Đặt vấn đề
Nông thôn Việt Nam từ bao đời nay có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Thời kỳ Bắc thuộc, nông thôn Việt Nam là thành trì chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc, biến quá trình 1000 năm “Hán hóa” trở thành quá trình “Việt hóa”. Thời kỳ phong kiến, nông thôn trở thành cái nôi nuôi dưỡng và truyền bá những tư tưởng tiến bộ của nhân dân, của dòng văn học tiến bộ, của chữ Nôm, là nguồn bổ sung thư tịch dân tộc sau mỗi cuộc chiến tranh, là nơi đào tạo đội ngũ nhân tài đích thực của quốc gia. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, nông thôn trở thành căn cứ địa cách mạng, nuôi dưỡng và đào tạo những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, nơi khởi xướng những chiến dịch đánh giặc ngoại xâm. Nông thôn ngày nay là nguồn lương thực nuôi sống toàn xã hội, là nguồn lực cơ bản để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nông thôn Việt Nam, từ bao đời nay, cũng là nơi hứng chịu mọi tai ương của thiên tai, địch họa và cường quyền đến nỗi cơm không đủ no, áo không đủ ấm, không được học hành. Cuộc sống triền miên trong tăm tối, đói nghèo, cơ cực, là khu vực ở tầng thấp nhất trong bậc thang phát triển xã hội.
Trước nghịch lý đó, những năm gần đây, đường lối chính sách của Đảng đang tập trung hướng về nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được tích cực phát động trong cả nước như là một nghĩa vụ thiêng liêng đền ơn, đáp nghĩa của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với nông thôn Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là làm cho văn hóa thâm nhập và thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống nông thôn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn, hình thành các cộng đồng nông thôn văn hóa. Một cộng đồng văn hóa trước tiên và trên hết phải là một cộng đồng đọc. Xây dựng được một cộng đồng đọc là cơ sở để hình thành một cộng đồng lành mạnh, tiến bộ, một cộng đồng được đảm bảo về tương lai.
Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ xin đề cập hai nội dung: Sự cần thiết phải phát triển văn hóa đọc, vai trò của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc hiện nay ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Sự cần thiết phải phát triển văn hóa đọc và vai trò của thư viện
Để hoàn thiện bản thân, xã hội và thế giới, con người tiến hành nhiều hoạt động văn hóa. Hoạt động nhận thức luôn là hoạt động văn hóa hàng đầu. Trong các phương thức nhận thức, đọc là phương thức cho phép tiếp cận với nguồn tri thức phong phú nhất, chất lượng nhất và dễ dàng tiếp cận nhất. Vì vậy, đọc được xem là hoạt động văn hóa tầm cao của con người.
Văn hóa đọc cho phép mỗi cá nhân có thể làm giàu vốn kiến thức của mình, bồi bổ trí thông minh và năng lực tư duy, phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo; giúp rèn luyện khả năng diễn đạt bằng lời nói và chữ viết, giúp tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Vì vậy, một con người có thể thành đạt mà không nhất thiết phải qua trường lớp, nhưng một con người không thể thành đạt nếu không đọc.
Đối với cộng đồng, văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, trong đó có chính sách xã hội tiến bộ, dư luận xã hội ca ngợi những điều tốt đẹp và lên án những gì là xấu xa. Một môi trường xã hội có điều kiện để cái tốt, cái cao thượng phát triển, cô lập và loại trừ những cái xấu xa. Văn hóa đọc có khả năng tạo dựng một cộng đồng có đầy đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người; giúp mọi người được tiếp cận một cách không hạn chế và trung thực đến mọi nguồn thông tin của xã hội. Văn hóa đọc cho phép việc bảo tồn bản sắc văn hóa và giao lưu giữa các nền văn hóa. Văn hóa đọc có khả năng khuấy động các phong trào hoạt động vì sự tiến bộ của cộng đồng và nhân loại. Một cộng đồng tốt đẹp, trước hết và trên hết phải là một cộng đồng đọc.
Dân tộc Việt Nam ta vốn là dân tộc đã có văn hóa đọc từ 4000 năm trước, đã xây dựng được một truyền thống quý sách và thích đọc sách… Thế nhưng, những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, truyền thống tốt đẹp ấy đã có nhiều phai nhạt, nhất là ở nông thôn: tính tích cực đọc không cao, thói quen đọc chưa bền vững, mục đích đọc chưa tốt, phương pháp đọc chưa hợp lý dẫn đến kỹ năng đọc kém hiệu quả. Thái độ đối với sách, với tri thức và những người làm sách chưa thỏa đáng.
Chấn chỉnh những lệch lạc và phát triển văn hóa đọc ở nông thôn hiện nay là cấp bách và cần thiết. Việc phát triển văn hóa đọc đảm bảo cho mọi người dân ở nông thôn có được một trình độ học vấn đầy đủ, được tiếp cận một cách trung thực và không hạn chế đến mọi nguồn thông tin của xã hội để làm thay đổi diện mạo của các cộng đồng dân cư ở nông thôn văn minh và tiến bộ hơn.
Thư viện, theo quan điểm của UNESCO, với tư cách là một thiết chế quan trọng hàng đầu trong việc “đảm bảo cho mọi cá nhân có được một trình độ học vấn đầy đủ, được tiếp cận đầy đủ thông tin, để tự mình có thể ra được những quyết định đúng đắn cho mình và cho cộng đồng. Thực hiện những quyền thiêng liêng của con người, tự do phồn vinh và phát triển” phải là đội quân chủ lực trong việc hình thành các cộng đồng đọc ở nông thôn hiện nay.
2. Giải pháp phát triển văn hóa đọc ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là nguồn lương thực thực phẩm quan trọng nhất của cả nước, nhưng lại là khu vực có nhiều khó khăn nhất trong đời sống và trên con đường phát triển. Việc phát triển văn hóa đọc ở khu vực này sẽ có nhiều khó khăn và có tính đặc thù so với các khu vực khác. Những giải pháp theo tôi là cần thiết và phù hợp với điều kiện hiện nay của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể là:
2.1. Phải có cơ chế chính sách hợp lý
Từ trước đến nay, tổ chức phát triển văn hóa đọc ở nông thôn trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như được khoán trắng cho hệ thống thư viện công cộng. Tuy nhiên, đầu tư của nhà nước cho thư viện công cộng chỉ mới đến được với thư viện cấp huyện. Số phận và hoạt động của các thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cấp dưới huyện tùy thuộc vào lòng “hảo tâm” của các tổ chức đoàn thể xã hội, các mạnh thường quân hoặc sự năng động của thư viện công cộng cấp tỉnh và huyện. Thiết nghĩ, những người dân ở cơ sở mới thật sự là người cần và xứng đáng nhất để được hưởng các hoạt động công ích như hoạt động thư viện. Những năm gần đây, chương trình tài trợ sách cho vùng sâu, vùng xa được nhà nước thực hiện. Tuy nhiên chương trình này vẫn còn mang tính thời vụ nên qui mô, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Theo tác giả, phát triển văn hóa đọc phải là một nội dung quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phải được đảm bảo bởi pháp luật về tổ chức và thể chế. Tổ chức và thể chế về văn hóa đọc ở nông thôn bao gồm một hệ thống thư viện và không gian đọc sách công cộng có nguồn lực thông tin phong phú, có môi trường đọc hấp dẫn và có dịch vụ đa dạng tương thích với điều kiện hoàn cảnh của người dân. Cần phải thiết lập một hệ thống phân phối sách có chất lượng về tư tưởng, học thuật, phù hợp với nông thôn, phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Nhà nước phải đảm bảo được những điều kiện cần thiết để tổ chức và phát triển văn hóa đọc: Phải có cơ quan công quyền đặc trách việc khuyến khích, định hướng, điều chỉnh và điều hành văn hóa đọc; Có nguồn kinh phí chắc chắn và được cấp phát kịp thời; Có đường lối, chính sách ưu tiên cho việc phát triển văn hóa đọc.
2.2. Vận động sự đồng tình của toàn xã hội
Phải có những hoạt động quảng bá rộng rãi trong xã hội về văn hóa đọc, làm cho mọi người hiểu về văn hóa đọc, coi văn hóa đọc như một nét “Thuần phong, mỹ tục” trong lối sống, trong sinh hoạt. Hoạt động đọc sách được xem là một tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân và từng cộng đồng. Phải được xem là thói quen tốt và bổ ích – phải là một thú thưởng ngoạn tao nhã.
2.3. Phát huy truyền thống gia đình Việt Nam
Ảnh hưởng của gia đình đối với nhân cách sống của mỗi cá nhân ở Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn là rất đậm nét. Giáo dục đầu tiên đối với con người bao giờ cũng từ gia đình, và luôn tạo ra được những dấu ấn khó phai mờ vì việc giáo dục được thực hiện trên cơ sở tình cảm yêu thương. Việc giáo dục thói quen đọc cần phải được thực hiện từ gia đình. Hiện nay, ở vùng nông thôn Việt Nam nói chung, và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, các gia đình phải tất bật kiếm sống hàng ngày, rất khó để xây dựng một truyền thống đọc trong gia đình. Vì vậy, cần phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước và toàn xã hội để nâng cao mức sống cho người dân nông thôn.
2.4. Thay đổi phương pháp dạy và học ở nhà trường
Phương pháp dạy và học hiện nay trong các nhà trường chưa bắt buộc và khuyến khích học sinh đọc sách. Sau gia đình, nhà trường phải là nơi xây dựng văn hóa đọc tốt nhất. Ở nhà trường, học sinh sẽ được hướng dẫn về việc chọn sách, về phương pháp và kỹ năng đọc, về thái độ đọc, về mục đích đọc… Một khi học sinh đã hình thành được văn hóa đọc, thì khi lớn lên, các em sẽ là người có thói quen đọc bền vững, và từ đó hoạt động đọc trở thành một hoạt động quen thuộc của cộng đồng.
2.5. Phát triển hệ thống thư viện phục vụ nông thôn
Các thư viện ở nông thôn phải trở thành một trung tâm văn hóa, một trung tâm học tập cộng đồng, một đầu cầu để tiếp cận tới mọi nguồn thông tin xã hội, một môi trường nghỉ ngơi, giải trí lành mạnh của cộng đồng. Cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía nhà nước và xã hội để các thư viện vùng nông thôn trở thành địa chỉ hấp dẫn và đáng tin cậy nhất của nhân dân mỗi khi họ cần tri thức, cần thông tin, kể cả mỗi khi họ muốn nghỉ ngơi, thư giãn, muốn hưởng thụ những giá trị tinh thần. Muốn như vậy, thư viện cần được đầu tư một nguồn lực thông tin hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu cuộc sống, thị hiếu của người dân; Một môi trường đọc hấp dẫn với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, trụ sở khang trang và tiện nghi, sự đa dạng về dịch vụ tương thích với thói quen, điều kiện và hoàn cảnh sống của đồng bào nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2.6. Cần phải có một đội ngũ cán bộ thư viện nông thôn chuyên nghiệp
Hiện nay, người làm công tác thư viện ở vùng nông thôn nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, một số ít theo chế độ bán chuyên trách, phần đông là những “tình nguyện viên”, họ đến với thư viện vì yêu thích, vì sự tiến bộ của cộng đồng không biên chế, không lương, không được huấn luyện về mặt chuyên môn. Đây là một điều hết sức nghịch lý. Bởi lẽ, hoạt động thư viện vùng nông thôn, do tính chất phức tạp của nó, đòi hỏi phải có những cán bộ không chỉ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, mà còn phải hết sức tâm huyết và rất năng động. Họ phải được đào tạo đầy đủ và chuyên biệt để hoạt động được ở vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đòi hỏi nhiều tố chất: Hòa hợp được với môi trường tự nhiên, am hiểu phong tục, tập quán, tính cách của người dân Nam bộ, có khả năng vận động, chịu đựng được gian khổ, có khả năng phản ứng nhanh với môi trường luôn biến động. Nhà nước nói chung và ngành thư viện nói riêng cần phải có những chính sách, chế độ để thu hút được những người ưu tú tham gia vào đội ngũ cán bộ thư viện phục vụ nông thôn. Các cơ sở đào tạo về thư viện – thông tin cần có những chương trình huấn luyện riêng đáp ứng được những điều kiện và đòi hỏi của hoạt động thư viện khu vực đặc biệt này.
Kết luận
Phát triển văn hóa đọc vùng nông thôn là một đạo lý mà toàn xã hội phải thực hiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhà nước phát động trong toàn xã hội. Chương trình này sẽ không có ý nghĩa nếu người nông dân vẫn không thiết tha đến sách vở, đến việc đọc sách, bởi đây là con đường nhanh nhất để thay đổi triệt để lối sống và mức sống của người nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Tham luận tại Liên hiệp Thư viện Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Tuyên ngôn năm 1994 của UNESCO về thư viện công cộng // Về công tác thư viện. Bộ Văn hóa - Thông tin. - H.: 2002. - Tr 267 - 272.
3. Võ Công Nam. Phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu niên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Đề tài cấp bộ. - Tp. HCM: Đại học Văn hóa TP. HCM, 2012. - 221 tr.
____________
ThS. Võ Công Nam
Khoa Thư viện - Thông tin, Đại học Văn hóa Tp. HCM
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1. - Tr. 27-30.
< Prev | Next > |
---|
- Xây dựng chiến lược marketing trong thư viện và cơ quan thông tin
- Lạm bàn về chương trình đào tạo giám đốc thư viện
- Bộ từ khoá 2012 của Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Các Tiêu chuẩn Việt Nam do Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng đã công bố
- Thư viện - Tổ chức không gian học tập thân thiện, điểm đến yêu thích của mọi người
- Liệu có áp dụng được triết lý chợ cá trong phục vụ ở các thư viện Việt Nam?
- Khai thác và phục vụ tạp chí ở Trung tâm Thông tin – Thư viện, trường Đại học Huế xưa và nay
- Xây dựng và thực thi các chính sách liên quan đến quyền tác giả trong phục vụ thư viện ở Việt Nam
- Đặc điểm và cấu trúc trình bày các ấn phẩm thông tin
- Nghiên cứu việc đọc tại các thư viện: Thực trạng ở Liên bang Nga