Ứng dụng phần mềm Dspace phiên bản 4.0 trong xây dựng thư viện số

E-mail Print

1. Đặt vấn đề

Năm 2002, với sự hợp tác giữa HP và Thư viện Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT Libraries) đã cho ra đời phần mềm mã nguồn mở Dspace với mục đính chính là quản lý và phân phối các bộ sưu tập số trên Internet. Từ đó đến nay phần mềm Dspace đã không ngừng phát triển. Tháng 12 năm 2013, phiên bản 4.0 của phần mềm này đã được ra đời với nhiều cải tiến đáng kể giúp cho việc quản lý nguồn tài nguyên số trong các thư viện ngày càng dễ dàng hơn.

2. Vì sao bạn nên sử dụng phần mềm DSpace

- Đây là một phần mềm mã nguồn mở, được cung cấp miễn phí trên Internet. Người dùng có thể tải về từ kho SourceForge. Mã nguồn của phần mềm cũng được cung cấp miễn phí theo giấy phép mã nguồn mở BSD [4]. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể sử dụng, chỉnh sửa, và thậm chí tích hợp mã vào ứng dụng thương mại của mình mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Năm 2010, dự án Repositories Support Project (được tài trợ của Vương quốc Anh) đã có đánh giá, so sánh phần mềm Dspace với các giải pháp mã nguồn mở khác, trong đó phần mềm Dspace nổi bật với nhiều ưu điểm [5].

- Dspace có một cộng đồng người phát triển và sử dụng lớn trên toàn thế giới. Hiện nay phần mềm này đã có hơn 1.600 đơn vị sử dụng [6] trong đó phần lớn là các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu…

- Dspace dễ dàng tuỳ chỉnh để phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị.

+ Tuỳ chỉnh giao diện người dùng:Người dùng có thể tuỳ chỉnh giao diện của trang thư viện số Dspace của mình để phù hợp với giao diện chung của trang web đơn vị. Trong Dspace cũng tích hợp nhiều giao diện cho các thiết bị khác nhau như: Giao diện khi truy cập bằng máy tính, bằng các thiết bị di động.

alt

Hình 1: Giao diện DSpace trên thiết bị di động

+ Tuỳ chỉnh siêu dữ liệu (Metadata):Các yếu tố dữ liệu đặc tả được sử dụng theo chuẩn Dublin Core với 15 trường. Tuy nhiên bạn có thể thêm hoặc tuỳ chỉnh bất kỳ trường dữ liệu nào để phù hợp với nhu cầu riêng.

+ Cấu hình liệt kê và tìm kiếm:Chúng ta có thể dùng cấu hình Dspace để liệt kê danh mục tài liệu theo các tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như liệt kê theo tác giả, tiêu đề, năm xuất bản, chủ đề… Ngoài việc hiển thị tài liệu theo dạng liệt kê thì Dspace còn cho phép người sử dụng tìm kiếm tài liệu có trong thư viện thông qua giao diện tìm kiếm, thông qua các trường dữ liệu và tìm kiếm toàn văn (đối với các định dạng tập tin pdf, word, powerpoint, html, text…).

+ Cơ chế xác thực tài khoản người dùng: Dspace hỗ trợ hầu hết các phương pháp xác thực tài khoản hiện nay, bao gồm: LDAP, Shibboleth, X.509, địa chỉ IP, tài khoản…

+ Bảo mật:Dspace hỗ trợ nhiều tính năng bảo mật. Chúng ta có thể phân quyền cho từng đơn vị, từng bộ sưu tập, từng tài liệu, từng nhóm độc giả… Phần mềm cũng hỗ trợ phân quyền chi tiết như: Quyền xem biểu ghi thư mục, quyền đọc trực tuyến toàn văn tài liệu, quyền tải tập tin toàn văn…

+ Khả năng tương thích các tiêu chuẩn:Dspace hỗ trợ nhiều giao thức chuẩn trong việc truy cập, tích hợp, xuất khẩu tài liệu như: OAIPMH, OAI-ORE, SWORD, WebDAV, OpenSearch, OpenURL, RSS, ATOM.

+ Cơ sở dữ liệu:Dspace hỗ trợ hai hệ quản trị cơ sở dữ liệu là PostgreSQL và Oracle. Người dùng có thể dễ dàng lựa chọn hệ quản trị phù hợp tuỳ thuộc vào nhu cầu riêng.

+ Hỗ trợ đa ngôn ngữ:Hiện nay, Dspace hỗ trợ hơn 20 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt (bản dịch do Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Đà Lạt cung cấp miễn phí). Chúng ta cũng có thể cài đặt cấu hình sử dụng phần mềm với giao diện đa ngôn ngữ.

- Hỗ trợ trên nhiều hệ điều hành như Linux, Mac OSX hay Windows.

- Có thể quản lý tất cả các loại tài liệu điện tử của thư viện: Dspace có thể hỗ trợ tất cả các định dạng tài liệu điện tử thông dụng hiện nay như: Tập tin văn bản: PDF, Word, PowerPoint, html…; các tập tin hình ảnh như: JPEG, MPEG, TIFF; các loại tập tin video, audio: mp3, wav, mpg, flv… Đối với các định dạng chưa có trong Dspace, người dùng có thể dễ dàng khai báo thêm.

3. Những tính năng mới trên phiên bản 4.0

Phần mềm Dspace phiên bản 4.0 với nhiều cải tiến đáng kể nhằm mang lại tối ưu cho hệ thống và người dùng:

- Thay đổi giao diện trang Dspace: Giao diện được thiết kế theo hướng hiện đại, phù hợp với mọi thiết bị.

alt

Hình 2: Giao diện trang chủ Dspace

- Tính năng tìm kiếm được thiết kế theo dạng “lọc”, cho phép chúng ta lọc lại kết quả tìm kiếm giúp cho việc tìm kiếm hiệu quả. Với tính năng này, người dùng dễ dàng chọn lựa được tài liệu mình cần từ danh sách kết quả tìm được.

alt

Hình 3: Giao diện trang tìm kiếm

- Hỗ trợ tính năng tìm kiếm tiếng Việt không dấu: Đây là một tính năng được đánh giá cao vì sẽ giúp cho việc tìm kiếm các tài liệu tiếng Việt được dễ dàng hơn. Phần mềm cho phép tìm kiếm cả tiếng Việt có dấu và không dấu nên tiện lợi cho việc tìm kiếm thông tin.

- Bổ sung tính năng “Yêu cầu bản sao tài liệu”: Đối với các tài liệu đã có trên thư viện nhưng ở trạng thái giới hạn, độc giả có thể sử dụng tính năng này để liên hệ với Thư viện trong việc yêu cầu bản sao của tài liệu qua email. Khi đó người có thẩm quyền sẽ duyệt yêu cầu và hệ thống tự động gửi thư cho độc giả để trả lời.

alt

Hình 4: Giao diện xem biểu ghi thư mục

- Nhập khẩu biểu ghi từ các định dạng biểu ghi thư mục như: Endnote, BibTex, RIS, TSV, CSV và các dịch vụ trực tuyến như OAI, arXiv, PubMed, CrossRef, CiNii. Tính năng này khá hữu ích đối với việc biên mục các tài liệu mà chúng đã có trong các cơ sở dữ liệu trên Internet.

alt

Hình 5: Giao diện nhập biểu ghi mới từ nguồn trên Internet

- Hỗ trợ 2 hệ thống định danh thông dụng sử dụng trong các tài liệu điện tử trên Internet: DOI (Digital Object Identifier), HDL (Handle System).

- Một số cải tiến để giúp Google Scholar đánh chỉ mục tốt hơn nội dung của bạn trên công cụ tìm kiếm Google Scholar.

4. Phân hệ phát triển thêm

Nhằm nâng cao tính hiệu quả của phần mềm, giới hạn quyền tải tập tin toàn văn của độc giả đối với một số loại tài liệu đặc thù như luận án, luận văn, Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Đại học Đà Lạt đã phát triển phân hệ “Đọc tài liệu trực tuyến” tích hợp vào Dspace. Phân hệ này cho phép người dùng có thể đọc tài liệu trên Internet mà không cần phải tải về. Với phân hệ này, quản trị hệ thống có thể cài đặt cấu hình cho phép nhóm bạn đọc nào có thể đọc trực tuyến và nhóm bạn đọc nào có thể tải tập tin toàn văn về.

5. Kết luận

Việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở Dspace tại các cơ quan thông tin - thư viện trong nước, ngoài việc thực hiện thông tư 08/2010/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục mà còn giúp cho các đơn vị giảm đáng kể chi phí trang bị phần mềm, giúp cho công tác liên thông, liên kết giữa các đơn vị với nhau được thuận lợi và dễ dàng.

TàI LIệU THAM KHẢO

1. Phan Ngọc Đông. Dspace - Giải pháp xây dựng thư viện số // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2012. - Số 3 (35). - Tr. 39-41.

2. Phan Ngọc Đông. Tập bài giảng Cài đặt và sử dụng phần mềm Dspace. - Đà Lạt: Đại học Đà Lạt, 2013.

3. http://www.dspace.org

4. http://opensource.org/licenses/bsd-license.php.

5. http://www.rsp.ac.uk/start/software-survey/results-2010/.

6.http://registry.duraspace.org/registry/dspace.

_________________

Phan Ngọc Đông

Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Đà Lạt

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 4. - Tr. 31-33.


Đọc thêm cùng chuyên mục: