Cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ - thông tin tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam

E-mail Print

Đặt vấn đề

Hệ thống thông tin - thư viện phục vụ công tác đào tạo tại các trường đại học (ĐH) khối kỹ thuật hiện nay hoạt động không hiệu quả, mạnh ai người nấy làm, không có cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin, không dùng chung phần mềm quản trị thư viện cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giữa thư viện các trường. Do vậy dẫn đến tình trạng không kiểm soát được thông tin, trùng lặp thông tin, lãng phí kinh phí. Trong bài báo này, tác giả nghiên cứu thực trạng cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống này tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay.

1. Thực trạng cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ - thông tin tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam

Qua khảo sát thống kê của tác giả năm 2012, kết quả nghiên cứu bước đầu về cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ thông tin tại thư viện một số trường đại học khối kỹ thuật trong cả nước được tổng hợp trong các bảng 1; 2; 3.1; 3.2 và 3.3: Trong những năm vừa qua, các thư viện đại học đã chú trọng trong công tác đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là trang thiết bị công nghệ thông tin. Các thư viện đã bước đầu áp dụng CNTT nhằm từng bước  hiện đại hóa công tác thông tin - thư viện như: Mua sắm trang thiết bị tin học; kết nối Internet; thiết lập mạng cục bộ LAN; xây dựng các cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng Intranet và mạng Internet; tăng cường trang thiết bị sao lưu, bảo quản, lưu trữ thông tin... phục vụ người dùng tin. Một số thư viện đại học được nâng cấp nhờ nguồn kinh phí Nhà nước, nhờ vốn vay Ngân hàng thế giới và nhờ tài trợ của nước ngoài. Dự án Giáo dục Đại học 1 đã đầu tư cho thư viện của 25 trường đại học với gần 1/3 tổng số tiền của Dự án (Dự án Giáo dục Đại học 1 có tổng kinh phí dự toán là 103 triệu USD). Một số thư viện đại học được đầu tư lớn như: Thư viện Tạ Quang Bửu được đầu tư 13 triệu USD, Thư viện Đại học Giao thông Vận tải được đầu tư 3,7 triệu USD, Trung tâm Học liệu Đà Nẵng được đầu tư tại cả 2 cơ sở là 9,5 triệu USD...

1.1. Hệ thống cơ sở vật chất tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật

Thư viện các trường đại học khối kỹ thuật có diện tích sử dụng lớn, số lượng chỗ ngồi nhiều. Theo kết quả điều tra, cơ sở vật chất tại thư viện các trường đại học khối kỹ thuật có diện tích khá rộng như: Trung tâm Học liệu Đại học Đà Nẵng gần 8.000m2 và có trụ sở riêng; 5 thư viện có diện tích trên 5.000m2; 3 thư viện có diện tích trên 3.000m2; số thư viện còn lại trên 1.000m2. Số lượng chỗ ngồi ở các thư viện trên 2.000 chỗ gồm 2 thư viện, dưới 1.000 chỗ ngồi gồm có 3 thư viện, số thư viện còn lại cũng có gần 1.000 chỗ ngồi; Trong số 11/16 thư viện có trụ sở riêng, 5 thư viện trụ sở còn chung với các đơn vị khác trong trường (chiếm tỉ lệ 31%) (bảng 1).

alt

Bảng 1: Số liệu cơ sở vật chất tại thư viện các trường năm 2012

1.2. Hệ thống trang thiết bị tại thư viện phục vụ công tác đào tạo trong các trường có sự chênh lệch khá lớn 

Thư viện các trường đều được trang bị máy in, máy chiếu, máy quét, máy ảnh - máy quay số, hệ thống cổng từ để phục vụ cho công tác chuyên môn cũng như công tác quản lý thư viện.

alt

Bảng 2. Sốliệutrang thiết bị tại thư viện các trường ĐH khối kỹ thuật năm 2012

Kết quả khảo sát cho thấy thư viện các trường đều được trang bị các thiết bị hiện đại: 100% các trường đều có máy in, máy quét; Máy chiếu 10/16 thư viện được trang bị (chiếm tỉ lệ 63%), 10 thư viện đã trang bị máy chiếu (chiếm tỉ lệ 63%); Máy quay / máy ảnh: 13/16 thư viện được trang bị thiết bị này (chiếm tỉ lệ 81%). Cổng từ: 9/16 thư viện có cổng từ (chiếm tỉ lệ 56%) (bảng 2).

1.3. Hệ thống mạng máy tính, hệ thống phần mềm thư viện và các trang web riêng tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật

Các thư viện đều đã được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mạnh mẽ, như hệ thống máy chủ, máy trạm, mạng Wireless và phần mềm quản trị thư viện.

Theo số liệu thống kê, chúng ta thấy rằng 14/16 thư viện có máy chủ để quản trị phần mềm thư viện và CSDL (chiếm tỉ lệ 88%); 100% các thư viện có máy trạm phục vụ công tác nghiệp vụ, đọc tài liệu điện tử và tra cứu thông tin cho người dùng tin (ví dụ Trung tâm Học liệu ĐH Đà Nẵng 500 máy trạm, thư viện ĐH Công nghiệp Tp. HCM 230 máy trạm; Ngoài hệ thống mạng cáp quang, 14/16 thư viện được đầu tư trang bị mạng Wireless nhằm thuận tiện cho việc tra cứu thông tin trong khuôn viên của thư viện (chiếm tỉ lệ 88%) (bảng 3.1).

alt

Bảng 3.1. Số liệu các máy chủ, máy trạm, mạng không dây và tên phần mềm thư viện năm 2012

Hệ thống phần mềm thư viện: Phần mềm thư viện được 100% các trường ứng dụng nhưng không đồng nhất, hầu hết các thư viện dùng phần mềm khác nhau như phần mềm Ilib, Libol, VTLS, Kipos hoặc phần mềm Library Information System... do kinh phí đầu tư và dự án của mỗi trường khác nhau. Có thư viện quản trị tài liệu số hóa bằng phần mềm Greenstone, Dspace... nên chưa có sự thống nhất về phần mềm quản trị để chia sẻ dữ liệu, cụ thể trong bảng 3.2

alt

Bảng 3.2. Các phần mềm và tỉ lệ% các phần mềm thư viện đang sử dụng

Có thể thấy rằng 16 thư viện sử dụng 9 phần mềm khác nhau như Ilib, WINIS, Vebrary, Kipos, Dspace, zLIS, LIS. Trong đó phần mềm VTLS được 2 thư viện sử dụng chiếm 13%, phần mềm được lựa chọn nhiều nhất là Libol có 7 thư viện sử dụng (chiếm tỉ lệ 44%).

alt

Biểu đồ các phần mềm và tỉ lệ% các phần mềm thư viện đang sử dụng

Hệ thống mạng: Tất cả các thư viện đều được đầu tư cơ sở hạ tầng mạng hiện đại: Mạng LAN, WAN, mạng Internet và hệ thống mạng Wireless. Thư viện các trường đại học hầu hết đã xây dựng trang web để phục vụ việc tra cứu thông tin cho người dùng tin ở trong và ngoài trường, cụ thể (bảng 3.3):

alt

Bảng 3.3. Danh sách các Website thư viện các trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam được khảo sát năm 2012

Qua khảo sát thực tế tại các thư viện 15/16 thư viện đã có trang web (chiếm tỉ lệ 94%), 1 thư viện đang tiến hành xây dựng trang web (chiếm tỉ lệ 6%).

1.4. Nhận xét về cơ sở vật chất - hạ tầng công nghệ thông tin tại thư viện các trường đại học khối kỹ thuật

- Kết quả đạt được

Trong thời gian qua, tại thư viện các trường đại học khối kỹ thuật được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau trong việc triển khai ứng dụng CNTT và truyền thông rất mạnh mẽ, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu người dùng tin trong trường đại học nhằm phục vụ công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

+ 100% các trường đều có hoạt động thông tin - thư viện.

+ Hầu hết các trường đại học đều hiểu được vai trò, tầm quan trọng của thông tin trong việc phục vụ công tác đào tạo.

+ 100% các trường đều sử dụng Internet để phục vụ công tác, tìm kiếm thông tin và trao đổi email.

+ Các trường đều đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin... cho hoạt động thông tin - thư viện đồng bộ và hiện đại.

- Những mặt hạn chế

+ Nhiều thư viện cơ sở vật chất còn chật hẹp và trang thiết bị cũ, vẫn còn nhiều thư viện sử dụng trụ sở chung.

+ Trang web của các thư viện tuy phát huy tốt vai trò là nhà cung cấp và tư vấn thông tin cho người dùng tin, song vẫn có nhiều trang web sơ sài cả hình thức lẫn nội dung, CSDL nghèo nàn, ngôn ngữ đơn thuần là tiếng Việt, thông tin không được cập nhật thường xuyên, phương thức hoạt động dường như độc lập, chưa có sự liên kết xây dựng và khai thác thông tin, chưa tạo đường link đến các địa chỉ khác hoặc có mà không liên kết được…

+ Về cơ sở hạ tầng thông tin: Bước đầu được chú trọng nhưng chưa đáp ứng được những đòi hỏi hiện tại, có thư viện chưa có trang web riêng, không có cán bộ chuyên trách về thông tin và quản trị hệ thống thông tin.

+ Mặc dù có nhiều đơn vị đã triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ web phục vụ công tác đào tạo của các trường, nhưng việc lựa chọn các công nghệ, phần mềm ứng dụng giữa các đơn vị không đồng nhất, hệ thống máy tính, hệ thống mạng cũ chưa đồng bộ, tốc độ chậm, chưa theo một chuẩn chung, còn trùng lặp, chồng chéo, chưa có CSDL dùng chung cho toàn khối.

Ví dụ, trong 16 thư viện đại học sử dụng phần mềm quản trị thư viện không thống nhất: 2 thư viện dùng phần mềm thư viện VTLS, 1 Ilib, 1 Winis, 1 Vebrary, 7 Libol...

+ Nhiều thư viện chưa sử dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện, chuẩn công nghệ thông tin, chuẩn trao đổi dữ liệu, chuẩn về giao thức mạng và chưa có sự liên kết chia sẻ hạ tầng CNTT…

2. Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại thư viện trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam

Từ thực tiễn phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy phát triển cơ sở vật chất - hạ tầng CNTT tại thư viện các trường đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết. Muốn triển khai tốt chương trình này tại thư viện các trường đại học, cần có sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Ban giám hiệu các trường đại học và Giám đốc các thư viện.

Để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - hạ tầng CNTT, các trang web và phần mềm thư viện, các thư viện đại học khối kỹ thuật ở Việt Nam cần triển khai một số giải pháp sau:

- Về cơ sở vật chất: Mở rộng diện tích và tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại tại thư viện các trường. Thư viện phải trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, phải tạo được sự hấp dẫn đối với giảng viên và sinh viên bởi tính chuyên dụng, tiện nghi và mỹ quan.

- Về cở sở hạ tầng công nghệ thông tin: Các thư viện cần được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ nhằm chia sẻ dữ liệu lẫn nhau. Tập trung đầu tư máy tính, thiết bị tin học và đặc biệt là phần mềm quản trị thư viện tích hợp cho thư viện đại học để xây dựng bộ phận thu thập số liệu ban đầu ở các trường đủ mạnh.

- Các thư viện cần đầu tư xây dựng và nâng cấp trang web thư viện để cung cấp thông tin cho người dùng tin trong và ngoài trường khai thác tài nguyên thông tin cũng như quảng bá hình ảnh thư viện.

- Về nhân sự

+ Các thư viện cần phải có cán bộ chuyên trách về CNTT và quản trị hệ thống, đội ngũ này có nhiệm vụ lập trình và phân tích hệ thống, xây dựng chương trình, xử lý dữ liệu tự động hóa. Thiết kế và tổ chức lưu trữ, sao lưu dữ liệu và cung cấp thông tin.

+ Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin ở các thư viện trường đại học. Đội ngũ cán bộ thông tin cần được đào tạo, bồi dưỡng và phải có năng lực làm việc trong lĩnh vực thông tin: Biết cách thu thập, xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin, biên tập thông tin phục vụ cho người dùng tin, có kiến thức tin học, sử dụng thành thạo máy tính để có thể trao đổi thông tin trên mạng trong nước và quốc tế. Việc chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin là cần thiết ở các thư viện đại học hiện nay.

- Triệt để khai thác và phối hợp với các trung tâm CNTT Quốc gia trong việc xây dựng mạng thông tin trong nước, khai thác sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (World bank), ADB, các dự án giáo dục đại học có tài trợ nước ngoài…

- Xây dựng cơ chế: Thống nhất, chuẩn hóa, hợp tác chia sẻ và hội nhập trong phát triển hệ thống thông tin - thư viện phục vụ công tác đào tạo đại học khối kỹ thuật, trong đó hợp tác chia sẻ thông tin và hội nhập là điều kiện tiên quyết không thể thiếu được. Đây là điều tất yếu bởi giáo dục đại học không thể tách rời khỏi sự phát triển của chính trị, kinh tế và xã hội. Việc hợp tác giữa các thư viện đại học khối kỹ thuật hoặc các cơ quan thông tin khác nhau và các cơ quan liên quan sẽ hạn chế tình trạng lãng phí kinh phí, thiếu, thừa và trùng lặp thông tin.

Kết luận

Tóm lại, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động thông tin - thư viện chắc chắn sẽ đem lại lợi ích và thành công cho mỗi thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện đại học khối kỹ thuật với sự đa dạng về thành phần bạn đọc, nhu cầu, yêu cầu tin. Để các thư viện đại học đổi mới hình ảnh của mình bằng việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của ngành giáo dục và ngành thư viện với việc  tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, trang web và phần mềm thư viện cho các thư viện đại học khối kỹ thuật hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 29/2001/CT-BGDĐT về "Tăng cường giảng dạy, đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, giai đoạn 2001-2005".

2. Vũ Bích Ngân. Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học // Tạp chí Giáo dục, 2009. - Số 2. - Tr. 7-9.

3. Azizi. Activity - based management in higher education: can it work? http://www.sas.com/offices/asiapacific/malaysia/academic/2007-sum-paper/Azzi.pdf.

4. Ceynowa. Activity - based cost management in academic libraries - a project of the German research association // Performance Measurement and Metrics. - 2000. - Vol.1, No.2. - p. 00-114.

________

ThS. Đỗ Tiến Vượng

Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 5. - Tr. 26-32.


Đọc thêm cùng chuyên mục: