Đặt vấn đề
Từ những năm 1990 và cho đến nay, một loại hình dịch vụ mới xuất hiện trong các thư viện đại học ở Bắc Mỹ, Châu Âu và nhiều nơi khác. Dịch vụ này được biết đến với tên gọi là Information Commons - không gian học tập chung, được thiết kế đặc biệt để tổ chức không gian và dịch vụ trong môi trường số tích hợp [1] đã thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà quản trị đại học và thư viện.
Không gian học tập chung là một thuật ngữ xuất hiện trong lĩnh vực thư viện - thông tin ở Việt Nam trong những năm gần đây. Có một số tên gọi khác nhau đối với thuật ngữ này như: không gian học tập mở, không gian học tập cộng đồng hay không gian học tập tích hợp. Dù cách dịch khác nhau nhưng về cơ bản, không gian học tập chung là kết quả của sự kết hợp giữa thư viện và công nghệ trong không gian thư viện. Không gian học tập chung gồm không gian vật lý như cơ sở vật chất, trang thiết bị của thư viện và không gian công nghệ. Không gian học tập chung góp phần thiết lập và phát triển các mối tương tác trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên, mối tương tác trong quá trình học tập của sinh viên với sự hỗ trợ của công cụ, công nghệ và thông tin. Các mối quan hệ thường là giữa sinh viên - sinh viên, sinh viên - giảng viên, sinh viên - viên chức, sinh viên - trang thiết bị, sinh viên - thông tin.
Để xây dựng và vận hành không gian học tập chung, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, công nghệ... Trong đó, yêu cầu về năng lực của người làm thư viện (NLTV) đại học được xem là yêu cầu không thể thiếu đối với loại hình dịch vụ này.
1. Không gian học tập chung và tác động đối với hành vi thông tin người dùng tin
Không gian học tập chung còn được hiểu là không gian học thuật, không gian thông tin chung hay không gian số là những không gian mang tính giáo dục, tương tự như thư viện và phòng học, mà ở đó chia sẻ không gian về công nghệ thông tin, giáo dục trực tuyến và giáo dục từ xa, giám sát, hợp tác, sáng tạo, hội họp, đọc và học tập [3].
Trong hoạt động thư viện, không gian học tập chung được hiểu là loại hình dịch vụ tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin và thư viện (lưu hành, tham khảo, hỗ trợ máy tính và khu vực học tập, kể cả nghe nhìn), cung cấp những dịch vụ cải tiến, cho phép người sử dụng có thể nhận được sự hỗ trợ của nơi cung cấp để đạt được kỹ năng kiến thức thông tin, kỹ năng kiến thức kỹ thuật, hay kỹ năng kiến thức điện tử [2].
Không gian học tập chung ngày nay phổ biến trong các thư viện đại học và thư viện chuyên ngành, một số thư viện trường học và thư viện công cộng cũng đã áp dụng mô hình này. Kiến trúc, nội thất, tổ chức về mặt vật lý góp phần quan trọng vào đặc trưng của không gian học tập chung, những không gian thường được thiết kế để người dùng tin (NDT) có thể bố trí lại theo nhu cầu của họ. Với những đặc điểm gắn liền với công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại, không gian học tập chung có những tác động nhất định đối với hành vi thông tin (HVTT) của NDT.
Thứ nhất, không gian học tập chung cung cấp môi trường, không gian học tập, gặp gỡ của NDT với sự hỗ trợ của công nghệ. Cung cấp không gian nơi sinh viên, giảng viên có thể gặp gỡ, trò chuyện, học hỏi và sử dụng trang thiết bị là một trong những tác động mà không gian học tập chung mang lại cho NDT. Với không gian này, NDT có thể khai thác các chức năng của các loại hình tích hợp với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Các bộ phận trong không gian học tập chung cho phép NDT lựa chọn phù hợp nhu cầu như quầy dịch vụ hỗ trợ cho NDT khi có nhu cầu sử dụng không gian học tập chung, hướng dẫn NDT xác định nguồn tin và các sản phẩm, dịch vụ mà thư viện cung cấp; khu vực học nhóm được trang bị máy tính, máy chiếu và các phương tiện hỗ trợ; trung tâm máy tính cung cấp các tiện ích về phần cứng, phần mềm cho NDT; hay trung tâm giảng dạy công nghệ cho phép NDT sử dụng công nghệ trong giảng dạy chuyên ngành... Ngoài ra, một số tiện ích khác trong không gian học tập chung như phòng học điện tử, phòng tổ chức sự kiện, hội họp và khu vực giải trí.
Thứ hai, hỗ trợ HVTT phối hợp của NDT trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. HVTT của NDT chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, bắt đầu từ nhu cầu tin được hình thành, cho đến quá trình xác định và lựa chọn nguồn tìm, xác định chiến lược tìm tin, sử dụng hệ thống tìm tin, chọn lọc, đánh giá và lưu trữ thông tin cho đến quá trình sử dụng, chia sẻ thông tin trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Với không gian học tập chung, giảng viên có thể sử dụng các tiện ích của thư viện, chẳng hạn không gian với sự hỗ trợ của truyền thông, phương tiện, công nghệ giúp giảng viên làm việc nhóm để thực hiện đề tài, trao đổi học thuật, chuẩn bị bài giảng hay hỗ trợ sinh viên thực hiện nhiệm vụ học tập. Mục tiêu của không gian học tập chung là cung cấp một không gian tập trung cho tất cả NDT nhằm giúp họ giải quyết những vấn đề trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Khi đó, xây dựng, tổ chức không gian học tập trong thư viện giúp thúc đẩy quá trình làm việc phối hợp và tương tác xã hội giữa những nhóm NDT với nhau trong quá trình học tập, nghiên cứu. Công nghệ tiên tiến và các nguồn lực thông tin sẽ giúp không gian học tập chung trở nên hữu ích hơn khi tác động đến HVTT của NDT.
Thứ ba, hình thành và định hướng hành vi của NDT sử dụng công nghệ trong quá trình tương tác với thông tin. Công nghệ là một phần của cuộc sống hàng ngày, của mỗi người cũng như là một phần của quá trình học tập. Con người sử dụng công nghệ để giao tiếp, thể hiện, nghiên cứu, tìm kiếm nguồn tin hay truy cập các nguồn tin khác nhau. Người học ngày nay sống trong thế giới kết nối và mong muốn có sẵn những công cụ mà họ đã quen dùng [5].
Sử dụng công nghệ hiện đại được xem là một trong những khuynh hướng nổi bật đối với hành vi tìm kiếm thông tin của NDT. Không gian học tập chung cho phép NDT có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại được trang bị tại thư viện. Quá trình này sẽ có hoặc không có sự hỗ trợ của NLTV đại học. Tuy nhiên, quá trình tương tác giữa sinh viên với công nghệ sẽ giúp sinh viên rèn luyện được kỹ năng thông tin, đồng thời sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng về công nghệ trong giai đoạn được đào tạo tại trường và sau khi sinh viên tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động, hay những kỹ năng mà người học đạt được sẽ là một phần thiết yếu trong bản lý lịch của họ khi họ bước chân vào thế giới tương lai [5].
Nhìn chung, HVTT của NDT biểu hiện qua mối tương tác giữa NDT đối với thông tin, cũng như có sự hỗ trợ của công nghệ, hệ thống tìm tin. Như vậy, không gian học tập chung với công cụ, trang thiết bị, công nghệ có tác động rất lớn đối với HVTT của NDT trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập và giải trí.
2. Yêu cầu về năng lực đối với người làm thư viện đại học trong xây dựng không gian học tập chung hỗ trợ hành vi thông tin
Để tổ chức, xây dựng không gian học tập chung đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau như cơ sở vật chất, sự hỗ trợ về mặt công nghệ và năng lực đối với đội ngũ NLTV đại học. Thực sự, quá trình thiết kế, xây dựng, duy trì không gian học tập chung có thể là giải pháp lớn trong phát triển sản phẩm, dịch vụ đối với một thư viện đại học hạn chế về nguồn lực như: kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất... Do vậy, phối hợp giữa các thư viện đại học cùng hệ thống có thể xem là biện pháp khắc phục khó khăn này. Tuy nhiên, về lâu dài, để không gian học tập chung được phổ biến trong các thư viện đại học, thì ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, kinh phí, công nghệ thì yêu cầu về nhân lực để quản lý và vận hành không gian học tập chung cũng thực sự quan trọng. Bối cảnh hiện nay cho thấy, cần thiết phải xây dựng và phát triển đội ngũ NLTV có đầy đủ năng lực để phát huy giá trị của thư viện hiện đại, không gian học tập chung đối với HVTT của NDT.
Dựa trên những nghiên cứu từ nhiều tác giả và từ quan điểm cá nhân, ba tiêu chuẩn cốt lõi để hình thành bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của NLTV để xây dựng và vận hành không gian học tập chung bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực xã hội và năng lực phát triển nghề nghiệp. Trong đó, với mỗi năng lực gồm các yêu cầu cụ thể, nhằm giúp đánh giá một cách chính xác và hiệu quả năng lực của từng NLTV.
2.1. Năng lực chuyên môn và công nghệ thông tin
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã phân tích rất chi tiết và đầy đủ ở những góc độ khác nhau với yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về năng lực chuyên môn của NLTV. Tiêu biểu như về kiến thức, mỗi NLTV phải có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn thư viện - thông tin đã được đào tạo. Mặt khác, thư viện - thông tin là một lĩnh vực liên ngành, do vậy NLTV cần có kiến thức bổ trợ về các lĩnh vực liên quan như xã hội học, tâm lý học, kinh tế, giáo dục, công nghệ thông tin và kiến thức tổng quát về kinh tế, xã hội của quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chỉ đi sâu về năng lực đối với NLTV khi hỗ trợ HVTT của NDT trong không gian học tập chung.
Trước hết, để có thể hỗ trợ tốt nhất đối với HVTT của NDT, NLTV phải có kiến thức tổng quát và cơ bản về các chuyên ngành đào tạo của trường, hay chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu của NDT. Những hiểu biết này là bắt buộc, bởi lẽ quá trình nhận diện nhu cầu tin của NDT, quá trình bổ sung tài liệu, xử lý thông tin ở mức độ nào hay quá trình tạo lập sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin phải đảm bảo phù hợp với lĩnh vực mà NDT quan tâm. Ví dụ, khi thực hiện bài giảng cho người học, giảng viên có xu hướng tìm những tài liệu như công trình nghiên cứu, tài liệu chuyên khảo... liên quan đến môn học đảm trách. Hay đối với nghiên cứu khoa học, tuỳ thuộc vào vấn đề nghiên cứu trong từng lĩnh vực, giảng viên sẽ lựa chọn các tài liệu mang tính lý luận, chuyên sâu và cần những hỗ trợ về tìm kiếm tài liệu từ các nguồn khác nhau của NLTV. Tương tự, đối với sinh viên, khi thực hiện bài tập, bài luận hay chuẩn bị bài thuyết trình cũng có nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin phù hợp nhất. Ở giai đoạn này, với sự am hiểu lĩnh vực, chủ đề mà NDT quan tâm, NLTV cần nắm bắt kịp thời nhu cầu của NDT và chủ động tìm kiếm các nguồn, tạo lập sản phẩm thư viện - thông tin và cung cấp kịp thời dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ được trang bị trong không gian học tập chung. Mặt khác, với kiến thức này, NLTV có thể tạo lập và xây dựng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với HVTT trong bối cảnh Internet và công nghệ phát triển như hiện nay.
Bên cạnh đó, yêu cầu về kỹ năng bao gồm các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Với kỹ năng chuyên môn, NLTV phải thành thạo tất cả các kỹ năng liên quan đến công việc của mỗi người trong lĩnh vực thư viện - thông tin, chẳng hạn, kỹ năng liên quan đến thu thập, lựa chọn, xử lý, tổ chức, cung cấp... thông tin, sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ của thư viện đến NDT trong không gian học tập chung. Đặc biệt, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin có thể xem là tiêu chí quan trọng đối với năng lực chuyên môn của NLTV. Bởi lẽ, HVTT của NDT luôn biến động, NLTV phải có khả năng xử lý những tài liệu, thông tin sẵn có hoặc thu thập được và cung cấp cho NDT. Chẳng hạn, khi có nhu cầu thực hiện một tổng quan nghiên cứu đề tài luận án tiến sỹ, giảng viên sẽ có nhu cầu mức độ xử lý thông tin là đầy đủ, toàn diện và chuyên sâu về vấn đề đang thực hiện. Tương tự, kỹ năng mềm cũng là yêu cầu cần thiết để NLTV hoàn thiện năng lực chuyên môn của mình để hỗ trợ cho công việc và HVTT của NDT. Kỹ năng mềm liên quan đến tin học, ngoại ngữ; kỹ năng quản lý liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, nguồn lực thông tin, cơ sở vật chất và đặc biệt là quản lý sự tác động của công nghệ thông tin đối với không gian học tập chung của thư viện là những tiêu chí để đánh giá về mối tương quan giữa năng lực của NLTV đối với quá trình hỗ trợ HVTT của NDT.
Ngoài ra, thái độ, trách nhiệm của NLTV đối với nghề nghiệp, công việc, đối với NDT chính cũng là tiêu chí về năng lực chuyên môn của NLTV. Rõ ràng, chất lượng hỗ trợ NDT chỉ tốt khi NLTV có thái độ phù hợp và tích cực. Chẳng hạn, khi đam mê công việc và nhận thức được vai trò của mình đối với quá trình hỗ trợ NDT, thì NLTV sẽ chủ động và tích cực hơn trong công việc thực hiện, trong sản phẩm, dịch vụ mà NLTV cung cấp cho NDT trong quá trình học hỏi và tự hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển không gian học tập chung.
Đặc biệt, năng lực của NLTV về công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức không gian học tập chung rất quan trọng. Bởi lẽ, trong điều kiện này, NLTV là những người phải thực sự am hiểu và thành thạo về các công cụ, phương tiện công nghệ thông tin để có thể khai thác tối đa các tiện ích mà công nghệ mang lại, đồng thời hỗ trợ hiệu quả NDT.
2.2. Năng lực xã hội
Trong không gian học tập chung, tương tác giữa NLTV và NDT là hoạt động thường xuyên diễn ra, đòi hỏi NLTV phải có khả năng tương tác tốt với NDT. Năng lực này có thể được hiểu là năng lực xã hội của NLTV - bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ liên quan đến giao tiếp, tương tác giữa NLTV đối với NDT trong các trường đại học. Năng lực xã hội của NLTV đề cập đến khả năng tương tác tích cực với những cá nhân khác, bao gồm các kỹ năng xã hội tích cực cần thiết để có thể tương tác với những người khác, bao gồm a) tôn trọng và thể hiện sự đánh giá cao đối với những người khác; b) khả năng làm việc và giao tiếp tốt với người khác và lắng nghe ý kiến của người khác; c) biểu hiện hành vi thích hợp ngữ cảnh, đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực xã hội; d) sử dụng một loạt các kỹ năng hoặc quy trình nhằm giải quyết xung đột/ mâu thuẫn [4].
Trong bối cảnh không gian học tập chung, trước khi nhu cầu tin của NDT còn tiềm ẩn hoặc nhu cầu tin đã thể hiện, NLTV sẽ tương tác với NDT để nhận diện được nhu cầu tin của NDT, từ đó cung cấp các hướng dẫn về nguồn tìm tin của thư viện, các phương tiện, kỹ thuật, công cụ, cách thức tìm tin hiệu quả. Qua đó, NDT có thể sử dụng và chia sẻ các nguồn lực thông tin, tiện ích công nghệ do NLTV cung cấp để phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Ngày nay, năng lực xã hội của NLTV không chỉ giới hạn trong phạm vi không gian vật lý của mỗi thư viện, bởi lẽ, các thành tựu công nghệ thông tin đã và đang ứng dụng, phát triển rộng rãi và hiệu quả trong không gian học tập chung, từ hoạt động xây dựng nguồn lực thông tin, chia sẻ nguồn lực đó đến cộng đồng NDT. Điều này đòi hỏi về năng lực xã hội của NLTV cao hơn trong bối cảnh đó. NLTV cần phải có năng lực xã hội đa phương tiện để có thể tương tác hiệu quả với NDT. Những yêu cầu về năng lực xã hội đa phương tiện này có thể là hiểu biết, giải thích và hướng dẫn cho NDT về những nguyên tắc, cũng như xu hướng của web 2.0; hiểu biết và có kỹ năng ứng dụng các công cụ, phương tiện truyền thông xã hội để giải quyết vấn đề thông tin, truyền thông kỹ thuật số với NDT; sử dụng mạng xã hội đối với các dịch vụ hướng dẫn, tham khảo, khuyến thị trong thư viện. Những hiểu biết, kỹ năng này của NLTV sẽ giúp NDT có thể phối hợp tương tác hiệu quả để hoàn thiện HVTT hơn. Đặc biệt, năng lực tương tác xã hội nói chung của NLTV phải tuân thủ các nghi thức, phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức và tương tác trực tuyến, hay trực tiếp với NDT.
Có thể thấy, trong bối cảnh môi trường thông tin số, HVTT của NDT cũng thay đổi đa dạng và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, NLTV phải hiểu được những yếu tố tác động đến HVTT của NDT là gì, mức độ tác động, sự phức tạp của sự tác động đó đối với HVTT của NDT, từ đó có những biện pháp tác động để điều chỉnh và hỗ trợ. Chẳng hạn, yếu tố cá nhân của mỗi NDT như trình độ chuyên môn, giới tính, độ tuổi, thâm niên công tác... tác động đến HVTT của NDT. Kết quả phỏng vấn NDT là giảng viên cho thấy, hầu hết họ không có nhiều thời gian đến thư viện và đều không sử dụng trực tiếp các dịch vụ thư viện - thông tin, chủ yếu họ sử dụng các nguồn tài liệu điện tử và truy cập từ xa. Hiểu được hành vi tìm kiếm thông tin và hành vi tra cứu tin này, NLTV sẽ có những tác động đến hành vi của NDT bằng cách chủ động tiếp cận đến NDT trong trường qua các phương tiện giao tiếp đa phương tiện như email, facebook..., chủ động giới thiệu nguồn lực thông tin, không gian học tập chung và khả năng hỗ trợ của NLTV, cũng như thư viện nhằm hỗ trợ NDT một cách tối đa.
Một số phương thức điển hình để NLTV thể hiện năng lực này đối với nhóm NDT là thiết lập các nhóm NDT tương tác trực tiếp, chẳng hạn để hướng dẫn NDT trong tra cứu, xác định, đánh giá, lưu trữ thông tin; thiết lập những hoạt động tương tác giữa các cá nhân NDT trong nhóm với tư cách là NDT của thư viện, từ đó, NLTV chính là cầu nối để hiểu rõ về HVTT của NDT trong nhóm thông qua những phản hồi của hoạt động tương tác. Chẳng hạn, những NDT có kỹ năng tìm tin, đánh giá thông tin tốt sẽ hỗ trợ hay hướng dẫn cho NDT khác, điều này tương tự như hiệu ứng dây chuyền. Ngoài ra, NLTV cần có những kênh thông tin phản hồi thường xuyên và phân tích, nhận diện những thành quả, hạn chế của quá trình hỗ trợ NDT.
2.3. Năng lực phát triển nghề nghiệp
NLTV không chỉ cần có năng lực chuyên môn, năng lực xã hội mà cần phải có cả năng lực phát triển nghề nghiệp. Năng lực này thể hiện ở quá trình NLTV trao đổi học thuật, chuyên môn giữa các đồng nghiệp trong và ngoài thư viện. Quá trình hỗ trợ NDT của thư viện đòi hỏi NLTV phải có sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng với các NLTV khác. Quá trình này giúp NLTV có thể trang bị thêm những điều mà trước đó bản thân mỗi NLTV gặp khó khăn. Chẳng hạn, khi NDT có nhu cầu đa dạng mà thư viện chưa dự đoán được, thì việc trao đổi học thuật bằng các seminar, các buổi sinh hoạt chuyên môn, cũng như các buổi tập huấn giữa các thư viện sẽ thực sự hữu ích đối với NLTV. Không những vậy, NLTV cũng cần trang bị kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Khi đó, NLTV có thể hiểu nhiều hơn về HVTT của NDT. Chính NLTV là những người trải nghiệm với vai trò là NDT thì việc hiểu, cảm nhận và hỗ trợ cho NDT là rất thiết thực. Hơn nữa, khi đánh giá vai trò của NLTV đối với NDT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, giảng dạy, hay nghiên cứu khoa học, NLTV có thể giúp ích nhiều hơn về mặt kỹ năng, phương pháp, hay xử lý nội dung thông tin, hơn là chỉ hỗ trợ về mặt nguồn lực thông tin, tài liệu và cơ sở vật chất cho NDT. Ngược lại, khi đó NLTV cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội để học hỏi, hoàn thiện năng lực của bản thân, hình thành các ý tưởng giúp hoạt động của thư viện ngày càng hiệu quả, giúp cho quá trình hỗ trợ HVTT của NDT tốt hơn.
Nói tóm lại, không gian học tập chung ngày nay đang được nhiều thư viện đại học ở Việt Nam quan tâm và triển khai, đặc biệt khi NDT ngày
càng có xu hướng sử dụng công nghệ trong quá trình tìm kiếm, xử lý, tổ chức, sử dụng và chia sẻ thông tin. Hay nói cách khác, bối cảnh công nghệ thông tin đã trở thành một trong những yếu tố chi phối lớn đến HVTT của NDT. Để không gian học tập chung thực sự tác động hiệu quả đến HVTT của NDT, đòi hỏi NLTV có những năng lực nhất định. Năng lực chuyên môn, năng lực xã hội và năng lực phát triển nghề nghiệp của mỗi NLTV có thể được xem là ba năng lực cốt lõi để NDT có thể nhận được tối đa sự hỗ trợ, hướng dẫn của NLTV trong bối cảnh đó. Với những năng lực này, NLTV sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả của hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu của NDT trong quá trình thể hiện HVTT trong không gian học tập chung. Trên cơ sở đó, NDT có thể phát huy được vai trò của mình trong môi trường học thuật của nhà trường, cũng như mỗi NLTV sẽ thể hiện năng lực là người hỗ trợ cho NDT thực hiện vai trò của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Beagle, D.Conceptualizing an Information Commons // The Journal of Academic Librarianship. - 1999. - No. 25 (2). - P. 82-89.
2. Educause Learning Initiative. 7 things you should know about the modern learning commons. http://net.educause.edu/ir/library/pdf/ELI7071.pdf. Truy cập ngày 12/4/2016.
3. Beatty, S. and White, P.Information Commons: Models for e-literacy and the Integration of Learning // Journal of e-literacy. Http:// www.jelit.org/52/.
4. Urban Institute and ChildTrends. Interpersonal Skills/Social Competence. http://www.performwell.org/index.php/identify-outcomes/10-indicators/163-interpersonal-skills. Truy cập ngày 15/04/2016.
5. White, P., Beatty, S. and Warren, D.Information Commons // Encyclopedia of Library and Information Science, 2003.
__________________________________________
ThS. Bùi Hà Phương - ThS. Nguyễn Thành Nhẫn
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 5. - Tr. 24-28,34.
< Prev | Next > |
---|
- Ứng dụng quảng cáo qua mạng trong hoạt động thư viện đại học
- Giáo dục văn hoá đọc trong thư viện trường tiểu học ở Hà Nội
- Tác động của Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” với hoạt động thư viện và việc thúc đẩy văn hoá đọc
- Ứng dụng podcasting tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam
- Tài nguyên thông tin
- Thư viện trong kỷ nguyên số: Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian
- Hướng tới xây dựng bảng tra ký hiệu phân loại thập phân dewey dành cho tài liệu khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu trường hợp
- Giới thiệu trữ lượng tài liệu và các hoạt động tại Thư viện Viện Khảo cổ học
- Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh
- Nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc học tập tiếp tục của người làm thư viện đại học