1. Đặt vấn đề
Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Mục tiêu nhằm định hướng hoạt động cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn đất nước đang có những chuyển biến nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục. Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời mang tính định hướng cao không chỉ cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành mà cả đối với hoạt động thư viện.
Trong thực tiễn hoạt động, xuất bản và thư viện là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, thư viện là cầu nối quan trọng giữa xuất bản phẩm với bạn đọc. Do đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, in và phát hành, cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế.
2. Chỉ thị số 42-CT/TW với hoạt động thư viện và việc thúc đẩy văn hoá đọc
Qua quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, một số nội dung của Chỉ thị đã đi vào thực tiễn, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản vượt qua khó khăn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, từng bước đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, giúp hoạt động thư viện có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cụ thể:
Một là:Chỉ thị số 42-CT/TW đã làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo về chức năng, vai trò xã hội của thư viện đối với công tác phát triển văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, nhiều thư viện ở mọi loại hình được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ngân sách dành cho bổ sung tài liệu được duy trì và gia tăng hàng năm.
Hai là:Với yêu cầu thực hiện nghiêm công tác nộp và xử lý sách lưu chiểu, trong những năm qua công tác này được thực hiện nghiêm túc hơn, đảm bảo cho việc lưu trữ, phổ biến nguồn tri thức dân tộc.
Ba là:Với việc nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm, nội dung và hình thức xuất bản phẩm được nâng cao, đa dạng hoá các loại hình xuất bản, đảm bảo chất lượng, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, là nguồn cung cấp tài liệu tin cậy cho các thư viện.
Bốn là:Cụ thể hoá chủ trương đưa sách về cơ sở của Chỉ thị số 42-CT/TW, các thư viện cơ sở đã được hưởng lợi thiết thực từ các chương trình mục tiêu, theo đó trong 10 năm qua, nhiều chương trình đưa sách, xuất bản phẩm thông tin về cơ sở, đặc biệt là các chương trình “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá 2012-2015” theo Quyết định số 1211/QĐ-TTg ban hành ngày 5/9/2012 và “Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015” theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước đã cấp hàng trăm tỷ đồng thông qua các chương trình này để cung cấp sách, báo, tài liệu cho các thư viện công cộng, trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng.
Năm là:Các hệ thống thư viện tăng về số lượng và chất lượng hoạt động, nhiều loại hình thư viện mới được tạo điều kiện, phát triển nhanh, mạnh thành các phong trào như: Thư viện tư nhân, Không gian đọc, tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình, dòng họ…
Sáu là:Nhiều hình thức phục vụ bạn đọc được triển khai, đặc biệt là đối tượng bạn đọc ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thông qua hình thức luân chuyển tài liệu, “Bánh xe tri thức”; “Thư viện lưu động”…
Bảy là:Công tác xã hội hoá thư viện được chú ý, nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ hoạt động xuất bản, hoạt động thư viện, truyền bá tri thức, dần từng bước xây dựng “Xã hội học tập”.
Tám là:Ngày Sách Việt Nam 21/4 ra đời theo Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2014 đã khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam ra đời là dấu mốc quan trọng đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành và ngành Thư viện.
Chín là:Với việc thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác xuất bản, đã ra đời các ấn phẩm xuất bản đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, nhiều loại hình xuất bản kết hợp (dạng in và dạng điện tử) đã cung cấp nhiều lựa chọn cho bạn đọc thư viện, nhất là giới trẻ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông, và sự phổ biến, tiện lợi của các thiết bị thông minh cầm tay.
Mười là:Công tác quảng bá, giới thiệu sách-báo, văn hoá phẩm được tăng cường, sáng tạo, thông qua nhiều kênh: triển lãm, giới thiệu, tuyên truyền, toạ đàm, qua Internet… đã đưa sách đến gần bạn đọc hơn, từ đó lượt luân chuyển tài liệu thư viện tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, vẫn còn nhiều nội dung chưa được triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động xuất bản, tác động trực tiếp tới hoạt động thư viện, bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là:
- Chưa hiện thực hoá được mục tiêu đạt 6 bản sách/ người dân/ năm theo tinh thần của Chỉ thị dẫn đến nguồn cung cho các thư viện, tủ sách còn hạn chế.
- Chưa xây dựng được Quy chế quan hệ hoạt động giữa xuất bản, phát hành xuất bản phẩm và hệ thống thư viện theo chỉ đạo của Chỉ thị.
- Mạng lưới xuất bản, in và phát hành còn chưa rộng khắp đã gây khó khăn cho công tác bổ sung tài liệu cho thư viện, trong nhiều trường hợp còn làm tăng giá thành, dẫn đến tăng kinh phí bổ sung tài liệu đối với những thư viện, trung tâm văn hoá ở những khu vực khó khăn về giao thông hoặc các địa phương xa các trung tâm đô thị lớn.
- Giá thành xuất bản phẩm còn cao so với điều kiện kinh phí của thư viện, nhất là các thư viện công cộng, đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguồn tài liệu được bổ sung vào thư viện, do họ chỉ có thể mua được các tài liệu rẻ tiền.
- Nhiều ấn phẩm xuất bản có chất lượng chưa cao cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt là những tài liệu được xuất bản dưới hình thức “liên kết”...
- Tỷ trọng ấn phẩm nghiên cứu, chuyên khảo còn thấp so với các loại hình ấn phẩm văn học và giải trí, giáo trình, đặc biệt những năm gần đây có hiện tượng tăng đột biến sách văn học dịch (sách ngôn tình, truyện tranh…) dẫn đến chênh lệch lớn cơ cấu tri thức trong thư viện.
- Ấn phẩm song ngữ, ấn phẩm tiếng dân tộc còn ít, vì vậy đối với các thư viện có vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống gặp nhiều khó khăn trong việc phục vụ nhóm đối tượng bạn đọc này.
- Công tác quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sách còn chưa thường xuyên, liên tục, không chuyên nghiệp, thường trong phạm vi hẹp, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các thư viện tựthực hiện qua hình thức giới thiệu sách mới, điểm sách, trưng bày, triển lãm nhân dịp các sự kiện, ngày lễ…
- Chưa đẩy mạnh, khai thác triệt để công tác xã hội hoá lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, do đó chưa tận dụng được ý tưởng, công nghệ, kinh phí… của xã hội.
3. Kết luận, kiến nghị
Trong giai đoạn tới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông và với xu thế chung của ngành xuất bản thế giới, chắc chắn công tác xuất bản, in và phát hành nước ta cũng sẽ có những thay đổi phù hợp. Để những nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW đi vào thực tiễn, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của ngành xuất bản, in, phát hành thực sự “là một bộ phận quan trọng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập”, phối hợp nhịp nhàng, trực tiếp hỗ trợ hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy và phát triển văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, vì một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xin đề xuất một số kiến nghị sau:
1. Đối với Ban Bí thư: Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành.
2. Đối với Chính phủ: Quan tâm đầu tư, đẩy mạnh các chương trình mục tiêu đang thực hiện, xây dựng các đề án cung cấp sách, báo, tạp chí miễn phí hoặc trợ giá cho các thư viện, trung tâm văn hoá, không gian đọc, tủ sách cơ sở... Đặc biệt chú trọng việc tăng cường kinh phí hoạt động cho các thư viện, trong đó đảm bảo kinh phí ổn định cho công tác bổ sung tài liệu thư viện. Vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ hoạt động thư viện.
3. Đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành: Cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nội dung ấn phẩm xuất bản, đa dạng hoá loại hình xuất bản (giấy in và điện tử…); phát triển mạng lưới xuất bản, in và phát hành rộng khắp cả nước. Phối hợp chặt chẽ với ngành Thư viện xây dựng cộng đồng đọc rộng lớn.
4. Đối với các thư viện, trung tâm thông tin, nhà sách…: Cần tích cực phổ biến, quảng bá các xuất bản phẩm trong nước, tăng cường thực hiện công tác luân chuyển, đưa sách về cơ sở, cộng đồng dân cư, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
5. Đối với các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân… cần tích cực chung tay hỗ trợ công tác xuất bản, in, phát hành và công tác thư viện, xây dựng cộng đồng trách nhiệm trong việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng xã hội học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chỉ thị số 42-CT/TW Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Ban Bí thư (Đảng Cộng Sản Việt Nam) ban hành ngày 28/5/ 2004.
2. Quyết định số 1212/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/2012.
3. Quyết định số 1211/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2012 - 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/2012.
4. Quyết định số 89/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/1/2013.
5. Thông tư Liên tịch số 51/2013/TTLT-BTC-BVHTTDL Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2012-2015, Bộ Tài chính - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 26/4/2013.
6. Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá (Nguồn trang web Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: http://www.bvhttdl.gov.vn/vn/tintuc-sukien/so-ket-03-nam-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-van-hoa.html. Truy cập ngày 26/7/2016).
__________________
ThS. Kiều Thuý Nga
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 5. - Tr. 3-5.
< Prev | Next > |
---|
- Ứng dụng podcasting tại thư viện các trường đại học ở Việt Nam
- Tài nguyên thông tin
- Thư viện trong kỷ nguyên số: Các dịch vụ sáng tạo và sự chuyển đổi không gian
- Hướng tới xây dựng bảng tra ký hiệu phân loại thập phân dewey dành cho tài liệu khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu trường hợp
- Giới thiệu trữ lượng tài liệu và các hoạt động tại Thư viện Viện Khảo cổ học
- Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh
- Nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc học tập tiếp tục của người làm thư viện đại học
- Quản lý tri thức và vai trò của thư viện
- Phần mềm mã nguồn mở và việc ứng dụng trong tiến trình tin học hoá hoạt động thư viện ở Việt Nam
- Liên hiệp thư viện - mô hình phát triển bền vững cho thư viện Việt Nam