Nhu cầu đọc và văn hoá đọc

E-mail Print

Xác định thuật ngữ

Cụm từ “nhu cầu đọc” hiện nay được sử dụng khá nhiều trong các tài liệu về thư viện, thông tin, xuất bản... thậm chí kể cả trong các bài báo phổ cập, in trên các loại báo giấy và báo mạng. Có thể nói khái quát cụm từ đó chỉ hai mức độ của nhu cầu đọc: Nhu cầu đọc của toàn xã hội và nhu cầu đọc của từng cá nhân.

Nhu cầu đọc xã hội thường được đề cập nhiều trong ngành xuất bản. Nhu cầu đọc xã hội trong ngành xuất bản còn được gọi là nhu cầu xuất bản phẩm [7]. Các nhà xuất bản khi xuất bản một tên sách bắt buộc phải chú ý tới nhu cầu đọc xã hội để cân nhắc có nên xuất bản hay không? Số lượng là bao nhiêu? Nếu xác định không chính xác, sai lệch sẽ dẫn tới sách không bán được, bị ế, nhà xuất bản bị thua lỗ. Đây là điều kiện tiên quyết để nhà xuất bản tồn tại và phát triển. Tất nhiên còn có nhiều lĩnh vực khác cũng sử dụng cụm từ “nhu cầu đọc xã hội”, ở đây chỉ xin nêu một ví dụ tiêu biểu.

Nhu cầu đọc cá nhân, thường được đề cập trong các tài liệu về thư viện, thông tin khoa học kỹ thuật... Nhu cầu đọc cá nhân phụ thuộc vào nhiều nhân tố: Trình độ giáo dục, học hàm học vị, nghề nghiệp, vị trí công tác, đề tài nghiên cứu, sở thích, mức độ ham hiểu biết... và biến đổi theo thời gian, lứa tuổi, công việc... Nói như vậy không có nghĩa, trong các tài liệu về thư viện - thông tin không đề cập tới nhu cầu đọc xã hội và các lĩnh vực khác không đề cập tới nhu cầu đọc cá nhân.

Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng cụm từ  “nhu cầu đọc cá nhân”, như một thuật ngữ khoa học trong ngành thư viện-thông tin, và viết gọn là nhu cầu đọc.

Nhu cầu đọc                

Nhu cầu đọc là một khái niệm cơ bản trong hoạt động thư viện. Các thư viện, dù là thư viện công cộng, thư viện khoa học, thư viện thiếu nhi, thư viện quân đội, thư viện trường đại học hay thư viện người khiếm thị... đều phải tìm hiểu, xác định nhu cầu đọc và tìm kiếm các dịch vụ thoả mãn nhu cầu đọc của người đọc. Đó là nhiệm vụ cơ bản, nếu không muốn nói là quan trọng nhất của bất cứ thư viện nào. Chỉ có điều nhu cầu đọc của trẻ em, của sinh viên trường đại học, nhà khoa học, người lính, hay nhu cầu đọc của người khiếm thị là không giống nhau, cần được nghiên cứu riêng, nhưng vẫn có những vấn đề chung chi phối mọi loại nhu cầu đọc.

Để hoàn thành nhiệm vụ, các thư viện đều phải nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu đọc của đối tượng mà thư viện phục vụ nhằm đáp ứng, thỏa mãn đầy đủ nhu cầu đọc của họ. Điều đó thể hiện chất lượng hoạt động, uy tín của thư viện trong xã hội, cũng có thể đánh giá là mức độ thân thiện của thư viện với người đọc.

Về mặt lý thuyết, chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của nhu cầu đọc trong hoạt động của thư viện. Nhưng:

Nhu cầu đọc là gì?

Nhu cầu đọc được hình thành và phát triển như thế nào?

Nội dung và cơ cấu của nhu cầu đọc?

Mối quan hệ giữa nhu cầu đọc và yêu cầu đọc như thế nào?

Quá trình đáp ứng, thoả mãn nhu cầu đọc của thư viện diễn biến và phụ thuộc vào những điều kiện nào?

Giải đáp rõ ràng, cặn kẽ và thấu đáo những câu hỏi/vấn đề nêu trên vẫn chưa có hồi kết. Hay ít ra vẫn còn khá sơ sài và đang trên con đường bồi đắp những nét chưa rõ ràng, những chỗ bị nhòe và cả những mảng còn bị bỏ trống.

