1. Đặt vấn đề
Từ thập niên 1950 chiếc máy vi máy tính đầu tiên ra đời, sau đó đến mạng máy tính được phát minh vào thập niên 1970 đã làm thay đổi mạnh mẽ xã hội loài người, hai phát minh này là những nguyên nhân cơ bản tác động đến sự chuyển đổi và phát triển nhân loại từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa vào thông tin và tri thức mà mọi thứ đều có thể ở dạng số hoá (ngoại trừ mùi, vị) phục vụ việc lưu trữ và chia sẻ qua mạng máy tính. Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTTTT) đã đóng vai trò then chốt của tiến trình số hoá và góp phần giảm khoảng cách tri thức trên toàn cầu, tạo cơ hội phát triển tri thức cá nhân và cộng đồng. Năm 2005, Thomas L. Freedman đã xuất bản tác phẩm “Thế giới phẳng” nói về thế giới ngày nay trở nên “phẳng hơn” bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT-TT. Nhưng thực tế không phải ai cũng có điều kiện và kiến thức tiếp cận công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này khoa học thư viện gọi là khoảng cách số, là “sự chênh lệch giữa những cá nhân/ cộng đồng - những người có thể sử dụng thông tin điện tử và những công cụ truyền thông như Internet để nâng cao chất lượng cuộc sống với những người nào không thể (hay không có điều kiện” [7]. Luật Công nghệ Thông tin (CNTT) năm 2006 định nghĩa “khoảng cách số là sự chênh lệch về điều kiện, khả năng sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng thông tin để truy cập các nguồn thông tin, tri thức” [6]. Theo số liệu khảo sát truy cập Internet năm 2012 của tổ chức WeAreScocial, có trụ sở chính ở Anh chuyên nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, số người truy cập Internet ở Việt Nam theo bảng số liệu dưới đây [2].
Khảo sát mới nhất của WeAreSocial về tình hình phát triển Internet ở Việt Nam (10/2012) Ảnh: WeAreSocial
Qua các con số, chúng ta thấy có khoảng cách rất lớn giữa thành thị và nông thôn, thành thị chiếm tỉ lệ gấp đôi so với nông thôn về số người truy cập Internet và trên bình diện tổng dân số thì chỉ có 1/3 dân số truy cập Internet. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT) hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều vấn đề về khoảng cách số, như điều kiện tiếp cận công nghệ số để truy cập tới các nguồn tài liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập giữa các trường. Việt Nam có khoảng 421 trường cao đẳng – đại học (CĐĐH) [1] phân bố khắp cả nước từ vùng cao đến đồng bằng, từ tỉnh lẻ đến thành phố lớn. Các trường được đầu tư chưa đồng đều về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT, thư viện, tài liệu số hoá... Ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) việc đầu tư cho hạ tầng CNTT và hệ thống thư viện các trường CĐ-ĐH phục vụ đào tạo còn nghèo nàn, nhiều thư viện trường CĐ-ĐH chỉ có khoảng 3.000 - 5.000 tên sách, quản lý thư viện thủ công. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những giảng viên và sinh viên giảng dạy và học tập tại các trường lớn có điều kiện hỗ trợ học tập đầy đủ với những giảng viên và sinh viên ở những trường còn thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, tri thức. Do đó, để góp phần giảm khoảng cách số trong GDĐT thì cần phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng thư viện các trường CĐ-ĐH trong cả nước, trước hết là xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn tài liệu nội sinh sẵn có của các trường CĐĐH trên cả nước.
2. Số hoá tài liệu nội sinh góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giảm khoảng cách số
Văn kiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 Khoá XI tập trung chủ đề “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” [4] cho thấy tầm quan trọng của GDĐT cho sự phát triển của đất nước. Để góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về đổi mới GDĐT thì các trường CĐ-ĐH đang có sự đầu tư tích cực về con người và điều kiện phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó đầu tư phát triển hạ tầng CNTT và nội dung số phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đang được nhiều trường quan tâm triển khai. Tài liệu nội sinh của các trường là một trong những nguồn tài liệu quan trọng có hàm lượng chất xám cao, đang được nhiều trường quan tâm tổ chức số hoá và khai thác phục vụ tham khảo và nghiên cứu.
Tài liệu nội sinh (Grey literature) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực thư viện để chỉ những tài liệu của các tổ chức kinh doanh, trường học, viện nghiên cứu tạo ra trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất của mình. Đối với các trường CĐ-ĐH thì nguồn tài liệu nội sinh gồm báo cáo số liệu, báo cáo kết quả nghiên cứu, tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án,… ngày nay cùng với sự phát triển của CNTT thì tài liệu nội sinh còn được biết đến là các blogs hay các trang mạng xã hội của các nhà nghiên cứu và các trường học. Những nguồn tài liệu này chúng ta không thể tìm kiếm được trên thị trường xuất bản thương mại mà chúng chỉ tồn tại ở từng đơn vị sở hữu. Do đó, việc số hoá và chia sẻ nguồn tài liệu này phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học không chỉ đóng góp giá trị về mặt học thuật cho cộng đồng mà còn góp phần giảm khoảng cách số trong GDĐT CĐ-ĐH, điều này được thể hiện qua các hoạt động dưới đây.
Xu hướng phát triển số hoá nguồn tài liệu nội sinh để phục vụ lưu trữ, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thư viện CĐ-ĐH trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong tổng số 421 trường CĐ-ĐH trên cả nước thì có khoảng 20-30 trường có khả năng xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn tài liệu nội sinh của trường mình như: Trung tâm Học liệu (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên), Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Đại học Đà Lạt… Hoạt động số hoá là quá trình đầu tư nhiều trí tuệ, công sức và tiền của, nếu chúng ta chọn sai công nghệ hoặc thực hiện mà không có kế hoạch, quy trình rõ ràng thì sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn. Do đó, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm số hoá, kinh nghiệm quản lý và khai thác tài liệu số hoá giữa các thư viện với nhau là rất cần thiết trong lĩnh vực thư viện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động này góp phần giảm khoảng cách số giữa những cán bộ thư viện có kiến thức và điều kiện tiếp cận công nghệ số so với những cán bộ thư viện chưa có điều kiện và kinh nghiệm tiếp cận công nghệ số hoá và việc chia sẻ kinh nghiệm cũng là “cánh cửa” hướng tới tích hợp chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh số hoá giữa các thư viện với nhau. Việc chia sẻ kiến thức số hoá diễn ra thông qua báo cáo tham luận và trao đổi kinh nghiệm tại các hội thảo về phát triển nguồn tài nguyên thông tin điện tử, tham quan học tập, hoặc các thư viện đã có kinh nghiệm thực hiện số hoá tài liệu nội sinh tổ chức các chương trình tập huấn xây dựng bộ sưu tập số hoá. Trung tâm Học liệu trường Đại học Cần Thơ (TTHL-ĐHCT) từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2013 đã tổ chức một chuỗi hoạt động tập huấn miễn phí cho các thư viện CĐ-ĐH trong khu vực ĐBSCL về marketing thư viện, web 2.0, công nghệ và kiến thức tạo lập bộ sưu tập số hoá, hoạt động này thu hút hầu hết thư viện CĐ-ĐH (mỗi lớp có khoảng 40-50 cán bộ thư viện tham gia) của các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Hoạt động liên kết chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh và kết hợp tổ chức hướng dẫn khai thác nguồn tài liệu nội sinh giữa các thư viện trường CĐ-ĐH góp phần giảm khoảng cách số giữa các trường. Tài liệu nội sinh của các trường CĐ-ĐH luôn được cộng đồng học tập và nghiên cứu quan tâm tham khảo, vì tính mới và có giá trị học thuật cao. Do đó, liên kết chia sẻ là tạo sự phong phú nguồn tài liệu nội sinh giữa các trường và kết hợp với tập huấn khai thác cho người dùng giữa các trường với nhau mang lại lợi ích thiết thực cho giảng viên và sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong xã hội, thúc đẩy thực hiện hiệu quả chiến lược thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà của Đảng và Nhà nước ta đề ra. Hiện tại một số trường cũng đang có sự chuẩn bị và thực hiện liên kết chia sẻ tài liệu, Thư viện Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Chia sẻ nguồn lực thông tin điện tử”. Thông qua hội thảo để xúc tiến kêu gọi các thư viện tham gia xây dựng và liên kết chia sẻ tài liệu nội sinh số hoá. Tại TTHL-ĐHCT đã tiến hành chia sẻ và tập huấn kỹ năng khai thác các nguồn tài nguyên điện tử trong đó có tài liệu nội sinh dạng số hoá cho các trường CĐ-ĐH vùng ĐBSCL như: Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Đại học Tiền Giang… hình thức chia sẻ là cấp tài khoản đăng nhập miễn phí cho giảng viên của các trường này và những sinh viên được đào tạo trong chương trình liên kết với Đại học Cần Thơ với số lượng khoảng 14.000 tài khoản cá nhân. Bên cạnh đó, TTHL-ĐHCT cử cán bộ đến các trường tập huấn kỹ năng khai thác thông tin cho giảng viên và sinh viên các trường này đem lại hiệu quả rất cao. Sau tập huấn thu hút lượng lớn lượt truy cập từ các trường này vào nguồn tài liệu nội sinh của TTHL, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 lượt địa chỉ IP của máy tính trạm từ các trường truy cập tới TTHL.
Số hoá nguồn tài liệu nội sinh mở rộng khả năng sẵn sàng truy cập 24/7, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tới nguồn tài liệu học tập và giảng dạy góp phần giảm khoảng cách số. Ngày nay, với sự phát triển của Internet và công nghệ số hoá đã mở rộng khả năng truy cập tới các nguồn tài nguyên thông tin dạng số vượt không gian và thời gian hay có thể nói người dùng mang “thư viện trên bàn tay”. Do đó, việc số hoá nguồn tài liệu nội sinh sẽ nâng cao khả năng tiếp cận từ xa, mọi lúc, mọi nơi nguồn tài liệu hữu ích phục vụ học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Vì các tài liệu hội nghị, hội thảo khoa học luôn giới thiệu kiến thức mới về ngành, hay đề tài nghiên cứu khoa học của các trường CĐ-ĐH trả lời những câu hỏi nghiên cứu của ngành, lĩnh vực nghiên cứu đặt ra trong thực tiễn, hay các luận văn, luận án là những công trình nghiên cứu có tính mới và tính thực tiễn cao của người học và nghiên cứu,… Những nguồn tài liệu này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo rất lớn nếu được tổ chức và khai thác dạng số hoá. Từ khoảng năm 2008 trở lại đây nhiều thư viện trường đại học đã tổ chức khai thác nguồn tài liệu nội sinh 24/7 như Thư viện Đại học An Giang, Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh… Năm 2009, TTHL-ĐHCT xây dựng bộ sưu tập số hoá tài liệu nội sinh của ĐHCT đến nay có hơn 30.000 tài liệu, luôn phục vụ sẵn sàng 24/7 từ việc truy cập tới việc hướng dẫn khai thác trực tuyến bằng các video hay hỏi đáp online/ offline để hỗ trợ người dùng, các hoạt động này đã phát huy hiệu quả tính sẵn sàng của bộ sưu tập.
3. Một số thách thức khi xây dựng nguồn tài liệu nội sinh số hoá
Như đã đề cập ở trên, số hoá tài liệu nội sinh là hoạt động đầu tư nhiều trí tuệ, công sức và tiền của, do đó việc đầu tư thực hiện cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về công nghệ số hoá, công nghệ tổ chức quản lý và khai thác tài liệu số, khả năng chia sẻ phục vụ, khả năng bảo trì hạ tầng công nghệ và cập nhật nội dung. Hiện tại nhiều thư viện sử dụng phần mềm mã nguồn mở như Greenstone, Dspace để tổ chức quản lý và khai thác tài liệu số hoá. Do đó, để sử dụng hiệu quả các công cụ này chúng ta phải có cán bộ am hiểu Greenstone, Dspace để nâng cấp mỗi khi có phiên bản mới hay viết thêm các ứng dụng cho Greenstone, Dspace để khai thác hiệu quả hơn. Vì nếu xây dựng mà không có khả năng duy trì và cập nhật mới nội dung số cũng như cập nhật công nghệ quản lý số thì sẽ không thu hút người sử dụng do nguồn tài liệu không mới. Hay sẽ dẫn đến không thể tích hợp công nghệ mới hoặc là quản lý khai thác không hiệu quả sẽ gây lãng phí. Nếu sử dụng các phần mềm thương mại thì phải đảm bảo về chi phí vận hành, bảo trì và các tính năng của phần mềm phải được thiết kế theo chuẩn quốc tế để đảm bảo liên kết chia sẻ tài liệu hoặc xu hướng phát triển công nghệ... Trên cơ sở cân nhắc học tập kinh nghiệm lẫn nhau mà các thư viện có quyết định xây dựng bộ sưu tập số độc lập hoặc các thư viện phối hợp với nhau xây dựng nguồn tài liệu nội sinh chung hoặc hợp tác với các công ty thương mại xây dựng và khai thác nguồn tài liệu này.
Bản quyền trong thư viện và vấn đề số hoá đang được quan tâm hàng đầu trên các diễn đàn thư viện trong nước và trên thế giới. Tại hội nghị IFLA 2013 được tổ chức tại Singapore, các tham luận của nhiều chuyên gia có chung ý tưởng xây dựng nguồn tài liệu số hoá phục vụ cộng đồng mở đã đề cập vấn đề trở ngại lớn nhất là bản quyền vì mỗi quốc gia cũng có những khác biệt về bản quyền. Trong nước gần đây nhất là tại hội thảo “Chia sẻ nguồn lực thông tin điện tử trong hệ thống thư viện CĐ-ĐH Việt Nam” được tổ chức vào tháng 10/2013 tại trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, trong bài tham luận của PGS.TS. Bùi Loan Thuỳ đã đề cập đến vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn ở Việt Nam [1]. Song với điều kiện của Việt Nam - một quốc gia vừa thoát khỏi danh sách các nước nghèo, là nước đang phát triển, vấn đề vi phạm bản quyền là khó tránh khỏi. Trong lĩnh vực âm nhạc, thời gian những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà sản xuất âm nhạc và ca sĩ khai thác các tác phẩm âm nhạc mà không trả bất cứ chi phí nào cho tác giả. Mất một thời gian khá dài qua học tập kinh nghiệm các nước, Việt Nam tham gia các hiệp ước về sở hữu trí tuệ, sự lên tiếng của các nhà sáng tác và thị trường công nhận vấn đề thưởng thức âm nhạc giải trí đem lại lợi nhuận thì phải trả tiền cho tác giả sáng tạo ra tác phẩm. Hiện tại, mặc dù chính quyền cũng đang cố gắng quản lý chặt chẽ vấn đề bản quyền nhưng vẫn tồn tại tình trạng sao chép và mua bán băng đĩa âm nhạc lậu. Vì vậy, đề cập đến vấn đề bản quyền trong lĩnh vực thư viện cũng là nan giải trong giai đoạn hiện nay. Thư viện là hoạt động phi lợi nhuận phục vụ cho nhu cầu lưu trữ tinh hoa nhân loại và nâng cao tri thức của xã hội, nếu áp dụng nghiêm túc những điều kiện như lĩnh vực âm nhạc vào thư viện thì đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư và có chính sách hỗ trợ rất lớn về tài chính cho thư viện mới có thể tồn tại để phục vụ xã hội, vì phải chi trả tác quyền cho từng bản tài liệu (in ấn và điện tử) đến với bạn đọc. Trong điều kiện hiện nay của nước ta các văn bản pháp luật bảo hộ cho hoạt động thư viện vì phúc lợi xã hội chưa có nhiều. Do đó, trước khi các thư viện thực hiện số hoá và chia sẻ các nguồn tài liệu khác nhau thì thư viện các trường CĐ-ĐH nên chủ động thực hiện số hoá và chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh của trường mình, vì phần lớn tài liệu nội sinh thuộc về sở hữu của trường. Các giảng viên, nhà nghiên cứu đã được trả lương, trả công, cung cấp kinh phí, hỗ trợ trang thiết bị thí nghiệm và nghiên cứu để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và trong các hợp đồng thực hiện nghiên cứu khoa học hay viết giáo trình thì các trường là chủ sở hữu. Thực tế ở trường Đại học Cần Thơ, TTHL đã được Lãnh đạo nhà trường cho phép số hoá tài liệu nội sinh, có quy định các giáo trình và đề tài nghiên cứu luận văn sinh viên và học viên sau đại học sau khi được nghiệm thu phải nộp cả bản in và bản điện tử cho TTHL để phục vụ tham khảo, nghiên cứu, tra cứu chống đạo văn trong phạm vi trường.
Chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh số hoá giữa các trường CĐ-ĐH cần phải nghĩ tới việc chia sẻ chi phí hoạt động để thúc đẩy sự phát triển chứ không thể miễn phí, vì nếu một bên chỉ biết cho, một bên chỉ biết nhận thì không thể thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển. Hiện tại nhiều thư viện nhỏ còn tâm lý thụ động chờ sự giúp đỡ chia sẻ miễn phí từ các thư viện lớn, tương tự nhiều thư viện lớn khi đề cập đến việc chia sẻ thì cũng đòi hỏi chi phí khá cao so với điều kiện của các thư viện nhỏ. Trong lĩnh vực kinh doanh trước khi phân phối sản phẩm ra thị trường thường có bước khuyến mãi để giới thiệu rộng rãi đến người dùng được biết đến và sau đó là phí sử dụng sản phẩm. Thư viện hoạt động không phải với mục đích chính là lợi nhuận nhưng các thư viện cũng cần nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động của mình, do đó, đối với các thư viện lớn khi chia sẻ nguồn tài liệu mình có cho các thư viện nhỏ cũng cần nghĩ tới giai đoạn hiện nay của ngành thư viện còn nhiều khó khăn nên có những hỗ trợ nhất định cho các thư viện nhỏ, có thể giai đoạn đầu miễn phí sau đó là thu phí. Các hoạt động liên kết chia sẻ nên đặt mục tiêu ưu tiên vì lợi ích cộng đồng học tập và nâng cao chất lượng GDĐT. Ngược lại các thư viện nhỏ khi nhận được sự hỗ trợ nhất định từ các thư viện lớn cũng cần có bước chuẩn bị, chủ động sẵn sàng cho bước phát triển tiếp theo của mình, góp phần nâng cao vị thế chung của ngành. Do đó, cần chủ động đề xuất, tìm kiếm các nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thư viện của mình, có thể từ ngân sách, từ viện trợ, từ thu phí người dùng hoặc đóng góp của cựu sinh viên.
4. Kết luận
Tri thức khi được chia sẻ sẽ không bị mất đi mà còn được nhân lên gấp nhiều lần, chính điều này đã làm nên sự phát triển của xã hội loài người. Số hoá và chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh của các trường CĐ-ĐH cũng không nằm ngoài ý nghĩa này. Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng GDĐT trong điều kiện hiện nay, các trường CĐ-ĐH rất cần được đầu tư phát triển hoạt động số hoá nhằm góp phần giảm khoảng cách số giữa các đối tượng giảng dạy và học tập, giữa các trường CĐ-ĐH, giữa các vùng miền. Trong điều kiện hiện nay để tất cả các thư viện CĐ-ĐH có thể xây dựng và phát huy hiệu quả nguồn tài liệu nội sinh số hoá đáp ứng nhu cầu phát triển của GDĐT thì không phải là việc làm đơn giản. Song để làm được điều này các Thư viện và Hội nghề nghiệp Thư viện cần chủ động mở rộng các diễn đàn trao đổi học thuật về lĩnh vực này, tích cực thúc đẩy hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện, cùng nhau hợp tác đặt mục đích chung phục vụ hiệu quả cộng đồng học tập lên hàng đầu và quan trọng hơn nữa là mỗi thư viện nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình mà chủ động xây dựng kế hoạch phát triển và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển cho thư viện mình không chỉ từ ngân sách mà còn từ xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Loan Thuỳ. Khả năng chia sẻ tài nguyên điện tử và vấn đề bản quyền trong thư viện đại học // Kỷ yếu Hội thảo Chia sẻ nguồn lực thông tin điện tử trong hệ thống thư viện cao đẳng, đại học Việt Nam. - Tp. HCM : Đại học Công nghiệp Tp. HCM, 2013.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Nghị quyếtsố 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 Khoá XI.
3. Nguyễn Minh Hiệp, 2006. Thư viện số với hệ thống nguồn mở // Bản tin Công nghệ thông tin thư viện. Trường Đại học KHTN. - 2006. - Tr. 2-6.
4. Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Luật Công nghệ Thông tin. – H.: Nxb. Tư pháp, 2006. - 77 tr.
5. Tr.N (theo wearesocial), 2012. http://nhipsongso. tuoitre.vn/Nhip-song-so/516689/308-trieunguoi-Viet-Nam-su-dung-Internet.html, truy cập ngày 10/01/2014.
6. Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013. http://www.moet.gov.vn/ ?page=11.10&view=5251, truy cập ngày 10/01/2014.
7. Flora F. Tien, Tsu-Tan Fu, 2008. The correlates of the digital divide and their impact on college student learning // Computer & Education. Science Direct. - 2008. - Tr. 421-436.
8. Romelia Salinas. Addressing the digital divide through collection development // Collection Building. - 2003. - Vol. 22 Iss: 3. - P. 131-136.
_______________
ThS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương
Giám đốc Trung tâm Học liệu trường Đại học Cần Thơ
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 3. - Tr. 15-19,30.
< Prev | Next > |
---|
- Thư viện số và vấn đề xây dựng thư viện số ở Việt Nam
- Vai trò của thư viện trường trong việc xây dựng và phát triển tủ sách lớp học ở các thư viện trường phổ thông
- Giảng dạy khung phân loại thập phân Dewey: một vài vấn đề liên quan
- Ứng dụng phần mềm Dspace phiên bản 4.0 trong xây dựng thư viện số
- E - marketing trong thư viện số
- Một số chuẩn mô tả dữ liệu nhằm liên kết và chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện
- Tăng cường kỹ năng thực hành trong đào tạo người làm thư viện để đáp ứng yêu cầu của xã hội
- Tỷ lệ các môn công nghệ thông tin trong chương trình đào tạo ngành khoa học thông tin - thư viện
- Lý thuyết hệ thống và ứng dụng trong hệ thống thông tin - thư viện các trường đại học kỹ thuật Việt Nam
- Phân loại tài liệu về Đảng cộng sản Việt Nam theo Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 - DDC 23 tiếng Việt