1. Bối cảnh chung
Với 421 trường đại học và cao đẳng, 2.177.299 sinh viên và 87.682 giảng viên, thư viện đại học (TVĐH) đang có một thị trường người dùng tin rộng lớn và đa dạng [2]. Các trường đại học Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức để các TVĐH khẳng định vai trò của mình là thành tố quan trọng trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trường đại học.
Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học Việt Nam đang bị đánh giá thấp. Trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2013, không một trường đại học nào của Việt Nam lọt vào top 400 (của Times Higher Education), top 500 (của Đại học Thượng Hải) hay top 600 (của Quacquarelli Symonds - QS). Ở bảng xếp hạng của QS dành cho các trường đại học thuộc khu vực châu Á, hai trường đại học Việt Nam lọt vào top 200 là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lần lượt là 161-170 và 191-200. Có thể thấy, các trường đại học Việt Nam đang ở phía sau rất xa các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Xếp hạng này cũng phản ảnh đúng thực trạng của các trường đại học Việt Nam, đó là các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá thấp chất lượng đầu ra nguồn nhân lực của các trường đại học.
Tình trạng học chay, dạy chay và nghiên cứu chay vẫn còn xuất hiện trong các trường đại học. Nói cách khác, có những giảng viên và sinh viên không đến thư viện hoặc không sử dụng học liệu trong thư viện cũng có thể hoàn thành việc dạy, học và nghiên cứu của mình. Có thể chỉ ra hai nguyên nhân của thực trạng này. Thứ nhất, phương pháp dạy và học vẫn chưa thực sự thay đổi. Sinh viên chỉ cần một cuốn giáo trình của giảng viên là có thể học và thi trả môn với kết quả tốt. Giảng viên không chủ động giới thiệu các học liệu cho sinh viên, bên cạnh đó không đặt tiêu chí đọc, tìm hiểu và tổng hợp tài liệu liên quan đến môn học là một tiêu chí quan trọng để đánh giá quá trình học và kết quả học của sinh viên. Thứ hai, các TVĐH đang thực sự thiếu nguồn học liệu để phục vụ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học, đặc biệt là nguồn tài liệu chuyên ngành, có tính cập nhật đang bị đánh giá là thiếu. Dẫn đến tình trạng giảng viên và sinh viên phải tìm đến nguồn tài liệu bên ngoài thư viện hoặc tìm kiếm trên Internet để phục vụ mục đích công việc của mình.
TVĐH đang bị đánh giá thấp về năng lực và chất lượng phục vụ. Theo khảo sát của chúng tôi thực hiện đầu năm 2014 với 30 trường đại học trên cả nước, các TVĐH chưa làm thoả mãn nhu cầu học liệu của người dùng tin. Chỉ có 19% người dùng đánh giá là thư viện phục vụ tốt nhu cầu của họ. Trong khi đó 81% người dùng đánh giá các thư viện có chất lượng sản phẩm và dịch vụ từ khá trở xuống, đặc biệt 44% đánh giá trung bình và kém đối với hoạt động phục vụ của thư viện. Đây chính là con số các thư viện cần nhìn nhận thẳng thắn nếu muốn nâng cao chất lượng hoạt động của mình trong việc đáp ứng nhu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Biểu đồ 1. Đánh giá của người dùng tin về sản phẩm và dịch vụ của các TVĐH
Đứng trước thực trạng này, nhu cầu đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu đang đặt ra cấp thiết. Đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương này thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các trường đại học Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo [1], trong đó hướng tới lấy người học làm trung tâm, khuyến khích tự học, đẩy mạnh tư duy sáng tạo và đặc biệt là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến những mục tiêu này là nguồn học liệu hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Việc các thư viện không đáp ứng tốt nhu cầu về tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của các hoạt động này. Okeagu khẳng định rằng, thực tế không có một thư viện nào có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về tài liệu của bạn đọc cho dù thư viện đó có nguồn kinh phí bổ sung tài liệu tốt đến đâu [14]. Đặc biệt, trong điều kiện như Việt Nam hiện nay, kinh phí cho bổ sung tài liệu còn rất hạn chế, vấn đề thiếu hụt nguồn học liệu vẫn chưa có lời giải. Do vậy, hợp tác chia sẻ học liệu được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để giúp các thư viện khắc phục hạn chế này.
2. Vai trò của học liệu trong trường đại học
Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm học liệu để chỉ tất cả những tài liệu phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu tại một trường đại học bao gồm: sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án, báo cáo khoa học, bài giảng, giáo trình và các tài liệu chuyên ngành khác. Nguồn học liệu này có thể là nguồn nội sinh (do thư viện tạo ra) hoặc ngoại sinh (thu thập từ bên ngoài).
Học liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong môi trường giáo dục đại học, có ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng của hoạt động dạy, học, nghiên cứu của cả người dạy lẫn người học trong một trường đại học [11]. Nói cách khác, thiếu học liệu thì không thể gọi là một trường đại học. Ba hoạt động chính của một trường đại học đó là nghiên cứu (Research), giảng dạy (Teaching) và học tập (Learning), cùng với đó là 3 thực thể quan trọng của một trường đại học là giảng viên (bao gồm cả nhà nghiên cứu, các chuyên gia), sinh viên (bao gồm cả sinh viên bậc cử nhân, học viên sau đại học và học viên của các khoá ngắn hạn) và học liệu. Các thực thể này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong các hoạt động của một trường đại học.
Thông thường nguồn học liệu của một trường đại học phần lớn sẽ do các thư viện đảm nhiệm. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên với những hiểu biết chuyên môn sâu là nguồn cung cấp thông tin quý giá về chuyên ngành đào tạo. Giảng viên, với vai trò là người truyền đạt tri thức và quan trọng hơn là người hướng dẫn sinh viên khai phá tri thức mới. Nguồn tri thức đó một phần được cung cấp qua nguồn tài liệu mà giảng viên biết. Giảng viên cũng là người cần cập nhật những tri thức mới thông qua các nguồn khác nhau trong đó có nguồn học liệu. Tiến trình chuyển giao/ truyền đạt tri thức và khai phá tri thức của giảng viên và sinh viên có sự đóng góp quan trọng của nguồn học liệu. Sơ đồ 1 dưới đây mô tả mối quan hệ giữa học liệu với giảng viên và sinh viên.
Sơ đồ 1: Mối quan hệ giữa học liệu với giảng viên và sinh viên
Thư viện phải đảm bảo cung cấp học liệu một cách đầy đủ, cập nhật và phù hợp để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập của trường đại học. Vì vậy, học liệu phải không ngừng được bổ sung, phát triển cả về lượng và chất. Phát triển học liệu số và chia sẻ học liệu đang là xu thế mới của các TVĐH.
3. Mục tiêu, điều kiện và các yếu tố tác động đến chia sẻ học liệu giữa các thư viện
Hoạt động giáo dục đại học luôn gắn liền với hoạt động chuyển giao tri thức và nghiên cứu khoa học. Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng và đóng vai trò quyết định chất lượng chuyển giao tri thức và nghiên cứu khoa học là khả năng cung cấp nguồn tin của TVĐH để thúc đẩy việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của các giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong trường đại học [9,11]. Hoạt động chia sẻ thông tin (Information Sharing) đang là giải pháp tối ưu giúp các thư viện cung cấp các dịch vụ thông tin tốt và hiệu quả, đặc biệt giúp các thư viện không bao giờ nói “không” với bạn đọc khi họ đến thư viện yêu cầu về tài liệu. Nói cách khác, thư viện có nhiều dịch vụ hay nhiều nguồn thông tin (ngoài những gì đang có trong thư viện) để phục vụ bạn đọc của mình. Có thể nói hợp tác chia sẻ thông tin là một cuộc cách mạng về thông tin (Information Revolution) của ngành thông tin - thư viện [10, 14].
Mannan và Bose chỉ ra một số lợi ích chính của chia sẻ thông tin đó là: (1) làm tăng giá trị và hiệu quả của nguồn lực thông tin (khi có nhiều người dùng); (2) mở rộng khả năng truy cập đến các nguồn thông tin, chọn người dùng tin; (3) giảm bớt chi phí; (4) tận dụng tối đa các nguồn lực thông tin (chia sẻ với các đơn vị khác trong khi không sử dụng hết nguồn lực) [12].
Để thực hiện việc hợp tác chia sẻ thông tin giữa các thư viện cần một số điều kiện. Mannan và Bose đưa ra một điều kiện cơ bản sau: sự sẵn sàng của các cơ sở dữ liệu điện tử; sự sẵn sàng của các thiết bị truyền thông (máy tính, điện thoại, tín hiệu kết nối vệ tinh, hệ thống sao chụp, fax, thư điện tử...); các tiêu chuẩn ứng dụng trong quản trị và chia sẻ, trao đổi thông tin; kinh phí phục vụ cho hoạt động chia sẻ; tính hiệu quả trong quản trị hệ thống; và một bản cam kết cơ bản giữa các bên tham gia [12]. Trong đó, tuân thủ các tiêu chuẩn chung là một trong những điều kiện quan trọng để chia sẻ thông tin. Các tiêu chuẩn có thể kể đến như: chuẩn tra cứu liên thư viện Z39.50, các bộ quy ước về mã ngôn ngữ (không cần phải dịch giữa các ngôn ngữ khác nhau), các tiêu chuẩn mô tả dữ liệu (dùng để mô tả thư mục và tham khảo), các tiêu chuẩn trình bày tài liệu (cấu trúc tài liệu và các dữ liệu thư mục có liên quan), các tiêu chuẩn chia sẻ dữ liệu điện tử, các chuẩn mượn liên thư viện, các chuẩn về các câu lệnh truy vấn và tìm kiếm thông tin, các chuẩn biên tập tài liệu điện tử, chuẩn thống kê số liệu trong thư viện và chuẩn biên mục MARC [4].
Thực tế, hoạt động chia sẻ thông tin của các TVĐH cũng gặp những khó khăn nhất định. Một số hợp tác đã không mang lại kết quả như mong đợi. Nguyên nhân của vấn đề này được xác định là khá đa dạng. Chatterjee chỉ ra một yếu tố làm hạn chế việc chia sẻ thông tin, đó là: nhận thức của các thư viện về lợi ích của hợp tác chia sẻ thông tin là chưa rõ ràng; tính bảo thủ của lãnh đạo thư viện về tầm quan trọng của nguồn tin điện tử, đặc biệt là nguồn tin trực tuyến; sự chưa sẵn sàng chia sẻ nguồn lực thông tin của các thư viện; các thư viện chưa sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với nhau (phục vụ bạn đọc của thư viện mình mà không quan tâm đến bạn đọc thư viện khác); sự phát triển không đồng đều của các thư viện, đặc biệt trong vấn đề tự động hoá; sự thiếu hụt về tài chính và cơ sở vật chất khiến nhiều thư viện không đáp ứng được yêu cầu để tham gia hệ thống chia sẻ; thiếu nhu cầu thông tin từ phía người dùng; chất lượng kiểm soát thư mục và tài liệu của các thư viện còn kém; các thư viện thiếu hụt những nguồn thông tin có chất lượng để chia sẻ [7]. Những gợi ý này có thể sử dụng để khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến việc chia sẻ thông tin của các TVĐH tại Việt Nam.
4. Tình hình chia sẻ học liệu của các thư viện đại học Việt Nam
Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chính là sứ mệnh của các TVĐH Việt Nam [1,7]. Vì vậy, đổi mới giáo dục đại học nói chung và hoạt động của các TVĐH nói riêng đang là nhu cầu cấp bách để thực hiện sứ mệnh của giáo dục đại học trong thế kỷ XXI. Các TVĐH phải đổi mới để nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu thông tin cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học.
Liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các TVĐH là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam. Thực tế, các TVĐH Việt Nam không có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của người dùng tin, đặc biệt là các thông tin chuyên ngành. Trong khi đó nhu cầu thông tin cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngày càng biến đổi, phát triển nhanh, vừa bao quát và vừa chuyên sâu. Do vậy, các thư viện cần kết hợp với nhau để phục vụ tốt các nhu cầu tin này. Bên cạnh đó, yêu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực ngày càng cao, đòi hỏi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có nền tảng kiến thức sâu, rộng và vững vàng. Điều tất yếu đòi hỏi sinh viên phải tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu, cũng như tranh thủ, tận dụng mọi nguồn tin để làm giàu kiến thức cho mình. Các TVĐH không thể bỏ qua thực tiễn này. Việc tham gia hệ thống liên kết chia sẻ nguồn lực giữa các TVĐH là giải pháp hữu hiệu để giúp chính họ tăng cường nguồn lực thông tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Khảo sát cho thấy hoạt động chia sẻ thông tin giữa các TVĐH Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, còn rất manh mún, số lượng và chất lượng nguồn thông tin trao đổi thấp, phần lớn là các trao đổi đơn lẻ, chưa xây dựng được các dịch vụ chia sẻ chuyên nghiệp. Đã có nhiều hội thảo và nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề chia sẻ thông tin giữa các TVĐH. Một số hội thảo đã được tổ chức đề cập chung đến liên thông chia sẻ thông tin và nhấn mạnh đến vai trò của nguồn thông tin số trong chia sẻ thông tin [6], hay chia sẻ thông tin trong hệ thống các thư viện kinh tế [4], chia sẻ thông tin số trong các TVĐH cao đẳng [3]. Nhìn chung, các hội thảo mới dừng lại ở nêu ra vấn đề và để ngỏ hướng giải quyết. Vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. Hệ thống TVĐH hiện nay cần có những phương thức chia sẻ thông tin hiệu quả cũng như có những chính sách tích cực cho hoạt động chia sẻ thông tin.
Có thể thấy rằng, các TVĐH Việt Nam cần phải hợp tác, chia sẻ thông tin vì việc đáp ứng tất cả nhu cầu học liệu là điều không thể đối với các TVĐH, nguồn bổ sung tài liệu cho thư viện là hạn hẹp và thực tế chưa một thư viện nào chính thức thoả thuận hợp tác chia sẻ học liệu.
5. Đề xuất mô hình hợp tác chia sẻ thông tin giữa các thư viện đại học Việt Nam
UNESCO đưa ra những chức năng và hoạt động cụ thể của một mạng lưới kết nối chia sẻ thông tin. Về chức năng bao gồm: hợp tác trong bổ sung; hợp tác đóng hội phí, trao đổi tài liệu trùng bản; hợp tác trong biên mục; mượn liên thư viện; ưu tiên quyền mượn tài liệu; dịch vụ tham khảo. Về hoạt động cụ thể bao gồm: mục lục liên hợp về sách và xuất bản phẩm nhiều kỳ, dịch vụ tóm tắt và đánh chỉ mục; danh mục tài liệu mới bổ sung; xây dựng hệ thống mục lục; các thông báo trong nội bộ hệ thống; danh bạ các thành viên; hướng dẫn sử dụng; dịch vụ dịch thuật; khảo sát nhu cầu người dùng; hợp tác các dự án nghiên cứu; đào tạo nhân lực; hội thảo, hội nghị; quảng bá dịch vụ chung của mạng lưới; dịch vụ sao chép tài liệu... Như vậy, có thể thấy rằng, mạng lưới các thư viện có thể hợp tác với nhau ở nhiều nội dung và hình thức khác nhau để chia sẻ thông tin [15].
Tại thời điểm hiện nay, dựa trên những khảo sát đánh giá thực tế chúng tôi chỉ đề xuất ba nội dung cơ bản mà các thư viện có thể hợp tác chia sẻ nguồn học liệu: mục lục liên hợp, mượn liên thư viện và mua học liệu số theo nhóm.
Mục lục liên hợp (Union catalogue) là một trong những yếu tố quan trọng trong hợp tác chia sẻ học liệu. Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến - OCLC (Online Computer Library Center) hiện có 300 triệu biểu ghi thư mục của hơn 2 tỷ tài liệu từ 74.000 thư viện trên thế giới [13]. Với hệ thống mục lục liên hợp, OCLC đã hỗ trợ hàng triệu lượt người dùng mượn liên thư viện trên thế giới. Đây chính là động lực cho TVĐH Việt Nam trong việc hợp tác xây dựng mục lục liên hợp.
Sơ đồ 2: Cấu trúc biểu ghi thư mục
Việc xây dựng được hệ thống mục lục liên hợp giữa các TVĐH Việt Nam và kết nối vào hệ thống mục lục liên hợp của OCLC không chỉ giúp các thư viện chia sẻ nguồn học liệu với nhau, mà còn khai thác được các nguồn học liệu của các thư viện trên thế giới. Nếu xây dựng hệ thống mục lục liên hợp cho các TVĐH, tất cả giảng viên và sinh viên của các trường đại học hoàn toàn có thể tìm kiếm và khai thác nguồn học liệu của tất cả các TVĐH trong hệ thống. Người dùng tin chỉ cần vào một cổng thông tin duy nhất là có thể tìm thấy tài liệu và xác định được thư viện nào đang lưu giữ tài liệu mình cần – một điều kiện lý tưởng cho mượn liên thư viện.
Dịch vụ mượn liên thư viện (Interlibrary loan) là dịch vụ được yêu thích của người dùng tin. Triết lý của dịch vụ này là không bao giờ nói không với người dùng tin khi họ có nhu cầu về một tài liệu cụ thể nào đó. Như đã nói ở trên, nguồn lực của các thư viện thì có hạn, nhu cầu của người dùng tin lại đa dạng, do vậy thư viện không thể tự mình đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của bạn đọc. Đặc biệt là các nhu cầu đơn lẻ, chỉ dùng một lần. Các thư viện không thể bổ sung tài liệu cho các nhu cầu đơn lẻ này. Vì vậy, hợp tác mượn liên thư viện có thể coi là một giải pháp giúp các thư viện giải bài toán này.
Sơ đồ 3: Mô hình mượn liên thư viện
Dịch vụ mượn liên thư viện là dịch vụ mà các thư viện mượn trực tiếp tài liệu lẫn nhau. Người dùng tin không trực tiếp liên hệ với thư viện có tài liệu, thay vào đó họ yêu cầu thư viện mà họ có thẻ thành viên mượn giúp. Để thực hiện dịch vụ mượn liên thư viện, các thư viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó các phần mềm đang sử dụng phải hỗ trợ các chuẩn mượn liên thư viện và tra cứu liên thư viện.
Hợp tác mua học liệu số theo nhóm (Consortium). Nguồn học liệu số của các đơn vị cung cấp nước ngoài luôn là nguồn học liệu có chất lượng tốt, được các trường đại học trên thế giới tin dùng. Tuy nhiên, phí truy cập/ bản quyền luôn là rào cản lớn đối với các TVĐH Việt Nam. Việc cùng hợp tác và mua quyền truy cập theo nhóm sẽ giúp các thư viện tiếp cận được nhiều nguồn thông tin hơn với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần. Hầu hết các nhà cung cấp dữ liệu đều có chính sách khuyến khích mua bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu theo nhóm dành cho các thư viện. Có thể lấy ví dụ như sau: tạp chí Science của Nhà xuất bản AAAS - The American Association for the Advancement of Science bán bản quyền truy cập 01 năm cho 01 đơn vị với giá 15.000 USD. Tuy nhiên, nếu mua theo nhóm 10 thành viên giá giảm xuống là 1.200 USD/ năm/ đơn vị, nếu như nhóm là 30 thành viên thì giá chỉ còn 800 USD/ năm/ đơn vị [5].
Như vậy, có thể thấy rằng việc hợp tác chia sẻ học liệu giữa các thư viện là có thể thực hiện được. Các thư viện đã có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, có các cơ sở dữ liệu tra cứu trực tuyến và sử dụng các phần mềm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là điều kiện tốt để tiến hành hợp tác chia sẻ. Rào cản lớn nhất hiện nay là chưa có một bản cam kết thoả thuận hợp tác giữa các bên khi tham gia chia sẻ. Trong đó ghi rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chia sẻ học liệu. Nếu có được bản ghi nhớ hợp tác này, điều kiện để các thư viện tham gia chia sẻ thông tin được hoàn tất.
6. Kết luận
Hợp tác và chia sẻ là hai mục tiêu quan trọng của TVĐH trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt là trong giai đoạn đang có sự thay đổi quan trọng trong triết lý giáo dục đại học. Giáo dục đại học cần thực chất hơn và phục vụ tốt hơn cho yêu cầu thực tiễn. Đứng trước yêu cầu đó các TVĐH cần giải quyết bài toán thiếu nguồn học liệu phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học. Do vậy, hợp tác liên thông chia sẻ học liệu, xây dựng các phương thức và các cam kết hợp tác giữa các thư viện là cơ sở để các thư viện hợp tác phát triển nguồn học liệu, xây dựng các sản phẩm dịch vụ dùng chung, hỗ trợ nhau phục vụ người dùng tin. Điều này giúp các thư viện tăng cường nguồn lực thông tin mà không cần phải tăng thêm kinh phí, hoặc có thể cắt giảm kinh phí bổ sung tài liệu không cần thiết do hợp tác với các thư viện khác mang lại. Việc giúp các thư viện nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu học liệu sẽ góp phần trực tiếp vào nâng cao hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học. Thông qua đó khẳng định vai trò quan trọng của thư viện trong trường đại học. Ana Monnar từng nói “chia sẻ sẽ làm giàu tri thức của mỗi người”. Các TVĐH với vai trò là nơi chuyển giao tri thức không có lý do gì lại không hợp tác và chia sẻ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Chấp hành Trung ương khoá XI. Nghị quyết số số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ban hành ngày 4/11/2013.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thống kế giáo dục năm 2013. Truy cập từ http://www. moet.gov.vn/?page=11.11&view=5251.
3. Trường đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và Liên hiệp các thư viện phía Bắc. Hội thảo “Chia sẻ nguồn lực thông tin điện tử trong hệ thống thư viện đại học, cao đẳng Việt Nam”. - Tp. HCM, 2013.
4. Hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin trong mạng lưới thư viện kinh tế. - H.: Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia và Viện Chiến lược Phát triển - Bộ kế hoạch và Đầu tư, 2013.
5. Giải pháp chia sẻ nguồn tin điện tử cho các thành viên thuộc liên hiệp thư viện các trường đại học phía Bắc // Hội thảo “Hoạt động thông tin - thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam”. – Nghệ An: Đại học Vinh, 2014.
6. Thư viện Quốc gia Việt Nam. Hội thảo “Xây dựng và chia sẻ nguồn lực thông tin địa phương dạng số phục vụ bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội”. - H., 2011.
7. Chatterjee, A. Resource sharing among libraries in digital era. - Jadavpur University: Depterment of Library & Information Science.
8. Directorate-General XIII. Library Information Interchange Standards. Truy cập từ http://www.echo.lu/oii/en/library.html#bib-char.
9. Ka, W. F. The role of university libraries in supporting research in Hong Kong : facing a new challenge // Campus-Wide Information Systems. - 2005. - No. 22 (1). - P. 43-50.
10. Kent, A. & Bhargava, G.D. Library resource sharing network, an evaluation. Planning in library resource sharing. - Edited by. A.S. Chandel & Veena Saraf. - Lucknow: Print House, 1986. - P. 17-26.
11. MacColl, J. Library roles in university research assessment // The Journal of European Research Libraries. - 2010. - No. 20 (2). - P. 152-168.
12. Mannan, S.M & Bose, M.L. Resource sharing and information networking of libraries in Bangladesh : a study of user satisfaction // Malaysian Journal of Library & Information Science. - 1998. - No. 3(2). - P. 67-86.
13. OCLC. OCLC WorldCat. Truy cập từ http://www.oclc.org/worldcat.en.html, 2014.
14. Okeagu, G., Okeagu, B. Networking and resource sharing in Library and Information Services : the case for consortium building. - United Kingdom : Information, Society & Justice. From www.fhpotsdam.de/~IFLA/INSPEL/01-1kasu.pdf.
15. UNESCO. Information networking in population education. - Bangkok: Unesco, 1987.
___________
Đỗ Văn Hùng
Khoa Thông tin - Thư viện, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 3. - Tr. 3-9.
< Prev | Next > |
---|
- Chuyên gia truyền thông tại các thư viện trường học
- Thông thạo thông tin
- Quan hệ liên kết trong biên mục xuất bản phẩm nhiều kỳ theo MARC 21
- Hiện đại hoá hoạt động thông tin - thư viện các trường đại học trong thời đại công nghệ góp phần đổi mới chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
- Nguồn tài liệu trực tuyến: quá trình và xu hướng phát triển trong các thư viện trên thế giới
- Áp dụng một số lý thuyết quản lý hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong các thư viện Việt Nam hiện nay
- Thư viện với sự phát triển bền vững xã hội học tập ở Việt Nam
- Làm gì để tăng cường phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng Việt Nam?
- Quảng bá qua email trong hoạt động thư viện
- Online chat - những lợi ích cho bạn đọc và thư viện