Hành vi thông tin (HVTT) là thuật ngữ được dùng để chỉ các cách thức con người tương tác với thông tin (TT), cụ thể là các cách thức tìm kiếm và sử dụng TT của con người. Nói cách khác, HVTT là những hoạt động mà một cá nhân có thể tham gia khi xác định nhu cầu tin của mình, tìm kiếm TT và sử dụng hoặc chuyển giao TT [3]. HVTT là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của thư viện - thông tin học. Các nghiên cứu về HVTT là cơ sở để các cơ quan thông tin - thư viện (TTTV) phát triển các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng tin (NDT) một cách hiệu quả.
1. Lịch sử nghiên cứu hành vi thông tin
Nghiên cứu HVTT được bắt đầu từ rất sớm với những công trình nghiên cứu về “tìm kiếm và thu thập TT” hoặc về “nhu cầu tin và sử dụng TT”. Dần dần thuật ngữ “nghiên cứu việc tìm tin hay hành vi tìm tin” được sử dụng để chỉ tất cả các nghiên cứu về sự tương tác của con người với TT. Tuy nhiên, sau đó một số nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thuật ngữ “hành vi tìm tin” chỉ đề cập những nỗ lực tìm kiếm TT và không bao gồm những cách tương tác khác giữa con người với TT. Đến những năm 1990, thuật ngữ “hành vi thông tin” bắt đầu được sử dụng rộng rãi để thay thế cho thuật ngữ “hành vi tìm tin” và trở thành thuật ngữ thông dụng nhất hiện nay.
Trong thập niên 1940 và 1950, các công trình nghiên cứu về tìm kiếm và thu thập TT thường tập trung vào việc sử dụng các loại hình tài liệu như sách, tạp chí, tài liệu tra cứu… và các loại hình tổ chức khác nhau cùng với các dịch vụ được cung cấp. Các nghiên cứu về HVTT trong những năm 1960 chủ yếu tập trung vào nhu cầu tin, hành vi tìm tin, thói quen sử dụng TT hoặc thư viện của các đối tượng NDT khác nhau như các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, các nhóm NDT đại chúng, NDT là trẻ em… Trong giai đoạn này phương pháp nghiên cứu được áp dụng chủ yếu là các phương pháp định lượng và có rất ít lý thuyết cơ bản cũng như mô hình HVTT được xây dựng.
Hoạt động nghiên cứu HVTT bắt đầu khởi sắc từ những năm 1970 với việc áp dụng phổ biến các phương pháp nghiên cứu định tính và sự xuất hiện nhiều lý thuyết về HVTT như: lý thuyết của Belkin về trạng thái bất thường của kiến thức; lý thuyết của Todd về mục đích TT; lý thuyết của Bystrom về các hoạt động TT trong công tác… Bên cạnh đó, nhiều mô hình mô tả các khía cạnh khác nhau của HVTT cũng được đề xuất như: mô hình của Wilson về hành vi tìm tin (1981) và HVTT (1999); mô hình hành vi của các chiến lược tìm tin của Ellis (1989 và 1993); mô hình quá trình tìm tin của Kuhlthau (1991); mô hình tìm tin “hái quả” của Bates, mô tả quá trình tìm tin để thoả mãn nhu cầu tin; mô hình của Dervin… Từ năm 1980 trở về sau, một số lượng lớn các công trình nghiên cứu về HVTT đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như y tế, kinh doanh, giáo dục… Trong các thập niên 1980 và 1990, các nhà khoa học đã làm rõ hơn các khía cạnh khác nhau của HVTT bằng những nghiên cứu về các lĩnh vực và vấn đề trước đây chưa được quan tâm nhiều như môi trường TT của những đối tượng đặc biệt như người giúp việc, tù nhân, phụ nữ, trẻ em bi lạm dụng…; dòng TT trong các cộng đồng tộc người thiểu số… [1]. Trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học mở rộng cách nhìn nhận về HVTT bằng việc kết hợp toàn bộ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên, xã hội, công nghệ vào trong nghiên cứu về những tương tác giữa con người với TT. Nhiều nhà khoa học theo đuổi việc nghiên cứu HVTT theo cách mới so với những cách truyền thống được sử dụng lâu nay. Họ cho rằng cần phải hiểu bối cảnh với nghĩa rộng hơn và cần có nghiên cứu định lượng, chi tiết và đầy đủ về các trường hợp, bối cảnh cụ thể để hiểu những cách thức con người có thể nhận và tạo lập hay xử lý TT [1].
2. Thực trạng và xu hướng nghiên cứu hành vi thông tin trên thế giới
Lĩnh vực nghiên cứu HVTT ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân với nhiều mục đích khác nhau như: Các cơ quan TTTV mong muốn hiểu rõ hơn về NDT; Các cơ quan chính phủ muốn nắm được thói quen sử dụng TT kỹ thuật của các nhà khoa học và kỹ sư nhằm thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu mới; Các nhà khoa học xã hội quan tâm đến việc sử dụng TT của xã hội trong nhiều phương diện và bối cảnh khác nhau... Trong những năm gần đây, các nghiên cứu xã hội về công nghệ thông tin (CNTT) cũng đóng góp nhiều cho lĩnh vực nghiên cứu HVTT.
HVTT được nghiên cứu ở các khía cạnh khác nhau như: các nhân tố ảnh hưởng đến HVTT của các đối tượng khác nhau như sinh viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ…; áp dụng các lý thuyết về HVTT trong thực tiễn; HVTT của thanh, thiếu niên trong kỷ nguyên số; HVTT của người sử dụng trong mạng xã hội; tác động của công nghệ đến HVTT của người sử dụng… Dưới đây là một số xu hướng nổi bật trong hoạt động nghiên cứu HVTT ở nước ngoài hiện nay [2].
- Mở rộng đề tài nghiên cứu: Bên cạnh đề tài truyền thống là HVTT của những người làm công tác chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, HVTT trong cuộc sống hàng ngày của người dân đã trở thành đề tài nghiên cứu phổ biến. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu ngày càng quan tâm đến sự tác động của CNTT và viễn thông đến HVTT. Điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng công trình nghiên cứu về HVTT trong các môi trường ứng dụng CNTT và viễn thông như hành vi tìm tin trong các mục lục đọc máy, mục lục công cộng truy cập trực tuyến, cơ sở dữ liệu (CSDL) trực tuyến; thói quen tìm và sử dụng TT trên web; hành vi trao đổi TT qua mạng xã hội; thói quen sử dụng thư viện số của các đối tượng khác nhau…
- Chú trọng vào các nghiên cứu thực nghiệm: Các công trình chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề nghiên cứu thực nghiệm. Số lượng công trình nghiên cứu lý thuyết và phương pháp luận ngày càng giảm.
- Tập trung vào các nghiên cứu mô tả: Số lượng các nghiên cứu mô tả có xu hướng tăng mạnh và chiếm ưu thế so với các nghiên cứu có tính chất so sánh và giải thích.
- Sử dụng các phương pháp định tính: Số lượng các công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính ngày càng tăng, trong khi số lượng công trình sử dụng phương pháp định lượng có xu hướng giảm. Tương tự, số lượng công trình nghiên cứu sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau cũng tăng, trong khi số lượng công trình sử dụng phương pháp phân tích có chiều hướng giảm.
- Tập trung vào HVTT ở mức độ cá nhân: Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu HVTT của các cá nhân, trong khi số lượng công trình nghiên cứu HVTT của các tổ chức ngày càng giảm.
- Chú trọng vào việc tìm kiếm TT: HVTT được thực hiện thông qua một quá trình bao gồm các giai đoạn khác nhau. Bắt đầu là giai đoạn xác định nhu cầu tin, tiếp theo là tìm kiếm TT và cuối cùng là sử dụng TT. Tuy nhiên, phần lớn các công trình nghiên cứu tập trung vào giai đoạn tìm tin. Có ít công trình nghiên cứu các giai đoạn khác hoặc toàn bộ quá trình thực hiện HVTT.
- Các khung khái niệm không chặt chẽ: Các khung lý thuyết của các công trình nghiên cứu ngày càng ít gắn kết với các công trình trước đây. Tương tự, kết quả nghiên cứu lý thuyết cũng như thực nghiệm của đa số các công trình không có sự liên quan chặt chẽ với lý thuyết cơ bản về HVTT hiện hành. Hoạt động nghiên cứu HVTT đang phát triển theo hướng gắn kết không chặt chẽ với truyền thống nghiên cứu. Đây là một mối đe doạ trên nhiều phương diện và có thể làm giảm chất lượng nghiên cứu.
3. Tình hình nghiên cứu hành vi thông tin ở Việt Nam
Cho đến nay, ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về HVTT. Có thể chia các công trình nghiên cứu về HVTT ở nước ta thành hai nhóm chính như sau: Đề tài nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức; Luận văn thạc sỹ ngành Khoa học thư viện.
Nhóm thứ nhất, là các đề tài nghiên cứu cấp bộ hoặc cấp cơ sở chủ yếu do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia chủ trì thực hiện. Nhóm này có số lượng đề tài ít và tập trung vào nghiên cứu nhu cầu tin của NDT là doanh nghiệp, cán bộ nghiên cứu… [4].
Nhóm thứ hai, bao gồm luận văn thạc sỹ ngành Khoa học thư viện của học viên cao học ở các cơ sở đào tạo ngành TTTV trong cả nước như Đại học (ĐH) Văn hoá Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả khảo sát các luận văn được bảo vệ trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2011 tại ĐH Văn hoá Hà Nội và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh có thể nhận xét về nhóm thứ hai như sau:
- Số lượng luận văn nghiên cứu về HVTT không nhiều (24 trên tổng số 430 đề tài).
- Các luận văn chủ yếu tập trung vào nghiên cứu NDT là cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy tại các viện nghiên cứu hoặc trường đại học. Có rất ít công trình nghiên cứu về các đối tượng NDT khác như: học sinh trung học cơ sở (01 đề tài), giáo viên trung học phổ thông (01 đề tài), doanh nghiệp (01 đề tài), nông dân và cán bộ khuyến nông (01 đề tài).
- Các luận văn chủ yếu mô tả nhu cầu tin hoặc nhu cầu đọc và thói quen sử dụng thư viện hoặc tìm kiếm TT của NDT như: NDT có nhu cầu về những nội dung TT nào, những loại hình tài liệu nào; mức độ sử dụng các loại hình tài liệu của thư viện như sách, tạp chí, tài liệu tra cứu…; mức độ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các cơ quan TTTV như mục lục, thư mục, CSDL, dịch vụ tra cứu tin… Hầu như không có công trình nghiên cứu về các vấn đề quan trọng như: các yếu tố tác động đến HVTT; thói quen tìm kiếm TT từ những nguồn khác ngoài cơ quan TTTV như Internet, qua đối tác, bạn bè, đồng nghiệp…; thói quen sử dụng TT như cách trích dẫn TT, trao đổi TT…
Các công trình nghiên cứu thuộc hai nhóm nói trên có những điểm chung như sau:
1 - Chủ yếu là nghiên cứu mô tả tập trung vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Không có các công trình nghiên cứu lý thuyết hoặc phương pháp luận.
2 - Chú trọng vào nghiên cứu nhu cầu tin một cách riêng biệt, thiếu sự liên kết với bối cảnh hay các hoạt động làm nảy sinh nhu cầu tin. Thói quen tìm kiếm và sử dụng TT ít được quan tâm nghiên cứu.
3 - Tập trung vào nghiên cứu nhu cầu tin của NDT là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và ít quan tâm đến các đối tượng NDT khác.
Với thực trạng trên, nghiên cứu HVTT không phải là lĩnh vực nghiên cứu mạnh và chưa giúp ích nhiều cho hoạt động của các cơ quan TTTV và các tổ chức khác. Để hỗ trợ các tổ chức hiểu rõ hơn HVTT của các đối tượng NDT khác nhau, hoạt động nghiên cứu HVTT ở Việt Nam cần tập trung vào những hướng sau:
- Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết cơ bản về HVTT vào hoạt động thực tiễn, ví dụ như: ứng dụng các mô hình HVTT hoặc mô hình tìm tin, lý thuyết về mục đích TT, lý thuyết về nỗi sợ hãi thư viện, quy luật nỗ lực tối thiểu trong hoạt động tìm tin…
- Nghiên cứu các yếu tố tác động đến HVTT của các đối tượng NDT khác nhau:
+ Tác động của công việc, môi trường hoạt động: Nghiên cứu HVTT trong mối tương quan với môi trường sống, làm việc hoặc các hoạt động làm phát sinh nhu cầu tin, ví dụ như tác động của công việc NDT đang thực hiện đến HVTT.
+ Tác động của công nghệ: Nghiên cứu tác động của công nghệ đối với sự thay đổi HVTT của người sử dụng như HVTT của người sử dụng trong môi trường số, thói quen tìm tin và trao đổi TT trên web của người sử dụng, thói quen sử dụng TT qua thiết bị di động của thanh thiếu niên…
+ Tác động của các công cụ hỗ trợ thực hiện HVTT: Nghiên cứu mối quan hệ giữa hành vi TT với việc sử dụng các công cụ hỗ trợ hành vi TT như các hệ thống TT, sản phẩm, dịch vụ TT… Kết quả nghiên cứu có thể giúp các cơ quan TTTV và các nhà cung cấp TT nói chung thiết kế các hệ thống TT và sản phẩm, dịch vụ TT có các tính năng tương thích với HVTT của người sử dụng.
- Nghiên cứu HVTT của các tổ chức và đối tượng NDT cá nhân khác ngoài cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, ví dụ như: HVTT trong các trường đại học, thói quen tìm tin và trao đổi TT trực tuyến của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HVTT của NDT đại chúng trong đời sống hàng ngày, HVTT của học sinh trung học phổ thông trong môi trường số… Cần chú trọng nghiên cứu toàn bộ quá trình của HVTT, bao gồm nhu cầu tin, tìm tin và sử dụng TT trong bối cảnh xã hội và trong mối liên hệ với môi trường sống và làm việc của NDT.
4. Kết luận
Dưới sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau như xã hội, kinh tế, văn hoá và đặc biệt là sự phát triển CNTT và truyền thông, cách tương tác giữa con người với TT thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp hơn. Nghiên cứu HVTT giúp các tổ chức nói chung và cơ quan TTTV nói riêng hiểu rõ hơn về HVTT của đối tượng phục vụ, từ đó có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Vì vậy, lĩnh vực nghiên cứu HVTT ở Việt Nam cần có sự đổi mới để có thể hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động TTTV trong cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bates M.J. Information Behavior. http://pages.gseis.ucla.edu/faculty/bates/articles /information -behavior.html, truy cập ngày 10/06/2014.
2. Pertii Vakkari. Trends and approaches in information behavior research. http://informationr.net , truy cập ngày 10/06/2014.
3. Theories of Information Behavior/ edited by Karen E.Fisher. - New Jersey, 2009. - 430p.
4. http://203.191.52.18. nganhangdulieu/thumucdb.htm, truy cập ngày 10/6/2014.
______________
TS. Ngô Thanh Thảo
Khoa TV-TTH, Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2014. - Số 6. - Tr. 26-29.
< Prev | Next > |
---|
- Nguyên tắc định hướng xây dựng tiêu chuẩn thư viện đại học ở Việt Nam
- Nâng cao năng lực cung ứng thông tin tại các thư viện đại học Việt Nam
- Thang đo Servqual một công cụ đánh giá chất lượng dịch vụ thư viện đại học
- Xây dựng và phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện thành phố trực thuộc Trung ương
- Bước đầu xây dựng hệ thống thông tin du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay từ cách tiếp cận lí thuyết hệ thống
- Khó khăn, thuận lợi của sinh viên cao đẳng ngành thông tin - thư viện và những kỹ năng cần có
- Khả năng đáp ứng yêu cầu nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan thông tin - thư viện tại Hà Nội
- Đội ngũ cán bộ thư viện tham gia đào tạo kiến thức thông tin tại một số thư viện đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
- Ứng dụng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho trang web thư viện
- Giới thiệu công cụ phân loại tài liệu Web Dewey