Các hướng tiếp cận đánh giá thư viện trường phổ thông: nghiên cứu trường hợp

E-mail Print

Đặt vấn đề

Đánh giá là một hoạt động được thực hiện ở tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Có nhiều cách hiểu khác nhau về đánh giá, theo tác giả Trần Bá Hoành “Đánh giá là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả của công việc, dựa vào sự phân tích thông tin thu được, đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đề ra, nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải tiến thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc”.

Trong giáo dục, đánh giá thư viện trường phổ thông (TVPT) là hoạt động được tổ chức hàng năm, bởi kết quả đánh giá thư viện sẽ là điều kiện tiên quyết để đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều hướng tiếp cận khác nhau trong việc đánh giá TVPT.

1. Hướng tiếp cận đánh giá từ phía thư viện trường phổ thông

Tiếp cận đánh giá từ phía thư viện được hiểu là kết quả đánh giá dựa trên sự đánh giá thực hiện công việc từ phía thư viện trường. Theo hướng tiếp cận đánh giá này, người sử dụng của thư viện sẽ không tham gia vào công tác đánh giá. Nội dung đánh giá chủ yếu tập trung vào khả năng cung ứng của thư viện trường. Tiếp cận theo hướng này, cơ quan đánh giá sẽ xem xét thực tế thư viện trường được đánh giá có khả năng phục vụ (cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn tài liệu…) và hoạt động chuyên môn của người làm thư viện (quy trình mượn trả, các hoạt động…). Điển hình cho hướng tiếp cận này phải kể đến Việt Nam và Nhật Bản.

Tại Việt Nam: Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại TVPT ở Việt Nam hiện nay được thực hiện dựa trên Quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2003 (Quyết định số: 01/2003/QĐ- BGDĐT). Tìm hiểu văn bản hướng dẫn kiểm tra thư viện do các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các tỉnh ban hành như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Giang… tác giả nhận thấy công tác kiểm tra, đánh giá thư viện được tiến hành dựa theo hướng dẫn của quyết định trên.

Về nội dung đánh giá: Việc xem xét, đánh giá, cấp danh hiệu cho các TVPT cần được thực hiện dựa theo 5 tiêu chuẩn (Theo Quyết định số 01/ 2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2003) sau:

- Tiêu chuẩn 1: Sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa.

- Tiêu chuẩn 2: Cơ sở vật chất

- Tiêu chuẩn 3: Nghiệp vụ

- Tiêu chuẩn 4: Tổ chức và hoạt động

- Tiêu chuẩn 5: Quản lý thư viện.

Về danh hiệu thư viện: Dựa trên việc chấm điểm 5 tiêu chuẩn đánh giá nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ vào số điểm TVPT đạt được và xét xem thư viện có đạt các danh hiệu sau: TVPT đạt chuẩn, TVPT tiên tiến, TVPT xuất sắc.

Về quy trình kiểm tra và công nhận danh hiệu thư viện: Công tác kiểm tra, công nhận danh hiệu thư viện được tiến hành theo quy trình sau:

1. Hàng năm, các trường phổ thông căn cứ vào những quy định về tiêu chuẩn, danh hiệu thư viện để tự đánh giá và đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu thư viện của trường.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận (huyện) có trách nhiệm kiểm tra, xem xét đề nghị công nhận danh hiệu thư viện của trường tiểu học, trung học cơ sở để báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, công nhận.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu thư viện trường tiểu học và trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận (huyện) báo cáo về Sở, các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Sở vào thời điểm nhà trường nhận thấy đã đạt tiêu chuẩn theo quy định.

 Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ hồ sơ đề nghị, thẩm định hồ sơ và phối hợp kiểm tra, đánh giá, ra quyết định công nhận các danh hiệu TVPT.

Tại Nhật Bản:Theo Luật Thư viện trường phổ thông năm 1953, Nhật Bản yêu cầu các trường phổ thông phải có thư viện. Mục đích của TVPT là góp phần phát triển chương trình của nhà trường, tăng cường phát triển tâm hồn cho học sinh. Mỗi trường phải cử 1 giáo viên - người làm thư viện làm công tác chuyên môn trong TVPT.

Từ năm 2000, bên cạnh quy định đánh giá hành chính, đánh giá học tập, Nhật Bản quy định các trường phải đánh giá thư viện. Đây là một phần trong hệ thống hỗ trợ đạt mục tiêu giáo dục của toàn trường. 

Năm 2008, Nhật Bản ban hành mẫu đánh giá TVPT và áp dụng cho đến nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà thư viện ở Nhật Bản, do mẫu phiếu đánh giá này không chỉ ra sự hài lòng của người sử dụng nên hiện nay đã lỗi thời, không nên sử dụng tiếp nữa. Bằng chứng là năm 2015, tác giả Michiko Matsumoto đã nghiên cứu và đề xuất sử dụng phiếu đánh giá mới thay thế cho mẫu phiếu đánh giá từ 2008. Nội dung đề xuất đánh giá sẽ được đề cập ở mục 2.

2. Hướng tiếp cận đánh giá kết hợp giữa người sử dụng và thư viện trường phổ thông

Tiếp cận đánh giá kết hợp giữa người sử dụng và TVPT được hiểu là kết quả đánh giá TVPT phải đồng thời dựa trên kết quả thực hiện công việc từ phía thư viện (người làm thư viện) và kết quả đánh giá thư viện của người sử dụng. Theo hướng tiếp cận này, cùng với người làm thư viện, người sử dụng thư viện sẽ tham gia vào quá trình đánh giá thư viện. Sự hài lòng của người sử dụng sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá TVPT.

Hướng tiếp cận đánh giá này đã và đang được áp dụng đánh giá TVPT ở nhiều nước trên thế giới, có thể kể một số trường hợp như: Bồ Đào Nha, Mỹ, Cộng hoà Nam Phi… Để thuận tiện cho việc theo dõi, tác giả đề cập kinh nghiệm đánh giá TVPT của các nước theo thời gian, sắp xếp từ trước tới sau.

2.1. Đánh giá thư viện trường phổ thông ở Bồ Đào Nha (2008)

Mạng lưới TVPT ở Bồ Đào Nha được thành lập theo sáng kiến Liên Bộ vào 1996 với khoảng 1.800 trường. Ngân sách phát triển mạng lưới được lấy từ ngân quỹ quốc gia, chính quyền thành phố và bản thân các trường. Trong đó, các trường phải thường xuyên thông báo về việc thư viện trường đã đóng góp như thế nào vào sự thành công của giáo dục, cải tiến việc dạy và học, thành tích của học sinh.

Trên cơ sở đó, năm 2008, Bộ Giáo dục Bồ Đào Nha nghiên cứu, ban hành và đưa vào áp dụng mô hình tự đánh giá TVPT.

Về nguyên tắc đánh giá: Việc đánh giá thư viện trường học cần dựa trên các nguyên tắc:

- Thu thập thông tin khách quan về TVPT (cách hoạt động, cách đóng góp cho hiệu quả học tập).

- Đo lường hiệu quả của TVPT: Mỗi trường phải biết được thư viện của mình tác động tới hoạt động dạy và học như thế nào, hiệu quả hoạt động và sự hài lòng của người sử dụng.

Việc đánh giá TVPT phải dựa trên cơ sở thu thập chứng cứ trong thực tế. Chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau: kế hoạch hoạt động của thư viện, nhật ký cuộc họp, thống kê và hồ sơ, công việc/ sản phẩm được thực hiện bởi học sinh thực hiện tại thư viện hoặc hợp tác với thư viện, bảng hỏi, phỏng vấn, nhật ký quan sát…

Như vậy, thông qua đánh giá sẽ giúp TVPT hiểu rõ nhiệm vụ và biết cách thiết lập mục tiêu để có thể đạt được. Đồng thời, có những hành động, biện pháp khắc phục những mặt chưa tốt. Việc đánh giá TVPT phải được tích hợp với việc đánh giá các dự án giáo dục của nhà trường.

Về phạm vi đánh giá:Trong bản tự đánh giá do Bộ Giáo dục Bồ Đào Nha đưa ra, có một số đặc điểm mang tính đặc trưng thực tế ở Bồ Đào Nha, nhưng tất cả đều hướng tới đo lường việc dạy và học của TVPT. Các yếu tố này được xem xét kỹ lưỡng, gồm 4 phạm vi khác nhau, 3 trong số đó cũng bao gồm nhiều mục nhỏ:

- Hỗ trợ phát triển chương trình giảng dạy: (khớp TVPT với chương trình giảng dạy, cấu trúc sư phạm và đội ngũ giảng dạy; phát triển kỹ năng kiến thức thông tin).

- Khuyến khích việc đọc.

- Dự án, đối tác, các hoạt động mở và định hướng cộng đồng: Mở rộng chương trình giảng dạy và các hoạt động làm phong phú chương trình giảng dạy; Dự án và quan hệ đối tác.

- Quản lý TVPT: Kết hợp với trường/ nhóm trường, khả năng truy cập và cung cấp các dịch vụ của TVPT; Nhân viên, thiết bị và nguồn thông tin cho việc cung cấp dịch vụ; Quản lý bộ sưu tập.

Về quy trình đánh giá: Trước hết các thư viện hoàn thành hồ sơ thư viện, sau đó xác định phạm vi đánh giá, thu thập chứng cứ và thực hiện bảng tự đánh giá.

Về kết quả đánh giá:Mỗi nội dung đánh giá đều được chia thành 4 tiêu chí: xuất sắc, tốt, trung bình và yếu. Căn cứ trên tổng điểm các tiêu chí, TVPT được đánh giá sẽ được xếp loại.

2.2. Đánh giá thư viện trường phổ thông ở Mỹ (2010)

Theo Hiệp hội người làm thư viện trường phổ thông Mỹ, người làm thư viện trường phổ thông đóng năm vai trò: chuyên gia thông tin, giáo viên, đối tác giảng dạy, quản trị chương trình và nhà lãnh đạo. Nhiệm vụ của TVPT chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thực hiện năm vai trò của người làm thư viện. Mà nhiệm vụ của người làm thư viện trường phổ thông đôi khi có thể thực hiện một cách riêng biệt, nhưng thường xuyên phải phối hợp với những người khác. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc lập kế hoạch và quản lý các chương trình của thư viện. Để tích hợp chương trình thư viện hoàn toàn vào chương trình giảng dạy của trường, hiệu trưởng, giáo viên và những người khác phải tham gia với các TVPT trong xây dựng quy hoạch. Việc đánh giá thư viện sẽ giúp các TVPT thực hiện được điều này.

Xuất phát từ nhận thức đó, năm 2010, Hiệp hội các TVPT ở Mỹ đưa vào thực hiện phiếu đánh giá tại các TVPT thay thế cho mẫu đánh giá cũ. Theo đó, 15 tiêu chí đánh giá được tập hợp trong 4 nhóm chính:

- Phát triển tầm nhìn cho học tập.

- Hỗ trợ dạy học (khả năng hợp tác, khuyến khích đọc, phát triển kỹ năng, khả năng truy vấn thông tin và đánh giá học tập).

- Xây dựng môi trường học tập (đánh giá kế hoạch, nhân lực, không gian học tập, ngân sách, hướng dẫn, truy cập thông tin và bộ sưu tập, phát triển chuyên môn…).

- Lãnh đạo (quản lý).

2.3. Hướng dẫn quốc gia về đánh giá thư viện trường phổ thông ở Cộng hoà Nam phi (2012)

Về mục đích đánh giá:Theo tài liệu hướng dẫn quốc gia về dịch vụ thư viện và thông tin (2012) ở Cộng hoà Nam phi, việc đánh giá TVPT hướng tới mục đích: đạt mục tiêu và công khai mục tiêu của thư viện; tạo văn hoá đọc; hợp nhất các chương trình thông tin với chương trình giảng dạy; đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nhà trường; có khả năng đáp ứng các nhu cầu thay đổi; cân bằng giữa chi phí và hiệu quả.

Về phương pháp và nội dung đánh giá:Việc đánh giá TVPT cần sử dụng cả phương pháp đánh giá định tính và đánh giá định lượng: Đánh giá định tính cần dựa trên cơ sở là sự hài lòng của người sử dụng thư viện; Đánh giá định lượng cần dựa vào các chỉ số hoạt động của thư viện, bao gồm:

- Chỉ số sử dụng (lượt mượn, lượt sử dụng, giờ mở cửa, yêu cầu tham khảo, việc sử dụng máy tính và nguồn tin điện tử…).

- Chỉ số nguồn tin (trung bình tài liệu/ nguồn tin điện tử, máy tính… cho mỗi người sử dụng).

- Chỉ số tài chính (báo cáo chi tiêu hàng tháng, hàng năm).

Để việc đánh giá TVPT có hiệu quả, chính quyền địa phương cần tham gia và hỗ trợ công tác đánh giá.

2.4. Đánh giá thư viện trường phổ thông ở Nhật Bản

Mẫu phiếu đánh giá TVPT ở Nhật Bản từ năm 2008 hiện đã bị coi là lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của thư viện hiện đại, cũng như môi trường thông tin, không chỉ ra sự hài lòng của người sử dụng.

Do đó, năm 2015, nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã nghiên cứu và đề xuất ra phiếu đánh giá TVPT. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp đánh giá được tiến hành phương pháp điều tra bằng bảng hỏi gồm:

- Mẫu đánh giá TVPT được thực hiện bởi một giáo viên - người làm thư viện.

- Mẫu khảo sát sự hài lòng của người sử dụng: do 2 giáo viên sử dụng thư viện thực hiện.

Người tham gia được yêu cầu lựa chọn 1 trong 6 phương án trả lời. Mức độ hài lòng trong mỗi hạng mục được tính dựa trên điểm trung bình của các mục chi tiết thuộc hạng mục đó.

Nội dung đánh giá TVPT được đề xuất cụ thể như sau:

- Mẫu đánh giá TVPT do giáo viên - người làm thư viện thực hiện đề cập tới các nội dung: quản lý và hoạt động, cơ sở vật chất và thiết bị, tổ chức, dịch vụ thư viện, hướng dẫn và hỗ trợ, hợp tác.

- Mẫu khảo sát sự hài lòng do 2 giáo viên đã sử dụng thư viện thực hiện đề cập tới các nội dung: tần suất sử dụng thư viện, mức độ hài lòng về tài liệu và cơ sở vật chất thư viện, mức độ hài lòng về dịch vụ thư viện, tổng thể mức độ hài lòng với TVPT, mức độ hài lòng với kết quả sử dụng TVPT.

2.5. Hướng dẫn đánh giá thư viện trường phổ thông của IFLA

IFLA (The International Federation of Library Associations and Institutions) là cơ quan quốc tế hàng đầu đại diện cho lợi ích của các dịch vụ thư viện - thông tin và người sử dụng của họ. Đó là tiếng nói toàn cầu của ngành Thư viện - Thông tin.

Năm 2015, trong tài liệu hướng dẫn TVPT, IFLA đã bổ sung và tập trung nhiều hơn vào nội dung đánh giá TVPT. Đây là một sự chuyển biến so với những tài liệu trước đó, thể hiện nguyện vọng và xu hướng phát triển của nhiều TVPT trên thế giới.

Về mục đích của việc đánh giá TVPT:Theo IFLA, đánh giá là một khía cạnh quan trọng của chu kỳ cải tiến liên tục, cần thiết phải thực hiện ở mỗi TVPT. Đánh giá trong TVPT đem lại lợi ích sau:

- Giúp ra quyết định, giải quyết vấn đề: Đánh giá thư viện là so sánh kết quả thực hiện chương trình với mục tiêu đề ra ban đầu. Hơn thế nữa, đánh giá sẽ giúp sắp xếp các chương trình và dịch vụ thư viện phù hợp với mục tiêu của nhà trường. Qua đó, các bên liên quan sẽ nhìn lại và nhận thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện/ hỗ trợ thực hiện những công việc đó. Điều này sẽ giúp cải thiện tình hình thực tế theo hướng tốt lên.

- Giúp nâng cao/ chuyển đổi nhận thức/ sự quan tâm của người dân về TVPT: Để đánh giá, trước hết cần thu thập dữ liệu, thông tin về các nội dung đánh giá của đối tượng được đánh giá. Do đó, đánh giá đưa ra những chứng cứ cần để cải thiện các chương trình và dịch vụ của họ, giúp người làm thư viện và người sử dụng hiểu rõ giá trị những chương trình và dịch vụ của họ. Đánh giá chứng minh với học sinh, giáo viên, người làm thư viện và cộng đồng giáo dục mở rộng lợi ích thu được từ chương trình và dịch vụ TVPT. Việc đánh giá thành công dẫn đến đổi mới các chương trình và dịch vụ như phát triển chương trình và dịch vụ mới. Đây là việc cần thiết để bước đầu hướng liên quan tới mối quan hệ và sự ủng hộ của cộng đồng.

Về quan điểm đánh giá TVPT:Theo IFLA, đánh giá một TVPT bao gồm việc xem xét môi trường và bối cảnh của thư viện đó. Trong thực tế, việc đánh giá TVPT không thể tách biệt từ việc đánh giá kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đánh giá cũng là một phần trong quá trình lập kế hoạch và là một phần không thể thiếu trong kế hoạch đảm bảo chất lượng của nhà trường.

Việc đánh giá TVPT phải tập trung vào tổng thể chất lượng các chương trình trong một phạm vi rộng, được thực hiện bởi người đánh giá là các chuyên gia bên ngoài và kết quả thể hiện trong một bản đánh giá.

Việc đánh giá cần dựa trên bằng chứng thực tế, nhằm mục đích cải thiện thực tế. Dữ liệu được thu thập và phân tích cho các mục đích liên quan tới chứng cứ thực tế có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, phụ thuộc vào khía cạnh thực hành được hỏi đến như: biểu ghi OPAC, các sản phẩm học tập của học sinh, phiếu khảo sát học sinh, giáo viên, phụ huynh…

Về quy trình đánh giá:Việc đánh giá TVPT cần thực hiện 2 nội dung:

- Tự đánh giá: Do người làm thư viện trường phổ thông tự thực hiện.

- Đánh giá từ bên ngoài: Cần thực hiện để đo nhận thức của các bên liên quan, nội dung chương trình, tác động của chương trình mà thư viện đã thực hiện.

Về nội dung, phương pháp tiếp cận để đánh giá: theo IFLA, việc đánh giá TVPT cần tiếp cận từ các nội dung: chất lượng chương trình, nhận thức của các bên liên quan, nội dung chương trình, tác động của chương trình.

- Chất lượng chương trình: Đánh giá TVPT cần dựa vào tổng thể chất lượng các chương trình mà thư viện đó thực hiện. Để đảm bảo tính toàn diện, việc đánh giá chất lượng chương trình nên được thực hiện bởi những nhà chuyên môn bên ngoài (như nhà tư vấn của Quận).

- Nhận thức của các bên liên quan: Hầu hết các trường phổ thông ở quận hoặc cơ quan giáo dục có một vài phiên bản cho “khảo sát sự hài lòng” hàng năm cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Theo IFLA, rất đáng để thử thêm vào 1 hoặc 2 câu hỏi để khảo sát liên quan tới chương trình và dịch vụ thư viện. Thậm chí nếu nỗ lực đó không thành công lúc đầu, việc vận động hành lang cho những câu hỏi đó cũng là cách quan trọng để nâng cao nhận thức về chương trình và dịch vụ thư viện.

Các thư viện nên sử dụng cách tiếp cận khác là tranh thủ sự giúp đỡ của Hiệu trưởng để khảo sát mỗi lớp trong trường. Ví dụ, tổ chức họp với đại diện học sinh, vài em từ mỗi lớp, đưa ra phản hồi về dịch vụ và nguồn lực thư viện đối với trường Trung học cơ sở.

Dữ liệu thu được từ khảo sát nên được phân tích và chia sẻ với giáo viên, nhân viên hỗ trợ và cả phụ huynh học sinh.

- Nội dung chương trình: Đánh giá TVPT cần tập trung vào nội dung chương trình. Tuy nhiên, có thể mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi và thời gian - đánh giá một lần hoặc nhiều lần. Các thư viện nên sử dụng một cách tiếp cận khác là sử dụng các nhóm trọng tâm (giáo viên hoặc trưởng bộ phận) để xem xét những kết quả học tập đầu ra nào mà hoạt động giảng dạy nên dựa trên thư viện. Để kết quả tốt nhất, nhóm trọng tâm nên được người thực hiện đánh giá bên ngoài tổ chức (người làm thư viện trường khác hoặc người tư vấn học tập).

- Tác động của chương trình: Đánh giá tác động TVPT cần tập trung vào khái niệm “giá trị gia tăng” và có thể được thiết kế để xác định sự đóng góp của hoạt động TVPT tới việc học của học sinh. Đây là nơi quan trọng để tìm thấy từ học sinh xem các em đã học được gì. Theo IFLA, nên thực hiện bằng cách đưa ra các câu hỏi phỏng vấn/ bảng hỏi cho học sinh tham gia các dự án tại các thời điểm bắt đầu, giữa hoặc kết thúc dự án để xem học sinh bị thu hút tới chương trình bởi cái gì? gặp khó khăn gì? học được gì?... Việc phân tích dữ liệu mất nhiều thời gian, nhưng có thể giúp người làm thư viện và giáo viên biết được nhận thức của học sinh về chương trình, cũng như sự phát triển của học sinh về kiến thức, kỹ năng khi tham gia các chương trình này. Việc học sinh tham gia thảo luận trong quá trình kiểm tra thư viện cũng giúp họ nhận thức, có khả năng giám sát và thích ứng với quá trình học tập cá nhân.

Bên cạnh đó, IFLA cũng khuyến cáo các thư viện nên thực hiện/ triển khai các hoạt động thực tế dựa trên chứng cứ/ bằng chứng thu thập được từ nghiên cứu khoa học, từ dữ liệu thu thập (quan sát, thống kê) trong công tác thường ngày, từ dữ liệu có được trong các báo cáo tổng hợp ý kiến người sử dụng, phản ánh của người sử dụng.

Kết luận

Như vậy, thông qua nghiên cứu trường hợp ở một số nước (ở hầu khắp các châu trên thế giới) như: Bồ Đào Nha, Mỹ, Cộng hoà Nam Phi, Nhật Bản và Việt Nam, có thể nhận thấy hai hướng tiếp cận đánh giá TVPT. Hướng tiếp cận đánh giá từ phía TVPT xuất hiện trước và bộc lộ hạn chế là kết quả đánh giá mới thể hiện một chiều khả năng cung ứng và phục vụ người sử dụng từ phía thư viện. Trong khi đó, hướng tiếp cận đánh giá kết hợp thư viện và người sử dụng vừa phản ánh khả năng cung ứng, phục vụ của thư viện, vừa phản ánh mức độ hài lòng của người sử dụng thư viện. Do đó, với hướng tiếp cận này, kết quả đánh giá thường khách quan hơn. Đây cũng là hướng tiếp cận đánh giá được sử dụng rộng rãi ở nhiều ngành, lĩnh vực như: doanh nghiệp sản xuất (đánh giá sản phẩm từ phía người sử dụng), giáo dục (đánh giá hiệu quả giáo dục từ phía người học)…

Hơn nữa, nghiên cứu các trường hợp ở trên, có thể thấy rằng, hướng tiếp cận đánh giá đã được quan tâm, bên cạnh đánh giá toàn diện từ phía thư viện là việc đánh giá được sự hài lòng của người sử dụng thư viện. Có lẽ, chính hiệu quả thực hiện của hướng tiếp cận đánh giá này khiến IFLA bổ sung nội dung đánh giá TVPT theo hướng này vào bản hướng dẫn năm 2015 và khuyến khích các thư viện sử dụng. Theo hướng đó, Nhật Bản cũng đang dần chuyển hướng tiếp cận đánh giá một phía từ thư viện sang hướng tiếp cận đánh giá nhiều phía: kết hợp đánh giá thư viện và đánh giá người sử dụng.

Trong khi đó, nhìn vào thực tế đánh giá TVPT trong nước, mẫu đánh giá TVPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2003 do người làm thư viện tự đánh giá về các nội dung thư viện thực hiện mà chưa thấy sự đánh giá của người sử dụng. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại chính mẫu đánh giá TVPT của nước ta để công tác đánh giá TVPT thực sự đem lại hiệu quả như mục đích đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công văn số 363/GDĐT-TrH ngày 9/3/2009 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về việc Hướng dẫn kiểm tra thư viện trường học năm học 2008-2009.

2. Công văn số 230/HD-PGDĐT ngày 01/10/2014 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về việc Hướng dẫn nhiệm vụ công tác thư viện năm học 2014-2015.

3. Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 02/ 01/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông.

4. American Association of School Librarians. A planning guide for empowering learner: with school library program assessment rubric. Http:// www2. mcdaniel.edu. Truy cập tháng 12/2015.

5. Department of Basic Education. National guidelines for school library and information services: Republic of South Africa.  Http://www.education. gov.za. Truy cập tháng 12/2015.

6. IFLA. The IFLA school library Guidelines: draft. Http://www.ifla.org. Truy cập tháng 12/2015.

7. Michiko Matsumoto.School library evaluation and user satisfaction in Japan. Http://library.ifla. org. Truy cập tháng 12/2015.

8. The Ministry of Education. School libraries: self - evaluation Model (Portuguese). Http://www.rbe. mec.pt. Truy cập tháng 12/2015.

_________________

ThS. Đoàn Thị Thu

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐHKHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 15-20,14.


Đọc thêm cùng chuyên mục: