Hệ thống quản lý thư viện phục vụ chiến lược đào tạo chất lượng cao tại trường đại học

E-mail Print

Đặt vấn đề

Thư viện trường đại học (ĐH) hiện đang hoạt động trong môi trường thay đổi liên tục, đặc biệt là môi trường công nghệ. Các yêu cầu về nâng cao chất lượng thư viện trường ĐH đã được quy định trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng Việt Nam trong giai đoạn 2006-2020 trong đó "tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện trường ĐH là một trong những các giải pháp để cải thiện các nguồn lực và cơ sở hạ tầng cho giáo dục ĐH”. Tuy nhiên, 5 năm gần đây thư viện các trường ĐH mới bắt đầu có một số thay đổi quan trọng về chất lượng và số lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu tại các trường ĐH. Một số thư viện trường ĐH đã đầu tư nâng cấp các toà nhà, cơ sở vật chất và trang thiết bị để trở thành thư viện hiện đại, bao gồm các trung tâm học liệu tại Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên và các thư viện ĐH quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội [1]. Nhiều thư viện đã áp dụng các tiêu chuẩn thống nhất để xử lý tài liệu, sử dụng hệ thống máy tính và công nghệ hiện đại trong nhiều giai đoạn của quá trình làm việc hàng ngày của họ. Tuy nhiên, các thư viện ĐH Việt Nam vẫn còn rất hạn chế về nguồn lực thông tin, ngân sách đầu tư mới, cơ sở vật chất và trang thiết bị của họ so với các đối tác liên kết nước ngoài [3].

1. Vai trò mới của thư viện và người làm thư viện

Từ những năm 1976, Atkinson - báo cáo viên của Hội đồng tài trợ ĐH của Vương quốc Anh đã nhấn mạnh vai trò của thư viện trường ĐH như sau: "Các thư viện là cốt lõi của các trường ĐH, như một nguồn tài nguyên nó chiếm vị trí trung tâm và đặc biệt quan trọng vì thư viện phục vụ tất cả các chức năng của một trường ĐH như: giảng dạy và nghiên cứu, sáng tạo tri thức và chuyển giao kiến thức, văn hoá của hiện tại và quá khứ cho những thế hệ sau” [9].

Trong thập kỷ qua, nhiều thảo luận về sự thay đổi trong thư viện ĐH tập trung vào sự phát triển hệ thống thông tin và truyền thông (ICT), những tác động của thông tin ở định dạng kỹ thuật số, các khái niệm học tập và giảng dạy mới, các mô hình kinh tế và các khuôn khổ pháp lý mới. Nhiều tác giả đưa ra những dự đoán về các thư viện học thuật trong thời đại thông tin ngày nay, một loạt các chức năng mới và quan hệ đối tác cho người làm thư viện xuất phát từ những thay đổi trong xã hội và giáo dục ĐH. Những thay đổi trong thư viện sẽ tạo những thay đổi có ý nghĩa đối với tất cả các bộ phận của trường học: sinh viên, giảng viên, quản trị học, cán bộ kỹ thuật và nhân viên thư viện. Một số tác giả cho rằng "Nếu các thư viện ĐH có những thay đổi phù hợp, những thay đổi này có thể thúc đẩy thư viện giữ vai trò trung tâm trong giảng dạy/ học tập và nghiên cứu, nếu không, các thư viện sẽ bị loại bỏ khỏi cơ cấu tổ chức của trường" [6].

Những vai trò mới của người làm thư viện trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu đã được các tác giả đề cập [6,22]:

- Hợp tác với các giảng viên và các chuyên gia khác để cung cấp các thông tin và hướng dẫn học tập nghiên cứu;

- Thiết kế các chương trình truy cập thông tin hiệu quả;

- Hướng dẫn sinh viên và giảng viên làm thế nào để truy cập thông tin, ở bất cứ định dạng và vị trí nào và làm thế nào để đánh giá những gì họ tìm thấy;

- Phục vụ, tư vấn về nguồn tài nguyên thông tin và hỗ trợ giải quyết các vấn đề thông tin;

- Xây dựng và thực hiện chính sách thông tin;

- Tạo công cụ truy cập thông tin;

- Lựa chọn, sắp xếp và bảo quản thông tin trong tất cả các định dạng;

- Là những người hướng dẫn và hỗ trợ trong việc giới thiệu công nghệ thông tin.

2. Thư viện đại học Việt Nam hiện nay

Theo Báo cáo Tổng kết 15 năm thi hành Pháp lệnh Thư viện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2016), hiện nay trên cả nước có gần 400 thư viện trường ĐH, cao đẳng. Tuy nhiên, các thư viện đại học chưa được quan tâm đồng đều, mức độ chênh lệch về kinh phí và nguồn nhân lực còn rất lớn. Trong đó, có 44,6% số trường có thư viện điện tử, 04 trung tâm học liệu được tài trợ của các tổ chức nước ngoài và đầu tư đạt chuẩn quốc tế, bình quân mỗi thư viện có 15-20 viên chức.

Nghiên cứu của tác giả Ninh Thị Kim Thoa [16] đã đánh giá, ở Việt Nam hiện nay có 3 nhóm thư viện, phân loại theo mức độ tự chủ trong các hoạt động quản lý của thư viện gồm: nhóm các thư viện tự chủ; nhóm các thư viện là bộ phận của trường ĐH và nhóm các thư viện là các đơn vị trực thuộc bộ phận của trường ĐH.

(1) Nhóm các thư viện tự chủ. Các thư viện này hoạt động độc lập dưới sự quản lý của Giám đốc ĐH, có quyền  tự chủ về quản lý đặc biệt là tài chính (Tài khoản riêng). Ví dụ: Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐH Quốc gia Hà Nội; Thư viện Trung tâm, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Học liệu - ĐH Cần Thơ; Trung tâm Thông tin Học liệu - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Học liệu - ĐH Huế và Trung tâm Học liệu - ĐH Thái Nguyên.

(2) Nhóm các thư viện là bộ phận của trường ĐH. Thư viện hoạt động tương đương với các đơn vị chức năng khác trong trường ĐH, chịu sự quản lý trực tiếp của quản lý trường, không có quyền tự chủ về tài chính và nhân sự. Ví dụ: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, ĐH Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh...

(3) Nhóm các thư viện là đơn vị trực thuộc bộ phận của ĐH. Mọi quyết định liên quan đến hoạt động của thư viện phụ thuộc vào người quản lý phòng ban phụ trách. Ví dụ: ĐH Dược Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân y và hầu hết các trường ĐH dân lập.

Những nhóm thư viện khác nhau thể hiện quan điểm của lãnh đạo các trường về vai trò của thư viện khác nhau, do đó cũng ảnh hưởng đến quá trình đầu tư cho thư viện của các trường ĐH này. Hầu hết các nhà quản lý của trường ĐH xem các thư viện như là một phần cần thiết để đảm bảo sự đồng bộ của các cấu trúc ĐH mà không quan tâm đến các nhiệm vụ thực tế của thư viện về đào tạo và nghiên cứu, việc đầu tư cho hoạt động thư viện chủ yếu là để đồng bộ hoá cơ sở hạ tầng (nhóm 2,3). Chỉ có một số ít các trường ĐH lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các trường ĐH vùng tại Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng… đã thực hiện những dự án lớn đầu tư cho các thư viện và tách rời thư viện như là một đơn vị hoạt động chuyên trách và cung cấp các dịch vụ mở rộng cho sinh viên, giảng viên có nhu cầu.

Theo nghiên cứu của tác giả Vũ Bích Ngân [3], hệ thống thư viện ĐH Việt Nam tồn tại một vài điểm yếu sau:

- Tài liệu và nguồn thông tin quá nghèo nàn và lạc hậu. Nhiều thư viện trường ĐH chưa đạt số lượng 10.000 đơn vị tài liệu có giá trị nghiên cứu; Tài liệu chuyên sâu, tài liệu mới, tài liệu nước ngoài thường rất ít.

- Cơ sở vật chất thiếu thốn. Hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam chỉ có phòng đọc sách, phòng máy tính, các phòng học và hầu hết trong tình trạng hiệu quả sử dụng kém.

- Dịch vụ trong thư viện còn đơn điệu, hình thức phục vụ chủ yếu là mượn tài liệu đọc. Dịch vụ có xu hướng bị "đóng" chứ không phải "mở", các dịch vụ định hướng cá nhân hầu như không có. Hầu hết các thư viện thiếu các dịch vụ giới thiệu, hướng dẫn cho sinh viên sử dụng tài liệu thư viện và các cơ sở dữ liệu khác.

- Một số lượng khá lớn người làm thư viện không được đào tạo chuyên nghiệp đặc biệt trong việc quản lý nguồn thông tin và tư vấn cho sinh viên, dẫn đến hiệu quả làm việc thấp, không thực hiện được chức năng hỗ trợ tư vấn học tập của người quản thư, thậm chí ở một số trường ĐH người làm thư viện còn bị đánh giá thấp về thái độ phục vụ và chuyên môn.

Thực tế cho thấy, những hạn chế này dẫn đến nhiều vấn đề trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại các trường ĐH như: các phương pháp giảng dạy thụ động với sự tập trung vào trình bày của giảng viên, thiếu sự tham gia của sinh viên trong hoạt động học tập, chương trình giảng dạy cứng nhắc và không đảm bảo chất lượng, thiếu sự liên kết giữa giáo dục và đào tạo với thị trường lao động, và hoạt động nghiên cứu kém hiệu quả [9,20]. Giảng viên gặp nhiều khó khăn để cam kết chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong khi họ phải hoàn thành khối lượng công việc giảng dạy nặng mà thiếu các nguồn tài liệu hỗ trợ và dành nhiều thời gian kiếm thêm thu nhập như là một bổ sung thu nhập cho mức lương thấp mà họ được nhận [10]. Sinh viên tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay cũng có tỷ lệ truy cập hệ thống thông tin thư viện thấp, khả năng đọc và tiếp cận thông tin còn hạn chế, nhất là sinh viên của các nhóm trường có điểm đầu vào thấp. Những hạn chế này là do nhiều thư viện ĐH chưa liên kết với hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên trong các trường ĐH.

Đa số các trường ĐH tại Việt Nam, hoạt động thư viện ĐH chỉ là một chức năng để đảm bảo tính đồng bộ của hoạt động nhà trường mà thiếu sự quan tâm đánh giá về tính hiệu quả thực sự của hệ thống thư viện, nên các hoạt động quản lý chủ yếu dừng lại ở việc đánh giá biến động quy mô cơ sở dữ liệu, biến động sách mượn, trả.

3. Một vài bài học kinh nghiệm quản lý hệ thống thư viện đại học của nước ngoài

3.1. Thay đổi quan điểm quản lý và chính sách đầu tư cho thư viện

Ngày nay, các thư viện nên được xác định là một trong những tổ chức quan trọng trong cơ cấu đào tạo của một trường ĐH, tham gia và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Các trường cần có một quy định chính sách về đầu tư cho thư viện các trường ĐH và phải là một trong những hoạt động chi chính trong ngân sách các trường ĐH.

Chiến lược đầu tư cho thư viện cần được xây dựng liên kết với chiến lược hoạt động của nhà trường; hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên và hoạt động học tập nghiên cứu của sinh viên trong các trường ĐH.

Nguồn đầu tư cho thư viện tại các trường ĐH hiện nay chủ yếu là từ ngân sách nhà nước cấp cho các trường theo hình thức dự án hoặc kinh phí hoạt động thường niên và được bổ sung một phần từ nguồn thu người sử dụng dịch vụ thư viện. Ở các thư viện ĐH nước ngoài như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh [15,21] ngoài các nguồn đầu tư này, nhà trường còn sử dụng các nguồn thu từ các nguồn tài trợ của các tổ chức bên ngoài, hệ thống liên kết các doanh nghiệp.

3.2. Hệ thống quản lý thư viện

Hệ thống quản lý thư viện cần được tổ chức như một đơn vị chức năng riêng biệt trong trường ĐH, có mục tiêu, kế hoạch hoạt động và đánh giá hiệu quả thường xuyên. Việc đưa tiêu chí về chất lượng dịch vụ thư viện trở thành một tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục ĐH đã thể hiện quan điểm coi thư viện là một phần quan trọng của hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trường ĐH ở Việt Nam. Tại các trường ĐH lớn trên thế giới thư viện được quản lý theo đúng quy trình của một hệ thống quản lý chức năng hoạt động của trường ĐH với việc quản lý quá trình hoạt động, quản lý hiệu quả hoạt động với đánh giá đầu vào, đầu ra (Hình 1).

alt

Hình 1: Hệ thống quản lý thư viện [14]

Những nguyên tắc của quản lý chất lượng, cụ thể là bộ công cụ quản lý chất lượng (Total Quality Management - TQM) đã được áp dụng trong các thư viện ĐH từ đầu những năm 1990 của thế kỷ XX. Một trong những thư viện áp dụng TQM sớm nhất là Thư viện ĐH Harvard (Hoa Kỳ). Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 cũng đã được triển khai ở rất nhiều thư viện ĐH trên thế giới, từ các nước phát triển như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia đến những nước trong khu vực như Thái Lan và Malaixia, bộ tiêu chuẩn này đã giúp các thư viện xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng, xác định và thực hiện các yêu cầu liên quan đến quản lý chất lượng như trách nhiệm của lãnh đạo, quản lý nguồn lực, tạo sản phẩm, kiểm soát sản phẩm, và cải tiến quy trình [16].

Liên hiệp các thư viện

Liên hiệp thư viện bắt đầu xuất hiện từ những năm đầu thập niên 1990, theo các tác giả Alexander, Hirshon và Perry [1,12,17], Liên hiệp thư viện đầu tiên được hình thành là "Hiệp hội của các thư viện" (COC) với thành viên chủ yếu là các trường ĐH châu Âu có những đóng góp quan trọng mà sau này trở thành một tổ chức quốc tế "Liên minh quốc tế của Liên hiệp thư viện" (ICOLC) với hơn 200 liên hiệp thư viện ở Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi [17]. Những Liên hiệp thư viện quốc gia lớn ngoài Liên hiệp thư viện Mỹ (ALA) có thể kể đến [19]:

- Ôxtrâylia - CAUL CEIRC (1998). Hội đồng các thư viện ĐH Ôxtrâylia và Hiệp hội Tài nguyên Thông tin Điện tử bao gồm 39 thư viện học thuật.

- Trung Quốc - CALIS (1998). Hệ thống Thư viện học thuật và Thông tin Trung Quốc bao gồm 70 thư viện học thuật.

- Ixraen - MALMAD (1997). Trung tâm Dịch vụ Thông tin số của Ixraen gồm có 8 thư viện học thuật.

- Ý - INFER (1999). Hiệp hội Quốc gia Ý về Tài nguyên Thông tin Điện tử bao gồm 15 thư viện học thuật và chuyên ngành.

- Tây Ban Nha - REBIUN (1996). Uỷ ban của Hội nghị các Hiệu trưởng ĐH Tây Ban Nha liên quan đến tất cả 47 thư viện học thuật.

- Vương quốc Anh - JISC DNER / NESLI (1996). Uỷ ban Hệ thống Thông tin liên kết, Tài nguyên Điện tử Quốc gia bao gồm 175 thư viện học thuật.

Các Liên hiệp thư viện này đã tạo ra một lượng thông tin được lưu trữ khổng lồ phục vụ cho học tập và nghiên cứu của các trường thành viên trong liên hiệp.

Tại Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam được thành lập từ năm 2006 với nhiều Liên Chi hội thành viên ở các khu vực, trong đó hệ thống thư viện ĐH có Liên Chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc và Liên Chi hội Thư viện đại học phía Nam. Hoạt động của các Liên Chi hội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thư viện ĐH và hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử có kết nối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế.

Nguồn lao động chất lượng cao trong thư viện

Báo cáo của CILIP [7] chỉ ra những thay đổi cần có của thư viện để góp phần vào nâng cao hiệu quả học tập. Báo cáo lưu ý rằng người làm thư viện có một nhu cầu xác định những kỹ năng hỗ trợ người học. Chỉ có một vài tổ chức trong lĩnh vực giáo dục chính thức thừa nhận người làm thư viện là một phần của quá trình dạy và học. Người ta tin rằng việc thay đổi vai trò của người làm thư viện với những nhân viên được đào tạo bài bản sẽ đóng góp nhiều lợi ích cho sinh viên, giảng viên, quản lý ĐH và thư viện. Sinh viên sẽ được cung cấp các kỹ năng thông tin tốt hơn, kỹ năng tư duy phê phán mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và khả năng áp dụng những vấn đề đã học vào cuộc sống sau ĐH của họ. Giảng viên sẽ có được cơ hội để học các kỹ năng tiếp cận thông tin, quản lý và đánh giá kiến thức mới, có hỗ trợ tốt hơn việc nghiên cứu và giảng dạy của mình. Tác giả Cetus [6] cũng đưa ra quan điểm tương tự: quản trị viên thư viện sẽ có nhiều lợi ích từ các sáng kiến hợp tác mới và các mối quan hệ tổ chức mới.

Gia tăng các dịch vụ trong thư viện theo hướng mở (hình 2):

alt

Hình 2: Các dịch vụ mở rộng tại các thư viện trên thế giới

Thư viện số giúp gia tăng khả năng truy cập thông tin đa chiều mọi lúc, mọi nơi

Công nghệ thông tin di động và Internet ngày càng phát triển, vì vậy việc sử dụng các công nghệ này để phát triển các hoạt động của thư viện đang trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Việc kết nối hệ thống thư viện số còn được thực hiện thông qua các phần mềm trên điện thoại di động [20] bởi số lượng sinh viên và thời gian họ sử dụng Internet ngày càng nhiều.

Hướng dẫn sinh viên mới trong việc sử dụng hiệu quả thư viện và hình thành văn hoá đọc ngay từ những năm đầu học tập

Trong những năm 1970 và 1980, nhiều thư viện ĐH ở Vương quốc Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Scandinavia và Ôxtrâylia bắt đầu chương trình hướng dẫn bạn đọc và họ đã cung cấp dịch vụ hướng dẫn người dùng tin trong nhiều khoá học ngắn hạn, định hướng trong việc sử dụng các thư viện, các nguồn thông tin và danh mục sản phẩm dành cho sinh viên mới của trường hoặc các khoá học trong lĩnh vực thông tin dành cho sinh viên ĐH và hoặc sau ĐH [8,10,23].

Thành lập các câu lạc bộ đọc sách và dành các phòng sinh hoạt trong thư viện ĐH

Một nhóm câu lạc bộ sách là diễn đàn để bạn đọc có thể đến đọc và trao đổi kinh nghiệm đọc hoặc kiến thức về các loại sách. Nhiều thư viện trường ĐH ở Hoa Kỳ, châu Âu, Ôxtrâylia thường cung cấp không gian cho các câu lạc bộ sách và tổ chức các hoạt động của các câu lạc bộ sách cho sinh viên. Trong các khu vực phòng đọc, sinh viên có thể đọc sách của riêng mình hoặc sách mà họ mượn từ thư viện với thẻ sinh viên hoặc thẻ thư viện. Họ cũng có thể cùng với các nhà xuất bản tổ chức ngày hội sách giúp giới thiệu sách và các phương pháp đọc sách hiệu quả cho các thành viên của câu lạc bộ tại các phòng đọc của thư viện.

Kết luận

Sử dụng hệ thống quản lý thư viện hiệu quả là thực sự cần thiết để góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục ĐH. Những bài học kinh nghiệm từ hệ thống quản lý thư viện của các trường quốc tế cho thấy các trường ĐH Việt Nam cần thay đổi quan điểm quản lý và chính sách đầu tư cho thư viện; xây dựng hệ thống quản lý thư viện hướng tới hiệu quả sử dụng; liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các Liên Chi hội các thư viện nhằm gia tăng nguồn tài nguyên; đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động trong thư viện và gia tăng các dịch vụ trong thư viện theo hướng mở như: thư viện số giúp gia tăng khả năng truy cập thông tin đa chiều mọi lúc, mọi nơi, hướng dẫn sinh viên mới trong việc sử dụng hiệu quả thư viện và hình thành văn hoá đọc ngay từ những năm đầu học tập, thành lập các câu lạc bộ đọc sách và dành các phòng sinh hoạt trong thư viện ĐH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huy Chương. Đề xuất đổi mới thư viện đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu quốc tế // Kỷ yếu Hội thảo Thư viện Việt Nam hội nhập và phát triển. - Tp. Hồ Chí Minh, 2006.

2. Ôxtrâylia: Tổng quan tình hình phát triển hệ thống thư viện / Thu Hiền lược dịch.  http://cinet.vn/ articledetail.aspx?articleid=20889&sitepageid=564#sthash. wJbBtbiy.dpbs.

3. Vũ Bích Ngân. Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 1. - Tr. 13-18.

4. Xu thế phát triển của một số thư viện trên thế giới / Thu Hiền lược dịch. http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=21204&sitepageid=564#sthash. NUSyc48j.dpbs.

5. Alexander, A.W. Towards the perfection of work // Journal of Library Administration. - 2008. - No. 28 (2). - P. 1-14.

6. CETUS: The Academic Library in the Infor- mation Age: changing roles. http://www.gvsu.edu/ library/librarylights/winter02/ChangingRoles. html.

7. CILIP: Libraries and Lifelong Learning: a strategy 2002-4. The Charted Institute of Library and Information Professionals, 2002. http://www.cilip.org. uk/aboutcilip/howcilipworks/structure/committees/executive/liblifelonglearn.htm.

8. Fjällbrant, N. The development of Web-based programs to support information literacy courses // Information Literacy Around the World: advances in programs and research. - Wagga Wagga, NSW : Charles Sturt University, 2000. - P. 25-36.

9. Great Britain. University Grants Committee & Atkinson, R. J. C. (Richard John Copland). Capital provision for university libraries: report of a working party. - London, 1976.

10. Harman, K. andNguyen, T.N.B. Reforming teaching and learning in Vietnam’s higher education system // G. Harman, M. Hayden and T. Nghi Pham (Eds.), Reforming higher education in Vietnam. - 2010. - Vol. 29. - P. 65-86).

11. Hayden, M. andLam, Q.T. Vietnam’s higher education system // G. Harman, M. Hayden & T. N. Pham (Eds.), Reforming higher education in Vietnam: Challenges and priorities . - 2010. - Vol. 29. - P. 14-29.

12. Hirshon, A. International library consortia: positive starts, promising futures // Journal of Library administration. - 2002. - No. 35(1-2). - P. 147-166.

13. Homann, B. Difficulties and New Approaches in User Education in Germany // Proceedings of the 67th IFLA Council and General Conference, August 16-25, 2001. http://www.ifla.org/IV/ifla67/papers/ 072-126e.pdf.

14. Jager, K. Towards establishing an integrated system of quality assurance in South African higher education libraries // World library and information congress: 72nd general conference and council. - Korea, 2006.

15. Nasser M. Swaydan. Non-Governmental Funding for Academic Libraries in Developing Countries : A paper presented at The ALA/ CLA Joint Annual Conference June 19-25. - Toronto, 2003.

16. Ninh Thi Kim Thoa. Quality management in university libraries in Vietnam: a framework for development and implementation: doctor thesis. - Monash University, 2013.

17. Perry, K.A. Where are Library consortia going? Result of a 2009 survey // Serials. - 2009. - No. 22 (2). - P. 122-130.

18. Pham, T.N. The higher education reform agenda: A vision for 2020 // G. Harman, M. Hayden & T. N. Pham (Eds.), Reforming higher education in Vietnam: Challenges and priorities. - 2010. - Vol. 29. - P. 51-64.

19. Rebecca Awuese Chile. Implementing a new integrated library management system in a public library consortium: a case study on strategies for effective staff training. - Victoria University of Wellington, 2012.

20. Top trends in academic libraries- A new of the trends and issues affectin academic libraries in higher education. http://crln.acrl.org/content/75/6/294. full.

21. University of Cambridge, Library Development Policy. http://www-library.ch.cam.ac.uk/library-deve- lopment-policy.

22. Virkus, S. Information Literacy and Learning // Libraries Without Walls 5: the Distributed Delivery of Library and Information Services, eds. P. Brophy, S. Fisher & J. Craven. Proceedings of an International Conference 19-23 September, 2003, organized by CERLIM, MMU. - London: Facet Publishing, 2004. - P. 97-109.

23. Virkus, S. Information Literacy in Europe: a literature review // Information Research. - 2003. - No. 8. http://informationr.net/ir/8- 4/paper159.html.

_________________

Trần Trường Giang, Mai Văn Gụ, Lưu Thị Vân

Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 5. - Tr. 30-36.


Đọc thêm cùng chuyên mục: