Đặt vấn đề
Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Việt Nam đang chịu sự tác động ngày càng tăng của kinh tế tri thức, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhu cầu xây dựng xã hội học tập. Xã hội học tập và học tập suốt đời là hai yếu tố tác động lẫn nhau trong mối quan hệ nhân quả và là xu thế phát triển tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, xây dựng nền kinh tế công nghiệp và bước những bước đầu tiên tiến đến nền kinh tế tri thức. Để việc xây dựng xã hội học tập phát triển bền vững và việc học tập suốt đời trở thành thói quen không thể từ bỏ của từng công dân là một chặng đường gian nan với sự góp sức của toàn xã hội, của nhiều ngành nghề, trong đó không thể không nhắc đến thư viện (TV) với tư cách là một trong những thiết chế văn hoá vô cùng quan trọng của xã hội phục vụ cho cộng đồng, thực hiện các chức năng văn hoá, giáo dục, thông tin và giải trí.
Chủ trương của nhà nước về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020
Ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Theo Quyết định này, việc xây dựng xã hội học tập phải quán triệt 3 quan điểm chỉ đạo:
- Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại;
- Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.
- Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.
Hiện nay, nhiều Bộ, Ngành và tổ chức xã hội đang tập trung làm thí điểm những việc sau:
a. Xác lập các mô hình học tập, chủ yếu là mô hình cộng đồng học tập (xã, phường, thị trấn học tập) và đơn vị học tập (cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội… học tập).
b. Thí điểm các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng dân cư học tập (thôn bản, tổ dân phố… học tập).
c. Xây dựng quy chế học tập suốt đời tại các thiết chế giáo dục không chính quy và phi chính quy như trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hoá, câu lạc bộ, TV, bảo tàng…
d. Xây dựng các Bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển của các mô hình học tập giai đoạn 2014 – 2015 và 2016 – 2020.
e. Phát triển hệ thống giáo dục từ xa, tạo điều kiện để đông đảo người lao động được học tập tại nơi làm việc.
g. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập để cán bộ, nhân viên, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm giảm nghèo, tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá.
Vai trò của thư viện trong việc xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời
Trong nhiều năm qua, các hệ thống TV của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc lưu giữ, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, kịp thời tinh hoa văn hoá và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại. Các hoạt động TV đều hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có thế giới quan khoa học, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, chân - thiện - mỹ. Là một môi trường văn hoá lành mạnh, các TV không chỉ bảo đảm quyền hưởng thụ văn hoá của mỗi người dân, của cộng đồng mà còn góp phần tích cực trong việc phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hoá, làm tha hoá con người. Nhiều hoạt động của TV, đặc biệt là TV công cộng, luôn gắn bó chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc thiểu số, giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi các tác phẩm về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, về công cuộc đổi mới đất nước.
Việc phục vụ Internet trong TV tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý các loại hình thông tin trên mạng Internet để định hướng tư tưởng và giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên, góp phần tích cực giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ về nhân cách, lối sống, hỗ trợ mọi người dân được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả với công nghệ thông tin. Các dịch vụ Internet được phục vụ trong TV đang góp phần tạo nên sức hút mới đối với người dân. Nếu như trước năm 2010, các dịch vụ Internet trong TV chỉ phục vụ chủ yếu ở TV cấp tỉnh và các TV đa ngành, chuyên ngành thì từ năm 2011 tình hình đã được cải thiện rất nhiều nhờ triển khai dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện (Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ trong thời gian 5 năm từ 2011 đến 2016). Dự án cung cấp, lắp đặt hơn 12.000 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm TV công cộng và Bưu điện Văn hoá xã, đào tạo kỹ năng cho hàng nghìn cán bộ quản lý, nhân viên. Chắc chắn rằng, TV ngày càng gần gũi hơn với người dân và hình ảnh của TV cũng ngày càng “đẹp” lên trong mắt của người dân, kể cả với những người không có điều kiện học hành ở trường lớp. Kết thúc dự án sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet, số lượng người dân đến sử dụng dịch vụ ngày càng tăng. Theo số liệu từ hệ thống quan sát của dự án, đối tượng sử dụng dịch vụ Internet tại các điểm truy nhập công cộng thuộc nhiều thành phần khác nhau: học sinh, sinh viên, cán bộ nhà nước, nông dân, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ. Người dân tìm hiểu thông tin trong nhiều lĩnh vực, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về chăm sóc gia đình đến các thông tin phục vụ học tập, giải trí… Nhờ chính sách miễn phí truy cập tại các điểm TV công cộng, giảm 50% cước truy cập tại các điểm bưu điện văn hoá xã, người dân địa phương, nhất là tại các điểm vùng sâu, vùng xa, đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và thực tế không ít người dân cải thiện được cuộc sống của bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội [3].
Chủ trương xây dựng xã hội học tập của nhà nước ta đã đem lại những cơ hội tốt cho các TV, cũng như những thách thức cần phải đối mặt. Ngày nay, đến với TV công cộng không chỉ có trẻ em, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, mà có cả các doanh nhân rất bận bịu với công việc kinh doanh, có những người công nhân, nông dân ham học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai trí cho chính mình, những người dân nghèo thành thị đang vất vả mưu sinh muốn tự mở mang tầm hiểu biết, tiếp cận với những tri thức và thông tin mới... Vai trò của TV đối với việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đang ngày càng được đề cao. Trong xã hội học tập “The learning society” con người phải có kỹ năng học tập, kỹ năng tự học, có cách học sáng tạo và TV là môi trường lý tưởng để bất kỳ một công dân nào cũng có thể tự học, tự giáo dục bản thân với sự tư vấn của những người làm TV - những “hoa tiêu trên đại dương tri thức và thông tin”. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, tri thức sẽ được sản xuất với tốc độ ngày càng nhanh, vòng đời của các công nghệ sẽ ngắn lại, con người phải thường xuyên tích luỹ tri thức mới trên cơ sở xử lý thông tin thành những tri thức của bản thân. Các TV là nơi cung ứng các dịch vụ để mọi công dân có cơ hội và điều kiện thực hiện việc học suốt đời, mở rộng tầm nhìn, nắm tốt hơn vận mệnh của mình, làm cho đời sống tinh thần phong phú hơn, nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống vật chất. TV có mặt khắp mọi nơi, TV thúc đẩy cơ hội học tập từ bậc phổ thông cho tới đại học, sau đại học một cách bình đẳng cho mọi người, TV thúc đẩy học trong gia đình, trong cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người muốn học để giải quyết công việc của mình, TV có mặt tại nơi làm việc. TV ngày càng mở rộng việc sử dụng các công nghệ hiện đại phục vụ cho học tập, góp phần tăng cường chất lượng học tập. Như vậy, TV hỗ trợ đắc lực cho việc học tập suốt đời để phát triển năng lực cá nhân và gắn kết với xã hội, thích nghi với những biến động, thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Việc xây dựng xã hội học tập đi liền với việc đem tri thức và thông tin đến các cộng đồng dân cư kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh và đem lại cơ hội phát triển TV mạnh hơn, với quy mô lớn nhỏ khác nhau, thúc đẩy mọi hoạt động của TV ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đây là tín hiệu vui cho những người chiến sỹ vô danh đang miệt mài phục vụ người lao động để góp phần cho xã hội phát triển theo chiều hướng tiến bộ.
Các biện pháp thư viện cần đẩy mạnh nhằm phục vụ xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời
Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời cũng đồng nghĩa với việc các TV phải thực hiện nhiều biện pháp thiết thực nhằm gia tăng số lượng người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, mở rộng tầm hiểu biết, và tăng cường thực hiện khẩu hiệu “sách đi tìm người”, “cho mỗi cuốn sách có bạn đọc phù hợp của nó”. Có thể nêu ra một số biện pháp các TV cần đẩy mạnh như:
- Thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng TV, hướng dẫn tra cứu, tìm kiếm, chọn lọc thông tin phù hợp với trình độ, năng lực người sử dụng. Mở các lớp huấn luyện kỹ năng thông tin (information literacies), xác định nguồn tin, tìm kiếm và đánh giá chất lượng thông tin.
- Cập nhật, phổ biến kiến thức khoa học phổ thông cho người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
- Tạo điều kiện cho người đọc được tiếp xúc trực tiếp với tài liệu để kích thích nhu cầu đọc, nhu cầu tin.
- Tăng số lần luân chuyển sách xuống cơ sở, phục vụ lưu động.
- Đa dạng hoá các hình thức cung ứng chương trình học tập suốt đời như tổ chức hội thảo, tổ chức thường xuyên các cuộc thi tìm hiểu về sách, các hoạt động như “Ngày Hội Sách” theo chủ đề; phát động phong trào đọc sách, tổ chức các câu lạc bộ sách, tổ chức những cuộc giao lưu với bạn đọc, nói chuyện chuyên đề, xây dựng các phòng khám phá, không gian sáng tạo trong TV, tổ chức triển lãm, trưng bày, phục vụ lưu động, biên soạn các tài liệu, tờ rơi, sản xuất đĩa DVD sách nói... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập suốt đời, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, khiếm thị, người lao động di trú, người thiểu số.
- Triển khai thực hiện các dịch vụ thông tin trực tuyến qua cổng thông tin điện tử; Phát triển dịch vụ tra cứu (tham khảo – reference service), tham khảo số (digital reference service), dịch vụ cung cấp thông tin chọn lọc, dịch vụ sử dụng các CSDL toàn văn, dịch vụ giải đáp thông tin qua điện thoại, dịch vụ truyền tệp dữ liệu…
- Tạo môi trường đọc thân thiện cho người đọc dễ dàng tiếp xúc với tài liệu, tạo hứng thú đọc, từ đó hình thành thói quen đọc sách.
- Tạo môi trường tương tác giữa bạn đọc với bạn đọc (ví dụ, TV có phòng thảo luận nhóm, câu lạc bộ), hỗ trợ bạn đọc có điều kiện tranh luận, diễn giải sự hiểu biết của mình về một vấn đề.
- Tiến tới mượn – trả tài liệu tự động, xem tình trạng sách, gia hạn, giữ chỗ, tham khảo qua mạng.
- Tổ chức quầy thông tin để hướng dẫn người đọc sử dụng TV, tra cứu cơ sở dữ liệu, tiếp nhận các loại yêu cầu tin…
Các hoạt động tích cực của TV sẽ nuôi dưỡng tình yêu với sách, ý thức coi trọng “đọc và học”, đặc biệt quan trọng với giới trẻ, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hướng đến nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Như vậy, các TV không chỉ là môi trường văn hoá lành mạnh mà còn là môi trường tuyệt vời cho lao động tri thức, khai phá năng lực sáng tạo của mọi công dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân. TV mãi mãi là người bạn đồng hành thân thiết trên con đường học tập suốt đời, “học để làm cho mình và cộng đồng thêm hạnh phúc”. TV xoá đi mọi rào cản giữa các giai tầng trong xã hội, tăng cường cơ hội học tập cho tất cả mọi người không phân biệt địa vị xã hội, lứa tuổi, giới tính… Sử dụng tri thức và thông tin trong TV, người dân được hưởng lợi với những giá trị bền vững về văn hoá, văn học nghệ thuật, khoa học, công nghệ. TV với chức năng, nhiệm vụ của mình đã loại bỏ “rác thông tin”, giúp người dân tránh được nhiễu thông tin trong môi trường mạng khi tự học, tự tìm kiếm thông tin trên mạng để mở rộng kiến thức của mình.
Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về “xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” có đề ra yêu cầu sử dụng tri thức mới để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh này, các TV với những biện pháp tăng cường đưa thông tin và tri thức về nông thôn sẽ đóng góp một phần rất lớn trong quá trình chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và xây dựng nền kinh tế tri thức. Làm được điều này, tương lai phát triển của các TV ngày càng rộng mở.
Kết luận
Xây dựng xã hội học tập đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các TV thuộc các hệ thống khác nhau. Việc học tập suốt đời của từng công dân luôn đi liền với tính kiên trì tự học. TV sẽ làm cho mọi công dân nhận thức được rõ ràng hơn sự cần thiết và tính chất quan trọng phải học tập suốt đời, có ý thức tự giác học tập và học tập thường xuyên. TV chính là địa điểm tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất cho người dân học tập suốt đời, cập nhật kiến thức, không ngừng tiếp cận với cái mới để có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang biến đổi khôn lường, đáp ứng đòi hỏi phát triển của từng cá nhân trên con đường tự học. Muốn xây dựng thành công xã hội học tập ở Việt Nam, muốn không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo bước tiến không ngừng của tri thức nhân loại và của khoa học, công nghệ chắc chắn rằng không thể thiếu vai trò của TV. Thu hút mọi công dân đến sử dụng TV thường xuyên tại chỗ hay từ xa là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các TV hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Xây dựng xã hội học tập dưới ánh sáng Nghị quyết 29 – NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (Khoá XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3420.
3.http://mic.gov.vn/tintucsukien/tintuctrongnganh/Trang/NangcaokhanangsudungmaytinhtaiVietNam.aspx.
__________________
PGS.TSKH. Bùi Loan Thuỳ
Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 2. - Tr. 3-6,20.
< Prev | Next > |
---|
- Làm gì để tăng cường phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng Việt Nam?
- Quảng bá qua email trong hoạt động thư viện
- Online chat - những lợi ích cho bạn đọc và thư viện
- DSPACE, giải pháp phần mềm cho thư viện điện tử quản lý và khai thác nguồn thông tin số nội sinh ở các trường đại học hiện nay
- Thời cơ và thách thức để phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam
- Nghiên cứu, xây dựng chương trình nâng cao kiến thức thông tin cho sinh viên theo cách đánh giá của UNESCO
- Đào tạo kiến thức thông tin trực tuyến trong thư viện đại học ở Việt Nam
- Ứng dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở koha giải pháp tốt cho hệ thống thư viện đại học, cao đẳng ở Việt Nam
- Một số nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên
- Mô hình không gian học tập ở các thư viện đại học