Nghiên cứu, xây dựng chương trình nâng cao kiến thức thông tin cho sinh viên theo cách đánh giá của UNESCO

E-mail Print

Mở đầu

Từ khoảng cuối những năm 1990, đầu năm 2000, kiến thức thông tin (KTTT) là một chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu, giảng dạy cũng như đội ngũ người làm thư viện (NLTV) nói chung trên các phạm vi. Vấn đề quan trọng tới mức mà trong cơ cấu tổ chức của mình, IFLA đã có hẳn một bộ phận chuyên theo dõi và quan tâm đến vấn đề này (Information Literacy Section). Cũng theo hướng này, nhiều tổ chức trên thế giới đã nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các tiêu chuẩn, mô hình về KTTT. Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học và thực tiễn thiết yếu để các thư viện nói chung và thư viện đại học nói riêng triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao KTTT đối với cộng đồng người đọc của mình. Tiêu biểu trong số này là Mô hình KTTT 7 trụ cột (7 Pillars Model for Information Literacy) do Hiệp hội Thư viện đại học quốc gia và cao đẳng Anh (SCONUL) phổ biến năm 2004; Mô hình về 8 thành tố chính của KTTT do Viện đào tạo NLTV chuyên nghiệp Chareterd Anh (CILIP) phổ biến năm 2004; 9 tiêu chuẩn về KTTT do Hiệp hội NLTV trường học Mỹ (AASL) và Hiệp hội Truyền thông và Công nghệ giáo dục Mỹ (AECT) xây dựng và phổ biến [5, 6, 7]... Và gần đây nhất, năm 2013, UNESSCO đã xuất bản tài liệu mang tính chất cẩm nang tra cứu, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện và cơ quan thông tin (TT) trên toàn thế giới [4].

Từ trước đến nay, việc nâng cao KTTT cho sinh viên (SV) đã được triển khai, song mới chỉ dừng ở mức độ hết sức giản lược và nhìn chung các mục đích chính ở đây chỉ là hướng dẫn khai thác sử dụng một thư viện đại học cụ thể. Đã đến lúc, nếu chỉ duy trì việc mang đến cho bạn đọc nội dung đó, thì việc nâng cao KTTT ở đây chỉ mang tính chất chiếu lệ và vì thế khó có thể đánh giá về hiệu quả mà nó mang lại. Qua nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu, thấy rõ tính chất phức tạp song đầy hấp dẫn của KTTT và nhiều nội dung có khả năng hấp dẫn và hữu ích nếu như đến được với SV. Bài viết đã giới thiệu nội dung chính của khung đánh giá KTTT của UNESCO, phác thảo khung chương trình nâng cao KTTT dành cho SV và việc tổ chức triển khai chương trình nâng cao KTTT cho SV tại thư viện đại học nhằm góp phần nâng cao KTTT cho SV, giới thiệu đầy đủ những giá trị của KTTT và nhằm đáp ứng được yêu cầu trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

1. Nội dung chính đánh giá về kiến thức thông tin của UNESCO

Hiện nay, tồn tại một số tiêu chuẩn mang tính chất quốc tế về KTTT. Về đại thể, các tiêu chuẩn này là sự cụ thể hoá ở những mức độ và cách tiếp cận khác nhau, phản ánh khả năng hay yêu cầu mà một người đạt được khi được trang bị một cách cơ bản và toàn diện về KTTT. Trên cơ sở các khái niệm đã được giới thiệu trong những nguồn TT khác nhau (từ điển ODLIS, CILIP, SCONUL…), có thể hệ thống hoá các nội dung chính của KTTT được thể hiện qua các khía cạnh sau:

- Hiểu rõ và thể hiện tường minh, chính xác, sát hợp nhu cầu tin, từ đó hiểu và biết rõ được mọi dạng tồn tại của TT phù hợp với nhu cầu tin này.

- Kỹ năng tìm được TT cần thiết, gồm cả sự hiểu biết về cách tổ chức của thư viện, các nguồn/ hệ thống TT; Sử dụng thuần thục các phương pháp, kỹ thuật, phương tiện tìm tin.

- Có kỹ năng tự tổ chức, quản lý TT; Có khả năng tích hợp TT thu nhận được vào nền tảng tri thức của bản thân.

- Có thói quen, luôn sẵn sàng và các kỹ năng cần thiết trong chia sẻ TT với người khác theo đúng luật, hợp đạo đức và có hiệu quả.

Trong tài liệu nêu trên, UNESCO đưa ra khái niệm kiến thức về TT và xuất bản (Media and Information Literacy – MIL). Theo đó, MIL là “tập hợp các năng lực giúp cho mọi người (công dân) có thể truy cập, tìm kiếm, hiểu, đánh giá và sử dụng; có thể tạo ra cũng như chia sẻ được nội dung TT và truyền thông ở mọi dạng thức, sử dụng được các công cụ khác nhau, có thể hiện quan điểm rõ rệt của cá nhân (trong việc sử dụng TT) và (các hoạt động trên được tiến hành) theo cách phù hợp với đạo đức và có hiệu quả nhằm tham gia và khuyến khích các hoạt động mang tính cá nhân, nghề nghiệp và xã hội” [4]. Về cơ bản, nội dung trên là hoàn toàn phù hợp với nội hàm của KTTT hiện đang được sử dụng. Đề cập tới KTTT ở đây, UNESCO nêu lên 3 mức độ, mà tương ứng với chúng là 3 phạm vi để đánh giá: mức độ vĩ mô là Xã hội, mức độ trung bình (meso level) là Tổ chức và mức độ vi mô là Cá nhân [4].

Từ mục đích chính của bài viết này, chúng tôi lựa chọn phân tích các vấn đề của KTTT ở mức độ vi mô và ở đây là việc giới thiệu cách thức mà UNESCO đã cụ thể hoá các khía cạnh tổng quát về KTTT đối với mỗi cá nhân. Bài viết sẽ chủ yếu dành để giới thiệu khía cạnh thứ nhất (Ma trận phản ánh năng lực KTTT - MIL Competency Matrix) của nội dung 2 (Năng lực KTTT - MIL Competencies)[1].

Ma trận phản ánh năng lực về KTTT được thiết lập trên cơ sở 3 yếu tố cấu thành là:

- Truy cập và Tìm kiếm.

- Hiểu biết và Đánh giá.

- Sáng tạo ra và Sử dụng.

alt

Khi đến lượt, từng yếu tố trên lại được diễn giải, phân tích, suy luận để có thể đi đến đích cuối là hiểu được nội dung của KTTT một cách chi tiết. 

 Logic trình bày này được diễn giải theo chiều từ cột bên trái chuyển qua cột kế tiếp bên phải của bảng trên [4].

Từ ma trận này cho thấy, theo quan điểm của UNESCO, người có KTTT là người có 12 khả năng đã được mô tả ở cột thứ 3.

2. Phác thảo khung chương trình nâng cao kiến thức thông tin cho sinh viên theo quan điểm của UNESCO

Mục đích ở đây là phác thảo được một khung chương trình nâng cao KTTT cho SV với ý đồ hướng đến giúp họ đạt được những khả năng mà UNESCO yêu cầu ở một mức độ xác định.

Thực tiễn hiện hay cho thấy, khi bước vào trường đại học, về cơ bản, các SV đã trang bị, tích luỹ được một số kỹ năng cơ bản liên quan tới KTTT sau:

- Sử dụng những bộ máy tìm kiếm tài liệu của các thư viện phổ thông (mục lục dạng phiếu, mục lục dạng sách, cơ sở dữ liệu thư mục…).

- Sử dụng một số dịch vụ phổ biến trên Internet (thư điện tử, facebook, truyền tệp, tìm tin trên các mạng công cộng miễn phí, các nguồn tin truy cập mở…).

- Tìm hiểu, thu thập TT về các tổ chức, cá nhân bằng việc truy cập các trang chủ tương ứng hay các nguồn tin hữu quan.

Khi bước vào học tập, nghiên cứu tại trường đại học, nhất là trong bối cảnh có những đổi mới sâu sắc và toàn diện về giáo dục, đào tạo (ví dụ, việc đào tạo theo phương thức tín chỉ đang dần được thay thế phương thức đào tạo theo niên chế trên một quy mô rộng rãi), thì vai trò của KTTT đối với SV ngày càng trở nên quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức và kết quả học tập, nghiên cứu của họ. Lúc này, phương thức học tập, nghiên cứu đòi hỏi khoảng thời gian mà SV phải thu thập TT, xử lý tài liệu (nguồn học liệu) để học tập, nghiên cứu được tăng lên rõ rệt so với cách thức đào tạo trước đây. Điều này đã làm thay đổi đáng kể vai trò và trách nhiệm của giảng viên, từ vị trí là người chủ động cung cấp kiến thức, TT, tri thức cho người học đến vị trí là người dẫn dắt, hướng dẫn SV tiếp cận tới các nguồn TT thích hợp, hoặc cũng có thể giúp SV biết cách chủ động tìm kiếm TT bổ trợ để tích luỹ được kiến thức, tri thức cho mình. Và lúc này, SV thực hiện việc học tương tự như quá trình một người nghiên cứu để đến được với tri thức khoa học [2, 7, 8, 10]. Trong bối cảnh mà ở đâu và việc gì trong trường đại học (liên quan trực tiếp đến việc học tập, nghiên cứu) đều thấy cần phải có TT, cần phải tiếp cận, truy cập, lựa chọn, đánh giá, khai thác, tạo lập, trao đổi TT, thì rõ ràng vai trò của thư viện đại học ngày càng được khẳng định, vai trò của KTTT đối với việc học tập và nghiên cứu ngày càng trở nên thiết yếu, quan trọng. Nói một cách giản lược, người SV hiện đại, người có thể thích ứng và tận dụng được các cơ hội mà sự đổi mới trong giáo dục và đào tạo mang đến là người có 12 khả năng nêu trên. Một chương trình nâng cao KTTT tích cực là một chương trình mà từng bước một làm cho SV có được những khả năng đó. Cũng cần lưu ý, dải phổ (độ dao động về trình độ/ mức độ) của các khả năng trên là khá lớn, điều đó làm cho việc nâng cao KTTT là một việc làm liên tục, gần như suốt đời, tựa như triết lý của việc học - Học! Học nữa! Học mãi! Và cũng vì thế mà có một thuận lợi trong việc xây dựng khung chương trình nâng cao KTTT ở đây là: Có thể khá mềm mỏng và linh hoạt, khả năng cá thể hoá cao [3] trong việc xác định các đích cần đến của chương trình đối với mỗi cộng đồng, mỗi giai đoạn khác nhau.

Tuy nhiên, để một chương trình hữu dụng như thế trở nên khả thi trong những điều kiện cụ thể hiện nay là một công việc không đơn giản, mà trước hết là ở việc xác lập được những nội dung thiết yếu, hợp lý, những mục đích thiết thực trong đó. Bởi xét cho cùng, các nguồn lực (bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực và quỹ thời gian) mà mỗi thư viện đại học có thể sử dụng để triển khai chương trình này là hạn chế, nếu không muốn nói là rất hạn chế. Bởi vậy, một số trong các nguyên tắc để xây dựng chương trình ở đây phải là:

- Cần lồng ghép để đạt được ở mức tối ưu các hoạt động khác nhau hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu mà chương trình đề ra [8, 10].

- Cần có chiến lược hợp lý và lâu dài trong việc thu hút các nguồn lực bên ngoài thư viện để thư viện luôn chú trọng tới việc xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án mang tính chất out-sourcing (thu hút/ tạo nguồn từ bên ngoài).

- Chương trình được xây dựng cần được tạo nên từ một số module tương đối độc lập với nhau, mà mỗi một module cũng có sự độc lập tương đối, để đạt được những mục tiêu cụ thể (tạo điều kiện để chương trình sẽ được triển khai một cách linh hoạt).

Trên cơ sở các phân tích và đối chiếu trên đây, có thể xác định một số nội dung trọng tâm cần được đề cập trong chương trình nâng cao KTTT cho SV theo quan điểm của UNESCO.

Chương trình có thể chia thành 4 nhóm mục tiêu chính như sau:

Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức.          

Mục tiêu 2: Nâng cao kỹ năng.

Mục tiêu 3: Nâng cao hiệu quả.

Mục tiêu 4: Nâng cao trách nhiệm.

Bảng dưới đây sẽ phân tích, đối chiếu để xác định mục đích và nội dung chính cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra (bảng dưới).

alt

alt

Như đã nêu, một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chương trình nâng cao KTTT ở đây là đòi hỏi phải có sự lồng ghép hợp lý việc thực hiện các nội dung cần nâng cao với các hoạt động khác nhau, chứ không phải chỉ thuần tuý là các bài giảng như thường thấy trước đây. Việc trình bày ở cột thứ 3: Nội dung chính (của chương trình, gồm 19 nội dung chính) dưới các hình thức ký tự khác nhau là có chủ đích thể hiện cách thức lồng ghép có thể được thực hiện tại đây. Cụ thể:

- Các nội dung được phản ánh dưới hình thức đoạn văn bản có gạch chân: Được thực hiện dưới dạng các bài giảng, các khoá tập huấn, đào tạo, mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.

- Các nội dung được phản ánh dưới hình thức đoạn văn bản in nghiêng: Được thực hiện lồng ghép dưới dạng các hoạt động marketing mà các doanh nghiệp TT và xuất bản hướng đến cộng đồng người dùng tin trực tiếp.

Các nội dung được phản ánh dưới hình thức đoạn văn bản thông thường: Được thực hiện lồng ghép dưới dạng các seminar, các sinh hoạt khoa học chuyên đề do những chủ thể khác nhau thực hiện.

Phần dưới đây sẽ nêu cụ thể hơn cách thức huy động các nguồn lực để triển khai chương trình đã được xây dựng.

3. Tổ chức triển khai chương trình nâng cao kiến thức thông tin cho sinh viên tại thư viện đại học

Nhìn chung, một chương trình với mục tiêu nâng cao KTTT một cách toàn diện dù dành cho bất kỳ nhóm đối tượng nào thì cũng luôn là một chương trình lớn, cồng kềnh, chứa đựng nhiều nội dung phức tạp, đòi hỏi được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ở đây, đối tượng thụ hưởng chương trình là SV – đội ngũ tri thức, nguồn nhân lực khoa học chủ chốt và chiếm số lượng lớn nhất của xã hội học thức, của nền kinh tế dựa trên TT và tri thức của đất nước trong tương lai. Như vậy, có nghĩa là: các nội dung và mục tiêu mà chương trình này cần đạt được là ở mức cao nhất, với những đòi hỏi gắt gao nhất, với các nội dung cần được cập nhật nhanh nhất… Chính vì vậy, vấn đề tổ chức triển khai chương trình đóng vai trò quyết định trực tiếp đến việc các mục đích đề ra có đạt được như kỳ vọng hay không.

Trước hết cần khẳng định, đội ngũ trực tiếp triển khai chương trình là vô cùng quan trọng, có vai trò quyết định không chỉ tới chất lượng của chương trình, mà còn quyết định tới việc chương trình có triển khai được hay không. Và cũng cần khẳng định, những NLTV chuyên nghiệp hay một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng không thể có đủ điều kiện và khả năng thực hiện tất cả các nội dung chính nêu trên bởi tính chất và đòi hỏi của các nội dung này ở các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ là rất khác nhau.

Bảng dưới đây phản ánh đề xuất chủ quan của chúng tôi để thực hiện các nội dung chính ở các khía cạnh: Module (đề xuất) - hình thức triển khai – nội dung bao quát và người thực hiện chính.

alt

Về nguyên tắc, mỗi module trên đây đều có các nội dung và mục đích tương đối độc lập với nhau. Do đặc điểm đối tượng thụ hưởng chương trình là SV đại học nên các module này có thể hoán vị về thời gian thực hiện với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị trật tự và khoảng thời gian thực hiện và các nhóm đối tượng cụ thể được thụ hưởng là như sau:

+ Các chủ đề nội dung 1, 2 và 3: Nên được tiến hành trước và hướng đến đối tượng là SV năm thứ nhất. Thời lượng: 10 tiết học.

+ Các chủ đề nội dung 4, 5 và 6: Nên được thực hiện kế tiếp và hướng đến đối tượng là SV năm thứ 2. Thời lượng: 10 tiết học.

+ Các chủ đề nội dung 7: Nên được thực hiện cuối cùng và hướng vào đối tượng là SV năm thứ 3 hoặc năm thứ 4. Thời lượng: 5 tiết học.

4. Kết luận

KTTT là một vấn đề mang tính liên ngành rất rõ rệt. Nó được hình thành và phát triển trên nền tảng thuộc nhiều lĩnh vực và phương diện khác nhau. KTTT được biết đến như sự phản chiếu tầm hiểu biết và tri thức ở mỗi người; như kỹ năng hay sự thuần thục của mỗi cá nhân khi khai thác các nguồn/ hệ thống TT; như đạo đức và ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong một xã hội TT, trong một môi trường được bao bọc bởi TT, một bầu khí quyển TT… Cả về phương diện lý thuyết và thực tiễn, chỉ có những ai có KTTT ở phạm vi toàn diện, chỉ có những ai luôn tâm niệm làm sao để không ngừng nâng cao KTTT cho mình, thì người đó, chủ nhân đó mới thực sự trở thành một người góp phần thiết thực dựng xây một xã hội tri thức, xã hội học thức cho ngày hôm nay và ngày mai. Và chỉ khi đó họ mới có thể trở thành một công dân tích cực của xã hội, có những đóng góp bền bỉ và thầm lặng cho sự phát triển của xã hội, của đất nước, của cộng đồng và của chính mình. Và tất nhiên, cũng vì thế họ mới có thể là người đủ điều kiện và khả năng thụ hưởng được nhiều nhất từ các tiến bộ và sự phát triển mới nhất của xã hội.

Người SV có KTTT là người chuẩn bị tốt cho mình khả năng thích ứng với các đòi hỏi của xã hội ở mức cao hơn so với các SV khác và do vậy, họ dễ có một tương lai tốt đẹp cho cuộc sống và công việc của mình. Nâng cao kiến thức cho SV tại các thư viện đại học không chỉ là việc mang tới cho họ nhiều cơ hội hơn, mang tới cho họ một tương lai tốt đẹp hơn, mà quan trọng và căn bản hơn chính là chúng ta đang góp phần quan trọng vào việc mang đến cho tương lai một thế hệ tốt, một thế hệ giàu tri thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Quỳnh Chi. Thư viện đại học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2008. - Số 2. - Tr. 18-23.

2. 2012 top ten trends in academic libraries : A review of the trends and issues affecting academic libraries in higher education / ACRL Research Planning and Review Committee // College & Research Libraries.  – 2012. -  Newsvol. 73 . - No. 6 . – P. 311-320.

3. Chowdhury G. Digital libraries and reference service // Journal of Documentation. - 2002. - Vol 58. - No. 2. - P. 258-283.

4. Global Media and Information Literacy Assessement Framework : Country Readiness and Competencies / UNESCO Communication and Information Sector and UNESCO Institute of Statistics. - Paris: UNESCO, 2013. - 152 p.

5. Information Literacy Competcy Standards for Higher Education. http://www.ala. org/acrl/standards/informationliteracycompetency#ildef

6. Introduction to Information Literacy. http://www.ala.org/acrl/issues/infolit/overview/intro.

7. Information literacy - Definition. http://www.cilip.org.uk/cilip/advocacy-campaigns-awards/advocacy-campaigns/information-literacy/information-literacy.

8. Ingura M.M. Basic IL for teachers & librarians : Lecture delivered by MaryAnn Ingua last. - 2008. - 22/5. - 28 p.

9. Lundstrom K., Shrode F. Undergraduates and Topic Selection : A Librarian’s Role // Journal of Library Innovation. - 2013. - Vol. 4. - Issue 2. - P. 23-41.

10. Nera C.M. Information Literacy : the 21st Century Skills: Paper presented during the PLAI-STRLC Regional Conference on Promoting Information Literacy for Lifelong Learning. - 2006. - 25/9 at Capuchin Retreat Center, Lipa City, Batangas. - 48 p.

11. Redefining the Academic Library: Managing the Migration to Digital Information Services / University Leadership Council. - Washington DC.: The Advisory Board Company, 2011. - 51 p.

 


[1]Nội dung 1: Sự sẵn sàng của đất nước về KTTT (MIL Country Readiness). Khía cạnh thứ hai của nội dung 2 là Mô hình năng lực của người giảng dạy về KTTT (MIL Teacher Competency Model). Sđd, tr. 47.

___________________

Trần Mạnh Tuấn

Viện Thông tin Khoa học Xã hội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 1. - Tr. 9-16.


Đọc thêm cùng chuyên mục: