Tổng quan về ảnh hưởng của tính mở trong giáo dục đại học

E-mail Print

Đặt vấn đề

Tính mở của thông tin có thể được hiểu như là sự công khai minh bạch về thông tin được cung cấp bởi các tổ chức, cơ sở hoặc xã hội. Tính mở đối lập với tính bí mật, vốn là xu hướng truyền thống trong việc bảo vệ các thông tin mang tính riêng tư và khó chia sẻ [8]. Theo dòng chảy tri thức của nhân loại, có một sự tham gia cung cấp thông tin mở ngày một gia tăng của nhiều tổ chức trên thế giới đã hình thành nên trào lưu thông tin mở ở nhiều lĩnh vực xã hội. Khái niệm tính mở cũng được tìm thấy trong nhiều tài liệu về lĩnh vực truy cập thông tin, đặc biệt là truy cập mở.

Về khía cạnh giáo dục đại học, tính mở của thông tin ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Từ "mở" được sử dụng trong giáo dục mở, đề cập đến ý tưởng gạt bỏ bớt các rào cản hạn chế cơ hội tham dự của người học vào mạng lưới giáo dục của các cơ sở. Xu hướng mới của việc chia sẻ, trao đổi thông tin qua diễn đàn, truy cập các nguồn học liệu mở là cần thiết và ngày càng trở nên quan trọng. Trong một xã hội phát triển, không thể thiếu mạng lưới các hệ thống trao đổi thông tin mở rộng và liên kết. Về triết lý giáo dục thì giáo dục mở được thúc đẩy bởi niềm tin rằng người học có mong muốn tự tổ chức việc học của mình. Cụ thể, họ sẽ xác định các lĩnh vực và chủ đề mà họ cần học, tự chịu trách nhiệm về các quyết định giáo dục cho chính họ, họ có được cái nhìn tốt hơn về mối quan hệ giữa giáo dục với cộng đồng. Họ chủ động trong việc thu nhận các kinh nghiệm giáo dục chứ không phải chỉ những hiểu biết thuần tuý qua sách vở.

Trong xã hội hiện đại, khi mà thông tin ngày càng đa dạng, có xu hướng chuyển sang tính mở. Nhu cầu trao đổi thông tin của con người ngày một gia tăng và cấp thiết [2]. Và điều này sẽ dẫn đến việc lập nên các cơ sở trao đổi thông tin mở và mạng lưới chia sẻ thông tin. Một điển hình ở đây là hệ thống chính phủ mở. Xây dựng chính phủ mở là phù hợp với xu thế dân chủ hoá và thúc đẩy sự tự do thông tin. Trong mô hình chính phủ mở, tất cả các quyết định được chính phủ đưa ra là rõ ràng và công khai. Để đảm bảo quyền và lợi ích của toàn xã hội, mọi văn kiện luật pháp cũng như hồ sơ của chính phủ sẽ được công khai và đưa ra trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Đã và đang có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức được chính phủ hỗ trợ hoặc phi lợi nhuận trong việc đầu tư cho mạng lưới giáo dục mở. Ở Việt Nam, Chương trình tài nguyên giáo dục mở Việt Nam (Vietnam Open Educational Resources - VOER) được hỗ trợ bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation) đã ra đời nhằm mục tiêu xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở của người Việt. Kho học liệu mở VOER có nội dung phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nhằm mục tiêu mở rộng chia sẻ thông tin, VOER hỗ trợ việc sử dụng, tái sử dụng và truy nhập miễn phí các nguồn tư liệu mở trong môi trường giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho toàn xã hội.

Trên thế giới đã có nhiều sáng kiến hướng đến nguồn tài nguyên giáo dục mở. Tại Hội nghị OER thế giới của UNESCO (UNESCO World OER Congress) được tổ chức vào năm 2012 ở Paris, Cộng hoà Pháp, vấn đề về nguồn học liệu mở đã được đưa ra, đánh dấu một thời khắc lịch sử trong phong trào phát triển tài nguyên giáo dục mở và kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới công khai giấy phép tài liệu giáo dục mở được tài trợ cho công chúng sử dụng. Các vấn đề được đặt ra như các chính sách triển khai và tiêu chuẩn hoá nguồn tài nguyên giáo dục mở, khuyến khích các chính phủ và các cơ sở giáo dục đại học phát triển, sử dụng và đo đếm ảnh hưởng của tài nguyên giáo dục mở.

Tính mở cũng đang gây ra ảnh hướng lớn trong các tư tưởng về giáo dục và nghiên cứu khoa học, trở thành định hướng mới cho số lượng ngày càng gia tăng các nền tảng giáo dục, thực hành và các tư liệu học tập từ các cơ sở và cá nhân trên khắp thế giới tựa vào để phát triển. Rất nhiều tiềm năng ẩn giấu của sự thay đổi sang hướng mở sẽ luôn đi liền với các hoạt động chủ chốt của giáo dục như việc dạy, học, nghiên cứu và ảnh hưởng lên chính sách giáo dục ở nhiều cấp độ khác nhau.

1. Tính mở trong giáo dục đại học

1.1. Khái niệm chung về tính mở

Để hiểu rõ về khái niệm tính mở, trước hết chúng ta cần có cái nhìn bao quát hơn về ngữ cảnh đã hình thành nên nó. “Mở” mang một ý nghĩa rộng lớn, chỉ đến những thứ được cho phép sử dụng thoải mái và ít hoặc không phải chịu nhiều sự hạn chế. Tính mở của thông tin cũng vậy, nó đề cập đến khả năng sử dụng rộng rãi và ít hạn chế của thông tin. Khi nói đến tính mở của thông tin, người ta sẽ thường liên hệ ngay đến các yếu tố tạo nên hướng mở. Cụ thể là sự xuất hiện của các công nghệ hỗ trợ, đặc biệt là công nghệ số và Internet. Các công cụ hỗ trợ sẽ giúp con người mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin và góp phần lớn tạo nên tính mở cho thông tin.

Việc chuyển sang hướng mở đang thay đổi bản chất tự nhiên của thông tin qua việc mở rộng phạm vi truy cập. Những người tham gia vào quá trình mở rộng này có thể làm thay đổi thông tin theo các hướng khác nhau, có thể là cải thiện chất lượng thông tin tốt hơn hoặc làm cho nguồn thông tin đó bị giảm giá trị sử dụng. Tính mở của thông tin từ đó sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, trong đó có giáo dục. Theo hướng mở thì nguồn thông tin cần và nên được coi như là một loại hàng hoá chung và càng mở rộng phạm vi truy cập càng tốt. Điều này dẫn đến việc lan truyền của thông tin được mạnh hơn và huy động được nhiều sức sáng tạo, cũng như đóng góp từ nhiều phía người dùng.

Bối cảnh giáo dục đại học cũng sẽ ảnh hưởng tới tính mở của thông tin. Trong một môi trường với chi phí giáo dục cao và nhu cầu cấp thiết cần mở rộng mạng lưới giáo dục thì việc sử dụng nhiều nguồn thông tin mở có thể sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp. Ví dụ như, nếu những nguồn tài nguyên giáo dục đã được chính phủ tài trợ để mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, thì các nội dung này cũng phải là miễn phí, tự do và sẵn sàng chia sẻ.

Tính mở có thể được nhận thức ở nhiều góc độ khác nhau từ những đối tượng khác nhau. Một số quan điểm phổ biến cho rằng tính “mở” là sự tự do, bao gồm tự do xem, tự do sao chép, tự do chỉnh sửa. Một số quan điểm khác thì cho rằng tính “mở” thể hiện ở sự dễ dàng, không có hoặc ít có rào cản trong việc truy cập đến nguồn thông tin. Để mở rộng được phạm vi chia sẻ, đóng góp thì không thể thiếu các yếu tố chủ chốt là sự tự do cung cấp và truy cập, không có mọi rào cản kỹ thuật, pháp lý hay tài chính. Khả năng truy cập mở, tự do ở đây đề cập đến sự minh bạch trong việc sở hữu và sử dụng nguồn thông tin và đây chỉ là một khía cạnh của tính mở.

Tính mở còn được nhận thức ở khía cạnh của sự tự do đóng góp trở lại cho nguồn cung cấp. Đây là một khía cạnh ảnh hưởng khác của tính mở, còn gọi là khả năng đáp ứng trở lại, hay còn gọi là sự đóng góp. Sau khi người dùng có được nguồn thông tin mở, họ sẽ có quyền được sử dụng, thay đổi và cuối cùng là có quyền phân phối lại khi ít hoặc không có sự hạn chế.

1.2. Các dạng tính mở trong giáo dục đại học

Như chúng ta đã biết, tính mở của thông tin là một khái niệm mới và có sự ảnh hưởng lớn đối với giáo dục đại học. Nội hàm của tính mở vẫn còn rất nhiều vấn đề cần đưa ra bàn luận. Những khía cạnh quan trọng và phức tạp của tính mở là độ rộng và độ sâu của nó, đã tạo ra nhiều ý nghĩa và cấp độ hiểu khác nhau về khái niệm “mở” trong giáo dục. Điều này gián tiếp tạo ra một sự thiếu rõ ràng liên quan đến các khía cạnh của tính mở. Do vậy, việc định nghĩa tính mở và giáo dục mở nên được xem xét trong mối liên hệ với các mức độ khác nhau của tính mở và sự truy cập tới tri thức.

Đã và đang có nhiều nhà tài trợ triển khai các dự án giáo dục mở ở nhiều cơ sở đào tạo đại học trên thế giới. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, trong đó có thể kể đến các sáng kiến mở như tài nguyên giáo dục mở (Open Education Resources - OER), các khoá học trực tuyến mở (Massive Open Online Courses - MOOCs), truy cập mở (Open Access - OA). Những sáng kiến này có thể được xem như các dạng phổ biến của tính mở và thường được đưa ra thảo luận khi đề cập đến ảnh hưởng của tính mở lên giáo dục đại học.

OER là một dạng tài nguyên được sử dụng trong giáo dục. Nó bao gồm tất cả những loại tài nguyên được sử dụng trong việc dạy và học mang tính chất sẵn sàng đáp ứng một cách cởi mở, miễn phí và rộng rãi cho người học [4]. Những loại tài nguyên này có thể bao gồm: sách giáo khoa, chương trình giảng dạy, tư liệu của khoá học, hình ảnh, các đoạn phim, ứng dụng đa phương tiện, các phòng thí nghiệm, các mô phỏng, các bộ sưu tập và các công cụ học liệu mở. Nội dung chủ yếu của việc sử dụng OER vẫn là tập trung vào sự cung cấp, phát triển và tuỳ biến thích nghi các nguồn học liệu mở trong từng bối cảnh triển khai. OER khi được phát hành kèm theo một giấy phép mở (chẳng hạn như Creative Commons) thì nó sẽ được coi như là mở. OER có nhiều dạng khác nhau, từ các tài nguyên giáo dục nhỏ phục vụ cho những đối tượng học tập đơn lẻ, cho đến các tài nguyên kết hợp, pha trộn trong các khoá học đầy đủ. OER là một sáng kiến nổi bật về tính mở phục vụ trong giáo dục. Sau một thời gian triển khai OER, nhiều nền giáo dục đã có những bước tiến lớn trong việc đưa tri thức rộng rãi đến cho xã hội và thực hiện tốt hơn các mục tiêu giáo dục.

Một sáng kiến khác của tính mở là các phần mềm mã nguồn mở (Open Source Software). Ý tưởng tạo ra các phần mềm này xuất phát từ nhu cầu cung cấp, lan toả các nguồn OER. Nếu không có các phương tiện hỗ trợ, sáng kiến giáo dục mở sẽ không thể được triển khai tốt. Phần mềm mã nguồn mở là phần mềm máy tính được phân phối cùng với mã nguồn của nó (mã lệnh được sử dụng để tạo ra phần mềm đó). Phần mềm mã nguồn mở cho phép người dùng có quyền sử dụng và sửa đổi phiên bản gốc mà không phải trả phí sử dụng. Cũng như các phần mềm thương mại, phần mềm mã nguồn mở cũng có giấy phép, nhưng các giấy phép của nó chủ yếu tập trung vào người sáng tạo ra (nắm giữ bản quyền) cấp quyền để nghiên cứu, thay đổi và phân phối phần mềm đó cho bất kỳ ai và vì bất kỳ mục đích nào. Phần mềm mã nguồn mở thường được phát triển dựa trên quá trình làm việc công khai, kết hợp và cộng tác giữa các thành viên. Do vậy có thể nói, phần mềm mã nguồn mở là thành quả tổng hợp từ sở hữu trí tuệ của các cá nhân thông qua sự chia sẻ và đóng góp.

Truy cập mở là một nội dung khá quan trọng trong các sáng kiến về tính mở trong giáo dục. Truy cập là một thao tác không thể thiếu trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên. Truy cập mở là quá trình truy cập đến các tài nguyên thông tin đã được cung cấp công khai, sẵn sàng một cách tự do và mở rộng cho tất cả các đối tượng người dùng. Những người dùng này có những quyền đối với nguồn tài nguyên mở như là đọc, rà soát lại, chỉnh sửa, tiến hành và phân phối các tác phẩm phái sinh. Các nguồn tài nguyên truy cập mở là tài liệu đã được số hoá, phát hành trực tuyến một cách miễn phí và cho phép tự do truy cập đối với mọi người. Các tài nguyên truy cập mở trực tuyến thường ít bị hạn chế về vấn đề bản quyền tư liệu và việc cấp phép, do đó nó là một dạng tài liệu phổ biến cho việc truy cập mở. Được sự đồng ý của tác giả và sự hỗ trợ của Internet, các tài nguyên truy cập mở dần lan toả ngày càng rộng lớn trên môi trường mạng.

Quá trình xuất bản truy cập mở cũng phải đi cùng với các việc rà soát, kiểm tra mức độ phù hợp với từng mục tiêu của sản phẩm tài nguyên mở. Các bài báo truy cập mở cũng phải đi qua các quy trình biên tập và thẩm định như bình thường và sau đó sẽ được phổ biến rộng rãi.

Các khoá học trực tuyến mở (MOOCs) là một mô hình giáo dục khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Đúng như tên gọi của nó, các khoá học này mở rộng cho bất kỳ ai muốn tham gia mà không phải tốn chi phí. Khoá học trực tuyến mở thường không có giới hạn số lượng tham gia học tập tại một thời điểm. Tài nguyên của các khoá học trực tuyến mở luôn ở dạng mở và các hoạt động học tập được diễn ra thông qua môi trường Internet và web. Tính mở trong các định nghĩa về khoá học trực tuyến mở bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như tính mở về khía cạnh sử dụng tài nguyên của khoá học mở, tính mở về chi phí học tập, tính mở về khả năng cộng tác, chia sẻ thông tin của người học.

Khi phân loại MOOCs, có 2 dạng được đưa ra dựa theo tiêu chí so sánh về định dạng và cấu trúc. Một dạng là cMOOCs của những người kết nối số (connectivists MOOCs), một dạng khác là xMOOCs của MITx và edX. Ngoài các đặc điểm chung, hai dạng khoá học trực tuyến mở này có những khác biệt về mô hình sư phạm và tương tác xã hội trong quá trình học tập.

Rất nhiều dạng phát hành thông tin và tri thức mở đã được triển khai, chúng thể hiện sự quan tâm và cam kết về tính mở đang dần gia tăng trong giáo dục. Có thể kể ra đây một vài dạng như việc phát hành giấy phép mở cho các tài nguyên giáo dục của chính phủ, việc phát hành các bài báo mở của các tạp chí và nhà xuất bản. Có các mức độ khác nhau trong nhận thức về tính mở, và khái niệm “mở” đang được sử dụng một cách lỏng lẻo, thường đề cập tới sự “tự do và mở rộng”. Điều này tạo ra sự nhập nhằng và phức tạp trong việc sử dụng khái niệm tính “mở”.

2. Các ảnh hưởng của tính mở lên giáo dục đại học

2.1. Ảnh hưởng của tính mở lên quá trình dạy học

Tính mở của thông tin ảnh hưởng nhiều đến quá trình dạy và học. Trong môi trường sư phạm, tính mở có nhiều khía cạnh tác động đến tư duy người học cũng như chất lượng đào tạo. Trước đây, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã được xây dựng theo mô hình truyền thống, trong đó có việc quy định và giới hạn các nguồn tài liệu theo các nguyên tắc nghiêm ngặt, khó chia sẻ rộng rãi. Tài liệu dần trở nên khan hiếm, khả năng truy cập bị hạn chế tối đa, tri thức chỉ có thể được truyền đạt trên lớp học và được lưu giữ bởi người soạn ra nó. Cũng theo cách thức cổ điển, các viện và trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo là nơi duy nhất có quyền cung cấp nội dung, tư liệu học tập theo chuẩn và chịu trách nhiệm định hướng các tri thức truyền đạt đến người học. Điều này ít nhiều tạo ra sự hạn chế đáng kể đến khả năng sáng tạo của người học cũng như các tư liệu giáo dục.

Dần dần, các phương pháp cũ và cứng nhắc từng được áp dụng trong giáo dục đã được thay thế bằng các mô hình mới linh hoạt hơn và hướng tới khả năng mở rộng. Học tập theo hướng mở và tính mở đang tạo ra các dạng mới của việc học tập có tính chất xã hội, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của cả người dạy và người học [5]. Đối với đội ngũ giảng dạy, họ sẽ được cấp các giấy chứng nhận chính thức là người có quyền cung cấp, đổi mới nội dung thông tin và tri thức, hay còn gọi là chuyên gia. Rất nhiều khoá học trực tuyến mở dường như đang cạnh tranh với các khoá học truyền thống, họ thể hiện thế mạnh của mình trong nhiều khía cạnh mở so với các phương pháp cũ.

Bất kể có nhiều vấn đề đang còn thiếu, các khoá học mở trực tuyến vẫn ngày một gia tăng về số lượng và tính sẵn sàng cung cấp [9]. Trong các khoá học này, các quan điểm của người dạy và người học sẽ được trao đổi nhiều hơn với nhau. Điều này giúp cho người dạy sẽ nâng cao được kiến thức cũng như kỹ năng chuyên môn và giúp người học tiếp thu và sáng tạo tốt hơn. Để nâng cao chất lượng, một số khoá học trực tuyến mở đòi hỏi người học chuẩn bị trước nội dung, thậm chí là hoàn thành trước nhiệm vụ học tập của buổi học, để dành phần lớn thời gian trên lớp học trực tuyến cho việc trao đổi với giáo viên của họ nhằm giải quyết những nội dung còn khó hiểu. Do tính chất mở của khoá học trực tuyến, quá trình trao đổi, thảo luận, hỗ trợ nội dung học tập sẽ được các giáo viên chú trọng hơn rất nhiều, điều này cũng thể hiện một xu hướng mới trong giáo dục hiện đại, nơi mà quá trình dạy và học tập trung ít hơn vào nội dung và dành nhiều thời gian hơn cho các quá trình tương tác, trao đổi học tập.

Một yếu tố quan trọng là vấn đề cấp phép sử dụng nguồn tài nguyên mở. Xu hướng chung vẫn là dựa trên quyền được tự do chia sẻ, sử dụng và đóng góp. Việc cho phép các tác giả tham gia biên soạn, phát hành và tiếp nhận các chỉnh sửa nội dung của tài liệu mở sẽ giúp cho nguồn học liệu mở ngày càng phong phú và có chất lượng tốt hơn. Song song với việc đóng góp xây dựng nguồn học liệu mở, các ý tưởng đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy cho phù hợp với hoàn cảnh cũng là một nội dung rất quan trọng của các khoá học trực tuyến mở. Nó truyền cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều người tham gia vào quá trình giáo dục mở, góp phần làm cho các khoá học trực tuyến mở ngày càng được lan rộng và thu hút hơn.

Vai trò của các nhà nghiên cứu cũng rất quan trọng trong quá trình hướng tới một nền giáo dục mở. Trước đây, xu thế truyền thống của họ là nắm giữ các vốn tri thức, tư liệu dạy học và không cần phải đem ra chia sẻ rộng rãi ngoài các khoá học mà họ phụ trách. Do vậy, họ sẽ cảm thấy thận trọng hơn đối với quá trình chuyển sang hướng mở.

Một khía cạnh ảnh hưởng khác của tính mở lên quá trình dạy học chính là ở tài liệu được sử dụng. Ngoài những nguồn tài nguyên được cung cấp sẵn ở dạng số hoá, các sách giáo khoa cũng đang được chuyển sang dạng tài nguyên trực tuyến. Trong một ngữ cảnh giáo dục, khi mà giá cả của sách giáo khoa tăng lên, thì sẽ có một xu hướng chuyển sang các sách giáo khoa số, điều này cũng gợi lên tiềm năng lớn của OER [2]. Sử dụng tài nguyên mở trực tuyến là một quyết định có ý nghĩa trong việc tiết kiệm các khoản chi phí giáo dục và nâng cao hiệu quả tiếp cận nguồn thông tin mở.

Tính mở và các khoá học trực tuyến mở cũng đang tạo nên một mô hình học tập pha trộn, điều mà chưa từng có trong một nền giáo dục truyền thống [9]. Sở dĩ gọi là mô hình học tập pha trộn là vì tính chất tổng hợp của nhiều hoạt động khác nhau nhằm tối ưu hiệu quả của việc dạy và học trong các cơ sở. Từ việc sử dụng các công nghệ mới hỗ trợ chia sẻ tài nguyên trực tuyến mở cho đến quá trình tương tác của việc dạy và học. Sự gia tăng của dữ liệu lớn thông qua các hoạt động học tập và trao đổi thông tin, các hoạt động truy cập tư liệu và tương tác, tranh luận với nhau, góp phần tạo nên các kinh nghiệm học tập hữu ích cho cả người dạy và người học. Thông qua các hoạt động này cũng giúp cho các nhà giáo dục hiểu hơn về cách thức thu nhận tri thức của người học để điều chỉnh, cải thiện các phương pháp giảng dạy ngày càng phù hợp và đạt chất lượng tốt hơn.

2.2. Ảnh hưởng của tính mở lên nghiên cứu

Tính mở cho phép các thông tin đã từng không sẵn sàng cho công chúng trở nên sẵn sàng một cách tự do theo thời gian thực. Bất cứ ai chỉ cần có kết nối với Internet cũng có khả năng tự do truy cập tới các bài báo, học liệu từng có giá rất đắt [6].

Trong những thập kỷ qua, đã có một xu hướng nâng cao giá trị của các tạp chí, điều này cho thấy một thực tế rằng nhiều cơ sở đào tạo đã không đủ khả năng chi trả cho các chi phí để duy trì nguồn tài nguyên đóng và một điều tất yếu là họ sẽ bị hạn chế sự truy cập. Tính mở và quá trình truy cập mở vào các tạp chí, các nguồn học liệu mở đã trở thành giải pháp cho vấn đề hạn chế tài nguyên này [3]. Nhiều cơ sở đào tạo trên khắp thế giới đang dần nhận thức được rõ hơn tầm quan trọng và các lợi ích lớn mà các xuất bản mở mang lại. Rất nhiều cơ sở đã làm cho các bài báo, công trình nghiên cứu của họ có thể truy cập tự do và dễ dàng trên môi trường trực tuyến.

Theo thời gian, các kho lưu trữ dữ liệu và tài nguyên mở sẽ ngày càng lớn hơn. Nguồn dữ liệu số hoá khổng lồ đó sẽ trở thành các nguồn tài liệu thô mới phục vụ cho quá trình nghiên cứu tiếp theo [3]. Các công nghệ hỗ trợ như lưu trữ đám mây, chia sẻ ngang hàng cùng với tính sẵn sàng trên phạm vi rộng của các dữ liệu mở, thông tin mở và các xuất bản phẩm truy cập mở đã giúp giải quyết các vấn đề thách thức của các cơ quan lưu trữ nhỏ, nghèo tài nguyên. Nó cung cấp sự truy cập rộng lớn hơn tới thông tin để hỗ trợ các quá trình nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn.

Một lợi ích dễ nhận thấy của tính mở lên các tác phẩm nghiên cứu đó là sự mở rộng của các trích dẫn cũng như liên kết tài liệu. Quá trình mở rộng kết nối làm cho các xuất bản mở có ý nghĩa hơn đối với các nhà nghiên cứu. Nó giúp thêm nhiều trích dẫn và trực quan hơn cho các công trình nghiên cứu của họ. Dù là sản phẩm nghiên cứu có thông qua các tạp chí truy cập mở hay là tác giả tự lưu trữ, việc sử dụng hình thức xuất bản mở đã tạo nên nhiều ý nghĩa hơn cho các tác phẩm nghiên cứu. Một lợi thế khác là các công trình nghiên cứu được xuất bản tự do cho truy cập mở thì cũng có xu hướng nhận được nhiều trích dẫn hơn.

Trong các hoạt động diễn ra ở khoá học, tính mở hỗ trợ việc tích hợp các nội dung nghiên cứu được dễ dàng và thuận lợi hơn. Điều này cho phép tận dụng hiệu quả hơn thời gian học tập của người học. Họ có thể sắp xếp và tìm hiểu các nội dung mới trước khi lên lớp, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu. Các giáo viên cũng không còn phải tập trung vào việc giảng bài, mà thay vào đó là các tương tác học tập, hỗ trợ người học tiếp thu các kiến thức mới, giải đáp thắc mắc.

2.3. Ảnh hưởng của tính mở lên chính sách giáo dục đại học

Tính mở cũng có ảnh hưởng lớn lên các chính sách giáo dục đại học, góp phần trong việc định hướng quá trình giáo dục phù hợp và hiệu quả hơn. Với việc triển khai các thử nghiệm nhanh, ít hoặc không tốn nhiều chi phí, mức độ rủi ro thấp, các nhà cung cấp dịch vụ mở đã góp một vai trò quan trọng trong các chiến lược, chính sách đổi mới giáo dục theo hướng mở. Một kết quả đáng kể của tính mở là giúp cho người học lựa chọn được cơ sở đào tạo phù hợp và tốt hơn, hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo chọn được những đối tượng người học phù hợp hơn cho các khoá học.

Đã có nhiều cơ sở đào tạo đại học khắp nơi trên thế giới áp dụng các ý tưởng giáo dục mở hiệu quả như các Khoá học Mở (Open Courseware - OCW) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ. Năm 2005, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của phong trào khoá học mở/ học liệu mở (OCW/OER) toàn cầu và đã áp dụng OCW của MIT bằng việc thiết lập máy chủ địa phương như một bản sao từ nguồn tài nguyên của MIT OCW, để cho phép các giáo viên và học viên truy cập các tài nguyên mở [1]. Nhiều sáng kiến cho truy cập mở đến các nguồn tài nguyên giáo dục cho phép số lượng lớn các tư liệu học tập sẵn sàng trực tuyến và dần dần được bổ sung hoàn thiện hơn.

Cùng với sự phát triển không ngừng của nguồn tài nguyên giáo dục mở trực tuyến, các thể hiện của tính mở đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho các cơ sở đào tạo. Nó thôi thúc, khích lệ họ không ngừng cải thiện, đổi mới chiến lược giáo dục của mình nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục hiện đại cao hơn, chất lượng hơn.

Những khía cạnh phát triển nhanh chóng và mới mẻ trong tính mở hứa hẹn nhiều điều bất ngờ và một tương lai khó dự đoán. Không thể có một chiến lược nào là hoàn hảo cho mọi cơ sở giáo dục. Cũng không có chiến lược nào là cố định và duy nhất có thể giải quyết mọi tình huống và thách thức.

Tuy nhiên, một yếu tố chắc chắn là các cơ sở sẽ duy trì quan điểm tính mở như một trọng tâm của sự đổi mới, họ phải là người chủ động điều tiết các thay đổi theo hướng mở cho phù hợp hơn với điều kiện của họ và của người học. Những cơ sở giáo dục nào không thích nghi được với bối cảnh đang thay đổi có nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro lớn, căng thẳng về tài chính hoặc thậm chí bị đóng cửa.

Sự linh hoạt và phát triển nhanh chóng của các mô hình giáo dục theo hướng mở đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần rà soát lại các chính sách giáo dục hiện hành, khuyến khích hơn nữa nỗ lực từ các đội ngũ tham gia. Các cơ sở đào tạo cần xem xét ảnh hưởng của tính mở lên việc thiết kế chương trình giảng dạy liên tục, tạo ra các môi trường dạy và học có hiệu quả, phát triển các tư liệu học tập có chất lượng, không ngừng tạo ra các tư liệu mới thích hợp hơn việc sử dụng các nguồn tư liệu đã có. Mọi việc làm đều hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng dạy và học theo hướng mở và có chất lượng.

Tương tác là một yếu tố tối cần thiết trong quá trình học tập theo hướng mở. Các cơ sở giáo dục đại học nên chú trọng đến việc đổi mới, ưu tiên cho các hoạt động học tập cộng tác. Các tư liệu học tập cũng sẽ được phát triển và hoàn thiện hơn trong suốt quá trình học thông qua các việc sử dụng, thay đổi và đóng góp của cả giảng viên và người học. Cũng cần chú trọng đến việc ghi nhận các nỗ lực cá nhân để khuyến khích sức sáng tạo và đổi mới trong quá trình giáo dục. Các cơ sở cũng có thể khuyến khích quá trình làm mới này bằng việc đưa ra các chính sách thưởng, khuyến khích, đề bạt hoặc bổ nhiệm các nhân viên vào các vị trí mới. Song song đó, nên có các quy định đối với việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu, cụ thể hơn là mở rộng các tác phẩm được xuất bản cho truy cập mở. Việc này sẽ có ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của đội ngũ tham gia giảng dạy và học viên, đặt họ vào ngữ cảnh nghiên cứu sáng tạo, đổi mới và thử nghiệm liên tục. Cơ sở giáo dục cần rà soát lại các chính sách đi liền với các quyền, bản quyền sở hữu trí tuệ và cân nhắc các quyền của các bên tham gia.

Một khía cạnh quan trọng khác là các cơ sở đào tạo nên thường xuyên xem xét, rà soát lại các kế hoạch triển khai công nghệ của cơ sở. Việc xem xét này nhằm đưa ra những thay đổi công nghệ nhanh chóng và cần thiết trong việc triển khai các khoá học mở trực tuyến, nguồn học liệu mở và xuất bản truy cập mở. Cơ sở đào tạo cần có hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông tốt để việc truy cập các tư liệu mở được dễ dàng. Để thành công, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, từ ban lãnh đạo cho đến tất cả các thành viên và cam kết của tất cả các bên tham gia đóng góp.

Kết luận

Tính mở là một khía cạnh quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của một nền giáo dục hiện đại. Tính mở đã tạo động lực cho sự đổi mới, mở rộng phạm vi, đối tượng giáo dục và chính sách phát triển của các cơ sở đào tạo. Xu hướng cải tiến và nâng cao chất lượng dạy học theo hướng mở không thể tách rời với việc khuyến khích quá trình học tập suốt đời. Phát triển một nền giáo dục mở chất lượng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình tự học, linh hoạt và mềm dẻo, ghi nhận các nỗ lực cá nhân, sáng tạo, tự do cho mọi đối tượng thông qua môi trường Internet. Tính mở đang làm thay đổi bản chất tự nhiên của giáo dục, tạo nên các cơ hội và thách thức mới cho cả đội ngũ giáo dục và cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục cần nắm bắt được các cơ hội đổi mới, xây dựng các dịch vụ giáo dục mở phù hợp với ngữ cảnh, cải thiện sự tích hợp của giáo dục vào cuộc sống hàng ngày. Tính mở đã trở thành một giá trị cốt lõi và quan trọng trong định hướng phát triển một nền giáo dục chất lượng cao theo hướng hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER). Truy cập từ http://voer.edu.vn/.

2. Tính mở của các nguồn tài nguyên giáo dục. Truy cập từ http://voer.edu.vn/m/tinh-mo-cua-cac-nguon-tai-nguyen-giao-duc/1c17da0f.

3. Bry, F.  Gifts  of  Openness  in  Sciences  and  Higher Education, Open Science Days 2014. Truy cập từ http://pubman.mpdl.mpg.de/pubman/item/ escidoc:2065488/component/escidoc:2065487/ Gifts-of-Openness_v2.pdf.

4. Butcher, N. A Basic Guide to Open Educational Resources (OER). - The Commonwealth  of Learning, 2011.

5. Committee for Economic Development. Harne- ssing Openness to Improve Research Teaching and Learning in Higher Education, 2009. Truy cập từ https://www.ced.org/pdf/cedopennesseducationreportpr09.pdf.

6. Knox,  J.  The  limitations  of  access  alone:  Moving  towards  open  processes  in  education technology, 2013. Truy cập từ http://oerknowledgecloud.org/sites/oerknowledgecloud.org/files/36-155-3-PB.pdf.

7. Mundy, D. andGeskell, C. Dimensions of openness in MOOC environments, 2013. Truy cập từ http://www.srhe.ac.uk/conference2013/abstracts/0207.pdf.

8. UNESCO Institute for Information Technolo- gies in Education, Policy Brief: How openness impacts on higher education, 2014. Truy cập từ http://unesdoc.unesco.org/images/0024/002442/244262e.pdf.

9. Wiley, D. Open source, openness, and higher education // Innovate Journal of Online Education. - 2006. Truy cập từ http://nsuworks.nova.edu/cgi/ viewcontent. cgi?article=1112&context=innovate

______________

ThS. Nguyễn Danh Minh Trí

Khoa Thư viện - Thông tin học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 4. - Tr. 13-19,44.


Đọc thêm cùng chuyên mục: