1. Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0
Theo Gartner, cách mạng công nghiệp 4.0 (hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một Báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong [1].
Klaus Schwab - người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học" [1].
Các nguyên tắc thiết kế trong công nghiệp 4.0 [3]:
- Khả năng tương tác: Khả năng giao tiếp và kết nối của những cỗ máy, thiết bị, máy cảm biến và con người kết nối, giao tiếp với nhau qua mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc mạng lưới vạn người kết nối Internet.
- Minh bạch thông tin: Khả năng của những hệ thống thông tin để tạo ra 1 phiên bản ảo của thế giới thực tế bằng việc làm giàu những mô hình nhà máy kỹ thuật số bằng dữ liệu cảm biến. Điều này yêu cầu sự tập hợp những dữ liệu cảm biến thô đến thông tin ngữ cảnh có giá trị cao hơn.
- Công nghệ hỗ trợ: Đầu tiên khả năng của những hệ thống hỗ trợ con người bằng việc tập hợp và hình dung thông tin một cách bao quát cho việc tạo những quyết định được thông báo rõ ràng, giải quyết các vấn đề khẩn cấp qua những ghi chú ngắn gọn. Thứ 2, khả năng của những hệ thống không gian mạng - vật lý để hỗ trợ con người thực hiện những nhiệm vụ tốn quá nhiều sức lực hoặc không an toàn đối với con người.
2. Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam: cơ hội và thách thức
Từ vài năm trở lại đây, khái niệm, nội hàm và những giá trị phổ quát của cách mạng công nghiệp 4.0 đã được chính phủ nhiều nước trên thế giới nhắc đến, thậm chí đưa vào chương trình nghị sự quốc gia để nắm bắt cơ hội và tiến hành một loạt động thái quan trọng, nhằm từng bước xây dựng lộ trình thích hợp, khả thi với quyết tâm hành động cao để sẵn sàng “đồng hành” với cuộc cách mạng mới có tính thời đại này.
Ở Việt Nam, với tinh thần năng động và quyết tâm cao, với tinh thần đổi mới “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị của đất nước đã và đang tăng cường, đổi mới nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu hình thành trên thế giới để chúng ta không bị tụt hậu, sẵn sàng nắm bắt thời cơ; huy động tất cả nội lực, tranh thủ ngoại lực để từng bước triển khai có hiệu quả trong điều kiện cụ thể và hoàn cảnh của Việt Nam.
Trong một Hội nghị các quan chức cao cấp APEC năm 2017, phát biểu tại sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm cho hàng loạt người lao động, song cũng sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới. Lạc quan nhìn lại các cuộc cách mạng trong quá khứ bao giờ cũng có những lao động, ngành nghề mất đi, nhưng cũng sản sinh ra lao động, ngành nghề mới". Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ: Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người và quan trọng là nắm bắt cơ hội, không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà còn cả phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới... [5].
Trên bình diện thực tiễn: Theo ý kiến của tác giả, ở Việt Nam những năm gần đây đã dần xuất hiện (tuy chưa phổ biến) những biểu hiện/ hình thức của cách mạng công nghiệp 4.0, đó là:
- Trong cải cách hành chính: Tổ chức hội nghị/ hội thảo trực tuyến (qua mạng Internet).
- Trong sản xuất: Điều khiển tự động hoá trong các dây chuyền sản xuất ở một số ngành nghề: điện lực, xi măng, thuỷ điện, hoá chất, dầu mỏ, y tế, sinh học, hoá học...
- Trong kinh doanh, buôn bán, tín dụng, ngân hàng: Bán hàng qua mạng, thanh toán qua mạng, giao dịch tín dụng, chứng khoán qua mạng, trả lương qua mạng...
- Trong hoạt động thư viện - thông tin: Đọc sách, đi chợ sách, tìm tài liệu thông tin qua mạng (qua cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn, tài liệu số...).
Cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam
Đặc trưng cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối Internet.
- Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất và phương pháp quản trị “các nhà máy thông minh”, “công sở và thành phố thông minh” được kết nối Internet, liên kết với nhau thành một hệ thống (thay vì các dây chuyền sản xuất và phương pháp quản trị hành chính trước đây). Nhờ khả năng kết nối bằng máy tính, các thiết bị di động tiếp cận với các cơ sở dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, những tính năng xử lý thông tin được nhân lên nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ in 3D, công nghệ na-nô, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ vật liệu mới…
- Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của sự lựa chọn các phương án đầu tư kinh doanh, tối ưu hoá sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả, tạo bước đột phá về tốc độ phát triển, phạm vi mức độ tác động làm biến đổi cơ bản hệ thống sản xuất và quản trị xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
- Những bước nhảy vọt của công nghệ tự động hoá có tác động đến các công việc văn phòng, bán hàng, dịch vụ khách hàng điều khiển các phương tiện giao thông và các ngành hỗ trợ khi rôbốt tự động hoá và trợ lý ảo trở nên phổ biến. Trên thị trường tài chính, máy tính có thể nhanh chóng đọc hàng vạn email… Tất cả những dịch vụ trên đây sẽ tiết giảm đáng kể chi phí giao dịch.
Những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, tác động tích cực trên đây, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong quá trình phát triển, đó là:
- Tư duy quản lý và điều hành nền kinh tế vĩ mô.
- Kế hoạch hoá, minh bạch hoá trong đầu tư và chiến lược phát triển nền kinh tế.
- Xây dựng và cung ứng hạ tầng công nghệ thông tin (trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0).
- Khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của người Việt Nam (trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0).
- Xây dựng nguồn lực lao động tối ưu/ tối đa (đảm bảo số lượng và chất lượng) cho cách mạng công nghiệp 4.0.
- Nguy cơ giảm hàng chục vạn/ hàng triệu lao động (do rôbốt và điều khiển tự động hoá thay thế hàng triệu việc làm phổ thông và tay nghề thấp).
- Chống tham nhũng và cải cách hành chính ở Việt Nam (hiệu quả như thế nào?).
Đặc biệt sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động và thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các hệ thống tự động hoá thay thế dần lao động thủ công, sự chuyển dịch từ nhân công sang máy móc sẽ gia tăng chênh lệch giữa lợi nhuận trên vốn và lợi nhuận với sức lao động, điều này sẽ tác động đến thu nhập của lao động giản đơn và gia tăng thất nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới về kiến thức kỹ năng và tâm thế của người lao động. Những kiến thức và kỹ năng có thể chia thành 3 nhóm:
- Các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nhận thức, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng thích nghi, kỹ năng sáng tạo.
- Các kỹ năng về thể chất: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng số, kỹ năng kết nối.
- Các kỹ năng về xã hội: Giao tiếp, ứng xử, tạo lập quan hệ, làm việc theo nhóm.
Như vậy, việc áp dụng tổng hoà những kiến thức kỹ năng và tâm thế để đổi mới sáng tạo quan trọng hơn nhiều so với những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt trước đây.
3. Thư viện Việt Nam làm gì để đáp ứng từng bước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
3.1. Đánh giá sơ bộ hiện trạng thư viện Việt Nam trong điều kiện hiện nay
- Hệ thống văn bản pháp quy (VBPQ). Trong những thập kỷ qua, để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, hệ thống VBPQ về công tác thư viện trong cả nước đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ, Ngành Trung ương (TW) ban hành khá nhiều, tương đối cập nhật để tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành ở TW tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thư viện. Nhiều VBPQ về công tác thư viện đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy các mặt hoạt động thư viện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ TW đến địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn còn thiếu những VBPQ quan trọng và cần thiết về thư viện, đó là: Luật Thư viện, các văn bản về hiện đại hoá thư viện, xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số, bản quyền trong lĩnh vực thư viện... và những VBPQ chỉ đạo hoạt động thư viện chuyên ngành, đa ngành, trong đó các văn bản chỉ đạo thư viện trường đại học, cao đẳng, thư viện trường phổ thông, thư viện các viện nghiên cứu, các cơ quan, đoàn thể TW... chưa thực sự đầy đủ và chưa theo kịp nhu cầu phát triển đất nước. Vì thế, chưa tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động thư viện - thông tin ở nước ta.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị. Có thể nói, ở TW và nhiều địa phương, cơ quan thư viện - thông tin đã có trụ sở độc lập, được đầu tư khá khang trang và nhiều cơ sở vật chất khá hiện đại (hàng chục, hàng trăm tỷ đồng). Tuy nhiên ở một số nơi, công tác thư viện vẫn chưa được coi trọng, chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng. Có địa phương (trong đó có miền núi, vùng sâu, vùng xa), do hạn hẹp về kinh phí, nhà thư viện đã xuống cấp, trang thiết bị sơ sài, bàn ghế, giá tủ cũ kỹ, máy tính hỏng hóc, chưa được thay mới.
- Kinh phí. Hiện nay việc cấp kinh phí cho hoạt động thư viện nhìn chung tăng so với trước (khoảng 5-10%/ năm). Song ở một số nơi, kinh phí mua sách, báo, tài liệu cho thư viện đã bị giảm đi so với trước. Có những cơ quan, địa phương hạn chế mua sách, báo, tạp chí in (vì số bạn đọc đọc sách, báo qua mạng ngày càng tăng). Tài liệu tham khảo, sách, báo phục vụ nghiên cứu, nhất là tài liệu ngoại ngữ ở nhiều cơ quan thư viện càng hạn chế.
- Nguồn nhân lực (người làm thư viện). Đây là vấn đề quan trọng đối với các thư viện ở Việt Nam. Bên cạnh một số cơ quan TW và địa phương đã có sự quan tâm, bổ sung đủ biên chế, cử viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn thư viện (thạc sỹ, tiến sỹ). Vẫn còn nhiều nơi do tinh giản biên chế, nên công tác cán bộ trong thư viện vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh đội ngũ người làm thư viện nhiệt huyết, yêu nghề, năng động, cần cù chịu khó làm việc, ở một số cơ quan thư viện - thông tin vẫn còn tình trạng viên chức thụ động trong công việc, ngại học tập nâng cao trình độ, ít có chí tiến thủ, có biểu hiện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
- Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thư viện (xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số). Trong hoạt động thư viện Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây, việc chuyển thư viện từ truyền thống sang hiện đại đã được diễn ra tại nhiều thư viện và trung tâm thông tin - thư viện ở TW và các địa phương, tỉnh/ thành phố trong cả nước. Các thư viện công cộng, hệ thống thư viện trường đại học và cao đẳng, thư viện các cơ quan TW đã bước đầu ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện để từng bước xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số. Nhiều thư viện đã đi tiên phong, luôn đổi mới hoạt động nhằm đem lại nhiều tiện ích cho bạn đọc. Đây là những tiến bộ rất đáng ghi nhận của hệ thống thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, có những địa phương, đơn vị do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ người làm thư viện... nên việc ứng dụng CNTT trong thư viện còn nhiều hạn chế (chủ yếu vẫn phục vụ đọc và mượn theo cách truyền thống).
- Phục vụ bạn đọc. Ở nhiều thư viện TW và các địa phương thời gian qua đã có nhiều đổi mới các hình thức phục vụ bạn đọc, nên chỉ số thẻ đọc, lượt bạn đọc, lượt sách, báo luân chuyển cũng đã tăng cao hàng năm, kể cả thư viện công cộng và thư viện chuyên ngành, đa ngành (trong đó có việc ứng dụng CNTT trong thư viện để tra cứu tài liệu, đọc tự chọn, đọc nghe nhìn, đọc qua mạng...). Một số thư viện trường đại học đã có sáng kiến góp tiền mua chung cơ sở dữ liệu toàn văn nước ngoài (tạp chí khoa học...), phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, vừa tiện ích, vừa tiết kiệm kinh phí.
- Xã hội hoá hoạt động thư viện. Trong thời gian qua, nhiều cơ quan thư viện - thông tin đã tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng và phát triển thư viện Việt Nam, trong đó có: Ngân hàng Thế giới, Quỹ SIDA (Thuỵ Điển), Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Châu Á, Quỹ Force và các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ôxtrâylia... và nhiều đại sứ quán ở Việt Nam (với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng/ năm). Bên cạnh đó, các thư viện, tủ sách cơ sở đã được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường cơ sở vật chất, sách, báo cho bạn đọc ở cơ sở...
3.2. Phác thảo và đề xuất một số nội dung cơ bản về sự chuẩn bị của công tác thư viện Việt Nam trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Một là, đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy quản lý, phương thức điều hành hoạt động thư viện (điều khiển từ xa, đi chợ sách trên mạng, thanh toán qua mạng...). Như trên đã nói, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cơ hội mới và cả thách thức đối với Việt Nam, trong đó có ngành Thư viện. Vì thế, cán bộ lãnh đạo các cấp từ TW đến địa phương và lãnh đạo thư viện trong cả nước cần nâng cao nhận thức và đặc biệt cần có tư duy mạnh mẽ về vấn đề này để có thể xây dựng/ tổ chức, điều hành hoạt động thư viện. Đây là xu thế của thời đại trong thế kỷ XXI (gắn với điều khiển từ xa, chỉ đạo điều hành từ xa, thông qua công cụ cảm biến, di dộng, kỹ thuật số), Lãnh đạo thư viện ở xa vẫn có thể chỉ đạo hội họp, giao ban/ chỉ đạo điều hành công việc cơ quan qua mạng một cách hữu hiệu; người làm thư viện có thể đi chợ sách qua mạng; kế toán thư viện có thể thanh toán qua mạng... nhờ kết nối các phương tiện chức năng tiện dụng - tiện ích - khả dụng.
Hai là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng CNTT. Chúng ta biết rằng, ngay cả hiện nay, yếu tố CNTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện đã và đang là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thư viện. Cho nên khi tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 với việc kết nối vạn vật, với hệ thống định vị, cảm biến - điều khiển từ xa và sự trợ giúp của người máy - rôbốt, thì rõ ràng công tác thư viện sẽ đòi hỏi đầu tư cao và chất lượng về hạ tầng CNTT, cơ sở vật chất với nhiều trang thiết bị hiện đại, giúp người làm thư viện “làm chủ” và điều hành hiệu quả các thiết bị...
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo, tập huấn, đảm bảo chất lượng). Đây là nhu cầu tất yếu khi cách mạng công nghiệp 4.0 hiện hữu ở nước ta, chi phối tất cả các lĩnh vực, trong đó có nguồn nhân lực thư viện. Điều này bắt buộc người làm thư viện từ người làm công tác quản lý, đến chuyên môn đều phải học tập không ngừng để nâng cao các kỹ năng, tham gia điều khiển và vận hành hoạt động thư viện (trong mọi khâu, quy trình, dây chuyền, tình huống tác nghiệp thư viện), đảm bảo trơn tru, mạch lạc, hiệu quả tốt nhất có thể. Bởi lẽ khi thư viện chịu tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, thì lao động thủ công và lao động chân tay gần như bị triệt tiêu, thay vào đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo với sự liên kết hệ thống, có sự trợ giúp của CNTT, của điều khiển tự động và mạng Internet với cường độ cao.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số trong thư viện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, khi thư viện Việt Nam tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, bởi lẽ thư viện truyền thống sẽ không đáp ứng được cuộc cách mạng này, thay vào đó, các thư viện phải chủ động số hoá tài liệu, tăng cường xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số với chất lượng cao, cường độ lớn, phục vụ bạn đọc trong xã hội. Đây cũng là thước đo trình độ, hiệu quả của thư viện khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 (với nhiều tiện ích: tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách, báo trên mạng, sao chụp tài liệu... và nhiều tiện ích quan trọng khác).
Năm là, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc. Trong tương lai, các thư viện Việt Nam cần đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc do những yêu cầu xã hội đặt ra, trong đó sẽ có nhiều hình thức mới như: truy cập tài liệu mở, ứng dụng công nghệ RFID (đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, bạn đọc tự chọn sách và quẹt thẻ thư viện, người làm thư viện chỉ cần giám sát, theo dõi...), đọc đa phương tiện giúp bạn đọc có thể tiếp cận với thông tin, tri thức tiện lợi, thoải mái hơn.
Sáu là, phát huy tính sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến trong thư viện. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng mới, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng trong từng lĩnh vực sản xuất, đời sống xã hội. Nghề thư viện cũng vậy, lãnh đạo và người làm thư viện cần phát huy tính sáng tạo, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, cần phải đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thư viện để tăng năng suất và hiệu quả công việc.
Bảy là, đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện. Đây là vấn đề mà thời gian qua các thư viện ở Việt Nam thực hiện còn yếu do nhiều vướng mắc trong các quy định, thủ tục hành chính, hạ tầng CNTT. Vì vậy, trong thời gian tới công tác này cần tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lực thông tin trong các thư viện, đáp ứng nhu cầu tối đa của bạn đọc...
Tám là, huy động nguồn lực xã hội hoá cho thư viện. Bài học này chưa bao giờ cũ, nó sẽ góp phần tạo thêm kinh phí, cơ sở vật chất cho thư viện nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Tóm lại, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và thách thức cho ngành Thư viện Việt Nam đổi mới và phát triển theo quỹ đạo chung của xã hội, của tiến trình lịch sử và văn minh nhân loại, góp phần xây dựng những “thư viện thông minh” trong xã hội. Vì vậy, toàn ngành Thư viện Việt Nam phải nỗ lực đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt và toàn diện hơn để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, nếu như không muốn tụt hậu với thời cuộc và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Zing.VN Tri thức trực tuyến, ngày 29/5/2017. https://news.zing. vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267. html.
2. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước // Báo Tia sáng. - 2017. - Ngày 3 tháng 10.
3. Công nghiệp 4.0. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. http://vi.wikipedia.org/wiki.
4. Cơ hội và thách thức đối với cách mạng công nghiệp 4.0. Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 26/9/2017.
5. Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị các quan chức cấp cao APEC (SOM 2, Hà Nội, ngày 16/5/2017). https://www.youtube. com/watch?v=acNIrR7C0b.
6. Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0 // Công an Nhân dân điện tử. - 2017. - Ngày 5 tháng 8.
____________________
ThS. Nguyễn Hữu Giới
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 3. - Tr. 3-8.
< Prev | Next > |
---|
- Nguồn nhân lực trong hệ thống thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh
- Xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở dựa trên nền tảng WikiHow tiếng Việt
- Tìm hiểu một số yếu tố tác động đến hành vi thông tin của giảng viên
- Quyền tác giả trong hoạt động sao chép và số hoá tài liệu tại thư viện các trường đại học
- Một số mô hình không gian thư viện sáng tạo, tăng cường văn hoá đọc tại các thư viện công cộng Việt Nam
- Thư viện Văn hoá Thiếu nhi Thư viện đa phương tiện theo mô hình phức hợp mới đầu tiên dành cho thiếu nhi Việt Nam
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ thông tin - thư viện tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam
- Tìm hiểu cổng thông tin liên kết tài liệu nghiên cứu của các trường đại học trên thế giới và một số ý kiến về việc triển khai mô hình liên kết tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam
- Ứng dụng Internet of Things vào các dịch vụ thư viện hiện đại: Cơ hội và thách thức
- Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em (cập nhật)