Từ thư viện truyền thống…
Thư viện (TV) là kho tàng tri thức của nhân loại hay còn được coi là đền đài của văn hoá và sự uyên thâm. TV xuất hiện từ rất sớm, ngay khi loài người có nhu cầu lưu giữ thông tin. Tuy nhiên, hình ảnh TV trước đây đơn giản chỉ là nơi tàng trữ hàng nghìn cuốn tài liệu được sắp xếp theo khổ cỡ và cất kỹ trong những kho kín của TV. Người dùng tin chỉ có thể tiếp cận đến tài liệu thông qua thủ thư tại các quầy lưu thông. Để mượn được tài liệu, người dùng tin bắt buộc phải đến TV và sử dụng các sản phẩm thông tin truyền thống như: hệ thống mục lục, thư mục... cũng như các dịch vụ thông tin giản đơn như: đọc tại chỗ, mượn về nhà, sao chụp tài liệu…
Cùng với năm tháng và sự tiến bộ của nhân loại, nhu cầu tin ngày càng phát triển đã kéo theo sự thay đổi của các TV. Các nhà quản lý TV đã nhận thức được những tiện ích của việc cho người dùng tin tiếp cận trực tiếp kho tài liệu. Chính vì vậy, các TV đã cải tiến phương thức phục vụ: từ phương thức tổ chức kho đóng sang phương thức tổ chức kho mở.
Nhưng xét cho cùng, mọi hoạt động trong TV truyền thống vẫn chỉ được thực hiện theo phương thức thủ công, đơn giản và nhiều hạn chế. Người dùng tin vẫn bị gò bó trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Bản thân mỗi TV cũng chỉ là một “ốc đảo” tách biệt, không có sự liên thông, phối hợp với các TV khác để tạo thành một mạng lưới liên kết.
…Làm thay đổi loại hình tài liệu từ dạng giấy sang dạng số…
Sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và sự ra đời của máy tính điện tử với dung lượng bộ nhớ tưởng chừng không hạn chế, khả năng tính toán cực nhanh và hầu như không bao giờ nhầm lẫn đã mở ra hướng đi mới, đầy triển vọng cho hoạt động thư viện - thông tin. Việc sử dụng kỹ thuật số để biểu diễn thông tin đã dẫn đến sự xuất hiện của một loại hình tài liệu mới, đó là tài liệu số.
Cho đến nay, đã có không ít định nghĩa về tài liệu số được đưa ra. Điểm chung của các định nghĩa này đều cho rằng: tài liệu số là tài liệu mà thông tin chứa đựng trong đó đã được biểu diễn dưới dạng mã nhị phân, tức là mã chỉ gồm hai số 0 và 1. Nói cách khác, những thông tin về tài liệu, một phần hay toàn bộ nội dung của tài liệu đã được chuyển thành các “bit” thông tin dữ liệu và được lưu trữ, khai thác trên máy tính, với sự hỗ trợ của một hay một vài thiết bị chuyên dụng, phần mềm ứng dụng và hệ thống mạng máy tính. Như vậy, tài liệu được tạo lập trực tiếp từ máy tính, được lưu trữ thành các tệp dữ liệu (file), với những định dạng khác nhau như: .doc, .exe, .jpg… và các tài liệu có nội dung là kết quả của quá trình số hoá các loại hình tài liệu khác: giấy, ảnh, phim… đều là tài liệu số.
Với cách hiểu đó, có thể coi tài liệu số là tất cả những thông tin được lưu trữ dưới dạng số, được xử lý, lưu trữ và truy cập trên máy tính, hay trên mạng máy tính. Tài liệu số có những đặc trưng như:
- Mật độ thông tin của tài liệu số rất lớn.
- Thông tin chứa trong tài liệu số luôn mới vì có thể được cập nhật nhanh chóng, thường xuyên và kịp thời với một mức chi phí hợp lý và thao tác không quá phức tạp, chiếm nhiều thời gian và công sức.
- Tài liệu số có khả năng được truy cập theo nhiều dấu hiệu khác nhau, bởi nhiều người dùng ở cùng một thời điểm mà không bị giới hạn về thời gian hay vị trí địa lý.
- Tài liệu số có thể lưu trữ thông tin theo nhiều định dạng khác nhau: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…
- Tài liệu số tạo ra một kênh thông tin phản hồi đa chiều, giúp người dùng tin có thể liên hệ trực tiếp với tác giả hay người tổ chức nguồn tin (thường được biết đến với vai trò quản trị viên hay Admin của nguồn tin), cũng như hỗ trợ người dùng tin tham gia vào các diễn đàn học thuật để trao đổi thông tin và chia sẻ cảm nhận với những người dùng tin khác.
Chính với những đặc trưng nổi trội nói trên, tài liệu số đang là nguồn tài liệu mà các TV hướng tới phát triển. Bởi thực tế đã chỉ ra rằng một cơ quan thư viện - thông tin riêng lẻ chắc chắn sẽ không có đủ khả năng để bổ sung tài liệu một cách đầy đủ và toàn diện, cũng như đến một lúc nào đó không có đủ diện tích để lưu trữ và bảo quản mọi nguồn tin họ có, nếu như họ chỉ liên tục bổ sung một loại hình tài liệu duy nhất là tài liệu in ấn như: sách in, báo, tạp chí in… Liên kết, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin chính là giải pháp tất yếu mà các thư viện lựa chọn. Không chỉ dừng lại ở việc liên kết, trao đổi dữ liệu dạng thư mục, mà cùng với việc ứng dụng những thành tựu tiên tiến của công nghệ thông tin đã giúp các TV chia sẻ cả dữ liệu dạng toàn văn (tài liệu số).
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các tạp chí khoa học và nghiên cứu, ấn phẩm nhiều kỳ, sách, âm nhạc và phim ảnh, tất cả những nội dung điện tử đều có xu hướng xuất bản dưới dạng số. Đặc biệt, những ấn phẩm nhiều kỳ là dạng tài liệu hướng tới chia sẻ dưới dạng số sớm nhất. Thậm chí ngày nay, phần lớn thư viện đại học và nghiên cứu đã, đang trải qua sự dịch chuyển tạp chí khoa học và nghiên cứu từ dạng in sang dạng điện tử. Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đã thay vì mở rộng các ấn phẩm nhiều kỳ đóng tập bằng các sản phẩm hay cơ sở dữ liệu tạp chí điện tử. Nhiều dự án số hoá đã được triển khai. Chẳng hạn như trên thế giới, Google đang trên con đường hoàn thành những dự án số hoá hàng triệu đầu sách từ những thư viện lớn trên thế giới; còn ở Việt Nam, một số dự án số hoá cũng đã được triển khai như: Dự án “Xây dựng thư viện số trường Đại học Khoa học Tự nhiên” được Hội đồng xét duyệt Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông qua năm 2003; Dự án “Tăng cường năng lực thư viện số và bảo quản số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư năm 2012…
Với tốc độ chuyển dịch loại hình tài liệu từ dạng giấy sang dạng số như hiện nay, thì rất có thể chỉ trong một vài thập niên tới, “Cơ sở của thư viện là sách” theo quan điểm của các nhà thư viện học trước đây sẽ không chỉ đơn thuần là các sách được xuất bản dưới dạng giấy mà sẽ bổ sung thêm một loại hình mới đó là sách số hoá.
Nói tóm lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang góp phần làm thay đổi về chất của hoạt động giao lưu thông tin, trong đó có hoạt động thư viện - thông tin trên toàn thế giới.
…đến hình thành thư viện số
Nếu như trước đây, Quản lý tư liệu là mục tiêu hướng tới của các TV truyền thống, thì trong thời đại thông tin như hiện nay, khi nền tảng của xã hội chính là dựa trên sản xuất, xử lý, lưu trữ, phổ biến, truy cập, sử dụng thông tin và tri thức dưới mọi hình thức, dựa trên hạ tầng cơ sở viễn thông phát triển thì quan niệm này đã thay đổi. Quản lý thông tin và Quản lý tri thức mới chính là kim chỉ nam của các TV. Cùng xuất phát từ ý định ban đầu là làm tốt công việc lưu trữ và bảo quản, nhưng TV ngày nay đã chú trọng đến người dùng tin, coi người dùng tin là trung tâm với sự nhấn mạnh đến việc trao đổi thông tin. Và TV số đã ra đời. Cuộc cách mạng thông tin không những cung cấp năng lực công nghệ hướng đến TV số, mà còn đáp ứng một nhu cầu chưa từng có về lưu trữ, tổ chức và truy cập thông tin.
Nhiều người vẫn cho rằng TV số chính là World Wide Web. Bởi trên đó, người ta có thể tra cứu được bất kỳ thông tin gì và nó có thể liên kết được đến rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Web chỉ được coi là một công nghệ của TV. Nó thiếu hẳn những đặc điểm quan trọng của việc sưu tầm và tổ chức thông tin. Trong khi đó, TV số ngày càng hoàn thiện việc tổ chức thông tin để người dùng tin tự hình thành tri thức với phương châm "TV số là nơi sử dụng công nghệ để chuyển câu hỏi thành câu trả lời".
Vậy thư viện số là gì?
Theo từ điển Wikipedia: “Thư viện số hay thư viện trực tuyến là thư viện mà ở đó các bộ sưu tập được lưu trữ dưới dạng số (tương phản với các định dạng in, vi dạng, hoặc các phương tiện khác) và có thể truy cập bằng máy tính. Nội dung số có thể được lưu trữ cục bộ hoặc truy cập từ xa qua mạng máy tính. Thư viện số là một loại hệ thống truy hồi thông tin (Information Retrieval System)”.
Học giả người Nga là Sokolova và Liyabev cho rằng: “Thư viện số là một hệ thống phân tán có khả năng lưu trữ và tận dụng hiệu quả các loại tài liệu điện tử khác nhau, giúp người dùng tin có thể truy cập và được chuyển giao thông tin dễ dàng qua máy”.
Theo định nghĩa về TV số của Hiệp hội Thư viện số Hoa Kỳ (Digital Library Federation): “Thư viện số là các tổ chức cung cấp tài nguyên, gồm các nhân viên chuyên biệt giúp lựa chọn, tổ chức, cung cấp khả năng truy xuất thông minh, chỉ dẫn, phân phối, bảo quản tính toàn vẹn và sự thống nhất của các bộ sưu tập theo thời gian để đảm bảo sao cho chúng luôn sẵn có để truy xuất một cách dễ dàng và kinh tế nhất đối với một cộng đồng người dùng tin hoặc một nhóm cộng đồng người dùng tin”.
Hiện nay, có khá nhiều khái niệm khác nhau về TV số, nhưng tựu trung lại TV số được hiểu là một hệ thống thông tin trong đó tất cả các nguồn thông tin đều có sẵn dưới dạng có thể xử lý được bằng máy tính và trong đó tất cả các chức năng bổ sung, lưu trữ, bảo quản, tìm kiếm, truy cập và hiện hình đều sử dụng kỹ thuật số.
Để hiểu rõ hơn về TV số, người ta đã đưa ra một sự so sánh rất thú vị đó là nếu coi thông tin là tiền tệ trong nền kinh tế tri thức thì TV số sẽ là ngân hàng - nơi được đầu tư.
TV số có nhiều đặc điểm nổi bật như:
- Khả năng lưu trữ khối lượng lớn tài nguyên thông tin khác nhau;
- Khả năng lưu trữ và chuyển giao tài nguyên thông tin bằng nhiều phương tiện khác nhau;
- Khả năng chuyển giao tài nguyên thông tin qua mạng;
- Khả năng quản lý tài nguyên thông tin phân tán;
- Dùng công nghệ để tìm kiếm và truy xuất thông tin;
- Cung cấp dịch vụ thông tin không giới hạn về thời gian và không gian.
Nếu như trong TV truyền thống, mỗi quyển sách là một bản hoàn chỉnh và độc lập thì ngược lại, trong TV số với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tất cả tài liệu sẽ được liên kết với nhau. Bên cạnh việc dùng đường dẫn liên kết (link) để liên kết câu, từ hoặc các quyển sách với nhau, người dùng tin có thể sử dụng gắn thẻ (tag) để chú thích chung cho tất cả mọi người về một dữ liệu, tranh ảnh hay bài hát nào đó nhằm thuận tiện cho việc tìm kiếm khi cần. Chính nhờ sự tiến bộ của công nghệ đã cho phép các TV thực hiện điều này, còn trong TV truyền thống thì không bao giờ đạt được. Sách được số hoá có thể được chia nhỏ thành từng trang, từng đoạn nhỏ, sau đó được sắp xếp lại tạo thành một quyển sách mới hoặc chứa trong một “giá sách ảo” - nơi tập hợp những đoạn văn ngắn hoặc cả nội dung của một quyển sách hoàn chỉnh.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi nói đến TV người ta không nói đến một TV đơn độc mà nói đến một hệ thống TV hay là mạng lưới TV - Những TV cùng ngành, cùng chức năng, hay trong cùng một vùng địa lý liên kết với nhau. Chính vì thế, xu thế phát triển TV số đã trở thành một phần tất yếu trong hoạt động thư viện - thông tin. TV số là một TV hiện đại, có thể đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của người dùng tin một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Các thư viện cần gì để phát triển thư viện số?
TV số là một TV điện tử cao cấp, trong đó toàn bộ các tài liệu của TV đó được số hoá và được quản lý bằng một phần mềm chuyên nghiệp có tổ chức để người dùng tin dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được nội dung toàn văn của chúng từ xa thông qua hệ thống mạng thông tin và các phương tiện truyền thông. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho việc xây dựng và phát triển TV số, các TV cần có một cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế và cần thiết hơn cả là một đội ngũ người làm thư viện được trang bị đầy đủ kiến thức tổng hợp như: kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và các kỹ năng mềm khác.
Một sự so sánh giữa người làm thư viện truyền thống và người làm TV số đã được đưa ra:
Như vậy, có thể thấy rằng, nhiệm vụ của người làm TV số không chỉ là người trông coi sách mà còn là một chuyên gia thông tin, người tổ chức và phục vụ thông tin trong môi trường số hoá.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn gặp phải nhiều hạn chế, hạn chế cả trong kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm, trong đó khả năng sử dụng ngoại ngữ và kiến thức tin học là hai hạn chế thường gặp nhất ở phần lớn sinh viên. Nhiều em còn lúng túng trong việc sử dụng phần mềm tin học văn phòng và đa số còn lạ lẫm với các trang thiết bị và phần mềm TV hiện đại. Kiến thức các em được trang bị chỉ phù hợp với việc phục vụ trong TV truyền thống. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng: nội dung đào tạo người làm thư viện của chúng ta chú trọng về triết học, lịch sử nhiều hơn là đến khía cạnh tác nghiệp. Chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn. Hệ thống giáo trình quá cũ, lạc hậu. Các kiến thức về TV hiện đại chưa được cập nhật kịp thời. Cơ sở thực hành còn thiếu thốn, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ cho TV hiện đại. Hầu như sinh viên chỉ dừng ở việc học lý thuyết mà chưa có nhiều điều kiện thực hành trong môi trường ứng dụng. Điều này đã làm cho sinh viên thiếu hụt các kiến thức thực tế.
Vì vậy, để có thể xây dựng được một đội ngũ người làm thư viện bắt nhịp được với nhu cầu hội nhập, cần phải chú trọng tới công tác đào tạo. Cần xây dựng chương trình đào tạo theo hướng phát triển, nâng cao và cập nhật thường xuyên những kiến thức mới. Mạnh dạn loại bỏ các môn học lạc hậu, trùng lặp, không còn phù hợp và thay thế vào đó là những môn học về công nghệ thông tin và TV hiện đại như: thiết kế trang web; xây dựng, tổ chức, quản lý và khai thác TV số… Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành để sinh viên có cơ hội được tiếp cận với công nghệ mới đang được ứng dụng trong các TV hiện đại…
Tóm lại, cần có những cải cách sâu rộng trong chương trình và nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hoá và hội nhập, kết hợp chặt chẽ với ngành công nghệ thông tin để phát triển theo hướng đào tạo mới. Có như vậy, các cơ sở đào tạo chuyên ngành thư viện - thông tin mới có thể đào tạo ra những thế hệ sinh viên đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đoàn Phan Tân. Thông tin học. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006. - Tr. 157.
2. Nguyễn Huy Chương. Thư viện Đại học Mỹ - một số cải cách chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo // Tạp chí Khoa học - Khoa học xã hội. - 1999. - Số 4. - Tr. 1-6.
3. Phạm Thế Khang. Cơ hội và thách thức của Thư viện Việt Nam // Kỷ yếu hội thảo 50 năm đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin. - 2011. - Tr. 20-26.
4. Xây dựng thư viện hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay // Kỷ yếu hội nghị thư viện các trường đại học, cao đẳng lần thứ nhất. - 2008.
5. Ian H. Witten, David BainBridge. How to build a Digital Library. - San Francisco, CA : Morgan Kaufmann Publishers, 2003.
6. Xiao, T. Studying on the concept of digital library // Information Research. 2003. - No.3. - P. 10-12.
7. Waters D.J. What are Digital Libraries? // CLIR Issues (Council on Library and Information Resources). - 1998. - Vol. 4.
8. http://www.thuvien.net/khoa-hoc-thu-vien-nghiep-vu/khoa-hoc-thong-tin-va-thu-vien/thu-vien-so/giai-phap-xay-dung-cac-bo-suu-tap-tai-lieu-so-pgs-ts-hoang-duc-lien-tvvc-nguyen- huu-ty-trung- tam-thong-tin-thu-vien-dh-nong-nghiep-i.
9. http://ptit.edu.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3h LizBHd1cfIwN_MyM3A08vc2cXVx83LyMDE_2CbEdFANC9Imk!/?WCM_PORTLET=PC_7_98VAGEL2088LB0IBLF60OE1KH2000000_WCM&WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/TTTV/TTTV/NghiepVuTV/51thu-vien-so-trong-thoi-dai-qso-hoaq.
_____________________________________________
ThS. Đinh Thuý Quỳnh, ThS. Hoàng Thuý Phương
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 6. - Tr. 24-28
< Prev | Next > |
---|
- Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin tại hệ thống thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh
- Đề xuất mô hình phát triển nguồn lực thông tin cho hệ thống thư viện công cộng Việt Nam
- Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện và việc thực hiện, áp dụng vào thực tiễn quản lý và tổ chức hoạt động trong các thư viện hoạt động bằng ngân sách nhà nước
- ZOPIM - Giải pháp hỗ trợ trực tuyến cho thư viện các trường đại học Việt Nam
- Xu hướng đổi mới hoạt động thư viện đại học giai đoạn hiện nay
- Thư viện trường phổ thông với việc hình thành và rèn luyện thói quen, kỹ năng sử dụng thông tin của học sinh
- Nghiên cứu hành động: cách tiếp cận trong nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin
- Áp dụng công cụ quản lý chất lượng toàn diện trong hoạt động thư viện - thông tin ở Việt Nam
- Lợi thế tiếp cận thông tin qua thư viện số với tiếp cận thông tin qua kênh xuất bản, phát hành
- Xây dựng mô hình tổ chức quản lý và phương thức hoạt động thư viện Việt Nam