Khả năng đáp ứng yêu cầu nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan thông tin - thư viện tại Hà Nội

E-mail Print

1. Yêu cầu nghề thông tin - thư viện

Yêu cầu của nghề thông tin - thư viện trong xã hội hiện đại

Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), trực tiếp là Internet đã tác động sâu sắc và mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề trong xã hội, trong đó có nghề thông tin - thư viện (TT-TV). Nối mạng toàn cầu, dẫn tới bùng nổ thông tin ở cả chất lượng và số lượng, đặt ra yêu cầu đổi mới trong công tác thu thập, xử lý, phổ biến và trao đổi thông tin. Chuyên gia TT-TV ngoài việc cung cấp dịch vụ thông tin truyền thống, còn cung cấp dịch vụ thông tin số trực tuyến cho người dùng tin (NDT). Họ phải trở thành người hoa tiêu tri thức để chọn lọc dữ liệu trở thành thông tin hữu ích. Một nhân viên TT-TV phải là một chuyên gia thông tin, am hiểu CNTT, chuyên gia web, chuyên gia quản trị tri thức, người hoa tiêu tri thức, chuyên gia giáo dục đào tạo, nhà tiếp thị thông tin, nhà cung cấp dịch vụ thông tin…[3].

Do đó, đòi hỏi cán bộ TT-TV phải có các kiến thức, năng lực và kỹ năng:

- Về kiến thức: Cần có trình độ lý luận chính trị vững vàng, nắm vững kiến thức và nghiệp vụ cơ bản.

- Về kỹ năng: Thực hành nghiệp vụ thành thạo trong các loại hình cơ quan TT-TV khác nhau, có kỹ năng thiết kế và xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin truyền thống và hiện đại, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm và thuyết trình, biết cách triển khai nghiên cứu khoa học (NCKH) ngành TT-TV.

- Năng lực: Đánh giá thực trạng tình hình của đơn vị và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, có khả năng triển khai và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, đảm nhiệm tốt các hoạt động TT-TV nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ NDT.

Yêu cầu của nghề thông tin - thư viện ở Việt Nam hiện nay

Nghề TT-TV ở Việt Nam cũng chịu nhiều tác động như các quốc gia khác trên thế giới, nhất là từ năm 1997 khi Internet chính thức vào Việt Nam. Cơn lốc Internet đã làm thay đổi tri thức của NDT và đối tượng NDT, kéo theo đó là nhu cầu về chất lượng thông tin và sự phong phú của nguồn thông tin. Đòi hỏi người cán bộ TT-TV cần phải có tri thức, có nghiệp vụ chuyên môn, có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học để thu thập, xử lý thông tin, phổ biến và quản trị thông tin tri thức. Ngoài ra các cán bộ TT-TV cần phải có khả năng quản lý, kiến thức liên ngành, khả năng thuyết trình và làm việc nhóm… Có thể khái quát lại, cán bộ TT-TV ở Việt Nam hiện nay cần đáp ứng các yêu cầu về thái độ, kiến thức và kỹ năng như sau:

- Về thái độ: Cần có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, yêu nghề, sẵn sàng vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, sẵn sàng vì cộng đồng.

- Về kiến thức: Nắm vững kiến thức chuyên môn cả truyền thống và hiện đại. Nắm được phương pháp nghiên cứu thực tiễn trên cơ sở lý luận. Có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khoa học khác, có trình độ tin học và ngoại ngữ tốt.

- Về kỹ năng: Thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp trong xử lý kỹ thuật nghiệp vụ như xử lý thông tin, tổ chức lưu giữ, tra cứu, bảo quản, phục vụ NDT. Ngoài ra còn cần có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng thuyết trình.

Đây là những kỹ năng rất cần thiết của một người cán bộ TT-TV trong giai đoạn hiện nay và cũng là yêu cầu của nghề TT-TV để đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, liên thư viện và nối mạng toàn cầu.

2. Khả năng đáp ứng yêu cầu nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan thông tin - thư viện tại Hà Nội

Để đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu  nghề của đội ngũ cán bộ, nhân viên TT-TV, năm 2011 chúng tôi đã tiến hành khảo sát 124 cán bộ, nhân viên (đã được đào tạo cử nhân TT-TV) hiện đang công tác trong các cơ quan TT-TV tại Hà Nội như: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện Hà Nội; Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm; Thư viện Viện Nhiệt đới Việt Nga; Thư viện Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội; Thư viện Trung tâm Thông tin Bộ Quốc phòng; Thư viện các trường phổ thông như: Thư viện trường Trung học cơ sở Phương Liệt, Trung Tự, Khương Thượng; Thư viện của các trường đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại, Đại học Kiến trúc, Đại học Công đoàn, Đại học Lao động Xã hội, Đại học Công nghiệp, Đại học Sư phạm, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thủy lợi, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Hà Nội, Đại học Phương Đông, Cao đẳng Giao thông Vận tải, Cao đẳng Nội vụ, Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Các cơ quan TT-TV được lựa chọn khảo sát là các thư viện đại diện cho các loại hình thư viện: công cộng, chuyên ngành, đa ngành, trường học, đại học có quy mô khác nhau và đều có cán bộ, nhân viên được đào tạo cử nhân ngành TT-TV.

Kết quả đạt được như sau:

Cơ cấu độ tuổi và giới tính của đội ngũ cán bộ, nhân viên

Theo kết quả điều tra, tỉ lệ cán bộ là nữ chiếm 84%, gấp 5,25 lần cán bộ nam. Cơ cấu độ tuổi của nguồn nhân lực này cao nhất ở độ tuổi từ 31- 45 chiếm 50%, đây là cơ cấu độ tuổi trẻ, tạo thuận lợi lớn cho ngành TT-TV, độ tuổi trẻ có sức khoẻ, có nhiều cơ hội để tiếp xúc và trực tiếp quản lý nền khoa học công nghệ tiên tiến ứng dụng vào thực tế công việc (biểu đồ 1).

alt

Biểu đồ 1: Độ tuổi và giới tính

Trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên

Trong số 124 cán bộ được khảo sát, có 28% cán bộ đang học cao học, 16% cán bộ có trình độ thạc sỹ, 3% đang làm nghiên cứu sinh. Đây là con số đáng mừng cho ngành TT-TV về tinh thần học tập nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng cán bộ của ngành, góp phần khẳng định tầm quan trọng của ngành trong sự phát triển của đất nước (biểu đồ 2).

alt

Biểu đồ 2: Trình độ học vấn của cán bộ

Mức độ đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên

Kết quả khảo sát 124 người về mức độ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, chỉ có 22 người đảm nhận riêng một công việc trong cơ quan chiếm 18%, 92 người kiêm nhiệm nhiều khâu công tác trong thư viện chiếm 82%. Trong đó chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ bạn đọc 46%, công tác biên mục 16%, công tác lưu trữ bảo quản 9%, công tác bổ sung 8%, quản lý 6%, công tác đào tạo và quản trị máy tính đều chiếm 5%, lưu chiểu 2%, công tác đối ngoại và nghiên cứu nghiệp vụ đều chiếm 1% (biểu đồ 3).

alt

Biểu đồ 3: Công việc đang đảm nhận chính và mức độ đáp ứng

Theo kết quả điều tra, mặc dù hiện nay phần lớn các cán bộ TT-TV vẫn làm kiêm nhiệm nhiều khâu công tác, nhưng mức độ đáp ứng hoàn thành công việc được giao ở mức độ tốt vẫn chiếm tỉ lệ cao như trong công tác phục vụ bạn đọc: 46% nguồn nhân lực làm công tác này, trong đó 20% rất tốt, 24% tốt và chỉ có 2% bình thường; hoặc trong công tác biên mục có 16% cán bộ đảm nhận thì 4% rất tốt, 10% tốt; công tác số hóa và lưu chiểu chỉ có 1-2% cán bộ, nhân viên đã được đào tạo ngành TT-TV đang đảm nhận rất tốt.

Mức độ đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên

Ngoại ngữ được sử dụng chủ yếu là tiếng Anh, khi được hỏi về khả năng sử dụng ngoại ngữ thì phần lớn ngoại ngữ của các cán bộ mới dừng ở mức trung bình, kỹ năng viết 46%, kỹ năng đọc 36%, kỹ năng nói 57%, kỹ năng nghe 55%. So sánh trong biểu đồ thì kỹ năng viết và đọc của đội ngũ cán bộ, nhân viên khá hơn so với kỹ năng nói và nghe tiếng Anh (biểu đồ 4).

alt

Biểu đồ 4: Trình độ ngoại ngữ của cán bộ

Xét thực tế tại các cơ quan TT-TV thì ngoại ngữ được sử dụng chưa thường xuyên như tại trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công đoàn, Trường THCS Trung Tự, THCS Khương Thượng… nguồn lực thông tin chỉ có một ít sách về ngoại ngữ và chủ yếu là từ điển, hơn nữa nhu cầu và trình độ của bạn đọc về ngoại ngữ cũng là một tác động đối với trình độ của cán bộ. Điều này thể hiện ở mức độ sử dụng ngoại ngữ của cán bộ tại các cơ quan TT-TV với 12% thường xuyên, không bao giờ chiếm 12%, 76% thỉnh thoảng (biểu đồ 5).

alt

Biểu đồ 5: Mức độ sử dụng ngoại ngữ của cán bộ

Ngoại ngữ là chìa khóa để mở tới hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, trao đổi dữ liệu, giao lưu tiếp thu tinh hoa và tiên tiến của thế giới. Vì vậy trong hoạt động TT-TV nói riêng và hoạt động xã hội nói chung, mỗi người cần có khả năng thông thạo ít nhất là một ngoại ngữ, đối với Việt Nam thì tiếng Anh là ngoại ngữ được ưu tiên.

Mức độ đáp ứng yêu cầu về công nghệ thông tin của cán bộ, nhân viên

Kết quả điều tra cho thấy các cán bộ có kỹ năng sử dụng Internet là tốt nhất (37% rất tốt, 43% tốt), tiếp theo đó là kỹ năng về tin học văn phòng (12% rất tốt, 51% tốt) và kỹ năng làm việc với phần mềm thư viện ở mức độ tốt chiếm 50%. So sánh với kỹ năng ngoại ngữ, thì kỹ năng về CNTT ở mức độ khá và tốt hơn (biểu đồ 6).

alt

Biểu đồ 6: Trình độ tin học của cán bộ

Nhận thức về nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên

Trên thế giới, nghề TT-TV được xếp vào một trong mười nghề danh giá, ở các nước phát triển đặc biệt là Mỹ rất quan tâm tới việc đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này và vị thế xã hội của nghề TT-TV được đánh giá rất cao trong xã hội, được đãi ngộ xứng đáng. Tại các quốc gia phát triển như Thụy Sỹ, cán bộ thư viện đóng vai trò tư vấn pháp luật cho các hội nghị quốc tế về các vấn đề luật quốc tế nảy sinh trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Tại Thụy Điển, cán bộ thư viện được tham gia xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo cùng với đội ngũ giáo viên trường đại học.

Nhận thức tầm quan trọng của ngành TT-TV trên thế giới, cùng với sự thấm nhuần những tư tưởng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thực tế công việc đã làm cho các cán bộ TT-TV gắn bó và nhận thức sâu sắc hơn về vai trò nghề nghiệp của mình trong xã hội 21% rất tốt và 47% tốt (biểu đồ 7).

alt

Biểu đồ 7. Nhận thức nghề nghiệp của CB

Các kiến thức bổ trợ trong công việc của cán bộ, nhân viên

Sự phát triển của khoa học công nghệ và ngành TT-TV đòi hỏi người cán bộ TT-TV không những am hiểu về lĩnh vực chuyên môn mà còn phải có các kiến thức về kinh tế - xã hội, pháp luật liên quan tới ngành, lý luận chính trị… Đặc biệt đối với những cán bộ, nhân viên đảm nhận công việc chuyên sâu như xử lý tài liệu (phân loại, tóm tắt, chú giải, định chủ đề…) rất cần có kiến thức, sự hiểu biết về các lĩnh vực tri thức khác nhau.

Khi được hỏi về mức độ các kiến thức bổ trợ của anh/chị như thế nào? Kết quả khảo sát cho thấy, các kiến thức bổ trợ trong công việc của các cán bộ chủ yếu ở mức độ khá. Trong 3 vấn đề được đặt ra trong bảng hỏi là lý luận chính trị, kinh tế - xã hội và pháp luật liên quan tới ngành TT-TV thì kiến thức về kinh tế - xã hội có số phần trăm cao nhất 52%, pháp luật liên quan tới ngành số phần trăm thấp nhất trong 3 vấn đề 44%. Trong các vấn đề này thì lý luận chính trị có số phần trăm tốt cao hơn, chiếm 23%. Số phần trăm kém chiếm nhiều hơn là pháp luật liên quan tới ngành 6% (bảng 1).

alt

Bảng 1: Các kiến thức bổ trợ cho công việc

Các kỹ năng bổ trợ cho công việc

Theo kết quả khảo sát, các kỹ năng ở mức độ tốt, kỹ năng sàng lọc thông tin 30%, kỹ năng thuyết trình và làm việc chuyên nghiệp cùng chiếm 29%, sau đó tới kỹ năng phân tích và đánh giá nhu cầu tin là 25% và cuối cùng là ý tưởng sáng tạo 24%. Các kỹ năng bổ trợ cho công việc ở mức độ khá chiếm cao nhất là kỹ năng giao tiếp 60%, tiếp theo là kỹ năng phân tích và đánh giá nhu cầu tin 55%, sau đó tới kỹ năng sàng lọc thông tin 51%, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp 49%, kỹ năng làm việc nhóm 45%, kỹ năng thuyết trình 41% và ý tưởng sáng tạo 39%. Các kỹ năng kém là ý tưởng sáng tạo và làm việc nhóm đều chiếm 6%, sau đó là kỹ năng giao tiếp 4%, thuyết trình 3%, làm việc chuyên nghiệp và sàng lọc thông tin 2%, phân tích và đánh giá nhu cầu tin 0%. Tóm lại, có thể thấy các kiến thức về sàng lọc thông tin, phân tích và đánh giá nhu cầu tin, thuyết trình và làm việc chuyên nghiệp được thể hiện khá và tốt hơn so với ý tưởng sáng tạo trong công việc, làm việc nhóm (bảng 2).

alt

Bảng 2: Các kỹ năng bổ trợ cho công việc

Nhận xét đánh giá

- Ưu điểm

Qua khảo sát thực tiễn cho thấy đội ngũ các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ quan TT-TV tại Hà Nội có những ưu điểm, thuận lợi sau:

+ Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với nghề nghiệp, có tinh thần học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, thể hiện qua trình độ học hàm học vị và thực tế công việc khi khảo sát.

+ Kiến thức tin học tốt, đáp ứng được yêu cầu công việc hiện tại và sự chuyển giao công nghệ trong quá trình tin học hóa - tự động hóa hoạt động TT-TV.

+ Có nhận thức đạo đức nghề nghiệp tốt và các công việc đảm nhiệm tại cơ quan hiện  nay là đúng chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ.

+ Cơ cấu độ tuổi trẻ chiếm đa số, sức khỏe tốt, có khả năng thích ứng nhanh với CNTT, thiết bị quản lý hoạt động TT-TV hiện đại.

- Hạn chế:

+ Nguồn nhân lực chiếm đa số là nữ, ngoài công việc cơ quan họ còn công việc gia đình nên nhiều khi chưa thực sự tập trung đảm nhận tốt công việc tại cơ quan.

+ Trình độ ngoại ngữ nói chung của cán bộ còn yếu, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển, giao lưu trao đổi giữa các nước, trình độ NDT cũng như đối tượng NDT ngày càng phong phú...

+ Nguồn nhân lực có học hàm học vị còn hạn chế.

+ Các kiến thức và kỹ năng bổ trợ mới dừng ở mức trung bình khá, nhất là ý tưởng sáng tạo trong công việc, khả năng làm việc nhóm chưa cao.

Nguyên nhân của các hạn chế là do họ chưa có nhiều cơ hội tham gia học tập bổ sung kiến thức, ít tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp và các hoạt động bên ngoài, sự đầu tư cho hoạt động của ngành và bản thân người cán bộ trong việc tiếp thu kiến thức chưa có chiều sâu và chưa được đầu tư đúng mức.

3. Một số giải pháp

Từ những hạn chế và nguyên nhân ở trên, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên đang công tác trong các cơ quan TT-TV tại Hà Nội nói riêng và các cơ quan TT-TV Việt Nam nói chung, phù hợp với những thay đổi xã hội, yêu cầu mới của nghề nghiệp.

* Giải pháp đối với các cơ quan thông tin - thư viện

- Chú trọng xây dựng và thực hiện chính sách tuyển dụng nghiêm túc

Các cơ quan TT-TV cần xác định và xây dựng được các yêu cầu cụ thể về trình độ nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp… đối với các vị trí tuyển dụng trong đơn vị, thực hiện tuyển dụng có nguyên tắc và khách quan hơn nữa. Không chỉ quan tâm tới trình độ chuyên môn của ứng viên, mà các kỹ năng tiếng Anh, tin học, kiến thức thông tin hay các kỹ năng bổ trợ cũng phải được quy định rõ ràng, coi đó như kiến thức bắt buộc của mỗi ứng viên TT-TV. Có như vậy mới chọn được những hiền tài, những người am hiểu và nhiệt huyết với nghề TT-TV để xây dựng mạng lưới nhân lực phù hợp với yêu cầu nghề TT-TV.

- Phân công công việc chuyên nghiệp và phù hợp với năng lực cán bộ

Theo kết quả khảo sát thì phần đông các cán bộ đang công tác trong các cơ quan TT-TV đang kiêm nhiệm nhiều công việc trong quy trình hoạt động của đơn vị. Trong khi đó bản thân mỗi cán bộ đều có những điểm mạnh, những hạn chế riêng về trình độ chuyên môn và năng lực công tác. Vì vậy lãnh đạo đơn vị cần có sự quan sát, nhận xét để đánh giá được năng lực từng cá nhân, từ đó có sự phân công công việc hợp lý và chuyên nghiệp hơn, để khai thác các điểm mạnh, cũng như khắc phục dần những hạn chế của từng cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của đơn vị.

- Tạo điều kiện học tập cho đội ngũ cán bộ được đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trong quá trình công tác thực tế, cùng với sự phát triển công nghệ của ngành, có nhiều yêu cầu mới đặt ra cho các cán bộ, việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng và rèn luyện, học tập để hoàn thiện bản thân là rất cần thiết. Vì vậy các cơ quan TT-TV nên tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ được học tập, nâng cao trình độ.

- Nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ

Thực hiện chế độ độc hại, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, nhân viên. Nhà nước đã có sự quan tâm cụ thể về cơ sở pháp lý với thông tư về hướng dẫn chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin; về hướng dẫn xếp hạng, phân hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động văn hóa - thông tin, trong đó có ngành TT-TV [1]. Nhưng thực tế đây mới chỉ là những văn bản mang tính pháp quy, phần nào cải thiện được thu nhập cho các cán bộ nhân viên, nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ tại các cơ quan TT-TV.

Tăng cường phối kết hợp trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ TT-TV, nhất là các sản phẩm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt chú ý tới các sản phẩm và dịch vụ TT-TV phù hợp với yêu cầu và có tính ổn định cao như phát triển hoạt động TT-TV với các nguồn tài nguyên số, thực hiện chính sách tài liệu số trả phí bên cạnh tài liệu số miễn phí…

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát huy sáng kiến trong cán bộ, nhân viên TTTV, vừa có điều kiện nâng cao trình độ lý luận chuyên môn, được thể hiện năng lực bản thân, kích thích sự tìm tòi sáng tạo, vừa nâng cao thu nhập.

- Cần có những khuyến khích động viên kịp thời đối với những cá nhân có thành tích trong lao động, trong học tập và các phong trào phát triển khác.

* Giải pháp đối với các cán bộ, nhân viên thông tin - thư viện

- Bên cạnh sự tạo điều kiện của đơn vị, cán bộ TT-TV cần có tinh thần chủ động tìm tòi và phát huy các sáng kiến của mình để nâng cao hiệu quả trong công việc. Với các hình thức như tham gia nghiên cứu khoa học, tích cực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tin học và ngoại ngữ. Trau dồi thêm kỹ năng đọc, viết, trình bày, diễn thuyết và kỹ năng giao tiếp chính là hành trang không thể thiếu của một cán bộ, nhân viên TT-TV.

- Mỗi cán bộ, nhân viên TT-TV hãy tự trang bị cho mình kỹ năng quản lý để có thể điều phối hoạt động trong công việc cũng như trong cuộc sống, tạo nên một quy trình khoa học trong môi trường làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyên nghiệp hóa trong hoạt động TT-TV.

* Sự phối kết hợp của các cơ quan thông tin - thư viện với các cơ sở đào tạo

Trước sự phát triển của ngành TT-TV nói chung và yêu cầu của ngành về năng lực cán bộ nói riêng. Các cơ quan TT-TV cần có những chính sách hợp lý để phát triển phù hợp, bản thân mỗi cán bộ cũng cần cố gắng nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, để tạo dựng một đội ngũ cán bộ TT-TV có trình độ năng lực cao, các cơ quan TT-TV cần có sự liên kết với các cơ sở đào tạo, kết hợp lý thuyết và thực tiễn để phù hợp với nhu cầu cung cầu trong ngành TT-TV ở Việt Nam.

Xã hội Việt Nam trong giai đoạn CNH-HĐH, vấn đề phát triển đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, trong sự phát triển chung của đất nước và của ngành TT-TV, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TTTV đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghề theo từng giai đoạn phát triển là rất quan trọng và cần thiết.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Hoàng Sơn. Chuyên gia thông tin - thư viện sẽ làm gì trong kỷ nguyên số. http://vietnamlib.net/hoc-lieu/chuyen-de-vietnamlib/chuyengia-thong-tin-thu-vien-se-lam-gi-trong-ky-nguyen-so (ngày truy cập 20/07/2012).

2. Trần Mạnh Tuấn. Một số yêu cầu từ phía người tuyển dụng, ngành thông tin - thư viện trong xã hội thông tin : Kỷ yếu hội thảo khoa học. - H.: Nxb. ĐHQGHN, 2006. - Tr. 70-74.

3. Trần Thị Quý. Phát triển nguồn nhân lực thông tin - thư viện các trường đại học ở Hà Nội, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước // Hội nghị thư viện các trường đại học, cao đẳng lần thứ nhất. - 2008. - Tr. 1-15.

_________

ThS. Nguyễn Thị Hồng Thương

Thư viện Trường Đại học Công nghệ GTVT

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 6. - Tr. 21-27.


Đọc thêm cùng chuyên mục: