Cho đến nay, nhìn chung nội dung chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng có đào tạo chuyên ngành thư viện - thông tin ở Việt Nam đã trải qua vài lần đổi mới, có những bước tiến mới để giải quyết vấn đề then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thư viện - thông tin là “Dạy cái gì?”. Bên cạnh đó, đã có khá nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy để trả lời câu hỏi “Dạy như thế nào?”. Về cơ bản, với sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên, sinh viên ngành thư viện - thông tin đã được đào tạo khá bài bản trong suốt những năm họ theo học ở những cơ sở đào tạo khác nhau trong nước. Nguồn nhân lực này đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của sự nghiệp thư viện Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ là chủ quan khi cho rằng phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành thư viện - thông tin đã đáp ứng được các yêu cầu của nhà quản lý thư viện với đầy đủ các tiêu chí về kiến thức, năng lực, kỹ năng, thái độ và phẩm chất cá nhân cần thiết phù hợp với thực tế yêu cầu công việc của các thư viện, đặc biệt là thư viện hiện đại trong giai đoạn hiện nay và trong một tương lai gần. Hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp đều khá lúng túng với việc ứng dụng kiến thức nghề nghiệp vào thực tế để có thể hoàn thành tốt được công việc mà họ đảm nhận. Khá nhiều nhân sự tại các thư viện (với các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và không loại trừ cả trình độ thạc sĩ) hiện nay đều dừng lại ở khả năng sử dụng tri thức nghề nghiệp để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao (với điều kiện qui trình làm việc phải có sẵn, kèm theo một sự chỉ dẫn nhất định). Trong thực tế, rất ít chuyên viên thư viện có ý thức phân tích kỹ, đánh giá các qui trình hiện có để cải tiến và có thể thực hiện sửa đổi quy trình nâng cao hiệu quả công việc; rất ít chuyên viên thư viện có khả năng thực hiện hoạt động nghiệp vụ và phục vụ theo các cách khác nhau, phát triển theo các hướng khác nhau. Những chuyên viên có khả năng tạo ra cái mới (sản phẩm và dịch vụ mới) dựa trên cái cũ hoặc tạo ra cái mới hoàn toàn lại càng hiếm hoi. Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thư viện – thông tin đã đào tạo ra các sản phẩm là những “con người công cụ” chứ chưa đào tạo được sản phẩm là những “con người sáng tạo”, vì vậy khi làm việc và nhất là khi đã thạo việc, tích lũy được một số kinh nghiệm họ thường hài lòng, thỏa mãn với những gì đã có sẵn và cho rằng như vậy là mình đã làm chủ được công việc của mình. Nhân sự ở bộ phận làm việc thường phục vụ một cách thụ động: “Ai đến thì phục vụ”, “Ai hỏi thì trả lời”, “Nụ cười chuyên nghiệp” ít khi “nở” trong quá trình phục vụ bạn đọc – người dùng tin cho dù có thái độ phục vụ tận tình và chu đáo. Nhân sự ở bộ phận nghiệp vụ (trừ các thư viện lớn ở trung ương) thì sau một thời gian làm việc đa số chỉ thành thạo về xử lý kỹ thuật (định từ khóa, định chủ đề, phân loại, mô tả hình thức tài liệu) song rất non yếu về kỹ năng xử lý nội dung thông tin, lọc thông tin cần thiết để xây dựng các bộ sưu tập khác nhau cũng như yếu kém về kỹ năng biên soạn thư mục và các ấn phẩm thông tin.
Tình hình nêu trên cho thấy chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ về việc: với quỹ thời gian hạn hẹp của chương trình đào tạo, bên cạnh khối kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần tập trung huấn luyện sinh viên những kỹ năng gì, cần yêu cầu sinh viên rèn luyện những phẩm chất nghề nghiệp nào…, để hỗ trợ sinh viên thích nghi nhanh với thực tế công việc của các thư viện hiện nay.
Do đặc điểm nghề nghiệp phải phục vụ bạn đọc – người dùng tin có trình độ, tính cách, cảm xúc tâm lý… rất khác nhau, các cán bộ quản lý thư viện trước đây thường hay nhấn mạnh đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện đầy đủ các quy trình phục vụ trên cơ sở tôn trọng người sử dụng thư viện. Hiện nay, các kỹ năng chính mà lãnh đạo các thư viện đang kỳ vọng ở các nhân viên trẻ để có thể làm thay đổi bộ mặt của thư viện, tăng vị thế của thư viện ngày càng nhiều hơn. Các kỹ năng này thường được chia thành 3 nhóm: Nhóm kỹ năng cơ bản, nhóm kỹ năng có giá trị gia tăng, nhóm kỹ năng dành cho cán bộ quản lý tương lai.
Nhóm các kỹ năng cơ bản: Bắt buộc phải có bao gồm các kỹ năng chính: Kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ (ví dụ thu thập, xử lý thông tin, lọc tin, kiến trúc thông tin…), kỹ năng ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết), thành thạo tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp - truyền thông, kỹ năng làm việc độc lập. Tuy rất quan trọng nhưng nhóm kỹ năng này chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đảm bảo nhân sự làm việc tốt.
Nhóm các kỹ năng có giá trị gia tăng: Là nhóm kỹ năng giúp nhân sự tạo ra sự khác biệt trong quá trình làm việc so với các đồng nghiệp. Nhóm này bao gồm các kỹ năng chính là: Kỹ năng lập kế hoạch tổ chức công việc (phối hợp các nguồn lực cho có hiệu quả), kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng phát hiện vấn đề, trình bày và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý phần mềm thư viện, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng đàm phán thuyết phục người khác. Nhóm kỹ năng này khó hơn rất nhiều so với nhóm kỹ năng cơ bản, trong đó phần lớn là kỹ năng mềm. Rèn luyện các kỹ năng này thực sự là những thách thức cho các ứng viên mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc và các mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, đồng nghiệp - đồng nghiệp, yếu về khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ với người xung quanh, hiểu họ và làm cho họ hiểu mình từ đó tạo ra sự đồng cảm, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cả cuộc sống.
Nhóm kỹ năng dành cho cán bộ quản lý tương lai: Gồm các kỹ năng cần có của các nhà quản lý thư viện tương lai như kỹ năng tổng hợp vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng xây dựng và phát triển quan hệ, kỹ năng tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, kỹ năng ra quyết định…
Trong thực tế phát triển của các thư viện hiện nay, giữa 3 nhóm kỹ năng nêu trên đều có mối liên hệ với nhau. Những kỹ năng ngày hôm nay là giá trị gia tăng thì ngày mai có thể trở thành nhóm kỹ năng cơ bản. Tương tự như vậy, các kỹ năng dành cho các nhà quản lý thư viện tương lai cũng phải bắt nguồn từ những kỹ năng cơ bản. Kỳ vọng của các nhà quản lý thư viện sẽ ngày càng tăng lên theo chất lượng thực của nguồn nhân lực được đào tạo. Những tiêu chuẩn của ngày hôm nay sẽ trở nên lạc hậu trong tương lai gần với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thư viện hiện đại. Do vậy cùng với sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên, các khoa thư viện-thông tin, các tổ chức đoàn thể, từng cá nhân sinh viên phải luôn nỗ lực để trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết ngay trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, yêu cầu về từng nhóm kỹ năng có mức độ cao thấp khác nhau tùy theo loại hình thư viện công cộng hay thư viện đa ngành, chuyên ngành và theo vị trí công việc. Các khác biệt chủ yếu xuất hiện trong một số kỹ năng cụ thể. Chẳng hạn có sự khác biệt rất rõ nét về kỹ năng ngoại ngữ, tin học giữa thư viện công cộng với thư viện đa ngành, chuyên ngành và các thư viện có yếu tố nước ngoài. Tương tự, kỹ năng làm việc nhóm sẽ là yêu cầu cao đối với các vị trí công việc nghiệp vụ; Kỹ năng giao tiếp, truyền thông yêu cầu cao hơn hẳn đối với các vị trí phục vụ dịch vụ phải tiếp xúc nhiều hơn với bạn đọc - người dùng tin vì phải biết lắng nghe một cách tích cực để tạo được mối liên hệ mật thiết với “khách hàng” sử dụng dịch vụ nhằm làm rõ các nhu cầu, yêu cầu, các mối quan tâm của họ; Kỹ năng tin học rất quan trọng với vị trí quản lý phần mềm thư viện; Kỹ năng đàm phán, xây dựng và phát triển quan hệ, tổ chức nhân sự, ra quyết định được kỳ vọng cao ở vị trí trưởng, phó các bộ phận chức năng v.v…
Như vậy, để định hướng cho sinh viên trong việc chuẩn bị hành trang cho mình khi hành nghề, đội ngũ giảng viên bên cạnh việc cung cấp kiến thức cần chú trọng huấn luyện kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và bản thân phải là các tấm gương về kỹ năng mềm ngay trong lúc giảng dạy và quan hệ tiếp xúc với sinh viên. Ngoài ra, các khoa thư viện - thông tin cần phải lựa chọn đưa vào nội dung chương trình một số kỹ năng mềm là môn học tự chọn để dạy sinh viên các kỹ năng mềm nhất thiết phải có trong công việc của họ sau này. Sinh viên phải biết rõ những công việc cụ thể sau khi ra trường là gì? Các nhà tuyển dụng yêu cầu những điều gì? Kỳ vọng gì ở mình? Năng lực cốt lõi mà các sinh viên khi tốt nghiệp cần đạt được là gì? v.v… Sinh viên phải biết tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời được câu hỏi “Liệu mình có bắt nhịp được với những thay đổi của môi trường làm việc không? Có khả năng dẫn dắt sự thay đổi đó không? Có thể đi đầu trong việc chuyển thư viện truyền thống thành thư viện hiện đại không? “Mình có khả năng hợp tác tốt với đồng nghiệp không?” và nhiều câu hỏi khác… Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, câu lạc bộ sinh viên phải tổ chức nhiều cuộc thi hơn về kỹ năng mềm để sinh viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thuyết trình, giao tiếp, ứng xử trước đám đông, tăng khả năng chịu đựng được áp lực, tự điều hòa được các mối quan hệ của chính mình.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, phần lớn sinh viên của chúng ta có thói quen “học thụ động”, nghĩa là chỉ học những gì giảng viên dạy mà chưa chủ động học và tìm học những gì họ thấy cần và bài toán đào tạo sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn là một bài toán khó đối với các giảng viên. Đi tìm lời giải cho bài toán này là trăn trở của nhiều giảng viên tâm huyết với nghề nghiệp và thực tế hiện nay đòi hỏi giảng viên chúng ta phải chuyển sự trăn trở thành hành động, hành vi cụ thể trong từng buổi lên lớp, trong việc kích hoạt sinh viên tham gia vào xử lý các bài tập tình huống trong thực tế một cách hào hứng, nhiệt tình. Các giảng viên sẽ mất nhiều thời gian hơn cho việc đi vào nắm vững các biến động của thực tiễn các thư viện hiện nay, tốn nhiều công sức hơn cho việc chăm chút vào từng bài giảng trên lớp, cập nhật kiến thức, soạn các bài tập cho sát với thực tế, điều chỉnh hành vi của chính mình trong mối quan hệ với sinh viên (để chứng minh rằng kỹ năng cứng và kỹ năng mềm quan trọng như thế nào cho tương lai của chính họ). Các giảng viên phải chịu mất thời gian để gần với sinh viên hơn, nỗ lực hơn trong việc tư vấn cho sinh viên về nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống và làm việc sau này, giúp họ hiểu được sự phức tạp trong đời sống thực tế v.v… Nếu như giảng viên của từng môn học trong một chương trình đào tạo đều nỗ lực góp sức và có ý thức trách nhiệm cao với sinh viên, đều thật sự chú trọng đến đào tạo về kỹ năng, thái độ bên cạnh kiến thức thì có thể tin rằng chúng ta sẽ thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của các nhà quản lý thư viện hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. http://www.oisp.hcmut.edu.vn/component/
content/article/88-thay dung/171-yeu-cau-cua-nha-tuyen-dung.html
___________
PGS.TSKH Bùi Loan Thùy
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 3. - Tr. 36-38,15.
< Prev | Next > |
---|
- Một số định hướng đầu tư phát triển hoạt động thông tin - thư viện và thống kê khoa học và công nghệ
- Thư viện số ELIB giải pháp phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các thư viện trường đại học, cao đẳng
- Suy nghĩ về cách thức tổ chức các loại hình dịch vụ thư viện trong các trường đại học, cao đẳng
- Đánh giá hoạt động thông tin - thư viện ở bệnh viện Việt Nam
- Văn hoá đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển
- Về tình hình phát triển nguồn nhân lực thông tin – thư viện ở Lào hiện nay
- Xây dựng tiêu chuẩn về tổ chức và hoạt động cho thư viện đại học Việt Nam
- Tổng quan chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020
- Phần mềm in nhãn sách mã màu
- Phân tích và dự báo các xu hướng nghiên cứu chính về lĩnh vực thư viện số trên thế giới