Tổng quan chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020

E-mail Print

Sự nghiệp thư viện Việt Nam từ sau năm 1975, nhất là từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới 1986 cho đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thư viện công cộng và các hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành trong cả nước đã từng bước lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đã, đang hoạt động có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật, hệ thống thư viện ở nước ta thời gian qua vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập và yếu kém cần sớm được khắc phục cả về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực v.v... (nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin, ảnh hưởng của văn hóa lẫn hoạt động nghe nhìn hiện nay, thì văn hóa đọc đang chịu tác động hết sức to lớn...).

1. Đặc điểm chung của thư viện Việt Nam thời kì đổi mới

Về những thành tựu nổi bật của thư viện Việt Nam thời kì đổi mới, có thể điểm lại trên một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hệ thống thư viện Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.

Về số lượng: Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2012, hệ thống thư viện công cộng cả nước đã có 18.326 thư viện, tủ sách, phòng đọc sách từ Trung ương đến cơ sở.

 Về chất lượng: Nhiều thư viện ở Việt Nam đã và đang tích cực đa dạng hoá phương thức hoạt động: kho đóng, kho mở, multimedia…, chuyển dần từ phục vụ truyền thống sang hiện đại (ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin)… Bên cạnh việc đa dạng hóa phương thức tổ chức và hoạt động, nhiều thư viện ở nước ta cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện, cả sản phẩm thư viện truyền thống và sản phẩm thư viện hiện đại, như: Thư mục sách báo, tạp chí, trang thông tin điện tử (website), cơ sở dữ liệu thư mục và toàn văn v.v...

Thứ hai, cơ sở vật chất, kinh phí cho các hệ thống thư viện ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và đầu tư lớn hơn so với trước.

 Các thư viện trung ương, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện trường đại học, các thư viện Bộ, ngành... đã được sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất. Ví dụ: Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng Việt Nam, hiện đã xây dựng mới được khoảng 80% thư viện tỉnh, thành phố (bình quân mỗi thư viện từ 30-40 tỷ đồng, có thư viện được xây dựng trên dưới 100 tỷ đồng, như Thanh Hóa, Hải Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...). Nhiều thư viện và trung tâm thông tin-thư viện trường đại học lớn đã được xây dựng mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Thư viện Tạ Quang Bửu trường Đại học Bách khoa Hà Nội (khoảng 200 tỷ đồng); Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Giao thông Vận tải (hơn 25 tỷ đồng); Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Thương mại (gần 10 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó có nhiều đề án lớn của Trung ương, các địa phương đầu tư cho thư viện, như điện tử hóa hoạt động thư viện, cung cấp trang thiết bị thư viện hiện đại với nhiều tỷ đồng: Ví dụ Thư viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư gần 30 tỷ cho điện tử hóa; Thư viện tỉnh Gia Lai hơn 3 tỷ; Thư viện tỉnh Đắk Lắk 3,5 tỷ, Thư viện tỉnh Sơn La khoảng 1,8 tỷ; Thư viện tỉnh Lạng Sơn khoảng 1,5 tỷ. Ngoài ra, kinh phí chi cho hoạt động thư viện ở nhiều nơi, năm sau cao hơn năm trước (bình quân từ 6 đến 10%). Đặc biệt, để huy động mọi nguồn lực cho thư viện phát triển, ở trung ương và nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực tiến hành công tác xã hội hoá và đa dạng hoá hoạt động thư viện (Thư viện thành phố Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Yên Bái v.v... được hưởng lợi xe ôtô thư viện lưu động trị giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài).

Thứ ba, đội ngũ người làm trong các hệ thống thư viện ngày càng được tăng cường và phát triển.Nguồn nhân lực (người làm thư viện) cho hệ thống thư viện cả nước nhìn chung đã được chú trọng hơn so với trước. Hiện nay, bình quân mỗi thư viện tỉnh, thành phố có từ 20 đến 25 cán bộ, mỗi thư viện cấp huyện ở nước ta có từ 01 đến 02 biên chế. Nhằm đáp ứng yêu cầu về hoạt động thực tiễn phục vụ văn hoá đọc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều thư viện đã quan tâm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, vi tính, đặc biệt sử dụng phần mềm thư viện hiện đại v.v…

 Tóm lại, thư viện ở Việt Nam hiện đang song hành thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng, đó là: Từng bước hiện đại hoá các thư viện ở Trung ương và các thư viện tỉnh, thành phố; các thư viện trường đại học; đồng thời xã hội hoá, đa dạng hoá hoạt động thư viện ở cấp cơ sở nhằm phát triển hệ thống thư viện, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

Qua quá trình phát triển, thư viện Việt Nam cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém nhất định:

Thứ nhất, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực trong cả nước. Những năm qua, thư viện các vùng đồng bằng, đô thị có điều kiện phát triển nhanh, mạnh hơn, cả về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí, vốn sách báo tài liệu; các thư viện ở miền núi và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: Trụ sở thư viện còn tạm bợ, chưa được xây mới, nhân sự vừa thiếu, vừa yếu (nhất là ở tuyến huyện)...

Thứ hai,việc đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ (cơ sở vật chất, kinh phí, đội ngũ cán bộ...) của các thư viện. Nhiều địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn chưa quan tâm, đầu tư cho thư viện phát triển. Ví dụ: Hưng Yên, Bình Phước, Bắc Kạn, Hà Nam, Hòa Bình... đã thực hiện việc tách tỉnh từ 6-15 năm nay, mà hiện trụ sở thư viện tỉnh còn tạm bợ (hoặc nhà cấp bốn).

Thứ ba,cơ chế chính sách (nhất là ở tầm vĩ mô) còn thiếu và chưa đồng bộ, nên chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế phát triển thư viện ở Việt Nam.

Thứ tư,trình độ nhân lực thư viện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi còn thiếu và yếu (nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở; nhiều nhân lực thư viện thiếu năng động, sáng tạo trong công việc). Đây cũng do nguyên nhân khách quan và chủ quan suốt thời kỳ bao cấp, nhiều nhân lực thư viện thiếu năng động, còn ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, dựa vào cơ chế xin - cho là chính.

Thứ năm, văn hóa đọc hiện nay đang có nhiều biến động. Bên cạnh đọc truyền thống trong thư viện, qua sách, báo in, đã xuất hiện đối tượng đông đảo độc giả đọc qua mạng internet, ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc truyền thống trong thư viện.

Đồng thời, chúng ta có thể nhận thấy thư viện Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức cơ bản sau đây: Thách thức về hiện đại hoá thư viện trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập. Bên cạnh đó, thách thức về nguồn nhân lực (nhất là về chuyên môn, ngoại ngữ…) cũng là một thách thức rất lớn đối với các thư viện ở nước ta... Ngoài ra, khả năng tụt hậu thư viện Việt Nam so với các nước khu vực và thế giới cũng là một điều đáng báo động. Điều này đã được minh chứng rõ nhất trong việc hiện đại hóa thư viện và hình thức tổ chức phục vụ ở một số nước (thư viện điện tử, thư viện số ở các nước Hàn Quốc, Singapore đã phát triển ở mức cao. Việc tự động hóa thư viện cũng đạt trình độ tối ưu: Mượn trả sách, làm thẻ tự động; phục vụ bạn đọc tự động và tự chọn từ nhiều năm nay...).

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thư viện Việt Nam và thế giới

Qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, chúng ta thấy ít nhất có 04 yếu tố có liên quan đến thư viện các nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam), có thể kể đến là:

Xu hướng khoa học và công nghệ ngày càng phát triển nhanh, mạnh mẽ (nhất là CNTT) đã tạo ra sự biến động to lớn; ảnh hưởng sâu rộng tới mọi ngành nghề trong xã hội - trong đó có thư viện;

Xu hướng toàn cầu hoá đã ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới (hội nhập và phát triển toàn diện, mọi lĩnh vực...). Xu thế này đã liên kết các nước, các thư viện khu vực và thế giới vào một mạng thư viện toàn cầu, nhằm chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ cho mọi người dân ở mọi quốc gia, dân tộc;

Thế giới đã và đang bước vào nền kinh tế trí thức và xã hội thông tin. Vì thế vai trò thư viện, thông tin đang trở nên cần thiết, có giá trị cao, đã và đang trở thành lực lượng sản xuất quan trọng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ.

Nhìn nhận ở nước ta, có những yếu tố cơ bản tác động đến hoạt động thư viện như sau:

Một là,quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đô thị hoá nông thôn ngày càng nhanh, nên gia tăng nhu cầu đọc, phát triển văn hoá đọc (đọc truyền thống, đọc hiện đại, đọc qua mạng internet…).

Hai là,phát triển sản phẩm điện tử, báo, tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu điện tử, web… (hiện ở nước ta, các xuất bản phẩm điện tử đã chiếm khoảng 30 - 40% so với 60 - 70% sách báo in truyền thống).

Ba là,quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có tác động mạnh đến hoạt động thư viện; ngành thư viện Việt Nam sẽ phải từng bước hội nhập và phát triển với các nước.

Xác định các yếu tố trên là tiền đề xây dựng những chiến lược, kế hoạch phát triển cho các thư viện Việt Nam trong thời gian tới; khắc phục những hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển để có được những hướng đi bền vững trong tương lai.

3. Định hướng phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2020

Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2020 cần phải dựa trên những nội dung chủ yếu sau:

 Thứ nhất: Về quan điểm phát triển gồm có:

Hoạt động thư viện đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chủ động nội lực là chính, phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình thư viện trong mối liên kết chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển;

Quy hoạch phát triển thư viện phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; đặc biệt lưu ý đảm bảo tính bền vững, phát triển lâu dài và ổn định;

Đầu tư cho hoạt động thư viện là đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho phát triển các nguồn nhân lực ở Việt Nam;

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, tranh thủ tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước; đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho việc xây dựng và phát triển ngành thư viện Việt Nam.

Thứ hai: Định hướng phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2020. Cần lưu ý những nội dung chính sau đây:

 Chú trọng đầu tư có trọng điểm cho một số thư viện có tính khu vực: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa… vừa là đầu mối giao lưu, chia sẻ tài nguyên, vừa để kích cầu các thư viện còn lại trong khu vực phát triển;

Ứng dụng KHCN cao, nhằm tự động hóa, hiện đại hóa trong hoạt động thư viện. Phát triển thư viện điện tử và thư viện kỹ thuật số;

Sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá dân tộc trong các thư viện. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ cao, tự động hoá trong thư viện;

Khai thác triệt để có hiệu quả nguồn lực thông tin trong và ngoài nước;

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện;

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động thư viện, đa dạng hoá phương thức hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu đọc, nhất là ở cấp cơ sở...

Thứ ba: Các mục tiêu chính phát triển ngành thư viện bao gồm:

Đối với thư viện công cộng: Cần chú trọng nâng cao dân trí, giáo dục cộng đồng. Bên cạnh đó cần quan tâm đào tạo, hướng dẫn cho mọi người có điều kiện sử dụng miễn phí thư viện trong phạm vi cả nước. Đồng thời cần lưu ý phát triển mạng lưới thư viện, phát triển sâu rộng từ trung ương đến cơ sở (4 cấp), xây dựng phong trào đọc, thế hệ đọc trong tương lai. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng tăng cường hiện đại hoá thư viện, ứng dụng CNTT, chia sẻ nguồn lực, tài nguyên của thư viện...

Đối với thư viện chuyên ngành, đa ngành: Tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, tìm kiếm thông tin, tri thức của cá nhân, tổ chức xã hội, đoàn thể.

Thứ tư: Các giải pháp chủ yếu phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2020, đó là:

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế - chính sách về thư viện (đặc biệt chú trọng xây dựng Luật Thư viện, trình Quốc hội, Nhà nước ban hành vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII);

Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sự nghiệp thư viện (nhà nước, nhân dân, đoàn thể - xã hội, tổ chức quốc tế v.v... cùng tham gia);

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo và đào tạo lại, tập huấn cán bộ, cơ chế sử dụng cán bộ thư viện, ưu đãi các chuyên gia thư viện…);

Từng bước chuẩn hoá nghiệp vụ thư viện trong cả nước (theo chuẩn chung DDC, MARC 21 và AACR2);

Củng cố tổ chức Hội Thư viện Việt Nam, thành lập các chi hội trực thuộc.

Ứng dụng khoa học và công nghệ thư viện bao gồm: xây dựng cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ - thông tin, số hoá tài liệu, chia sẻ nguồn tài nguyên thư viện…;

Xã hội hoá, đa dạng hoá hoạt động thư viện (nâng cao nhận thức, phối hợp và hành động từ trung ương đến tỉnh và cơ sở…);

Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực thư viện; trao đổi kinh nghiệm (thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn…) và hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ thư viện cho Việt Nam;

Tăng cường trao đổi sách báo, tài liệu với nước ngoài (thông qua các dự án, chương trình, biếu tặng...).

Tóm lại,chặng đường gần 3 thập kỷ của thời kỳ đổi mới vừa qua, ngành thư viện Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nhìn nhận nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của cả ngành thư viện nước ta trước bối cảnh mới, vận hội mới, chúng ta cũng thấy tuy có nhiều thuận lợi cơ bản, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn, đòi hỏi mỗi cán bộ thư viện, các nhà quản lý, các chuyên gia thư viện trong cả nước cần năng động và sáng tạo nhiều hơn, nỗ lực làm việc và cống hiến nhiều hơn. Đặc biệt là cần có tư duy mới, phù hợp với xu thế thời đại: Đó là bước chuyển động quan trọng của văn hóa đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và sự chuyển mình có tính quy luật của hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại.  

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Tổng kết hoạt động thư viện công cộng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012).

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. - H.: NXB Văn hóa-thông tin, 2012. - Tr. 127-205.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 04/05/2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 // Về công tác Thư viện: Các văn bản pháp quy hiện hành về thư viện: Tái bản lần thứ ba có bổ sung. – 2008. – Tr. 185-201.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tài liệu Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2013. - Phụ lục 01, phần số liệu thư viện: Tr. 62.

___________

ThS. Nguyễn Hữu Giới

Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2. - Tr. 3-7.


Đọc thêm cùng chuyên mục: