Đặt vấn đề
Hiện nay, với sự xuất hiện của các phần mềm xã hội, thư viện của các trường đại học đã và đang có thêm những cơ hội, cũng như thách thức trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu hút và kết nối bền vững với cộng đồng người dùng tin (NDT). Dưới góc độ những cơ hội, có thể dễ dàng nhận thấy, thư viện các trường đại học có nhiều sự lựa chọn đối với các công cụ phần mềm xã hội nhằm gia tăng sự tương tác, giao tiếp với NDT như: mạng xã hội; wikis, blogs, đánh dấu xã hội, đánh giá xã hội, podcast… từ đó tăng cường sự gắn kết lâu dài và bền vững. Song, dưới góc độ những thách thức, các thư viện cần xác định, lựa chọn những công cụ phần mềm xã hội phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đồng thời ứng dụng bài bản và có điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc thù tổ chức của mình để đạt được hiệu quả mong muốn.
Một trong những vấn đề đặt ra với thư viện đại học hiện nay là sự kết nối giữa thư viện và cộng đồng NDT thiếu bền vững và gắn kết. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, tuy nhiên, khi bàn về các nguyên nhân cơ bản, không thể không đề cập tới nguyên nhân hạn chế trong giao tiếp và tương tác giữa thư viện với NDT, đặc biệt là trên môi trường trực tuyến. Để khắc phục nguyên nhân và giải quyết vấn đề nêu trên, một trong những giải pháp dịch vụ khá mới mẻ đối với thư viện các trường đại học ở Việt Nam, nhưng lại không xa lạ với các trường đại học trên thế giới, đó là ứng dụng podcast vào dịch vụ cung cấp thông tin cho NDT.
1. Podcasting là gì?
1.1. Khái niệm
Podcast là định dạng đa phương tiện được cung cấp định kỳ và có thể dễ dàng chia sẻ, trao đổi trên môi trường trực tuyến. Podcast có thể tồn tại dưới các định dạng phổ biến như: âm thanh (audio) và tổ hợp đa phương tiện (video) [3].
Podcasting là hình thức cung cấp thông tin dưới dạng podcast mà NDT có thể khai thác (xem, nghe, chia sẻ…) trực tuyến hoặc tải xuống và khai thác cục bộ trên các phương tiện công nghệ cá nhân [5].
Trong môi trường thư viện các trường đại học, có thể kể đến các loại hình thông tin cụ thể thuộc nhóm podcast như: sách tiếng; thông tin dưới dạng âm thanh (audio), phim ngắn tư liệu theo chủ đề; các đoạn phim ngắn (video clips) về bài giảng, hội thảo… Có thể hiểu, sản phẩm của podcasting là các sản phẩm thông tin đa phương tiện (multimedia) [2].
1.2. Đặc điểm
Sản phẩm podcast được cung cấp ngắn gọn và định kỳ theo chủ đề: Tuỳ thuộc vào mục đích và đối tượng cung cấp thông tin, các sản phẩm của hoạt động podcasting thường có nội dung theo chủ đề nhất định. Thời lượng của các sản phẩm này tuỳ thuộc vào nội dung thể hiện. Đối với các sản phẩm podcast cung cấp thông tin về sự kiện, dịch vụ, hoặc hướng dẫn đào tạo, thời gian có thể dao động trong khoảng từ 2 đến 5 phút.
Podcasting khác với phát thanh và truyền hình: Podcasting cung cấp các sản phẩm âm thanh và hình ảnh nên có nhiều điểm tương đồng với phát thanh và truyền hình. Trong bối cảnh phát thanh và truyền hình thâm nhập sâu, rộng vào môi trường Internet, có thể thấy phát thanh và truyền hình ngày càng sở hữu các tính năng và đặc điểm mà podcasting có được trong môi trường này. Tuy nhiên, với đặc trưng riêng của mình, podcasting được phân biệt với phát thanh và truyền hình ở khía cạnh: Podcasting được cung cấp/ phân phối chủ yếu trên môi trường Internet, trong khi kênh phân phối chủ yếu của phát thanh và truyền hình là qua vệ tinh. Dĩ nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của mình, phát thanh và truyền hình đã thâm nhập rất sâu vào môi trường Internet, song đây chỉ được coi là một trong những kênh bổ trợ của hai lĩnh vực này.
Tạo lập đơn giản:Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị công nghệ cá nhân và ứng dụng phần mềm trong môi trường trực tuyến, chưa bao giờ NDT lại có điều kiện thuận lợi và dễ dàng đến vậy trong việc tạo lập ra các sản phẩm đa phương tiện và podcast là một trong số những sản phẩm đó. Như đã trình bày ở trên, podcast thường được thể hiện dưới định dạng âm thanh (audio) và đoạn phim ngắn (video clips). Chỉ cần có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ phổ biến mà đa số NDT đều có thể dễ dàng sở hữu như máy tính để bàn, laptop, notebook, tablet, ipad… và một số phần mềm đơn giản, một NDT không chuyên (về phần cứng cũng như phần mềm) cũng có thểtạo ra được các sản phẩm thông tin dưới các định dạng đó. Điều này cho thấy, không chỉ các thư viện mà ngay cả cộng đồng NDT của thư viện cũng có thể dễ dàng tạo lập các sản phẩm podcast.
Khai thác dễ dàng: NDT có thể theo dõi thông tin trực tuyến khi kết nối mạng Internet hoặc có thể tải về các thiết bị lưu trữ (di động) cá nhân để khai thác khi cần. Nếu không có nhiều thời gian theo dõi thường xuyên, mà vẫn muốn cập nhật thông tin, NDT có thể đăng ký tiếp nhận thông tin podcast để được tự động cập nhật. Đa số các sản phẩm podcast đều có thể đọc được bằng các phần mềm tích hợp sẵn có trên các thiết bị công nghệ phổ biến hiện nay. NDT có thể nghe hoặc xem các sản phẩm này vào bất cứ lúc nào và ở bất kỳ nơi đâu. Họ có thể khai thác trực tuyến hay cục bộ (đã tải về các thiết bị lưu trữ cá nhân) trên các thiết bị công nghệ cá nhân, phổ biến như khai thác trên điện thoại di động thông minh, một trong những phương tiện bất ly thân của hầu hết NDT.
Chia sẻ thuận tiện:Trong môi trường mạng xã hội, đặc tính chia sẻ luôn được coi là bản chất của các ứng dụng phần mềm xã hội. Thông qua các ứng dụng xã hội trực tuyến hiện nay, việc chia sẻ các sản phẩm podcast càng trở nên thuận tiện và dễ dàng. Hầu hết các sản phẩm này đều được lưu trữ trong không gian đám mây nên tốc độ và thủ tục (cách thức) chia sẻ những tài nguyên này rất nhanh chóng và đơn giản. Một trong những cách thức phổ biến nhất đối với NDT là chia sẻ các liên kết của các sản phẩm podcast. Tuy nhiên, khi tham gia cộng đồng sử dụng các công cụ mạng xã hội, NDT có nhiều lựa chọn hơn với những tính năng chia sẻ sẵn có của các dịch vụ này.
2. Tại sao cần sử dụng podcasting tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam?
2.1. Phù hợp với thói quen khai thác thông tin của người dùng tin
Với sự phổ biến, đa dạng và tiện dụng của các thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện nay, thói quen sử dụng thông tin của NDT tại thư viện đại học ở Việt Nam đã có sự thay đổi. Sự thay đổi thể hiện rõ nét qua xu hướng dịch chuyển từ thói quen đọc sang thói quen nghe, nhìn. Bởi so với cách truyền tải thông tin phổ biến như dưới dạng văn bản, tranh ảnh, thì âm thanh và phim ảnh được đánh giá là sinh động, cuốn hút và dễ dàng tiếp nhận hơn đối với đa số NDT [8].
Thói quen sử dụng và tương tác với xã hội thông qua các thiết bị di động như hiện nay đã ảnh hưởng đáng kể tới thói quen khai thác và sử dụng thông tin của NDT tại thư viện các trường đại học. Họ có xu hướng thích sử dụng các thiết bị công nghệ cùng với các ứng dụng phần mềm phù hợp để khai thác sản phẩm và dịch vụ thông tin tại thư viện. Hơn nữa, với cuộc sống năng động, NDT sẽ phải di chuyển nhiều hơn và nhu cầu tiếp nhận thông tin trong quá trình di chuyển cũng cao hơn. Trong bối cảnh đó, thông tin được thể hiện dưới định dạng âm thanh và phim ảnh càng được NDT ưa chuộng bởi họ có thể dễ dàng khai thác những sản phẩm thông tin này trên các thiết bị công nghệ di động cầm tay bất cứ lúc nào họ cảm thấy thuận tiện nhất.
2.2. Tăng cường gắn kết giữa thư viện và người dùng tin
Sự gắn kết của cộng đồng NDT với thư viện thể hiện chất lượng, vai trò và tầm quan trọng của thư viện đối với trường đại học trong công tác đào tạo và nghiên cứu. Tại nhiều trường đại học ở Việt Nam, mối quan hệ hữu cơ giữa cộng đồng NDT và thư viện vẫn còn hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau. Để khắc phục vấn đề này, một trong những giải pháp mà thư viện các trường có thể áp dụng là triển khai podcasting trong hoạt động cung cấp thông tin tới NDT. Ngoài việc phát triển và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin dưới dạng đa phương tiện, thư viện cần triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin dưới dạng đa phương tiện để NDT có thêm sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận và cập nhật thông tin. Một khi thông tin được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và thông suốt tới NDT, sự gắn kết giữa thư viện và cộng đồng NDT tất yếu sẽ trởnên chặt chẽ hơn [1].
2.3. Thông tin dễ dàng tiếp nhận và phổ biến
NDT có thể khai thác thông tin podcast định kỳ của thư viện dưới nhiều cách khác nhau. Có thể kể tới một số cách cơ bản sau:
- Khai thác trực tuyến: NDT có thể truy cập trực tiếp vào trang tin của thư viện để khai thác (nghe, xem) các sản phẩm podcast. Nếu không muốn thường xuyên phải truy cập vào trang tin thư viện, họ có thể đăng ký (subscribe) tiếp nhận thông tin tự động. Với lựa chọn này, NDT sẽ được tự động cập nhật thông tin dưới dạng podcast từ thư viện.
- Khai thác cục bộ trên các thiết bị cá nhân: NDT có thể tải các sản phẩm podcast và khai thác các sản phẩm này vào thời điểm thích hợp trên các thiết bị công nghệ cá nhân của mình. Với hình thức này, NDT có thể chủ động tiếp nhận thông tin phù hợp với thói quen và sở thích như nghe và xem lướt qua thông tin hoặc theo dõi thông tin chi tiết mà không nhất thiết phải kết nối Internet.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và sự hỗ trợ của các công cụ phần mềm xã hội, hầu hết các nguồn tài nguyên trực tuyến đều có thể dễ dàng lan toả trên môi trường Internet. Một trong những triết lý cơ bản của các phần mềm xã hội là thu hút sự tham gia của tất cả các đối tượng NDT, khuyến khích họ chia sẻ và tương tác với nhau nhằm tạo lập cộng đồng phát triển gắn kết, bền vững. Chính vì thế, các phần mềm xã hội, đặc biệt là mạng xã hội cung cấp cho NDT nhiều công cụ và tính năng chia sẻ tài nguyên thông tin. Với hình thức thể hiện mới mẻ, nội dung sống động và cuốn hút, các sản phẩm podcast chính là tài nguyên thông tin được yêu thích và dễ dàng chia sẻ trong môi trường phần mềm xã hội. Đây cũng là đặc điểm cho thấy các sản phẩm thông tin podcast dễ dàng và nhanh chóng lan toả trong, cũng như ngoài cộng đồng NDT thư viện đại học [4].
2.4. Phục vụ người dùng tin khiếm thị, khiếm thính
Thực tế, nguồn tài nguyên thông tin đặc thù phục vụ NDT khiếm thị, khiếm thính vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng, chất lượng và loại hình thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin đa phương tiện. Nếu hoạt động podcasting được triển khai, nguồn tài nguyên thông tin đa phương tiện sẽ gia tăng nhanh chóng về số lượng, loại hình và chất lượng sẽ không ngừng cải thiện. Từ đó NDT khuyết tật, đặt biệt là những người khiếm thính, khiếm thị sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, khai thác tài nguyên thông tin của thư viện.
Bên cạnh đó, tại nhiều thư viện các trường đại học ở Việt Nam, nếu có các sản phẩm thông tin phục vụ cho người khiếm thính, khiếm thị thì các sản phẩm này thường chỉ là một phần nhỏ của tài nguyên thông tin được công bố tại thư viện. Mặt khác, thư viện chưa hoặc không có các sản phẩm thông tin không công bố, thông tin truyền thông, thông tin về các hoạt động nghiên cứu, đào tạo phục vụ chuyên biệt cho người khiếm thính, khiếm thị. Ứng dụng podcasting hiệu quả không chỉ giúp cho thư viện phát triển dịch vụ của mình mà còn đem đến cho NDT khuyết tật có thêm cơ hội tiếp cận và cập nhật với nguồn tài nguyên thông tin đa dạng của thư viện.
3. Ứng dụng podcasting trong hoạt động cung cấp thông tin của thư viện các trường đại học
3.1. Cung cấp thông tin cập nhật về các sự kiện, hoạt động và dịch vụ
Bên cạnh các sản phẩm thông tin trước đây, thông tin về các hoạt động, sự kiện và dịch vụ tại thư viện rất cần được tạo lập dưới dạng các sản phẩm podcast. Với các dạng thức chính là audio và video, các sản phẩm thông tin này được cung cấp định kỳ theo thời gian hoặc theo tiến trình hoạt động của những nội dung được phản ánh. Chúng được đăng tải lên trang web của thư viện trường, đồng thời xuất hiện trên các trang mạng xã hội, các công cụ phần mềm mạng xã hội mà thư viện trường đang sử dụng để kết nối với cộng đồng NDT.
Khi triển khai các sản phẩm podcast, cần lưu ý các yếu tố:
- Thời gian: Khác với các sản phẩm podcast phản ánh thông tin gốc (thời gian tuỳ thuộc vào nội dung), sản phẩm podcast phản ánh thông tin về các đối tượng, sự kiện, chương trình thường kéo dài trong khoảng từ 2 đến 5 phút. Quy ước về thời gian này xuất phát từ nhu cầu cần tiếp nhận thông tin ngắn gọn, nhanh chóng của NDT. Ví dụ, thông tin về các hoạt động của thư viện, sự kiện văn hoá, khoá đào tạo, hội thảo khoa học, giới thiệu sách, hướng dẫn sử dụng…
- Định dạng: Ngoài hai định dạng phổ biến mp3 (audio) và mp4 (video) trên môi trường web, các sản phẩm podcast cần có khả năng được lưu trữ ở nhiều định dạng khác nhau (WebM, FLV, 3GP, Audio Mp4). Điều này giúp cho NDT thuận tiện trong việc tải về và chạy bằng các ứng dụng đặc thù trên môi trường thiết bị công nghệ cá nhân của mình.
3.2. Cung cấp thông tin đào tạo, hướng dẫn
Nếu như các khoá đào tạo, hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng, hay thái độ của thư viện đang gặp phải các vấn đề như: chưa/ không thu hút nhiều NDT tham gia, tốn kém, tốn thời gian, không hiệu quả, nội dung đơn điệu… thì với việc ứng dụng podcasting, những vấn đề nêu trên sẽ dần được giải quyết.
Thay vì tổ chức các khoá học trực tiếp, thư viện sẽ tiến hành xây dựng các sản phẩm podcast về các khoá đào tạo với nhiều nội dung khác nhau, hướng dẫn sử dụng các phương tiện và dịch vụ mà thư viện cung cấp. Với nội dung podcast ngắn gọn, dễ hiểu, cuốn hút và thuận tiện trong khai thác, NDT sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin và nội dung khoá học sẽ được truyền tải tới họ một cách hiệu quả.
3.3. Cung cấp thông tin giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thư viện
Giới thiệu, quáng bá, hướng dẫn khai thác các sản phẩm và dịch vụ thư viện đại học đến cộng đồng NDT là việc làm quan trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò của thư viện trong trường đại học. Mặt khác, điều này giúp NDT khai thác tài nguyên thư viện tốt hơn, để từ đó học tập và nghiên cứu hiệu quả hơn.
Cần có các sản phẩm podcast giới thiệu thông tin cập nhật về các sản phẩm và dịch vụ mà thư viện có, đồng thời, cập nhật và phổ biến những thông tin mới về sự phát triển các sản phẩm và dịch vụ của thư viện trong cộng đồng NDT. Ví dụ, các sản phẩm podcast giới thiệu và hướng dẫn khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ học tập, nghiên cứu mới được bổ sung; giới thiệu các tài liệu mới; giới thiệu các cuốn sách được yêu thích (thư viện có thể khuyến khích NDT tham gia trực tiếp trong việc tạo lập hoặc đóng góp các podcast dạng này)… [10].
Bên cạnh hoạt động giới thiệu và quảng bá, việc sản xuất ra các sản phẩm podcast hướng dẫn khai thác, sử dụng sản phẩm và dịch vụ sao cho hiệu quả cũng cần được chú trọng. NDT có thể sử dụng các sản phẩm này bất kỳ lúc nào họ cần trong quá trình khai thác nguồn lực thông tin tại thư viện.
Giới thiệu, quảng bá và hướng dẫn NDT qua hoạt động podcasting không chỉ giúp họ khai thác tài nguyên thông tin hiệu quả hơn, mà còn tạo cảm hứng để họ gắn kết với thư viện hơn.
3.4. Phát triển cơ sở dữ liệu học liệu podcast
Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học. Đây cũng là lý do cho thấy trường đại học là môi trường thuận lợi cho việc sản sinh ra các sản phẩm tài nguyên giáo dục dưới dạng đa phương tiện. Thành tựu của hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, podcast là một trong những sản phẩm được nhiều NDT ưa chuộng tạo lập cũng như sử dụng. Các sản phẩm thông tin này là nguồn tài nguyên phục vụ cho phương thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, học liệu giáo dục mở, chia sẻ tài nguyên trực tuyến trong môi trường đại học.
Nếu như thiết lập được chính sách thu thập, cập nhật và tổ chức thành công nguồn tài nguyên trên, thư viện sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên podcast tập thể sẵn có của trường đại học mà không một thư viện nào có thể có được. Nguồn tài nguyên này phản ánh sâu sắc và đa dạng nội dung đào tạo của các ngành đào tạo, bậc đào tạo trong trường. Các tài nguyên dạng này không chỉ hướng tới cộng đồng NDT trong môi trường đại mà còn hướng tới phục vụ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu từ xa, đào tạo trực tuyến và mối liên kết, hợp tác trong và ngoài trường đại học.
Kết luận
Podcasting là hình thức cung cấp thông tin phổ biến đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng chưa thực sự phổ biến đối với thư viện các trường đại học ở nước ta. Nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của podcasting trong hoạt động thư viện sẽ giúp thư viện các trường đại học có thêm lựa chọn trong việc phát triển dịch vụ cung cấp thông tin tới NDT. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông tin, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng NDT và sự gắn kết giữa cộng đồng này với thư viện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. De Sarkar, T.Introducing podcast in library service: an analytical study // VINE. - 2012. - No. 42 (2). - P. 191-213.
2. Evans, C.The effectiveness of m-learning in the form of podcast revision lectures in higher education // Computers & education. - 2008. - No. 50 (2). - P. 491-498.
3. Farkas, M. G.Social software in libraries : building collaboration, communication, and community online. - Information Today, Inc, 2007.
4. Godwin-Jones, R.Skype and Podcasting: Disruptive Technologies for Language Learning // Language learning & technology. - 2005. - No. 9 (3). - P. 9-12.
5. Harris, H. and Park, S.Educational usages of podcasting // British Journal of Educational Technology. - 2008. - No. 39 (3). - P. 548-551.
6. Kim, Y. M. and Abbas, J.Adoption of Library 2.0 functionalities by academic libraries and users: a knowledge management perspective // The Journal of Academic Librarianship. - 2010. - No. 36 (3). - P. 211-218.
7. Lenders, V., May, M., Karlsson, G. and Wacha, C.Wireless ad hoc podcasting // ACM SIGMOBILE Mobile Computing and Communications Review. - 2008. - No. 12 (1). - P. 65-67.
8. Parson, V., Reddy, P., Wood, J. and Senior, C.Educating an iPod generation: undergraduate attitudes, experiences and understanding of vodcast and podcast use // Learning, Media and Technology. - 2009. - No. 34 (3). - P. 215-228.
9. Stephens, M. and Collins, M.Web 2.0, Library 2.0 and the hyperlinked library // Serials Review. - 2007. - No. 33 (4). - P. 253-256.
10. Tripathi, M. and Kumar, S.Use of Web 2.0 tools in academic libraries: A reconnaissance of the international landscape // The International Informa- tion & Library Review. - 2010. - No. 42 (3). - P. 195-207.
_______________
Phạm Tiến Toàn
Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 4. - Tr. 40-44,39.
< Prev | Next > |
---|
- Tài nguyên thông tin
- Thư viện trong kỷ nguyên số: Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian
- Hướng tới xây dựng bảng tra ký hiệu phân loại thập phân dewey dành cho tài liệu khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu trường hợp
- Giới thiệu trữ lượng tài liệu và các hoạt động tại Thư viện Viện Khảo cổ học
- Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh
- Nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc học tập tiếp tục của người làm thư viện đại học
- Quản lý tri thức và vai trò của thư viện
- Phần mềm mã nguồn mở và việc ứng dụng trong tiến trình tin học hoá hoạt động thư viện ở Việt Nam
- Liên hiệp thư viện - mô hình phát triển bền vững cho thư viện Việt Nam
- Phòng chống cháy nổ khi thư viện đặt trên tầng cao