1. Giới thiệu
Hướng dẫn học tập và nghiên cứu theo chủ đề (Hướng dẫn theo chủ đề) trong các thư viện đại học hiện nay mà tiếng Anh gọi là “Subject guides” là các tổ hợp thông tin được người làm thư viện tạo lập sẵn trên web theo từng chủ đề, môn loại khoa học hay cụ thể hơn là ngành/ chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu của trường đại học đó. Tổ hợp thông tin này bao gồm các hướng dẫn sử dụng thư viện, cách tra cứu OPAC, khai thác tài nguyên thông tin điện tử của thư viện bằng dạng văn bản, hình ảnh, video… Đa số các thư viện liệt kê sẵn danh mục tài liệu như sách, giáo trình, bách khoa thư, từ điển, sổ tay, luận án, luận văn, sách điện tử, tạp chí điện tử, các cơ sở dữ liệu (CSDL), các trang web (thường kèm theo ảnh bìa, liên kết điện tử đến tài liệu, CSDL cụ thể) và rất nhiều thông tin quan trọng khác mà người làm thư viện cảm thấy cần thiết, hỗ trợ tốt nhất cho bạn đọc học tập và nghiên cứu chủ đề đó.
2. Lịch sử của Hướng dẫn theo chủ đề
Hướng dẫn theo chủ đề được đề cập lần đầu tiên vào năm 1973: “Hướng dẫn theo chủ đề là một bản đồ về tài nguyên thông tin của thư viện. Nó định vị thông tin giúp họ tìm kiếm các tài liệu trong thư viện dễ dàng” [1].
Tuy nhiên vào năm 1973, các tên gọi cũng như nội dung của các hướng dẫn theo chủ đề cũng khác nhiều so với hiện nay [2]. Thời gian đầu các thư viện sử dụng thuật ngữ “dẫn đường” và hơn 30 năm sau đó, hầu hết các thư viện trên toàn nước Mỹ sử dụng một loạt các thuật ngữ khác để gọi nó như: Hướng dẫn môn học, hướng dẫn nghiên cứu, công cụ nghiên cứu, hướng dẫn tìm tin, hướng dẫn thư viện điện tử, bộ sưu tập tài nguyên Internet, danh sách tài nguyên hoặc cổng thông tin đối tượng...
Tựu trung lại thì ý tưởng chính của các hướng dẫn theo chủ đề này vẫn là cung cấp một điểm khởi đầu cho học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên, giúp họ định vị thông tin một cách nhanh chóng. Rất nhiều hướng dẫn hiện nay ngoài giới thiệu tài nguyên thông tin theo các chủ đề cụ thể, nhiều thư viện còn xây dựng các trang về kiến thức thông tin hay có thư viện còn gọi là năng lực thông tin, các vấn đề về đạo văn, các bước viết một bài báo/ công trình khoa học, các phát minh sáng chế, các công cụ quản lý trích dẫn Endnote, Zotero…
Hình 1.Giao diện chủ đề Toán học của Đại học Quốc gia Singapore [3]
Điều này có thể giải thích tại sao sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu là những đối tượng bạn đọc sử dụng các hướng dẫn này một cách thường xuyên nhất [4].
Và cho đến nay thuật ngữ “Subject guides” đã được thống nhất và sử dụng ở tất cả các thư viện đại học trên thế giới, các thư viện đại học danh tiếng và có thứ hạng cao đều xây dựng sản phẩm thông tin này. Ở Việt Nam, bước đầu cũng đã có một số thư viện tạo lập thông tin cho các chủ đề như: Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ; Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên; Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội… nhưng đa số nội dung chưa được đầy đủ, phong phú, còn sơ sài, mà nguyên nhân là do các thư viện đại học Việt Nam chưa có công cụ tốt và một yếu tố đặc biệt quan trọng là nguồn tài nguyên thông tin cả in ấn và điện tử còn nghèo nàn và không được cập nhật.
3. Nội dung của một Hướng dẫn theo chủ đề
Mỗi thư viện hoặc người làm thư viện xây dựng sản phẩm thông tin này theo một phong cách khác nhau. Đầu tiên phụ thuộc vào công nghệ hỗ trợ cho phép xây dựng, thiết kế theo hướng nào, kế đến là chương trình đào tạo, nghiên cứu theo chủ đề của đơn vị, cũng như tài nguyên thông tin hiện có của thư viện và cuối cùng là khả năng, trình độ của người làm thư viện. Một số thư viện xây dựng dữ liệu theo một “khung” cố định, điều này đảm bảo tính nhất quán trong kết quả đầu ra của các Hướng dẫn theo chủ đề, nhưng lại hạn chế khả năng sáng tạo của người làm thư viện và tất nhiên còn một nội dung quan trọng khác phải tính đến là không phải chủ đề nào cũng có những nội dung “cứng” như vậy. Điều này thể hiện rõ ở chủ đề khoa học tự nhiên và công nghệ khác chủ đề khoa học xã hội, khác chủ đề kinh tế - luật, ngôn ngữ…
Mặc dù vậy, qua khảo sát trên trang web khoảng 100 thư viện trong và ngoài nước thì các thư viện chủ yếu tập trung vào các nội dung sau:
3.1. Thông tin chung (trang chính)
Tại trang này sẽ giới thiệu khái quát về những nội dung được trình bày trong toàn bộ Hướng dẫn theo chủ đề, đối tượng sử dụng là ai (học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu). Một số thư viện có thể đưa ra các liên kết điện tử đến hướng dẫn của các thư viện khác với cùng chủ đề đang được đề cập hoặc các liên kết điện tử đến những chủ đề gần với chủ đề chính. Ví dụ, chủ đề chính là địa chất học thì các chủ đề liên quan sẽ thuộc khoa học trái đất như địa lý học, khí tượng học, thuỷ văn học, hải dương học… Có thư viện đưa những video ngắn giới thiệu về ngành/ chuyên ngành đó để bạn đọc mới (như là sinh viên năm thứ nhất chẳng hạn) nắm bắt được khoa học đó nghiên cứu những vấn đề gì và nghiên cứu như thế nào.
3.2. Trang tài liệu in truyền thống của thư viện
Hình 2: Giao diện thông tin chung chủ đề khoa học máy tính của Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội[5]
Nội dung tiếp theo sau trang chính thường là tài nguyên thông tin in ấn truyền thống của thư viện như sách, giáo trình, tạp chí. Để khai thác nguồn thông tin này hiệu quả chính là mục lục của thư viện. Đối với công cụ tạo lập chuyên nghiệp sẽ cho phép người làm thư viện “nhúng” giao diện tra cứu vào và bạn đọc có thể tra cứu tài liệu trực tiếp ở đây.
Ở đây, người làm công tác xử lý chủ đề thường trình bày, liệt kê theo nội dung của chủ đề bằng các ký hiệu phân loại và được tìm sẵn trong mục lục thư viện, bạn đọc chỉ cần nhấp chuột vào các liên kết đó để có được các thông tin về tài liệu có trong thư viện hoặc trong trường hợp công cụ tạo lập cho phép, người làm thư viện có thể gán các ảnh bìa tài liệu để bạn đọc có thể trực quan về tài liệu được giới thiệu. Nếu tài liệu chưa có ảnh bìa thì quét hoặc lấy liên kết ảnh bìa từ Internet. Một số từ khoá đề xuất về chủ đề cũng hay được sử dụng để gợi ý cho bạn đọc tìm kiếm.
3.3. Trang tài liệu tham khảo
Thông tin ở trang này thông thường là Bách khoa toàn thư, từ điển hoặc sổ tay, nghĩa là các tài liệu cơ bản, nền tảng của chủ đề chính. Cũng như trang tài liệu in ấn truyền thống, người xử lý nội dung sẽ liệt kê ra một danh mục các bách khoa thư, từ điển, sổ tay có trong thư viện và đối với những thư viện có mua tài liệu điện tử thì các liên kết đến tài liệu điện tử cũng sẽ được trình bày như tài liệu in, chỉ khác là bạn đọc được cấp quyền có thể xem trực tuyến các tài liệu này.
3.4. Trang cơ sở dữ liệu, tạp chí điện tử, sách điện tử
Hình 3. Giao diện CSDL điện tử chủ đề Sinh học của Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội [6]
Các CSDL điện tử sẽ được giới thiệu ở trang này. Đối với những thư viện nhỏ, mua ít CSDL thì có thể giới thiệu tất cả các CSDL thư viện có để bạn đọc biết, những thư viện lớn, tài nguyên thông tin điện tử nhiều, để tránh bị rối và giới thiệu những CSDL không phù hợp thì chỉ những CSDL có nội dung phù hợp với chủ đề mới được đề cập và giới thiệu. Các CSDL điện tử thường được các nhà cung cấp hoặc đại lý bán qua IP (có thể hiểu đơn giản là dịch vụ truy cập Internet cho các máy tính, thiết bị thông minh) của đơn vị sử dụng, nên các thiết bị truy cập tại đơn vị chỉ cần truy cập thẳng vào liên kết điện tử CSDL. Ví dụ: http://sciencedirect.com/; http://dl.acm.org/; http://link.springer.com; http://www.ams.org/mathscinet/...
Phần nhiều các thư viện lớn đều hỗ trợ bạn đọc truy cập các CSDL điện tử từ xa thông qua mạng riêng ảo (VPN) hoặc thuận tiện nhất là qua Proxy. Công cụ hỗ trợ truy cập qua Proxy chuyên nghiệp nhất hiện nay là Ezproxy, sản phẩm đang được cung cấp bởi OCLC. Bạn đọc của thư viện ở bất cứ đâu sau khi đăng nhập qua Proxy sẽ được hiểu như đang truy cập dịch vụ tại đơn vị. Khi đó các liên kết điện tử đến CSDL sẽ được thiết lập thêm một tên miền là Proxy của đơn vị đó. Ví dụ: http://db.lic.vnu.edu. vn:2048/login?url=http://www.ams. org/mathscinet/; http://db.lic.vnu.edu.vn:2048/login?url=http://www.emeraldinsight.com/.
Một CSDL điện tử là một tập hợp các tạp chí điện tử, sách điện tử… do đó có những thư viện chỉ mua quyền truy cập từng tạp chí điện tử hoặc gói sách điện tử riêng biệt, nên việc đặt các liên kết này hoàn toàn giống như đặt các liên kết đến CSDL.
Hiện nay, các tạp chí khoa học ở tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ cho phép truy cập mở (open access) là vô cùng lớn, vì vậy các thư viện đều tận dụng nguồn tài nguyên này để giới thiệu đến bạn đọc. Người xử lý thông tin chỉ cần đưa liên kết đến các tạp chí truy cập mở này và chi tiết hơn có thể giới thiệu sơ lược và cách thức truy cập. Các CSDL và tạp chí truy cập mở đang được truy cập nhiều nhất hiện tại như: http://arxiv. org/ (truy cập mở toán, lý, khoa học máy tính, sinh của Đại học Cornell); http://www.ssrn.com/ en/ (mạng nghiên cứu về khoa học xã hội); https: //doaj.org/ (Thư mục các tạp chí truy cập mở); http://www.oajse.com/ (công cụ tìm kiếm tài liệu truy cập mở toàn cầu).
Khi xử lý nội dung tài nguyên này, người làm thư viện hoàn toàn có thể đưa ra một mục riêng và đặt tên là nguồn Internet, truy cập mở, truy cập miễn phí…
3.5. Trang các tổ chức, hiệp hội
Mục đích của trang này là giới thiệu đến bạn đọc các tổ chức trong và ngoài nước có cùng chủ đề, lĩnh vực với chủ đề đang được đề cập. Điều này có tác dụng rất lớn đối với bạn đọc là sinh viên năm thứ nhất để họ có một bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực bản thân sẽ được đào tạo và nghiên cứu, cho sinh viên biết sau khi tốt nghiệp ra trường có thể công tác ở cơ quan, viện nghiên cứu…
3.6. Trang luận án, luận văn
Luận án, luận văn là nguồn tài nguyên nội sinh có giá trị khoa học cao, qua số lượng và chất lượng của nó khẳng định giá trị, thương hiệu của một đơn vị đào tạo. Hiện các đại học trên thế giới sử dụng phần mềm mã nguồn mở như Dspace (ban đầu do học viện MIT và HP phối hợp xây dựng), Eprint (do Đại học Southampton, Anh xây dựng) để xây dựng các bộ sưu tập số trong đó có luận án, luận văn. Để xây dựng phần mục này có thể đưa giao diện tra cứu của phần mềm quản trị tài liệu nội sinh hoặc cụ thể hơn là các liên kết đến bộ sưu tập luận án, luận văn của chủ đề. Những kho tài nguyên nội sinh, cụ thể hơn là luận án, luận văn truy cập mở trên thế giới cũng thường được người làm thư viện giới thiệu.
3.7. Khác
Một số nội dung khác hay được người xử lý thể hiện như giới thiệu các sáng chế, cách viết một bài báo khoa học, các công cụ trích dẫn và quản lý trích dẫn như: Endnote, Mendeley, Zotero và đi cùng với các công cụ này là cách trình bày tài liệu tham khảo kiểu Harvard, MLA, APA có video hướng dẫn đi kèm. Các video có thể do thư viện tự tạo ra hoặc thu thập từ Youtube. Rất nhiều thư viện để các hướng dẫn chi tiết sử dụng thư viện cho từng nhóm đối tượng, đôi khi là các trang về kiến thức/ năng lực thông tin.
Một nội dung không thể thiếu chính là hình ảnh và thông tin của người xử lý hướng dẫn và hỗ trợ theo chủ đề. Đăng tải những bức ảnh với nụ cười thân thiện để bạn đọc thấy sự gần gũi, mọi lúc, mọi nơi như có người làm thư viện ngay bên cạnh thể hiện tính chuyên nghiệp và sự tận tâm của người làm thư viện giai đoạn mới. Ngoài ra, các thông tin cá nhân cũng được cung cấp đến bạn đọc như điện thoại, thư điện tử (email) và hộp đối thoại (chat) là những nội dung quan trọng mà sản phẩm thông tin này đang được các thư viện quan tâm.
4. Công cụ chuyên nghiệp để xây dựng Hướng dẫn theo chủ đề
Các thư viện hiện đại trên thế giới hiện nay đang sử dụng phổ biến một công cụ tên là Libguides để xây dựng các Hướng dẫn theo chủ đề phục vụ bạn đọc. Libguides, Libanswers, Libana lytics, Libcal… là sản phẩm của Springshare.com được thành lập vào năm 2007 bởi Slaven Zivkovic [7] - một doanh nhân có rất nhiều kỷ niệm với thư viện từ thời học đại học vì ông thường xuyên làm việc bán thời gian cho thư viện. Cùng với các cộng sự của mình đã tạo ra các ứng dụng web phục vụ cho các thư viện và được đánh giá là nhà phát triển các ứng dụng, dịch vụ cho thư viện nhanh chóng nhất hiện nay. Tính đến hiện tại, Springshare đã cung cấp phần mềm và dịch vụ cho khoảng 4.800 thư viện tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ cho 78.000 người làm thư viện sử dụng và 5,9 triệu lượt bạn đọc của các thư viện sử dụng/ 1 tháng. Các đại học lớn của một số quốc gia trong khu vực đã sử dụng sản phẩm này để xây dựng các hướng dẫn theo chủ đề như: Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Nanyang, Đại học Chulalongkorn…
Tại Việt Nam, chưa có thư viện nào mua sản phẩm của Springshare để xây dựng sản phẩm thông tin này, các hướng dẫn đã có đều xây dựng trên các hỗ trợ của trang web thư viện thông thường.
5. Những thách thức đối với người xây dựng chủ đề
Xây dựng các Hướng dẫn theo chủ đề là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức của người làm thư viện, chưa kể tới mỗi người làm thư viện phải có “trình độ của một chuyên gia” hoặc ít ra là trình độ cơ bản của chủ đề khoa học đang được xây dựng, mà vấn đề này lại càng khó khăn với đội ngũ người làm thư viện đại học của Việt Nam hiện nay là số lượng người làm thư viện bị hạn chế hoặc chuyên môn theo các ngành/ chuyên ngành không đa dạng. Ngoài ra, việc duy trì, cập nhật thông tin mới hoặc phát triển riêng theo ý tưởng của từng người xây dựng và hỗ trợ đến mức độ nào của công cụ tin học là những thách thức không nhỏ đối với vấn đề này. Kết quả sau cùng trước khi đưa ra phục vụ lại rất cần có sự kiểm duyệt của các nhà khoa học chuyên ngành và vấn đề này nếu không có cơ chế hành chính thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ của thư viện/ người làm thư viện với các nhà chuyên môn.
6. Đề xuất, kiến nghị
Với mong muốn các thư viện Việt Nam nhanh chóng tiếp cận trình độ các thư viện khu vực và trên thế giới, đồng thời thích ứng nhanh với các sản phẩm thông tin hiện đại để có thể đưa ra các dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho bạn đọc của thư viện, cần có nhiều hội thảo về sản phẩm và dịch vụ thông tin hiện đại, các lớp xây dựng Hướng dẫn theo chủ đề để các thư viện nói chung và thư viện đại học nói riêng đều có thể xây dựng được sản phẩm có chất lượng nhất. Thực tế, tuỳ vào công nghệ và tài nguyên thông tin của từng thư viện cụ thể sẽ có những sản phẩm khác nhau, nhưng về cơ bản nếu các ngành ở các trường đại học gần giống nhau thì các thư viện hoàn toàn có thể sử dụng chung các hướng dẫn này.
Việc mua công cụ chuyên nghiệp Springshare của các thư viện Việt Nam là rất khó khăn, chưa kể kinh phí dịch vụ duy trì, nâng cấp hàng năm là những trở ngại rất lớn để các thư viện có được công cụ chuyên nghiệp. Vì vậy, các tác giả mạnh dạn đề xuất là Vụ Thư viện hoặc Thư viện Quốc gia Việt Nam đứng ra làm đầu mối xây dựng dự án viết phần mềm tương tự như Libguides, Libcal, Libanalytics của Springshare, sau đó cung cấp cho các thư viện Việt Nam để xây dựng sản phẩm thông tin mới này.
7. Kết luận
Xây dựng các Hướng dẫn theo chủ đề trong các thư viện, đặc biệt là thư viện các trường đại học, học viện ở Việt Nam là một việc làm quan trọng và hết sức cần thiết trong giai đoạn phát triển lên thư viện hiện đại hiện nay. Sản phẩm thông tin này đã khẳng định chỗ đứng thông qua “Subject guides” đăng tải ở trang web thư viện các trường đại học trên thế giới và kết quả thống kê khách hàng của tập đoàn Springshare. Sản phẩm Hướng dẫn theo chủ đề của Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ và Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội mặc dù chưa đầy đủ và có chất lượng chưa cao bởi nhiều lý do như công nghệ hỗ trợ, tài nguyên thông tin… nhưng những phản hồi, đánh giá từ bạn đọc là rất hữu ích cho việc học tập và nghiên cứu trong bối cảnh, xu thế bạn đọc ít đến trực tiếp thư viện hơn mà muốn khai thác thư viện từ xa, mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, sản phẩm thông tin này còn hỗ trợ đắc lực cho các thư viện dùng để hướng dẫn sinh viên sử dụng thư viện đầu năm học, cũng như các trường cần phải kiểm định, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Charles H. Stevens et al. Library Pathfinders: A New Possibility for Cooperative Reference Service // College & Research Libraries. - 1973. - No. 4. - P. 40-46.
2. Shannon M. Staley. Academic Subject Guides : A Case Study of Use at San Jose State University // College & Research Libraries. - 2007. - No.2. - P. 119-140.
3. University of Maryland Libraries. Open Forum on the Future of Guides : Sample Guides through the Years. Http://www.lib.umd.edu/guides/group/samp- le guides.html (Truy cập 7/5/2008).
3. Http://libguides.nus.edu.sg/mathematics.
4. Http://lic.vnu.edu.vn/index.php/nckh-khoa-hoc- may-tinh-home.
5. Http://lic.vnu.edu.vn/index.php/nckh-sinh-hoc- database.
6. Http://www.springshare.com/.
______________
ThS. Lê Bá Lâm
Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 5. - Tr. 24-28,34.
< Prev | Next > |
---|
- Xây dựng các hướng dẫn sử dụng thư viện trên môi trường web
- PR trong hoạt động thư viện một hướng nhìn mới
- Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam
- Lưu trữ web - nhiệm vụ của thư viện trong thời đại thông tin số
- Nghiên cứu mô hình phục vụ của thư viện trường học
- Đi tìm động lực mới cho sự phát triển của thư viện công cộng
- Phát triển nguồn nhân lực tại các thư viện đồng bằng sông Hồng:Nghiên cứu trường hợp
- Một vài nét về kho tài liệu vi dạng của Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Phát triển không gian học tập chung hỗ trợ hành vi thông tin: yêu cầu đối với người làm thư viện
- Ứng dụng quảng cáo qua mạng trong hoạt động thư viện đại học