Tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội

E-mail Print

1. Tầm quan trọng của công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở

Tổ chức đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề ở bất cứ chế độ xã hội nào. Nhờ có tổ chức tốt thì hoạt động mới diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả lao động cao. Hơn nữa tổ chức thường là những công việc hạt nhân, khởi đầu để dẫn tới việc hình thành một tổ chức, một cơ quan hay một nhà máy. Tổ chức có vai trò quan trọng quyết định sự thành công trong quản lý [4].

Vì vậy, công tác tổ chức và quản lý đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan thư viện - thông tin, nó tác động trực tiếp tới hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan thư viện - thông tin, nó không chỉ phục vụ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin, đáp ứng, thoả mãn thông tin cho bạn đọc mà còn giúp sản sinh, lưu giữ, bảo tồn tri thức của nhân loại, giá trị văn hoá của dân tộc. Một cơ quan thư viện - thông tin muốn phát triển bền vững đòi hỏi công tác tổ chức và quản lý hoạt động thư viện - thông tin của cơ quan đó phải tốt và khoa học.

Tổ chức và quản lý hoạt động thư viện - thông tin không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, song lại thông qua hoạt động phục vụ tài liệu của mình góp phần cung cấp kiến thức cho nhân loại, nâng cao dân trí; gián tiếp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế trong các ngành sản xuất khác nhau của xã hội.

2. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội

Để nắm được thực trạng công tác tổ chức và quản lý hoạt động thư viện - thông tin tại các thư viện, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội, tác giả đã trực tiếp đến khảo sát thực tế tại các xã thuộc huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà để có cái nhìn tổng quan về tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện, tủ sách cơ sở nơi đây.

2.1. Công tác tổ chức thư viện, tủ sách cơ sở

Nguồn nhân lực

Theo số liệu báo cáo thống kê của các thư viện huyện gửi Thư viện thành phố Hà Nội năm 2016, nguồn nhân lực tại các thư viện, tủ sách cơ sở của huyện hiện có: huyện Sóc Sơn có 14 nhân viên thư viện kiêm nhiệm; huyện Ứng Hoà 41 nhân viên thư viện kiêm nhiệm; huyện Ba Vì hiện tại không có nhân viên thư viện chuyên trách, hay kiêm nhiệm cho thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở. Trong 55 nhân viên của 2 huyện Ứng Hoà và Sóc Sơn kể trên, chỉ có 03/41 nhân viên kiêm nhiệm của huyện Ứng Hoà là nhận được kinh phí trợ cấp thường xuyên và không thường xuyên cho công việc thư viện của mình, 38 nhân viên còn lại và 14 nhân viên của huyện Sóc Sơn làm việc hoàn toàn tự nguyện không được cấp kinh phí.

Ngân sách hoạt động

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, trong số đó có thư viện xã, phường và tủ sách cơ sở của 12 quận, huyện (Ba Đình, Cầu Giấy, Gia Lâm, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Tây Hồ, Thanh Oai, Ứng Hoà) được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên và không thường xuyên, các thư viện xã, phường và tủ sách cơ sở của 18 quận, huyện còn lại không được cấp kinh phí hoạt động, trong đó có thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Sóc Sơn. Vì thế vốn tài liệu của các thư viện, tủ sách cơ sở ở đây tương đối sơ sài, nhân viên kiêm nhiệm công việc thư viện không được trả lương (ngoài 03/41 nhân viên của thư viện, tủ sách cơ sở của huyện Ứng Hoà có trợ cấp), cơ sở vật chất của thư viện nghèo nàn, thiếu thốn…

Vốn tài liệu

Tổng số vốn tài liệu toàn mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn của huyện Ba Vì là 1.200 bản sách; huyện Sóc Sơn có 13.500 bản sách; huyện Ứng Hoà là 12.500 bản sách.

Trang thiết bị, cơ sở vật chất

Theo kết quả khảo sát thực tế, tất cả các thư viện, tủ sách cơ sở ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà được đặt trong nhà văn hoá của xã, phường, thôn… Cơ sở vật chất ở đây khá nghèo nàn. Mỗi thư viện, tủ sách có trung bình từ 1-2 hai giá để sách hoặc 01 tủ kính đựng tài liệu, có nơi có nhiều hơn 2 giá sách nhưng số lượng này không nhiều. Bàn, ghế để phục vụ cho việc mượn - đọc tài liệu của bạn đọc không có, bạn đọc thường phải sử dụng chung với bàn ghế của Nhà văn hoá. Diện tích cho thư viện hoạt động chỉ trên dưới 10m2. Ngoài ra, thư viện không có thêm trang thiết bị nào khác.

2.2. Công tác quản lý hoạt động thư viện - thông tin tại các thư viện, tủ sách cơ sở

Các thư viện, xã, phường, tủ sách cơ sở chịu sự quản lý về mặt nghiệp vụ, chuyên môn của thư viện cấp quận, huyện đóng trên địa bàn. Thư viện quận, huyện chịu sự quản lý của Thư viện thành phố Hà Nội.

Tổng số thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở

Hiện tại huyện Ba Vì có 28 thư viện cấp xã, phường, 04 tủ sách cơ sở, tủ sách thôn và 05 thư viện, tủ sách đăng ký luân chuyển sách. Huyện Sóc Sơn có 01 thư viện xã, phường, 13 tủ sách cơ sở, tủ sách thôn và 04 thư viện, tủ sách đăng ký luân chuyển sách. Huyện Ứng Hoà có 39 tủ sách cơ sở, tủ sách thôn và 06 thư viện, tủ sách đăng ký luân chuyển sách.

Hoạt động luân chuyển tài liệu

Hàng năm định kỳ 6 tháng/ lần, Thư viện thành phố Hà Nội phối hợp với các thư viện quận, huyện luân chuyển sách, báo xuống cơ sở để phục vụ học sinh các trường phổ thông và người dân trong khoảng thời gian là 3 tháng, sách được thu hồi lại trả về thư viện quận, huyện và thành phố, sau đó các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở lại tiếp nhận những đợt luân chuyển sách mới.

Công tác bổ sung tài liệu

Phần lớn các thư viện xã, phường và tủ sách cơ sở không có kinh phí hoạt động, vì thế hoạt động bổ sung tài liệu cho mạng lưới thư viện này hầu như không có. Ngoài nguồn tài liệu mà các thư viện, tủ sách hiện có do bà con, các nhà hảo tâm trong thôn, xã, con cháu thành đạt của dòng họ… quyên góp, tặng biếu, tuy nhiên số lượng tài liệu này không được nhiều, còn có sách luân chuyển định kỳ từ thư viện huyện, thư viện thành phố. Theo khảo sát một vài năm trước, một số xã có đầu tư kinh phí cho việc bổ sung tài liệu nên các thư viện, tủ sách cơ sở này có vốn tài liệu phong phú hơn các thư viện, tủ sách cơ sở khác, đó là: Thư viện xã Phú Đông, xã Cổ Đô huyện Ba Vì; Thư viện thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược huyện Sóc Sơn; Tủ sách thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, Thị trấn Vân Đồn, huyện Ứng Hoà.

Công tác biên mục, xử lý tài liệu

Theo khảo sát, tất cả các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở của 3 huyện đều nhận được sự giúp đỡ từ thư viện huyện, thư viện thành phố về công tác xử lý nghiệp vụ như: vào sổ đăng ký cá biệt, dán nhãn, đóng dấu cho tài liệu; việc phân loại tài liệu ở đây cũng hết sức đơn giản, tài liệu được phân chia theo lĩnh vực khoa học, dừng lại ở ký hiệu những môn loại chính, không phân chia chi tiết tới môn loại cuối cùng như những thư viện lớn; tài liệu được tổ chức xếp giá theo số đăng ký cá biệt là chủ yếu, một số được sắp xếp theo lĩnh vực tri thức.

Công tác phục vụ bạn đọc

Số liệu thống kê về công tác phục vụ bạn đọc của mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà năm 2016 như sau:

alt

Số liệu thống kê công tác phục vụ bạn đọc mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn huyện năm 2016 [1]

Công tác tổ chức và bảo quản tài liệu

Qua khảo sát thực tiễn tác giả nhận thấy công tác này ở các thư viện, tủ sách cơ sở của các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì, một số thư viện, tủ sách để tài liệu ẩm mốc, sắp xếp lộn xộn (Tủ sách thôn B, làng Thạch Xá, xã Thuần Mỹ), tài liệu bám bụi bẩn (Thư viện xã Phú Đông, xã Cổ Đô). Các thư viện, tủ sách cơ sở gần như không có hoạt động bảo quản tài liệu như Tủ sách thôn Khả Lại, xã Đồng Tân; Tủ sách thôn Tự Trung, xã Trung Tú, huyện Ứng Hoà; Tủ sách thôn B, làng Thạch Xá, xã Thuần Mỹ; Thư viện xã Phú Đông, xã Cổ Đô huyện Ba Vì…

3. Nhận xét

Qua việc phản ánh thực trạng về công tác tổ chức và quản lý hoạt động của thư viện, tủ sách cơ sở tại một số huyện khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội, tác giả xin có một vài nhận xét về hoạt động này như sau:

Ưu điểm

- Các huyện đã xây dựng được mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở phủ sóng trên toàn địa bàn huyện để phục vụ người dân khu vực nông thôn trong hoạt động học tập, nghiên cứu, sản xuất... Huyện Ba Vì với 30 xã đã xây dựng được 32 thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở [2,5]. Huyện Sóc Sơn có 25 xã, xây dựng được 01 thư viện xã, 13 tủ sách cơ sở [3,5]. Huyện Ứng Hoà 28 xã, xây dựng được 39 tủ sách cơ sở, tủ sách thôn.

Thư viện, tủ sách cơ sở của 02 huyện Sóc Sơn, Ứng Hoà có đội ngũ nhân viên kiêm nhiệm công tác thư viện tương đối lớn. Sóc Sơn 14 người, Ứng Hoà 41 người.

- Mỗi thư viện, tủ sách có tối thiểu từ 200 bản tài liệu trở lên, bao gồm cả tài liệu luân chuyển của thư viện huyện và thành phố. Một số thư viện, tủ sách có số lượng tài liệu lớn hơn, như: Thư viện của dòng họ Nguyễn Bá, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì có gần 800 tài liệu, sách luân chuyển khoảng 150 cuốn; Tủ sách thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt huyện Ứng Hoà có trên 2.000 tài liệu, trong đó sách luân chuyển là 400 cuốn. Tủ sách thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn có trên 3.000 cuốn…

- Công tác phục vụ bạn đọc tại thư viện, tủ sách cơ sở của huyện Sóc Sơn đã thu được kết quả tốt. Với 8.200 lượt bạn đọc và 15.000 lượt sách luân chuyển trong năm 2016.

Bên cạnh những ưu điểm kể trên vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục đối với mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở của các huyện ngoại thành Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà, Hà Nội.

Hạn chế

- Ngân sách cấp cho hoạt động của thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở ở các huyện ngoại thành gần như không có, vì thế vốn tài liệu, cơ sở vật chất ở đây tương đối thô sơ, nghèo nàn, thiếu thốn, diện tích dành cho thư viện chật hẹp…

- Mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở được xây dựng nhiều nhưng hiệu quả hoạt động của chúng lại không cao, số lượng bạn đọc đến sử dụng thư viện, tủ sách ít, chủ yếu là cán bộ hưu trí, vào dịp hè có thêm học sinh phổ thông.

- Nguồn tài liệu hiện có không đáp ứng được nhu cầu của người dân, cần bổ sung thêm các tên sách vào tủ sách luân chuyển xuống cơ sở tài liệu về các lĩnh vực: chăn nuôi, y học, các tác phẩm văn học, lịch sử, tài liệu khoa học áp dụng phát triển nông thôn mới, tài liệu về điện, pháp luật, kiến thức nhà nông…

- Số người kiêm nhiệm công tác thư viện nhiều, chủ yếu là người dân của thôn hoặc xã đứng ra đảm nhận. Tuy nhiên trình độ của người kiêm nhiệm không đồng đều, họ không được trả kinh phí cho công việc này, hoặc nếu có chỉ một số ít người nhận được thù lao, nhưng mức chi trả quá thấp, họ làm việc chỉ vì yêu thích sách, vì nể lãnh đạo địa phương, vì tiện với công việc khác… nên họ nhận thêm công việc thư viện. Phần lớn họ đều không có nghiệp vụ thư viện (chỉ có một số ít thư viện, tủ sách cơ sở, người phụ trách được tham dự tập huấn để có thêm kiến thức về nghề: Tủ sách thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, Ứng Hoà; Thư viện thôn Dược Thượng, Sóc Sơn…). Điều này dẫn đến sự trì trệ, yếu kém trong hoạt động của thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở. Nhân viên phụ trách thư viện, tủ sách không biết cách tổ chức sắp xếp, bảo quản tài liệu, không biết phân loại tài liệu, không có các biện pháp để thu hút bạn đọc đến với tủ sách, thư viện… Thư viện cơ sở của huyện Ba Vì không có người kiêm nhiệm, do người kiêm nhiệm ở thư viện cơ sở của huyện Ba Vì thường bị biến động do thay đổi người phụ trách thư viện, có người đảm nhận được một đến vài tháng lại không làm nữa, họ xác định không kiêm nhiệm công việc này lâu.

- Hiệu quả phục vụ bạn đọc của mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở huyện Ba Vì năm 2016 chưa cao. Huyện Ứng Hoà năm 2016 cũng chưa thống kê được công tác phục vụ bạn đọc cho mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở. Nguyên nhân do Thư viện huyện Ứng Hoà không có trụ sở hoạt động, chỉ có 01 nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc: thủ quỹ, văn nghệ, thư viện, không có chuyên môn về nghiệp vụ thư viện, chưa thực sự chuyên tâm vào công việc thư viện dẫn đến hiệu quả hoạt động của thư viện huyện không cao.

- Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách không được tổ chức ở thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở.

- Công tác tổ chức, bảo quản tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở không tốt vì nhân viên không có chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, công việc là kiêm nhiệm nên họ không chú trọng vào công  tác này dẫn tới tủ sách, thư viện cơ sở luôn lộn xộn, ẩm mốc, nhiều bụi bẩn bám vào sách, báo không có người lau dọn, sắp xếp, bảo quản, việc mất mát, hư hỏng thất lạc tài liệu thư viện thường xuyên diễn ra tại đây.

4. Kiến nghị

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, giúp cho việc tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Chính quyền địa phương, lãnh đạo Nhà Văn hoá từ cấp huyện tới cấp phường, xã, thôn cần thực sự quan tâm hơn nữa tới hoạt động của thư viện, tủ sách cơ sở. Cần nhận thức rõ tầm quan trọng và vai trò của thư viện, tủ sách cơ sở trong việc cung cấp, thông tin, tài liệu phục vụ người dân nông thôn trong chăn nuôi, sản xuất, trong học tập, giải trí… góp phần vào việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm địa phương nên cấp một khoản kinh phí nhỏ dành cho việc bổ sung tài liệu, trang bị thêm cơ sở vật chất cho thư viện, tủ sách cơ sở như mua giá sách, tủ sách, bàn ghế… Có kinh phí chi trả cho nhân viên kiêm nhiệm công tác thư viện, sắp xếp nhân sự làm công tác thư viện hợp lý hơn, cần thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người làm công tác kiêm nhiệm.

Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động thư viện, thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, cá nhân giúp xây dựng vốn tài liệu thư viện, xây dựng trụ sở, trang bị thêm cơ sở vật chất thư viện… nhằm duy trì tốt hiệu quả hoạt động cho thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở.

Kiến nghị với Thư viện thành phố Hà Nội tăng số lượt luân chuyển tài liệu xuống cơ sở từ 2 lần/  năm (6 tháng/ lần) như hiện nay, thành 4 lần/ năm (3 tháng/ lần) để người dân nông thôn được cập nhật những thông tin mới phục vụ kịp thời cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất, thâm canh…

Định kỳ tổ chức các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách trên loa đài, bản tin của địa phương. Hàng năm, thư viện huyện nên tổ chức cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách vào dịp hè, tổ chức Ngày Hội đọc Sách nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 cho toàn mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện, tủ sách cơ sở ngày một nhiều hơn. Thay vì tổ chức các hoạt động này cho cấp huyện như hiện nay.

Thư viện cấp huyện và Thành phố định kỳ tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thư viện - thông tin cho nhân viên kiêm nhiệm để họ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các đơn vị hành chính của huyện Ứng Hoà, truy cập ngày 08/5/2017 tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ứng_Hoà.

2. Cổng giao tiếp điện tử huyện Ba Vì. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn, truy cập ngày 08/05/2017 tại: https://bavi.hanoi.gov.vn/uy-ban-nhan-dan-cac-xa-thi-tran.

3. Cổng thông tin điện tử huyện Sóc Sơn. Giới thiệu về địa giới hành chính của huyện, truy cập ngày 08/05/2017 tại: https://socson.hanoi.gov.vn/gioi-thieu-huyen.

4. Nguyễn Tiến Hiển. Quản lý Thư viện và Trung tâm thông tin / Nguyễn Tiến Hiển, Nguyễn Thị Lan Thanh. - H. : Đại học Văn hoá, 2002.

5. Thư viện thành phố Hà Nội. Báo cáo tổng kết Thư viện quận, huyện, thị xã năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

_____________

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Khoa Thông tin - Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 5. - Tr. 48-51,29.


Đọc thêm cùng chuyên mục: