Lợi thế tiếp cận thông tin qua thư viện số với tiếp cận thông tin qua kênh xuất bản, phát hành

E-mail Print

Đặt vấn đề

Thông tin (TT) ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tiếp cận TT luôn luôn là nhu cầu rất cao của con người trong mọi thời kỳ lịch sử với những mục đích khác nhau, có thể để học hỏi nhằm thay đổi tình trạng hiểu biết của mình hay để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Trong các loại hình TT, TT bằng chữ viết qua văn bản có ưu thế cho phép con người ghi lại tất cả những điều cần TT cho nhau, trao đổi với nhau; ghi lại những sự kiện, hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội và thế giới tự nhiên, những ý nghĩ, tâm tư, tình cảm, sự hiểu biết, tri thức… TT bằng chữ viết có thể tái hiện trong không gian và thời gian, để truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phát huy lợi thế của TT bằng chữ viết, thông qua các xuất bản phẩm, ở tất cả các quốc gia, mạng lưới nhà xuất bản, phát hành và thư viện đều phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận TT với các thể loại phong phú, đa dạng. Trong thời đại điện tử, người dân không chỉ tiếp cận TT qua các xuất bản phẩm dạng giấy, mà có thể tiếp cận các dạng thức TT điện tử do các hệ thống nhà xuất bản, phát hành và thư viện cung cấp. Tuy nhiên, việc tiếp cận TT của người dân qua các kênh xuất bản, phát hành, thư viện có những ưu, nhược điểm khác nhau và việc lựa chọn tiếp cận TT qua kênh nào là quyền của mọi công dân. Chính vì vậy, các thư viện cần quảng bá những điểm nhấn riêng của mình, phải chứng tỏ được những lợi thế của thư viện nếu muốn người dân đến với thư viện để tiếp cận TT.

Ưu, nhược điểm từ việc tiếp cận thông tin của người dân qua các kênh xuất bản, phát hành

Hiện nay, ở nước ta, nhu cầu tiếp cận TT của người dân từ hai kênh phân phối xuất bản phẩm rất cao: các nhà xuất bản và các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm (hay còn gọi là phát hành). Nhu cầu tiếp cận TT của người dân vô cùng phong phú và biến động. Mỗi nhà xuất bản và các doanh nghiệp phát hành hoạt động với các mục tiêu riêng, lợi nhuận riêng, có hệ thống cung cấp riêng và có đối tượng khách hàng riêng của mình. Về mặt quản lý nhà nước, hoạt động xuất bản, kinh doanh xuất bản phẩm đang được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản sửa đổi vào năm 2012 (được chi tiết hoá bởi Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2014); Hoạt động báo chí được điều chỉnh bởi Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999; TT điện tử trên mạng Internet được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin.

Mặt tích cực từ việc tiếp cận thông tin của người dân qua các kênh xuất bản, phát hành

Các đóng góp tích cực của kênh xuất bản, phát hành có thể nhận thấy qua các xuất bản phẩm truyền thống như sách, báo in được lưu hành rộng rãi trên thị trường. “Sản lượng báo in hàng năm đạt 900 triệu bản/ năm, mức hưởng thụ bình quân là 10 bản báo/ người/ năm. Hầu hết người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể đọc miễn phí các báo in phục vụ nhiệm vụ chính trị, TT tuyên truyền thiết yếu. TT tích cực trên báo chí in chiếm trên 80% tổng số bài viết và trang in, bao gồm TT về hoạt động của hệ thống chính trị, TT người tốt, việc tốt, tấm gương học tập, nghiên cứu khoa học, các phương pháp, mô hình quản lý giỏi, TT về văn hoá, lối sống… và các TT góp phần định hướng xây dựng xã hội hướng thiện. Sản lượng sách xuất bản hàng năm đạt khoảng 350 triệu bản/ năm và mức hưởng thụ bình quân là 3,5 bản sách/ người/ năm” [2]. Chất lượng nội dung sách cũng được nâng cao. Sách chính trị - xã hội, sách thiếu nhi, sách phổ biến kiến thức phổ thông, sách cho người dân ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số được xuất bản nhiều hơn. Các hội chợ sách được tổ chức ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn với sự tham gia tích cực của hàng chục nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, bày bán hàng chục nghìn đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau và được đông đảo công chúng đón nhận. Các cuộc đối thoại với những người hiểu biết về sách, các tác giả hoặc giữa những người yêu sách đã thu hút được nhiều người theo dõi. Điều này chứng tỏ các ấn phẩm in chính thống hiện vẫn còn thế mạnh nhất định bên cạnh thị trường xuất bản e-book đã và đang song hành. Nhiều nhà xuất bản và công ty phát hành đã khai thác triệt để facebook nhằm quảng bá sản phẩm của mình. Trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp, dòng sách tinh hoa có chất lượng phổ biến các trào lưu tư tưởng lớn, cổ điển lẫn hiện đại vẫn tiếp tục được duy trì, mặc dù số lượng người tiếp cận còn ít, mức độ tiêu thụ chậm so với các dòng sách “bình dân” đang phát triển mạnh, đặc biệt là loại sách học ngoại ngữ, sách kỹ năng sống và sách ngôn tình dịch của nước ngoài dành cho giới trẻ đang tràn ngập trên thị trường xuất bản.

Những bất cập từ việc tiếp cận thông tin của người dân qua các kênh xuất bản, phát hành

Trong thực tế, khả năng tiếp cận TT của người dân qua kênh xuất bản, phát hành ngày càng rộng rãi hơn và cũng ngày càng khó kiểm soát hơn. Có thể nêu ra một số bất cập như sau:

Đối với việc tiếp cận thông tin qua báo chí

TT tiêu cực trên báo in chiếm tỷ lệ dưới 20%, bên cạnh đó TT trên báo điện tử với số lượng tin bài về bạo lực rất nhiều làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, không chỉ trẻ vị thành niên (nhận thức còn hạn chế) mà cả người lớn cũng suy giảm lòng tin nghiêm trọng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống, vào lòng trắc ẩn của con người. Vì sao nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng “hơn thua” chỉ vì những nguyên cớ rất nhỏ, vì sao con người lại có thể dễ dàng hành xử bạo lực như vậy? Khi cần giải quyết những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, tại sao có một bộ phận thanh niên coi việc giải quyết bằng con đường bạo lực là bình thường và phải chăng đây là một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ tội phạm gia tăng ở giới trẻ?

TT về những điểm yếu kém tồn tại dai dẳng trong hệ thống giáo dục ở mọi bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; TT về hiện trạng tiêu cực, tham nhũng trong các dự án; TT về tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành nghề đào tạo liên tục xuất hiện trên báo chí làm không ít sinh viên đã nhìn cuộc đời với ánh mắt u ám hơn, họ lo ngại, hoang mang về tương lai của mình. Phải chăng vì điều này mà một bộ phận không nhỏ sinh viên thay vì thực học để sau này dấn thân cống hiến cho xã hội lại tìm cách học đối phó, học chỉ để lấy bằng cấp với mục đích kiếm kế sinh nhai, mưu cầu lợi ích cho bản thân?

Với ưu thế về tính cập nhật của TT báo chí, tính đến tháng 12/2014, với 838 cơ quan báo chí in (1.111 ấn phẩm báo chí), 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp, số lượng người dân tiếp cận TT bằng kênh này ngày càng gia tăng. Mặc dù cơ quan quản lý kênh báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nhiều vụ việc đưa TT sai lệch trên báo chí, nhưng cho đến nay những bài viết nông cạn, sao chép, chắp vá, kém chất lượng, coi nhẹ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, nhằm đáp ứng gu thị hiếu giải trí tầm thường của một bộ phận dân trí thấp vẫn tiếp tục được đăng tải, nhất là trên báo mạng [4].

Đối với việc tiếp cận thông tin qua xuất bản phẩm là sách

Sách dù dưới dạng thức nào, trong dòng chảy của lịch sử luôn là tài sản quý, là bộ nhớ của mọi quốc gia, của mọi dân tộc. Số lượng và chất lượng của sách thể hiện sự phát triển về trí tuệ, là thước đo trình độ phát triển từng lĩnh vực của một nước. Sách là công cụ để giới cầm quyền tác động lên quần chúng nhân dân, để kiểm soát, quản lý về tư tưởng, đời sống tinh thần. Người dân đọc sách là để hưởng thụ tinh hoa di sản văn hoá, tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ để vận dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong “rừng sách” của thị trường xuất bản sách của nước ta hiện nay, người dân dễ bị lạc đường trong mê hồn trận về chất lượng của sách.

 Chẳng hạn, đối với sách tham khảo của giáo dục phổ thông, chỉ có giáo viên phổ thông mới biết rõ những sách tham khảo nào phục vụ cho học tập theo quy định từng năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn hầu hết phụ huynh học sinh rất lúng túng khi đứng trước các kệ sách của các nhà sách với các thể loại phong phú, đa dạng về sách tham khảo dành cho bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, họ gặp khó khăn khi chọn lựa sách tham khảo dạng in bảo đảm chất lượng, phù hợp cho con em mình.

Đối với sách phổ thông nhằm mở mang tầm hiểu biết cho đại chúng (cả sách in lẫn e-book) là loại sách được phần đông thanh niên rất ưa chuộng, nhưng trong nhiều năm nay, vấn nạn sách lậu, sách vi phạm bản quyền, nội dung gần giống do sao chép của nhau và loại sách này khá phổ biến. Các bìa sách thường được in ấn đẹp, bắt mắt về màu sắc, tên sách thường hấp dẫn, kích thích sự tò mò hoặc đánh vào nhu cầu mong muốn thành công nhanh của giới trẻ. Loại sách này thường in khổ nhỏ, dễ tiêu thụ vì tiếp cận TT đơn giản, tiện lợi và vì vậy ngày càng nhiều. Đây cũng là loại e-book được thanh niên đọc nhiều trên mạng Internet. Loại sách này rất bổ ích cho giới trẻ để tìm hiểu cách thức rèn luyện kỹ năng sống, đánh giá đúng hơn về bản thân, để thích ứng được với xã hội đang phát triển, để phấn đấu hoàn thiện nhân cách công dân thành những người có ích cho xã hội… Tuy nhiên, loại sách này lại chỉ tập trung tiêu thụ ở các vùng đô thị lớn, với những đợt chiết khấu, giảm giá mạnh của các nhà xuất bản và công ty phát hành sách từ 10%, 20% đến 30%, 40%, thậm chí 50%, nhằm vào đối tượng học sinh, sinh viên ở các vùng đô thị. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì thanh thiếu niên lại thiếu sách để đọc do không có tiền để mua. Chính vì vậy, các con số thống kê chính thức về số lượng sách phổ thông nhằm mở mang tầm hiểu biết được tiêu thụ trên thị trường hàng năm của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách chỉ mới nói lên một khía cạnh: đây là loại sách có sức hút lớn đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay, dễ tiêu thụ trên thị trường, là dòng TT dễ tiếp cận so với dòng TT học thuật qua các loại hình xuất bản phẩm.

Riêng thị trường sách cho thiếu nhi, hiện nay có khoảng 20 nhà xuất bản tham gia với khoảng 5.000 cuốn/ năm, tuy có nhiều sách bổ ích, nhưng cũng đã để lọt lưới những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục như: sách có nội dung bạo lực, vi phạm văn hoá, thuần phong mỹ tục Việt Nam, sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí, không có giá trị giáo dục hoặc có nội dung giáo dục nhưng không được biên tập kỹ, dẫn đến sai sót, gây phản cảm [3]. Số lượng truyện tranh Nhật Bản quá nhiều, lấn át truyện danh nhân, truyện lịch sử của Việt Nam. Trong các cửa hàng sách, quầy sách ngôn tình thu hút giới trẻ với hàng trăm đầu sách in bìa bắt mắt đánh trúng tâm lý tò mò của người dùng tin lứa tuổi mới lớn về đời sống tình yêu, tình dục, những xung đột giữa tình yêu với hôn nhân, tình yêu với lý tưởng và hoài bão của tuổi trẻ, yêu đương tay ba, tay tư lâm ly bi đát. Thanh niên nam nữ giải trí bằng cách đọc truyện ngôn tình, nhất là ngôn tình dịch từ Trung Quốc, nghiền ngẫm theo dõi từ bộ này sang bộ kia, chuyền tay nhau đọc. Những tác phẩm ngôn tình đăng tải trên các diễn đàn điện tử bao giờ cũng nhận được lượt “view” (xem) và “comment” (bình luận) rất lớn, trong khi đó những tác phẩm văn học có giá trị chân - thiện - mỹ cao lại có lượng người dùng tin ít ỏi.

Bất cập chính của việc tiếp cận TT qua xuất bản phẩm trên thị trường sách tự do là không phải người nào cũng có kiến thức về cách lựa chọn sách phù hợp với mình, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đọc thẩm định từng cuốn sách trước khi mua cho con em của họ. Sách được tiêu thụ theo sở thích cá nhân trong điều kiện mặt bằng dân trí nhìn tổng thể còn thấp. Chính vì vậy, khi những sách xấu, sách không bổ ích cho thanh thiếu niên lưu hành tự do trên thị trường, tác hại của nó đối với trẻ em là lâu dài, làm tha hoá con người, làm trẻ em bị lệch lạc trong nhận thức về xã hội và dẫn đến hành xử không tốt trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh hưởng của sách xấu đến đời sống tâm hồn của thanh thiếu niên là khôn lường. Vì lý do này, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường xuất bản, có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ hơn nữa với các hành vi vi phạm pháp luật để loại trừ triệt để các xuất bản phẩm không theo đúng định hướng giáo dục thế hệ trẻ.

Lợi thế của tiếp cận thông tin qua thư viện so với kênh xuất bản, phát hành

Là cơ quan có chức năng văn hoá, giáo dục, TT và giải trí, các thư viện lưu giữ và tổ chức phục vụ cho người dân khai thác sử dụng nguồn tài nguyên TT từ cấp trung ương cho tới cấp cơ sở (phường, xã). Các thư viện được thành lập tại nơi ở và theo nơi sản xuất, công tác. Đến thư viện, người dân có thể tiếp cận TT thông qua các bộ sưu tập tài liệu trong thư viện đã được chọn lọc và tập hợp theo những chủ đề, nội dung nhất định. Mỗi bộ sưu tập có thể bao gồm một, một số hay đầy đủ các dạng tài liệu như: tài liệu ghi trên giấy, tài liệu ghi trên phim, băng từ, đĩa từ, đĩa quang và các vật mang tin khác. Mỗi bộ sưu tập được xây dựng đều bảo đảm có tính hệ thống, các tài liệu đều phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, loại hình, đặc điểm của từng thư viện và được xử lý theo chuẩn quốc tế về kỹ thuật nghiệp vụ. Các bộ sưu tập trong thư viện thường có tác động mạnh mẽ đến người dùng tin do thực hiện chức năng TT các tri thức về khoa học kỹ thuật, văn hoá, văn học nghệ thuật của nhân loại qua nhiều thế hệ. Do mục đích đến thư viện của công dân rất khác nhau: học tập, nghiên cứu, giải trí, giao lưu, mở mang tầm hiểu biết... nên nhu cầu tiếp cận TT của người dùng tin cũng rất khác nhau tuỳ theo đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ...

Trong thời kỳ hiện đại, nhu cầu đọc, học tập, nghiên cứu toàn diện mọi lĩnh vực, tìm kiếm TT, giao lưu, giải trí, truy cập TT toàn cầu của người dân đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, thư viện thực hiện nhiều dịch vụ TT như: cung cấp, phổ biến TT, tóm tắt TT… Các TT do thư viện cung cấp không chỉ là TT thư mục về tên tác giả, tên sách, các yếu tố xuất bản, số lượng trang, khổ cỡ, ngôn ngữ xuất bản, chủ đề, từ khoá… mà cả TT về nội dung của xuất bản phẩm, các TT khoa học, TT công nghệ, TT về các lĩnh vực chính trị, văn hoá, giáo dục, các vấn đề xã hội mà người dân quan tâm trong cuộc sống hàng ngày... TT mà người dân tiếp cận dễ dàng trong thư viện không chỉ là TT trong nước mà cả TT ngoài nước.

Với vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hoá, trung tâm mở mang dân trí, các thư viện còn làm tốt trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cụ thể về cách thức tiếp cận TT cho người dân qua các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, các lớp huấn luyện đào tạo người dùng tin sử dụng các thiết bị đa phương tiện để tiếp cận nguồn tài nguyên TT điện tử phong phú của thư viện. Bên cạnh đó, với tư cách là trung tâm TT, bằng các sản phẩm và dịch vụ TT phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các thư viện thường thông báo nhanh chóng, kịp thời các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất trong, ngoài nước để giúp người dùng tin tiếp cận được tác phẩm đúng chất lượng họ mong muốn, nhận được TT chính xác về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu của tác phẩm, nội dung của tác phẩm. Chính vì vậy, ngay từ năm 1994 của thế kỷ XX, trong Tuyên ngôn về thư viện công cộng, UNESCO đã xác định thư viện công cộng là trung tâm TT của địa phương. Trong Tuyên ngôn về Internet của Liên đoàn Quốc tế các Hội và cơ quan Thư viện cũng khẳng định “Thư viện là trung tâm thông tin, cung cấp cổng chính vào Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tin tiếp cận nhanh chóng tới tri thức và thông tin ở mọi dạng thức”.

Nhiều thư viện ở Việt Nam hiện nay đã phục vụ người dân tiếp cận TT bằng công nghệ mã vạch, thẻ từ, với hệ thống phục vụ bán tự động hoặc tự động hoá, thực hiện giao dịch từ xa, phục vụ các yêu cầu đặt trước. Công tác tra cứu tìm tin cũng được tiến hành trên nhiều vật mang tin khác nhau, trên mạng cục bộ, mục lục công cộng trực tuyến, tìm tin trên các hệ thống siêu văn bản.

Nguồn tài nguyên TT trong các thư viện được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ, việc truy nhập có thể tại chỗ hoặc từ xa, có thể trao đổi nhiều chiều giữa các hệ thống thư viện thông qua mạng Internet trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, việc tiếp cận TT qua nguồn tài nguyên được phục vụ trong các thư viện bảo đảm độ tin cậy về chất lượng TT cho người dân với khối lượng TT số hoá khổng lồ, được truyền một cách liên tục trong hệ thống truyền thông và viễn thông. Mạng TT số hoá đa dịch vụ băng rộng đang được các thư viện phục vụ đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng người truy cập vào Internet tại các thư viện.

Đối với trẻ em, thư viện bảo vệ trẻ em không bị tác động tiêu cực của TT trên môi trường mạng. Ngăn chặn trẻ em truy nhập TT không có lợi cho trẻ em và tiến hành các biện pháp phòng, chống các ứng dụng công nghệ TT có nội dung kích động bạo lực và khiêu dâm. Thư viện tổ chức xây dựng và phổ biến sử dụng phần mềm lọc nội dung, tăng cường khả năng quản lý nội dung TT trên môi trường mạng phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em, sử dụng các công cụ ngăn chặn trẻ em truy nhập TT không có lợi. Thư viện hướng dẫn thiết lập và quản lý trang TT điện tử dành cho trẻ em nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các trang TT điện tử có nội dung TT phù hợp với trẻ em, không gây hại cho trẻ em.

Như vậy, việc tiếp cận TT qua kênh thư viện của người dân có những điểm khác biệt với tiếp cận TT qua kênh xuất bản, phát hành. Với ưu thế của phục vụ TT bổ ích, lành mạnh trong thư viện, các thư viện Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh số hoá tài liệu nhằm bảo tồn các bộ sưu tập quý hiếm và đưa di sản văn hoá của Việt Nam lên mạng, từ đó người dân có thể truy cập trực tuyến bằng cách nhấp chuột qua trang web hoặc cổng TT điện tử (portal) của các thư viện, tiếp cận dễ dàng đến các tác phẩm văn học nghệ thuật, sách, báo, âm nhạc, phim, tranh ảnh đã được chọn lọc, đã được giải quyết vấn đề bản quyền. Với tính năng siêu việt của đa truyền thông và khả năng liên kết siêu văn bản, TT được thư viện phổ biến, cung cấp một cách chính xác, với tốc độ cao, chi phí thấp, tạo nên môi trường sử dụng hết sức thuận lợi cho người dùng tin, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, địa vị xã hội, trình độ văn hoá, trình độ học vấn, đặc điểm nghề nghiệp...

Kết luận

Quyền tiếp cận TT của người dân là một trong những quyền quan trọng của con người. Con người có quyền tiếp cận TT qua các kênh khác nhau và lựa chọn cách tiếp cận TT qua kênh nào tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố trình độ dân trí. Mỗi loại hình TT (tiếng nói, chữ viết, hình ảnh, điện tử) đều có những ưu thế riêng của nó và các cơ quan, tổ chức trong xã hội đều nỗ lực cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ các TT cần thiết đến mọi người dân trên cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, các nhà xuất bản, các cơ quan, tổ chức phát hành sách, báo, các thư viện là những mắt xích quan trọng trong guồng máy luân chuyển TT của xã hội, đáp ứng nhu cầu tiếp cận TT của người dân, trước hết qua loại hình TT chữ viết. Ngày nay, thư viện đáp ứng cả các loại hình TT âm thanh, phim ảnh, TT điện tử để thoả mãn nhu cầu TT ngày càng cao của người dân, phục vụ sự phát triển của đất nước theo chiều hướng tiến bộ, hội nhập toàn cầu.

Để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận TT, quyền được đáp ứng TT và quyền nắm bắt TT của người dân đòi hỏi phải phát triển đồng bộ, mạnh mẽ, rộng khắp hệ thống các nhà xuất bản, hệ thống kinh doanh xuất bản phẩm và các hệ thống thư viện trên cả nước. Kênh xuất bản, phát hành phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, đẩy mạnh việc ngăn chặn có hiệu quả mọi ấn phẩm, tài liệu có nội dung độc hại chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền bạo lực, chiến tranh, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc và nhân dân các nước. Phải tiến đến loại trừ hoàn toàn các ấn phẩm truyền bá lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không để lọt lưới các ấn phẩm xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân. Kênh thư viện phải tăng cường đẩy mạnh hơn nữa hoạt động TT khoa học và công nghệ phục vụ người dân, góp phần xây dựng môi trường sạch, bảo vệ sức khoẻ con người, tích cực thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tuyên truyền phổ biến, cập nhật TT về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, tinh hoa văn hoá của nhân loại đang được lưu giữ trong thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Loan Thuỳ. Vai trò của thư viện trong xã hội / Bài giảng Thư viện học đại cương. - 2014.

2. Dự thảo Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Http://mic.gov.vn/layyknd/Trang/D%E1%BB%B1th%E1%BA%A3oquyetdinhthutuong.aspx.

3. Không thể vì lợi nhuận mà tác động xấu đến trẻ em // Nhân dân. - 2015. - Ngày 10 tháng 4. - Tr. 4.

4. Lại nói về trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp // Nhân dân. -2015. - Ngày 24 tháng 4. - Tr. 8,5.

5.http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20150409/bao-truyen-ngon-tinh-gioi-tre-say-sua-phu-huynh-lo-lang/731477.html.

6. http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2015/4/380615/#sthash.2rkiNuPE.dpuf.

_______________________

PGS.TSKH. Bùi Loan Thuỳ

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 5. - Tr. 15-20.


Đọc thêm cùng chuyên mục: