1. Tóm tắt sự ra đời của một số cổng thông tin, dịch vụ liên kết tài liệu nghiên cứu điển hình
Năm 1996, Cổng thông tin luận văn quốc tế (Networked Digital Library of Theses and Disse- ratation - NDLTD) được xây dựng bởi các hiệp hội, tổ chức thư viện và thư viện các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Cổng thông tin ra đời với sứ mệnh là thúc đẩy sự phổ biến thông tin khoa học (luận án, luận văn) trên toàn cầu. Dự án hỗ trợ về mặt công nghệ hay các tiêu chuẩn giúp các viện, trường đại học tự xây dựng các cổng thông tin lưu trữ luận văn nội bộ (institutional repository) để chia sẻ tài liệu tại cổng thông tin liên kết (inter- national repository), cũng như tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trực tiếp giới thiệu các xuất bản của mình tại cổng thông tin liên kết. Hiện NDLTD có hơn 150 trường đại học thành viên từ Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Pháp… với hơn 4.500.000 tài liệu [12, 14].
Dưới sự hỗ trợ của NDLTD, năm 1998, cổng thông tin luận văn quốc gia Ôxtrâylia (Australia Digital Theses - ADT) được xây dựng. Một trong những mục tiêu của ADT là xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình cho việc xây dựng, bảo quản và truy cập các loại tài liệu điện tử (luận án, luận văn) cho các trường đại học ở Ôxtrâylia nhằm hướng tới nâng cao giá trị sử dụng của các nguồn tài liệu trên (giúp cho bạn đọc có thể biết và truy cập tài liệu dễ dàng). Khi mới thành lập, ADT là cổng thông tin quốc gia Ôxtrâylia với 7 thành viên là các trường đại học ở Ôxtrâylia. Năm 2001, 38 thành viên của Hội đồng thư viện các trường đại học Ôxtrâylia (CAUL) tham gia vào dự án ADT. Đến năm 2005, ADT kết nạp thêm các thành viên của Hội đồng thư viện các trường đại học Niu Dilân. Năm 2011, cổng thông tin luận văn điện tử ADT sáp nhập vào cổng thông tin liên kết quy mô hơn là TROVE. Đây là cổng thông tin dữ liệu quốc gia Ôxtrâylia nhằm giúp bạn đọc có thể tìm kiếm tất cả các loại tài liệu (tài liệu in và tài liệu điện tử) đang được lưu trữ tại các thư viện trường đại học hay thư viện công cộng của Ôxtrâylia [9].
Đầu những năm 2000, tại châu Âu nhiều dự án cổng thông tin luận án, luận văn cấp quốc gia hay quốc tế cũng ra đời như: Cổng thông tin Cybertesis (sản phẩm hợp tác của các trường đại học Chile, đại học Lyon2, Montreal và 32 trường đại học ở châu Âu, châu Phi và châu Mỹ La tinh; Cổng thông tin DiVA (tiền thân là cổng thông tin luận án, luận văn quốc gia Thuỵ Điển, nay là cổng thông tin liên kết giữa 40 trường đại học Thuỵ Điển và Na Uy); Cổng thông tin DART liên kết tài liệu luận án, luận văn của 564 trường đại học tại 28 nước ở châu Âu [1,2,3,10].
Một trong những cổng thông tin với quy mô phát triển điển hình là Cổng thông tin luận văn quốc gia Anh hay Dịch vụ tìm kiếm luận văn trực tuyến (Electronic Theses Online Service- EThOs) do Thư viện Anh (Thư viện quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh) xây dựng và phát triển. Dịch vụ ra đời vào khoảng năm 2002 nhằm tạo ra điểm đến duy nhất để bạn đọc ở khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận các nghiên cứu được thực hiện bởi sinh viên của các trường đại học, học viện tại Vương quốc Anh. EthOs có 120 trường đại học thành viên và cung cấp hơn 400.000 tài liệu với 160.000 tài liệu toàn văn và 240.000 tài liệu trước năm 1800. Hàng tháng có khoảng 3.000 tài liệu mới được cập nhật trong đó có hơn 2.000 tài liệu toàn văn [11].
Tại châu Á, Dự án cổng thông tin luận án, luận văn cấp quốc gia Hàn Quốc - dCollection được xây dựng thí điểm vào năm 2003 với 9 thành viên gồm các văn phòng chính phủ, các viện nghiên cứu nhà nước và các trường đại học. Đến năm 2008 đã có 206/215 trường đại học ở Hàn Quốc tham gia vào Dự án với hơn 1.890.000 tài liệu [17,18].
2. Lợi ích của việc phát triển các cổng thông tin luận án, luận văn cấp quốc gia, quốc tế
Tài liệu nội sinh là một trong những nguồn tài liệu tham khảo chính của giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên của các trường đại học. Vì thế, nguồn tài liệu này thường được lưu trữ theo chính sách đặc biệt và không thuộc tài liệu thanh lý. Như vậy, theo thời gian, nhiều thư viện có thể sẽ gặp khó khăn về không gian để lưu trữ nguồn tài liệu này. Do đó, việc số hoá và xuất bản những tài liệu nghiên cứu điện tử thay cho các tài liệu in truyền thống đã được nhiều thư viện nghiên cứu và áp dụng. Theo các nghiên cứu của William Gardner và Steven Hanad, lịch sử phát triển cơ sở dữ liệu tài liệu nghiên cứu nội bộ (institutional repository) bắt đầu vào khoảng những năm 1990 khi giao tiếp điện tử trở thành một trong những công cụ cơ bản cho việc xuất bản các công trình nghiên cứu [14]. Đến khoảng đầu những năm 2000, sự ra đời các phần mềm mã nguồn mở như Dspace, E-print đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các cơ sở dữ liệu nghiên cứu nội bộ.
Các dự án thông tin này vừa giúp các trường giải quyết khó khăn về không gian, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, do các cổng thông tin mang tính chất nội bộ, nên cơ hội để các nghiên cứu nội bộ này đến với bạn đọc bên ngoài rất thấp. Khó khăn lớn hơn là việc xây dựng riêng lẻ từng cổng thông tin nghiên cứu làm bạn đọc sẽ phải mất nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu. Ví dụ, nếu cần tài liệu nghiên cứu về Du lịch sinh thái tại Ôxtrâylia, để tìm được lượng thông tin cần thiết, bạn đọc phải truy cập cổng thông tin nghiên cứu nội bộ của hơn 40 trường đại học tại Ôxtrâylia. Đây thật sự là việc làm tốn nhiều thời gian, khó có bạn đọc nào thực hiện được.
Tại thời điểm đó, nhiều dự án cổng thông tin liên kết cấp quốc gia, khu vực hay quốc tế ra đời như NDLTD (1996), ADT (1998), EthOs (2002), hay dCollection (2003). Các cổng thông tin liên kết này có nhiều ưu điểm hơn so với cổng thông tin nội bộ.
Trước tiên, việc liên kết dữ liệu sẽ rút ngắn thời gian tra cứu. Ví dụ như, để tìm kiếm tài liệu về “Du lịch sinh thái tại Ôxtrâylia”, bạn đọc chỉ cần tra cứu Cổng thông tin luận văn điện tử Ôxtrâylia (liên kết tài liệu của 43 trường đại học tại Ôxtrâylia), nay là Cổng thông tin quốc gia Ôxtrâylia (liên kết tất cả tài liệu của các thư viện tại Ôxtrâylia).
Ngoài ra, việc tập trung tài liệu tại một điểm truy cập giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận được nhiều tài liệu. Điều này không chỉ hữu ích cho việc nghiên cứu của bạn đọc mà còn đem đến sự lợi ích cộng hưởng cho tác giả. Nghĩa là, tác giả sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao hệ số ảnh hưởng (impact factor) hay chỉ số trích dẫn (citation index). Chỉ số trích dẫn là một trong 6 tiêu chí để xếp hạng các trường đại học trên thế giới (Topuniversities.com). Do đó, việc tham gia chia sẻ tài liệu trên các cổng thông tin nghiên cứu liên kết còn là một cách hữu hiệu để các trường có thể nâng cao vị trí của mình trên bản đồ giáo dục thế giới. Đó cũng là lý do nhiều dự án cổng thông tin liên kết ra đời như Dự án dColletion của Hàn Quốc. Ban đầu mục tiêu của Dự án cổng thông tin nghiên cứu cấp quốc gia này chỉ hướng tới phổ biến nghiên cứu cho bạn đọc tại Hàn Quốc, nhưng sau đó, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các trường đại học khuyến khích sinh viên trình bày các nghiên cứu bằng tiếng Anh, cũng như dịch sang tiếng Anh một số nghiên cứu điển hình để hướng tới cộng đồng nghiên cứu quốc tế nhằm quảng bá các sản phẩm, kết quả hoạt động khoa học của đất nước Hàn Quốc [16, 17].
Cuối cùng, dự án các cổng thông tin thường hướng đến chính sách truy cập mở. Điều này đã góp phần vào việc rút ngắn khoảng cách thông tin cho bạn đọc ở các quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình để tiếp cận nguồn thông tin khoa học thương mại với chi phí tương đối cao. Rất khó cho một nhà nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển với thu nhập chỉ khoảng 1.500 đô la tiếp cận bài báo khoa học trên các cơ sở dữ liệu khoa học thương mại như Science Direct hay ProQuest với chi phí khoảng 30 đô la/ tài liệu.
Tóm lại, bằng cách hợp tác xây dựng cổng thông tin nghiên cứu khoa học, các trường đại học vừa đáp ứng nhu cầu thông tin cho bạn đọc của trường mình, vừa có cơ hội quảng bá hoạt động nghiên cứu khoa học của trường trên phạm vi quốc gia, hay quốc tế.
3. Các hình thức liên kết
Cổng thông tin liên kết thường gồm 2 thành phần cơ bản: trung tâm dữ liệu (central-hub) và các thành viên (member). Trung tâm dữ liệu thường do một thành viên có uy tín hay có kinh nghiệm trong việc quản lý hệ thống thư viện và thông tin đảm nhận. Dựa vào cơ cấu tổ chức, cụ thể là phương thức thu nhập, lưu trữ và phân phối tài liệu đến bạn đọc, các cổng thông tin liên kết được chia thành 3 mô hình: (1) mô hình phân tán (decentralised model); (2) mô hình tập trung (centralised model) và mô hình hỗn hợp (mixed model) [18].
3.1. Mô hình phân tán
Theo mô hình liên kết này, các thành viên có nhiệm vụ phát triển cơ sở dữ liệu nghiên cứu của trường mình như thu thập, số hoá (tài liệu chỉ có bản in), mô tả tài liệu (xây dựng metadata), lưu trữ và phân phối tài liệu (toàn văn) đến bạn đọc. Thành viên trung tâm sẽ xây dựng và vận hành cổng thông tin chung, như sử dụng các phần mềm để thu và lưu dữ liệu, xây dựng công cụ tìm kiếm. Bạn đọc truy cập tài liệu tại cổng thông tin chung. Cổng thông tin chỉ cung cấp các thông tin cơ bản của tài liệu dựa trên dữ liệu thu thập như tên tài liệu, tác giả, tóm tắt… Bạn đọc sẽ được liên kết đến nơi lưu trữ toàn văn tài liệu (cơ sở dữ liệu nghiên cứu của từng thành viên). Các trường thành viên sẽ quyết định quyền truy cập cho bạn đọc. Tuy nhiên, phần lớn các dự án mô hình liên kết đều khuyến khích các thành viên cho phép bạn đọc truy cập miễn phí các tài liệu nhằm hướng tới mục đích là mở rộng phổ biến thông tin nghiên cứu [17].
Mô hình này được nhiều nơi trên thế giới áp dụng như: NDLTD, ADT, DiVa, DissOnline, DART vì có nhiều ưu điểm như: hạn chế chi phí về trang thiết bị và nhân sự để vận hành vì cổng thông tin liên kết chỉ lưu trữ dữ liệu, không lưu trữ toàn văn tài liệu. Ngoài ra, việc để các thành viên tự quyết định phương thức phục vụ sẽ phù hợp với điều kiện của từng trường trong việc thực hiện các quy định về quyền tác giả trong quá trình phổ biến và sử dụng tài liệu.
3.2. Mô hình tập trung
Theo mô hình này, các trường thành viên sẽ gửi dữ liệu như bản điện tử, hoặc bản in (để số hoá) đến Trung tâm dữ liệu. Ngược lại, với mô hình phân tán, Trung tâm dữ liệu đảm nhận hầu hết các nhiệm vụ như: xây dựng bộ máy tìm kiếm (search engine), mô tả tài liệu (xây dựng metadata), số hoá bản in, lưu trữ và cung cấp toàn văn tài liệu cho bạn đọc. Trung tâm dữ liệu cũng thường do một tổ chức quản lý thông tin hay nhà xuất bản có uy tín đảm nhận. Ví dụ, cơ sở dữ liệu luận văn liên kết Bắc Mỹ ProQuest (North American ProQuest) hoạt động dựa trên mô hình quản lý tập trung. Hiện nay, có khoảng 700 trường đại học thành viên tham gia vào mô hình liên kết tập trung của ProQuest [18].
Mô hình này giúp các trường thành viên tránh được những khó khăn trong việc quản lý dữ liệu. Ngoài ra, đối với tác giả, việc giới thiệu nghiên cứu trên các cơ sở dữ liệu khoa học nổi tiếng sẽ giúp các nghiên cứu có cơ hội tiếp cận với nhiều bạn đọc hơn. Một trong những hạn chế của mô hình này là việc vận hành theo kiểu thương mại (bạn đọc trả chi phí để sử dụng tài liệu). Vì lẽ đó, tài liệu có thể sẽ khó đến với bạn đọc ở những nơi còn khó khăn.
3.3. Mô hình hỗn hợp
Đây là hình thức kết hợp giữa mô hình liên kết phân tán và mô hình liên kết tập trung. Về cơ bản, các thành viên sẽ hợp tác dựa trên mô hình phân tán. Nghĩa là, các thành viên sẽ tự xây dựng các cơ sở dữ liệu luận văn riêng của trường mình. Tuy nhiên, các thành viên chưa thể xây dựng cơ sở dữ liệu luận văn riêng sẽ tham gia theo mô hình tập trung bằng cách gửi bản điện tử, hoặc bản in để Trung tâm dữ liệu mô tả tài liệu, số hoá tài liệu và lưu trữ toàn văn tài liệu tại cổng thông tin chung [18].
Các mô hình liên kết hỗn hợp thường có 2 hình thức phục vụ: (1) các trường thành viên sẽ quyết định quyền truy cập; (2) bạn đọc sử dụng dịch vụ tính phí, thường là chi phí để số hoá các tài liệu.
Mô hình này được áp dụng vì lợi ích chung là tập hợp tài liệu của các trường có quy mô nhỏ, chưa thể tự xây dựng các cơ sở dữ liệu nội sinh, đặc biệt là khôi phục các tài liệu chỉ có bản in. Nhờ vào sự hỗ trợ của Thư viện Quốc gia Anh, đã có 133 trường đại học tham gia vào Cổng thông tin liên kết dữ liệu luận án (cổng thông tin theo mô hình phân tán) cấp quốc gia Anh - EthOs . Ngoài ra, bạn đọc có thể truy cập miễn phí khoảng 160.000 tài liệu toàn văn, hay dịch vụ số hoá theo yêu cầu để sử dụng toàn văn các tài liệu chỉ có bản in được xuất bản từ năm 1800 [11].
4. Nhu cầu xây dựng cổng thông tin tài liệu nội sinh cấp quốc gia tại Việt Nam
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, tại Việt Nam nền kinh tế tri thức dẫn đến sự gia tăng nhu cầu thông tin, đặc biệt là nhu cầu thông tin học thuật. Việc này đòi hỏi các thư viện, đặc biệt là thư viện đại học phải thường xuyên phát triển vốn tài liệu. Tuy nhiên, do một số hạn chế về kinh phí hoạt động, nên nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc tăng cường phát triển nguồn lực thông tin. Chính vì thế, “chia sẻ nguồn lực” cần được xem là một trong những giải pháp cơ bản giúp cho nhiều thư viện tăng cường khả năng phục vụ. Hiện nay, một số thư viện đại học đang áp dụng mô hình “mượn liên thư viện”, nhưng chỉ tập trung vào tài nguyên vật lý. Ngoài ra, mô hình này gặp giới hạn về mặt địa lý nên khó phát triển thành hệ thống với quy mô cấp khu vực, hay quốc gia. Vì thế, việc triển khai mô hình chia sẻ tài liệu điện tử là nhu cầu tất yếu khách quan vì giải pháp này sẽ phá bỏ các rào cản về không gian và thời gian.
Khoá luận, luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học và bài báo khoa học là một trong những tài liệu học thuật được sử dụng chính trong quá trình học tập nghiên cứu của sinh viên và giảng viên ở các trường đại học. Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam có chung ngành đào tạo, vì thế nhu cầu tham khảo tài liệu nghiên cứu lẫn nhau để có nhiều cơ sở khoa học đối chiếu, so sánh của người học là điều tất yếu. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần có nguồn dữ liệu khoa học đa dạng để có thể phát hiện sự trùng lặp, hay sao chép trong nghiên cứu của sinh viên. Do đó, việc xây dựng nguồn dữ liệu nghiên cứu chung cho các trường đại học trong cả nước là biện pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của cả sinh viên và giảng viên.
Xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đặt ra yêu cầu chung cho các trường đại học là phải thường xuyên phát triển thương hiệu cũng như hình ảnh. Xuất bản nghiên cứu khoa học đang được xem là giải pháp tiềm năng giúp các trường nâng cấp thứ hạng trong môi trường giáo dục quốc tế. Các dự án cổng thông tin liên kết cấp quốc gia như ADT, hay quốc tế như NLTD được triển khai đều hướng tới giúp các trường quảng bá hình ảnh của mình thông qua việc phổ biến thông tin nghiên cứu. Tại Việt Nam, xu hướng xếp hạng và phân loại các trường đại học đang được nghiên cứu và triển khai như là bước thử nghiệm để các trường đại học tự phấn đấu trước khi bước ra thế giới. Do đó, việc triển khai cổng thông tin liên kết tài liệu nội sinh là biện pháp ban đầu giúp các trường tự nâng cao hình ảnh của trường trên quy mô quốc gia, đồng thời, trong tương lai đây sẽ là nguồn dữ liệu giúp cho các nhà nghiên cứu quốc tế muốn tìm hiểu về hoạt động khoa học của Việt Nam.
5. Ý kiến đề xuất
Hiện nay, phần lớn thư viện các trường đại học ở Việt Nam đã xây dựng cổng thông tin tài liệu nội sinh. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể áp dụng mô hình liên kết theo kiểu phân phối cho các trường đại học tại Việt Nam. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình này cũng sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho các trường thành viên. Theo mô hình liên kết phân phối, trung tâm dữ liệu chỉ tập trung lưu trữ dữ liệu cơ bản chứ không lưu trữ toàn văn tài liệu. Điều này sẽ giúp giảm chi phí về nhân sự và kỹ thuật để xây dựng và vận hành máy chủ tại trung tâm dữ liệu (central hub). Bên cạnh đó, do mỗi trường có những chính sách phục vụ bạn đọc khác nhau nên việc để từng thành viên quyết định chính sách truy cập cho tài liệu là phù hợp với điều kiện khách quan. Tuy nhiên, trong tương lai, nên khuyến khích các trường xây dựng cổng thông tin liên kết tài liệu theo hướng truy cập mở để tạo cơ hội cho nghiên cứu được nhiều bạn đọc sử dụng.
Để có thể xây dựng mô hình liên kết theo kiểu phân phối cho các trường đại học tại Việt Nam cần xem xét các vấn đề sau:
Một là,nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong giảng viên, sinh viên về lợi ích của việc chia sẻ thông tin nghiên cứu để hướng tới chính sách truy cập mở cho các loại tài liệu nghiên cứu, song song đó kết hợp với việc xem xét và triển khai chính sách “tác giả tự quyết định quyền truy cập”. Biện pháp này vừa đảm bảo tài liệu được chia sẻ rộng rãi, vừa giúp các trường tránh các vi phạm về quyền tác giả khi tài liệu được chia sẻ rộng rãi. Ví dụ, một số thư viện đang áp dụng 4 mức truy cập tài liệu: (1) tài liệu toàn văn được truy cập mở; (2) tài liệu toàn văn chỉ được phép truy cập nội bộ (bạn đọc của trường); (3) tác giả uỷ quyền cho thư viện cung cấp tài liệu toàn văn cho bạn đọc khi cần (ghi chú lại thông tin cá nhân và mục đích sử dụng); (4) bạn đọc liên hệ trực tiếp với tác giả nếu cần toàn văn tài liệu.
Hai là,mô hình nên được thí điểm tại một số trường đại học trước khi được phổ biến đại trà. Việc thử nghiệm sẽ giúp cho các trường tìm cách khắc phục một số khó khăn khi triển khai mô hình trên quy mô rộng như cách thu thập siêu dữ liệu, lựa chọn chuẩn dùng để mô tả dữ liệu và các vấn đề liên quan đến chính sách phục vụ bạn đọc của từng thành viên.
Ba là,việc lựa chọn thành viên trung tâm cho mô hình vì thành viên này phải đảm nhận rất nhiều việc quan trọng khi xây dựng và vận hành một mô hình liên kết dữ liệu như thu thập và lưu trữ dữ liệu, hỗ trợ các trường thành viên khi cần… Vì vậy, một trung tâm thông tin hay thư viện có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thư viện và thông tin, đặc biệt là có nhiều tiềm lực về công nghệ thông tin như thư viện quốc gia hay các trung tâm học liệu là những thành viên trung tâm tiềm năng.
Cuối cùng là chi phí cho việc xây dựng và duy trì mô hình. Hầu hết các mô hình liên kết của các nước đều được sự hỗ trợ ban đầu từ các bộ quản lý chuyên môn; ví dụ, dCollection được sự tài trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ADT từ Hội đồng nghiên cứu Ôxtrâylia, hay EthOs do Thư viện Quốc gia Anh. Vì thế, các trường đại học tại Việt Nam nên kêu gọi tài trợ ban đầu từ cơ quan quản lý hay một tổ chức phi chính phủ. Sau đó, các trường sẽ đóng góp chi phí để vận hành và phát triển cổng thông tin liên kết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. About DART-Europe. http://www.darteurope.eu/ About/info.php. (truy cập ngày 14/1/2017).
2. About DIVA. https://mp.uu.se/en/web/info/forska/publicera-forskningsresultat/registrera-i-diva/om-diva (truy cập ngày 14/1/2017).
3. About Trove. http://trove.nla.gov.au/general/ about (truy cập ngày 14/1/2017).
4. Australian Digital These Program. http://theses.flinders.edu.au/info/flyer.pdf (truy cập ngày 14/1/2017).
5. Australian Digital These Program: Business Plan 2006-2009. http://www.caul.edu.au/caul-programs/ australasian-digital-theses/adt-papers (truy cập ngày 14/1/2016).
6. Cargnelutti, Tony. The Australian digital theses (ADT) project: a unique collaborative experiment in developing a model for a distributed database of digital theses. - LASIE. - 1999. - December. - P. 88-93.
7. Cargnelutti, T. and Green, P. Content Is King: Developing and Expanding the Australian Digital Theses Program // Sydney Convention and Exhibition Centre. - 2005, 3 February. http://conferences.alia.org.au/online2005/papers/a1.pdf (truy cập ngày 31/5/2017).
8. Carthor, W and Collier, S. Developing Trove: the policy and technical challenges // National Library of Australia Staff Papers. - 2009. http://www.nla.gov.au/content/developing-trove-the-policy-and-technical-challenges (truy cập ngày 1/1/2016).
9. Council of Australian University Librarians. http://www.caul.edu.au (truy cập ngày 31/2/2017).
10. Cybertesis. http://www.unesco.org/new/en/ communication-and-information/portals-and-platforms/goap/key-organizations/latin-america-and-the-caribbean/cybertesis/(truy cập ngày 14/1/2017).
11. EthoS. http://ethos.bl.uk/Home.do (truy cập ngày 14/1/2017).
12. Fox, Edward A. Update on the networked digital library of theses and dissertations (NDLTD). https://www.ideals.illinois.edu/handle/2142/25480 (truy cập ngày 14/1/2013).
13. History of the ADT, the Australasian Digital Theses Program Saturday. http://caulweb01.
anu.edu.au/caul-programs/australasian-digital-theses/adt-history (truy cập ngày 14/1/2016).
14. Jone, Richard. Institutional Repositories. http:// bora.uib.no/bitstream/handle/1956/1829/Jones.pdf;sequence=1 (truy cập ngày 31/2/2017).
15. Networked Digital Library of Theses and Di-ssertations (NDLTD). http://www.ndltd.org (truy cập ngày 1/12/2016).
16. Shin, Eun-Ja. Implementing a collaborative digital repository: the dCollection experience in South Korea // Interlending & Document Supply. - 2006. - No. 34(3). - P. 160-163.
17. Shin, Eun-Ja. The challenges of open access for Korea’s national repositories // Interlending & Document Supply. - 2010. - No. 38(4). - P. 231-236.
18. Swan, Alma. Evaluation of options for a UK electronic thesesservice. http://discovery.ucl.ac.uk/ 2197/ (truy cập ngày 31/5/2016).
19. Troman, A., Jacobs, N. and Copeland, S. A new electronic service for UK theses // Interlending & Document Supply. - 2007. - No. 3 (35). - P. 157-163.
________________________
ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan
Thư viện Đại học An Giang
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 1. - Tr. 26-31.
< Prev | Next > |
---|
- Ứng dụng Internet of Things vào các dịch vụ thư viện hiện đại: Cơ hội và thách thức
- Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em (cập nhật)
- Yếu tố ngoại ngữ khi áp dụng các mô hình kiến thức thông tin vào giáo dục phổ thông Việt Nam
- Thư viện Quốc gia Việt Nam - Một thế kỷ hình thành, phát triển và chặng đường phía trước
- Tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội
- Hệ thống quản lý thư viện phục vụ chiến lược đào tạo chất lượng cao tại trường đại học
- Các yếu tố ảnh hưởng tới tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông
- Tăng cường ứng dụng email marketing trong hoạt động thư viện
- Chuẩn hoá, hiện đại hoá hoạt động thư viện trong công an nhân dân
- Quản lý nhà nước về thư viện ở Việt Nam: nhìn từ thực tiễn cuộc sống