Mô hình không gian học tập ở các thư viện đại học

E-mail Print

Sứ mệnh, mục tiêu của nhà trường. Giáo dục đại học hiện nay yêu ứ mệnh của thư viện các trường đại học luôn song hành với cầu cần có sự chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng theo nhu cầu thời đại: đào tạo theo học chế tín chỉ, đổi mới phương pháp giảng dạy - lấy người học làm trung tâm, nâng cao năng lực tự học và học tập suốt đời của người học. Trong xu thế đó, các thư viện học thuật cũng phải chuyển đổi một cách tích cực để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp giáo dục. Ở Việt Nam, trong một thập niên gần đây, thư viện các trường đại học đã được đầu tư và phát triển khá nhanh cả về cơ sở vật chất lẫn các loại hình dịch vụ. Đó là những thư viện được trang bị hiện đại, nguồn học liệu phong phú, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích theo mô hình các thư viện tiên tiến trên thế giới. Có thể kể đến trong số này là bốn Trung tâm học liệu lớn ở Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thái Nguyên được tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ đã mang đến một sức sống mới cho hệ thống thư viện đại học trong nước. Trong những năm qua, những thư viện học thuật này đã hoạt động khá hiệu quả, không ngừng cải tiến các dịch vụ và nâng cấp hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người dùng tin. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút người dùng tin và đóng góp tích cực cho sự thành công của trường đại học, các thư viện cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Một trong những thay đổi cần được bàn đến trong bài viết này là sự thành lập các không gian thông tin (Information Commons), tiến tới xây dựng các không gian học tập (Learning Commons), kèm theo đó là sự chuyển đổi vai trò của các cán bộ thư viện thành những chuyên gia thông tin hoạt động ở phạm vi sâu rộng, tích cực hơn trong môi trường học thuật. Mô hình này đã được nhiều thư viện đại học trên thế giới xây dựng và vận hành, nhờ đó sẽ giúp cho chúng ta có được những cái nhìn thực tiễn và kinh nghiệm quý báu.

Không gian thông tin và Không gian học tập là gì?

Khái niệm Không gian thông tinKhông gian học tập thường được dùng thay thế cho nhau nhưng giữa chúng có sự khác biệt đáng kể. Khái niệm Không gian thông tin đã xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Theo tác giả Donald Beagle, một trong những tác giả đề cập đến khái niệm này đầu tiên thì không gian thông tin là “một cụm các điểm truy cập mạng và những công cụ công nghệ thông tin đi kèm cùng với các nguồn tài nguyên vật lý, kỹ thuật số, nhân lực và xã hội được tổ chức để hỗ trợ việc học tập” [3]. Trong khi đó không gian học tập là một bước nâng cao của việc phát triển mô hình không gian thông tin. Không gian học tập vượt ra ngoài phạm vi cụm công cụ công nghệ thông tin và các tài nguyên hỗ trợ việc học để “phối hợp và tổ chức các sáng kiến học tập cộng tác với các bộ phận học thuật khác để hỗ trợ các mục đích và kết quả học tập”. Hay theo tác giả Roe: “Không gian học tập chú trọng sự hướng dẫn và cộng tác trong khi không gian thông tin thường chú trọng kỹ thuật và các nguồn tài nguyên số” [3]. Tác giả Sinclair mô tả ý nghĩa và khả năng của một không gian học tập được thiết kế tốt là: “Phối hợp sự tự do của giao tiếp không dây, những cụm làm việc linh hoạt thúc đẩy sự giao tiếp và hợp tác. Trang bị nội thất, nghệ thuật và thiết kế tiện nghi làm cho người dùng cảm thấy thư giãn, khuyến khích sự sáng tạo và hỗ trợ việc học cùng nhau. Thêm vào đó các dịch vụ tự đồ hoạ, biên tập băng hình, ảnh và những phần mềm sản xuất và trình diễn khác khiến nó trở thành một môi trường chia sẻ công nghệ thông tin và truyền thông “một cửa” cho các bài tập ngoài lớp học, viết, nghiên cứu và các dự án nhóm” [3].

Các yếu tố cơ bản của một không gian học tập

Định hướng học tập: Hỗ trợ việc học tập chủ động, độc lập và hợp tác.

Người học trung tâm: Chú trọng vào những nhu cầu, sở thích và các kiểu làm việc của sinh viên.

Mở rộng trong trường đại học: Là một phần của việc phát triển quyền tự chủ của người học trong khắp trường đại học. Sự phát triển quyền tự chủ của người học được tích hợp vào mỗi học phần và không gian học tập sẵn sàng hỗ trợ điều này ở mỗi khu đại học. Sự hỗ trợ ở mỗi khu đại học có thể khác nhau, nhưng có một không gian học tập cho từng khu đại học.

Tính linh động: Đáp ứng đối với những thay đổi về nhu cầu của người học đối với các nguồn tài nguyên và sự hỗ trợ.

Tính hợp tác: Dựa trên sự hợp tác giữa các khu vực hỗ trợ học tập khác nhau trong trường đại học.

Toà nhà cộng đồng: Cung cấp một trung tâm cho sự giao tiếp thực thể và giao tiếp ảo giữa cán bộ giảng viên và sinh viên.

Không gian, trang thiết bị

Nhiều nghiên cứu cho thấy thiết kế về không gian trong không gian học tập là một phần hợp nhất với thành công của nó. Theo Narum: “Không gian cần được thiết kế với mục đích khuyến khích sinh viên học tập chứ không chỉ đơn thuần phù hợp với hoạt động của thư viện”. Không gian học tập cần là một không gian mở khuyến khích sự trao đổi, giao tiếp xã hội và đáp ứng nhiều kiểu học tập khác nhau: nơi học yên tĩnh cá nhân, các khu vực dành cho thảo luận nhóm với nhiều quy mô khác nhau. Việc học bao gồm cả khía cạnh cá nhân và khía cạnh xã hội, do đó cần kết hợp giữa không gian yên tĩnh với không gian xã hội sống động nơi được phép có tiếng ồn [4]. Để phục vụ những nhu cầu phong phú này cần có sự đa dạng nhiều tầng nấc không gian tuỳ thuộc vào các hoạt động được yêu cầu từ yên tĩnh đến bận rộn, từ chỗ ngồi nhanh đến ngồi lâu, từ cá nhân đến hoạt động nhóm. Sinh viên cần có được các tuỳ chọn về không gian dựa trên công việc họ đang làm và mức độ xao nhãng mà họ muốn.

Bên cạnh đó, tác giả Bennett cho rằng thư viện có thể trở thành một nơi mà sinh viên học tập chủ động, ví dụ như là trao đổi nội dung bài giảng trên lớp. Nhiều nghiên cứu cho thấy những hình thức trao đổi này đã không dễ dàng diễn ra trong thư viện nhưng lại diễn ra trong những không gian cởi mở hơn như quán cà phê hay nhà ăn của trường học. Bennett chỉ ra rằng việc có các cửa hàng thức ăn trở thành một đặc điểm tiêu chuẩn của thiết kế thư viện [2]. Trên thực tế một số không gian học tập đã có khu vực riêng được thiết kế thân thiện để sinh viên có thể sử dụng thức ăn và đồ uống, ví dụ như không gian thông tin Auchmuty ở Đại học Newcastle.

Không gian học tập chắc chắn là một môi trường giàu công nghệ, nên cung cấp sự truy cập đến những công nghệ mà sinh viên cần để học tập hiệu quả. Ở một cấp độ nào đó, sinh viên có thể làm việc từ những tìm kiếm đầu tiên trong thư viện đến sản phẩm cuối cùng tại cùng một chỗ. Nhà quản lý thư viện có thể đảm bảo rằng các cụm máy tính trong môi trường này có các phần cứng, phần mềm và công nghệ cần thiết để thực hiện tất cả những điều sinh viên muốn và cần cho việc học chính thức và không chính thức. Việc học không chính thức thu hút sinh viên khám phá và học hỏi về những chủ đề không nhất thiết liên quan đến các bài tập trên lớp. Điều này khuyến khích việc tự khám phá, cái mà có thể là động lực giúp sinh viên theo đuổi việc học tập lâu dài suốt cuộc đời [7]. Một vài đặc điểm công nghệ cần có trong một không gian học tập bao gồm:

- Các máy tính sẵn có cho việc nghiên cứu, đánh văn bản và truy cập Internet.

- Các máy in.

- Mạng không dây.

- Các sản phẩm đa phương tiện.

- Không gian lưu trữ cho công việc của sinh viên.

- Khu vực cho mượn tài nguyên của thư viện như tài liệu, máy tính xách tay, thiết bị video,…

Nhiều không gian học tập phục vụ 24/7 như không gian thông tin của Đại học Nam California, trong đó cán bộ tham khảo chịu trách nhiệm đến 19 giờ, khoảng thời gian còn lại là sinh viên trực. Có những không gian học tập là những phần có thể tách rời với thư viện, sau giờ thư viện đóng cửa sinh viên có thể quét thẻ để vào. Một cách thức khác để không gian học tập có thể phục vụ mọi lúc mọi nơi là tạo nên một không gian ảo. Trong thực tế, nhiều nguồn tài nguyên của thư viện hiện nay ở dạng trực tuyến, có thể phục vụ bạn đọc ở mọi nơi, không bị ngăn cách bởi không gian vật lý. Đối với những trường đại học có nhiều khu vực thì không gian học tập ảo trở nên quan trọng vì nó có thể hỗ trợ những người dùng không thể hoặc không muốn trực tiếp đến tận nơi. Nhiều thư viện vận hành trang web riêng cho không gian học tập.

Sự phối hợp với các bộ phận học thuật khác trong trường

Không gian học tập của Thư viện trường Đại học Guelph dựa trên mô hình cộng tác với bộ phận Dịch vụ máy tính và Truyền thông, Văn phòng học tập mở, Phòng Công tác Sinh viên và Dịch vụ hỗ trợ giảng dạy. Ở Trung tâm Học tập Irving K. Barber của trường Đại học British Columbia, sinh viên được hưởng lợi từ sự hợp tác với các bộ phận trong trường như viết và nghiên cứu, các kỹ năng học tập, sáng tạo đa phương tiện, phụ đạo học phần, tư vấn và hỗ trợ việc giảng dạy và học tập. Môi trường chia sẻ công nghệ thông tin và truyền thông học tập kỹ thuật số (Digital Learning Collaboratory) của Đại học Purdue hợp tác với các khoa để nâng cao chương trình giảng dạy học phần của họ nhằm giúp sinh viên phát triển tư duy độc lập (Critical Thinking), kỹ năng thông tin, các kỹ năng nghiên cứu và kỹ thuật. Họ cung cấp sự hỗ trợ cho các học phần thông qua nhiều cách bao gồm hướng dẫn trực tiếp, giảng dạy theo đội hoặc cung cấp không gian và các nguồn tài nguyên.

Không gian thông tin ở Thư viện Leavey, Đại học Nam California kết hợp với Trung tâm hướng dẫn kỹ năng viết (Writting Center) trường Đại học để cung cấp cơ hội tiếp cận việc tư vấn các kỹ năng viết một vài giờ trong một ngày, 4 ngày một tuần trong suốt học kỳ. Thư viện Lied ở Đại học Nevada, Las Vegas cũng vận hành thử Trung tâm hướng dẫn kỹ năng viết như là một bộ phận vệ tinh trong không gian thông tin của họ được mở suốt các kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ. Sự phối hợp này giúp các không gian học tập có thể triển khai thêm một cách hiệu quả các dịch vụ khác như dạy kèm hay phụ đạo (tutor), hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, đào tạo kỹ năng thông tin,...

Sự hợp tác giữa các dịch vụ khác nhau có lẽ là khía cạnh thách thức nhất của các không gian học tập. Sự hợp tác có thể dựa trên sự tích hợp hoàn toàn, cùng một chỗ (co-location), mô hình vệ tinh hoặc kết hợp của những loại này. Các nghiên cứu nhấn mạnh những khó khăn của việc kết hợp các văn hoá dịch vụ khác biệt và cảnh báo về một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn. Thông thường những người tham gia viện dẫn những khác biệt trong cách báo cáo, văn hoá làm việc và việc thiếu hiểu biết về lĩnh vực của nhau như là những thách thức. Thêm vào đó, các cán bộ thư viện thường cảm thấy khó khăn để xem không gian học tập như là một tiện nghi chung, đặc biệt nếu nó là một phần thực thể của thư viện [4].

Vai trò của các cán bộ thư viện, cách bố trí nhân viên ở không gian học tập

Các tài liệu về không gian học tập thường đề cập đến khái niệm “Cán bộ thư viện hỗn hợp” (Blended Librarian). Theo Marwin Britto, khái niệm này mô tả một cán bộ thư viện thành thạo cả hai loại công cụ trực tuyến và in ấn, người được khen ngợi về những kỹ năng truyền thống của nghề thư viện cũng như những kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật hướng dẫn và thông tin để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả quá trình dạy và học của giảng viên và sinh viên [3]. Điều này đòi hỏi các thư viện chú trọng việc phát triển chuyên môn cho cán bộ thư viện một cách liên tục và theo dõi thường xuyên để đảm bảo các cán bộ thư viện thành thạo những năng lực cần thiết. Việc phát triển và duy trì những mối quan hệ hợp tác chiến lược với bộ phận IT, kỹ thuật hướng dẫn, trung tâm dạy và học là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của cán bộ tham khảo cũng có những thay đổi với sự xuất hiện của một tên gọi mới: “Cán bộ thư viện lưu động” (Roving Librarian) cung cấp “Dịch vụ tham khảo không dây trên không” (Wireless Reference on the Fly). Đó là những cán bộ tham khảo được trang bị máy tính xách tay tiếp cận các sinh viên trong không gian học tập và hỗ trợ họ với một loạt các dịch vụ tham khảo. Những dịch vụ này có thể bao gồm hướng dẫn, hỗ trợ chiến lược tìm kiếm, nghiên cứu các cơ sở dữ liệu, đánh giá các nguồn tài nguyên và ngay cả tư vấn chuyên sâu cho từng người một. Nghiên cứu của hai tác giả Moore và Wells năm 2009 ở không gian học tập của trường Đại học Massachusetts-Amherst cho thấy sinh viên yêu thích sự hỗ trợ như vậy hơn. Khi được hỏi họ cảm thấy như thế nào về việc cán bộ thư viện tiến đến gần họ và đưa ra đề nghị giúp đỡ, có sinh viên đã trả lời rằng: “Hữu ích bởi vì nếu tôi cần sự giúp đỡ, có thể tôi không muốn rời đi và làm mất chỗ của mình, hoặc có thể tôi không biết hỏi ai”. Một sinh viên khác thì cho rằng: “Tôi trân trọng lời đề nghị giúp đỡ này, tôi nghĩ nó thật tuyệt, đặc biệt với những ai không muốn mất chỗ ngồi, để lại những thứ của mình không có ai trông coi, hoặc là những người quá nhút nhát để hỏi sự giúp đỡ” [3].

Ngoài ra, các sinh viên phụ tá là một phần thống nhất trong việc triển khai nhiều không gian thông tin hay không gian học tập. Trong nhiều trường hợp các sinh viên thực hiện chức năng như những người giúp đỡ lưu động theo một hệ thống thứ bậc nơi sinh viên cung cấp hỗ trợ ban đầu cho người dùng và sau đó chuyển các yêu cầu nằm ngoài phạm vi của họ đến các nhân viên chuyên môn [4]. Ở nhiều nơi, sinh viên chỉ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và được tuyển chọn từ những ngành học có liên quan đến IT. Ở Thư viện Leavey, Đại học Nam California, sinh viên được mong đợi cung cấp những hỗ trợ tuyến đầu và nhận biết khi nào cần chuyển câu hỏi đến các nhân viên khác. Các cán bộ tham khảo chỉ có mặt một số giờ nhất định từ thứ hai đến thứ sáu trong khi sinh viên định hướng sự hỗ trợ vào mọi lúc thư viện mở cửa. Còn ở không gian học tập của Đại học Guelph, sinh viên được sử dụng cho nhiều loại hình hỗ trợ học tập khác nhau như học tập, viết lách và nghiên cứu. Các sinh viên phụ tá này được gọi là “Những người hỗ trợ đồng trang lứa” (Peer Helpers) và được tuyển chọn từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Ở Đại học Guelph, việc hỗ trợ đồng trang lứa được ghi nhận chính thức như là một cơ hội học tập kinh nghiệm ở trường đại học và người tham gia sẽ được nhận một ghi chú học thuật trên bảng điểm của họ, ngoài ra không được các dạng chứng chỉ học thuật khác. Các sinh viên phụ tá này được tập huấn theo nhiều cấp độ khác nhau. Ưu điểm của việc sử dụng sinh viên làm phụ tá là làm cho môi trường trở nên “chào đón và không đáng sợ” khi mà nhiều sinh viên cảm thấy thoải mái hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một người đồng trang lứa.

Những vấn đề về quản lý

Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có sự hỗ trợ trong các trường đại học và sự cộng tác học thuật đối với những thay đổi trong không gian học tập để hướng tới một nền giáo dục định hướng học tập và lấy người học làm trung tâm, việc triển khai không gian học tập sẽ có những tác động không đáng kể đối với việc học của sinh viên [4]. Vì thế, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của người quản lý thư viện là xây dựng mối quan hệ với những nhà quản lý khác trong trường đại học. Một người quản lý thành thạo cần phải tìm cách nhắm đến các đối tượng khán giả là những cổ đông khác nhau bằng cách dùng các điểm chú trọng đến những nhu cầu và những vấn đề riêng biệt của họ. Hãy dành thời gian để tìm hiểu các điểm mạnh và nhiệm vụ của trường, sau đó sáng tạo và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những điểm mạnh và nhiệm vụ đó. Theo các tác giả Weiner, Doan và Kirkwood thì các nhà quản lý có thể hỗ trợ các chuyến tham quan cho các nhóm đối tác liên quan đến các không gian học tập khác hoặc mời diễn giả đến trường nói chuyện về chủ đề này. Không gian học tập sẽ thành công hơn nếu việc lập kế hoạch, đánh giá và quản lý thường xuyên bao gồm tất cả các nhóm đối tác liên quan [7].

Mỗi không gian học tập được lập kế hoạch tốt sẽ trở nên duy nhất bởi vì yếu tố then chốt của quá trình lập kế hoạch là phải hiểu được viễn cảnh của trường đại học, sở thích và phong cách học của sinh viên và vai trò của thư viện trường đại học. Sự kết hợp của những yếu tố đó sẽ đưa đến kết quả là một không gian thông tin hỗ trợ những ưu tiên và đặc điểm riêng của học viện đó theo một cách thức được chuyên biệt hoá [7].

Ngoài ra, người quản lý thư viện cần nói với nhân viên thư viện không gian học tập là gì, nó sẽ tác động như thế nào đến thư viện và tại sao việc phân phối nguồn quỹ và nhân viên  cho không gian học tập lại quan trọng. Cung cấp cho nhân viên những chương trình phát triển và tổ chức những buổi thảo luận mở là cách thức để nhân viên có thể tìm hiểu về những lợi ích của không gian học tập. Các nhà quản lý thư viện cần đảm bảo rằng cơ cấu tổ chức của thư viện phản ánh sự coi trọng việc học của sinh viên bằng cách phân công những nhân viên nhiệt tình, giàu năng lực tham gia vào những vai trò này.

Để tránh những hạn chế có thể xảy ra khiến không gian học tập trông có vẻ quá chú trọng vào những đặc điểm hữu hình như công nghệ, trang bị đồ đạc, quán cà phê hơn là việc học của sinh viên và kỹ năng thông tin, người quản lý nên nhấn mạnh rằng khái niệm, vai trò và chức năng của không gian học tập sẽ thường xuyên được xem xét, đánh giá. Những điều chỉnh sẽ được thực hiện dựa trên những đánh giá này và có thể cần thêm những nguồn lực bổ sung. Vì vậy, ngay từ giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, nhà quản lý cần phải trình bày chặt chẽ tầm quan trọng của việc duy trì một không gian học tập hiệu quả lâu dài. Điều này đòi hỏi một sự cam kết dài hạn của các nguồn quỹ tài trợ để có thể nâng cấp công nghệ và thường xuyên sáng tạo một không gian cuốn hút đối với sự thành công trong kinh nghiệm học tập của sinh viên. Nếu việc tích hợp những chương trình kỹ năng thông tin vào không gian học tập không được truyền đạt rõ ràng, nơi đây có thể sẽ bị xem như là một phòng máy tính đơn thuần nơi sinh viên chỉ đến khi họ không có thiết bị riêng để hoàn thành công việc mà thôi.

Kết luận

Việc xây dựng các mô hình không gian học tập ở các thư viện đại học là một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng và giúp các thư viện tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các trường đại học hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong bối cảnh môi trường kinh tế, văn hoá, xã hội và công nghệ đang thay đổi không ngừng, các thư viện cũng phải chuyển mình để có thể tiếp tục cạnh tranh và phát triển bền vững. Mặc dù kinh phí sẽ là vấn đề lớn nhất đối với đa số các thư viện đại học ở Việt Nam, chúng ta có thể tìm kiếm kinh phí từ các nguồn tài trợ, vận động sự ủng hộ và phân bổ tài chính lớn hơn từ cơ quan chủ quản hay thực hiện thay đổi dần từng bước theo điều kiện cụ thể của từng thư viện. Dù khái niệm không gian học tập không còn là một khái niệm mới ở các thư viện tiên tiến trên thế giới, song nó vẫn đang trong quá trình được cải tiến liên tục. Các thư viện ở Việt Nam có điều kiện học hỏi và rút kinh nghiệm từ các thư viện ở các nước khác để tối ưu hoá mô hình của mình. Với phương châm lấy người dùng làm trung tâm, phục vụ tối đa nhu cầu giảng dạy và học tập tại các trường đại học, không gian học tập thực sự cần có ở các thư viện học thuật trên cả nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thị Thanh Diệu. Suy nghĩ về cách thức tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện trong các trường cao đẳng, đại học // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2(40). - Tr. 32-37.

2. Bennett, S. The information or the learning commons: Which will we have? http://libraryspace- planning.com/assets/resource/Information-or- Learning Commons.pdf. Truy cập ngày 16/03/2013.

3. Britto, M. Planning and Implementation Considerations for the Information Commons in Academic Libraries // Library Student Journal. - 2011. - December. http://librarystudentjournal.org/index.php/lsj/article/view/255/317. Truy cập ngày 16/03/2013.

4. Keating, S. & Gabb, R.. Putting learning into the learning commons: a literature review. - Victoria University Institutional Repository, 2005. - P. 1-28. http://vuir.vu.edu.au/94/1/Learning%20Commons%20report.pdf. Truy cập ngày 16/03/2013.

5. McCabe, J.. Learning Commons Service Model. Knowledge Edgen – an online newsletter by and about James Madison University Libraries. Volume 8 Issue 2 Fall 2007 (2). http://www.lib.jmu.edu/edge/fall2007(2)/article2.aspx. Truy cập ngày 20/03/2013.

6. McMullen, S. hình không gian học tập chung hiện nay / Vũ, N. A., Trần, T. M. và Nguyễn, T. P. H. Đ. dịch // Bản tin Thư viện – Công nghệ thông tin của Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, 2011. - Tháng 11. http://www.glib.hcmus.edu.vn/news_vi/2011-11.jsp. Truy cập ngày 24/04/2013.

7. Weiner, Sharon, Doan, Tomalee, Kirkwood, Hal. The Learning Commons as a Locus for Information Literacy // Libraries Research Publications, 2010. - p.131. http://docs.lib.purdue.edu/lib_research/131/. Truy cập ngày 18/03/2013.

8. Wolfe, J. A., Naylor, T., & Drueke, J. The role of the academic reference librarian in the learn- ing commons // Reference & User Services Quarterly.  -  2010.  -  No.  50(2).  -  p.108-113. http://search.proquest.com/docview/818745172?ac countid=47774.

_____________________

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Bộ môn Quản trị Thông tin - Thư viện, Khoa KHXH&NV, Đại học Cần Thơ 

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 1. - Tr. 34-39.


Đọc thêm cùng chuyên mục: