Khó khăn, thuận lợi của sinh viên cao đẳng ngành thông tin - thư viện và những kỹ năng cần có

E-mail Print

Xã hội thông tin ngày càng phát triển thì nhu cầu tin của người dùng tin càng trở nên sâu sắc và cấp thiết. Vấn đề này mở ra cơ hội lớn cho những sinh viên đang theo học ngành  Thông tin - Thư viện (TT-TV) bởi đây là một ngành được xem như là lĩnh vực “đi tắt đón đầu”, hội tụ các yếu tố của thời đại "thông tin" trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, sinh viên Thư viện ra trường có dễ dàng trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo hay không? Cụ thể hơn là sinh viên hệ cao đẳng TT-TV sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm như thế nào vẫn còn là những câu hỏi không dễ trả lời. Vậy làm thế nào để vượt qua được những khó khăn và vận dụng những ưu thế cũng như kỹ năng được trang bị trong nhà trường để sinh viên hệ cao đẳng có thể tiếp cận công việc thực tế sau khi tốt nghiệp?

1. Những khó khăn của sinh viên cao đẳng

Hầu hết các sinh viên hệ Cao đẳng ngành TTTV tốt nghiệp từ các trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật ở các địa phương trong cả nước như: Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hồ Chí Minh… với thời gian đào tạo chính quy là 3 năm và hơn 2 năm đối với hệ đào tạo liên thông từ bậc trung cấp. Trên thực tế, việc đào tạo sinh viên học chuyên ngành này dựa vào nhu cầu và đòi hỏi về những vị trí công việc cụ thể còn thiếu trong ngành thư viện nói riêng và trong xã hội nói chung như: thư viện viên, chuyên gia phân tích thông tin... Tuy nhiên, gần như sinh viên hệ cao đẳng của ngành Thông tin - Thư viện lại thường gặp khó khăn nhiều trong vấn đề tìm được công việc phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Với tấm bằng cao đẳng, khả năng tiếp cận với công việc yêu thích, đúng chuyên môn vẫn còn rất nhiều rào cản.

Thứ nhất, là sự phân biệt của “xã hội bằng cấp”. Nhiều sinh viên cao đẳng TT-TV ra trường đã ngán ngẩm cảnh đi đến đâu nộp hồ sơ cũng bị cơ quan tuyển dụng “thẳng thừng” từ chối ngay từ đầu với lý do “chỉ nhận hồ sơ của những người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên”, hoặc có sinh viên nộp được hồ sơ cũng thấp thỏm lo bị loại vì dù có tốt nghiệp bằng giỏi ở hệ cao đẳng cũng không bằng có được tấm bằng khá ở hệ đại học. Lẽ dĩ nhiên việc ưu tiên cho những người bằng cấp cao hơn là một thực tế và đòi hỏi chính đáng của nhiều thư viện hay trung tâm thông tin, nhưng nên chăng cũng cần có cái nhìn thoáng và cởi mở hơn đối với sinh viên hệ cao đẳng? Họ cần được cho thêm cơ hội để thể hiện bản thân mình.

Thứ hai, là chính sách "kiêm nhiệm" của rất nhiều trường học. Gần như sinh viên cao đẳng TTTV học ở các tỉnh lẻ khi tốt nghiệp ra trường cũng chỉ mong xin được vào làm công tác thư viện của một thư viện trường học. Qua số liệu khảo sát của Vụ Thư viện thì hiện nay cả nước đang thiếu một số lượng lớn cán bộ thư viện trường học và đặc biệt với chuẩn mới nhất được quy định, thư viện trường học cần có một cán bộ thư viện chuyên trách mới được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia thì thấy rõ một điều rằng sinh viên cao đẳng TT-TV không thể không có việc làm. Tuy nhiên thực tế lại chỉ ra rằng hầu hết các cán bộ làm công tác thư viện ở hệ thống các trường học trước đây đều là những người kiêm nhiệm công tác văn thư, bảo vệ trang thiết bị, thậm chí là những cán bộ bị kỷ luật của nhà trường... Khi "chuẩn" được đưa ra họ lại gấp rút đi học một khóa học trình độ trung cấp văn thư, thư viện để "giữ chân" công việc. Liên quan đến vấn đề này, có nhiều trường học cũng chỉ tuyển thủ thư ở trình độ trung cấp cho “hợp chuẩn”, như vậy nhà trường cũng bớt đi một phần kinh phí trong việc  chi trả lương. Cũng chính vì lý do này mà nhiều người lựa chọn đi học trung cấp thay vì học cao đẳng vì thời gian ra trường sớm hơn, cơ hội công  việc cũng dễ dàng. Vậy vị trí nào cho sinh viên cao đẳng?

Thứ ba, là tâm lí ngành nghề và chế độ lương bổng khi ra trường của sinh viên. Học tập cũng vất vả và tốn kém như bao ngành khác, lại được mệnh danh là những người giữ chìa khoá vàng của tri thức nhân loại nhưng do chưa được nhìn nhận thỏa đáng nên những sinh viên cao đẳng TT-TV thật khó tìm được một công việc chuyên môn phù hợp, có chế độ đãi ngộ tốt và được mọi người đánh giá cao. Ngoại trừ những người đi về vùng sâu, vùng xa hay biên giới hải đảo được tính lương và thưởng theo vùng trợ cấp khó khăn thì đối với những địa bàn khác, sinh viên cao đẳng ngành TT-TV muốn có việc thường phải chấp nhận thêm một vài điều khoản nhỏ trong hợp đồng, ví dụ như sẽ làm kiêm nhiệm thêm công tác văn thư, phụ trách trông coi cơ sở vật chất, tham gia vào một số công tác đặc thù của nhà trường. Những nhà khoa học thư viện nếu không biết chấp nhận những công việc kèm theo đó với lương như thỏa thuận trong hợp đồng sẽ khó tìm cho mình được một chỗ đứng phù hợp với ngành nghề.

Đấy là những khó khăn dễ dàng nhìn thấy ở tương lai xin việc của một sinh viên cao đẳng ngành TT-TV. Tuy nhiên bên cạnh khó khăn bao giờ cũng có những điều kiện thuận lợi mà sinh viên có thể dựa vào đó để tự tin hơn về một công việc phù hợp trong tương lai.

2. Những thuận lợi cho sinh viên cao đẳng

Nhìn nhận một cách khách quan, sinh viên cao đẳng trên một bình diện nào đó sẽ có nhiều thuận lợi và đây là những điểm số mà họ có thể cộng thêm vào hồ sơ xin việc của mình:

Thứ nhất, bên cạnh một “xã hội bằng cấp” lại có một xã hội "thầy nhiều hơn thợ", hiện  rạng này làm ứ đọng một khối lượng lớn sinh viên đại học ra trường không đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc. Sinh viên cao đẳng có lợi thế gì về vấn đề này? Họ là những người được đào tạo bài bản về những kỹ năng nghiệp vụ thư viện như: phân loại, biên mục, tóm tắt, đánh chỉ số sách... Số giờ thực hành của sinh viên hệ cao đẳng nhiều hơn số giờ lý thuyết, thời  gian thực tập, thực tế của sinh viên cao đẳng dài hơn. Vì vậy nếu đem so sinh viên cao đẳng với sinh viên đại học có thể nhận thấy: Sinh viên cao đẳng tuy không bằng về những kiến thức lý thuyết chuyên ngành mang tính khoa học hàn lâm nhưng họ thực sự là những "người thợ" lành nghề trong việc tổ chức, quản lý kho sách và xử lý tài liệu...

Thứ hai, sinh viên cao đẳng có thể khó xin việc ở những thư viện "tầm cao", đòi hỏi bằng cấp cao hay quan hệ xã hội rộng, nhưng vẫn còn rất nhiều thư viện cần người làm được việc. Hệ thống thư viện trường học (tiểu học, trung học phổ thông, trung học cơ sở) và hệ thống thư viện công cộng,... là môi trường điển hình để có thể tìm được công việc phù hợp. Trên thực tế khi mới tốt nghiệp, nhiều sinh viên cao đẳng đã tìm được công việc phù hợp từ những chỉ tiêu tại các Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục địa phương đưa tới. Và cũng không thể phủ nhận, một số sinh viên cao đẳng có học lực xuất sắc và có những kỹ năng cần thiết vẫn có thể được nhận vào làm ở những vị trí mà chỉ sinh viên đại học mới tự tin dự tuyển.

Thứ ba, hiện nay số lượng sinh viên theo đuổi ước mơ vào các ngành khoa học xã hội nhân văn ít đi thấy rõ, ngành TT-TV cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đối với sinh viên ở hệ đại học số lượng giảm thì sinh viên hệ cao đẳng ngành TTTV càng khiêm tốn (trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang năm học 2008 - 2009 chỉ có hơn 40 sinh viên/ lớp, đến năm học 2010 - 2011 có hơn 20 sinh viên). Số lượng sinh viên theo học ít làm ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, lại là một thuận lợi cho sinh viên, họ có điều kiện tìm hiểu kĩ càng hơn những kiến thức ngành từ giáo viên, họ được đào tạo theo lối "cầm tay chỉ việc" chính vì thế khả năng đáp ứng công việc sau này sẽ tốt hơn. Và hơn hết, sự cạnh tranh trong vấn đề tìm kiếm công việc sẽ giảm đi nhiều, như vậy cơ hội việc làm sẽ tiến lại gần hơn.

3. Kỹ năng cần thiết của sinh viên cao đẳng

Bất cứ ai khi theo đuổi ngành nghề hay ước mơ nào cũng phải chuẩn bị cho mình những kĩ năng nhất định để có thể biến ước mơ của mình thành sự thật. Đối với sinh viên cao đẳng TT-TV, bên cạnh sự nỗ lực học tập và trau dồi kiến thức của mỗi sinh viên, nhà trường, cơ sở đào tạo ngành TT-TV luôn chú ý rèn luyện cho họ những kỹ năng thiết thực để phục vụ cho công việc của họ sau này. Những kỹ năng đó phải kể đến:

Kỹ năng thực hành nghề

Kỹ năng thực hành nghề là một kỹ năng vô  cùng quan trọng đối với sinh viên đang theo học một chuyên ngành mang tính chất thực hành cao. Cơ sở đào tạo sinh viên chuyên ngành TT-TV luôn luôn đặt yếu tố này lên vị trí hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, rèn luyện các kỹ năng cho sinh viên trong quá trình đào tạo tại nhà trường. Chính vì vậy, ở chuẩn đầu vào và đầu ra của mỗi cơ sở đào tạo đều đã chú trọng xây dựng những mục tiêu đào tạo của mình trong đó không thể thiếu kỹ năng thực hành nghề. Đối với sinh viên hệ cao đẳng chuyên ngành TT-TV, trên nền tảng cơ sở lý thuyết về Thư viện học và Thông tin học, sinh viên phải nắm vững các công việc, nghiệp vụ thực hành thư viện. Cụ thể theo 5 công đoạn của dây chuyền thông tin - thư viện: Bổ sung tài liệu – Xử lý tài liệu – Tổ chức kho – Lưu trữ và bảo quản – Tìm tin và phổ biến thông tin. Những công đoạn thực hành dưới các hình thức truyền thống và hiện đại đều đòi hỏi ở sinh viên mức độ từ sơ khai, thành thạo đến chuyên nghiệp. Đối với sinh viên đại học, các giờ học về Tổ chức sắp xếp, lưu trữ và bảo quản tài liệu, Phân loại tài liệu, Biên mục,… chỉ là những giờ giảng lý thuyết trên lớp, cơ hội để thực hành trên kho sách rất ít. Phần lớn thời gian thực hành nghiệp vụ thư viện là thời gian mà các sinh viên được đi thực tế, thực tập vào  hững kỳ học cuối. Riêng đối với sinh viên hệ cao đẳng, sinh viên được đưa vào kho sách thực hành ngay sau những giờ lý thuyết trên thư viện của nhà trường. Chính vì vậy, với kiến thức mới về nghiệp vụ sẽ nhanh chóng được các sinh viên hiểu và áp dụng trên thực tế. Thêm vào đó, thời gian thực tế tại các loại hình thư viện trên địa bàn cũng như thời gian thực tập tại một trung tâm thư viện cụ thể sẽ giúp sinh viên cao đẳng ngành TT-TV nắm khá rõ về yêu cầu thực tế công việc trong tương lai của mình. Điều này làm tăng khả năng tiếp cận công việc sau này của các sinh viên. Chỉ khi có hành trang vững vàng về nghiệp vụ thư viện thì sinh viên mới có nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp.

Kỹ năng về tin học, ngoại ngữ

Đối với sinh viên cao đẳng ngành TT-TV, tin học không đơn giản là biết đánh máy nhanh, thành thạo tin học văn phòng: Word, Excel, Access,… Cũng không phải yêu cầu sinh viên phải là những nhà lập trình, những người viết phần mềm hay những chuyên gia tin học và công nghệ. Điều sinh viên cần có trong kỹ năng này chính là: Kiến thức tổng quát về phần mềm thư viện, các kiến thức về thông tin và tìm kiếm thông tin trong môi trường điện tử, kỹ năng trình bày văn bản và thuyết trình vấn đề lưu loát… Để hỗ trợ phát triển nhóm kỹ năng này, chương trình học được đổi mới bằng cách đưa thêm các môn học về phần mềm tích hợp quản trị thư viện vào học phần của sinh viên (trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang đưa vào chương trình đào tạo một số phần mềm cụ thể phục vụ cho các loại hình thư viện truyền thống và hiện đại như: Ilib easy (CMC) và Vebrary (Lạc Việt), phần mềm Trương Bá Hà, phần mềm Greenstone), tăng tín chỉ các môn: Sử dụng trang thiết bị thư viện, Khai thác mạng thông tin hiện đại, Tra cứu thông tin… Song song với quá trình đào tạo, sinh viên thường xuyên được tham dự các buổi tọa đàm, semina, hội thảo do cán bộ giảng viên hoặc các tổ chức, hiệp hội thư viện liên kết tổ chức để có thể cập nhật thêm những kiến thức mới về chuyên ngành và thấy được sự phát triển của ngành dưới sự tác động của xã hội công nghệ. Sinh viên có kỹ năng tin học thường sẽ tự tin hơn và được đánh giá cao hơn trong con mắt nhà tuyển dụng. Nhìn chung, có kỹ năng về tin học không chỉ giúp các sinh viên cao đẳng TT-TV hỗ trợ tốt công việc của mình  và đây cũng là một kỹ năng không thể thiếu của bất cứ một sinh viên chuyên ngành nào trong hành trang xin việc của mình.

Bên cạnh đó thì khả năng ngoại ngữ là một yếu tố vô cùng cần thiết, biết thêm một ngoại ngữ là tăng khả năng tiếp cận thêm một khối lượng kiến thức mới. Đối với sinh viên cao đẳng TT-TV, cơ sở tuyển dụng sẽ đòi hỏi cao ở họ khả năng tra cứu, tìm kiếm thông tin. Trên thực tế việc tìm kiếm thông tin rất đa dạng và phong phú, có thể áp dụng nhiều hình thức tìm kiếm từ truyền thống, bán tự động, tự động hóa đến tìm tin trên mạng đều đòi hỏi người tìm tin có một kiến thức nhất định về ngoại ngữ. Một ví dụ điển hình như trong quá trình tìm tin trên mạng Internet, chưa kể đến nội dung thông tin tìm kiếm mà chỉ cần nhìn qua các máy tìm tin (Search Engine), hầu hết các phiên bản máy tìm tin trên mạng như: Google, Altavista, Bing, Yahoo, Search… đều có giao diện tìm kiếm chính là tiếng Anh, và để có thể sử dụng hiệu quả cho công cuộc tìm tin chúng ta cần có vốn ngoại ngữ nhất định để hiểu về các chức năng của phần mềm. Tất nhiên cũng có một số máy tìm tin hỗ trợ giao diện tìm kiếm thông tin bằng tiếng Việt hay các máy tìm tin của Việt Nam: Panvietnam, Vinaseek, Bamboo, Timnhanh… tuy nhiên việc sử dụng giao diện ngôn ngữ tiếng Việt hay các máy tìm tin của Việt Nam sẽ có rất nhiều hạn chế so với giao diện bằng ngôn ngữ chính do các nhà viết phần mềm biên soạn và khả năng truy xuất thông tin cũng kém hơn. Ví dụ: Một số toán tử và thủ thuật tìm kiếm thông tin trên Google chỉ áp dụng cho ngôn ngữ tiếng Anh như các thủ thuật: define:keyword (tìm định nghĩa của một từ), “X [units] in/to [units]” (chuyển đổi đơn vị),… Vì vậy có khả năng về ngoại ngữ sẽ không những giúp sinh viên tiếp cận được nguồn tin phong phú hơn và nhiều nguồn tin có chất lượng cao hơn mà đây còn là yếu tố vô cùng cần thiết đối với một chuyên gia tìm kiếm và phân tích thông tin. Hơn nữa, các kho sách ở thư viện thường có một lượng sách ngoại văn nhất định, và để có thể hiểu kho sách cũng như làm tốt nghiệp vụ thư viện của mình, cán bộ thư viện phải có kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành để xử lý nghiệp vụ đối với cuốn sách ngoại văn. Như vậy kỹ năng ngoại ngữ là yếu tố mà sinh viên cao đẳng TT-TV cần cân nhắc trong hồ sơ xin việc của mình.

Tự tin, không tự ti

Kỹ năng tự tin vào bản thân mình là kỹ năng sống không phải tự nhiên mà có được. Nó được hình thành thông qua quá trình đào tạo và chắt lọc các kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại trong cuộc sống. Để rèn luyện được kỹ năng này, sinh viên cao đẳng TT-TV phải không ngừng học hỏi, nhận biết được khả năng và năng lực thực sự của mình cũng như khả năng đáp ứng công việc mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Khi đã làm chủ được kiến thức của mình, sinh viên cao đẳng đừng để mình bị từ chối vì lý do bằng cấp. Có thể xin làm thử việc không lương trong một thời gian, hãy chấp nhận những thử thách khó khăn hơn với điều kiện tuyển dụng để thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự say mê với công việc. Khi đã được chấp nhận và giao việc phải cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc nhất bằng khả năng của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất, sẵn sàng chịu  được mọi áp lực công việc. Phải biết cách tận dụng những cơ hội để thể hiện những kiến thức mà mình có và để đạt được mục tiêu cuối cùng là công việc như ý muốn bằng cách luôn hoàn thiện những phẩm chất và năng lực cá nhân.

Cam kết với nhà tuyển dụng

Sinh viên cao đẳng ngành TT-TV muốn nhanh chóng có việc làm khi đã nộp hồ sơ dự tuyển cần biết cách cam kết với nhà tuyển dụng rằng mình sẽ hoàn thiện bằng cấp cho phù hợp với yêu cầu công việc. Ví dụ như: tham gia các khóa học ngắn hạn và dài hạn về nghiệp vụ thư viện, học liên thông nâng cao trình độ khi có điều kiện thuận lợi. Việc cam kết này không phải do bản thân tự ti với bằng cấp của mình mà để nhà tuyển dụng nhìn nhận được sự cầu tiến, tự trọng, ham học hỏi và tâm huyết của sinh viên trong công việc. Việc cam kết này thể hiện quyết tâm và mong muốn có được công việc của sinh viên – Đây cũng là một yếu tố cần thiết để được nhà tuyển dụng chú ý.

Yêu nghề

Yêu nghề không phải là một kỹ năng bởi yêu nghề phải xuất phát từ bên trong con người của mỗi sinh viên cao đẳng ngành TT-TV. Không cần rèn luyện để yêu nghề, cái mà sinh viên cần là phải nhìn nhận đúng đắn về công việc đang học và sẽ làm trong tương lai, có những ý tưởng mới để phát triển và mở rộng khả năng ngành nghề, đưa nghề Thư viện tới gần cuộc sống hơn, làm cho người xung quanh nhận biết và hiểu đúng giá trị đích thực của công việc mà sinh viên đang theo đuổi. Đơn giản có thể thấy những ý tưởng về thư viện trong cuộc sống: cà phê sách, thư viện lưu động, thư viện phục vụ người khiếm thị, thư viện bệnh viện… Những hình thức thư viện tưởng chừng như rất khó để hiện thực hóa nếu không có những con người tâm huyết thực sự với nghề. Công việc chỉ đơn điệu và nhàm chán khi chính bản thân người làm không muốn nó trở nên sôi động hơn. Chỉ khi yêu nghề, sinh viên mới tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của công việc. Các sinh viên cao đẳng TT-TV cần đọc những tâm sự của những người đã và đang làm công tác thư viện trên các tạp chí, nội san chuyên ngành để thấy được những cảm nhận của họ về nghề ng hiệp và định hướng đúng đắn cho một công việc trong tương lai của mình. Đây cũng là vấn đề mấu chốt nhất khi muốn tìm một công việc phù hợp, ổn định và sáng tạo. Hãy gạt bỏ đi những định kiến về nghề nghiệp bên ngoài; hãy cố gắng phấn đấu vì sự nghiệp thư viện. Biết nhìn nhận bản chất công việc, biết giữ và truyền lửa cho thế hệ kế tiếp. Đã có câu nói: “Nếu mình không phụ nghề thì nghề chẳng phụ mình”, thật vậy, cơ hội sẽ đến với những người biết trân trọng, gìn giữ và nâng niu những gì mình đang có.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và cơ hội là do bản thân mỗi chúng ta tạo ra trên nền tảng và cơ sở tri thức. Chính vì vậy, sinh viên TT-TV nói chung và sinh viên hệ cao đẳng TT-TV nói riêng hãy biết tận dụng những thuận lợi để vượt qua những khó khăn để chiếm lĩnh cơ hội việc làm như ý muốn.

Tài liệu tham khảo

1. Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngành thông tin - thư viện trong xã hội thông tin // Kỷ yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 33 năm đào tạo của ngành và 10 năm trở thành đơn vị độc lập của trường ĐHKHXH&NV.- 2006. - 391tr.

2. Nguyễn Tiến Hiển. Đào tạo nguồn nhân lực thư viện – thông tin trong bối cảnh xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức // Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa. - 2012. - Số 6.

3. Nguyễn Minh Hiệp. Đào tạo nguồn nhân lực thông tin – thư viện hiện nay có đáp  ứng nhu cầu của xã hội hay không? // Bản tin Thư viện ĐHKHTNHCM. - 4tr.

4. Huỳnh Phú Thịnh. Kỹ năng tìm việc làm: Tài liệu phục vụ chuyên đề rèn luyện kĩ năng xin việc cho sinh viên mới ra trường // Dự án P.H.E Đại học An Giang, 2007. - 76tr.

5. http://hosa.org/sites/default/files/Job-seeking-skills.pdf. Truy cập 01/2013.

6. http://kiemviec.com/en/nha-tuyen-dung/camnang/sai-lam-cua-sinh-vien-khi-tim-viec.35A4EBCD.html. Truy cập ngày 18/01/2013.

7. http://vietnamlib.net/forum/Thread-nghe-thu-vien-o-viet-nam-se-di-den-dau-519. Truy cập ngày 18/01/2013.

__________

ThS. Bùi Thị Thanh Diệu

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 6. - Tr. 28-32,51.


Đọc thêm cùng chuyên mục: