Hợp tác giữa người làm thư viện - giáo viên và việc xây dựng nguồn học liệu trong trường phổ thông

E-mail Print

Thư viện có vai trò quan trọng cho việc hỗ trợ dạy và học trong các trường phổ thông (bao gồm trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), đồng thời có nhiệm vụ giảng dạy các kỹ năng thông tin, giúp người học có khả năng tự học. Tại Điều 1, Quy chế tổ chức và hoạt động Thư viện trường phổ thông (TVPT) quy định rõ: “Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên (GV), bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp giảng dạy và học...” [1].

Bên cạnh đó, quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra ở hầu khắp các bậc học, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với TVPT, cũng như việc khẳng định vai trò của thư viện. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI) [3], đòi hỏi sự phối hợp của các nguồn lực trong nhà trường, nhất là nguồn lực từ phía thư viện. Sự phối hợp đầu tiên cần được nhấn mạnh là giữa người làm thư viện (NLTV) với GV trong nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả quá trình dạy và học cũng như đào tạo kỹ năng thông tin cho học sinh.

Sự cần thiết của việc hợp tác giữa NLTV và GV trong trường phổ thông

Trong nhiều công trình nghiên cứu, các tác giả nhấn mạnh: hợp tác là con đường để cải thiện TVPT. Sự hợp tác giữa GV và NLTV cũng là một trong những giải pháp được nhiều tác giả trong và ngoài nước đề xuất cho phát triển thư viện. Tác giả Patricia Montiel-Overall - chuyên nghiên cứu về đề tài này cho rằng: “Hợp tác là cùng suy nghĩ, chia sẻ nguồn lực và chuyên môn để có lợi cho bản thân và học sinh của mình. Đó là một quá trình cho và nhận, có thể dẫn tới kết quả lớn hơn so với việc thực hiện một mình” [9]. Như vậy, hợp tác giữa NLTV và GV được hiểu là việc họ cùng suy nghĩ và hành động để cùng đạt mục tiêu. Mục tiêu ở đây vừa là mục tiêu chung của cả GV và NLTV (hỗ trợ học tập của học sinh), vừa là mục tiêu riêng của GV (giảng dạy) và NLTV (hỗ trợ dạy và học). Sự hợp tác bao gồm quá trình cho và nhận, hỗ trợ, giúp đỡ, ủng hộ giữa GV và NLTV. Thông qua hợp tác, kết quả mà GV và NLTV đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc họ làm một mình.

Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa NLTV và GV thực sự cần thiết vì giúp mang lại rất nhiều lợi ích.

Thứ nhất, phối hợp giữa NLTV và GV giúp thư viện hiểu được nhu cầu tin của học sinh. Rõ ràng là, GV có nhiệm vụ giảng dạy, họ thường xuyên làm việc trực tiếp với học sinh. Trong khi đó, NLTV lại thuộc bộ phận gián tiếp (giống như các bộ phận văn phòng trong nhà trường), nên cơ hội tiếp xúc trực tiếp với học sinh không nhiều. Để có thể thực hiện tốt vai trò hỗ trợ học tập, NLTV cần nắm bắt nhu cầu, cung cấp tài liệu phù hợp, đào tạo kỹ năng thông tin… cho học sinh. Vì vậy, để thực hiện được các nhiệm vụ này, một trong những cách thức hiệu quả đó là NLTV phải thông qua GV, phối hợp với GV để có thể nắm bắt được thông tin về nhu cầu của học sinh, từ đó có biện pháp phù hợp.

Thứ hai, hợp tác giữa NLTV và GV giúp TVPT thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường. Để thực hiện tốt được điều này, đòi hỏi NLTV phải là người am hiểu sâu sắc về chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy. Tuy nhiên, điều này là khó có thể thực hiện trong thực tế, bởi NLTV thường chỉ được đào tạo chuyên môn thư viện, đối với những NLTV là GV kiêm nhiệm cũng thường chỉ am hiểu về môn học mình đảm nhiệm. Do vậy, nếu muốn thực hiện tốt vai trò của mình, NLTV cần phối hợp với GV để có thể kịp thời nắm bắt nội dung và phương pháp giảng dạy mà GV sử dụng, từ đó hỗ trợ cung cấp tài liệu cho học sinh, cũng như các tài liệu giúp cải thiện phương pháp giảng dạy cho GV.

Thứ ba, lồng ghép giảng dạy kỹ năng thông tin cho học sinh là một trong những lợi ích của hợp tác giữa NLTV và GV. Rõ ràng, đào tạo kỹ năng thông tin giúp người học có khả năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời là một trong những nhiệm vụ chính mà xã hội và ngành giáo dục kỳ vọng ở TVPT. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa trường nào đưa môn học cũng như dành thời lượng để NLTV giảng dạy nội dung này cho học sinh. Cách hiệu quả nhất là NLTV phải lồng ghép việc giảng dạy những kỹ năng này thông qua các môn học khác. Do đó, để thực hiện được nhiệm vụ này, không còn cách nào khác là NLTV phải hợp tác với từng GV để nắm bắt nội dung môn học, từ đó mới có thể lồng ghép giảng dạy kỹ năng thông tin vào bài giảng hay yêu cầu của GV.

Thứ tư, hợp tác giữa NLTV và GV góp phần hình thành và phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Có thể thấy, tâm lý của lứa tuổi học sinh là noi gương, nghe lời GV. Trong nhận thức của học sinh, GV là người giỏi giang, trực tiếp truyền đạt kiến thức cho mình. Chính những điều này khiến cho việc học sinh thường có xu hướng nghe lời GV hơn những người khác trong nhà trường. Do vậy, nếu muốn học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động do thư viện tổ chức, việc NLTV phối hợp với GV để GV nhắc nhở, động viên các em, sẽ đem lại nhiều kết quả. Bên cạnh đó, để phát triển văn hoá đọc cho học sinh, ngoài việc NLTV tổ chức các hoạt động đọc sách, giới thiệu lợi ích của việc đọc sách, thì việc GV đọc sách, khuyến khích học sinh đọc sách sẽ có tác động trực tiếp tới học sinh hơn.

Như vậy, ở vị trí một bộ phận hỗ trợ đào tạo trong nhà trường, nếu muốn thực hiện tốt vai trò của mình, NLTV cần phải hợp tác với GV. GV vừa là người dùng tin của thư viện, vừa là “cầu nối” giúp NLTV tiếp xúc được với học sinh cũng như chương trình dạy và học. Do vậy, thông qua hợp tác với GV, NLTV vừa có thể phục vụ tốt người dùng tin của mình, đồng thời có thể tiếp cận và phục vụ tốt các đối tượng người dùng tin khác trong nhà trường. Việc hợp tác với GV sẽ giúp NLTV vừa hỗ trợ GV và học sinh trong học tập, đồng thời cũng giúp chính bản thân NLTV thể hiện vai trò, vị trí của mình trong nhà trường và xã hội. Vì vậy, NLTV cần phải xem việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với GV như là công việc, nhiệm vụ của chính mình. Có như vậy, TVPT mới có thể phát triển trở thành một bộ phận trọng yếu, hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Các mức độ hợp tác giữa NLTV và GV

Trong những năm qua, có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự hợp tác giữa NLTV và GV. Năm 2011, thực hiện một cuộc nghiên cứu đánh giá TVPT ở 8 trường tiểu học ở Carolina (Hoa Kỳ), nhóm tác giả Lee, E. A., và Klinger, D. A. đã phát hiện ra rằng: “tất cả các TVPT được đánh giá hoạt động thành công đều có chung đặc điểm là có sự hợp tác giữa NLTV và GV” [7]. Cũng có nhiều bài viết của các tác giả trong nước đề xuất xây dựng sự hợp tác giữa NLTV và GV như một giải pháp để phát triển TVPT [4, 5]. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đáng lưu ý là trong một số nghiên cứu, các tác giả phát hiện ra rằng: GV và NLTV đều nhận thức được sự cần thiết của hợp tác, đã và đang tham gia hợp tác, nhưng hiệu quả lại chưa được nâng cao. Theo nhiều tác giả, điều này có thể do hiện nay chưa có sự thống nhất về cách hiểu, cũng như các mức độ của sự hợp tác.

Tổng hợp các tài liệu nghiên cứu về sự hợp tác giữa NLTV và GV có thể chia thành 4 loại. Ở mỗi loại, mức độ toàn diện, sâu sắc của sự hợp tác có phần khác nhau. Dưới đây sẽ trình bày các loại hợp tác theo mức độ hợp tác.

- Mức độ 1: Phối hợp. Đây là mức độ hợp tác thấp nhất giữa NLTV và GV. Ở mức độ này, NLTV và GV cùng nhau làm việc để sắp xếp lịch trình, quản lý thời gian hiệu quả, tránh chồng chéo [8, 9]. Thực tế cho thấy, các bộ phận khác nhau có thể tổ chức các hoạt động hỗ trợ việc học tập của học sinh trong cùng thời điểm. Vì vậy, rất có thể xảy ra hiện tượng trùng lặp thời gian giữa các hoạt động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động. GV là người nắm rõ lịch hoạt động của học sinh, do vậy, NLTV cần phối hợp với GV để sắp xếp lịch trình hoạt động, tránh chồng chéo giữa lịch học tập và lịch tham gia hoạt động thư viện. Ví dụ, khi lập kế hoạch tổ chức các hoạt động thư viện như: giới thiệu sách, sinh hoạt câu lạc bộ thư viện, giờ đọc sách… NLTV cần trao đổi và thống nhất lịch trình với GV, đặc biệt là GV chủ nhiệm các lớp. Bên cạnh đó, ở mức độ hợp tác này, GV còn đóng vai trò là cầu nối để thông báo những hoạt động, yêu cầu của thư viện tới học sinh. NLTV đóng vai trò là người chủ động tiếp cận với GV để nhờ GV hỗ trợ.

- Mức độ 2: Hợp tác. Ở mức độ này, trách nhiệm được chia cho những người cùng tham gia một hoạt động/ dự án chung [8, 9]. Mức độ này có thể gặp khi GV và NLTV cùng tham gia các hoạt động chung của nhà trường. Khi đó, mỗi bên tham gia đều được quy định trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ, khi nhà trường tổ chức cuộc thi giới thiệu sách cho học sinh toàn trường, trách nhiệm của NLTV là chuẩn bị và cung cấp sách cho học sinh, GV dạy môn Văn có trách nhiệm hướng dẫn học sinh giới thiệu sách và làm ban giám khảo cuộc thi (theo sự phân công của Ban Giám hiệu) [5, 6]... Hoặc khi nhà trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh, NLTV có trách nhiệm cung cấp tài liệu, GV có trách nhiệm ra câu hỏi, chấm thi... Tuy nhiên, mức hợp tác này chỉ đạt được khi các hoạt động trên được xây dựng thành kế hoạch, được Ban Giám hiệu duyệt và phân công nhiệm vụ. Ở mức độ này, NLTV không còn là người ở tâm thế nhờ sự hỗ trợ của GV, mà đã có sự hợp tác rõ ràng về trách nhiệm. Tuy nhiên, dù ở mức độ hợp tác nào, NLTV cũng luôn đóng vai trò chủ động, khởi xướng sự hợp tác này.

- Mức độ 3: Tích hợp giảng dạy. Ở mức độ này, NLTV và GV cùng lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá việc tích hợp giảng dạy kỹ năng thông tin với nội dung chương trình trong 1 bài học, 1 môn học [8, 9]. Mức độ hợp tác này xảy ra ở một hoặc một số môn học, NLTV và GV môn học làm việc cùng nhau về nội dung, lịch trình cũng như những bài tập mà GV yêu cầu học sinh thực hiện. Với một số môn học, GV có thể yêu cầu học sinh thực hiện những bài tập lớn, dự án... đòi hỏi phải tìm, đọc nhiều tài liệu. Khi đó, GV cần hợp tác với NLTV trong việc xác định nguồn tài liệu do thư viện cung cấp. Đồng thời, NLTV phối hợp với GV sắp xếp lịch trình để học sinh lên thư viện, NLTV sẽ giới thiệu các nguồn tài liệu cũng như kỹ năng tìm kiếm thông tin giúp học sinh thực hiện tốt bài tập được giao [6].

- Mức độ 4: Tích hợp chương trình giảng dạy. Mức độ hợp tác này chính là sự hợp tác - tích hợp giảng dạy ở mức độ 3 nhưng diễn ra trên một phạm vi lớn hơn: trong toàn trường hoặc trong một quận/ huyện nào đó [8, 9].

Như vậy, mặc dù vấn đề hợp tác giữa NLTV và GV đã được nhiều tác giả đề xuất như một trong những giải pháp phát triển thư viện, nhưng rõ ràng việc thống nhất cách hiểu về mức độ hợp tác còn cần tiếp tục xem xét. Ở mức độ hợp tác càng cao, thì thư viện càng tác động sâu hơn vào hoạt động giảng dạy và học tập của GV và học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên, cũng như một số tác giả đã nhận định: “hợp tác giống như con đường mòn phát triển thư viện”, sự hợp tác giữa NLTV và GV cần được xây dựng từng bước, có lộ trình, từ đơn giản đến phức tạp. Và để xây dựng mối quan hệ hợp tác này, dù ở mức nào thì NLTV luôn đóng vai trò là tác nhân thay đổi, là người khởi xướng và chủ động tiếp cận với GV.

Hợp tác giữa NLTV và GV trong việc xây dựng nguồn học liệu

Để đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của người học, với vai trò là một bộ phận quan trọng của nhà trường, TVPT đã và đang thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như: cung cấp các tài liệu về phương pháp giảng dạy cho GV, tài liệu học tập cho học sinh, đào tạo kỹ năng thông tin cho học sinh. Trong đó, việc xây dựng nguồn học liệu mở, làm phong phú nguồn học liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của học sinh cũng là xu hướng mà các thư viện đang hướng tới. Tuy nhiên, theo một số tác giả, “học liệu mở là một “gợi ý” về cách tiếp cận nhiều hơn là giải quyết vấn đề” [2]. Việc xây dựng nguồn học liệu mở tại các trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay còn là một con đường dài, tuy nhiên, bằng sự hợp tác giữa NLTV và GV, chúng ta có thể bước đầu tạo lập con đường cho việc xây dựng nguồn học liệu mở.

Với việc thực hiện 4 mức độ của sự hợp tác giữa NLTV và GV, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng bước đầu nguồn học liệu phục vụ cho việc dạy và học trong trường phổ thông. Bằng cách thực hiện hợp tác giữa NLTV và GV ở mức độ 3 trở lên, chúng ta có thể bước đầu xây dựng nguồn học liệu cho nhà trường. Việc xây dựng nguồn học liệu được thực hiện qua mô hình sau:

Theo mô hình việc xây dựng nguồn học liệu phục vụ dạy và học trong nhà trường được xây dựng dựa trên kết quả hợp tác của NLTV và GV theo từng môn học. Theo đó, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia hợp tác được thể hiện như sau:

alt

Mô hình thể hiện quy trình xây dựng nguồn học liệu dựa trên sự hợp tác giữa NLTV và GV

 

- GV: Đối với từng môn học cụ thể, vào đầu kỳ học, GV sẽ gửi cho NLTV nội dung môn học, bài giảng, kế hoạch giảng dạy cũng như bài tập của học sinh. Đồng thời, GV sẽ nhận lại từ NLTV những tài liệu tham khảo (trong và ngoài thư viện) cho từng nội dung học, kỹ năng thông tin bổ trợ cho từng nội dung hoặc những gợi ý liên quan đến việc hỗ trợ từ phía thư viện tới môn học…

- NLTV: Nhận và lưu trữ những tài liệu liên quan đến môn học do GV môn học cung cấp. Đồng thời, NLTV cần trao đổi với GV nội dung môn học để bổ sung hoặc cung cấp tài liệu tham khảo cho từng phần học; hợp tác với GV (nếu cần) để hỗ trợ học sinh thực hiện các bài tập theo yêu cầu của GV như: hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm tài liệu, đánh giá và sử dụng thông tin hoặc lồng ghép kiến thức thông tin vào bài giảng của GV…

Ví dụ, thông qua việc GV gửi những thông tin môn học đến NLTV từ đầu học kỳ, NLTV biết được trong học kỳ này, học sinh sẽ được yêu cầu thực hiện một bài thuyết trình về một Triều đại hoặc thời kỳ lịch sử. Khi đó, NLTV sẽ có nhiệm vụ kiểm tra số lượng tài liệu trong thư viện viết về chủ đề đó hoặc có kế hoạch bổ sung các tài liệu này. Ngoài ra, NLTV cũng phải chuẩn bị nội dung hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm thông tin bằng cách dạy lồng ghép vào thời gian GV giao và hướng dẫn làm bài tập trên lớp (NLTV đến trực tiếp lớp học giới thiệu cho GV và học sinh về những nguồn tài liệu liên quan tới chủ đề cùng cách tìm kiếm trong thư viện và trên Internet) hoặc hướng dẫn tại thư viện. Bằng sự hợp tác này, GV có thể biết thêm các nguồn thông tin trong thư viện, cách tra cứu tin. Học sinh được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc thực hiện bài tập nên sẽ hào hứng tham gia, kết quả học tập qua đó cũng được nâng cao. Bằng sự hợp tác, NLTV có thể thu thập và bước đầu xây dựng nguồn học liệu, đồng thời có cơ hội trực tiếp hỗ trợ giảng dạy, học tập cho GV và học sinh, qua đó vai trò, vị thế của NLTV cũng được nâng cao trong nhà trường.

 Như vậy, sự hợp tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. NLTV và GV đều được hưởng lợi từ việc tham gia hợp tác, học sinh cũng sẽ được thụ hưởng lợi ích này khi GV và NLTV trong trường hợp tác với nhau. Đặc biệt, khi tham gia hợp tác, kết quả mà mỗi bên tham gia đạt được luôn cao hơn so với việc họ thực hiện một mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc hợp tác giữa NLTV và GV không gặp khó khăn nào. Có rất nhiều nguyên nhân khiến sự hợp tác giữa NLTV và GV bị cản trở trong thực tế. Những nguyên nhân này có thể xuất phát từ GV, từ phía NLTV hay có thể từ phía nhà trường. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, khi vấn đề nhận thức về lợi ích hợp tác được giải quyết, các bên liên quan sẽ có động lực để tham gia. Về phía thư viện, mặc dù sự hợp tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, nhưng NLTV luôn phải xác định tâm thế chủ động trong việc khởi xướng, liên hệ hợp tác với GV, bởi đây là con đường hiệu quả nhất trong việc thể hiện vai trò của thư viện trong nhà trường.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy chế về tổ chức hoạt động thư viện trường phổ thông: ban hành theo quyết định số 61/1998/QĐ/BGDĐT ngày 6/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-61-1998-QD-BGD-DT-Quy-che-to-chuc-hoat-dong-thu-vien-truong-pho-thong-99573.aspx.

2. Lan Hương. Xây dựng “học liệu mở”: mở cách học mới. http://vnn.vietnamnet.vn/ giaoduc/2007/12/ 758914/. Truy cập tháng 9/2016.

3. Ngô Quốc Đường. Đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học theo định hướng phát triển năng lực người học. http://bacgiang.edu.vn/vn/content/chuyende/cmnv/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-o-truong-trung-hoc-theo-dinh-huong-phat-trien-nang-luc-nguoi-hoc_66894.aspx tháng 9/2016.

4. Trần Thị Minh Nguyệt.  Hướng dẫn thiếu nhi đọc sách trong thư viện. - H.: Nxb. Giáo dục, 2007. - 155 tr.

5. Trần Văn Toản. Đề xuất về một hình thức giới thiệu sách hấp dẫn ở thư viện trường học // Tạp chí Dạy và học ngày nay. - 2011. - Số 2. - Tr. 76-77.

6. Vũ Thị Nha. Sự thay đổi vai trò của thư viện trường học tại Việt Nam. http://web.hdu.edu.vn/vi-vn/17/1901/Su-thay-doi-vai-tro-cua-thu-vien-truong -hoc-tai-Viet-Nam.html.

7. Lee, E. A. and Klinger, D. A. Against the flow: A continuum for evaluating and revitalizing school libraries // School Libraries Worldwide. - 2011. - No. 17(1). - P. 24-36. http://proxy.vnulib.edu.vn:2087/pqcentral/docview/847666906/fulltextPDF/1CCFA5949D534B43PQ/1?accountid=39807. Truy cập ngày 27/05/2016.

8. Patricia Montiel-Overall. A Theoretical Under standing of Teacher and Librarian Collabo- ration (TLC) // School Libraries Worldwide. - 2005. - Vol. 11, No. 2. - P. 24-48.

9. Patricia Montiel-Overall. Teacher and librarian collaboration: A qualitative study // Library and Information Science Research. - 2008. - No. 30. - P. 145-155.

___________

ThS. Đoàn Thị Thu

Khoa Thư viện - Thông tin học, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 3. - Tr. 14-18.


Đọc thêm cùng chuyên mục: