Phát triển văn hoá đọc trong việc xây dựng đời sống văn hoá nông thôn

E-mail Print

Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành trong nhiều năm qua. Với đặc thù là một nước đang phát triển, 70% dân số là nông dân sống trên khắp các vùng miền đất nước, đời sống văn hoá cơ sở ở nông thôn còn nhiều chênh lệch so với các vùng đô thị. Để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, cũng như mức hưởng thụ văn hoá cho nông dân ở các vùng nông thôn, trước hết cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân. Một trong những giải pháp cho vấn đề này là phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng thông qua các thiết chế văn hoá cơ sở như nhà văn hoá, bưu điện xã, thư viện. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu vấn đề phát triển văn hoá đọc trong xây dựng đời sống văn hoá nông thôn ở nước ta hiện nay.

Xác định tầm quan trọng của văn hoá đọc đối với việc xây dựng và phát triển đời sống văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chỉ thị số 42/CT-TW năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi… Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách đến cấp huyện, xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/ người/ năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở… [1]. Đó chính là bước phát triển mới về nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá đọc trong tình hình mới.

Để đáp ứng nhiệm vụ chiến lược quan trọng trên, Nhà nước đã có những chỉ đạo và chính sách phát triển văn hoá đọc ở nông thôn. Tại công văn số 2086/BVHTTDL-TV ngày 26/6/2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) hướng dẫn Sở VHTTDL và thư viện các tỉnh/ thành triển khai nhiệm vụ năm 2015 trong lĩnh vực Thư viện: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh/ thành chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng của địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách, báo, tư liệu bằng nhiều hình thức khác nhau, sinh động, hiệu quả, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, các chương trình công tác của Chính phủ, của Ngành, trong đó tập trung vào các chương trình: Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ; Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTT giữa Bộ VHTTDL với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hoá xã; triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ”; đặc biệt tạo điều kiện, bố trí kinh phí và các nguồn lực khác để các thư viện thực hiện tốt các hoạt động: Tổ chức tại địa phương Ngày hội Sách và Văn hoá đọc nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4) và hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) [3].

Với những ý nghĩa trên, việc phát triển văn hoá đọc cho nhân dân vùng nông thôn vô cùng thiết thực và phù hợp trong việc phát huy vai trò của đời sống văn hoá là nâng cao nhận thức, tự giáo dục, nâng cao trình độ thẩm mỹ, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người…

Đời sống người dân ở các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Việc phát triển văn hoá đọc cho nông thôn rất quan trọng vì đọc sách là để nâng cao trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống, hiểu biết sâu rộng và hội nhập; tạo điều kiện thuận lợi cho con người phát triển trong lao động sản xuất và góp phần nâng cao đời sống văn hoá cá nhân.

Để đáp ứng được những yêu cầu trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL với tỉnh, huyện, xã. Bộ cần có chính sách cụ thể; sự đầu tư thích hợp để phát triển văn hoá đọc ở nông thôn.

Mặc dù đã được quan tâm nhưng ngân sách Nhà nước dành cho thư viện còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu đọc của người dân vùng sâu, vùng xa. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư mở rộng về cả quy mô và chất lượng cho các thư viện nông thôn.

Hiện nay, việc đầu tư ngân sách Nhà nước mới chỉ đến các thư viện cấp huyện. Trong khi đó, hệ thống thư viện và phòng đọc sách cấp xã là những địa điểm thuận tiện, thích hợp cho người dân ở cơ sở. Các chương trình tài trợ sách cho vùng sâu, vùng xa chỉ được Nhà nước thực hiện mang tính thời vụ, chưa đạt được hiệu quả cao cả về quy mô và chất lượng. Nhà nước cần có chính sách phân phối, tài trợ tài liệu cho thư viện nông thôn phù hợp với nhu cầu của người dân cơ sở.

Sở VHTTDL ở địa phương cần thực hiện Chương trình phối hợp công tác trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hoá xã giai đoạn 2013 -2020được Bộ VHTTDL thống nhất mục đích: Phối hợp nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng hiện có của hai ngành để tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hoá xã nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hoá của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Phát triển điểm Bưu điện văn hoá xã trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hoá ở địa phương bằng việc tổ chức phục vụ sách, báo truyền thống và sách, báo điện tử qua mạng Internet, bảo đảm kết hợp hài hoà hai mục tiêu đẩy mạnh kinh doanh có hiệu quả và thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường sự quan tâm của các cơ quan quản lý đối với vấn đề xây dựng một cộng đồng đọc để hình thành truyền thống xã hội học tập:

Trước tiên, các cơ quan quản lý phải nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá đọc, từ đó mới có sự quan tâm và đưa ra phương hướng phát triển văn hoá đọc cho người dân.

Các cơ quan quản lý cần triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hoá đọc.

Nâng cao chất lượng thư viện bằng việc đầu tư kinh phí hoạt động vì thư viện là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển văn hoá đọc.

Tiến hành điều tra nhu cầu đọc của người dân theo định kỳ, từ đó có những kế hoạch đầu tư hợp lý cho việc phát triển văn hoá đọc.

Thư viện cấp tỉnh, huyện, xã cần phối hợp thực hiện phát huy tính tích cực chủ động của người dân trong việc nâng cao trí tuệ, tâm hồn và nhân cách:

Hệ thống thư viện từ Trung ương đến địa phương là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển văn hoá đọc. Vì vậy, việc phát triển hệ thống thư viện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã là cơ bản, thiết thực để phát triển văn hoá đọc cả về số lượng người đọc và chất lượng đọc.

Thư viện cần kết hợp với các tổ chức, chính quyền thôn, xã khuyến khích nhân dân sáng tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho học tập và lao động sản xuất. Phát triển văn hoá đọc trong nhân dân là nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho việc mở rộng kiến thức, tiếp thu những tiến bộ trong khoa học để có thể vận dụng một cách năng động và sáng tạo trong học tập và lao động sản xuất.

Hiểu được vấn đề cơ bản của văn hoá đọc đã tạo điều kiện cho sự tìm tòi, thích thú chủ động trong việc đọc của nhân dân.

Nâng cao chất lượng đào tạo người dùng tin và hoạt động thư viện - thông tin:

Hệ thống thư viện công cộng của nông thôn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển văn hoá đọc cho người dân. Muốn phát triển văn hoá đọc, thư viện phải là trung tâm giao lưu văn hoá.

Việc đầu tiên thư viện cần phải làm là giúp người dân đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đọc, được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Các cơ quan quản lý cùng với người làm thư viện cần tiến hành nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo người dùng tin trong vùng như:

- Thư viện nên phối hợp với chính quyền huyện, xã tổ chức các phong trào giúp người dân nhận thức đầy đủ vai trò, tác dụng của sách, báo và việc đọc sách; giúp người dân biết cách chọn lựa sách đúng mục đích cần tìm, cách đọc tốt nhất phù hợp với trình độ chuyên môn, giáo dục người dân có thái độ đọc đúng đắn để đạt hiệu quả cao trong việc đọc…

- Mở các lớp học hoặc cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng thư viện, tra cứu thông tin, giới thiệu khái quát về thành phần các kho tài liệu, hệ thống sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin (dịch vụ tra cứu, dịch vụ đa phương tiện), nội quy thư viện.

- Thư viện cần tổ chức các chuyến đi khảo sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trên ở các thư viện huyện, xã.

- Để việc tuyên truyền, vận động người nông dân trở nên thuận lợi hơn, thư viện xã cần phối hợp với Trưởng thôn, Đoàn thanh niên thôn xây dựng và phát triển phòng đọc sách cơ sở.

+ Phòng đọc sách có điều kiện thuận lợi trong việc vận động, tuyên truyền phát triển văn hoá đọc cho nông dân.

+ Nêu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân thông qua những sách, báo đã được chọn lọc của người làm thư viện phù hợp với nhu cầu của người dân trong thôn; phổ biến đến từng thôn những lợi ích giản đơn trong cuộc sống như: giúp người dân áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất, giúp người dân bảo vệ sức khoẻ hàng ngày… Từ đó, người dân thấy rõ tác dụng của việc đọc sách. Trên cơ sở đó, thư viện tổ chức các hình thức sinh hoạt nhằm cuốn hút người dân tham gia đọc sách ngày càng đông.

+ Thảo luận, tổ chức thi có thưởng dưới mọi hình thức vui chơi phù hợp với từng độ tuổi (thiếu nhi, thanh niên, người cao tuổi…) về một vấn đề nào đó trong sách có tác dụng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Như vậy, phong trào đọc sách mới có đà phát triển, văn hoá đọc sẽ trở thành nhu cầu của người dân.

+ Mỗi thôn đều có phong trào đọc sách, như vậy sẽ giúp việc đọc sách ở xã, huyện, tỉnh phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển văn hoá của người dân và thực hiện tốt các chủ trương phát triển văn hoá của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, xây dựng đất nước văn minh, hiện đại.

Tóm lại, phải có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể từ trên xuống dưới thông qua các chủ trương, chính sách từ tỉnh, huyện, xã, thôn; việc thực hiện phải được phát động từ dưới lên trên thông qua các hình thức vận động, sinh hoạt có kiểm tra, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm giữa các cơ sở theo định kỳ.

Thư viện có hai chức năng chính là thông tin và giáo dục. Ngoài việc là một cơ quan cung cấp thông tin thoả mãn nhu cầu đọc của người dùng tin; Bên cạnh đó, thư viện giáo dục văn hoá đọc cho người dân nhằm nâng cao kiến thức, giải trí tinh thần và hoàn thiện nhân cách. Để thực hiện tốt hai chức năng này, thư viện công cộng cần chú ý các vấn đề sau:

Về kho tài liệu: Nguồn tài liệu có phong phú, dồi dào mới thu hút được người dùng tin ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ… khác nhau; đặc biệt, thư viện cần chú trọng vào nguồn tài liệu về nông nghiệp để có thể đáp ứng với số đông là nông dân. Bên cạnh đó, thư viện cũng cần bổ sung tài liệu cho các ngành nghề cần chú trọng phát triển tuỳ thuộc vào mỗi vùng nông thôn để mở mang hiểu biết, nâng cao tri thức cho người dân.

Về cơ sở vật chất: Củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thư viện cấp huyện, nâng cao chất lượng phòng đọc sách cơ sở và hoạt động thư viện cấp xã, thôn.

Về nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng người làm thư viện có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Trong thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển như hiện nay, người làm thư viện phải luôn trau dồi và nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để có thể nắm bắt được những nguồn thông tin mới nhất, tiến bộ nhất. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá theo nguyên tắc xây dựng song song với việc quản lý tốt để phát triển người dùng tin. Để làm được những điều này, người làm thư viện phải thực sự tâm huyết với nghề, nhiệt tình và năng động; phải hoà hợp với môi trường tự nhiên, phong tục tập quán và tính cách của người dân từng vùng.

Ngoài ra, hệ thống thư viện cần tiếp tục tăng cường công tác luân chuyển, tài trợ sách, báo cho các cấp cơ sở. Phát triển các loại hình thư viện khác nhau trên địa bàn, hỗ trợ phát triển các thư viện huyện, xã, phòng đọc sách cơ sở, các thư viện tư nhân, thư viện gia đình có phục vụ cho cộng đồng.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong vùng để phát triển văn hoá đọc cho người dân:                 

Nhà trường là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển tài năng cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Nhà trường là nơi thanh thiếu niên xác định được vai trò của văn hoá đọc đối với bản thân. Hầu hết các kiến thức trong chương trình giảng dạy là những kiến thức tạo nền tảng cho thanh thiếu niên phát huy khả năng bản thân. Chính vì vậy, nhà trường ở mỗi vùng nông thôn cần nghiên cứu để xây dựng một chương trình giảng dạy chính khoá cho các em học sinh cách lựa chọn tài liệu cho phù hợp với nhu cầu đọc của bản thân, kỹ năng đọc đối với từng thể loại tài liệu, lựa chọn môi trường đọc thích hợp để đạt hiệu quả cao, bên cạnh đó cũng cần phải có thái độ đọc thích hợp… Nhà trường là nền tảng để phát triển văn hoá đọc, giúp con người có thói quen đọc bền vững, từ đó dần hình thành một cộng đồng đọc, một xã hội học tập.

Trong các buổi khai giảng năm học mới và tổ chức các hoạt động nhân Ngày hội Sách tại các trường học, thư viện nên chú ý đến việc thay đổi chủ đề và hình thức tổ chức hàng năm để tạo sự hứng thú, không khí phấn khởi cho các em học sinh tham gia. Cụ thể như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho thiếu nhi; tổ chức các buổi giao lưu giữa tác giả, nhà xuất bản với người dùng tin là học sinh; giới thiệu các tác phẩm văn học được học trong nhà trường… đến các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách. Đây phải là những hoạt động thường niên của thư viện phối hợp với nhà trường nhằm xây dựng và phát triển văn hoá đọc cho học sinh và góp phần tuyên truyền văn hoá truyền thống, lịch sử dân tộc quê hương, giới thiệu các danh nhân lịch sử, gương người tốt, việc tốt cho học sinh học tập và noi theo.

Thư viện cần có sự phối hợp với cơ quan quản lý, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tuyên truyền, giới thiệu sách, đưa sách đến tận tay cho người dân. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ hay hội những người yêu sách, thích đọc sách, sưu tầm sách nên thành lập và mở rộng với nhiều hoạt động sôi nổi, hình thức lôi cuốn để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Hàng năm, thư viện các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các thư viện đầu ngành như Thư viện Quốc gia Việt Nam để có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn thông tin, tri thức tiên tiến trong và ngoài nước.

Phát triển văn hoá đọc cho nhân dân tác động trực tiếp đến việc xây dựng con người phát triển toàn diện; góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho người nông dân. Từ đó thay đổi được bộ mặt nông thôn Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020: “Xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá: là một nhiệm vụ quan trọng, có quan hệ khăng khít với việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Để xây dựng đời sống văn hoá và môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, cần hình thành truyền thống xã hội học tập…” [2].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30597&cn_id=231003.

2. Các mục tiêu trong chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Http://www.svhttdl.vinhlong.gov.vn.

3. Hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm 2015 trong lĩnh vực thư viện. Http://www.bvhttdl.gov.vn.

4. Võ Công Nam.Phát triển văn hoá đọc ở nông thôn, mục tiêu hàng đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1.

_________________

ThS. Vũ Hồng Vân

Phòng Tư liệu - Thư viện, Viện Văn hoá, trường Đại học Văn hoá Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 2. - Tr. 21-25.


Đọc thêm cùng chuyên mục: