Phổ biến thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi thông qua các dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ

E-mail Print

Từ vài thập kỷ qua, cùng với hai yếu tố “năng lượng” và “nguyên liệu”, thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được coi là tiềm năng thứ 3 – một tiềm năng đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển mọi hoạt động xã hội của con người. Thông tin KH&CN được xem là hàng hoá đặc biệt, khi được sử dụng chúng không những không mất đi mà ngược lại càng sử dụng giá trị của chúng càng được nhân lên và hiệu quả mà chúng mang lại càng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay người ta coi thông tin KH&CN là yếu tố nền tảng của kinh tế tri thức. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông trong thập kỷ gần đây đã tác động sâu sắc đến hoạt động thông tin KH&CN, đưa thế giới từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự hội tụ giữa thông tin - viễn thông – tin học là một xu hướng quan trọng trong xu thế phát triển hoạt động thông tin nói chung và thông tin KH&CN nói riêng trên toàn cầu. Đầu tư cho thông tin KH&CN từ chỗ được coi là đầu tư cho phúc lợi xã hội chuyển thành đầu tư cho sự phát triển.

1. Các dịch vụ thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi

Ở Việt Nam, hoạt động thông tin KH&CN bắt đầu được hình thành từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, và đến nay, cùng với hoạt động thư viện đã tạo thành Hệ thống thông tin KH&CN Quốc gia. Mạng lưới bao gồm các cấp sau (Nguồn: http://vista.gov.vn, năm 2012):

- Cục Thông tin KH&CN Quốc gia: là cơ quan đầu mối liên kết trung tâm của Mạng lưới các tổ chức dịch vụ thông tin KH&CN;

- 44 cơ quan thông tin KH&CN cấp Bộ, ngành, trong đó hầu hết được tổ chức với quy mô là Viện, Trung tâm Thông tin KH&CN;

- 63 cơ quan thông tin KH&CN cấp tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, trong đó có 36 Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN và 25 Phòng Thông tin KH&CN, 3 Bộ phận thông tin thuộc các Sở KH&CN;

- Hơn 400 cơ quan thông tin - thư viện KH&CN cơ sở tại các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện; Hàng chục trung tâm thông tin KH&CN tại các công ty;

Theo Điều 2, Chương I, Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin và công nghệ, thuật ngữ “Thông tin KH&CN” được hiểu như sau: “Thông tin KH&CN là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện, tin tức, tri thức KH&CN (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn) được tạo lập, quản lý và sử dụng nhằm mục đích cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước hoặc đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong xã hội” [1]. Trong hoạt động thực tiễn, thuật ngữ “Thông tin KH&CN” thường được sử dụng và hiểu như một khái niệm tổng hợp đặc trưng cho thông tin khoa học, thông tin kỹ thuật, thông tin công nghệ và được dùng để phân biệt với các loại hình thông tin khác như: Thông tin văn hóa nghệ thuật, thông tin y tế, thông tin giáo dục… Nhận thức rõ vai trò quan trọng mang tính quyết định đến việc phát triển lực lượng sản xuất và tiến bộ xã hội của KH&CN tới quá trình phát triển của đất nước, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, quyết định, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động KH&CN phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của nông thôn, miền núi, đặc biệt với vùng sâu, vùng xa nhằm làm cho các vùng này mau chóng tiến kịp với đà phát triển chung của cả nước. Nhưng làm thế nào để các sản phẩm, hoạt động thông tin KH&CN đến được các địa bàn nông thôn, miền núi? Câu hỏi này đã đặt ra cho hoạt động thông tin KH&CN nhiều vấn đề trăn trở. Trước thực trạng trên, việc triển khai đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thông tin KH&CN đòi hỏi phải có tính linh động, mềm dẻo và phù hợp hơn, thúc đẩy mạnh hơn nữa dòng tin KH&CN đến với các địa bàn nông thôn, miền núi trên tất cả các địa phương trong cả nước. Dịch vụ thông tin KH&CN được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau: Phổ biến thông tin chọn lọc, cung cấp tài liệu, phân tích, tổng hợp thông tin KH&CN theo chuyên đề; Cung cấp bản sao, bản dịch tài liệu, dữ liệu về KH&CN; Tra cứu và cung cấp thông tin KH&CN trên mạng, tổ chức triển lãm, chợ công nghệ và thiết bị; Các hình thức dịch vụ khác do pháp luật quy định [1]. Qua tìm hiểu, có một số dịch vụ thông tin KH&CN triển khai tại địa bàn nông thôn, miền núi Việt Nam đã và đang thu được những kết quả tích cực như sau:

1.1. Dịch vụ thông tin KH&CN bằng ấn phẩm

Dịch vụ thông tin KH&CN thông qua ấn phẩm thông tin như: Thông tin KH&CN định kì, thông tin chuyên đề, tờ rơi, tờ bướm, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, nông lịch... được biên soạn và gửi đến các địa bàn tham gia dịch vụ. Các ấn phẩm này có nội dung phong phú, nhiều chuyên mục gắn với đời sống sản xuất tại địa phương. Sau nhiều năm triển khai, hình thức ngày càng cải thiện và hấp dẫn hơn. Trong đó có một dạng đặc thù cần được triển khai rộng rãi là “Bản tin điện tử”. Trên mạng http://vista.gov.vn của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã có nhiều Bản tin điện tử có chất lượng cao, trong số 6 “Bản tin điện tử” do Cục xây dựng, thì đáng chú ý là Bản tin điện tử “Nông thôn đổi mới”, phát hành 2 tuần/số, có nội dung đáp ứng yêu cầu tin của địa bàn nông thôn, miền núi. Ngoài ra, hiện nay tại các Sở Khoa học Công nghệ ở mỗi địa phương đều có nhiều hình thức ấn phẩm thông tin, phổ biến là:

- Thông tin KH&CN (nhiều nơi gọi là Tập san). Đây là ấn phẩm chính, ra đều đặn của các cơ quan thông tin địa phương. Định kỳ xuất bản thường là hàng quý, hai tháng hoặc hàng tháng. Hình thức thông tin chủ yếu trong ấn phẩm này là các bài viết ngắn, các bài tóm tắt chọn lọc, tin ngắn, hướng dẫn kỹ thuật…

- Bản tin chọn lọc - thường là ấn phẩm định kỳ (hàng tuần, hàng tháng, 2 số/tháng). Tuy nhiên, cũng có địa phương xuất bản không định kỳ. Ấn phẩm này được in khổ nhỏ, số lượng hạn chế (thường là vài trăm, có khi vài chục bản), chủ yếu phục vụ cho lãnh đạo các ban/ngành của tỉnh, cũng có nơi đưa xuống tuyến huyện.

- Thông tin chuyên đề/tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thường là ấn phẩm không định kỳ, mỗi lần xuất bản chuyên về một vấn đề, một đối tượng.  Ví dụ cây trồng, vật nuôi…

Ngoài những ấn phẩm nêu trên, hầu hết các cơ quan thông tin địa phương đều phát hành các tờ rơi, bướm tin; nông lịch; tài liệu biên dịch, tóm lược…

Qua khảo sát hoạt động thông tin KH&CN của các địa phương cho thấy: hình thức thông tin bằng ấn phẩm được duy trì khá tốt và vẫn phát huy được tác dụng, được đông đảo người dùng  đánh giá là thiết thực, nhiều người đã quen dùng (không thể thiếu), hình thức thông tin dễ sử dụng, mức độ cập nhật thông tin cao, chi phí tương đối thấp, phạm vi phổ biến rộng. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các ấn phẩm thông tin địa phương vẫn phải bao cấp (gửi biếu nhiều, thu không đủ chi). Đồng thời hình thức này vẫn có những nhược điểm dẫn tới hạn chế hiệu quả phục vụ. Những nhược điểm đó là: Định kỳ thưa (đưa tin chậm), số lượng tin hạn chế; Thông tin được xử lý, tổng hợp ở mức độ cao chưa nhiều. Trong hầu hết ấn phẩm mức độ xử lý tin chưa sâu, chưa có nhiều thông tin mang tính tư vấn, đề xuất, phản biện, ít số liệu thống kê phân tích. Hiện tại một số cơ quan thông tin địa phương đã xuất bản bản tin điện tử hoặc đưa tin dưới cả hai hình thức. Tuy nhiên, số lượng các cơ quan thông tin địa phương có bản tin điện tử còn ít (chỉ chiếm khoảng 15%).

1.2. Dịch vụ thông tin KH&CN bằng sách gửi tới địa phương, cơ sở

Áp dụng hình thức thông tin truyền thống, Cục Thông tin KH&CN đã tiến hành xây dựng kho tin gồm kho tài liệu gốc và Bộ máy tra cứu tin. Các sách gửi về có nội dung từ đơn giản đến chuyên sâu và được sắp xếp theo khung phân loại trực tuyến Dewey (DDC).

Ưu điểm của hình thức này là bạn đọc dễ tiếp nhận thông tin mà không cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ hiện đại; có thể sử dụng tài liệu trong thời gian dài và chuyền tay nhau (cho mượn) một cách dễ dàng; độ chính xác của những thông tin được cung cấp cao. Sách được gửi là những sách được phát hành trên thị trường có nội dung phù hợp với nhu cầu tin của địa bàn và có những sách được các cơ quan, trung tâm thông tin KH&CN Trung ương hoặc địa phương biên soạn theo nhu cầu tin của địa bàn tham gia dịch vụ.

Hạn chế của hình thức dịch vụ thông tin này là kinh phí lớn và khả năng nhân bản không cao. Ở mỗi điểm phải xây dựng kho tin, xây dựng bộ máy tra cứu và phải gửi sách về từng địa bàn. Tuy có hạn chế như vậy nhưng hình thức thông tin này vẫn được các cơ quan, trung tâm thông tin KH&CN tiếp tục duy trì do đặc điểm của địa bàn nông thôn, miền núi nước ta hiện nay chưa trang bị được đầy đủ các thiết bị kĩ thuật cũng như người dân không phải ai cũng hiểu và sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật hiện đại.

1.3. Dịch vụ thông tin KH&CN thông qua đĩa CD-ROM, phim khoa học

Thông tin được bao gói trên các đĩa CD-ROM, các đĩa mềm, ổ cứng và được gửi trực tiếp về các địa bàn tham gia dịch vụ. Là hình thức thông tin đa phương tiện, có ưu điểm là tiết kiệm kinh phí; dễ dàng trong việc gửi và nhận, dễ nhân rộng. Các thông tin được trình bày có kèm theo cả hình ảnh và âm thanh minh họa nên dễ hiểu, dễ tiếp thu, tính cập nhật cao. Tuy nhiên, để tiếp cận được các thông tin đó thì cần phải có phương tiện kỹ thuật để đọc nên khả năng sử dụng của người dân có phần hạn chế.

Tuy vậy, đây vẫn là hình thức thông tin có khả năng nhân rộng nhất, phù hợp với nhiều địa bàn tham gia dịch vụ là hình thức được đặc biệt chú trọng và áp dụng cho tất cả các địa bàn tham gia dịch vụ.

1.4. Dịch vụ thông tin KH&CN qua các hình thức trực quan

Dịch vụ này được triển khai bằng cách tổ chức các hội thảo, tập huấn kỹ thuật, trình diễn trực quan tại hiện trường, tổ chức báo cáo điển hình, câu lạc bộ nhà nông, triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, tạo các poster... để cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm cho nông dân. Tùy đặc điểm mỗi địa bàn mà lựa chọn những hình thức phù hợp nhằm đưa thông tin KH&CN đến với nông thôn, miền núi. Ví dụ, tổ chức Chợ công  nghệ thiết bị (Techmart); Hội chợ nông nghiệp…

Ưu điểm nổi bật của hình thức này là người dùng tin dễ nắm bắt được các nội dung thông tin được chuyển giao. Qua quan sát thực tế họ có thể học hỏi, thực hành và có thắc mắc thì họ có thể trao đổi trực tiếp. Qua một cuộc hội thảo, trình diễn... những thông tin KH&CN có thể phổ biến đến đông đảo người dùng tin và mang lại hiệu quả cao. Đây là hình thức có khả năng nhân rộng đến các địa bàn khác của dịch vụ.

Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là phải cử chuyên gia xuống tận địa bàn để phổ biến; tốn thời gian tổ chức, tập hợp các đối tượng tham gia. Một cuộc hội thảo, trình diễn như những cuộc hội thảo đầu bờ... được tổ chức phải mất thời gian chuẩn bị, thông báo cho các đối tượng tham gia, số lượng người dự hạn chế và phải mất thời gian tổ chức thực hiện mà không thể tranh thủ đọc hoặc xem vào buổi tối như những hình thức khác.

1.5. Dịch vụ cung cấp thông tin KH&CN qua các trang web

Qua các trang web, cổng thông tin điện tử, thông tin KH&CN được cung cấp phục vụ chung cho tất cả các đối tượng người dùng tin. Thông tin được cập nhật liên tục, tra cứu được nhiều lĩnh vực khác nhau, người dùng tin tự truy cập thông tin mà không cần qua các bộ phận trung gian. Nhưng để truy cập được các trang web, yêu cầu phải có máy tính, modem và địa chỉ thuê bao hoặc có thẻ truy cập nên chi phí tương đối cao. Người dùng tin phải hiểu một số công nghệ, có khả năng sử dụng máy tính. Hình thức này còn có nhược điểm là các thông tin có độ tin cậy chưa cao, có thể bị sai lạc do nhiều nguyên nhân.

1.6. Dịch vụ thông tin KH&CN qua các phương tiện thông tin đại chúng

Hình thức này được tổ chức thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình địa phương để cung cấp thông tin KH&CN xuống các địa bàn như: Xây dựng các phim video về KH&CN (về kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giới thiệu những mô hình làm ăn giỏi ở địa phương...); Tìm, sao, nhân bản để phát các phim KH&CN trên Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương cũng như phục vụ các đối tượng có yêu cầu; Xây dựng các trang, mục KH&CN ổn định trên báo, đài địa phương; Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư của tỉnh để tuyên truyền và đưa tiến bộ kỹ thuật vào cuộc sống trên địa bàn của tỉnh.

Qua hình thức này thông tin được phổ biến rộng rãi, thường xuyên và chi phí không cao. Tuy mức độ có khác nhau, nhưng tất cả các cơ quan thông tin KH&CN địa phương đều kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương và Trung ương để tiến hành tuyên truyền KH&CN, làm cầu nối đưa tiến bộ KH&CN vào đời sống. Theo tổng kết của các cơ quan thông tin KH&CN địa phương, hình thức này luôn được đánh giá là phù hợp, hữu hiệu và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhưng hạn chế lớn nhất là người dân không được trực tiếp đọc và thực hành, đôi khi chỉ nghe hoặc xem một lần thì họ khó áp dụng vào thực tế.

1.7. Mô hình bưu điện văn hóa xã – hoạt động thông tin hiện đại, điển hình đưa thông tin KH&CN đến gần hơn với khu vực nông thôn, miền núi

Ngày nay các dịch vụ thông tin được cung cấp qua hệ thống viễn thông hiện đại như: Internet, điện thoại cố định, điện thoại di động… đã trở nên không còn xa lạ đối với đại đa số những người đang sống và lao động tại các khu vực thành thị. Tuy nhiên, đối với khu vực nông thôn, miền núi sự “nghèo đói” về thông tin đặc biệt là thông tin KH&CN vẫn là một thực trạng phổ biến. Thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa nông thôn, ngành Bưu chính - Viễn thông trước đây (nay là ngành Thông tin và Truyền thông) đã xây dựng mô hình điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐVHX) có phương thức hoạt động kết hợp giữa dịch vụ Bưu chính - Viễn thông với việc phổ biến thông tin văn hóa xã hội tới các tầng lớp dân cư ở nông thôn trong đó đối tượng phục vụ nông dân là chủ yếu. Điểm BĐVHX được xây dựng ở những xã chưa có bưu cục phục vụ, ở các xã vùng sâu, vùng xa nhằm cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, phổ cập và phục vụ người dân đọc sách, báo miễn phí. Điểm BĐVHX đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng thụ các lợi ích của dịch vụ bưu chính, viễn thông; kích thích nhu cầu sử dụng thông tin, phục vụ phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được cái mới, tạo điều kiện cho xu thế Chính phủ điện tử, dịch vụ từ xa phát triển trong tương lai.

Điểm BĐVHX ra đời là phù hợp với việc phát triển nền kinh tế và đời sống văn hóa xã hội ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội mà điểm BĐVHX mang lại là rất lớn. Đáp ứng được nhu cầu bước đầu cho các đối tượng, các tầng lớp nhân dân ở nông thôn về giao lưu tình cảm, tìm hiểu khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đây có thể coi là một nét đặc thù của hoạt động thư viện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mong muốn sẽ góp phần nâng cao dân trí, giáo dục phổ thông và xây dựng một “xã hội đọc” trong thời kỳ mới. Ngày 04/02/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin – Truyền thông đã tổ chức lễ ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin – Truyền thông giai đoạn 2013 – 2020” nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ thông tin tại các điểm BĐVHX, đưa thông tin tới gần hơn với đồng bào nông thôn, miền núi.

2. Định hướng phát triển các dịch vụ thông tin KH&CN phục vụ nông thôn, miền núi

Có thể thấy phát triển các dịch vụ thông tin KH&CN là tăng cường phổ biến kiến thức khoa học, cung cấp thông tin và chuyển giao công nghệ cho khu vực nông thôn, miền núi. Dịch vụ thông tin KH&CN được triển khai đã tạo ra sự bình đẳng trong hưởng thụ các phúc lợi xã hội, các tiến bộ của KH&CN và là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với đầu tư và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa. Khẳng định vai trò của thông tin KH&CN trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển an ninh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng và kinh tế-xã hội (KT-XH). Thông qua các dịch vụ thông tin KH&CN, đồng bào khu vực nông thôn, miền núi có được nguồn thông tin hiện đại, thiết yếu, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đổi mới nông thôn và nâng cao dân trí.

Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới đã lớn mạnh lên nhiều cả về thế và lực. Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội để đổi mới và phát triển KT-XH nhanh hơn. Tuy nhiên, hoạt động thông tin KH&CN chưa ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp CNH-HĐH và tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Khu vực dịch vụ nói chung, dịch vụ KH&CN nói riêng còn rất yếu và rất thiếu. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin KH&CN phục vụ chuyển giao nhanh và ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, theo hướng:

- Hình thành và phát triển Mạng thông tin KH&CN nông thôn, miền núi hoạt động trên quy mô toàn quốc. Đây là vấn đề quan trọng đầu tiên phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện để có thể tạo ra một hệ thống thông tin KH&CN thống nhất, có sự điều hành, quản lý chặt chẽ từ trên xuống, có sự nhất quán về nội dung thông tin. Khi đã xây dựng được cơ cấu mạng lưới thông tin KH&CN hoàn chỉnh thì các dịch vụ thông tin KH&CN, các dòng tin (Trung ương -Địa phương; Địa phương -Trung ương; Địa phương -Địa phương) sẽ được trao đổi, lưu thông dễ dàng và thuận tiện hơn.

- Xây dựng và phát triển mô hình phổ biến tri thức khoa học và thông tin chuyển giao công nghệ tuyến quận, huyện. Hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại cơ sở (xã, phường). Trong vấn đề này cần đặc biệt chú ý tới việc triển khai các mô hình thí điểm, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình cung cấp thông tin KH&CN và lựa chọn ra một mô hình điển hình, hoạt động hiệu quả để có thể áp dụng và nhân rộng ra các cơ sở, địa phương có cùng chung đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội.

- Tăng cường hơn nữa chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN phục vụ địa bàn nông thôn, miền núi. Việc tăng cường chất lượng thông tin này đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia về xử lý thông tin, quan tâm phát triển tiềm lực thông tin phục vụ nông thôn, miền núi, đặc biệt là thông tin số hóa. Bên cạnh đó cần phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ, viễn thông. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ thông tin hiện đại để người dân làm quen dần với những kiến thức mới về công nghệ và xu thế của thời đại. Điều này sẽ mang lại lợi ích thiết thực về năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.

Để thực hiện được định hướng phát triển dịch vụ thông tin KH&CN tới khu vực nông thôn, miền núi như trên cũng cần phải lưu ý tới các vấn đề sau:

- Cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền các cấp tại địa phương nơi có địa bàn được triển khai, đặc biệt là Sở KH&CN địa phương.

- Bám sát yêu cầu thực tế của cư dân địa phương nơi hoạt động được triển khai. Sử dụng Cổng thông tin điện tử và các trang web để phổ biến và triển khai các hoạt động KH&CN nổi bật trong nước và tại địa phương. Thường xuyên cập nhật các thông tin KH&CN mới nhất cho trang Thông tin điện tử của địa phương để người dân có thể nắm bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Có chế độ khuyến khích cho Nhóm cán bộ tham gia dự án và có những chương trình ưu đãi dành riêng cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa.

Tri thức khoa học, thông tin KH&CN sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH và kinh tế tri thức. Dịch vụ về thông tin KH&CN sẽ đóng vai trò khơi dậy, nuôi dưỡng và thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đối với người nghèo, đặc biệt là cư dân vùng nông thôn, miền núi, chính sách của Đảng và Nhà nước cần linh động và hỗ trợ nhiều hơn nữa, cần “cho họ một cái cần câu chứ không phải cho họ con cá”. Như vậy, tăng cường các dịch vụ thông tin KH&CN ở nông thôn, miền núi sẽ làm giảm đi khoảng cách chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển KT-XH, giúp bà con vùng sâu, vùng xa cải thiện cuộc sống. Đây là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ mà các dịch vụ cung cấp thông tin KH&CN tại các tổ chức, trung tâm thông tin cần hướng tới trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. Cao Minh Kiểm. Một số vấn đề về hoạt động thông tin KH&CN trong tình hình mới // Kỷ yếu hội thảo khoa học Thông tin KH&CN ngày nay. - H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

2. Đoàn Phan Tân. Thông tin học. - H.: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

3. Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31-08-2004 của chính phủ Về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.

4. Nguyễn Hữu Hùng. Nghiên cứu xây dựng chính sách quốc gia về thông tin KH&CN trong thời kì hiện đại hóa: Đề tài nghiên cứu cấp Bộ. - H.: Bộ Khoa học công nghệ môi trường, 2000.

5. Nguyễn lân Bàng. Đưa thông tin khoa học và công nghệ vào nông thôn miền núi // Nông thôn đổi mới. - 2004. - Số 29.

6. Nguyễn lân Bàng. Triển khai mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi tại các huyện // Kỷ yếu Hội nghị ngành Thông tin Khoa học và Công nghệ lần thứ V. - H., 2005.

7. Nguyễn Tiến Đức. Bàn về tổ chức và hoạt động thông tin Khoa học và Công nghệ ở địa phương // Tạp chí Thông tin Tư liệu. - 2007. - Số 4.

8. Nguyễn Tiến Đức. Chuyển đổi các tổ chức thông tin KH&CN theo Nghị định 115 của Chính phủ // Tạp chí Thông tin Tư liệu. - 2009. - Số 3.

9. Nguyễn Văn Phú. Thử nhìn lại cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi // Tạp chí Hoạt động Khoa học. - 2001 - Số 8.

10. Phạm Ngọc Sinh. Hoạt động thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa // Tạp chí Thông tin Tư liệu. - 2001.

11. Tạ Bá Hưng. Mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miên núi // Kỷ yếu hoạt động Khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn, miền núi, Bộ Khoa học và công nghệ. - Quy Nhơn, 2004.

12. Thư viện công cộng và bưu điện văn hóa xã trong tầm nhìn mới // Báo Nhân dân điện tử, truy cập tháng 4/2013.

13. http://www.cesti.gov.vn

14. http://nlv.gov.vn

15. http://vista.vn

___________

Bùi Thị Thanh Diệu

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 4. - Tr. 31-36.


Đọc thêm cùng chuyên mục: