Hiện nay hầu hết các cơ quan thông tin, thư viện đều biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin. Tuy nhiên, về hình thức trình bày ấn phẩm thông tin chưa được các cơ quan chú trọng và quan tâm. Sau đây chúng tôi xin nêu một số tiêu chí để nhận dạng các loại hình ấn phẩm thông tin và cách trình bày theo Tiêu chuẩn Quốc tế cũng như của Việt Nam đã ban hành năm 2009.
1. Đặc điểm và phân loại ấn phẩm thông tin
Ấn phẩm thông tin là tập hợp các kết quả xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin từ tài liệu cấp một. Ấn phẩm thông tin được coi là tài liệu cấp hai và là một trong những hình thức phổ biến và phục vụ thông tin chủ yếu nhất trong hoạt động thông tin - thư viện. Ấn phẩm thông tin là sản phẩm của các cơ quan thông tin - thư viện với những chức năng đặc thù, nên có những đặc điểm, cấu trúc và cách trình bày riêng.
Ấn phẩm thông tin được phân loại theo các tiêu chí khác nhau: theo hình thức xử lý thông tin, chia thành các dạng: thư mục, tóm tắt, bản tin, tổng luận và ấn phẩm tổng hợp; theo hình thức xuất bản, chia thành các dạng: sách, tạp chí và ấn phẩm điện tử; theo thời hạn xuất bản, có: định kỳ, không định kỳ và nhiều kỳ; theo hình thức lưu trữ thông tin, chia thành 2 dạng chính: giấy và điện tử.
Theo hình thức hay mức độ xử lý thông tin, chúng ta có những loại hình ấn phẩm thông tin như sau:
a. Ấn phẩm thư mục (Bibliographic publication). Là ấn phẩm thông tin mà phần chính là tập hợp các biểu ghi thư mục được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Biểu ghi thư mục (Bibliographic record) là tập hợp các thông tin thư mục, ngoài mô tả thư mục là thành phần bắt buộc còn có thể thêm: số thứ tự của biểu ghi, tiêu đề, chỉ số phân loại, đề mục, từ khóa, ký hiệu xếp giá, bài chú giải v.v… tùy theo mục đích sử dụng. Trong các ấn phẩm thư mục, ví dụ như: Thư mục quốc gia, thông báo tài liệu mới, thư mục chuyên đề, thư mục địa chí, mục lục quyển, mục lục liên hợp; việc sắp xếp các biểu ghi thư mục phải được tiến hành theo ký hiệu phân loại của khung phân loại mà ấn phẩm sử dụng (có thể là DDC, BBK, Khung Đề mục Quốc gia,…). Nếu các biểu ghi có cùng ký hiệu phân loại thì được sắp xếp theo vần chữ cái (họ tên tác giả hoặc nhan đề tài liệu v.v…), tiếp theo là trình tự thời gian xuất bản của các tài liệu gốc, dạng tài liệu hoặc kết hợp các dấu hiệu nêu trên.
b. Ấn phẩm tóm tắt (Abstract publication)
Ấn phẩm tóm tắt là ấn phẩm thông tin mà phần chính là tập hợp các bài tóm tắt đi liền với các biểu ghi thư mục tương ứng và được sắp xếp theo một trình tự nhất định, thường là theo hệ thống của khung phân loại. Ấn phẩm tóm tắt thường được xuất bản dưới các tên như: “Tạp chí tóm tắt...”, “Tuyển tập tóm tắt…”,...
Trong ấn phẩm tóm tắt, phần chính thường bao gồm biểu ghi thư mục gắn liền với bài tóm tắt. Bởi vậy, cách sắp xếp và trình bày thường giống ấn phẩm thư mục.
c. Ấn phẩm bản tin (Bulletin)
Bản tin là tập hợp các thông tin mang tính thời sự hoặc chuyên ngành, phục vụ cho một số đối tượng cụ thể, nhằm cung cấp thông tin hoặc hỗ trợ thông tin để ra quyết định. Ấn phẩm bản tin có thể được xuất bản dưới dạng giấy hoặc điện tử, trong đó phần chính là các bài thông tin chuyên đề, được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Ấn phẩm bản tin có nhiều loại: bản tin ngày hay còn gọi là bản tin nhanh, bản tin chuyên đề, bản tin chọn lọc phục vụ lãnh đạo, bản tin điện tử v.v…
Bản tin ngày (Daily bulletin): Cung cấp thông tin nhanh, mang tính thời sự hoặc thông tin chuyên ngành được tổng hợp từ nhiều tài liệu gốc khác nhau. Để thông tin nhanh, bản tin ngày hiện nay thường được xuất bản điện tử, gọi là bản tin điện tử.
Bản tin chọn lọc phục vụ lãnh đạo (Selective bulletin for leader): Bản tin ngắn, gồm các thông tin được chọn lọc từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau về chiến lược, chính sách phát triển các ngành, các lĩnh vực, nhằm cung cấp thông tin ngắn gọn và nhanh chóng cho các nhà quản lý, lãnh đạo.
Bản tin khoa học, công nghệ (Scientific, technological bulletin): Là ấn phẩm thông tin có nội dung chủ yếu là các thông tin ngắn gọn về các ngành khoa học, công nghệ v.v…
d. Ấn phẩm tổng luận (Review)
Là ấn phẩm thông tin mà phần chính là một hoặc một số bài tổng luận và được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Tổng luận được chia làm 3 loại: Tổng luận thư mục, tổng luận tóm tắt và tổng luận phân tích.
Tổng luận thư mục (Bibliographic review): là tổng luận giới thiệu các tin tức, số liệu một cách có hệ thống các tài liệu gốc về một chuyên đề hoặc một lĩnh vực nghiên cứu nào đó;
Tổng luận tóm tắt (Abstract review of several source): là tổng luận trình bày có hệ thống, cô đọng và tổng hợp thông tin rút ra từ các tài liệu gốc về nội dung cơ bản của một vấn đề được đề cập.
Tổng luận phân tích (Analytical review) là tổng luận mà trong đó ngoài việc tổng hợp, hệ thống hoá thông tin cần phải có đánh giá, phân tích nội dung tài liệu gốc và nêu lên những kết luận, kiến nghị của mình về những vấn đề được đề cập.
e. Ấn phẩm tổng hợp (General publication) Ấn phẩm tổng hợp là ấn phẩm thông tin mà trong đó là tập hợp các biểu ghi thư mục, các bài tóm tắt, các bài tổng thuật có thể do các cán bộ thư viện và cơ quan thông tin biên soạn.
Ấn phẩm tổng hợp là loại hình ấn phẩm thông tin khá phong phú, nhiều cơ quan thông tin - thư viện đều biên soạn ấn phẩm này. Ví dụ: “Thông tin văn hoá nghệ thuật” do Thư viện Quốc gia biên soạn; “Thông tin môi trường” và “Thông tin chiến lược phát triển khoa học-kỹ thuật-kinh tế” của Cục Thông tin Khoa học & Công nghệ Quốc gia.
2. Cấu trúc và trình bày ấn phẩm thông tin
Khi một cơ quan thông tin, thư viện in ấn hoặc xuất bản ấn phẩm thông tin phải ghi rõ các thông tin nhận dạng và đặc trưng của ấn phẩm như:
- Thông tin về trách nhiệm: tác giả, người biên soạn, biên tập, ban biên tập, cơ quan chịu trách nhiệm về nội dung v.v…;
- Nhan đề ấn phẩm (nhan đề chính, nhan đề khác, nhan đề tùng thư v.v…);
- Thông tin về dạng ấn phẩm (nếu chưa được thể hiện ở nhan đề xuất bản phẩm như tổng luận phân tích, bản tin chọn lọc phục vụ lãnh đạo v.v…);
- Thông tin về định kỳ, năm bắt đầu xuất bản (ví dụ: bản tin ngày, 6 số/năm v.v…);
- Địa chỉ xuất bản: Nơi xuất bản, tên cơ quan hoặc nhà xuất bản, năm xuất bản;
- Số thứ tự xuất bản (có thể bao gồm tháng, năm xuất bản) đối với các ấn phẩm liên tục;
- Thông tin ấn loát: số lượng bản, trang, khổ cỡ (kích thước), số xuất bản, tên và địa chỉ cơ sở in, ngày tháng in và in xong, ngày tháng nộp lưu chiểu v.v…;
Ấn phẩm thông tin thường do các cơ quan có hoạt động thông tin và tư liệu xuất bản. Trong bất cứ một loại hình nào của ấn phẩm thông tin đều được xuất bản theo một cấu trúc thống nhất và được chia làm 3 phần:
- Phần chính;
- Bộ máy tra cứu;
- Phần phụ thêm.
a. Phần chính: là phần phản ánh những kết quả xử lý, phân tích, tổng hợp các tài liệu gốc và xác định sự khác nhau giữa các dạng ấn phẩm thông tin.
Ví dụ: Phần chính của ấn phẩm thư mục là tập hợp các biểu ghi thư mục, phần chính của ấn phẩm tóm tắt là tập hợp các bản tóm tắt đi kèm với biểu ghi thư mục, phần chính của bản tin là tập hợp các bài thông tin chuyên đề, phần chính của tổng luận là một hoặc một số bài tổng luận.
b. Bộ máy tra cứu của ấn phẩm thông tin:
Tùy theo mức độ xử lý để tạo lập bộ máy tra cứu cho phù hợp với từng ấn phẩm thông tin. Nhìn chung, bộ máy tra cứu đầy đủ cho một ấn phẩm thông tin bao gồm: Mục lục, Lời giới thiệu (mở đầu), Hướng dẫn sử dụng ấn phẩm, Sơ đồ sắp xếp, Các bảng tra phụ trợ, Danh mục nguồn tài liệu gốc, Bảng các từ viết tắt và các ký hiệu.
Mục lục là bảng kê tên các phần, mục của ấn phẩm và được sắp xếp theo trình tự như sắp xếp chúng trong ấn phẩm đồng thời có ghi số trang bắt đầu hoặc trang bắt đầu và trang cuối cùng của phần, mục tương ứng.
Lời giới thiệu (mở đầu) thường nêu rõ nhiệm vụ, tính chất, mục đích của ấn phẩm; thể thức xuất bản (định kỳ, việc đánh số, việc phân chia thành các chuyên đề khác nhau v.v…), cơ sở lựa chọn và sắp xếp tài liệu, bộ máy tra cứu của ấn phẩm, thể thức phát hành, đặt mua, trao đổi ấn phẩm, đặt sao tài liệu v.v…
Hướng dẫn sử dụng ấn phẩm là bản quy tắc sử dụng ấn phẩm. Ví dụ: Trong ấn phẩm thư mục và tóm tắt thường hướng dẫn giải thích các yếu tố mô tả thư mục như nhan đề, tác giả, ký hiệu phân loại, số thứ tự tài liệu trong ấn phẩm. Trong bản hướng dẫn sử dụng có thể giới thiệu về thể thức phát hành, đặt mua, trao đổi ấn phẩm đặt sao tài liệu.
Sơ đồ sắp xếp của ấn phẩm là danh mục các ký hiệu phân loại và các đề mục tương ứng được sử dụng để sắp xếp tài liệu trong phần chính của ấn phẩm.
Bảng tra phụ trợ được sử dụng để giúp tra cứu nhanh đến các biểu ghi thư mục, các bài tóm tắt hoặc các chương, mục quan trọng trong các phần khác nhau của ấn phẩm. Ví dụ Bảng tra Tên tác giả, Tên nhan đề, Bảng tra từ khóa trong các ấn phẩm thư mục...
Danh mục tài liệu gốc là bảng kê tên các tài liệu cấp I (ví dụ sách, bài báo v.v…) chứa các thông tin được dùng để biên soạn ấn phẩm (thường có trong ấn phẩm tổng luận). Danh mục tài liệu gốc thường để ở cuối ấn phẩm và chia theo ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh,... Trong từng ngôn ngữ tài liệu được sắp xếp theo thứ tự chữ cái của tiêu đề mô tả.
Bảng các từ viết tắt và các ký hiệu là bảng kê theo vần chữ cái các từ viết tắt và các ký hiệu được sử dụng trong ấn phẩm, có giải nghĩa (giải mã) đầy đủ về chúng.
c. Phần phụ thêm: bao gồm:
- Mẫu phiếu yêu cầu;
- Mẫu phiếu phản hồi;
- Thông tin quảng cáo.
Mẫu phiếu yêu cầu là mẫu quy định thủ tục và hình thức nêu yêu cầu tài liệu gốc, bản sao hoặc những dịch vụ khác (ví dụ: đề nghị dịch, tóm tắt tài liệu v.v…).
Mẫu phiếu phản hồi là mẫu gồm các mục (câu hỏi) đưa ra để người dùng tin dựa vào đó điền các thông tin về sự phù hợp của ấn phẩm thông tin được xuất bản đối với yêu cầu tin của họ, về tính chất và hiệu quả sử dụng chúng.
Thông tin quảng cáo: Trong ấn phẩm thông tin được phép quảng cáo về các ấn phẩm thông tin cũng như về các xuất bản phẩm khác.
Việc trình bày, sắp xếp các thông tin xuất bản đối với ấn phẩm nhiều tập và ấn phẩm tiếp tục (định kỳ, nhiều kỳ, tùng thư) phải thống nhất cho tất cả các số (quyển, tập) của ấn phẩm đó.
Việc đánh số thứ tự xuất bản các ấn phẩm định kỳ hàng năm đều phải bắt đầu từ số 1 (đánh số theo từng năm) và phải ghi năm (có thể cả tháng) xuất bản.
Trên đây là các đặc điểm, cấu trúc và cách trình bày ấn phẩm thông tin theo TCVN 4523 do Ban Tiêu chuẩn TC46 Việt Nam ban hành năm 2009. Mong rằng chúng ta sẽ thống nhất được cách trình bày các dạng ấn phẩm thông tin được biên soạn trong toàn hệ thống để người dùng tin dễ dàng nhận dạng tài liệu cấp II, là sản phẩm của các cơ quan thông tin, thư viện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ISO 4523-2009. Information publication: Classification, structure and formal presentation. - 15 tr.
2. TCVN 4523-2009. Xuất bản phẩm thông tin: Phân loại, cấu trúc và trình bày. – Hà Nội. – 15 tr.
3. Trần Thị Quý. Xử lý thông tin trong hoạt động thông tin-thư viện: Sách dùng cho sinh viên, học viên cao học ngành thông tin-thư viện / Trần Thị Quý, Nguyễn Thị Đào. – H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. – 163 tr.
_________________
ThS. Nguyễn Thị Đào
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(32) – 2011 (tr.22- 25)
< Prev | Next > |
---|
- Nghiên cứu việc đọc tại các thư viện: Thực trạng ở Liên bang Nga
- Hợp tác quốc tế: Tầm nhìn, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp
- Góp ý cho bản dịch DDC 22/23
- Hội Thư viện Việt Nam 5 năm nhìn lại
- Mô hình ứng dụng Web 2.0 cho trung tâm thông tin – thư viện trường đại học
- Quá trình ứng dụng phần mềm nhận dạng chữ in tiếng Việt ABBYY ở Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội
- Vấn đề phát triển nguồn lực thông tin điện tử trong các thư viện hiện nay
- Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học ở Việt Nam – Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện
- Phương pháp luận phát triển nguồn nhân lực thư viện
- “Tìm hiểu kho sách Hán - Nôm” - Một bộ thư mục có giá trị cao