Nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh

E-mail Print

Trong lĩnh vực thư viện - thông tin (TVTT), nguồn nhân lực (NNL) là một trong bốn yếu tố cấu thành nên thư viện (TV) và là linh hồn của cả TV. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của NNL, các cơ quan TVTT phải triển khai công tác quản lý một cách có hiệu quả. Quản lý NNL chính là quản lý tất cả các hoạt động hoạch định, tuyển dụng, tuyển chọn, duy trì, phát triển, sử dụng, đánh giá, bảo toàn và giữ gìn một lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu công việc của tổ chức. Nói cách khác, quản lý NNL là hệ thống các triết lý, chính sách và các hoạt động chức năng về thu hút, đào tạo, phát triển và duy trì con người của một tổ chức nhằm đạt được kết quả tối ưu cho cả tổ chức và nhân viên. Chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững. Nói một cách khái quát, phát triển NNL chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về NNL. Theo Liên Hợp Quốc: “NNL là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế, hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng” [5]. Ngân hàng thế giới cho rằng: “NNL là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân” [5]. Ở đây, nguồn lực con người được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác: “vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên” [1]. Theo giáo trình “Nguồn nhân lực” của tác giả Nguyễn Tiệp: “NNL bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động, không phân biệt người đó đang được phân bố vào ngành nghề, lĩnh vực, khu vực nào và có thể coi đây là NNL xã hội” [2].

Như vậy, NNL có thể hiểu là tổng hoà thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước.

Từ những khái niệm trên có thể định nghĩa NNL TV như sau: “NNL TV là nguồn lực con người có trình độ, kiến thức, năng lực hoặc tiềm năng tham gia hoạt động TV để duy trì và phát triển lĩnh vực này”.

Trong xã hội, TV đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ cho mọi người học tập, sự hỗ trợ của TV giúp mọi người tiếp thu kiến thức, tự học, tự nghiên cứu, tự nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp… NNL của ngành TV nói chung và hệ thống TV quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) nói riêng có vai trò rất quan trọng, nhất là những người có tài, có đức là vốn quý của quốc gia, dân tộc. Người làm TV (NLTV) là cầu nối giữa tài liệu, phương tiện kỹ thuật với bạn đọc, là người tuyên truyền hướng dẫn, định hướng đọc cho bạn đọc, là người thầy, người bạn của bạn đọc. Thực tế hiện nay, bên cạnh những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn tài liệu truyền thống và điện tử, hệ thống TV công cộng Tp. HCM còn rất nhiều vấn đề về NNL. Chất lượng và số lượng của đội ngũ này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn đến. Để hệ thống TV công cộng hoạt động có hiệu quả và hỗ trợ đắc lực cho việc tự học, tự nâng cao kiến thức, trình độ của mình, đội ngũ NLTV của hệ thống TV công cộng Tp. HCM phải thực sự đủ và mạnh cả lượng và chất. Trong bài viết tác giả đề cập đến thực trạng NNL trong hệ thống TV quận, huyện của Tp. HCM và đưa ra một số khuyến nghị với mong muốn TV ngày càng phát triển và bền vững.

1. Thực trạng nguồn nhân lực của hệ thống thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh

Hệ thống TV công cộng ở Tp. HCM có 01 TV Khoa học Tổng hợp (KHTH) Tp. HCM, 24 TV quận, huyện, một số TV phường, xã và TV tư nhân, phòng đọc ấp, khu phố văn hoá, bưu điện văn hoá (trong bài viết này tác giả chỉ đề cập đến thư TV quận, huyện).

1.1. Đặc điểm nguồn nhân lực thư viện quận, huyện

24 TV quận, huyện của Tp. HCM hiện nay có tổng số 39 người, trong đó: 12 người không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ TV (39%), 7 người phụ trách TV quận, huyện không có nghiệp vụ TV (30,7%) (quận 4, 7, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình). Từ con số trên cho thấy nhân sự TV không được đào tạo đúng chuyên ngành TVTT chiếm tỷ lệ cao. Có thể nhìn thấy rất rõ lực lượng NLTV của hệ thống TV quận, huyện Tp. HCM rất mỏng, chất lượng đội ngũ NLTV còn thấp và nhiều hạn chế, bất cập. Đội ngũ NLTV quận, huyện một số nơi còn phải làm công tác kiêm nhiệm. Trên thực tế, TV là một ngành khoa học đặc thù đòi hỏi những yêu cầu cơ bản để xử lý kỹ thuật tài liệu, bảo quản tài liệu, kỹ năng quản lý và kỹ năng chuyển giao nguồn tri thức ấy đến với bạn đọc. Chính vì thế rất cần những người có hiểu biết chuyên môn khi làm việc trong TV. TV là trường học thứ hai, là nơi hướng dẫn bạn đọc tìm kiếm đến nguồn tài nguyên quý giá, nguồn tri thức, khoa học, kỹ thuật… Vì vậy, rất cần những người làm việc trong môi trường ấy có kiến thức về nghiệp vụ TV. Nếu là người phụ trách TV thì phải được bồi dưỡng nghiệp vụ TV.

1.2. Chế độ đãi ngộ cho nguồn nhân lực thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, không ít Trung tâm văn hoá quận, huyện còn xem nhẹ công tác TV, NLTV tại các TV quận, huyện phần lớn được chuyển từ các phòng ban khác đến vì một lý do nào đó (bệnh, khả năng làm việc kém, dôi dư...) và họ chưa bao giờ được đào tạo hoặc tập huấn về công tác TV, chưa nắm được chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết. Lãnh đạo các Trung tâm gần như ít ai biết rằng hoạt động TV quận, huyện có rất nhiều điểm khác biệt với TV trường học với đối tượng bạn đọc đa dạng, từ cán bộ hưu trí, nội trợ, công nhân, học sinh, sinh viên. Vì vậy, họ có những đặc điểm tâm sinh lý riêng, cần phải hiểu và nắm bắt tâm lý để có thể đáp ứng và tạo cho bạn đọc niềm say mê, hứng thú với việc đọc sách, từ đó kích thích động viên họ tự tìm hiểu qua sách, báo để nâng cao và mở rộng vốn kiến thức.

Trong cùng một hệ thống TV công cộng mà chế độ ưu đãi khác nhau dẫn đến sự so sánh, bức xúc, cảm thấy bị xem nhẹ. Ví dụ, tại Khoản 2, Điều 1 của Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân Tp. HCM về chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, TV có nêu rõ mức chi trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ từ Đại học đến Tiến sỹ công tác tại các đơn vị Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá thành phố, TV KHTH trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch dao động từ 500.000 - 2.000.000 đồng/ người/ tháng [2]. NLTV quận, huyện của Tp. HCM thì hoàn toàn không được hưởng chế độ ưu đãi này. 

Trong Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/02/2006 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật có nêu rõ: “Phụ cấp mức 2. Hệ số 0,20 so với mức lương tối thiểu áp dụng đối với người trực tiếp làm nghề, công việc… Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách, báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, TV và viện lưu trữ; Tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của TV, viện lưu trữ và bảo tàng”. Thế nhưng trên thực tế hơn 50% TV quận, huyện của Tp. HCM không được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, có những nơi không biết hoặc nếu biết thì họ cho rằng: Làm TV không có gì là độc hại và nguy hiểm.

Tp. HCM có 24 quận huyện, 322 phường, xã, thị trấn. TV KHTH Tp. HCM không thể trực tiếp chỉ đạo, xây dựng và hỗ trợ phong trào đọc cho nhân dân ở cấp phường, xã. Vì vậy, TV quận, huyện chính là cánh tay nối dài của TV KHTH, là lực lượng trực tiếp thay TV KHTH Tp. HCM triển khai chiến lược phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, nơi nào có TV quận, huyện vững mạnh thì quận, huyện đó có phong trào đọc sách, báo tốt. NLTV quận, huyện phải là những người năng động, phải biết và xử lý toàn bộ kỹ thuật nghiệp vụ, biết phục vụ bạn đọc và tổ chức các sự kiện. Họ là những người đa năng và cần mẫn, phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức kể cả trí tuệ. Đây không chỉ đơn thuần là công việc tay chân mà đòi hỏi NLTV phải nắm bắt, hiểu được nguồn tài liệu họ quản lý, đối tượng bạn đọc mà họ phục vụ, sắp xếp tài liệu khoa học, hợp lý và làm thế nào để họ trở thành cầu nối hữu hiệu giữa TV và bạn đọc. Thế nhưng, ngoài lương chính NLTV hoàn toàn không được hưởng chế độ phụ cấp như TV KHTH Tp. HCM, như ở các phường, xã, thị trấn.

Vì vậy, trong TV quận, huyện gần như không ai muốn làm TV hoặc không còn tâm huyết với nghề TV, họ làm việc với tâm trạng tạm thời, không gắn bó, nếu có cơ hội họ sẽ thay đổi. TV quận, huyện lúc này chỉ tồn tại như một hình thức cần phải có. 

Hiện nay tỷ lệ NLTV quận, huyện được đào tạo, có kinh nghiệm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ có xu hướng giảm. Đa số NLTV có tay nghề, có tâm huyết với nghề đã và đang đến tuổi về hưu, tre già nhưng măng chưa mọc. Nhìn chung, lực lượng NLTV của hệ thống quận, huyện Tp. HCM quá ít, chất lượng đội ngũ NLTV còn thấp và còn nhiều hạn chế, bất cập. Chúng ta đang rất thiếu NLTV được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... nhưng lại thừa NLTV không có chuyên môn hoặc chuyên môn không phù hợp với TV. Nếu tính trên tổng số NLTV của 24 quận, huyện thì số thạc sỹ chỉ chiếm 0,01%, và đại học là 44,7%... Riêng về trình độ ngoại ngữ, tin học, số NLTV có thể sử dụng ngoại ngữ trong việc đọc tài liệu, giao tiếp với khách nước ngoài cũng như có thể dùng những kiến thức tin học viết phần mềm ứng dụng cho các hoạt động nghiệp vụ hoặc khắc phục một số lỗi trong hệ thống mạng máy tính của TV chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tỷ lệ NLTV có năng lực, trình độ chuyên môn chuyển sang các đơn vị khác hoặc ra khỏi ngành TV đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân chính của những yếu kém trên là do các TV nằm trong sự quản lý của Trung tâm văn hoá, các TV không có quyền phát triển NNL, việc tuyển chọn nhân lực chưa thực hiện đúng quy trình, các Trung tâm văn hoá chưa quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa sử dụng và bồi dưỡng NLTV. Vai trò của NLTV quận, huyện còn mờ nhạt, thu nhập ở TV quận, huyện còn quá thấp, NLTV không thể sống trọn đời với nghề mà phải kiêm thêm nghề phụ khác, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều người vừa là NLTV, vừa không phải là NLTV, nên khó có thể đòi hỏi họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chất lượng NNL của TV quận, huyện còn yếu kém và bất cập, chưa hội đủ những tiêu chuẩn của một TV viên như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. Hiện nay, Tp. HCM có 3 trường đại học, 1 trường cao đẳng đào tạo chuyên ngành TVTT, nhưng sinh viên tốt nghiệp ra trường lại không chọn về TV quận, huyện và cũng không ít đơn vị không nhận người vào làm vì không có hộ khẩu thường trú tại Tp. HCM.

Nhìn chung, NNL ngành TV ở Tp. HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập. Có thể rút ra mấy điểm về thực trạng NNL ở Tp. HCM như sau:

- NNL TV ở Tp. HCM chưa được sự quan tâm đúng mức, chưa được quy hoạch, khai thác và nâng cấp. Chất lượng NNL chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.

- Nhân lực TV quận, huyện ở Tp. HCM hiện nay số lượng không nhiều, chất lượng chưa đảm bảo, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp; chưa có những chuyên gia, nhà tư vấn tham mưu, nhà lãnh đạo, nhà quản lý giỏi.

2. Một số khuyến nghị và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực hệ thống thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh

2.1. Mở rộng đối tượng tuyển dụng người làm thư viện

Thực tế, chất lượng đầu vào NNL ở hệ thống quận, huyện rất khác nhau, bao gồm những người được đào tạo chính quy, tại chức; tốt nghiệp loại giỏi, khá, trung bình và mặc dù hình thức thi tuyển chặt chẽ nhưng rất ít người bị loại. Đây là tình trạng chung của nhiều cơ quan nhà nước. Để có được đội ngũ viên chức giỏi, trước hết phải coi trọng đầu vào, phải có một quy chế tuyển dụng chặt chẽ. Người được tuyển dụng không cần có hộ khẩu thành phố, phải có văn bằng ngoại ngữ, tin học thành thạo và phải qua đợt thi tuyển nghiêm túc, đúng quy định, ưu tiên những người được đào tạo chính quy. Đối với những viên chức chuyên môn giỏi, năng động cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn để giữ chân họ, cần xây dựng được một chính sách cán bộ hợp lý, trân trọng, ưu ái nhân tài.

2.2. Tăng cường tự học, tự nghiên cứu

Trước tiên là tạo mọi điều kiện để NLTV được tham quan học hỏi những mô hình mới, hiệu quả. Tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu thông qua sách, báo, qua máy tính, mạng thông tin, NLTV có thể tự học tập nâng cao trình độ. Các Trung tâm văn hoá cần có chính sách ưu tiên động viên, khuyến khích việc tự học của NLTV. Để có được trình độ chuyên môn cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, ngoài việc nắm vững những kiến thức được trang bị trong nhà trường, NLTV cần được trải nghiệm qua thực tiễn công việc, qua các khâu xử lý thông tin, quản lý, cung cấp thông tin, hướng dẫn bạn đọc, marketing. NLTV cần vận dụng tốt những kiến thức đã học, từ đó nâng cao trình độ, tạo ra các sản phẩm dịch vụ TVTT với những tư duy mới, kiến thức mới, làm phong phú thêm hoạt động TV. 

2.3. Khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước

TV quận, huyện muốn hoạt động hiệu quả thì phải có cơ cấu tổ chức phù hợp. Một cơ cấu tổ chức hợp lý, đúng khoa học sẽ tác động tích cực đến hoạt động của TV. Nếu mỗi TV quận, huyện chỉ có một hoặc hai nhân viên thì khó có thể thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của một TV cấp huyện.

Cần tách TV khỏi Trung tâm văn hoá để TV có thể phát huy tính tự chủ khi tuyển dụng viên chức, bên cạnh khả năng tự tạo thêm kinh phí cho hoạt động thông qua các nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ TVTT, được đầu tư ngân sách hoạt động cao hơn từ Uỷ ban nhân dân quận, huyện. Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển NNL, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển NNL. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển và quản lý NNL bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư. Xây dựng các văn bản mới về chế độ chính sách đối với nghề TVTT, NLTV nhằm nâng cao mức đãi ngộ với NLTV và thu hút nhân tài.

Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho TV quận, huyện phát triển.

Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo dành cho TV quận, huyện toàn quốc, khu vực nhằm tổng kết đánh giá phong trào, quảng bá sự nghiệp và nâng cao tính chủ động, sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp của NLTV.

2.4. Đối với các cơ sở đào tạo nghề thư viện

- Nên hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập tại các TV quận, huyện. Tăng cường liên kết, phối hợp với các TV quận, huyện để nâng cao chất lượng thực tập, phương pháp, nội dung đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, như vậy sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng NNL trong các TV quận, huyện.

- Đào tạo đội ngũ giảng viên đại học chất lượng cao, có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và học hàm giáo sư, phó giáo sư. Giảng viên cũng cần kinh qua thực tế để khi giảng dạy lý thuyết đi đôi với thực hành và thực tiễn. Tăng thời gian cho giảng viên trải nghiệm thực tế, thu hút người giỏi có tay nghề cao tham gia dạy nghề, từng bước sắp xếp lại đội ngũ giảng viên không đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

- Cần có hành lang pháp lý phù hợp về quy hoạch và đào tạo NNL, về chế độ đãi ngộ; Đội ngũ NLTV của địa phương cần những người có chuyên môn nghiệp vụ TV và thường xuyên được đào tạo và đào tạo lại; Cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của TV để tạo điều kiện cho TV phát triển và để bố trí sắp xếp NLTV cho phù hợp.

Trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ và với những yêu cầu, thách thức được đặt ra từ ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới và đây chính là xu thế tất yếu của sự phát triển xã hội trong thời đại ngày nay. Để theo kịp sự phát triển của thế giới, ngành Thư viện rất cần những NNL có trình độ cao, có khả năng làm việc độc lập, tư duy để làm chủ thực sự. Hệ thống thư viện công cộng nói chung và thư viện quận, huyện Tp. HCM nói riêng cần phải phấn đấu là nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và hiệu quả nhất cho bạn đọc. Vì vậy, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, tài nguyên thông tin, đổi mới công tác tổ chức hoạt động, phương thức phục vụ bạn đọc, các thư viện cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng NNL TVTT, đáp ứng linh hoạt các yêu cầu đổi mới công tác thư viện trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Tiến Lộc. Nguồn nhân lực trong hoạt động thư viện thông tin. http://dlib.huc.edu.vn/handle/123456789/22.

2. Quyết định số 30 /2011/QĐ-UBND ngày 19/5/ 2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, thư viện.

3. Nguyễn Tiệp. Giáo trình nguồn nhân lực. - H.: Lao động xã hội, 2008.

4. Dương Thị Vân. Phương pháp luận phát triển nguồn nhân lực thư viện // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2011. - Số 5. - Tr. 17-21.

5. WB. World Development Indicators. - London: Oxford, 2000.

__________________

ThS. Trần Văn Hồng

Trung tâm Văn hoá Quận 6, Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 2. - Tr. 28-32.


Đọc thêm cùng chuyên mục: