Dịch tài liệu chuyên ngành thư viện - thông tin Anh - Việt

E-mail Print

Trước xu hướng chuẩn hoá và hội nhập, ngày càng có nhiều tài liệu chuyên ngành tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt, từ bài báo, cuốn sách, đến các quy tắc nghiệp vụ chuẩn (MARC 21, AACR2, DDC), các tiêu chuẩn ISO. Tuy nhiên, ngay cả các chuyên gia lâu năm trong ngành cũng không phải là không gặp khó khăn trong vấn đề dịch thuật, đặc biệt với các tài liệu chuyên môn sâu chưa có các thuật ngữ tiếng Việt tương ứng hoặc chưa có thực tiễn nghiệp vụ tại Việt Nam. Bài viết đề cập đến công tác dịch tài liệu chuyên ngành Anh - Việt, các khó khăn thường gặp khi dịch thuật tài liệu chuyên ngành Anh - Việt, phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản dịch.

1. Khái niệm

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt Dịch thuật là một hoạt động bao gồm việc luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó - văn nguồn - và chuyển sang một ngôn ngữ khác thành một đoạn văn mới và tương đương - văn đích hay là bản dịch [1].

Dịch thuật bao gồm phiên dịch và biên dịch. Phiên dịch thường được hiểu là dịch nói, hoặc là diễn giải lại câu của người khác sang ngôn ngữ để người nghe hiểu. Trong khi đó, biên dịch (còn gọi là dịch viết) thường được hiểu là dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Khi biên dịch, người dịch không phải chịu sức ép thời gian căng thẳng hay yêu cầu phản ứng tức thì như dịch nói, tuy nhiên yêu cầu về độ chính xác và trôi chảy lại thường cao hơn.

Bài viết này chỉ bàn về biên dịch (sau đây gọi là dịch) tài liệu chuyên ngành thư viện - thông tin (TVTT).

2. Nhu cầu dịch tài liệu chuyên ngành thư viện - thông tin Anh - Việt

Đã có một thời gian dài làm nghề TVTT ở Việt Nam tiến hành theo dây chuyền tư liệu truyền thống với các khâu nghiệp vụ khá ổn định và nề nếp. Các tài liệu nghiệp vụ được dịch thời gian này phần lớn từ tiếng Nga, một số từ tiếng Pháp và thường tập trung vào các công cụ chuẩn từ hướng dẫn chung (Ví dụ: Sổ tay người làm thư viện ở các nước đang phát triển - dịch từ tiếng Pháp) hoặc về một công đoạn nghiệp vụ cụ thể hoặc các công cụ xử lý như các khung phân loại (BBK, Khung đề mục quốc gia Nga…), quy tắc mô tả tài liệu (ISBD)…

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, việc ứng dụng chúng trong hoạt động TVTT, nhu cầu chuẩn hoá và giao lưu quốc tế, sự nghiệp TVTT cũng thay đổi hàng ngày. Nhu cầu dịch tài liệu nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh là một tất yếu khách quan.

Có nhiều lý do khiến nhu cầu dịch tài liệu chuyên ngành nói chung, Anh - Việt nói riêng ngày càng lớn và cấp bách. Một số lý do cơ bản là:

- Thứ nhất, chuẩn hoá và hội nhập quốc tế, đặc biệt trong môi trường mạng đòi hỏi chúng ta phải giao tiếp với thế giới bên ngoài ngày càng nhiều. Trong môi trường này mọi công việc của quy trình tư liệu không thể dừng lại ở tài liệu tiếng Việt. Một mặt, chúng ta phải nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học và công nghệ trên thế giới có liên quan trực tiếp hoặc gần gũi với nghề để lựa chọn, nghiên cứu áp dụng vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Mặt khác, cũng cần xây dựng các nền tảng để giao tiếp với thế giới.

- Thứ hai, các cơ sở đào tạo chưa có đầy đủ giáo trình và tài liệu giảng dạy. Vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh việc biên soạn giáo trình và tài liệu hướng dẫn làm công cụ dạy và học, song nhìn chung số lượng giáo trình và tài liệu hướng dẫn đã biên soạn và xuất bản chưa đầy đủ cả về diện bao quát chủ đề lẫn mức độ chuyên sâu cần thiết. Không những thế, do nhiều lý do chủ quan và khách quan nên việc phổ biến, sử dụng các tài liệu đã biên soạn và xuất bản thường hạn chế trong nội bộ tại cơ quan biên soạn. Đó là chưa kể tình trạng một số tài liệu đã biên soạn nhưng không được xuất bản.

- Thứ ba, tài liệu dịch là nguồn tin quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Kinh nghiệm của nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… trong việc tăng cường tài liệu tham khảo, giáo trình cho sinh viên là đầu tư cho dịch thuật song song với đầu tư cho biên soạn. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy rằng, không chỉ có các bài nghiên cứu - trao đổi, mà các bài dịch có chất lượng được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu dụng cho cả sinh viên và người làm thư viện [5].

- Thứ tư, khả năng đọc tài liệu nghiệp vụ tiếng Anh hạn chế của đại bộ phận người làm thư viện và sinh viên TVTT. Tình trạng “rất ít người làm thư viện (đặc biệt là ở các thư viện tỉnh, thành phố) có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong việc xử lý, khai thác và phục vụ bạn đọc các tài liệu tiếng nước ngoài” rất phổ biến đối với nhóm người làm thư viện được đào tạo trong nước. Tình trạng này giải thích lý do 100% người làm thư viện công cộng có nhu cầu được đào tạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành trong một cuộc khảo sát nhu cầu đào tạo được Vụ Thư viện tiến hành thời gian gần đây [6].

3. Những khó khăn thường gặp trong dịch tài liệu

Khi dịch tài liệu TVTT, những khó khăn thường gặp có thể kể đến là ngôn ngữ, thuật ngữ và đào tạo về công việc này. Sau đây là phân tích cụ thể về các khó khăn này.

3.1. Ngôn ngữ: Sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt

Sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt gây khó khăn cho việc dịch tài liệu bao gồm: Thứ nhất, khác biệt về ngữ pháp. Ví dụ: Trật tự tính từ (tính từ đứng sau danh từ trong tiếng Việt nhưng lại đứng trước danh từ trong tiếng Anh), trật tự trạng từ (trạng từ tiếng Anh có thể đứng trước hoặc sau động từ, trong khi tiếng Việt trạng từ luôn đứng sau động từ), thì (tense) trong tiếng Anh rất nhiều (12 thì); Thứ hai, khác biệt về cấu trúc câu. Ví dụ: tiếng Việt thường được viết theo trật tự thuận, câu chủ động trong khi đa phần câu tiếng Anh viết dưới dạng vô nhân xưng và ở thể bị động.

Bên cạnh đó, các thuật ngữ tiếng Anh cũng có quá trình phát triển và được sử dụng khác nhau trong quá trình này và giữa các tác giả khác nhau. Ngoài ra, tài liệu tiếng Anh được viết trong bối cảnh hoạt động thường ở các nước phát triển, nên cũng gây không ít khó khăn cho người dịch khi chưa có thực tiễn ở Việt Nam.

Tất cả những điều đó đã làm cho người dịch dù rất hiểu tài liệu song vẫn cảm giác khó diễn đạt sang tiếng Việt bởi việc chọn lựa từ, vấn đề sắp xếp trật tự từ, sự tối nghĩa về cú pháp và đặc biệt là chuyển đổi thì.

3.2. Đặc điểm nghề nghiệp: Vốn từ vựng chuyên ngành phát triển rất nhanh

TVTT học là ngành khoa học ứng dụng, nó liên quan và kế cận nhiều ngành: công nghệ thông tin, lưu trữ, tài chính, xuất bản... Một số ngành trong đó phát triển rất nhanh như công nghệ thông tin và xuất bản. Do đó, vốn từ vựng chuyên ngành TVTT cũng phát triển rất nhanh, trong đó nhiều thuật ngữ chưa được sử dụng thống nhất giữa các chuyên gia, các tài liệu khác nhau, hoặc được Việt hoá từ các ngành không định hướng thư viện. Điều này dẫn đến khó khăn rất lớn cho việc lựa chọn và sử dụng thuật ngữ tiếng Việt.

3.3. Thiếu công cụ chuẩn hoá thuật ngữ

Ở Việt Nam hiện chưa có các công cụ ngôn ngữ chuẩn, như từ điển hoặc các bộ từ điển từ chuẩn chuyên ngành đầy đủ và phổ biến rộng rãi, nên còn chưa thống nhất hoặc gây tranh cãi trong việc sử dụng thuật ngữ giữa các chuyên gia, các cơ quan TVTT, giữa các vùng miền và hệ thống thư viện khác nhau.

3.4. Người làm thư viện

 Với đơn vị/ cá nhân sử dụng người dịch còn có khó khăn về nhân sự làm công tác này. Mặc dù gần đây ngày càng nhiều người làm thư viện được đào tạo từ các nước nói tiếng Anh trình độ trên đại học về TVTT, song nhìn chung có thể khẳng định, hiện chúng ta chưa có sẵn một đội ngũ người làm thư viện trình độ cao được quy hoạch để làm công tác này. Một số cơ quan TVTT lớn thường huy động người làm hợp tác quốc tế tham gia dịch tài liệu và cũng có những người dịch tốt. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng, bởi trên thực tế phần lớn số viên chức hợp tác quốc tế được đào tạo về chuyên ngành ngôn ngữ và/ hoặc ngoại giao, trong khi chưa được đào tạo về TVTT nên thiếu hẳn vốn từ vựng cơ bản của nghề, chưa nói đến phải dịch chuyên sâu. Trong khi đó, người làm thư viện đào tạo đúng ngành trong nước chưa được hoặc mới bắt đầu được đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành và việc dịch tài liệu không phải là điều dễ dàng.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng tài liệu dịch

Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất một số vấn đề cần giải quyết đồng bộ để có bản dịch tài liệu chuyên ngành chất lượng.

4.1. Yêu cầu đối với người dịch

Để có một sản phẩm dịch tốt, người dịch cần hội tụ đủ một tập hợp các kỹ năng gồm năng lực ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), kiến thức chuyên môn, năng lực tra cứu tổng hợp.

- Năng lực ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh và tiếng Việt: Tiếng Anh là yêu cầu tiên quyết và quan trọng nhất, điều cốt lõi để hiểu, diễn đạt đầy đủ và chính xác nội dung của tài liệu cần dịch. Do đó, người dịch cần phải có trình độ tiếng Anh tốt, đặc biệt là cấu trúc ngữ pháp và từ vựng. Cùng với đó, nắm vững sự khác biệt về văn phong giữa hai ngôn ngữ (trong cách sử dụng từ ngữ, ngôn từ…), sự khác biệt giữa các nền văn hoá (Mỹ/ Anh và Việt Nam) để tránh dịch theo cảm tính. Tiếng Việt tốt là công cụ để chuyển tải văn bản tiếng Anh sang tiếng Việt một cách chính xác, khoa học đảm bảo cho tài liệu dịch dễ đọc, dễ hiểu.

- Kiến thức chuyên môn: Là khả năng sử dụng thuật ngữ chuyên ngành TVTT. Muốn vậy, người dịch cần có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, đặc biệt về chủ đề của tài liệu dịch. Để đảm bảo chính xác, người dịch cần thường xuyên cập nhật vốn thuật ngữ chuyên ngành để sử dụng những thuật ngữ mới thích hợp nhất. Điều này có thể đáp ứng bằng cách thường xuyên đọc tài liệu chuyên ngành: tin tức, tạp chí, sách, tài liệu hội thảo, báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, tiêu chuẩn...

- Năng lực tra cứu: Trong dịch thuật, việc nâng cao năng lực tra cứu đóng vai trò rất quan trọng. Các phương pháp tiếp cận tra cứu tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc bù đắp các thiếu hụt về ngôn ngữ và chuyên môn.

4.2. Công cụ tra cứu thuật ngữ có thể sử dụng khi dịch

Trong khi chờ đợi các bộ từ điển từ chuẩn hoặc từ điển chuyên ngành đầy đủ và cập nhật có thể sử dụng rộng rãi, các công cụ sau đây có thể hữu ích cho người dịch tài liệu chuyên ngành:

- Từ điển chuyên ngành Anh - Việt hoặc tiếng Anh. Những tài liệu có thể kể đến là: Từ điển thuật ngữ chuyên ngành Thư viện - Thông tin Anh - Việt (6.000 thuật ngữ, có minh hoạ); ALA: Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh - Việt; Tiếng Anh chuyên ngành Thông tin - Thư viện; Online Dictionary for Library and Information Science [7].

- Các tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực thông tin tư liệu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về thuật ngữ. Ví dụ: TCVN 5453:2009: Thông tin và Tư liệu. Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 10274:2013: Hoạt động thư viện - Thuật ngữ và định nghĩa chung; TCVN: Hoạt động Thư viện - Thuật ngữ và định nghĩa về Bổ sung và Biên mục.

- Các quy tắc chuẩn: MARC 21, Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục; Quy tắc biên mục Anh Mỹ (AACR2), DDC. Mỗi tài liệu này có bao gồm danh sách thuật ngữ.

- Các bộ từ khoá: Bộ Từ khoá khoa học và công nghệ của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Từ khoá của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- Bộ Tiêu đề chủ đề (khoảng 15.000 tiêu đề) của Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

- Danh sách thuật ngữ chuyên ngành Anh - Việt trên các trang web của cơ quan TVTT. Ví dụ: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Học liệu Cần Thơ, Trung tâm Học liệu Thái Nguyên, Thư viện Tạ Quang Bửu…

- Các tiêu chuẩn, tài liệu của các ngành liên quan và lân cận: Nên tham khảo các công cụ tra cứu của các ngành công nghệ thông tin, xuất bản, tài chính, lưu trữ khi cần. Ví dụ: một tài liệu về bảo quản/ đóng bìa sách có thể tham khảo tiêu chuẩn xuất bản sách như TCVN 8694:2011: Sách - yêu cầu chung.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mỗi công cụ tra cứu kể trên cũng có những điểm mạnh và hạn chế riêng và cần lưu ý rằng nhiều tài liệu trong đó cũng chưa thống nhất về thuật ngữ. Vì vậy, cần tìm hiểu thế mạnh của mỗi công cụ để sử dụng cho phù hợp.

4.3. Một số điểm lưu ý khi dịch

- Đọc qua toàn bộ tài liệu trước khi dịch: Trước khi tiến hành dịch, người dịch nên đọc qua toàn bộ tài liệu để nắm được nội dung chủ đề và văn phong của tác giả. Qua đó, có thể hiểu được nội dung văn bản, nắm ý chính của toàn văn bản để có cách dịch phù hợp.

- Việt hoá bản dịch: Cùng với việc hiểu đúng nghĩa tiếng Anh, cần chuyển tải tốt nội dung sang tiếng Việt để đảm bảo chất lượng của bản dịch. Có nghĩa là vừa đảm bảo đúng nghĩa, vừa tuân thủ văn phong tiếng Việt một cách khoa học, điều này đòi hỏi phải Việt hoá. Theo Cao Xuân Hạo “Cách tốt nhất để dịch thuật cho đúng và cho hay một câu tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là thử hình dung xem trong một hoàn cảnh tương tự người Việt sẽ nói như thế nào, viết như thế nào” [2]. Một vài biện pháp để đảm bảo việc này là: lược bỏ các mạo từ, liên từ không cần thiết khi dịch (một, mà, để, mặt…); lược bỏ số nhiều trong các tiêu đề/ câu (các, những…); chuyển thành câu chủ động nếu có thể. Ví dụ: “2 hoặc hơn 2” dịch là “từ hai”; câu “Cho phép một con người tìm một cuốn sách trong đó một trong các thông tin: A - tác giả, B - Nhan đề, C - chủ đề đã được biết” sửa thành “Cho phép một người tìm cuốn sách khi biết một trong các thông tin sau: A - tác giả, B - Nhan đề, C - chủ đề”, hay “Sự mất đi tính chi tiết xảy ra” diễn đạt thành “Tính chi tiết sẽ mất đi” vẫn giữ được nội dung, nhưng lại đảm bảo văn phong tiếng Việt.

- Thống nhất thuật ngữ và cấu trúc câu trong toàn bộ tài liệu dịch: Tránh tình trạng dùng nhiều thuật ngữ tiếng Việt khác nhau cho cùng một thuật ngữ tiếng Anh trong một tài liệu dịch. Ví dụ: Qualifier: Phần thông tin giải thích, Thông tin làm rõ; Code element: Yếu tố mã, phần tử mã, thành phần mã. Trường hợp thuật ngữ chưa thống nhất hoặc mới cũng nên chọn một thuật ngữ, có thể ghi lại thuật ngữ tiếng Anh và các thuật ngữ tương đương lần đầu. Ghi chú thích các cách gọi khác ở lần dịch đầu tiên, chỉ dẫn nguồn nếu có. Nếu có nhiều người cùng tham gia dịch một tài liệu, cần có sự thống nhất danh mục thuật ngữ và cấu trúc câu trước khi dịch.

- Đảm bảo đúng nghĩa trong ngữ cảnh cụ thể: Việc thống nhất cách dùng thuật ngữ không có nghĩa là thay thế máy móc toàn bộ thuật ngữ trong bản dịch bằng một thuật ngữ tiếng Việt duy nhất, cần lưu ý ngữ cảnh để hiểu đúng nội dung diễn đạt của thuật ngữ trong một bối cảnh cụ thể. Ví dụ: Trong ngữ cảnh đóng sách: Insert = Tờ chèn (không phải chèn); Letter-by-letter filing: sắp xếp theo chữ cái (trong biên mục, tổ chức kho), Gọt giũa từng chữ một (biên tập, xuất bản).

- Sử dụng các thuật ngữ cập nhật: Nên sử dụng các thuật ngữ mới nhất nếu có thể khi dịch các tài liệu khoa học mới. Ví dụ: Subject heading: tiêu đề chủ đề (thay cho đề mục chủ đề, tiêu đề đề mục), Indexing: Định chỉ mục (thay vì đánh chỉ mục, lập chỉ mục).

- Không nên để thuật ngữ tiếng Anh trong bản dịch tiếng Việt: Bản dịch chỉ nên chứa các từ tiếng Anh đã quốc tế hoá như: Internet, web… còn lại cần dịch sang tiếng Việt.

- Tư vấn chuyên gia: Nên tư vấn các chuyên gia, đặc biệt về TVTT, công nghệ thông tin khi cần thiết.

- Sử dụng phần mềm dịch tự động: Hiện nay có rất nhiều chương trình dịch tự động (google dịch, Babylon pro 10, Online Translate, EVTRAN 3.10, BOCOHAN 2.2.1, Vdict…), mặc dù các chương trình này rất hữu dụng trong việc giúp cho có bản dịch nhanh chóng, gợi mở nghĩa của từ/ câu. Nhưng với dịch tài liệu chuyên ngành, đặc biệt TVTT, người dịch nên thận trọng, tốt nhất chỉ nên tham khảo chứ không nên sử dụng ngay kết quả dịch, vì có rất nhiều lỗi về thuật ngữ, câu và chính tả, đặc biệt với các tài liệu chuyên môn sâu.

4.4. Đối với đơn vị/ cá nhân sử dụng người dịch

Cần nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng của việc dịch để lựa chọn và sử dụng đúng người, đúng việc. Các dấu hiệu hình thức như chức vụ, học vị hay các lớp học đã tham gia… không phải luôn luôn là tiêu chí đúng khi lựa chọn  người dịch tốt trong một số tình huống cụ thể.

Các cơ quan TVTT, đặc biệt với các đơn vị lớn, cần quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ viên chức làm công tác này.

5. Kết luận

Dịch là chìa khoá mở cửa ra thế giới. Để hội nhập quốc tế nhanh chóng và có hiệu quả, nghề TVTT cần quan tâm thúc đẩy công tác dịch tài liệu. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng các bản dịch, xin trích lời của tác giả Lâm Quang Đông: “cả cơ quan/ cá nhân sử dụng người dịch cũng như bản thân người dịch cần nhận thức và đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của nghề này cũng như những đòi hỏi chuyên nghiệp của nó để đảm bảo chất lượng” [4].

Tài liệu tham khảo

1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Http://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%8Bch_thu%E1%BA%ADt.

2. Cao Xuân Hạo.Bàn về dịch thuật. Http:// dich thuatsaokimcuong.com/news-event/2/ban-ve-dich-thuat-cua-cao-xuan-hao.html.

3. Nguyễn Phước Vĩnh Cố.Các phương pháp và phương thức dịch tiếng Anh thương mại sang tiếng Việt. Http://www.scribd.com/doc/218347969/ các -phương-pháp-và-phương-thức-dịch-tiếng-Anh-thương-mại-sang-tiếng-Việt# scribd.

4. Lâm Quang Đông.Về tính chuyên nghiệp của nghề dịch thuật. Http://luatminhkhue.vn/dich-thuat /ve-tinh-chuyen-nghiep-cua-nghe-dich-thuat.aspx.

5. Nguyễn Thị Hạnh.Nâng cao hiệu quả đào tạo ngành Thông tin - Thư viện trong thời kỳ hội nhập: Vài ý kiến từ thực tiễn bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin - thư viện tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia // Kỷ yếu hội nghị khoa học “Sự nghiệp thư viện Việt Nam đổi mới và hội nhập”. - H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2011.

6. Vụ Thư viện. Báo cáo tổng kết đề án: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thư viện công cộng đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá. - H., 2013.

7. Joan M. Reitz.Online Dictionary for Library and Information Science. Http://www.abc-clio.com/ODLIS /odlis_A.aspx.

8. Leila Razmjou.To Be a Good Translator // the Second International Conference on "Critical Discourse Analysis: the Message of the Medium" in Yemen, Hodeidah University, October, 2003.

9. Các từ điển, các bộ từ khoá, bộ tiêu đề chủ đề, các tiêu chuẩn (TCVN 5453:2009, TCVN 10274:2013, TCVN 7539:2005, TCVN 8694:2011…), chuẩn nghiệp vụ và các trang web được trích dẫn trong bài.

_____________________

ThS. Nguyễn Thị Hạnh

Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 1. - Tr. 32-36,44..


Đọc thêm cùng chuyên mục: