, quý hiếm cho thư viện mình. Những dự án số hoá tiêu biểu được thực hiện hầu hết đều ưu tiên tập trung cho các nguồn tài liệu Hán Nôm cổ, quý hiếm. Kết quả là ở một số thư viện lớn đã xây dựng được nguồn tài liệu Hán Nôm cổ số hoá với tỷ lệ khá cao. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã số hoá và đưa vào phục vụ trực tuyến Thư viện số tài liệu Hán Nôm cổ với trên 133.000 trang (tương đương 1.907 tài liệu). Thư viện - Viện Thông tin Khoa học Xã hội có cơ sở dữ liệu toàn văn về thần tích, thần sắc (hơn 13.000 biểu ghi), hương ước (gần 6.000 biểu ghi) và sách Hán Nôm (2.056 cuốn). Thư viện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kho tàng Hán Nôm lớn nhất cả nước, đã số hoá được 800.000 trang tài liệu Hán Nôm cổ. Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm, tập hợp và số hoá tài liệu Hán Nôm hiện có hơn 135.000 trang tư liệu số. Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có bộ sưu tập số gồm nhiều thư tịch Hán Nôm cổ. Trên thực tế, ngoài các thư viện tiêu biểu nêu trên, tài liệu Hán Nôm cổ còn được lưu trữ rải rác ở nhiều thư viện khác (các thư viện tỉnh, thành phố và một số thư viện của các viện nghiên cứu lớn), tuy nhiên, ở các thư viện này việc số hoá và xây dựng kho tư liệu số chưa được thực hiện, chủ yếu do những hạn chế về nguồn kinh phí và nhân lực.

alt

Bảng 1: Thư viện số tài liệu Hán Nôm cổ tại một số thư viện ở Việt Nam

Song song với việc số hoá tài liệu, nhiều thư viện Việt Nam đã xây dựng được thư viện số tài liệu Hán Nôm cổ và đưa vào khai thác, phục vụ người dùng qua mạng Internet (Bảng 1). Trong đó, đáng chú ý nhất là Thư viện số tài liệu Hán Nôm (CSDL Hán Nôm) của Thư viện Quốc gia Việt Nam (http://hannom.nlv.gov.vn) là kết quả của Dự án số hoá kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm từ năm 2007 đến 2009. Thư viện số này cho phép người dùng tiếp cận với 1.907 tài liệu toàn văn và được coi là thư viện số hoàn chỉnh đầu tiên áp dụng cho văn tự cổ Hán Nôm trên thế giới.

Phần lớn các thư viện lưu giữ tài liệu Hán Nôm cổ ở Việt Nam hoặc do các vấn đề về công nghệ, hoặc do nguồn lực số còn hạn chế nên việc xây dựng thư viện số tài liệu Hán Nôm chưa đạt được những bước tiến đáng kể. Không kể các thư viện chưa có điều kiện số hoá, nhiều thư viện đã có nguồn lực số hoá dồi dào song lại tỏ ra khá chậm trễ khi tổ chức thành thư viện số và đưa vào phục vụ. Việc xây dựng thư viện số phần lớn đều do mỗi thư viện thực hiện với những chương trình, dự án riêng biệt, thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các thư viện, vì vậy hiệu quả quản lý và khai thác các tài liệu cổ, quý hiếm chưa cao.

2.2. Hợp tác thư viện số về tài liệu cổ

Từ xa xưa, việc hợp tác trong phạm vi mỗi lĩnh vực của đời sống luôn mang lại cho con người những lợi ích to lớn. Hợp tác giúp nâng cao khả năng trao đổi và chia sẻ tri thức, tiết kiệm các nguồn lực trên con đường đạt tới mục tiêu chung. Giữa các cơ quan tổ chức, hợp tác giúp các bên nhận thức đầy đủ hơn về những vấn đề chung đang tồn tại nhằm thực hiện hoạt động của mình trên cơ sở việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra những đột phá mới trong quá trình phát triển.

Ngày nay, việc hợp tác ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ sự ra đời của hàng loạt giải pháp, công cụ, phương tiện cho phép các cơ quan tổ chức kết nối, chia sẻ với nhau một cách dễ dàng. Mặc dù vậy, hợp tác giữa các cơ quan tổ chức luôn đặt ra nhiều vấn đề cần bàn như nguồn ngân sách, địa bàn hợp tác, lợi ích của các bên tham gia và sự sẵn sàng cam kết với những nhiệm vụ nhằm đạt tới mục tiêu chung. Trong đó, việc xác định một mục tiêu hợp tác cụ thể và đạt được sự thông hiểu, thống nhất, đồng thuận giữa các bên là những rào cản lớn nhất để hoạt động hợp tác được triển khai trong hiện thực.

Thư viện vốn là lĩnh vực có truyền thống lâu đời trong hợp tác giữa các cơ quan thư viện với nhau nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Về bản chất, các thư viện đều có mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi để người dùng truy cập và sử dụng các bộ sưu tập thông qua các sản phẩm và dịch vụ. Nhiều hoạt động hợp tác trong hàng loạt các khâu công tác chuyên môn như bổ sung, biên mục và tra cứu đã được các thư viện thực hiện. Trong giai đoạn công nghệ thông tin hiện nay, đặc biệt là công nghệ số ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, giúp các cơ quan này không những tìm ra giải pháp mới trong cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà còn xoá nhoà ranh giới vật lý giữa các cơ quan thư viện trong phạm vi quốc gia và quốc tế, nâng cao hiệu quả phục vụ người dùng.

Hợp tác xây dựng thư viện số liên kết hiện nay trở thành một xu hướng trong hoạt động thư viện - thông tin, đặc biệt ở các thư viện có bộ sưu tập tài liệu đặc biệt phục vụ nghiên cứu. Các thư viện số liên kết này được hiểu là những không gian mới bao gồm cơ sở hạ tầng và dịch vụ số nơi người dùng có thể tiếp cận với các nguồn lực số đến từ nhiều đơn vị đóng góp khác nhau. Để xây dựng được những thư viện số như vậy thì điều kiện tiên quyết chính là sự hợp tác giữa các thư viện nhằm liên kết các nguồn lực và phát triển một nền tảng phù hợp phục vụ hoạt động nghiên cứu. Nhiều dự án hợp tác điển hình trong lĩnh vực số hoá và xây dựng thư viện số giữa các thư viện trên thế giới đã được triển khai thành công, đặc biệt trong các thư viện có bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, những sáng kiến hợp tác thư viện số bền vững như thành công của Manuscriptorium đã kết nối những kho tàng di sản dưới một cổng truy cập chung và mang chúng đến với đông đảo người dùng theo một phương thức mới, thuận tiện và hấp dẫn. Ngoài Manuscriptorium, nhiều chương trình quốc gia và quốc tế khác đã thành công nhờ hợp tác thư viện số như: Dự án Xuất bản các tài liệu Lưu trữ, Thư viện và Bảo tàng (Publication of Archival, Library and Museums Materials) của Đại học Florida Atlantic, Hoa Kỳ; E-codices - Thư viện ảo về tài liệu chép tay của Thuỵ Sỹ… [3].

Việc hợp tác xây dựng một cổng truy cập giữa các thư viện số về tài liệu cổ có nhiều điểm thuận lợi, nhất là những tài liệu này thường không chịu sự ràng buộc bởi những giới hạn như bản quyền và sở hữu trí tuệ, những giải pháp công nghệ mới hoàn toàn có thể cho phép các tài liệu cổ được xử lý, tổ chức, bảo quản và đến tay người dùng với hiệu quả ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn như: rào cản về sự khác biệt trong tổ chức tài liệu ở mỗi thư viện, đi đến thống nhất, đồng thuận trong hợp tác, có nguồn kinh phí ổn định, sử dụng nền tảng công nghệ phù hợp là những vấn đề mấu chốt. Các nghiên cứu của tổ chức hợp tác thư viện toàn cầu OCLC đã chỉ ra rằng, ban đầu, hầu hết các dự án số hoá sưu tập đặc biệt ở các thư viện chủ yếu hướng tới mục tiêu bảo tồn các tài liệu đó chứ chưa chú trọng đến việc đưa sưu tập số phục vụ các đối tượng người dùng. OCLC cũng nhấn mạnh, sự hợp tác giữa các thư viện trong việc đưa sưu tập số các tài liệu đặc biệt đến với đông đảo người dùng sẽ là giải pháp giúp tháo gỡ những vấn đề thường gặp về kinh phí và nguồn nhân lực đặc thù [5].   

2.3. Hướng tới một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam

Những kết quả mà Manuscriptorium đạt được trong hợp tác xây dựng thư viện số tập trung và nâng cao hiệu quả phục vụ người dùng là kinh nghiệm quý báu cho các thư viện Việt Nam trong xây dựng thư viện số về tài liệu cổ, quý hiếm, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thành văn đang được lưu giữ trong các thư viện. Trong phạm vi bài viết này, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác kho tàng di sản thư tịch dân tộc, chúng tôi đề xuất giải pháp xây dựng một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam với các nội dung cụ thể sau:

Xây dựng chính sách quản lý, khai thác tài liệu cổ

Trên cơ sở thẩm định đầy đủ về giá trị, ý nghĩa sưu tập tài liệu cổ tại các thư viện, song song với việc tiến hành khảo sát toàn diện về nhu cầu của người dùng đối với tài liệu cổ, các thư viện cần xây dựng được một chính sách cụ thể trong việc quản lý và khai thác tài liệu cổ tại thư viện. Là một phần trong chính sách quản lý và khai thác tài liệu nói chung của thư viện, chính sách này sẽ góp phần định hướng cho các hoạt động của thư viện trong việc bảo tồn và khai thác có hiệu quả sưu tập tài liệu cổ. 

Đẩy mạnh phát triển nguồn tài liệu cổ số hoá

Nguồn tài liệu cổ số hoá chính là thành tố quan trọng để xây dựng thư viện số về tài liệu cổ. Trên cơ sở việc đầu tư một hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh, các thư viện cần hình thành một chính sách, kế hoạch cụ thể cho việc phát triển nguồn tài liệu cổ số hoá thông qua các hình thức:

- Hoàn thiện bộ sưu tập tài liệu cổ truyền thống: Tiến hành kiểm kê tổng thể kho tài liệu cổ của thư viện; Đặt quan hệ hợp tác với các thư viện, trung tâm thông tin, cơ quan lưu trữ, những nơi có tài liệu cổ ở trong và ngoài nước để có kế hoạch bổ khuyết những tài liệu cổ còn thiếu hoặc đã hư hỏng và cả những tài liệu cổ đã được chuyển dịch sang ngôn ngữ hiện hành; Tiếp tục triển khai việc sưu tầm tài liệu cổ trong nhân dân để làm phong phú và đầy đủ thêm vốn tài liệu cổ tại các thư viện.

- Số hoá nguồn tài liệu cổ tại thư viện: Bản thân các thư viện tự tiến hành số hoá là công việc đòi hỏi đầu tư lớn về kinh phí, nhân lực và thời gian. Chính vì vậy, các thư viện lưu giữ tài liệu cổ cần liên kết để xây dựng một trung tâm số hoá tài liệu cổ đảm đương nhiệm vụ chính trong việc thực hiện số hoá hoặc hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị khác trong việc thực hiện số hoá tài liệu cổ.

- Liên kết, chia sẻ nguồn tài liệu cổ số hoá giữa các thư viện: Đây là nguồn tài nguyên phục vụ nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, để đáp ứng nhu cầu của người dùng, các thư viện cần xem việc chia sẻ nguồn lực là giải pháp tối ưu để làm phong phú thêm bộ sưu tập tài liệu cổ của thư viện.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thư viện số về tài liệu cổ, quý hiếm ở từng thư viện

Các thư viện cần có nguồn đầu tư thích hợp, trang bị cơ sở hạ tầng và có nguồn nhân lực cần thiết để xây dựng thư viện số trên cơ sở bộ sưu tập tài liệu cổ đã được số hoá. Bên cạnh đó, các thư viện số về tài liệu cổ hiện có vẫn cần tiếp tục hoàn thiện về nguồn lực và giải pháp công nghệ nhằm bao quát đầy đủ hơn việc sưu tập tài liệu cổ tại các thư viện và giúp người dùng truy cập hiệu quả vào các thư viện này.

Thúc đẩy việc hợp tác giữa các thư viện

- Thống nhất các chuẩn về tài liệu cổ trong biên mục, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng thư viện số cho tài liệu cổ này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện.

- Các thư viện trung tâm về tài liệu cổ như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện - Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm… cần hướng tới việc phối hợp xây dựng những công cụ kiểm soát bao quát vốn tài liệu cổ tại tất cả các thư viện trong cả nước, tạo tiền đề cho việc hợp tác thư viện số giữa các thư viện sau này.

- Các thư viện Việt Nam có thể xem xét việc tham gia với tư cách thành viên đóng góp về nội dung cho các đơn vị hợp tác thư viện số như Manuscriptorium, giúp kho tàng thư tịch cổ Việt Nam được biết đến và khai thác nhiều hơn.

Xây dựng kế hoạch dài hạn hướng tới một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam

Thiết lập một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện là giải pháp quan trọng góp phần tối ưu hoá việc quản lý và khai thác tài liệu cổ ở Việt Nam. Tuy nhiên, như thực tiễn kinh nghiệm của Manuscriptorium, đây không phải là việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều, cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan như: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các thư viện lưu giữ tài liệu cổ và các đơn vị cung cấp giải pháp về công nghệ nhằm đạt được sự đồng thuận, xây dựng kế hoạch, chiến lược, chương trình hợp tác dài hạn hướng tới một điểm truy cập tập trung cho tài liệu cổ tại các thư viện Việt Nam.

Kết luận

Khó có thể thực hiện phép so sánh giữa các điều kiện xây dựng thư viện số và hợp tác thư viện số của các thư viện Việt Nam với các thư viện trên thế giới như trường hợp của Manuscriptorium. Mặc dù vậy, hợp tác thư viện số vừa là một xu hướng, vừa là một đòi hỏi tất yếu, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc gắn kết các thư viện khác nhau với điều kiện và kinh nghiệm khác nhau vì một mục tiêu chung: làm thế nào để sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm tại các thư viện được phổ biến và tiếp cận rộng rãi, được khai thác có hiệu quả hơn, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hoá thành văn của dân tộc trong giai đoạn mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 4/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin “Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. http:// dlib.huc.edu.vn/handle/123456789/4323.

2. About Manuscriptorium. http://www.manuscriptorium.com/en/about-manuscriptorium

3. Buchanan, S., Gibb, F., Simmons, S. and McMenemy, D. Digital Library Collaboration: A Service -Oriented Perspective // The Library Quarterly: Information, Community, Policy. - 2012. - No. 82(3). - P. 337-359. 

4. Dahlström, M., Hansson, J. and Kjellman, U. “As We May Digitize” - Institutions and Documents Reconfigured // Liber Quarterly - The Journal of European Research Libraries. - 2012. - No. 21(3/4). - P. 455-477.

5. Dooley, J. M. and Luce, K. Taking Our Pulse: The OCLC Research Survey of Special Collections and Archives // OCLC Research. - 2010. - P. 153. http://www.oclc.org/research/publications/library/2010/2010-11.pdf.

6. Erway, R. Supply and demand: Special Collec- tions and Digitisation // Liber Quarterly - The Journal of European Research Libraries. - 2008. - No. 18.

7. Johnson, G. Manuscriptorium: Building virtual research environment for the sphere of historical resources // Choice. - 2012. - No. 49(5). - P. 858.

8. Nguyen Thi Ngoc Mai. Improving the exploi- tation of ancient documents in some libraries in Hanoi // CONSAL XVI proceeding, 2015.

9. Manuscriptorium. Digital Philology // A Journal of Medieval Cultures. - 2016. - No. 5(1). - P. 131-134.

10. Report on search behavior of Manuscriptorium users. http://enrich.manuscriptorium.com/files/enrich/ENRICH_WP4_D_4_2_final.pdf.

11. Simon Wilson. Digital preservation for libraries, archives, and museums // Archives and Records. - 2016. - No. 37:1. - P. 91-92.

12. Stanislav Psohlavec and Vladimír Karen. Digitised Manuscripts and rare Prints in the Czech National Library and the Manuscriptorium Project // New Review of Information Networking. - 2006. - No. 12:1-2. - P. 93-98.

13. Uhlir, Zdenek. Digitization is not only making images: manuscript studies and digital processing of manuscripts // Knygotyra. - 2008. - No. 51. -  P. 148-162.

14. William Payne and Dr Kenneth B. McAlpine. Burnishing the Lamp of Memory: Documentation and Preservation in the Digital Age // New Review of Information Networking. - 2006. - No. 12:1-2. - P. 77-80.

 ________________________

 
   

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Mai

Khoa Thư viện - Thông tin, Đại học Văn hoá Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 3. - Tr. 9-16.


Đọc thêm cùng chuyên mục: