Phác thảo về mô hình thư viện cấp cơ sở ở nước ta hiện nay

E-mail Print

1. Về nhận thức, quan điểm

Nước ta có gần 11.000 xã, phường, thị trấn. Cấp cơ sở này giữ một vị trí hết sức quan trọng, là cấp cuối cùng của 4 cấp hành chính Nhà nước, nơi dân cư tập trung sinh sống và lao động, sản xuất, nơi trực tiếp triển khai mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Do vậy, tập trung đầu tư mọi mặt cho cơ sở luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xem việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá cho nhân dân ở cơ sở, đặc biệt là bà con nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhiều hoạt động cơ bản và những thiết chế văn hoá chủ yếu đã được tổ chức, trong đó hoạt động sách, báo gắn liền với việc xây dựng các thư viện, tủ sách ở cơ sở luôn được quan tâm và đầu tư phát triển.

2. Nhu cầu đọc ở cấp cơ sở

Phải nói rằng từ trước tới nay, chúng ta chưa có một thống kê toàn diện nào để khảo sát nhu cầu đọc ở tỉnh, huyện và cơ sở (kể cả trong hệ thống thư viện công cộng). Song chắc chắn một điều là nhu cầu đọc của người dân ở các cấp nói trên đang ngày một gia tăng, nhất là khi nước ta chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế. Ngày nay ở cơ sở, nhu cầu đọc sách, báo là rất lớn, rất đa dạng và phong phú bởi những lý do sau đây:

- Dân trí ở cơ sở và nông thôn đã cao hơn trước. Tỷ lệ người thất học, mù chữ đang giảm mạnh. Chúng ta đang tiến tới phổ cập trung học phổ thông đối với thành thị, phổ cập trung học cơ sở đối với nông thôn và phổ cập tiểu học đối với đồng bào ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa...

- Lực lượng trí thức ở nông thôn, cấp cơ sở như: kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… ngày càng gia tăng, đặc biệt là tầng lớp cán bộ hưu trí đang sinh sống ở cơ sở cũng rất đông. Chính đội ngũ trí thức này có nhu cầu rất lớn về sách, báo, tri thức.

- Từ khi chuyển đổi cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, người dân ở khắp mọi nơi nhất là ở vùng nông thôn đang đua nhau làm giàu. Họ có nhu cầu đọc sách, báo để tìm hiểu những vấn đề về giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là những tri thức mới về sản xuất, nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ…

Ngoài ra phải kể đến số đông các cháu thiếu nhi, học sinh, sinh viên, cán bộ đang làm việc ở cấp cơ sở cũng có nhu cầu đọc sách, báo để phục vụ cho học tập, công tác và nâng cao sự hiểu biết.

Tuy nhiên, đang tồn tại một nghịch lý là: Sách, báo ngày nay được in ra ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu được phát hành ở thành phố, thị xã, thị trấn (nơi có dân trí cao), chỉ có số ít đến được với bà con nông dân ở cấp cơ sở. Chính người dân ở cơ sở nước ta (nơi có dân trí thấp) vẫn đang thiếu sách, báo.

3. Mô hình thư viện, tủ sách cơ sở ở nước ta hiện nay

 Hiện nay nước ta có những mô hình thư viện cơ sở chủ yếu sau đây:

- Thư viện xã, tủ sách các làng, thôn, khu dân cư do ngành VHTTDL quản lý.

- Điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) là mô hình thư viện liên kết giữa ngành VHTTDL và ngành Thông tin và Truyền thông, do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

- Tủ sách Pháp luật xã, phường, thị trấn là mô hình thư viện liên kết giữa Bộ Tư pháp và Bộ VHTTDL, do Bộ Tư pháp quản lý.

- Tủ sách đồn biên phòng là mô hình thư viện liên kết giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng quản lý.

Ngoài ra, hiện nay trong cả nước còn có thêm thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (đến nay cả nước có trên 40 thư viện tư nhân với hình thức này) do người dân có điều kiện đứng ra thành lập thư viện để phục vụ sách, báo cho bà con ở cơ sở.

Đây có thể coi là một trong những nét đặc thù của hoạt động thư viện nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm đảm bảo cho mọi người dân được tiếp xúc với sách, báo, dần dần xoá bỏ sự cách biệt về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục phổ thông và xây dựng một "xã hội đọc" trong tương lai.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2014, số thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cơ sở do ngành VHTTDL quản lý có hơn 17.000 đơn vị, bao gồm thư viện ở các xã, phường, phòng đọc sách thôn, làng, ấp, bản… Một số thư viện kết hợp giữa xã và các đơn vị kinh tế địa phương, thư viện xã kết hợp trường học, thư viện chùa Khmer. Số sách, báo trong các thư viện, phòng đọc sách cơ sở có khoảng trên 01 triệu bản. Có thể nói, mô hình thư viện, tủ sách cơ sở do ngành VHTTDL xây dựng và quản lý được hình thành và phát triển sớm nhất ở nước ta, đã và đang đóng vai trò chủ đạo trong việc phục vụ đọc sách, báo cho nhân dân trên địa bàn. Với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, việc đưa ra tiêu chí mỗi xã, thôn phải có thiết chế thư viện, tủ sách, thì mới được công nhận là Làng văn hoá, Xã văn hoá đã tạo điều kiện cho ra đời hàng loạt thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn, khu dân cư sinh sống, nhưng lại không đồng đều: ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới và hải đảo quá thưa thớt, chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bằng và đô thị, thị trấn, thị tứ... nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Đối với hệ thống, tủ sách điểm BĐVHX: Từ vốn sách ban đầu là 150 bản sách và 3-4 loại báo, tạp chí cho 01 điểm (năm 1999), đến nay cả nước có khoảng 7.500 điểm BĐVHX (trung bình mỗi điểm BĐVHX có khoảng 400-500 bản sách và 4-5 loại báo, tạp chí). Nhìn chung các điểm BĐVHX trong những năm qua đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phục vụ sách, báo cho người dân nông thôn, nhất là ở các vùng miền núi, hải đảo, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn. Nhờ có hệ thống tủ sách BĐVHX rộng khắp này mà đa số nhân dân có điều kiện nắm bắt kịp thời những thông tin kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề thời sự nóng hổi, những sự kiện trọng đại của đất nước. Trong tương lai gần, các điểm BĐVHX ở vùng nông thôn – kể cả vùng sâu, vùng xa sẽ đóng vai trò quan trọng vào việc nâng cao dân trí, cung cấp tri thức và hiểu biết cho người dân, xoá dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa nông thôn và thành thị, miền xuôi và miền ngược, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Mô hình Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn được xây dựng, quản lý theo Quyết định số 1067/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998. Từ Dự án này, Uỷ ban nhân dân xã đã trang bị giá sách, vốn sách pháp luật ban đầu (bình quân từ 400 đến 600 cuốn sách) và cử một cán bộ tư pháp kiêm nhiệm vừa trông coi quản lý vừa phục vụ bạn đọc. Tính đến nay, cả nước đã có hơn 10.000 Tủ sách pháp luật xã, phường. Nhìn chung, sự ra đời của Tủ sách pháp luật trong thời gian qua không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở cho người dân, mà còn có tác dụng tuyên truyền, phổ biến mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn việc thực thi pháp luật trong nhân dân, tạo cho nhân dân thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Việc xây dựng Tủ sách đồn biên phòng để đưa sách, báo đến với biên giới, hải đảo luôn được Đảng và Nhà nước cùng các Ban, Ngành, các cấp hết sức quan tâm (hiện cả nước có hơn 400 tủ sách đồn biên phòng, trong đó chủ yếu ở cơ sở). Với nhận thức xây dựng Tủ sách biên phòng trở thành điểm sáng văn hoá, để thực hiện tốt các nhiệm vụ: vừa xây dựng môi trường văn hoá với các mục tiêu lý tưởng của bộ đội Cụ Hồ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ; vừa từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, tạo nên thói quen đọc sách, báo cho đồng bào các dân tộc, xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay bình quân mỗi năm, mạng lưới thư viện cấp huyện nước ta (trên 620 thư viện huyện) phục vụ gần 300.000 bạn đọc, hơn 7 triệu lượt người và gần 20 triệu lượt sách, báo thì các thư viện xã, tủ sách cơ sở trong cả nước (dù với vốn sách, báo còn ít ỏi, kinh phí bổ sung sách còn hạn hẹp), bình quân mỗi năm cũng đã thu hút được trên 700.000 bạn đọc, phục vụ hơn 10 triệu lượt người và gần 27,5 triệu lượt sách, báo.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mạng lưới thư viện cơ sở ở nước ta cũng đã gặp không ít khó khăn, đó là:

1. Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị cho thư viện cơ sở (ngoại trừ trụ sở của các điểm BĐVHX) nhìn chung còn quá nghèo nàn, tạm bợ. Rất ít thư viện, tủ sách cơ sở được đầu tư xây mới, kiên cố. Phần lớn thư viện, tủ sách cơ sở mới được xây dựng và phục hồi trong những năm gần đây. Một số tủ sách được xây dựng trong các làng văn hoá theo quy định làng, ấp, bản văn hoá. Vốn tài liệu, sách, báo của thư viện còn ít ỏi. Đã vậy, ở nhiều nơi do xã hội hoá công tác thư viện mà có được, nên sách cũ nát nhiều, không hấp dẫn người đọc.

2. Sau khi ra đời, nhiều thư viện, tủ sách cơ sở không có nguồn kinh phí thường xuyên để bổ sung sách, báo mới. Kinh phí bổ sung sách chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân, do vậy cũng chưa được thường xuyên, liên tục nên hiệu quả hoạt động của các thư viện này còn thấp.

3. Để tăng cường vốn sách, báo cho thư viện cơ sở, Vụ Thư viện đã chỉ đạo các thư viện tỉnh, thư viện huyện tiến hành luân chuyển sách, báo xuống cơ sở. Tuy nhiên, công việc này cũng chưa đáp ứng được là bao, vì số thư viện cơ sở thì nhiều, vốn sách luân chuyển thì có hạn, nhiều thư viện tỉnh không có phương tiện ôtô.

4. Hầu hết các thư viện, tủ sách cơ sở không có nhân viên chuyên trách. Nhân viên lại hay thay đổi và ít được tập huấn nghiệp vụ. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của các thư viện này còn thấp. Mặt khác, do chưa có chế độ trợ cấp thường xuyên và ổn định cho những người phụ trách các thư viện, tủ sách cơ sở nên không khuyến khích được nhiệt tình của họ.

5. Trong việc phối kết hợp với các Ban, Ngành như: Tư pháp, Bưu chính Viễn thông và bộ đội biên phòng, dường như chúng ta chưa vào cuộc hết mình. Phải chăng những khó khăn về cơ sở vật chất, về kinh phí đã là những rào cản không nhỏ để chúng ta chưa thực sự bắt nhịp được tinh thần chỉ đạo từ Trung ương? Và câu hỏi đặt ra là tại sao tất cả chúng ta: ngành VHTTDL, ngành Tư pháp, ngành Thông tin và Truyền thông và Bộ đội biên phòng đều cùng một mục tiêu chung là hướng tới cơ sở, xây dựng phong trào đọc sách, báo cho toàn dân, vậy mà có nơi Tủ sách pháp luật lại được khoá kỹ để trong Uỷ ban nhân dân xã, phường, dân không dám vào đọc? Nhiều khi cán bộ điểm BĐVHX chỉ chú tâm làm dịch vụ bưu điện mà bê trễ việc phục vụ sách, báo cho người dân?

4. Một số giải pháp cần tháo gỡ cho các thư viện, tủ sách cơ sở ở nước ta hiện nay

Một là, đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các văn bản pháp quy liên ngành, đặc biệt là Luật Thư viện để chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển mạng lưới thư viện cơ sở (trong đó có đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, thù lao cho người làm thư viện ở cơ sở...).

Hai là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Pháp lệnh Thư viện và Nghị định 72/2002/ NĐ-CP của Chính phủ để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, báo ở địa phương. Đối với cơ sở, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá hoạt động thư viện để vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp xây dựng thư viện. Tiềm lực trong nhân dân rất lớn vì thế phải coi công tác xã hội hoá là việc làm thường xuyên, lâu dài.

Ba là, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố, thư viện cấp tỉnh và cấp huyện cần có kế hoạch dài hạn (có thể là những đề án, dự án tổng thể…) để từng bước đầu tư kinh phí xây dựng và duy trì, phát triển các thư viện, tủ sách cơ sở của địa phương mình (trong đó lưu ý: xây dựng kho sách luân chuyển, tập huấn viên chức, luân chuyển sách, báo). Hiện nay hầu hết các thư viện tỉnh, thư viện huyện đã và đang duy trì có hiệu quả hình thức luân chuyển sách, báo xuống cơ sở. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, các thư viện huyện ở nước ta cần phải được đầu tư và củng cố hơn nữa về mọi mặt: Số lượng, chất lượng vốn tài liệu, cơ sở vật chất và đội ngũ người làm thư viện…

Bốn là, cần xác định rõ việc xây dựng các mô hình thư viện, tủ sách cơ sở phải xuất phát từ yêu cầu thực tế và điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Không nên áp đặt một mô hình chung, rồi áp dụng một cách cứng nhắc, kém hiệu quả. Cũng không nên chạy theo thành tích để xây dựng hàng loạt thư viện, tủ sách cơ sở mà phải tính đến nhu cầu và khả năng duy trì, phát triển lâu dài, bền vững.

Năm là, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, phối hợp giữa các Bộ, Ban, Ngành, các tổ chức xã hội trong tỉnh để huy động nguồn lực tổng hợp xây dựng các thư viện, tủ sách cơ sở theo định hướng xã hội hoá và đa dạng hoá. Mấy năm gần đây, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (Hoa Kỳ) tài trợ, trị giá hàng chục triệu USD đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho hàng nghìn thư viện cơ sở trong cả nước. Đối với điểm BĐVHX, Tủ sách pháp luật xã, tuỳ điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương để tổ chức phục vụ hiệu quả nhất. Dù phục vụ dưới hình thức nào thì thư viện tỉnh, thư viện huyện cũng phải xác định rõ trách nhiệm: coi đó là một điểm đọc sách, báo của cộng đồng. Từ đó thực hiện tốt việc luân chuyển, hỗ trợ sách, báo; phối hợp với các Ban, Ngành tập huấn nghiệp vụ cho người làm thư viện…

Tóm lại, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện và xây dựng, củng cố phong trào đọc sách, báo ở cơ sở không phải là công việc một sớm, một chiều, mà là công việc lâu dài và gian khó. Nó không chỉ tốn kém nhiều tiền của, mà còn đòi hỏi rất nhiều công sức. Để sự nghiệp thư viện hướng về cơ sở và trở thành khẩu hiệu hành động thì ngoài sự quan tâm và đầu tư của các cấp chính quyền địa phương ở cơ sở, Đảng và Nhà nước ta cần có cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp để đầu tư lâu dài về mọi mặt cho thư viện ở cơ sở và phải luôn coi đó là một trong những thiết chế văn hoá bền vững, để từ đó có hướng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí mua sách, báo, thù lao cho người làm thư viện… góp phần thực hiện thành công cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Kỷ yếu Hội nghị Tổng kết ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2014: số liệu thống kê ngành Thư viện Việt Nam. - H., 2014. - Tr. 40-41.

2. Lê Minh Chiều.Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng - Mô hình xã hội hoá cần nhân rộng // Báo Nhân dân cuối tuần. - 2006. - Số 43. - Tr. 8.

3. Nguyễn Hữu Giới.Xã hội hoá và đa dạng hoá tổ chức và hoạt động thư viện, tủ sách ở cơ sở khu vực Đồng bằng sông Hồng (2001-2006): Thực trạng và giải pháp khắc phục : Luận văn Thạc sỹ thông tin - thư viện. - H: Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, 2008.

4. Lê Nguyên Khôi.Xây dựng Tủ sách đồn biên phòng để đưa sách báo đến với biên giới, hải đảo // Tạp chí Thông tin và Tư liệu phía Nam. - 2005. - Số 21. - Tr. 21-24.

5. Trần Anh Tuấn.Điểm bưu điện văn hoá xã và việc nâng cao đời sống văn hoá // Tạp chí Văn hoá nghệ thuật. - 2006. - Số 4. - Tr. 102-104.

6. Trần Hoàn.Sự nghiệp thư viện và thư viện hướng về cơ sở // Tập san Thư viện. -  1996. - Số 2. - Tr. 3-5.

____________________

ThS. Nguyễn Hữu Giới    

Chủ tịch công đoàn Bộ VHTTDL

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 1. - Tr. 22-26.


Đọc thêm cùng chuyên mục: