Tăng cường hoạt động nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin trong thư viện trường đại học phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ

E-mail Print

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một yêu cầu của đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hoá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước và đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới. Chất lượng và tiện ích của đào tạo theo học chế tín chỉ so với đào tạo theo niên chế học phần đã được khẳng định qua quá trình đào tạo nhiều năm ở các trường đại học uy tín trên thế giới. Mô hình đào tạo theo tín chỉ được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1872 tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, mô hình này phát triển rộng khắp trên thế giới và được coi là mô hình đào tạo tiên tiến nhất với những ưu điểm của nó. Đào tạo theo tín chỉ giúp sinh viên hình dung và định lượng ra tất cả các yêu cầu đối với bản thân trong từng giai đoạn, cũng như trong suốt quá trình học tập của mình trong nhà trường; Tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lên kế hoạch và thực hiện việc học tập dựa vào năng lực và điều kiện của mình, làm chủ thời gian và công việc; Tăng cường tính mềm dẻo và linh hoạt của chương trình, giúp sinh viên không bị mất đi những mảng kiến thức và kỹ năng đã tích luỹ nếu như việc học của họ bị gián đoạn; Giúp sinh viên có thể chuyển đổi từ khoá học này sang khoá học khác trong cùng một hệ thống hay khác hệ thống.

Tại Việt Nam, bước đi quan trọng đầu tiên trong lộ trình đổi mới giáo dục để hội nhập là thay đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Ngày 30/7/2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 31/2001/QĐ-BGD&ĐT về việc thí điểm tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ. Trong Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 được Chính phủ phê duyệt đã khẳng định: “…xây dựng học chế tín chỉ thích hợp cho giáo dục đại học ở nước ta và vạch ra lộ trình hợp lý để toàn bộ hệ thống giáo dục đại học chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ…”. Ngày 15/8/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Chỉ thị năm học 2008 – 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức yêu cầu các trường đại học và cao đẳng “chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ vào năm học 2009 - 2010 hoặc muộn nhất là năm học 2010 - 2011”. Ngày 27/12/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc đổi mới giáo dục đại học theo học chế tín chỉ không chỉ tác động tới người dạy, người học, mà còn yêu cầu sự đầy đủ về nguồn học liệu nhằm đảm bảo quá trình học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên. Để quá trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên được thành công và để đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của thư viện (TV) trong nhà trường. Mô hình TV đại học ngày nay được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng của một nền giáo dục. Do tính chất là một trung tâm thông tin - thư viện chuyên ngành, TV nhà trường sẽ là nơi tập trung đầy đủ nhất nguồn lực thông tin trong lĩnh vực đào tạo của trường. Vì thế TV trường đại học phải thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa người dùng tin (NDT) với nguồn lực thông tin, giữa NDT với NDT và giữa người dạy và người học.

Chất lượng của hoạt động thư viện - thông tin  (TVTT) trong nhà trường thể hiện ở mức độ đáp ứng nhu cầu tin (NCT) của sinh viên, giảng viên, đồng thời cũng là yếu tố kích thích NCT của họ ngày càng phát triển sâu sắc hơn, phong phú hơn.

Tiến hành nghiên cứu NDT và NCT thường xuyên là một công việc hết sức quan trọng trong quá trình hoạt động của mỗi cơ quan TVTT. Một TV muốn đạt hiệu quả cao trong công tác phục vụ NDT thì cần phải thường xuyên tiến hành nghiên cứu NDT. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một TV dù có nhiều kinh phí đến đâu cũng không thể bổ sung hết tất cả các loại hình tài liệu xuất bản trên thị trường. Để TV xây dựng được một nguồn lực thông tin đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung, phù hợp với nhu cầu thông tin của NDT là một việc làm không hề đơn giản. Vì thế, việc nghiên cứu NDT giúp người làm thư viện (NLTV) nắm rõ được đặc điểm NDT và nhu cầu thông tin của họ, theo dõi quá trình phát triển NCT, mức độ ổn định của nhu cầu, nắm bắt kịp thời sự biến động của nhu cầu qua từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau.

1. Ưu điểm của việc nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin

- Giúp TV phân nhóm NDT theo trình độ học vấn, tập quán sử dụng.Việc phân nhóm NDT sẽ giúp TV chủ động lên kế hoạch phục vụ cho từng nhóm NDT được hiệu quả hơn.

Ví dụ, những NDT có trình độ học vấn ngang nhau, tập quán sử dụng thông tin như nhau, nhu cầu dùng tin tương đối giống nhau sẽ được xếp vào một nhóm. Trong trường đại học có thể tạm chia NDT ra các nhóm như sau: Nhóm NDT là cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nhóm NDT là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy; Nhóm NDT là học viên cao học, nghiên cứu sinh; Nhóm NDT là sinh viên hệ chính quy, tại chức, nhóm NDT khác.

- Nhanh chóng nhận dạng được NCT của từng nhóm NDT. Từ việc phân nhóm NDT, TV dễ dàng xác định được đặc điểm NCT cụ thể của từng nhóm nhờ quá trình nghiên cứu NCT. Ví dụ: nhóm NDT sinh viên thường có NCT về các tài liệu chuyên ngành như: giáo trình, sách tham khảo, đề tài nghiên cứu khoa học... NDT là học viên, nghiên cứu sinh thường có nhu cầu tìm đọc nguồn tài liệu xám, liên quan đến chuyên ngành học và nghiên cứu của họ: các luận án, luận văn, công trình, đề tài nghiên cứu khoa học...

- Khi nắm bắt được NCT, TV sẽ có chiến lược và xu hướng phát triển nguồn tin hợp lý, điều chỉnh diện bổ sung tài liệu cho sát hợp với nhu cầu của NDT, cân đối tỷ lệ giữa các lĩnh vực tri thức được đào tạo trong nhà trường để bổ sung cho kho tài liệu, ưu tiên bổ sung lĩnh vực tri thức được nhiều NDT quan tâm, yêu cầu.

- Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ TVTT theo nhu cầu của NDT: Nhờ quá trình nghiên cứu NDT và NCT, TV sẽ biết được các sản phẩm thông tin nào của TV được nhiều NDT quan tâm, sử dụng để tiếp tục công tác biên soạn và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm thông tin đó. Những sản phẩm thông tin chưa có mà được nhiều NDT yêu cầu, TV cần xem xét với điều kiện thực tế của mình để biên soạn thêm các sản phẩm thông tin mới đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin, tiết kiệm thời gian nghiên cứu tài liệu cho NDT.

Đa dạng hoá các dịch vụ thông tin nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác phục vụ bạn đọc, thoả mãn tối đa nhu cầu thông tin của NDT. Tổ chức các dịch vụ TVTT nhằm đưa nguồn lực thông tin của TV đến với NDT. Các dịch vụ thông tin càng phong phú, đa dạng thì khả năng đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của NDT càng cao.

- Đánh giá NLTV qua công tác phục vụ NDT: NDT tiếp xúc trực tiếp với NLTV trong quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thông tin mà TV cung cấp. Với các câu hỏi NDT đặt ra trong quá trình khai thác, tìm kiếm thông tin sẽ giúp họ đánh giá được trình độ của NLTV về: chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… Họ sẽ biết được NLTV có nắm vững kiến thức chuyên ngành không? có kỹ năng khai thác, tìm tin trên máy tính không, có thành thạo trong việc sử dụng phần mềm TV điện tử không? NLTV có đủ trình độ ngoại ngữ để xử lý và phục vụ tài liệu ngoại văn không?...

Văn hoá giao tiếp, ứng xử của NLTV với bạn đọc như thế nào? Thái độ của NLTV khi giao tiếp với NDT có cởi mở, thân thiện, tận tình hướng dẫn NDT khai thác thông tin không? NLTV có thái độ cáu gắt, khó chịu không?... Việc không hướng dẫn, giúp đỡ NDT sẽ làm giảm và hạn chế nhu cầu của NDT, gây cảm giác ức chế cho bạn đọc như thế nào?...

Qua những thông tin phản hồi từ NDT về NLTV, Ban lãnh đạo TV sẽ có những nhìn nhận, đánh giá chính xác về NLTV, để từ đó có chính sách thay đổi, điều chỉnh đối với họ.

Vì vậy, để nắm rõ được nhu cầu thông tin, đặc điểm của NDT, TV đại học cần tiến hành định kỳ việc nghiên cứu NDT và NCT.

2. Các phương pháp nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin

TV có thể sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu NDT và NCT khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng kết hợp các phương pháp sẽ cho kết quả nghiên cứu chính xác và cụ thể.

- Phân tích phiếu mượn sách của người dùng tin

Căn cứ vào tên tài liệu ghi trên phiếu mượn sách của NDT, xác định khoảng thời gian tiếp xúc và đọc tài liệu của họ, chúng ta sẽ biết được NDT cần và quan tâm tới thông tin thuộc lĩnh vực tri thức nào?

- Ghi nhật ký phục vụ người dùng tin

Công việc này phải được NLTV của các phòng phục vụ thực hiện hàng ngày trong quá trình phục vụ NDT. Việc ghi nhật ký có thể được xây dựng trên máy tính hoặc sổ ghi nhật ký phục vụ do chính NLTV lập ra, căn cứ vào đối tượng NDT, lĩnh vực tri thức trong kho tài liệu để lập sổ ghi nhật ký phục vụ. Hàng tháng cần thống kê công tác phục vụ theo sổ nhật ký để biết được bao nhiêu lượt người tới sử dụng TV? họ thuộc đối tượng NDT nào? vòng quay, tần suất luân chuyển, sử dụng các tài liệu theo nội dung, ngôn ngữ... của NDT. Trên cơ sở thống kê NLTV tổng hợp, báo cáo với Ban lãnh đạo TV để có những điều chỉnh kịp thời, giúp cho công tác phục vụ được hiệu quả.

- Điều tra nhu cầu tin bằng bảng hỏi (phiếu điều tra)

Phương pháp này nên tiến hành định kỳ 3 tháng/ lần. Để có phiếu điều tra TV cần phải có thời gian xây dựng phiếu (câu hỏi nào, vấn đề nào sẽ được đưa ra trong bảng hỏi...), cần thời gian phát phiếu tới NDT, thu nhận phiếu, tổng hợp và phân tích kết quả điều tra. Hình thức này sẽ cho kết quả tương đối chính xác, bởi NDT đã được gợi mở bằng những câu hỏi đề ra trong phiếu, họ có thời gian nghiên cứu phiếu và đưa ra các câu trả lời chính xác, mà không phải là những câu trả lời đối phó, tức thời. Từ phiếu điều tra, họ cũng mạnh dạn đánh giá, đề xuất hoặc kiến nghị với TV trong mọi hoạt động để giúp thoả mãn NCT của họ và nâng cao chất lượng phục vụ NDT. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này bị phụ thuộc vào người đề ra các câu hỏi trong bảng hỏi.

- Phỏng vấn trực tiếp người dùng tin

Đây là phương pháp nghiên cứu cho kết quả nhanh nhất và chính xác nhất giúp NLTV dễ dàng nắm bắt được NCT và đặc điểm NDT. Ưu điểm của phương pháp này là NLTV trực tiếp tiếp xúc với NDT, đặt câu hỏi, quan sát thái độ của bạn đọc trong quá trình phỏng vấn, ghi lại câu trả lời và những ý kiến phản hồi trực tiếp của bạn đọc. Ngược lại phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào người đưa ra câu hỏi phỏng vấn, người phỏng vấn phải tạo cảm giác thoải mái, cởi mở, gần gũi, thân thiện với NDT, linh hoạt điều chỉnh các câu hỏi khi phỏng vấn. Câu hỏi đưa ra cần cô đọng, súc tích để nhanh chóng thu nhận kết quả cuộc phỏng vấn. Tránh đưa những câu hỏi dài dòng, vòng vo làm giảm sự nhiệt tình, gây ức chế, mệt mỏi... cho người được phỏng vấn, khi đó người phỏng vấn sẽ không thu được kết quả như mong muốn.

- Tổ chức hội nghị bạn đọc

TV nên định kỳ tổ chức hội nghị bạn đọc, hoạt động này có thể tiến hành 2-3 lần/ năm học. Nhiều hơn 1 lần/ năm học như các TV đại học đang làm hiện nay. Hình thức này không thể tổ chức nhiều hơn vì nó còn liên quan đến kinh phí, thời gian, nhân sự... để chuẩn bị cho hội nghị. Tổ chức hội nghị bạn đọc sẽ giúp Ban lãnh đạo TV và các phòng ban (Bổ sung, Phục vụ, Tra cứu...) trực tiếp thu nhận được những ý kiến, đề xuất, đánh giá, những đóng góp, kiến nghị... hay nói cách khác, TV sẽ nhận được những thông tin phản hồi từ bạn đọc. NDT ghi nhận những ưu điểm mà TV đã làm được và chỉ ra những hạn chế đang tồn tại trong hoạt động của TV, giúp TV điều chỉnh hoạt động của mình để nâng cao chất lượng trong công tác phục vụ NDT. Qua hội nghị bạn đọc, NLTV sẽ thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của NDT, NDT cũng chia sẻ và hiểu được khó khăn, vướng mắc mà TV đang gặp phải, chưa giải quyết hoặc tháo gỡ ngay được, qua hội nghị cũng giúp NLTV và NDT xích lại gần nhau hơn.

- Thu thập, tổng hợp, phân tích ý kiến của người dùng tin trên diễn đàn trang web của thư viện và qua thư, email

Việc đóng góp ý kiến trên diễn đàn, qua thư, email mà NDT gửi đến TV là những thông tin cần được NLTV tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và xem xét. Bên cạnh những lời khen, cũng sẽ có những ý kiến trái chiều phản ánh về chất lượng nguồn tin, về NLTV, về cơ sở vật chất, về sản phẩm, dịch vụ thông tin... NLTV phải dành thời gian thu nhận và trả lời những giải đáp, thắc mắc, yêu cầu mà NDT gửi đến. Trao đổi trên diễn đàn, hay thông tin qua email, bằng văn bản... NLTV cần làm rõ vấn đề mà bạn đọc quan tâm, tôn trọng ý kiến của bạn đọc và trả lời trong phạm vi và khả năng của mình. Nếu có vướng mắc trong quá trình trả lời, NLTV cần báo cáo với lãnh đạo TV để bàn bạc, tìm hướng giải quyết. TV phải tạo được niềm tin cho những ý kiến đóng góp qua thư, email hay trên diễn đàn. Giải thích tường tận những câu hỏi NDT đặt ra, để nhận được những ý kiến và nhu cầu xác thực từ phía họ. Việc thu nhận - trả lời các câu hỏi trên diễn đàn hay qua email cần được NLTV lưu lại để theo dõi, khi cần có thể mang ra tham khảo.

Ngoài ra, TV có thể tổ chức một số phương pháp nghiên cứu NDT và NCT khác: toạ đàm - trao đổi về tài liệu, quan sát trực quan NDT sử dụng tài liệu trong kho mở (tài liệu trong kho mở thường tổ chức sắp xếp theo lĩnh vực tri thức) hay khi tìm tài liệu, thông qua quá trình tư vấn, chỉ dẫn cho NDT trong TV, quá trình tiếp nhận NDT khi làm thẻ TV...

3. Yêu cầu đối với thư viện và người làm công tác nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin

Đối với TV, cách tiếp cận tổng hợp đến việc nghiên cứu nhu cầu thông tin của NDT trong TV trường đại học cho phép tổ chức một số nghiên cứu trong lĩnh vực phục vụ TV.

Những nghiên cứu đó có thể là:

- Giám sát nhu cầu của NDT, nghiên cứu những nhu cầu, tài liệu mà họ chưa được đáp ứng;

- Xác định các thông tin phản hồi của NDT về chất lượng phục vụ TVTT, mối quan hệ của họ với TV và quan điểm về triển vọng phát triển của TV;

- Phác thảo một bức chân dung xã hội về người sử dụng và "không sử dụng" của TV;

- Phân tích dịch vụ TV và xu hướng phát triển của chúng, nhu cầu về các loại dịch vụ TV khác nhau của người sử dụng;

- Nghiên cứu các nhóm xã hội khác nhau và đặc điểm phục vụ TV của họ.

Hiệu quả hoạt động của TV trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của NLTV. Vì thế, đối với viên chức làm công việc nghiên cứu NDT và NCT phải là những người có kiến thức tổng hợp, có kỹ năng, sự thành thạo, giỏi và đảm bảo về trình độ chuyên môn, có khả năng dự đoán khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Để làm được điều này họ cần phải nắm được các phương pháp học, phương pháp luận, logic, tổ chức nghiên cứu các lĩnh vực về TV, nắm rõ các biện pháp, phương hướng khác nhau, đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp với thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Kim Dung. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ : Kinh nghiệm thế giới và thực tế ở Việt Nam. - Tp. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh http://www.ier.edu.vn/content/view/110/161/.

2. Информационные потребности пользователей вузовских библиотек в условиях модернизации системы высшего образования Социалистической Республики  Вьетнам/ Нгуен Тхи Ким Зунг. - М. : Вестник МГУКИ. - 2013. - № 3. - С. 184-188.- ИССН 1997-0803.

3. Справочник библиотекаря/ науч. Ред. А. Н. Ванеев. - 4-е изд. Перераб. И доп. . - СПб: ПРОФЕССИЯ, 2010. – 640 с. – (Серия «библиотека»).

________________________

ThS. Nguyễn Thị Kim Dung

Khoa Thông tin - Thư viện, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 3. - Tr. 24-27,23.


Đọc thêm cùng chuyên mục: