Ứng dụng subject guides trong hoạt động thư viện - thông tin

E-mail Print

1. Đặt vấn đề

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông trong giai đoạn hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thư viện - thông tin trong việc tiếp cận đến người dùng tin (NDT) và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin. Nếu như trước đây các thư viện thường sử dụng các tờ rơi, pa nô, áp phích để truyền thông điệp đến NDT, thì ngày nay các thư viện có thể tận dụng các kênh thông tin hiện đại để thay thế các cách thức đã thực hiện trong quá khứ.

Bên cạnh đó, hiện nay các nguồn thông tin đang ngày càng gia tăng nhanh chóng, vì vậy các thư viện có thể khai thác tối đa các nguồn thông tin này để chọn lọc và làm đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên thông tin của mình. Tuy nhiên, việc phát triển của các nguồn thông tin mang lại nhiều thuận lợi cho NDT trong việc tìm kiếm và sử dụng thông tin hữu ích, nhưng cũng là một thách thức đối với NDT thiếu kỹ năng trong việc tìm kiếm và đánh giá thông tin. Do đó, sự bùng bổ của các công cụ web 2.0 miễn phí đã tạo ra nhiều cơ hội cho các thư viện trong việc tạo ra các nguồn thông tin hiệu quả, tiết kiệm được chi phí thực hiện và định hướng cho NDT đến các nguồn tài nguyên thông tin hữu ích.

Hơn nữa, đối với một nước đang phát triển như nước ta, điều kiện hoạt động hiện tại của các thư viện vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là về kinh phí đầu tư cho các hoạt động của thư viện. Do đó, để khắc phục những hạn chế của NDT thiếu kỹ năng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, thư viện giữ vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, thu thập và tổ chức các nguồn thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của NDT. Vì thế, việc ứng dụng subject guides trong hoạt động thư viện - thông tin trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Subject guides là công cụ được sử dụng phổ biến hiện nay ở nhiều cơ quan thư viện - thông tin trên thế giới và một số thư viện Việt Nam. Việc tận dụng các công nghệ phát triển để tạo lập các thông tin theo từng chủ đề khác nhau nhằm đáp ứng tốt hơn cho NDT là một xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho thư viện.

2. Khái quát về subject guides

Trong những năm gần đây thuật ngữ subject guides được sử dụng nhiều trong hoạt động thư viện - thông tin ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới thuật ngữ subject guides được đề cập vào năm 1973 như là “một loại bản đồ chỉ dẫn đến nguồn tài nguyên của thư viện; nó là một định vị thông tin để NDT tìm kiếm các tài liệu được lưu trữ theo một chủ đề mà họ quan tâm” [8].

Nội dung subject guides vào năm 1973 khác với subject guides ngày nay. Thuật ngữ ban đầu chỉ bao hàm ý nghĩa là các chỉ dẫn (pathfinders) và hơn 30 năm sau, các thư viện trên khắp Hoa Kỳ sử dụng một loạt các thuật ngữ để mô tả các loại subject guides như: subject guides, research guides (danh mục tài liệu nghiên cứu), research tools (công cụ nghiên cứu), pathfinders (chỉ dẫn), electronic library guides or e-guides (danh mục thư viện điện tử hoặc danh mục tài liệu điện tử), web- liographies (danh mục trang web), Internet resource collections (bộ sưu tập nguồn tài nguyên Internet), resource lists (danh sách nguồn tài nguyên), hoặc subject portals (cổng thông tin theo chủ đề) [8]. Mục đính chính của danh mục này là nhằm cung cấp một điểm khởi đầu cho việc nghiên cứu của NDT. Các sinh viên và giảng viên trong môi trường đại học thường thực hiện việc tìm kiếm các nguồn thông tin, tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu của họ. Vì vậy, một số thư viện cho rằng các danh mục như là một điểm khởi đầu cho việc bắt đầu nghiên cứu của họ [8]. Sở dĩ nói subject guides là một điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm các tài liệu nghiên cứu vì các subject guides sẽ phân chia các thông tin theo từng chủ đề khác nhau và trong từng chủ đề sẽ tập hợp tất cả các nguồn tài nguyên thông tin về chủ đề đó, từ tài liệu in ấn, đến nguồn tài liệu số, cơ sở dữ liệu (CSDL), các trang web… Các nguồn tài nguyên sẽ được tích hợp theo từng chủ đề và NDT có thể tìm kiếm thông tin qua các liên kết đã được tập hợp để mở rộng khả năng tìm kiếm tài liệu phù hợp. Do đó, theo tác giả Nedelina Tchangalova và Amanda Feigley [8], subject guides trợ giúp cho việc nghiên cứu trong một ngành cụ thể hoặc về một chủ đề cụ thể. Chúng cũng cung cấp những thông tin hữu ích giúp cho việc tìm kiếm và sử dụng thông tin trong các hình thức cụ thể, chẳng hạn như các bằng sáng chế hoặc luận văn, luận án…

Có thể thấy rằng, subject guides là danh sách các nguồn tài nguyên thông tin được tạo ra bởi người làm thư viện để hỗ trợ NDT với nhu cầu nghiên cứu của họ. Danh sách các nguồn tài nguyên thông tin có thể bao gồm nhiều chủ đề nhưng không giới hạn ở sách, báo, tạp chí, CSDL, các trang web, cũng như bất kỳ chủ đề khác mà người làm thư viện cảm thấy sẽ hỗ trợ được cho việc nghiên cứu của NDT [6].

Trong khi đó, theo Buffy J. Hamilton, subject guides là một tập hợp các nguồn lực được thiết kế giúp NDT nghiên cứu và khám phá đầy đủ về một chủ đề [3].

Tác giả Tim Wales [10] cho rằng, subject guides là hệ thống hoá các kiến thức liên quan đến vị trí và việc truy xuất thông tin theo một chủ đề nhất định hoặc bộ sưu tập các thông tin liên ngành để cung cấp cho NDT. Theo ông, đây là kỹ thuật duy nhất để hướng dẫn cho NDT trực tuyến truy cập từ các siêu liên kết đến các tài liệu hướng dẫn khác nằm ở những nơi khác nhau trên các trang web của tổ chức hoặc trên từng trang web riêng của thư viện, do đó có thể rút ngắn khoảng cách giữa NDT và thư viện.

Như vậy, có thể hiểu subject guides là một danh sách các nguồn tài nguyên thông tin được tổ chức và sắp xếp theo các chủ đề khác nhau. Nguồn tài nguyên thông tin này rất đa dạng và không giới hạn ở bất kỳ nguồn nào bao gồm: sách, báo, tạp chí điện tử, tài liệu số, CSDL, trang web, bộ sưu tập thông tin trên Internet, tên các khoá học, RSS feeds, tài liệu giảng dạy, các công cụ đánh giá, tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn học tập, các cuộc phỏng vấn hay thông tin phản hồi từ giáo viên, sinh viên…

Một số đặc điểm của subject guides

- Dễ dàng tạo lập, cập nhật và duy trì:Subject guides là công cụ được sử dụng để cung cấp thông tin theo từng chủ đề đến NDT mà người tạo lập không cần phải tốn nhiều thời gian và công sức trong việc thiết lập, bởi vì người tạo subject guides sử dụng các mẫu có sẵn, giống như tạo một trang blog mới. Với mỗi subject guides, người tạo lập có thể dễ dàng thiết lập các trang thông tin khác nhau. Mỗi trang thông tin có thể tích hợp các nội dung khác nhau từ tài liệu in, CSDL, bài báo, tạp chí đến các trang web, tài liệu số hay các nguồn thông tin tham khảo trực tuyến. Các subject guides thường có một bố cục thống nhất nên việc thiết lập rất dễ dàng và không giới hạn về số lượng các nội dung thông tin hay các liên kết được đăng tải. Do đó, người làm thư viện được yêu cầu phải theo một khuôn mẫu để tạo sự nhất quán giữa các subject guides. Mỗi subject guides cho phép đưa nội dung ở nhiều định dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, các liên kết, tích hợp nhiều ứng dụng như RSS, video, audio, chat, bình luận, mạng xã hội... [8].

Ngoài ra, các subject guides có bố cục giống nhau nên việc cập nhật hoặc sao chép các subject guides mới được thực hiện một cách dễ dàng và không tốn nhiều thời gian, công sức của người tạo lập.

- Dễ quản lý:Subject guides được hầu hết các thư viện tích hợp lên trang web của cơ quan mình, bởi vì đây là công cụ dễ sử dụng và dễ quản lý. Subject guides cho phép phân quyền cho nhiều người làm thư viện trong việc tạo ra các danh mục tài liệu và đưa lên trang web bất cứ lúc nào, cũng như quản lý tính nhất quán của các subject guides. Bên cạnh đó, subject guides cũng là công cụ hiệu quả trong việc xem xét các số liệu thống kê lượt truy cập vào từng nội dung khác nhau [1].

- Linh động, dễ tìm kiếm, sinh động, đơn giản cho NDT: Subject guides là công cụ đơn giản, dễ sử dụng và thân thiện với NDT thông qua các nguồn thông tin về tài liệu được thiết lập theo từng chủ đề khác nhau, nguồn thông tin đa dạng; giao diện quen thuộc với NDT và có các hỗ trợ khác nhau như chat trực tiếp với người làm thư viện; gửi email hoặc phản hồi trực tiếp theo từng nội dung của subject guides. Các thông tin phản hồi này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi giữa NDT và người làm thư viện; tiếp nhận ý kiến phản hồi từ phía NDT để cải tiến và phát triển các subject guides ngày càng đa dạng, phong phú và đáp ứng nhu cầu của NDT [8]. Bên cạnh đó, các subject guides được thiết kế theo các mẫu đơn giản, người làm thư viện có thể điều chỉnh và chèn các hình ảnh phù hợp cho từng chủ đề cụ thể.

alt

Hình 1. Subject guides của Thư viện El Dorado. http://www.flc.losrios.edu/~jimener/

 3. Vai trò của subject guides

Hiện nay nhiều cơ quan thư viện - thông tin trên thế giới và một số thư viện Việt Nam đã sử dụng subject guides như là một công cụ hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của NDT. Subject guides được sử dụng phổ biến hiện nay là bởi những giá trị của nó như:

- Tập hợp các nguồn thông tin theo chủ đề: Subject guides giúp người làm thư viện có thể tạo lập và sắp xếp các nguồn thông tin đa dạng theo từng chủ đề khác nhau. Mỗi chủ đề sẽ bao gồm các thông tin được liên kết và tích hợp trong subject guides. Các nguồn tài liệu đa dạng như các nguồn tin trên Internet, video clip, hình ảnh, CSDL, danh mục các trang web… Do đó, điều này sẽ giúp cho NDT có thể tìm hiểu các nguồn thông tin theo từng chủ đề một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm kiếm tài liệu.

- Hướng dẫn đến các nguồn thông tin hữu ích: Nhân viên tạo lập subject guides là người am hiểu các nguồn thông tin và chọn lọc các nguồn thông tin có giá trị, có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của NDT. Vì vậy, NDT chỉ cần tìm đến các chủ đề mình có nhu cầu để truy cập đến các nguồn thông tin một cách hữu ích.

- Truy cập không giới hạn: Các subject guides đã được các cơ quan thư viện - thông tin tích hợp trên trang web của mình và có sẵn trong môi trường trực tuyến, do đó NDT có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến trực tiếp tại thư viện. Đây là tính hữu ích của công cụ này trong giai đoạn hiện nay vì phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và thoả mãn nhu cầu của NDT.

- Quảng bá: Subject guides là công cụ quảng bá hữu hiệu về nguồn tài nguyên thông tin của các cơ quan thư viện - thông tin, bởi vì đây là công cụ tập hợp đầy đủ các nguồn thông tin một cách đa dạng về nhiều chủ đề khác nhau. Thông qua việc truy cập vào các subject guides, NDT có thể nắm được các nguồn thông tin về từng chủ đề mà hiện nay một cơ quan đang có, cũng như chất lượng của các nguồn thông tin này. Đối với những người ít khi hoặc không bao giờ ghé thăm các trang web thư viện, việc đăng các liên kết để hướng dẫn, định hướng cho NDT trên các trang web là một hình thức quan trọng để tiếp cận cộng đồng. Bởi vì, hầu hết NDT thường không liên hệ hoặc truy cập vào trang web của tất cả các trường đại học, họ chỉ đơn giản là tìm thấy các tài nguyên thông qua một công cụ tìm kiếm trên Internet [6]. Vì vậy, các cơ quan thư viện - thông tin có thể tiến hành quảng bá các subject guides thông qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn sử dụng thư viện, sử dụng email hoặc mạng xã hội… để cung cấp thông tin đến NDT.

4. Một số công nghệ được sử dụng để tạo lập subject guides trong hoạt động thư viện - thông tin

Khi sử dụng các công nghệ mới và khác nhau vào việc tạo lập các subject guides, đòi hỏi tư duy sáng tạo của người làm thư viện để có thể lựa chọn các công nghệ này một cách hiệu quả và hữu ích. Việc lựa chọn các công nghệ phù hợp với đặc điểm và điều kiện của thư viện sẽ giúp cho việc thiết kế các subject guides tiết kiệm thời gian, công sức và việc truy cập của NDT được dễ dàng và thuận tiện hơn. Sau đây là một số công nghệ có thể sử dụng để tạo lập subject guides:

Wikis

Wikis là một ứng dụng cho phép người làm thư viện có thể thêm hoặc xoá nội dung trong một môi trường năng động, là nơi mà các chuyên gia có thể hợp tác, kết hợp kiến thức và chia sẻ ở bất cứ nơi nào [8]. Nền tảng wikis phổ biến (như Mediawiki, Seedwiki, Twiki, Pbwiki…) đã được sử dụng bởi nhiều thư viện để tạo nguồn thông tin trong nội bộ và đang nhanh chóng lan rộng, trở thành dịch vụ của thư viện. Wikis có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho sự hợp tác giữa người làm thư viện, giảng viên và sinh viên, dù thư viện đã có những đối tượng cộng tác ở các mức độ khác nhau [5].

Mặc dù, việc đóng góp của NDT trong việc tạo lập các subject guides trên wikis sẽ giúp cho người làm thư viện tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tạo lập. Tuy nhiên, các mục thông tin trên wikis có thể thiếu tính thống nhất khi chúng được hoàn thành bởi một loạt các cá nhân. Để subject guides là một nguồn cung cấp các thông tin có uy tín, các cá nhân tham gia vào việc tạo và chỉnh sửa các nội dung cần được các chuyên gia trong các lĩnh vực, người làm thư viện chuyên đề, hoặc cá nhân có hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau biên tập và xem xét lại. Do đó, các subject guides được tạo lập bằng công cụ wikis sẽ đòi hỏi một mức độ bảo trì và an ninh nhất định để đảm bảo độ chính xác [4].

Social Bookmarking (Đánh dấu xã hội)

Social Bookmarking là dịch vụ đánh dấu trang cộng đồng giúp người dùng Internet lưu trữ, quản lý và tìm kiếm những thông tin trên Internet hiệu quả hơn dựa trên công cụ trình duyệt web và từ khoá [2].

Ứng dụng đánh dấu xã hội là một tính năng có thể được đưa vào để tạo lập subject guides. Đánh dấu xã hội cho phép NDT giữ một thư mục "yêu thích" và nó có sẵn ở bất cứ đâu. Nếu NDT sử dụng các đánh dấu trang hay tính năng yêu thích thông thường trên máy tính, các trang web mà họ đánh dấu chỉ ghi lại hoặc đánh dấu trên máy tính đó. Với đánh dấu xã hội, các trang web mà NDT đánh dấu sẽ có sẵn ở bất cứ nơi đâu có Internet. Ngoài ra, một lợi ích nữa của đánh dấu xã hội là NDT có thể xem các đánh dấu của người khác [8].

Một số trang web Social Bookmarking được sử dụng để tạo lập subject guides như: delicious.com, slashdot.org, digg.com, technorati.com, reddit.com, connotea.org, spurl.net, diigo.com… [2].

Databases (Cơ sở dữ liệu)

CSDL là một hệ thống các thông tin có cấu trúc, được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ nhằm thoả mãn yêu cầu khai thác thông tin đồng thời của nhiều NDT hay nhiều chương trình ứng dụng chạy cùng một lúc với những mục đích khác nhau [7].

Người làm thư viện sẽ là người trình bày một phương pháp cho NDT để thao tác và thiết kế nội dung thông tin của riêng họ. Để tìm thấy những thông tin mình cần, NDT có thể lựa chọn các yếu tố cần truy cập và sau đó các CSDL sẽ chỉ trình bày các nguồn lực đáp ứng các yếu tố do NDT xác định [8]. Chẳng hạn, CSDL Source Finder của Virginia Military Institute’s Preston Library là một ví dụ minh hoạ cho trường hợp này:

alt

Hình 2. Virginia Military Institute’s Preston Library http://www1.vmi.edu/sourcefinder

Việc sử dụng hệ thống CSDL này sẽ khắc phục được những khuyết điểm của cách lưu trữ dưới dạng hệ thống tập tin, đó là [7]:

- Giảm trùng lặp thông tin ở mức thấp nhất, đảm bảo tính nhất quán và toàn vẹn dữ liệu.

- Đảm bảo dữ liệu được truy xuất theo nhiều cách khác nhau, từ nhiều người khác nhau và nhiều ứng dụng khác nhau.

- Tăng khả năng chia sẻ thông tin.

Server Side Includes (SSI)

Một cách ít tốn kém để có được các tính năng giống CSDL như là thông qua việc sử dụng các máy chủ (SSI). Lợi ích của SSI là việc chỉnh sửa chỉ cần được thực hiện ở một nơi có máy chủ và có thể cập nhật cho tất cả các nguồn thông tin được xuất hiện trên trang web. Bằng cách sử dụng SSI, người làm thư viện có thể chèn một file HTML hoặc tập tin văn bản vào một vị trí xác định trên trang web của mình. SSI ít tốn kém hơn so với việc tạo ra một CSDL, nhưng nó vẫn có thể cung cấp một số tính năng tương tự như CSDL.

Như vậy, có thể thấy rằng thư viện có thể sử dụng các công nghệ khác nhau trong việc tạo lập subject guides. Tuy nhiên, mỗi công nghệ có những ưu, nhược điểm khác nhau trong việc tạo lập các subject guides. Dưới đây là bảng so sánh những thuận lợi và khó khăn mỗi công nghệ [8,9].

 

alt

Ngoài các công nghệ được kể trên, hiện nay một số công nghệ mã nguồn mở miễn phí mà nhiều thư viện đã lựa chọn cho việc tạo lập các subject guides theo định hướng của CSDL như: MyLibrary (http:// libguides.library.nd.edu/), SubjectsPlus (http://www. subjec tsplus.com/), LibData (http://libdata.source forge .net/), hay Library Course Builder (https://sourceforge.net/projects/libcb/)... [5].

alt

Hình 3. Subject guides tại Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Tại Việt Nam, một số thư viện Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng subject guides trong việc tạo lập và cung cấp thông tin cho NDT như: Thư viện Trung tâm - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Học liệu - Đại học Cần Thơ, Trung tâm Thông tin Học liệu - Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Kết luận

Có thể thấy hiện nay nhiều thư viện ở Việt Nam đã bắt đầu sử dụng các công nghệ có sẵn để hỗ trợ cho việc tạo lập danh mục các nguồn tài nguyên thông tin theo chủ đề. Ở đây có nhiều công nghệ khác nhau mà các thư viện có thể sử dụng để thiết kế subject guides. Tuy nhiên, mỗi công nghệ có những ưu, nhược điểm riêng và đòi hỏi người làm thư viện khi sử dụng phải xác định được nhu cầu, khả năng của các nhóm NDT, đặc điểm và điều kiện của thư viện. Do vậy, subject guides sẽ phát huy hiệu quả nhất nếu đáp ứng cả 2 yêu cầu:

- Dễ dàng để tạo lập, cập nhật và duy trì cho người làm thư viện.

- Linh động, dễ tìm kiếm, sinh động, đơn giản cho NDT.

Subject guides đã thay đổi, phát triển và tạo điều kiện cho thư viện kể từ khi xuất hiện. Tuy nhiên, subject guides sẽ có hiệu quả hơn nếu thư viện có khả năng thay đổi và cải thiện hơn nữa khi tiếp tục khám phá các khả năng hỗ trợ của các công nghệ mới, đặc biệt các ứng dụng với subject guides. Điều quan trọng thư viện cần là tiếp tục khám phá, cải tiến và vượt qua những thách thức phải đối mặt trong quá trình ứng dụng các công nghệ mới để tạo lập subject guides.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Kim Tri. Phát triển Thông tin tài liệu theo chủ đề (LibGuide) phục vụ học tập và nghiên cứu tại Trung tâm Học liệu trường Đại học Cần Thơ. Http://www.lirc.udn.vn/bantin9/index.php/ chuyende/49-phat-trin-thong-tin-tai-liu-theo-ch-libguide-phc-v-hc-tp-va-nghien-cu-ti-trung-tam-hc-liu-trng-i-hc-cn-th-. Truy cập ngày 5/4/2016.

2. Phạm Tấn Cường. Vì sao các web cần Social Bookmarking? Http://internetmarketingnhatrang.com/social-media/vi-sao-cac-web-can-social-bookmarking.html. Truy cập ngày 5/4/2016.

3. Buffy J. Hamilton. Creating Subject Guides for the 21st Century Library. Http://www.slideshare.net/buffyjhamilton/creating-subject-guides-for-the-21st-century-library-by-buffy-hamilton-september-2011. Truy cập ngày 20/3/2016.

4. Chad Athens. Using a wiki as a research guide: a year’s experience. Http://libraryvoice.com/wikis/using-a-wiki-as-a-research-guide-a-years-experience. Truy cập ngày 5/4/2016.

5. Edward M. Corrado and Kathryn A. Frederick. Free and Open Source Options for Creating Database-Driven Subject Guides. Http:// journal.code4lib.org/articles/47. Truy cập ngày 29/3/ 2016.

6. Fichter D. Subject guides. Http://www.libsuccess.org/Subject_Guides. Truy cập ngày 20/3/2016.

7. Momizat Team. Tìm hiểu cơ sở dữ liệu là gì? và hệ quản trị CSDL MYSQL. Http://freetuts.net/tim-hieu-co-so-du-lieu-la-gi-va-he-quan-tri-csdl-mysql-168.html. Truy cập ngày 5/4/2016.

8. Nedelina Tchangalova and Amanda Feigley. Subject Guides: Putting a New Spin on an Old Concept. Http://southernlibrarianship.icaap.org/content/v09n03/tchangalova_n01.html. Truy cập ngày 20/3/2016.

9. The University of british Columbia. Http://wiki.ubc.ca/Library:HSS_Subject_Guides. Truy cập ngày 30/3/2016.

10. Tim Wales. Library subject guides: a content management case study at the Open University, UK // Program. - 2005. - Vol. 39 Iss 2. - P.112-121.

___________

ThS. Nguyễn Thị Lan

Khoa Thư viện - Thông tin học, Đại học KHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 1. - Tr. 33-39.


Đọc thêm cùng chuyên mục: