Pháp lệnh Thư viện quy định bốn yếu tố cấu thành hoạt động thư viện là: vốn tài liệu, trụ sở trang thiết bị, người làm thư viện, bạn đọc. Trụ sở thư viện là nơi làm việc hàng ngày của người làm thư viện, nơi diễn ra các hoạt động của thư viện, bao gồm khuôn viên đất và tổng diện tích toà nhà thư viện. Thư viện nằm ở vị trí trung tâm một khu dân cư hay nằm ở vị trí thuận tiện trong khuôn viên trường đại học sẽ luôn có sức hút với bạn đọc. Nhưng có những thư viện, vì điều kiện khách quan, chưa có mặt bằng riêng dành cho thư viện nên thư viện được đặt trên những tầng cao nhất của toà nhà cao tầng. Công tác bảo quản vốn tài liệu khi thư viện đặt trên tầng cao sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều so với việc bảo quản vốn tài liệu khi thư viện ở tầng thấp, đặc biệt là trong công tác phòng chống cháy nổ, bởi đặc thù của thư viện là các kho tài liệu gồm các vật dễ bắt cháy: giấy, trang thiết bị bằng gỗ.
Trong Cuốn Livre en feu: Histoire de la destruc- tion sans fin des bibliothèques của Lucien Xavier Polastron xuất bản năm 2004, ngay tiêu đề cuốn sách có thể thấy khi sách bị cháy, đó là sự huỷ diệt vô tận của thư viện. Cuốn sách là một danh sách dài các thư viện bị phá huỷ từ thời cổ đại đến nay trong đó có vụ hoả hoạn phá huỷ 300.000 - 400.000 cuốn sách từ thư viện các trường Đại học ở Lyon (Pháp) ngày 12/6/1992. Một vụ rò rỉ gas, một công tắc bật và hậu quả là 100.000 cuốn sách biến mất ở Norwich (Anh) vào năm 1994.
Gần đây nhất, vụ cháy thư viện của Viện Hàn lâm Thông tin Khoa học ở Moscow (Nga) ngày 01/2/2015 với hơn 1 triệu tài liệu lịch sử độc bản đã bị thiêu rụi trong hoả hoạn và rất nhiều tài liệu khác bị hư hỏng do chính nước cứu hoả, trong đó có nhiều tài liệu quý về văn hoá và khoa học. Phần lớn tài liệu vẫn chưa được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số. Có thể thấy đây là mất mát lớn của khoa học Nga bởi thư viện lưu trữ rất nhiều tài liệu quý. Nguyên nhân xác định do chập điện là bài học lớn cho các thư viện trong việc phòng chống cháy nổ trong thư viện.
Theo Điều 28 - Luật Phòng cháy và chữa cháy: “Tại thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ, trụ sở làm việc phải sắp xếp các thiết bị văn phòng, hồ sơ, tài liệu bảo đảm an toàn; có biện pháp quản lý chặt chẽ chất cháy, nguồn lửa, nguồn điện, các thiết bị, dụng cụ, chất sinh lửa, sinh nhiệt và các biện pháp khác về phòng cháy khi rời nơi làm việc”. Vậy các thư viện cần làm gì trong công tác phòng chống cháy nổ? Thư viện tầng cao thêm những công cụ hỗ trợ gì trong công tác này?
1. Thực trạng thư viện khi đặt trên tầng cao
1.1. Thuận lợi
Thư viện khi đặt trên tầng cao sẽ tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Không chỉ giúp bạn đọc tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên để đọc sách mà vị trí này còn giúp bạn đọc khi rời mắt khỏi trang sách, có thể thư giãn bằng cách ngắm không gian rộng lớn bên ngoài từ tầm cao.
Tầng cao giúp bạn đọc có cảm giác được tận hưởng không gian thông thoáng hơn, tránh xa tiếng ồn.
1.2. Khó khăn
- Thư viện đặt trên tầng quá cao, nói một cách ví von là nằm ở “vùng sâu, vùng xa, vùng cao”, tạo cho bạn đọc cảm giác ngại đi, ngại đến.
- Yếu tố nhiệt độ: Tầng cao hấp thụ ánh sáng tốt hơn nên luôn có nhiệt độ cao hơn hẳn so với tầng thấp. Ánh sáng tự nhiên chiếu vào tài liệu, làm giảm độ ẩm tương đối trong không khí, đẩy mạnh quá trình oxy hoá, làm giòn tài liệu và màu mực bị phai mờ. Tia cực tím phá huỷ những liên kết hoá học trong giấy làm cho giấy dễ bị rách. Nhiệt độ trong kho cao sẽ gây ra những phản ứng hoá học làm mất sự thuỷ phân trong giấy làm cho giấy bị mờ chữ, bị giòn, phim ảnh bị giãn nở mở rộng.
- Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, việc chữa cháy trên tầng cao gặp rất nhiều trở ngại. Di chuyển tài liệu khỏi đám cháy trên tầng cao thường rất khó khăn do khi gặp sự cố, cầu dao điện bị tắt, tài liệu phải chuyển đi bằng thang bộ nên số lượng bị hạn chế và quá trình di chuyển yêu cầu phải khẩn trương, nhanh chóng nên làm cho tài liệu dễ bị hư hỏng, rách nát.
- Trong phần lớn các thư viện, người làm thư viện chủ yếu là nữ. Khi gặp sự cố, đa số nữ giới thường hay mất bình tĩnh, tâm lý hoảng loạn. Do đó việc họ thoát khỏi nơi hoả hoạn cũng mất nhiều thời gian và việc cứu tài liệu đối với họ là khó khả thi.
2. Các biện pháp phòng chống cháy nổ cho thư viện đặt trên tầng cao
Nguyên nhân gây cháy nổ
- Do chập điện: Ngày nay khi xã hội phát triển, các trang thiết bị hiện đại đắt tiền của thư viện được sử dụng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên. Các đồ dùng điện có công suất tiêu thụ lớn như máy điều hoà nhiệt độ, máy chủ, hệ thống máy tính, máy in, máy photo… Nếu khi lắp mạng điện mà chưa được tính toán đến, cộng thêm ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ý thức an toàn PCCC dẫn đến các vụ cháy nổ do điện. Phân tích nguyên nhân các vụ cháy xảy ra khi sử dụng các thiết bị điện thấy rằng mạng điện tiêu thụ gây cháy, nổ gồm có ba dạng chính: nguồn điện, dây dẫn, thiết bị tiêu thụ điện.
- Lắp đặt đèn chiếu sáng sát trần, sát vách cũng là nguyên nhân vì đèn không chỉ đốt nóng trực tiếp mà nguồn nhiệt có thể là sự bức xạ nhiệt từ các đèn cũng gây cháy. Đa phần loại thiết bị chiếu sáng hiện nay là đèn huỳnh quang, halogen có chấn lưu, biến áp, do đó khi lắp đặt sát trần và vách làm bằng những vật liệu dễ cháy thì rất nguy hiểm.
- Các thiết bị không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên như quạt điện dẫn đến bị cản chiều quay, điện năng không biến được thành cơ năng mà biến thành nhiệt năng, trong khi bụi thấm dầu nhớt bên trong và lớp vỏ nhựa bọc bên ngoài là vật dễ cháy ở nhiệt độ cao.
- Do đun nấu trong kho: Bếp điện nóng rất nhanh nên có khả năng đốt nóng xoong, chảo nhanh hơn. Bất cẩn sử dụng chế độ nhiệt cao nhất để đun nóng xoong, chảo trước khi cho thức ăn vào có thể làm xoong, chảo bị cháy, lửa bén ngay vào tài liệu. Hoặc đun nấu trong kho nhưng quên ngắt điện cũng là nguyên nhân gây cháy nổ.
- Sạc điện thoại trong kho: Ngày nay, điện thoại di động gần như là vật không thể thiếu với mỗi người. Trường hợp pin điện thoại kém chất lượng, khi sạc pin trong kho có thể gây nổ và sạc gần tài liệu sẽ dễ bắt cháy.
- Tia lửa điện do sét đánh: Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Dòng điện này có cường độ từ vài chục nghìn tới hơn một trăm triệu vol. Khi phóng tia lửa điện, nhiệt độ tia lửa điện do sét gây ra có thể lên tới hàng nghìn độ C. Một tia chớp tích đủ năng lượng để thắp sáng một bóng đèn 100w trong ba tháng. Thư viện càng trên tầng cao, khả năng tia lửa điện do sét đánh càng gần.
- Do cọ sát cơ học của tài liệu: Tài liệu thư viện xếp sát cạnh nhau, được đặt trên nhà cao tầng, nhiệt độ cao, ánh sáng chiếu cùng sự cọ sát dẫn đến hiện tượng tự bốc cháy.
- Cháy do tia bức xạ: Tia nắng mặt trời khi tiếp xúc với những vật dễ cháy, nắng rọi qua những tấm thuỷ tinh lồi có thể hội tụ sức nóng tạo thành nguồn và gây cháy.
- Do sự cố ý phá hoại của kẻ gian.
Cách phòng chống cháy nổ
Theo Phòng cảnh sát PCCC, các phương tiện hiện nay chỉ có thể cứu hoả từ tầng 10 trở xuống. Thư viện đặt trên tầng cao, với chất liệu dễ cháy nên các biện pháp phòng chống cháy nổ cần đặt lên hàng đầu.
- Việc bố trí nhà kho, bố trí trang thiết bị và các biện pháp phòng cháy chống cháy có liên quan chặt chẽ với nhau. Cần trang bị hệ thống báo động tự động khi có cháy. Trong kho cần được trang bị đầy đủ những dụng cụ chữa cháy như các loại bình cứu hoả, cát, xẻng, nước, bao tải, chăn dập lửa. Các loại bình cứu hoả thông dụng được dùng trong kho là bình bọt, bình khí CO2, bình bột. Bình cứu hoả phải đặt ở những vị trí dễ thấy, dễ lấy.
Cửa kho phải chắc chắn, có khoá tốt. Cánh cửa kho mở theo chiều từ trong ra ngoài. Lối đi trong kho phải bảo đảm phục vụ thuận tiện cho dây chuyền công tác nghiệp vụ và vận chuyển tài liệu. Lối đi ngoài kho, ngoài việc bảo đảm cho việc xuất nhập tài liệu, còn phải đủ điều kiện cho phương tiện chữa cháy hoạt động dễ dàng, tiếp cận được nơi xảy ra cháy.
Ngoài nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cần lắp hệ thống cấp nước phục vụ cho việc phòng và chữa cháy kho: họng cấp nước, bể chứa nước, máy bơm nước. Không đặt đường ống đi qua khu vực kho vì dễ gây ẩm, mốc khi nước bị rò rỉ. Hệ thống thoát nước phải đảm bảo tiêu thoát nhanh, kể cả trên mái và trên tường.
Trong kho chứa tài liệu không nên để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào tài liệu, các cửa sổ nên để nhỏ và lắp thêm những loại kính màu có thể ngăn không cho tia tử ngoại chiếu vào và cần có rèm che cửa.
Kho cần có 2 hệ thống điện riêng biệt: hệ thống điện làm việc trong kho và hệ thống điện bảo vệ ngoài kho. Dây dẫn trong kho làm bằng cáp chì và đi ngầm nhằm tránh chập, cháy khi quá tải. Có cầu dao chung cho toàn bộ toà nhà và cầu dao riêng cho mỗi tầng. Trang bị ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.
- Cần có cột thu lôi chống sét trên trần cao nhất của toà nhà.
- Không đun nấu trong kho.
- Không thắp hương, thắp nến, không sử dụng bàn là, lò sấy, lò sưởi trong kho.
- Thành lập Tổ PCCC có trách nhiệm kiểm tra định kỳ về những yếu tố, nguy cơ có thể gây cháy nổ, kịp thời tham mưu, báo cáo cho Lãnh đạo đơn vị để có biện pháp khắc phục phòng chống cháy nổ xảy ra.
- Xây dựng phương án phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn và phương án sơ tán bạn đọc khi có sự cố cháy nổ xảy ra tại thư viện.
- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ người làm thư viện kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra; huấn luyện định kỳ về thao tác sử dụng bình chữa cháy một cách thuần thục cho người làm thư viện trong việc PCCC tại chỗ.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, trang thiết bị an toàn điện ở các phòng đọc, kho tài liệu; tắt nguồn điện ở những khu vực không sử dụng.
- Sắp xếp lại hệ thống tủ, bàn ghế, máy tính, giá tài liệu một cách khoa học, gọn gàng nhằm chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có sự cố cháy nổ xảy ra trong thư viện.
3. Các giải pháp cần thực hiện khi thư viện xảy ra cháy nổ
Khi xảy ra cháy nổ, cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:
- Xác định nhanh điểm cháy.
- Báo động: Nhấn chuông báo cháy/ thông báo trực tiếp. Trong trường hợp này, cần bình tĩnh thông báo, hướng dẫn bạn đọc hướng thoát khỏi đám cháy. Tránh hô hoán tạo ra sự hoảng loạn gây ra sự lộn xộn trong đám đông.
- Ngắt cầu dao điện: Nhanh chóng ngắt cầu dao nơi xảy ra cháy (không được ngắt cầu dao tổng vì sẽ làm tắt hết đèn chiếu sáng, gây khó khăn cho việc sơ tán và chữa cháy). Báo ngay cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Tất cả phải làm đồng loạt và thật nhanh chóng.
- Sử dụng các phương tiện sẵn có để dập cháy (bình bột, bình khí CO2, nước…). Thực tế chữa cháy áp dụng rất đa dạng các biện pháp dập cháy để xác định vị trí phun chất chữa cháy (phun trực tiếp lên bề mặt chất cháy, phun vào vùng cháy, phun vào một điểm, phun đều toàn bộ bề mặt chất cháy…). Các biện pháp chữa cháy rất đa dạng nên trong chữa cháy cần tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể để áp dụng một cách hợp lý và linh hoạt nhằm đạt hiệu quả chữa cháy cao. Phun đến khi lửa tắt hẳn mới ngưng. Nhanh chóng ngăn không cho lửa cháy đến khu vực nhiều tài liệu và lưu tài liệu quý hiếm.
- Cần lưu ý không dùng nước dập lửa khi xác định nguyên nhân cháy do chập điện. Tránh phun nước tràn lan gây hỏng tài liệu.
- Cứu người bị nạn.
- Di chuyển tài liệu, tài sản và các chất cháy ra nơi an toàn.
- Đội bảo vệ cần bảo vệ hiện trường, không để người không có nhiệm vụ vào khu vực cháy.
Xử lý hậu quả do hoả hoạn gây ra
Sau khi dập tắt đám cháy, Lãnh đạo thư viện cần có các kế hoạch để nhanh chóng giải quyết, khắc phục nhanh các thiệt hại nhằm đảm bảo hoạt động của thư viện trở lại bình thường. Cụ thể các phương án sẽ là:
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức dọn dẹp hiện trường. Khảo sát, đánh giá tài sản bị hư hỏng, mức độ thiệt hại về tài liệu, tài sản.
- Tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức các biện pháp xử lý, sửa chữa, vệ sinh, kiểm kê, phân loại tài liệu bị hư hỏng, tài liệu còn nguyên vẹn.
- Căn cứ vào thực tế tài liệu, thống kê các loại tài liệu bị hỏng hoàn toàn, bị hư hỏng một phần.
- Nhanh chóng khắc phục hậu quả cho những tài liệu bị hư hỏng. Những tài liệu giấy cứu được sau hoả hoạn thường bị ướt, giấy sẽ phồng lên và biến dạng, bị nhăn, mực bị nhoè, giấy dính bết lại với nhau. Nếu khi tài liệu bị ướt mà các điều kiện về môi trường không đảm bảo thì chỉ 2-3 ngày sau nấm mốc sẽ xuất hiện. Khi nấm mốc xuất hiện thì việc kiểm soát và loại bỏ chúng là vô cùng khó khăn, sẽ để lại hậu quả lâu dài. Việc khôi phục tài liệu bị ướt sau hoả hoạn có thể thành công và ít tốn kém nếu như người làm thư viện và các cấp quản lý luôn sẵn sàng và có phản ứng kịp thời. Do đó, sau hoả hoạn, tài liệu được xử lý ngay như: loại bỏ nước, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, bảo quản tốt những tài liệu không bị ướt. Cùng lúc tài liệu ướt phải đưa ngay ra khỏi khu vực này bằng những phương pháp cho phép và sau đó làm khô. Các tài liệu bằng mực dễ bị nhoè cần phải được làm lạnh ngay để bảo vệ tài liệu.
- Đối với tài liệu quý, hiếm bị ướt trong hoả hoạn, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nên tham khảo các chuyên gia để trách mắc phải sai lầm đáng tiếc.
- Tiến hành các thủ tục xin mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, bổ sung lại những tài liệu đã bị hỏng nặng.
- Cần xây dựng phương án để trình lãnh đạo về việc di chuyển thư viện xuống tầng thấp.
Kết luận
"Phòng hoả hơn cứu hoả" hay "Nước xa không cứu được lửa gần". Thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Vì vậy, làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu, chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra. Việc này đòi hỏi ý thức PCCC của không chỉ người làm thư viện, của bạn đọc mà còn là ý thức, trách nhiệm của tất cả mọi người. Phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn thể viên chức và người lao động, kể cả những người đến quan hệ công tác. Công tác phòng cháy phải luôn liên tục, được kiểm tra kịp thời và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện và các đơn vị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Văn Viết.Cẩm nang nghề thư viện. - H.: 2000.
2. Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/ QH10 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2001.
________________________
Nguyễn Thị Minh Phượng
Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 38-41,25.
< Prev | Next > |
---|
- Hoạt động thông tin thư mục trong giai đoạn phát triển của công nghệ thông tin
- Phát triển văn hoá đọc trong việc xây dựng đời sống văn hoá nông thôn
- Các hướng tiếp cận đánh giá thư viện trường phổ thông: nghiên cứu trường hợp
- Một số nhận biết trong quá trình biến đổi mau lẹ của hoạt động thư viện hiện đại
- Dịch tài liệu chuyên ngành thư viện - thông tin Anh - Việt
- Ứng dụng cổng kiến thức trong thư viện đại học
- Phác thảo về mô hình thư viện cấp cơ sở ở nước ta hiện nay
- Ứng dụng trắc lượng thư mục trong quá trình tạo lập các nguồn tin khoa học
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê trong hoạt động thư viện đối với hệ thống thư viện công cộng Việt Nam
- Từ cổng thông tin thư viện tiến tới xây dựng cổng kiến thức cho thư viện trường đại học