Trước hết phải xác định nhu cầu đọc nằm trong nhu cầu hiểu biết là một trong những loại nhu cầu không thể thiếu của con người muốn tồn tại và phát triển trong xã hội, như nhu cầu ăn, nhu cầu ở, nhu cầu mặc…

Cá nhân nào được đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng (ăn), nhu cầu hiểu biết là có khả năng dễ thích ứng với mọi thay đổi của môi trường sống (môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội) và dễ thành đạt trong cuộc đời. Tất nhiên để thành đạt trong cuộc đời còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. Nhưng hai điều kiện dinh dưỡng đầy đủ (thể chất con người) và hiểu biết đầy đủ (giáo dục và tự giáo dục) là những điều kiện cơ bản.

Loại trừ điều kiện dinh dưỡng, trong xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức ngày nay, một cá nhân có hiểu biết thông tin và tri thức đầy đủ, dồi dào sẽ dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của môi trường (biến động của nền kinh tế, biến động nghề nghiệp). Hay nói cách khác là sẽ dễ thành công trong cuộc sống, thuận lợi hơn khi phải vượt qua những khó khăn, thách thức. Trong công tác sẽ hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm được giao tốt hơn, có khả năng tổ chức và thăng tiến thuận lợi hơn.

Thông tin và tri thức của mỗi con người hiện đại có được phần lớn thông qua giáo dục: Giáo dục phổ thông, giáo dục đại học chuyên nghiệp, giáo dục trên đại học, kể cả quá trình tự học. Đây là thông tin, tri thức nền tảng cho mỗi con người trước khi vào đời. Tùy theo số phận, may rủi của cuộc sống, sự lựa chọn của cá nhân, khi vào đời, mỗi người sẽ được sắp xếp vào một vị trí trong một ngành nghề nào đó. Ở từng vị trí, để hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc tự giao và có hướng phát triển, họ lại phải tiếp thu những thông tin, tri thức đặc thù phù hợp, ngoài những thông tin, tri thức nền tảng. Quá trình chủ động hoặc thụ động thu thập thông tin, tri thức từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau chính là nhu cầu đọc của mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại. Nhưng đại bộ phận thông tin, tri thức quá khứ và hiện tại được lưu truyền trong xã hội hiện nay chủ yếu vẫn nằm trong sách báo.

Có nhà khoa học đã định nghĩa nhu cầu đọc hết sức đơn giản nhưng khái quát cao như sau: Bản chất của nhu cầu đọc là tình trạng thiếu hụt hoặc lỗ hổng trong kiến thức hoặc hiểu biết của người đọc xác định/cụ thể. Hậu quả của tình trạng thiếu hụt/mức độ lỗ hổng đó là giảm hiệu quả tác động qua lại giữa người đọc với thế giới chung quanh họ [1].

Nhu cầu đọc, theo chúng tôi gồm ba thành phần cơ bản: Nhu cầu đọc vì công việc/nghề nghiệp, nhu cầu đọc vì hiểu biết chung, và nhu cầu đọc hoàn toàn giải trí.

Ba loại nhu cầu đọc này tồn tại ở mọi cá nhân. Song tỷ lệ giữa chúng khác nhau theo từng người, lĩnh vực nghề nghiệp, trình độ giáo dục, mức độ ham hiểu biết cá nhân...

Nhu cầu đọc vì hiểu biết chung là nhu cầu đọc mở mang tầm hiểu biết khái quát về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhu cầu hiểu biết toàn diện, về nhân sinh quan, thế giới quan, không vì công việc trước mắt. Ví dụ: Một kỹ sư điện tử vẫn có nhu cầu đọc sách nghệ thuật, tiểu thuyết võ hiệp, sách về triết học...

Nhu cầu đọc giải trí thường không có định hướng rõ rệt, hoặc định hướng mờ nhạt, đôi khi mang tính chất “giết thời gian”, đọc cũng được không đọc cũng được. Tuy thế, cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng của nhu cầu đọc hiểu biết chung và nhu cầu đọc giải trí tới mối tác động qua lại giữa người đọc với thế giới xung quanh, nhất là nhu cầu đọc vì hiểu biết chung. Hai loại nhu cầu này được xác định tương đối thuận lợi. Có thể thông qua khai báo của người đọc, quan sát người đọc hay quá trình đáp ứng, thoả mãn yêu cầu đọc của người đọc là cán bộ thư viện có thể xác định được khá dễ dàng. Vì vậy, trong bài báo này, chúng tôi tập trung khảo sát nhu cầu đọc vì công việc (nghề nghiệp) là chủ yếu.

Công tác của thư viện hoặc cơ quan thông tin có trách nhiệm phối hợp với người đọc san lấp thiếu hụt, lấp lỗ hổng hoặc làm giảm bớt thiếu hụt/lỗ hổng thông tin, tri thức nêu trên. Vấn đề ở đây là phải xác định được đúng, chính xác và đầy đủ tình trạng thiếu hụt hoặc mức độ, phạm vi của lỗ hổng thông tin, tri thức. Về mặt lý thuyết, ta lấy thông tin, tri thức cần biết để hoàn thành nhiệm vụ trừ đi thông tin, tri thức đã biết sẽ có được thông tin, tri thức thiếu hụt (lỗ hổng) của người đọc.

Quá trình xác định thông tin, tri thức đã biết của người đọc đơn giản hơn quá trình xác định thông tin, tri thức cần biết để người đọc hoàn thành một nhiệm vụ xã hội. Thông tin, tri thức đã biết của người đọc chính là thông tin, tri thức nền tảng (kể cả trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) của họ và thông tin, tri thức thu nhận được, tích lũy được trong quá trình vào đời của họ (thông qua những nhiệm vụ họ đã trải qua và tự tích lũy nhờ thói quen đọc, mức độ ham hiểu biết thường xuyên). Xác định thông tin, tri thức đã biết chỉ cần tiến hành trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp (qua bản tự khai) với người đọc là cán bộ thư viện có thể thu thập và xác định được khá đầy đủ. Nhưng xác định thông tin, tri thức cần biết để phục vụ nhu cầu người đọc (để có thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao) không đơn giản như vậy. Để hoàn thành, họ phải có những thông tin, tri thức tương ứng (mới), ngoài những thông tin, tri thức đã biết. Điều này phải do chính người đọc xác định, bởi chỉ có họ mới có thể tự xác định đâu là thông tin họ đã biết và đâu là thông tin mới, chưa và cần được biết. Cán bộ thư viện-thông tin chỉ hỗ trợ, tư vấn tìm kiếm trong vốn tài liệu của thư viện, giúp xác định những hướng tìm (các môn loại khoa học cần thiết) và  khu vực tìm (khoảng môn loại khoa học nào đến môn loại khoa học nào) trong một khung phân loại xác định (ví dụ khung DDC...) hoặc các chủ đề cơ bản nào trong khung chủ đề của thư viện, hay rộng hơn có thể là những tác giả quan trọng nhất, những tác giả cần quan tâm. Những luận giải như trên cũng cho thấy khá rõ, thông tin, tri thức nền tảng càng cao, càng phong phú đa dạng, thiếu hụt/lỗ hổng càng nhỏ, càng hẹp. Nhưng hoàn toàn không có nghĩa quá trình thoả mãn nhu cầu đọc dễ dàng hơn, tiêu phí ít thời gian hơn mà có khi ngược lại. Vì đó là những thông tin, tri thức khó tìm, chuyên sâu và phân tán trong nhiều môn loại khoa học khác nhau, nhiều nguồn khác nhau (các loại tạp chí, các loại sách khác nhau), nhiều ngôn ngữ khác nhau, thậm chí ở nhiều thư viện khác nhau.

Quá trình xác định thông tin, tri thức chưa biết, cần biết cũng chính là quá trình tìm tài liệu đọc và quá trình thoả mãn nhu cầu đọc. Quá trình tìm tài liệu đọc sẽ thu hẹp thiếu hụt/lỗ hổng. Vì vậy cũng là quá trình thoả mãn nhu cầu đọc. Quá trình này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, ăn ý giữa người đọc và cán bộ thư viện thông tin mới mang lại kết quả cao. Qua đó chúng ta thấy, người cán bộ thư viện-thông tin phải hiểu rõ từng người đọc cụ thể: Những thông tin, tri thức họ đã biết, nội dung nhiệm vụ họ đang phải hoàn thành. Chưa kể còn phải hiểu đầy đủ và sâu sắc nội dung vốn tài liệu của thư viện để kết nối người đọc với vốn tài liệu của thư viện có hiệu quả.

Theo R.S. Taylor, nhà nghiên cứu người Mỹ, quá trình thoả mãn nhu cầu thông tin của cơ quan thông tin có 5 bước cơ bản như sau:

- Xác định chủ đề tìm

- Làm sáng tỏ mục đích tìm

- Nghiên cứu về người sử dụng tài liệu (đưa ra chủ đề tìm)

- Xác định chiến lược tìm

- Xác định hình thức và khối lượng trả lời [2].

Kết quả quá trình tìm tài liệu của thư viện chỉ đưa ra danh sách tài liệu cần đọc, khác với bước 5: Xác định hình thức và khối lượng trả lời của cơ quan thông tin, có thể trao cho người sử dụng bản tổng luận do chính cán bộ thông tin biên soạn.

Vì vậy, các thư viện có thể tham khảo 4 bước cơ bản đầu tiên của quá trình thoả mãn nhu cầu thông tin của cơ quan thông tin. Quá trình này cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ thông tin với người sử dụng thông tin.

Quá trình thoả mãn nhu cầu đọc diễn ra như sau: Người đọc căn cứ vào nhiệm vụ được giao và những thông tin, tri thức họ đã nắm vững (thông tin, tri thức đã biết) cùng với sự tư vấn của cán bộ thư viện thông tin, họ đưa ra các yêu cầu (thông qua phiếu yêu cầu) cụ thể gửi cho bộ phận phục vụ người đọc của thư viện. Sau khi đọc những tài liệu của thư viện đưa ra theo phiếu yêu cầu, người đọc sẽ xác định cần đọc tiếp hoặc không cần đọc tiếp (quá trình san lấp thiếu hụt/lỗ hổng thông tin, tri thức). Quá trình này diễn ra nhiều lần cho tới khi chính người đọc cảm thấy có đủ thông tin, tri thức (thiếu hụt/lỗ hổng thông tin, tri thức đã được san lấp), yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ lại phát hiện những thiếu hụt/lỗ hổng thông tin, tri thức mới của họ. Họ lại phối hợp với cán bộ thư viện thông tin tìm tiếp tài liệu đọc để san lấp thiếu hụt/lỗ hổng thông tin, tri thức mới [6].

Trong quá trình thoả mãn nhu cầu đọc, lần lượt người đọc đưa ra các yêu cầu đọc cụ thể (phiếu yêu cầu) cho bộ phận phục vụ người đọc của thư viện. Tất cả các loại phiếu yêu cầu này theo [1] có thể được phân chia thành 3 loại cơ bản như sau:

Yêu cầu thăm dò, còn được gọi là yêu cầu thẩm tra: Người đọc mong muốn tìm tài liệu theo các yếu tố mô tả như tác giả, tên tài liệu, năm xuất bản…

a. Nhằm thăm dò, thẩm tra xác định đề tài;

b. Nhằm thăm dò, thẩm tra các kiến thức mới, quan niệm mới, thông tin mới...

Tuy vậy loại yêu cầu này đã xác định được hướng tìm.

Yêu cầu đề tài xác định: Đề tài đã được xác định rõ ràng, chính xác. Người đọc đã từng tìm tài liệu theo đề tài này trước đây, hoặc đã có một số hiểu biết nhất định về đề tài.

 Do đó họ có thể xác định chính xác câu hỏi tại một điểm xác định trong quá trình tìm tài liệu, quá trình thoả mãn nhu cầu đọc.

Yêu cầu chưa rõ nét: Người đọc nhận biết được là mong muốn thu nhận được kiến thức mới, quan niệm mới, thông tin mới trong các lĩnh vực chưa nắm vững, chưa quen thuộc, những lĩnh vực chưa biết, nhưng lại cần biết.

Quá trình thoả mãn nhu cầu đọc chỉ thực sự kết thúc khi người đọc hoàn thành nhiệm vụ được giao và do chính họ xác nhận. Có thể có hai trường hợp kết thúc:

1* Nhu cầu đọc của người đọc được hoàn toàn thoả mãn, và

2* Nhu cầu đọc của người đọc chưa được hoàn toàn thoả mãn, nhưng không có tài liệu nào đáp ứng được (khoa học kỹ thuật thời điểm đó chưa giải quyết được). Ở đây không xét trường hợp thư viện đó không có tài liệu đáp ứng được nhu cầu đọc.

Ở trường hợp thứ nhất, được xem là lý tưởng nhất, cán bộ thư viện thông tin cần ghi lại thành hồ sơ. Đó sẽ là tài liệu tham khảo cho quá trình thoả mãn nhu cầu đọc của những người đọc khác, sau này.

Ở trường hợp thứ hai cũng lập hồ sơ để tham khảo sau này, nhưng đây chính là mầm mống cho một nhiệm vụ mới, một nhu cầu mới, cho một bước phát triển khoa học, công nghệ mới.

Trước khi kết thúc phần nhu cầu đọc, cũng cần ghi nhận:

Ở những người ham hiểu biết, có nghĩa họ tự đề ra những vấn đề này vấn đề kia để tìm hiểu, nghiên cứu, được xem là nhiệm vụ tự giao cũng tương đương như nhiệm vụ được giao.

Mối quan hệ giữa nhu cầu đọc và văn hóa đọc

Trong các bài báo trên tạp chí Thư viện Việt Nam [3,5], chúng tôi đã xác định văn hoá đọc có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Để thấy mối quan hệ và tác động qua lại giữa văn hoá đọc với nhu cầu đọc, chúng tôi sử dụng thuật ngữ văn hóa đọc ở nghĩa hẹp trong bài báo này. Đó là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của các thành viên trong xã hội, hay nói cách khác là của từng người đọc.

Thông thường những nhiệm vụ được giao có động lực lớn thúc đẩy hoạt động của mỗi cá nhân, tính năng động, tính tích cực sẽ phát sinh, nhất là khi nhiệm vụ được giao được gắn liền với quyền lợi (vật chất và tinh thần). Những động lực đó cũng thể hiện rõ trong quá trình tìm tài liệu, quá trình thoả mãn nhu cầu đọc. Kết quả là củng cố, hình thành, định hình và đào sâu thói quen đọc.

Những người đã có thói quen đọc ổn định sẽ có được thuận lợi lớn khi tìm tài liệu trong thư viện cũng như quá trình đọc tài liệu. Vì đó là công việc họ đã quen thuộc và thành thạo. Do đó tiết kiệm được thời gian và đạt hiệu quả cao trong quá trình thoả mãn nhu cầu đọc của chính họ.

Những người đã có văn hoá đọc hoặc văn hoá đọc của họ phát triển, họ có nhiều lợi thế khi tìm tài liệu. Họ biết định hướng tìm trong các loại mục lục thư viện, các loại thư mục, các loại sách công cụ (bách khoa thư, cẩm nang chuyên ngành, từ điển giải thích...), biết tìm tài liệu từ trình độ thấp lên trình độ cao, biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, viết chú giải, soạn tóm tắt, lập hộp phiếu thư mục để nắm vững thông tin, tri thức; biết vận dụng những điều đã đọc được vào nhiệm vụ được giao... Nhất là họ biết vận dụng các cách đọc khác nhau đối với các loại tài liệu khác nhau: tài liệu phổ cập, tài liệu giải trí, tài liệu nghiên cứu... [3].

Đó chính là những thành phần cơ bản của kỹ năng đọc, một phẩm chất cơ bản của văn hoá đọc cá nhân. Qua đó, quá trình phối hợp giữa cán bộ thư viện thông tin và người đọc sẽ thuận lợi hơn nhiều, thời gian tìm tài liệu sẽ mất ít hơn, tài liệu tìm được đầy đủ hơn và kết quả thoả mãn nhu cầu đọc cũng sẽ cao hơn. Nếu những người có văn hoá đọc thấp hoặc chưa có văn hoá đọc, nhất là kỹ năng đọc thấp hoặc chưa có kỹ năng đọc, người cán bộ thư viện thông tin phải hướng dẫn họ sử dụng thư viện khá vất vả, ít nhiều cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới mức đầy đủ và chất lượng quá trình thoả mãn nhu cầu đọc của họ. Như vậy không thể nói không ảnh hưởng tới kết quả công việc được giao. Nhưng đây lại chính là trách nhiệm giáo dục văn hoá đọc cá nhân, đặc biệt là kỹ năng đọc cho người đọc của cán bộ thư viện thông tin: hướng dẫn người đọc sử dụng hệ thống mục lục của thư viện tìm tài liệu theo đề tài, theo tác giả; hướng dẫn khai thác, tập hợp tài liệu qua các bản thư mục; hướng dẫn tra cứu qua các loại sách công cụ như bách khoa thư, cẩm nang, từ điển giải thích...

Qua phân tích mối quan hệ qua lại giữa nhu cầu đọc và văn hoá đọc của người đọc cũng đã giúp chúng ta thấy rất rõ nhu cầu đọc và văn hoá đọc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhưng chúng có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau, có sự ràng buộc, thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu người đọc có văn hoá đọc phát triển quá trình thoả mãn nhu cầu đọc sẽ thuận lợi hơn, nhanh chóng, đầy đủ và đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình thoả mãn nhu cầu đọc, văn hoá đọc của người đọc cũng được từng bước nâng cao, góp phần hoàn thiện kỹ năng đọc cá nhân. Vai trò của cán bộ thư viện hướng dẫn người đọc trong quá trình thoả mãn nhu cầu đọc đã góp phần giáo dục, hình thành và nâng cao văn hoá đọc cá nhân, cũng như các kỹ năng đọc của người đọc.

Thay lời kết

Thư viện nào cũng có nhiệm vụ thoả mãn nhu cầu đọc của người đọc. Nhưng thư viện nào đạt hiệu quả công việc cao, có uy tín lớn trong xã hội, ngoại trừ kho sách báo phong phú, quý hiếm, chính là những thư viện biết đầu tư nghiên cứu, nắm rõ nhu cầu đọc của từng người đọc; thực hiện công tác hướng dẫn người đọc sử dụng thư viện có nề nếp và có các dịch vụ thoả mãn đầy đủ các nhu cầu đó. Đây chính là một trong những nội dung cơ bản của tính thân thiện và sức hấp dẫn của thư viện hiện nay đối với người đọc.

Bên cạnh đó, nếu công tác tuyên truyền giới thiệu, triển lãm, nói chuyện hay mạn đàm sách được tổ chức tích cực, nhằm thu hút người đọc, tăng vòng quay của sách và góp phần phát triển văn hoá đọc cộng đồng thì công tác hướng dẫn người đọc nhằm thoả mãn nhu cầu đọc của thư viện đã có tác động lớn đến giáo dục hình thành và phát triển văn hoá đọc cho người đọc. Qua đó góp phần phát triển văn hoá đọc cá nhân, đặc biệt là giáo dục kỹ năng đọc cho người đọc, giúp họ hoàn thiện, nâng cao và vận dụng thành thạo kỹ năng đọc.

Tài liệu tham khảo

1. Ingwersen, P. and Willett, P. An introduction to algorithmic and cognitive approaches for information retrieval // Libri, Vol. 45, No ¾, 1995. - c.160-177.

2. Kuznetsov, O. A. Về mối quan hệ giữa hệ thống tìm tin và người dùng tin // Tạp chí Thông tin Khoa học Kỹ thuật, Loại 1. - 1971. - Số 10. - Tr. 7-12 (bản chữ Nga).

3. Nguyễn Hữu Viêm. Đọc như thế nào? // Tạp chí Sách. - 2001. - Số 8. - Tr. 20-22.

4. Nguyễn Hữu Viêm. Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 1 (17). - Tr. 19-26.

5. Nguyễn Hữu Viêm. Văn hoá đọc và thư viện // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2012. - Số 4 (36). - Tr. 74-77.

6. Nguyễn Hữu Viêm. Về vấn đề thoả mãn nhu cầu tài liệu cho người dùng tin // Tập san Thông tin học. - 1981. -  Số 2. - Tr. 6-12.

7. Từ điển thuật ngữ xuất bản, in, phát hành sách, thư viện, bản quyền. - H.: Từ điển Bách khoa, 2002.

(Ngày tòa soạn nhận bài: 28/01/2013; Ngày phản biện đánh giá: 4/2/2013; Ngày chấp nhận đăng: 25/3/2013)

___________

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 3. - Tr. 53-58.


Đọc thêm cùng chuyên mục: