Thư viện Quốc gia Việt Nam - Một thế kỷ hình thành, phát triển và chặng đường phía trước

E-mail Print

Năm 2017, đánh dấu chặng đường một thế kỷ hình thành, phát triển của Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) - đơn vị sự nghiệp văn hoá, thư viện đầu ngành của cả nước. Chặng đường đó, gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc, cùng sự thay đổi và phát triển của xã hội và thời đại. 100 năm qua, với sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, viên chức, Thư viện đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành, đi lên, khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng thư viện Việt Nam và thế giới.

1. Lược sử hình thành

TVQG tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương thuộc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập ngày 29/11/1917. Thư viện chính thức mở cửa phục vụ người đọc ngày 01/9/1919.

Từ năm 1935 đến năm 1953, qua nhiều giai đoạn lịch sử, Thư viện đã nhiều lần đổi tên thành các tên gọi khác nhau như: Thư viện Pierre Pasquier, Thư viện toàn quốc, Quốc gia Thư viện, Thư viện Trung ương ở Hà Nội, Tổng Thư viện Hà Nội.

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ "Thủ đô gió ngàn" Việt Bắc trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Trong ngày lịch sử 10/10/1954, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp quản Hà Nội, đồng thời, tiếp quản Kho Lưu trữ Trung ương và Tổng Thư viện ở Hà Nội. Hai cơ quan này được ghép chung dưới tên gọi Thư viện Trung ương do Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý. Thư viện Trung ương vẫn giữ nguyên trụ sở tại 31 Tràng Thi, Hà Nội và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trên vùng lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

Năm 1955, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 446/NĐ-TTg ngày 28/1/1955 về việc chuyển việc quản lý Thư viện Trung ương thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục sang Bộ Tuyên truyền với một Giám đốc và một Phó Giám đốc trông nom và điều hành hoạt động. Đến ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra quyết định đổi tên Bộ Tuyên truyền - cơ quan quản lý Thư viện Trung ương lúc bấy giờ thành Bộ Văn hoá.

Năm 1958, Bộ trưởng Bộ Văn hoá đã ban hành Quyết định số 107-VH/QĐ ngày 21/11/1958 đổi tên Thư viện Trung ương thành Thư viện Quốc gia trực thuộc Bộ Văn hoá. Công tác lưu trữ vẫn là một bộ phận của Thư viện Quốc gia.

Đến năm 1962, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 102/CP ngày 4/9/1962 thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng trên cơ sở tách bộ phận lưu trữ từ Thư viện Quốc gia. Và như vậy, kể từ ngày này, Thư viện Quốc gia chỉ còn thực hiện các nhiệm vụ đối với hoạt động thư viện.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cả nước bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Để thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống văn hoá của nhân dân, Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế. Hoạt động của Thư viện Quốc gia được đặt trong vị thế mới. Quyết định 401-TTg ngày 9/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ ban hành do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh ký đã quyết định Thư viện Quốc gia được mang tên Thư viện Quốc gia Việt Nam; đồng thời xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của TVQG, trong đó lần đầu tiên quy định nhiệm vụ thông tin khoa học, văn hoá nghệ thuật cho TVQG.

Số lượng biên chế của Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trong những năm đầu mới thành lập là 9 người. Sau 100 năm xây dựng và phát triển, tổng số nhân sự hiện có tại Thư viện là 173 công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, gồm: 01 Tiến sỹ, 22 Thạc sỹ, 122 Cử nhân và 28 trình độ khác, với 70% là nữ; Cơ cấu tổ chức: 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, Hội đồng tư vấn khoa học và 13 Phòng chức năng: Phòng Lưu chiểu; Phòng Bổ sung, Trao đổi; Phòng Phân loại, Biên mục; Phòng Đọc sách; Phòng Đọc Báo, Tạp chí; Phòng Thông tin tư liệu; Phòng Bảo quản; Phòng Tin học; Phòng Nghiên cứu và Hướng dẫn nghiệp vụ; Phòng Quan hệ quốc tế; Phòng Tạp chí Thư viện Việt Nam; Phòng Hành chính, Tổ chức; Phòng Bảo vệ.

2. Những thành tựu nổi bật

Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, TVQG đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và thu được những thành tựu to lớn trên các mặt công tác. 

Công tác thu thập, phát triển vốn tài liệu

Công tác thu thập, phát triển vốn tài liệu tại Thư viện luôn được đặc biệt chú trọng, nhằm cung cấp cho người đọc những tư liệu đầy đủ và hiện đại về tất cả những chủ đề mà họ quan tâm.

Ngay từ khi mới thành lập, việc xây dựng vốn tài liệu của Thư viện đã có định hướng rõ ràng, đó là từng bước xây dựng một thư viện bách khoa có đầy đủ những sách tốt nhất về văn học, nghệ thuật và khoa học. Thời kỳ là Thư viện Trung ương Đông Dương, ngoài việc thu thập những tài liệu có tính chất chung, Thư viện còn có trách nhiệm tập hợp tài liệu về Đông Dương. Thời kỳ từ năm 1954 trở đi, cùng với việc tiếp tục thu nhận lưu chiểu xuất bản phẩm dân tộc, TVQG còn được giao nhiệm vụ bổ sung những tài liệu về Việt Nam và của người Việt Nam, dù tài liệu đó được xuất bản ở bất cứ nơi nào trên thế giới; bổ sung có chọn lọc tài liệu nước ngoài...

Để xây dựng, phát triển vốn tài liệu, ngay từ đầu Thư viện đã dựa trên các nguồn như: nguồn lưu chiểu; nguồn mua; nguồn biếu tặng. Những năm sau này, vốn tài liệu của Thư viện ngày càng phát triển nhanh chóng do được bổ sung từ các nguồn khác nhau. Bên cạnh nguồn mua, thu nhận lưu chiểu, đã tăng cường nguồn trao đổi, biếu tặng, mở rộng tài liệu ngoại văn có chất lượng qua nguồn biếu tặng từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các dự án, Quỹ tài trợ và Chương trình phát triển trong khu vực và trên thế giới như: Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ thế giới, Quỹ Châu Á...; đẩy mạnh việc tiếp nhận nguồn sách, báo từ các Đại sứ quán, các tổ chức trong nước, ngoài nước và trong nhân dân biếu tặng. Bên cạnh đó, do nhu cầu đọc của người dân đã có sự thay đổi, ngoài việc sử dụng các tài liệu truyền thống, đã xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu sử dụng tài liệu điện tử, truy cập Internet để phục vụ việc học tập, nghiên cứu và giải trí. Thư viện đã chú ý tới việc phát triển nguồn tài liệu mới bằng cách tạo lập nguồn thông tin số hoá qua hai hình thức: tự tạo lập và mua quyền khai thác các cơ sở dữ liệu trực tuyến các tài liệu là sách, báo, tạp chí của các nhà cung cấp nước ngoài như: Springer Book, Springer Journal; ProQuest; Igroup Publising; SAGE (SAGE Research Method; SAGE Journal); Wilson; Oxford…

Sau 100 năm hình thành và phát triển, TVQG đã có những đóng góp quan trọng trong việc thu thập, phát triển, giữ gìn di sản văn hoá thành văn của dân tộc và nhân loại. Từ vốn tài liệu ban đầu là 5.000 bản sách của Thư viện Trung ương Đông Dương, đến nay TVQG đã xây dựng được vốn tài liệu lớn nhất cả nước với trên 2,5 triệu đơn vị tư liệu, phong phú về nội dung, ngôn ngữ; đa dạng về loại hình tài liệu (sách, báo, tạp chí, luận án tiến sỹ, tranh, nhạc, bản đồ...). Các bộ sưu tập tài liệu quý của Thư viện có thể kể đến như: Bộ sưu tập sách cổ Hán Nôm gồm 5.280 bản sách được làm hoàn toàn thủ công, với chất liệu giấy Dó, viết tay và in trên bản khắc bằng chữ Hán Nôm - một loại chữ cổ của Việt Nam, có niên đại từ thế kỷ XVI - XIX; Bộ sưu tập tài liệu Đông Dương gồm 68.500 bản, trong đó có 1.700 tên báo-tạp chí; 10.000 tên sách xuất bản ở Việt Nam trước năm 1954 dưới dạng microfilm và microfiche, các tư liệu này là những di sản văn hoá vô giá, mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá; Bộ sưu tập tư liệu thời kỳ kháng chiến (1946-1954) với 3.996 tư liệu; Bộ sưu tập Luận án tiến sỹ của người Việt Nam được bảo vệ trong và ngoài nước, của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam với trên 29.000 bộ; Bộ sưu tập các xuất bản phẩm nộp lưu chiểu của Việt Nam từ năm 1922 đến nay, là bộ sưu tập tư liệu quốc gia quan trọng gắn với sự phát triển của ngành xuất bản và của TVQG với hơn 680.000 tư liệu, tương đương gần 1.580.000 bản là sách, tranh, nhạc, bản đồ và nhiều loại ấn phẩm đặc biệt khác; Bộ sưu tập báo, tạp chí với 9.000 tên báo, tạp chí trong nước và nước ngoài, tương đương với hơn 1.300.000 số báo, tạp chí, trong đó có những số báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, xuất bản năm 1865. Đặc biệt, TVQG đã và đang lưu giữ trọn vẹn và đầy đủ nhất toàn bộ các xuất bản phẩm - di sản thư tịch của dân tộc bằng nhiều phương pháp và kỹ thuật bảo quản hiệu quả và hiện đại. Những năm gần đây, dù tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị, tuy nhiên TVQG vẫn luôn quan tâm đầu tư cho công tác xây dựng và phát triển vốn tài liệu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác.

Công tác phục vụ bạn đọc

Công tác phục vụ bạn đọc luôn được TVQG coi là công tác quan trọng nhất của thư viện. Thông qua công tác này vốn tài liệu, nguồn lực thông tin quý giá của thư viện mới được sử dụng có hiệu quả, phát huy được tác dụng trong quá trình xây dựng đất nước và phát triển của mỗi cá nhân. 100 năm qua, phục vụ công tác phục vụ bạn đọc đã không ngừng được đổi mới, cải tiến phương thức phục vụ, nâng cao chất lượng một cách toàn diện.

Khi mới mở cửa phục vụ, bạn đọc sử dụng Thư viện Trung ương Đông Dương được quy định là người Âu từ 16 tuổi trở lên, người Việt Nam phục vụ trong ngành giáo dục, sinh viên các trường đại học, người Việt Nam và người châu Á từ 18 tuổi trở lên. Từ những năm 1930, đối tượng bạn đọc đã được mở rộng, cho phép thiếu nhi và học sinh một số trường Trung học phổ thông trực thuộc Nha học chính Đông Dương tới đọc. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ kết thúc, phòng đọc thiếu nhi và học sinh cấp 3 không được tổ chức phục vụ nữa. Thời kỳ sau đó, bạn đọc của Thư viện là cán bộ các cơ quan, đơn vị, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. Đối tượng phục vụ dần dần được mở rộng những năm gần đây. Tháng 11/2017, trẻ em từ 3 tuổi  đã có thể cùng người lớn làm thẻ vào trải nghiệm thư viện.

Công tác phục vụ bạn đọc của Thư viện khi mới thành lập được tiến hành thông qua các hình thức phục vụ đọc tại chỗ và cho mượn về nhà. Sau chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thư viện không còn tổ chức hình thức phục vụ mượn về của người lớn. Từ đó cho tới những năm 80, hình thức phục vụ đọc sách, báo, tạp chí vẫn phục vụ theo phiếu yêu cầu. Đến đầu những năm 1990, TVQG đã tổ chức kho mở đọc báo, tạp chí 6 số mới nhất của mỗi tên cho phần lớn báo chí trong và ngoài nước.

Bước sang những năm 2000, phương thức phục vụ của Thư viện có nhiều cải tiến, được tiến hành với quy mô ngày càng mở rộng.

Năm 2001, một số công đoạn trong công tác phục vụ được tin học hoá: toàn bộ tài liệu được quản lý trong các CSDL, được gán 1 số đăng ký cá biệt duy nhất và thể hiện bằng mã vạch; tra cứu tài liệu được thực hiện thông qua mục lục trực tuyến OPAC; việc quản lý bạn đọc và luân chuyển tài liệu được quản lý nhờ module lưu thông. Chính vì vậy, giúp cho nhân viên thư viện quản lý lượt bạn đọc, lượt sách luân chuyển, phân tích yêu cầu của bạn đọc một cách thuận tiện, chính xác và hiệu quả.

Tháng 9/2001, do được mở rộng diện tích sử dụng, TVQG đã dành toàn bộ toà nhà D (trừ tầng 6) với tổng số hơn 700 chỗ ngồi để phục vụ bạn đọc. Đồng thời, Thư viện cũng chọn phương thức phục vụ mở, khai trương các phòng đọc tự chọn năm 2001 và 2002 để tạo nhiều điều kiện cho bạn đọc trong sử dụng vốn tài liệu và các dịch vụ một cách nhanh chóng, thuận tiện. Để đáp ứng những nhu cầu tra cứu thông tin trên mạng ngày càng cao của bạn đọc, ngày 14/5/2004, TVQG đã khai trương Phòng Đọc Đa phương tiện với 40 cabin máy tính có nối kết với Internet và 2 tivi cỡ lớn. Đến đầu năm 2007, TVQG đã tổ chức được 12 phòng phục vụ bạn đọc, trong đó có 8 phòng đọc tự chọn và một phòng vừa phục vụ tự chọn, vừa phục vụ theo phiếu yêu cầu.

Năm 2010, TVQG khai trương Phòng đọc cho các Nhà nghiên cứu và Doanh nhân nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại đây, các dịch vụ được phục vụ nhanh chóng như: thông tin hỏi đáp, mượn tài liệu từ các phòng đọc khác, các dịch vụ tra cứu, in tài liệu tại chỗ, báo hàng ngày đọc thư giãn, sách tra cứu, chuyên khảo, các dịch vụ miễn phí khác như dịch vụ tìm tin trên Internet, sử dụng các CSDL toàn văn, trực tuyến…

Năm 2016, đánh dấu một mốc quan trọng tiếp theo của TVQG trong định hướng hiện đại hoá, cải tiến phương phức phục vụ, nâng cao năng lực phục vụ của Thư viện. Chương trình hợp tác giữa TVQG và Công ty Điện tử Samsung Vina triển khai “Thư viện thông minh 2.0” tổ chức Không gian chia sẻ S.hub. Đây là mô hình thư viện tích hợp kết hợp giữa thiết bị công nghệ cao, không gian tiện nghi hiện đại và nguồn tài nguyên tri thức dồi dào của Thư viện, mang đến không gian học tập, nghiên cứu, làm việc và trao đổi, chia sẻ ý tưởng sáng tạo cho các bạn trẻ.

Cũng trong năm 2016, hệ thống mượn trả tài liệu tự động dựa trên công nghệ nhận dạng tần số radio (RFID) được đưa vào sử dụng tại Phòng Đọc tự chọn Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là phòng đọc có lượng bạn đọc đến đông, nên việc sử dụng hệ thống này giúp người dùng không tốn quá nhiều thời gian khi mượn sách, hay phải xếp hàng chờ đợi khi có đông người đến đọc. Người dùng có thể mượn sách hoàn toàn tự động trực tiếp tại máy, hệ thống sẽ yêu cầu người dùng xác nhận thẻ đọc, sau đó thông tin mượn trả tài liệu được ghi nhận và đảm bảo an toàn, chính xác.

Năm 2017, để đẩy mạnh hơn nữa công tác phục vụ cộng đồng, mở rộng đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi và thiếu nhi, phát triển đa dạng dịch vụ cho các nhóm đối tượng, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá đọc. TVQG và Quỹ Hỗ trợ Hợp tác Văn hoá Quốc tế Hàn Quốc hợp tác tổ chức “Thư viện Văn hoá Thiếu nhi” và khai trương ngày 16/11/2017. Thư viện được thiết kế theo ý tưởng về cây điều ước của trẻ em với hàm ý hướng tới tương lai tươi sáng. Đây là một không gian phức hợp kết hợp giữa đọc sách với các hoạt động trải nghiệm văn hoá như âm nhạc, phim hoạt hình, phát triển tài năng... dành cho thiếu nhi Việt Nam, giúp hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho trẻ.

Nhằm tạo điều kiện cho người dùng có thể đọc tài liệu ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, TVQG đã công bố trên trang web của đơn vị các cơ sở dữ liệu toàn văn tự lập và một số cơ sở dữ liệu toàn văn trực tuyến đã mua quyền khai thác để phục vụ việc đọc, tham khảo, truy cập trực tuyến từ xa.

Với mục tiêu hoạt động Tất cả vì bạn đọc, TVQG không ngừng cải tiến công tác tổ chức phục vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Văn hoá phục vụ của người thủ thư tại TVQG ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thủ thư được lựa chọn phục vụ tại các phòng đọc phải có kỹ năng tốt về giao tiếp, ứng xử, tư thế, tác phong khi tiếp xúc với bạn đọc. Nhờ đó mà bạn đọc của Thư viện đã có những ý kiến nhận xét, đánh giá tốt về tinh thần, thái độ phục vụ của viên chức thư viện, làm thay đổi cách nghĩ về hình ảnh người thủ thư thư viện.

Trong những năm gần đây, từ 2012-2016, Thư viện đã mở cửa phục vụ 1.674 ngày, trung bình phục vụ trên 11 triệu lượt bạn đọc (trung bình phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc đến nghiên cứu, học tập, giải trí tại trụ sở thư viện và trên 6.500 lượt bạn đọc truy cập trực tuyến); Tiếp nhận, trao đổi, trả lời 14.066 lượt yêu cầu thông tin trực tuyến qua trang web của đơn vị. Thư viện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bạn đọc sử dụng thư viện như: Phục vụ đọc tự chọn, đọc đa phương tiện; đọc trực tuyến từ xa; Mở cửa phục vụ liên tục từ 8h-20h hàng ngày kể cả thứ Bảy, Chủ nhật; Tập trung mở rộng không gian phục vụ đọc sạch, đẹp, hiện đại.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu tài liệu

Cùng với công tác phục vụ bạn đọc, Thư viện đã tiến hành mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về tài liệu thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày tư liệu và tổ chức Ngày Hội Sách.

Ngay khi mới thành lập, Thư viện Trung ương Đông Dương đã tổ chức và tham gia nhiều cuộc triển lãm tư liệu trong và ngoài nước. Một số cuộc triển lãm tư liệu ở nước ngoài như: Triển lãm sách, bộ sưu tập Công báo Đông Dương và một số tạp chí đặc sắc tổ chức tại Marseille, Pháp năm 1922; hai cuộc triển lãm tư liệu tại San Francisco, Hoa Kỳ năm 1939 và 1940. Triển lãm ở trong nước tiêu biểu có: Triển lãm nhân dịp Thư viện mang tên Pierre Pasquier năm 1935, Triển lãm nhân dịp nhà vua Lào thăm Việt Nam năm 1938; Triển lãm về lịch sử Đông Dương nhân Hội nghị khoa học quốc tế về y học nhiệt đới năm 1938; Triển lãm “Đông Dương trong quá khứ”, đặc biệt đã rất trân trọng nhắc đến giá trị của tài liệu Châu bản triều Nguyễn.

Thời kỳ tiếp theo, công tác thông tin, tuyên truyền về tài liệu vẫn được triển khai tích cực. Ví dụ, trong 2 năm từ 1964 đến năm 1966, Thư viện đã tổ chức được 88 cuộc giới thiệu sách tại các câu lạc bộ lớn ở Thủ đô cho khoảng 30.000 người; Biên soạn đề cương giới thiệu sách gửi cho các thư viện tỉnh, thành; Tổ chức được 48 cuộc trưng bày, giới thiệu sách về các đề tài chính trị, quan hệ quốc tế và đã thu hút hàng nghìn người đến xem, trong đó có nhiều người nước ngoài. Thư viện Quốc gia đặc biệt chú ý và thường xuyên tiến hành các cuộc triển lãm sách mới và luôn tìm cách cải tiến nội dung và hình thức với những điều kiện tốt nhất. Các cuộc triển lãm, trưng bày sách theo chuyên đề, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn cũng được tổ chức đều đặn. Chỉ tính từ năm 1956 đến năm 1968, Thư viện đã tổ chức được 700 cuộc trưng bày sách, báo lớn, nhỏ.

Từ năm 1976, việc tuyên truyền, giới thiệu sách báo vẫn được tiến hành thường xuyên. Thư viện định kỳ tiến hành các cuộc triển lãm sách mới, tổ chức nói chuyện chuyên đề về những đề tài nóng hổi về thời sự, chính trị, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật... theo định kỳ tháng 1 lần với những diễn giả là các nhà hoạt động khoa học, văn học... hàng đầu, đã cung cấp cho người nghe nhiều kiến thức, thông tin mới, thiết thực.

Bước sang Thiên niên kỷ mới, TVQG tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền qua việc tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tư liệu và hiện vật. Tiêu biểu như: Triển lãm trưng bày tư liệu về 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Triển lãm "Thăng Long - Hà Nội 1000 năm" tại TVQG, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Lào; Các cuộc triển lãm sách phối hợp với Đại sứ quán Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đại sứ quán 20 nước thuộc Liên minh Châu Âu, Quỹ Châu Á... thu hút sự quan tâm người tới xem.

Từ năm 2011-2016, Thư viện đã tổ chức được 73 cuộc triển lãm, trưng bày tư liệu, nói chuyện chuyên đề và giới thiệu sách, điển hình là: Triển lãm và kết hợp với nói chuyện chuyên đề “100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, lịch sử và bài học kinh nghiệm”; Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không qua các tư liệu trong nước và nước ngoài” nhân Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các tư liệu trong nước và nước ngoài” nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Trưng bày tư liệu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Triển lãm tư liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và sự nghiệp đổi mới đất nước” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TVQG và Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên; Trưng bày tư liệu “Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hoá thế giới" nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du...

Đặc biệt, năm 2015 và 2016, là hai năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị nổi bật của đất nước. Nhân các sự kiện này, Thư viện đã tổ chức một số cuộc Triển lãm với quy mô lớn, có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành và đông đảo bạn đọc như Triển lãm tư liệu: “Đất nước - 70 năm một chặng đường” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Triển lãm tư liệu “70 năm Quốc hội Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2016).

Bên cạnh đó là các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển lãm quảng bá văn hoá hợp tác với Đại sứ quán các nước Châu Âu; Đại sứ quán Áo, Phần Lan, Argentina, Iran, Thuỵ Điển, Panama...

Công tác giới thiệu trưng bày sách mới của TVQG được thực hiện và duy trì cho tới nay tại sảnh tra cứu của Thư viện. Thư viện thường xuyên trưng bày những sách mới nhập vào thư viện, chưa qua khâu xử lý kỹ thuật nhằm giới thiệu, tạo điều kiện cho bạn đọc nhận được nguồn thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất về các sách mới xuất bản có trong Thư viện. 

Đối với hoạt động Ngày Hội Sách, lần đầu tiên được TVQG phối hợp với Hội đồng Anh, các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, Thư viện Quân đội, thư viện các tỉnh thuộc Liên hiệp Thư viện Đồng bằng Sông Hồng, các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội tổ chức vào năm 2006 nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới với chủ đề: ”Ngày Hội Sách - niềm vui và trí tuệ” nhằm tuyên truyền cho sách, thư viện và vấn đề bản quyền... Những năm tiếp theo, hoạt động này trở thành hoạt động thường niên, diễn ra sôi nổi tại Thư viện và là cơ sở để năm 2014 Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Nhìn chung, các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách ở TVQG được thực hiện có nề nếp, có kế hoạch, đều đặn. Những hoạt động này nhằm mục đích thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về nguồn lực thông tin của Thư viện; quảng bá hình ảnh TVQG tới cộng đồng xã hội và mong muốn thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều người, để họ biết và đến sử dụng thư viện nhiều hơn, khai thác có hiệu quả vốn tài liệu của Thư viện.

Công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học

Là đơn vị tiên phong trong tổ chức nghiệp vụ thư viện trong nước và ngày càng chú trọng áp dụng các chuẩn quốc tế vào hoạt động của mình cũng như toàn ngành Thư viện Việt Nam.

Những năm sau khi thành lập, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã tổ chức các lớp đào tạo công chức ngành Thư viện. Mỗi khoá học trong 6 tháng, mỗi năm mở 1 lớp. Năm 1931, đã có chương trình giảng dạy và bắt đầu mở lớp đầu tiên. Từ năm 1943, còn nhận thêm các học viên dự thính, những người cũng có bằng tú tài hay cử nhân và được phép dự kỳ thi tốt nghiệp chung với những thí sinh trên nhưng phải xếp hạng trên một bảng đỗ riêng. Đến năm 1945, là khoá học cuối cùng của các lớp đào tạo này. Tổng số người tốt nghiệp các khoá trên là 220 người.

Sau khi tiếp quản Thư viện năm 1954, Thư viện Quốc gia bắt tay ngay vào công tác đào tạo cán bộ. Ban đầu, chỉ đào tạo cán bộ của Thư viện Quốc gia, sau đó mở rộng đào tạo cho các thư viện khác như thư viện công đoàn, thư viện huyện, thư viện quân đội... Các lớp đầu đào tạo kỹ thuật thư viện có từ thời Pháp, học trong 2-3 tuần, những lớp sau về lý luận và kỹ thuật thư viện của Liên Xô học trong 1-3 tháng. Kết quả đạt được là khá lớn. Chỉ riêng năm 1959, Thư viện Quốc gia đã tổ chức 3 lớp sơ cấp ngắn hạn, đào tạo gần 300 nhân viên thư viện để cung cấp cho các thư viện tỉnh, thành, xí nghiệp, cơ quan, trường học theo kỹ thuật mới. Từ cuối những năm 50 đến đầu những năm 60, Thư viện Quốc gia và nhiều thư viện tỉnh, thành đã tổ chức được gần 70 lớp ngắn hạn đào tạo cán bộ cho các thư viện công đoàn, thư viện các lực lượng vũ trang, thư viện trường học, thư viện các hợp tác xã nông nghiệp và các cơ quan. Từ năm 1967 đến 1968, Thư viện Quốc gia tiếp tục mở các lớp ngắn hạn đào tạo ngoài Hà Nội cho gần 200 nhân viên thư viện, phần lớn trong số họ làm việc tại các thư viện tỉnh và thành phố…

Những năm gần đây, TVQG tập trung vào mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thư viện trong cả nước, tiêu biểu như lớp quản lý tin học trong thư viện (năm 1992-1995), lớp xử lý nội dung tài liệu (năm 1999); các lớp tập huấn về chuẩn nghiệp vụ mới phục vụ cho mục tiêu “chuẩn hoá và phát triển” như: Quy tắc biên mục Anh - Mỹ rút gọn (năm 2004), Khung Phân loại DDC rút gọn 14 (năm 2006), Khung phân loại thập phân Dewey - Ấn bản 23 tiếng Việt (năm 2013 - 2014) và trong năm 2018, Thư viện sẽ triển khai tập huấn sử dụng ấn bản tiếng Việt Quy tắc Biên mục Mô tả và truy cập tài nguyên - RDA đã chính thức được công bố ngày 22/11/2017 vừa qua.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, TVQG đã không ngừng đổi mới và nâng cao. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 1955 Thư viện đã bắt đầu triển khai nghiên cứu những vấn đề thư viện học - thư mục học, nghiên cứu áp dụng các quy tắc biên mục, bảng phân loại được sử dụng trong các thư viện Liên Xô vào TVQG và hướng dẫn nghiệp vụ cho các hệ thống thư viện. Từ 1986 - 1999, Thư viện đã có những đầu tư và quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tin học hoá công tác thư viện. Những năm mới ứng dụng công nghệ thông tin, các chuyên viên tin học của Thư viện đã nghiên cứu và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng như: Nghiên cứu biên mục đọc bằng máy (MARC) và xây dựng MARC riêng cho các thư viện công cộng Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng các cơ sở dữ liệu và quyết định các cơ sở dữ liệu sẽ được xây dựng theo loại hình tài liệu (sách, báo, tạp chí, bài báo trích từ tạp chí, báo…); Nghiên cứu xây dựng bộ từ khoá có kiểm soát.

Bước sang thế kỷ XXI, công tác nghiên cứu khoa học của TVQG đã được đẩy mạnh. Nét nổi bật nhất là Thư viện lần đầu tiên trở thành cơ quan chủ trì các công trình nghiên cứu cấp Bộ. 10 đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã được Thư viện chủ trì nghiên cứu thành công gồm các đề tài: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện cấp tỉnh, thành phố; Xây dựng một số định mức cơ bản ngành thư viện Việt Nam; Nghiên cứu Di sản văn hoá thành văn trong các thư viện Việt Nam; Mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện cấp tỉnh, huyện và cơ sở ở Việt Nam; Xây dựng và bảo quản vốn tài liệu của các thư viện công cộng Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động thư viện cấp huyện; Hoàn thiện mô hình thư viện số tại TVQG và Thư viện thành phố trực thuộc trung ương; Thực thi quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động thông tin - thư viện ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp; Đổi mới mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động thư viện Việt Nam. Ngoài các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, trong những năm gần đây, TVQG đã thực hiện nhiều đề tài cấp cơ sở. Từ năm 2009 - 2016 đã tiến hành 10 đề tài và đang triển khai 1 đề tài trong năm 2017. Bên cạnh đó, Thư viện cũng đã tích cực tiến hành các dự án xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia. Trong 4 năm từ 2012 - 2016, đã xây dựng 4 TCVN về thuật ngữ trong hoạt động thư viện và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Năm 2016 - 2017, Thư viện tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Thông tin và tư liệu - Giao dịch mượn liên thư viện” trên cơ sở chấp nhận ISO 18626:2014.

Kết quả nghiên cứu của Thư viện đã có những đóng góp xứng đáng trong việc tổng kết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra của ngành và bản thân TVQG; cung cấp những cơ sở khoa học nhằm xây dựng và quản lý thư viện một cách hiệu quả.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin

TVQG là thư viện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ.

Bước đi đầu tiên trong việc tin học hoá thư viện được bắt đầu trong những năm đầu của thập niên 1980. Đây là thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã diễn ra được gần 20 năm, với sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng điện tử, số hoá và máy tính. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện là yêu cầu tất yếu để kiểm soát, chia sẻ các nguồn lực thông tin theo mô hình thư viện hiện đại.

TVQG đã có những nỗ lực tìm kiếm nguồn lực để tiến hành tin học hoá hoạt động thư viện. Tháng 5/1985, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn và vòng vây cấm vận của Mỹ, Thư viện đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Thư viện Quốc gia Ôxtrâylia về trang thiết bị và đào tạo nhân lực. Chiếc máy tính Olivetti M24, phần mềm Imagic và một số phụ kiện đã được tặng cho Thư viện. Từ  năm 1986, phiếu mục lục và thư mục quốc gia cũng được xử lý từ máy tính. Với nỗ lực lớn của những người làm thư viện trong nhiều năm, ngày 24/11/2007, TVQG tổ chức khai trương Thư viện điện tử nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập, với tên miền http://www.nlv.gov.vn.

Sau khi triển khai khá thành công tác tin học hoá tại TVQG, đơn vị đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhân rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin tới các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước; Thư viện đã xây dựng những dự án khả thi, phù hợp với trình độ phát triển tin học ở từng thời kỳ và phù hợp với yêu cầu của thư viện cấp tỉnh để trang bị hạ tầng thông tin, đào tạo viên chức tin học cho các thư viện tỉnh, thành phố. Qua đó, gắn việc tin học hoá ngay tại đơn vị với toàn hệ thống thư viện công cộng, nhằm thống nhất về nghiệp vụ và tận dụng các kết quả của nhau.

Thời điểm thế kỷ XXI, là giai đoạn chuyển giao giữa cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và thứ 4, công tác tin học của Thư viện có những bước tiến mới. Năm 2003, công tác số hoá tài liệu tại TVQG được khởi động và thực hiện cho đến nay. Những năm gần đây, công tác số hoá tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số được đẩy mạnh với các dự án được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư. Đến nay, Thư viện đã tự tạo lập nguồn lực thông tin số rất lớn với tổng số trên 5.000.000 trang tài liệu số bao gồm các cơ sở dữ liệu toàn văn: Luận án Tiến sỹ (4.500.000 trang), Sách Hán Nôm (147.955 trang), Sách Đông Dương (759.372 trang), Báo, tạp chí Đông Dương (283.841 trang), Sách tiếng Anh viết về Việt Nam (92.520 trang), góp phần chia sẻ tài nguyên thông tin - thư viện với các thư viện trong nước và nước ngoài.

Hạ tầng công nghệ thông tin và các trang thiết bị hiện đại hiện có của TVQG bao gồm: Mạng LAN; Hệ thống Internet: đường truyền Internet Leased Line 192 Kbps, đường Internet không dây Wifi, đường ADSL 2M, đường ADSL 4M; Hệ thống máy tính: 18 máy chủ, 200 máy trạm; Trang thiết bị số hoá: 2 máy robot scanner khổ từ A5-A0, 3 máy scanner dạng phẳng, 1 máy scanner Microfiche, Microfilm; Hệ thống quản lý thư viện điện tử/ thư viện số: Hệ quản trị Thư viện điện tử iLib, Hệ quản trị Thư viện số Veridian, hệ thống xử lý dữ liệu số hoá docWORKs, các phần mềm bổ trợ khác; Hệ thống mượn trả tự động… Việc trang bị và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại TVQG góp phần tăng cường năng lực phục vụ của Thư viện, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và xã hội. 

Hoạt động hợp tác quốc tế

Sau khi thành lập cho tới năm 1954, về quan hệ quốc tế của Thư viện Trung ương Đông Dương hầu như không có hoạt động nào được ghi nhận. Sau năm 1954, hoạt động hợp tác quốc tế mới thực sự phát triển như một nhiệm vụ của Thư viện về đào tạo nguồn nhân lực do các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, thiết lập quan hệ trao đổi tài liệu với thư viện quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học của các nước trên thế giới; tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế tại Liên Xô, Tiệp Khắc, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cử các đoàn ra nước ngoài tham quan, học tập.

Giữa những năm 1980, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế sau sự tan rã của Liên Xô, Đại hội VI của Đảng nêu chủ trương chiến lược: “mở rộng sự hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế”. Chủ trương này mở ra một thời kỳ mới trong hoạt động hợp tác quốc tế của TVQG, thúc đẩy việc mở rộng các quan hệ hợp tác với các nước về đào tạo cán bộ, trao đổi tài liệu, tài trợ trang thiết bị, chuyển giao công nghệ...

Năm 1987, TVQG đã tham dự Đại hội lần thứ 7 của Hiệp hội Thư viện Đông Nam Á (CONSAL VII) tại Philippines, mở đầu cho hoạt động của Thư viện trong tổ chức này. Năm 2000, được phép của Chính phủ, TVQG đã chính thức gia nhập và trở thành thành viên của Liên hiệp Quốc tế các hội và cơ quan thư viện (IFLA) và Hiệp hội Thư viện Đông Nam Á (CONSAL). Các năm sau, TVQG tiếp tục gia nhập các tổ chức quốc tế về thư viện như Hội nghị Giám đốc Thư viện Quốc gia các nước Châu Á - Châu Đại Dương (CDNLAO), tham gia dự án Thư viện số thế giới (WDL)... và là thành viên tích cực của các tổ chức này.

Những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay, TVQG đã mở rộng quan hệ hợp tác với thư viện quốc gia các nước, các viện hàn lâm, các trường đại học, các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế với nỗ lực khai thác các nguồn tài trợ sách, báo và nguồn lực thông tin. Tiêu biểu chương trình tài trợ sách của WTO, Quỹ Châu Á, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc, Pháp, các nước Đông Nam Á…

Thời kỳ này, Thư viện đã khai thác hiệu quả các nguồn hỗ trợ học bổng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện Việt  Nam như: học bổng đào tạo Thạc sỹ Thông tin - Thư viện tại các nước Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Niu Dilân; các học bổng ngôn ngữ tại Pháp, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ; học bổng nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực tiếng Anh và Tin học tại Ấn Độ, Malaixia và Hàn Quốc cho hàng trăm cán bộ thư viện Việt Nam, giúp trang bị cho họ các kiến thức chuyên môn một cách cơ bản, có hệ thống, mở rộng và nâng cao hiểu biết về các vấn đề nghiệp vụ mới, tiếp thu các phương pháp, kinh nghiệm tiên tiến để vận hành và quản lý thư viện hiện đại. Cũng trong thời gian này, TVQG đã liên kết tổ chức thành công hội nghị, hội thảo khoa học về lĩnh vực thư viện, nhiều sự kiện văn hoá ở trong và ngoài nước.

TVQG cũng khai thác hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị nói riêng và ngành Thư viện Việt Nam nói chung, như: Dự án “Chia sẻ nguồn lực thông tin và phát triển vốn tài liệu”; Dự án về “Luật lưu chiểu và luật bản quyền”; Dự án về “Bảo quản tài liệu”; Dự án về “Dịch tài liệu”; Dự án “Sách dành cho Châu Á”; Dự án “Số hoá tài liệu Hán Nôm”; Dự án “Phát triển vốn tài liệu thư viện làng/ xã Việt Nam”; Dự án “Biên mục trên xuất bản phẩm”; Dự án “Nâng cao năng lực cho hệ thống thư viện cộng cộng, bưu điện văn hoá xã nhằm hỗ trợ truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”; Dự án xây dựng “Không gian chia sẻ S.hub”; Dự án thành lập “Thư viện Văn hoá thiếu nhi” tại TVQG.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, TVQG đã ký kết nhiều Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với Thư viện Quốc gia các nước, nhiều thoả thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế, triển khai có hiệu quả các hoạt động trao đổi tài liệu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp nhận tài trợ sách, triển khai các dịch vụ mới, quản lý và vận hành thư viện hiện đại. Nhiều chương trình hợp tác đã được Thư viện ký kết trong nhiều giai đoạn và liên tục được triển khai cho đến nay như hoạt động hợp tác với Thư viện Quốc gia Hàn Quốc, Thư viện Quốc gia Pháp, Quỹ Châu Á…

3. Chặng đường phía trước

Những thành tựu TVQG đạt được trong 100 năm qua thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh và không ngừng phát triển của đơn vị. Thành tựu đó được khẳng định bằng nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Thư viện. Tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba (2002), Huân chương Độc lập hạng Hai (2007), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2012); nhiều Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Đảng, Nhà nước tiếp tục ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho TVQG. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn động lực lớn động viên, khích lệ, thôi thúc tập thể công chức, viên chức và người lao động TVQG vững bước trên con đường phía trước.

Chặng đường tiếp theo, bên cạnh những thuận lợi, thành công đã đạt được, Thư viện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong những thách thức đơn vị đang phải đối mặt, nổi lên một số vấn đề quan trọng, đó là: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin tạo ra hàng loạt các sản phẩm công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng cao, khiến cho sách không còn giữ vị trí độc tôn để tiếp cận thông tin, văn hoá, tri thức, văn hoá đọc bị ảnh hưởng nghiêm trọng; Người dân chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng thư viện mà tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện nghe nhìn, thiết bị công nghệ cao; Mức độ đầu tư của Nhà nước cho thư viện chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu phát triển của thực tiễn, hệ thống thông tin quản lý thư viện điện tử/ thư viện số sử dụng gần 20 năm đã lạc hậu, gặp nhiều bất cập, cơ sở vật chất của Thư viện đang dần xuống cấp do thời gian sử dụng quá lâu, một số hạng mục hỏng nặng không khắc phục được... làm ảnh hưởng không nhỏ tới không gian đọc và giảm sức hút của bạn đọc đến thư viện; Khả năng thích ứng của đội ngũ viên chức thư viện với sự thay đổi còn hạn chế, một số còn thụ động, ngại đổi mới, sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức phục vụ còn chưa cao.  

Để thực sự xứng đáng là thư viện trung tâm của cả nước trong thời kỳ mới, TVQG xác định một số nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện:

Một là, Tăng cường công tác thu thập, bảo quản phát huy giá trị kho tàng tri thức quốc gia, trong đó, đặc biệt chú ý xây dựng xuất bản phẩm hiện tại, quan tâm thu thập xuất bản phẩm quá khứ và đẩy mạnh phát triển nguồn lực thông tin số hoá. Đối với xuất bản phẩm mới, cần tích cực xây dựng thông qua các nguồn thu nhận lưu chiểu xuất bản phẩm dân tộc và luận án tiến sỹ, trao đổi, nhận biếu tặng tài liệu từ các thư viện, các cơ quan thông tin, các tổ chức, cá nhân; mua, bổ sung các tài liệu, đặc biệt là các tài liệu nước ngoài, có hàm lượng tri thức cao. Đối với xuất bản phẩm đã xuất bản nhiều năm trước đây hiện đang lưu giữ ở nhiều nơi, cần quan tâm thu thập những tài liệu của dân tộc và về dân tộc, đóng góp thêm vào các Bộ sưu tập tài liệu quý hiếm của Thư viện. Đồng thời, tăng cường nguồn lực thông tin số bằng việc chủ động, tích cực tự tạo lập hoặc mua quyền khai thác các cơ sở dữ liệu trực tuyến từ bên ngoài. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật mới về bảo quản để giải quyết tốt các vấn đề lưu trữ và bảo quản tài liệu truyền thống, tài liệu số của Thư viện.

Hai là, Từng bước đổi mới toàn diện mọi hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả. Phát triển không gian mở phục vụ bạn đọc, tổ chức dịch vụ thư viện đổi mới cho các nhóm đối tượng, phát triển đa dạng phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến từ xa, nâng cao năng lực phục vụ. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, hướng dẫn áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế, tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu “Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ, hội nhập”.

Thư viện sẽ tạo ra một loạt các tiện ích cá nhân cho người sử dụng có các nhu cầu và hành vi cá nhân khác nhau, các lựa chọn khác nhau như: ngồi làm việc một mình hoặc theo nhóm, ngồi cạnh cửa sổ, ngồi trên sàn nhà, ngồi sau các giá sách hoặc ngồi trong phòng giải lao, thư giãn, trên ghế sofa, trong phòng chờ đọc sách. Tất cả tạo ra cảm giác thoải mái, như ở nhà, không cảm thấy khó khăn mà dễ dàng sử dụng các dịch vụ, bộ sưu tập, các nguồn lực công nghệ thông tin của thư viện.

Theo xu thế hiện nay, hoạt động thư viện chủ yếu hướng đến việc cung cấp các dịch vụ thư viện, hỗ trợ người sử dụng khai thác nguồn lực thông tin. Người sử dụng trong xã hội phát triển đã có sự thay đổi trong cách đọc, tiếp cận với kiến thức. Họ không nhất thiết phải đến thư viện, đọc những quyển sách in mà có thể nắm bắt thông tin cũng như tìm hiểu một cuốn sách qua mạng hoặc một thiết bị công nghệ thông minh, vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian. Xu hướng này khiến thư viện phải đổi mới phát triển nhiều hình thức phục vụ, vừa phục vụ tại chỗ và vừa phục vụ từ xa, giúp người sử dụng tìm được các tài liệu nhanh chóng và phù hợp với nhu cầu của mình.

Để người sử dụng có thể nhanh chóng thu thập được nhiều thông tin cần dùng, thư viện phải là nơi phục vụ dữ liệu thông tin nhất quán, chính thống và tin cậy. Công tác xử lý kỹ thuật tài liệu cần tiếp tục áp dụng các chuẩn quốc tế, tạo lập dữ liệu thống nhất, các thư viện có thể sử dụng kết quả thông tin của nhau, tránh lãng phí về thời gian, nhân lực. Ngoài ra, Thư viện cần nghiên cứu các chuẩn quốc tế mới để cập nhật và có hướng áp dụng vào Việt Nam. Thực hiện tốt mục tiêu thống nhất, chuẩn hoá không chỉ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện mà còn giúp thư viện Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức hơn nữa về chuẩn hoá các vấn đề nghiệp vụ thư viện ngay tại đơn vị và các thư viện khác; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người làm thư viện trong cả nước các chuẩn nghiệp vụ; tư vấn cách tổ chức thực hiện, giải đáp những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng.

Ba là, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các thư viện trong cả nước, phấn đấu tạo lập Bộ sưu tập tài liệu số quốc gia, từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam. Tổ chức cho mọi người Việt Nam khai thác hiệu quả các bộ sưu tập tài liệu số tạo ra một môi trường và cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và khai thác nguồn tài liệu số của thành viên trong xã hội, không bị giới hạn về không gian và thời gian, giúp loại bỏ khoảng cách về tri thức, thông tin giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn.

Bốn là, Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về hoạt động thư viện, đặc biệt trong công tác trao đổi tài liệu, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm tổ chức và quản lý thư viện hiện đại. Hợp tác có hiệu quả với các thư viện có trình độ phát triển cao, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác vào chiều sâu, góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển, xây dựng hình ảnh và vị thế mới của TVQG nói riêng và của ngành Thư viện Việt Nam nói chung trên diễn đàn quốc tế.

Năm là, Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật chất lượng cao, chủ động trong công việc, có phẩm chất nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức và người lao động đáp ứng được các yêu cầu của thư viện hiện đại. Phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho viên chức của Thư viện theo nhiều hình thức khác nhau, như đào tạo nâng cao, chuyên sâu… Thực hiện chính sách động viên viên chức học tập, phát triển chuyên môn để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thư viện. Thường xuyên khuyến khích viên chức đăng ký, tìm kiếm các suất học bổng, chương trình đào tạo nâng cao về chuyên môn, các khoá học ngắn hạn về kỹ năng tin học, ngoại ngữ…

Trải qua 100 năm xây dựng và phát triển, TVQG đã có nhiều đóng góp to lớn và có những bước phát triển đáng tự hào. Những thành quả mà Thư viện đạt được là kết quả nỗ lực phấn đấu của tập thể các thế hệ công chức, viên chức TVQG đã phát huy tất cả phẩm chất, năng lực, tâm huyết với sự nghiệp thư viện, đưa sách, tài liệu phục vụ người dân và xã hội. Tự hào về lịch sử 100 năm với truyền thống tốt đẹp của đơn vị, đội ngũ viên chức hôm nay đang tiếp tục nỗ lực, đoàn kết nhất trí, phấn đấu để xây dựng Thư viện ngày càng phát triển vững mạnh với đội ngũ viên chức giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về tư tưởng, chính trị, tận tuỵ với nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Thu Cúc. Một số mặt hoạt động của Thư viện Quốc gia // Công tác thư viện - thư mục. - 1980. - Số 3. - Tr. 1-10.

2. Nguyễn Hùng Cường. Lịch sử thư viện và thư tịch Việt Nam // Văn hoá tập san. - 1971. - Số XX. - Tr. 82.

3. Đào Thị Diến. Lưu trữ Việt Nam năm 1945 // Xưa và nay. - 2002. - Số 116. - Tr. 28-39.

4. Đỗ Hữu Dư. 25 năm chỉ đạo nghiệp vụ của Thư viện Quốc gia // Công tác thư viện - thư mục . - 1980. - Số 3. - Tr. 37-42.

5. Trịnh Giễm. 25 năm xây dựng và phát triển Thư viện Quốc gia Việt Nam // Công tác thư viện - thư mục. - 1982.- Số 3.- Tr. 1-7.

6. Nghiêm Kỳ Hồng. Đôi nét về Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc năm 1945 - 1946 // Tạp chí Lưu trữ. - 2000. - Tr. 12.

7. Lê Thanh Huyền. Thư viện Việt Nam thời kỳ thuộc Pháp : Luận án tiến sỹ Thông tin - Thư viện. - H.: Đại học Văn hoá Hà Nội,

8. Phạm Thế Khang. Thư viện Quốc gia Việt Nam - 85 năm xây dựng và trưởng thành (1917-2002) // Tạp chí Văn hoá nghệ thuật. - 2002. - Số 11. - Tr. 8-14.

9. Đặng Thị Mai. Xây dựng Thư viện điện tử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam nguồn lực thông tin điện tử và các dịch vụ phục vụ bạn đọc // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2008. - Số 2. - Tr. 48-53.

10. Nguyễn Ngọc Mô. Tìm hiểu lịch sử ngành thư viện - lưu trữ hồ sơ Việt Nam. - H. : Thế giới, 2002.

11. Kiều Thuý Nga, Bùi Thị Thuỷ. “Không gian chia sẻ S.hub” - mô hình dịch  vụ thư viện đổi mới tại Thư viện Quốc gia Việt Nam // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 54-55,62.

12. Phạm Mạnh Phan. Vài con số về các thư viện ở Đông Dương // Tri Tân. - 1943. - Số 44. - Tr. 6.

13. Nguyễn Trọng Phượng. Công tác nghiên cứu khoa học tại Thư viện Quốc gia Việt Nam // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2012. - Số 6. - Tr.38-43.

14. Lê Văn Viết. Chín mươi năm phục vụ đất nước, phục vụ con người // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2007. - Số 4. - Tr. 51-58.

15. Bùi Văn Vượng. Thư viện Quốc gia Việt Nam trong công cuộc bảo tồn phát triển di sản văn hoá thành văn // Tập san Thư viện. - 1999. - Số 3. - Tr. 3-7.

___________

ThS. Kiều Thuý Nga

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 6. - Tr. 3-13.


Đọc thêm cùng chuyên mục: