Bộ từ khoá 2012 của Thư viện Quốc gia Việt Nam

E-mail Print

Lời tác giả: Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) là thư viện luôn đi đầu trong công tác chuẩn hóa nghiệp vụ. Cùng với việc biên soạn các quy tắc mô tả thư mục, hợp tác với các nhà xuất bản biên mục trước xuất bản (CIP), dịch và phổ biến khung phân loại DDC, Thư viện cũng đã tiến hành 3 lần biên soạn, chỉnh lí và cập nhật Bộ Từ khóa (1997, 2005, 2012) nhằm thống nhất việc mô tả chủ đề nội dung tài liệu và hỗ trợ cho việc tìm tin được nhanh chóng và chính xác khi truy cập các cơ sở dữ liệu (CSDL).

1. Lí do chỉnh lí

Hàng năm TVQG cập nhật thêm vào CSDL khoảng hơn 20.000 biểu ghi mới, bao gồm xuất bản phẩm nộp lưu chiểu của các nhà xuất bản Việt Nam và các tư liệu nước ngoài được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: trao đổi, biếu tặng, mua bổ sung từ cộng đồng thư viện - thông tin, các cơ quan xuất bản, phát hành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính vì vậy, từ năm 1997, 2005 đến 2012, lượng thuật ngữ mới xuất hiện trong các CSDL tăng lên khá nhiều. Hơn nữa trong xu hướng hội nhập, tài nguyên thông tin đã được sử dụng trên phạm vi quốc tế, bởi vậy, phần từ khóa nhân vật mà Bộ Từ khóa 1997 và 2005 đã biên soạn dưới hình thức phiên âm ra tiếng Việt không còn phù hợp nữa. Tất cả những tồn tại này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng xử lí và hiệu quả tìm tin. Đứng trước tình hình đó, năm 2012 Lãnh đạo TVQG đã quyết định tiến hành chỉnh lí, bổ sung và cập nhật Bộ Từ khóa 2005.

2. Nội dung chỉnh lí và bổ sung

Việc cập nhật, chỉnh lí Bộ Từ khóa 2012 bao gồm nội dung chính như sau:

2.1. Bổ sung từ khóa mới

Để đảm bảo độ ổn định và hiệu quả sử dụng của công cụ kiểm soát từ vựng, Lãnh đạo TVQG chỉ đạo việc chỉnh lí và bổ sung Bộ Từ khóa trong lần này phải dựa trên 2 tiêu chí: tính khoa học và tính ứng dụng.

- Tính khoa học: Bộ Từ khóa 2012 sẽ được bổ sung các gốc từ và thuật ngữ cơ bản của tất cả các lĩnh vực khoa học để đảm bảo sự cân đối, độ đầy đủ của một công cụ tra cứu từ vựng và phù hợp với diện bao quát của Bộ Từ khóa đa ngành. Nguồn để lấy thuật ngữ bổ sung là các CSDL của TVQG từ năm 2005 đến năm 2012, ngoài ra còn chọn lọc bổ sung những thuật ngữ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn trong DDC 23 và Bộ Từ điển từ khóa khoa học và công nghệ.

- Tính ứng dụng: Bên cạnh việc đảm bảo tính khoa học của một công cụ kiểm soát, Ban Biên soạn vẫn chú trọng tính ứng dụng cao, đảm bảo tối đa các thuật ngữ chính đã được đưa vào các CSDL từ trước tới năm 2012 của TVQG phải được cập nhật vào Bộ Từ khóa 2012 để phục vụ cho việc xử lí, tra cứu tài liệu được đầy đủ và chính xác. Bởi vậy, ngoài việc đảm bảo tính cân đối về mặt thuật ngữ của các lĩnh vực khoa học, trong Bộ Từ khóa vẫn có những ngành, lĩnh vực khoa học được bao quát và đề cập khá sâu nhằm phản ánh nội dung của tài liệu trong các kho tư liệu đặc thù của TVQG, như: tư liệu Đông Dương (xuất bản trước năm 1954), luận án tiến sĩ, tư liệu ngoại văn...

Ngoài việc bổ sung thuật ngữ chủ đề, các cán bộ xử lí còn thu thập và bổ sung thêm các từ khóa nhân vật, từ khóa địa lí được rút ra từ các CSDL của TVQG.

2.2. Biên tập, hiệu chỉnh Bộ từ khoá 2005

* Tên người nước ngoài (Âu, Mỹ) lấy theo họ, tên của ngôn ngữ gốc (có thể là tiếng Anh, Pháp,…);

Các cán bộ xử lí đã tiến hành chỉnh lí Bộ từ khóa cũ như sau:

Ví dụ 1:

Bộ Từ khóa 2005:

Bộ Từ khóa 2012:

Bandắc, Ônôrê đơ (1799-1850)         

Nhà văn, Pháp

DC:Bandắc, Hônôrê đờ;

Balzac, Honoré de

Balzac, Honoré de, 1799-1850

Nhà văn, Pháp

DC:Bandắc, Ônôrê đơ;

Bandắc, Hônôrê đờ

Ví dụ 2:

Bộ Từ khóa 2005:

Bộ Từ khóa 2012:

Đacuyn, S. (1809-1882)

Nhà sinh học, Anh

DC: Darwin, Charles

Darwin, Charles, 1809-1882

Nhà sinh học, Anh

DC: Đacuyn, S.

*) Tên người Nga được phiên âm sang Latinh:

Ví dụ 3:

Bộ Từ khóa 2005:

Bộ Từ khóa 2012:

Sêkhốp, A. P. (1860-1904)

 Nhà văn, Nga

DC: Tsekhov, Anton Pavlovich

Chekhov, Anton Pavlovich,1860-1904

Nhà văn, Nga

DC: Sêkhốp, A. P.;

 Tsekhov, Anton Pavlovich

*) Tên người Trung Quốc: là các nhân vật nổi tiếng đã được Việt hóa và trở thành tên gọi quen thuộc ở Việt Nam thì vẫn giữ nguyên như trong Bộ Từ khóa cũ:

Ví dụ 4:

Bộ Từ khóa 2005:

Bộ Từ khóa 2012:

Lỗ Tấn, (1881-1936)

Nhà văn, Trung Quốc

DC:Chu Nhụ Thân

Lỗ Tấn, 1881-1936

Nhà văn, Trung Quốc

DC:Chu Nhụ Thân

a. Rà soát lại toàn bộ thuật ngữ chủ đề về mặt chính tả cũng như ngữ nghĩa, hiệu chỉnh, bổ sung những từ khoá có tham chiếu “Xem”, “Dùng cho” (DC), và “Cũng xem” (CX).

b. Bổ sung và chỉnh sửa toàn bộ phần từ khóa nhân vật với qui định mới, như:

Tên người nước ngoài lấy tên gốc (không phiên âm sang tiếng Việt như trong Bộ Từ khóa 1997 và 2005), tên người Nga phiên âm sang hệ chữ Latinh, tên người Việt Nam không có gì thay đổi. Cụ thể như sau:

c. Cập nhật và chỉnh sửa toàn bộ phần từ khóa địa lí theo sự phân chia hiện nay của các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã ở Việt Nam và một số thay đổi địa lí trên thế giới.

3. Cấu trúc Bộ Từ khoá

Bộ Từ khoá 2012 gồm khoảng 35.000 thuật ngữ và vẫn giữ nguyên cấu trúc của Bộ Từ khóa 2005, chia làm 6 phần chính như sau:

Phần 1. Từ khoá chính: Gần 30.000 từ, được sử dụng để mô tả đối tượng, phương diện nghiên cứu trong các ngành, lĩnh vực khoa học. Phần này được bổ sung thêm khoảng 12.000 thuật ngữ mới so với năm 2005.

Phần 2. Từ khoá nhân vật: Gần 3.000 tên nhân vật Việt Nam và nước ngoài có kèm theo năm sinh năm mất, nguồn gốc dân tộc của tác giả, lĩnh vực hoạt động để thuận tiện cho việc xác định thời kì và nguồn gốc của nhà văn, nhà thơ đối với tác phẩm văn học. Lần chỉnh lí này bổ sung thêm khoảng 1.400 tên nhân vật và tên người Nga được Latinh hóa, tên người Âu, Mỹ được tra cứu theo họ tên gốc (không phiên âm sang tiếng Việt).

Phần 3. Từ khoá địa danh: Khoảng 2.000 từ, có hiệu chỉnh và bổ sung tên các đơn vị hành chính mới nhất của Việt Nam, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc sắp xếp như Bộ Từ khóa 2005, bao gồm:

- Địa danh Việt Nam: Bảng 1: Gồm tên tỉnh, thành phố, vùng biển, sông, núi, hồ, đảo, quần đảo, và các khu vực phi hành chính lớn của Việt Nam; Bảng 2: Tên các huyện xếp theo tỉnh; Bảng 3: Tên huyện xếp theo thứ tự chữ cái.

- Địa danh thế giới: Bảng 1: Tên địa danh hành chính và phi hành chính trên thế giới (trừ tên nước) như: tên châu lục, thủ đô và một số tỉnh/thành phố lớn, các đại dương, đảo, quần đảo, sông, núi lớn, và các khu vực phi hành chính lớn trên thế giới; Bảng 2: Tên các nước xếp theo châu lục.

Phần 4. Gồm khoảng 400 từ khoá tên tổ chức, cơ quan quốc tế, khu vực và nước ngoài. Tên các tổ chức nước ngoài sử dụng tên đầy đủ, tên tổ chức quốc tế ưu tiên sử dụng tên viết tắt (trong Bộ Từ khóa có cả tên viết tắt và viết đầy đủ).

Phần 5. Bảng phân chia thời kì đối với tác phẩm văn học, lịch sử của Việt Nam và Thế giới.

Phần 6. Hướng dẫn sử dụng Bộ Từ khoá (bao gồm các qui định cụ thể khi sử dụng Bộ Từ khoá).

Công việc tổ chức chỉnh lí lần này được giao cho một nhóm cán bộ chuyên môn của Thư viện. Trong quá trình chỉnh lí, các cán bộ xử lí đã tham khảo nhiều tài liệu trong nước, nước ngoài; sử dụng danh mục thuật ngữ của Khung Phân loại DDC - ấn bản đầy đủ 23 và các bộ từ khóa chuyên ngành; tra cứu và đối chiếu so sánh với các CSDL của Thư viện Quốc hội Mỹ, AMAZON và Wikipedia, cùng với các nguồn tin trên mạng Internet,…

4. Kết luận

Hiện nay ở Việt Nam đã có một số thư viện và cơ quan thông tin tự biên soạn các bộ từ khóa và bộ tiêu đề chủ đề để làm công cụ kiểm soát từ vựng, phục vụ cho công tác xử lí tài liệu, ví dụ như: Bộ Từ điển từ khóa khoa học và công nghệ, Bộ Từ khóa chuyên ngành Thủy sản, Bộ Tiêu đề chủ đề của Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh… Các công cụ kiểm soát này được xây dựng nhằm phục vụ cho việc thống nhất mô tả chủ đề nội dung tài liệu và hỗ trợ việc tìm tin trong các CSDL của từng thư viện hoặc trong hệ thống thư viện chuyên ngành thuộc diện quan tâm của cơ quan chủ trì biên soạn. Cho đến thời điểm này có thể nói chưa có bộ từ khóa nào có thể là công cụ dùng chung cho các hệ thống thư viện Việt Nam. Ví dụ, Bộ Từ điển từ khóa khoa học và công nghệ do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ biên soạn, đây là một bộ từ điển rất đầy đủ và chuyên sâu về các thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong suốt thời gian qua đã có rất nhiều thư viện và trung tâm thông tin chuyên ngành sử dụng. Tuy nhiên, các thư viện chuyên ngành xã hội, thư viện quân đội và hệ thống thư viện công cộng rất ít sử dụng công cụ này vì những lĩnh vực trên không thuộc diện bao quát của Bộ từ điển từ khóa. Bộ Từ khóa chuyên ngành Thủy sản do Trung tâm Thông tin Bộ Thủy sản biên soạn đã cập nhật đầy đủ và chuyên sâu các thuật ngữ về thủy sản như các loài tôm, cá, ngư cụ… nhưng cũng chỉ với mục đích thống nhất thuật ngữ trong các thư viện hệ thống thủy sản. Bộ Tiêu đề Chủ đề của Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh hiện là công cụ gần như duy nhất được xuất bản chính thức về các tiêu đề chủ đề bằng tiếng Việt, nhằm hỗ trợ cho việc định chủ đề tài liệu ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số lượng thuật ngữ trong Bộ Tiêu đề chủ đề này vẫn còn rất ít ỏi và sơ sài so với nhu cầu mô tả nội dung tài liệu của các thư viện lớn và thư viện chuyên ngành ở nước ta.

Bộ Từ khóa của TVQG được biên soạn trong năm 2012, đã cố gắng bổ sung một số lượng lớn các thuật ngữ của tất cả các ngành khoa học về tự nhiên và xã hội nói chung, ví dụ như toán, lí, hóa, sinh, xây dựng, luật, văn học, lịch sử, triết học, thông tin - thư viện… và cũng đã cập nhật nhiều thuật ngữ mới, nhất là trong lĩnh vực địa lí, chính trị, quân sự, y học… Hy vọng Bộ Từ khóa đa ngành này có thể trở thành công cụ dùng chung của nhiều thư viện, để thống nhất thuật ngữ trong mô tả chủ đề nội dung tài liệu và giúp cho việc tìm tin hiệu quả, nhanh chóng trong các CSDL của các hệ thống thư viện Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tiêu đề chủ đề. - Tp. Hồ Chí Minh: Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010. - 334 tr.           

2. Bộ Từ điển từ khóa khoa học và công nghệ. - H.: Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ, 2001. - 2 tập.

3. Bộ Từ khóa chuyên ngành Thủy sản. - H: Bộ Thủy sản, 2007. - 179 tr.

4. Bộ Từ khóa 1997, 2005. - H.: Thư viện Quốc gia Việt Nam

_____________

ThS. Phan Thị Kim Dung - ThS. Nguyễn Thị Đào - ThS. Kiều Thúy Nga - ThS. Thanh Tâm - ThS. Kim Thanh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1. - Tr. 7-10.

 


Đọc thêm cùng chuyên mục: