Lạm bàn về chương trình đào tạo giám đốc thư viện

E-mail Print

Cách đây hơn 10 năm, tại hội thảo khoa học của khoa Thư viện - Thông tin trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong một bài tham luận đã nêu ra vấn đề cần phải đào tạo cán bộ quản lý thư viện [1]. Tuy nhiên, theo như chúng tôi biết, từ đó đến nay, vấn đề này chưa được quan tâm xem xét. Xét thấy, đây là vấn đề quan trọng và cần thiết, trong bài viết này, chúng tôi lại mạnh dạn đề xuất một chương trình đào tạo giám đốc thư viện/cơ quan thông tin - thư viện, một chức danh cụ thể trong bộ máy quản lý thư viện.

1. Sự cần thiết của việc đào tạo giám đốc thư viện

1.1. Sự biến đổi của công tác thư viện/cơ quan thông tin - thư viện

Bước sang thế kỷ XXI, ngành Thư viện Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, các hệ thống thư viện đang dần được xây dựng hiện đại và “bề thế” hơn trước rất nhiều. Hiện đại không chỉ thể hiện ở sự gia tăng ngày càng nhiều các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông, thiết bị tự động hóa... mà còn thể hiện ở sản phẩm thông tin - thư viện, các phương thức phục vụ, các dịch vụ được triển khai nhằm hỗ trợ người dùng tin. “Bề thế” không chỉ là do được tăng cường các trang thiết bị cơ sở vật chất mà còn bởi sự thay đổi trong quy trình công nghệ, phải chọn lựa những công nghệ mới (phần mềm, chuẩn nghiệp vụ...). Vả lại, nhiều công nghệ mới được phát triển ở nước ngoài, trong khi cán bộ thư viện Việt Nam chưa được đào tạo hoặc thực hành trước đó. Do kinh phí hạn hẹp, thư viện gặp nhiều khó khăn khi phải trích những khoản ngân sách để bổ sung, bảo dưỡng các trang thiết bị mới cũng như để thay thế các thiết bị bị hư hỏng, lạc hậu. Một sức ép lớn hơn nữa, đó là thư viện rất cần phải bổ sung thêm nhân sự về CNTT, ngoại ngữ... để vận hành ứng dụng CNTT. Tuy nhiên,  thu nhập của nghề thư viện quá thấp, rất khó thu hút nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này vào làm việc. Thư viện còn phải đứng trước thực tế là đối tượng người dùng rộng hơn, phạm vi ảnh hưởng của thư viện lớn hơn, sự cạnh tranh với các đối tác khác (công nghệ nghe nhìn, các tổ chức thông tin, thư viện tư nhân...) cũng khốc liệt hơn...; Ngân sách cấp cho thư viện tăng ít hoặc có thư viện không tăng trong khi đó giá cả tài liệu, thông tin... tăng nhanh; việc nhà nước cho phép các thư viện tự chủ trong chi tiêu ngân sách để tạo nên những khoản thu bù vào các khoản chi cũng là những áp lực cho thư viện... Mối quan hệ trên – dưới, trong – ngoài của thư viện cũng rất phức tạp mà muốn phát triển tốt các thư viện phải giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ đó.

1.2. Đội ngũ giám đốc thư viện ở Việt Nam hiện nay

Trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn dùng chữ “giám đốc” để chỉ người đứng đầu hoặc điều hành một thư viện/Trung tâm thông tin - thư viện. Thư viện có một người thì người đó vừa là “giám đốc”, vừa là nhân viên. Thư viện nào có 2 người trở lên thì cũng phải phân công một người chịu trách nhiệm về các công việc chung của thư viện, người đó có thể xem là “giám đốc” thư viện. Ở các thư viện/ trung tâm thông tin lớn thì chức danh giám đốc phải được bổ nhiệm theo luật định. Còn ở các thư viện chỉ có 1/2 - 1 người thì người thực hiện nhiệm vụ của một “giám đốc” lại do dân gian suy tôn. Ở đây, chúng ta không bàn về sự khác nhau ở quy mô, nội dung, áp lực... trong quản lý của giám đốc thư viện với hàng trăm nhân viên hoặc “giám đốc” thư viện chỉ có mình là nhân viên mà nói tới sự đồng nhất trong chức trách của giám đốc các thư viện với những quy mô khác nhau.

Mặc dù không có nghiên cứu riêng về vấn đề này nhưng theo quan sát tại các thư viện công cộng và thư viện đại học, chúng tôi cũng có thể đưa ra 2 mẫu giám đốc sau (theo tiêu chí có và không đào tạo chuyên ngành thư viện):

- Giám đốc thư viện là người được đào tạo nghề thư viện: Số lượng này chiếm đông hơn trong các thư viện công cộng; thư viện chuyên ngành.

- Giám đốc thư viện (kiêm nhiệm) là người chưa được đào tạo nghề thư viện: Số lượng này chiếm ít hơn.

Mặc dù chưa có một công trình nghiên cứu nào về những thuận lợi và khó khăn của giám đốc được/không được đào tạo nghề thư viện nhưng rõ ràng với những giám đốc chưa được đào tạo nghề thì việc quyết định các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ thư viện thời gian đầu có phần “e dè” hơn, cẩn trọng hơn. Nếu không tự học thì quá trình đó sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng tới chất lượng công việc của thư viện. Ngoài việc đào tạo chuyên môn, giám đốc thư viện còn cần những phẩm chất, kiến thức, năng lực khác... nhưng việc đào tạo, trang bị những kiến thức đó cho các giám đốc thư viện là rất khó xác định vì hiện nay ở nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo giám đốc thư viện.

1.3. Giám đốc thư viện là một nghề?

Peter Drucker - Nhà tương lai học, đồng thời là nhà quản lý học nổi tiếng có viết rằng: “Sự lên ngôi của các tổ chức và xã hội không tùy thuộc vào tổ chức hay xã hội đó nắm trong tay những công cụ gì mà là sự vận hành thành công những định chế quản lý” [5]. Đương nhiên đằng sau suy nghĩ này, chúng ta thấy vai trò cực kỳ to lớn của người Giám đốc, người lãnh đạo tổ chức đó. Trong thời đại ngày nay khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, hiện hữu vào cuộc sống chúng ta một cách rất rõ ràng, chính vì vậy con người cần phải có một khả năng to lớn hơn về phương diện quản lý để áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các doanh nghiệp, để tập hợp, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên khan hiếm, từ đó tạo ra giá trị cho các mục đích phát triển của chính mình và của xã hội. Chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh các mặt thuận lợi, các doanh nghiệp hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn thử thách của cuộc cạnh tranh khắc nghiệt. Sức ép của tính hiệu quả, hiệu suất và chất lượng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng lớn, nó buộc chúng ta phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao các công việc và các vị trí của một tổ chức kinh doanh, trong đó có công việc và chức danh của Giám đốc.

Nói giám đốc công ty, doanh nghiệp là nghề thì hiện nay ít người phản đối nhưng nói giám đốc thư viện là một nghề e rằng vẫn còn nhiều tranh cãi.

Nghề, theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động xã hội [3]. Nhưng nếu định nghĩa một cách khoa học thì Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội” [4].

Theo TS. Nguyễn Quốc Phồn, chân dung một giám đốc chuyên nghiệp có thể được phác thảo như sau:

- Một giám đốc chuyên nghiệp là người có khát vọng làm giàu. Họ hiểu rõ giá trị của sự giàu có nhưng không tự mãn với những gì mình có và biết truyền tinh thần đó cho mọi người để cùng hành động vì mục tiêu làm giàu.

- Giám đốc chuyên nghiệp còn là người có kiến thức sâu rộng. Đó không chỉ là những kiến thức chuyên môn mà còn là trình độ văn hóa làm nền tảng trong quản lý và kinh doanh, những kỹ năng mềm như: năng lực cảm nhận, khả năng phân tích tình huống, nghệ thuật thương lượng, đàm phán…

- Là người có năng lực quản lý và kinh nghiệm tích lũy, tạo dựng được một tổ chức mạnh mẽ và năng động [6].

Giám đốc các doanh nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam hiện đều có các trường lớp đào tạo. Giám đốc nhiều doanh nghiệp, công ty hiện được thuê hoặc tuyển dụng. Còn giám đốc thư viện hiện nay là do bổ nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về phương thức quản lý nhưng vẫn nên công nhận đây là một nghề vì từ khi được bổ nhiệm, nếu không có khuyết điểm gì lớn hoặc không bị thuyên chuyển, cất nhắc lên vị trí cao hơn thì họ vẫn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của một giám đốc. Các chức năng chính của giám đốc là:

- Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đã được cơ quan cấp trên hay chủ thư viện xác định. Chịu trách nhiệm trước các chủ thể đó về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

- Điều hành thư viện đạt được các mục tiêu cuối cùng: Đưa ra các phương án bố trí cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ, vạch kế hoạch hoạt động, bố trí nhân sự phù hợp và giám sát tiến trình thực hiện kế hoạch, luôn sáng tạo, đề ra những cái mới, tiến bộ; điều chỉnh đơn vị kịp thời khi có mọi thay đổi.

- Giải quyết công việc hàng ngày của thư viện.

- Ngoài ra còn phải thực hiện các nhiệm vụ và nghĩa vụ khác của người quản lý thư viện theo Luật pháp hiện hành quy định.

Để thực hiện tốt các chức năng cơ bản trên, giám đốc thư viện cần phải được trang bị những kiến thức và phẩm chất sau:

+ Phải có kiến thức chuyên môn vững, cập nhật về công tác thư viện và các lĩnh vực có liên quan như công nghệ thông tin, truyền thông...; biết sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

+ Hiểu rõ bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, cơ quan chủ quản và những nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ, vận dụng thật tốt các thuận lợi và loại trừ hoặc làm giảm nhẹ đến mức tối thiểu các nguy cơ do hoàn cảnh đưa lại;

+ Phải am tường môi trường pháp lý (không chỉ của riêng ngành thư viện mà cả các ngành liên quan khác) trong đó thư viện vận hành;

+ Phải hiểu cặn kẽ chức năng, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược phát triển của thư viện mà mình quản lý và tìm mọi cách thực hiện tốt các chức năng, sứ mệnh đó;

+ Phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thư viện với xã hội (thư viện với cơ quan cấp trên/ chủ quản; thư viện với các ban ngành, các tổ chức xã hội; các tầng lớp xã hội; thư viện với người dùng). Đồng thời cũng phải giải quyết tốt mối quan hệ bên trong thư viện: giữa giám đốc với các phòng ban; giữa giám đốc với các nhân viên; giữa các nhân viên, phòng ban với nhau...

+ Phải điều hành công việc hàng ngày của thư viện (đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch; giải quyết các công việc mới nảy sinh. Trong quản lý điều hành thư viện hàng ngày, giám đốc cần phát huy tối đa khả năng sáng tạo, đổi mới hoạt động, ủng hộ và áp dụng cái mới, tiên tiến...);

+ Và nhiều kiến thức, kỹ năng khác...

TS. Nguyễn Quốc Phồn cho rằng nghề giám đốc là nghề thường xuyên phải đối mặt với các sức ép. Để thành công, người giám đốc cần phải có khả năng cảm nhận các giá trị, khả năng khai thác, tổ chức và sử dụng các nguồn lực, hiện thực hóa được các ý tưởng, chấp nhận và vượt qua các rủi ro, thách thức  [6].

Khi Giám đốc thư viện đã trở thành một nghề thì nghề đó cần phải được đào tạo, đào tạo một cách quy chuẩn và nghiêm túc, từ đó mới xây dựng được đội ngũ những giám đốc có tính chuyên nghiệp cao.

2. Đề xuất nội dung chương trình đào tạo giám đốc thư viện

2.1 Nội dung chương trình đào tạo

Từ những chức năng, yêu cầu đối với giám đốc thư viện, chúng tôi đề xuất một chương trình đào tạo dành cho cho đối tượng như sau:

STT

Nội dung đào tạo

Thời lượng

(đơn vị học trình)

1

 - Kiến thức cơ bản về công tác thư viện (dành cho giám đốc chưa được đào tạo nghề thư viện).

 - Kiến thức cập nhật về công tác thư viện (dành cho giám đốc đã được đào tạo nghề thư viện).

3-4

 

2-3

2

 Cơ sở pháp lý của ngành thư viện (luật pháp thư viện) và các ngành liên quan (lao động – tiền  lương; sở hữu trí tuệ, tài chính .v.v.)

3

3

 Quản trị chiến lược của thư viện

1

4

 Quản trị nguồn lực thông tin

2

5

 Quản trị cơ sở vật chất – kỹ thuật

1

6

 Quản trị cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực

2

7

 Quản trị sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện

2

8

 Quản trị tài chính

2

9

 Quản trị hình ảnh, thương hiệu thư viện

2

10

 Quản trị quan hệ

2

11

 Quản trị mâu thuẫn và xung đột trong thư viện

2

12

 Quản trị cái mới (Nghiên cứu và triển khai; dự báo...)

2

Tổng cộng

 28 –> 30 đơn vị học trình = 420-450 tiết (mỗi tiết 45 phút)

Theo chúng tôi, chương trình đào tạo này gồm những vấn đề, chủ đề được xem là quan trọng nhất. Nội dung cụ thể của từng vấn đề, số tiết (đơn vị học trình) cần được cụ thể hơn cho từng đối tượng và mục đích đào tạo.

Phương thức đào tạo: Học lý thuyết kết hợp đi thực tế, thảo luận nhóm.

2.2. Phương pháp triển khai

Để tiến hành chương trình này, điều kiện đầu tiên là cần phải có một đơn vị đào tạo về thư viện - thông tin đứng ra đảm nhận. Ví dụ: Khoa Thư viện - Thông tin (trường Đại học Văn hóa Hà Nội) - nơi xuất phát nhiều cái mới trong công tác đào tạo nghề thư viện ở Việt Nam; Khoa Thông tin thư viện - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia), Khoa Thông tin - Thư viện (trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh) hoặc các lớp của Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ...

Trước khi triển khai, cơ sở đào tạo nên nghiên cứu một chương trình chi tiết cho đào tạo giám đốc thư viện. Chương trình đó có thể giảm hoặc thêm tùy vào đối tượng đào tạo. Cụ thể, chương trình dành cho Giám đốc mới được đề bạt; giám đốc đã có một số năm thực hành nghề giám đốc; giám đốc thư viện lớn; giám đốc thư viện vừa; giám đốc thư viện nhỏ (1–2 người); giám đốc đã qua đào tạo nghề thư viện; giám đốc chưa qua đào tạo nghề thư viện... Sau đó tiến hành đào tạo cho lãnh đạo các phòng ban của thư viện.

Tóm lại: Hiệu quả hoạt động của từng thư viện và của toàn ngành thư viện phụ thuộc đáng kể vào nghệ thuật quản lý của (các) giám đốc. Đã đến lúc cần phải mở lớp đào tạo dành riêng cho tất cả những ai làm công tác quản lý thư viện, có như vậy ngành thư viện Việt Nam mới hình thành một đội ngũ cán bộ lãnh đạo thư viện “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của xã hội.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Phê. Từ điển tiếng Việt. - H.: Đà Nẵng: Trung tâm từ điển học; NXB. Đà Nẵng, 2000. - Tr. 676.

2. Lê Văn Viết. Xu hướng phát triển của thư viện trong 20 năm tới và phương hướng đào tạo cán bộ thư viện ở Việt Nam // Thư viện học – những bài viết chọn lọc. - H.: Văn hóa Thông tin, 2006. – Tr. 43–57.

3. Papin, Robert. Nghề giám đốc, nhà quản lý thế hệ mới. Tập 1: Robert Papin; Trần Tất Hợp biên dịch. - H.: Thống kê, 1995. – 236 Tr.

4. Khái niệm chung về nghề // huongnghiepviet.com/.../706-khai-niem-nghe.

5. Nghề giám đốc // vanniendb.com/?... Truy cập ngày 9/9/2011.

6. Tại sao giám đốc lại trở thành một nghề // daotaodoanhnghiep.com/.../195-tai-sao-giam-doc-lai-tro-thanh-mot-nghe.html.

___________

TS. Lê Văn Viết - ThS. Trần Thị Phương Lan

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 1. - Tr. 11-15.


Đọc thêm cùng chuyên mục: