“Tìm hiểu kho sách Hán - Nôm” - Một bộ thư mục có giá trị cao

E-mail Print

Lời tác giả: Trần Văn Giáp (1898-1973) là một nhà khoa học xã hội và nhân văn đồng thời là nhà thư tịch học, thư mục học xuất sắc của Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm nghiên cứu về sử học, ngôn ngữ học, thư tịch học… mà một trong những tác phẩm lớn của ông là bộ thư mục “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm”.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời (1971- 2011) của tác phẩm trên, chúng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về giá trị của bộ sách này như một lời tri ân đối với tác giả, học giả Trần Văn Giáp.

Bộ thư mục “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” của Trần Văn Giáp gồm 2 tập: Tập I xuất bản lần 1, 1971, lần 2, 1984. Tập II xuất bản năm 1990. Bộ thư mục này giới thiệu cho chúng ta trên 300 tác giả Việt Nam với tiểu sử rõ ràng và 470 bộ sách Hán Nôm được chọn lọc, có phân tích kỹ lưỡng.

Giá trị trước hết của bộ thư mục “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” ở chỗ nó là một bộ thư mục dân tộc, tổng hợp, hồi cố, như một tấm gương phản ánh kho tàng sách phong phú của dân tộc ta.

Nhiều nước trên thế giới người ta đã biên soạn những thư mục hồi cố tương tự như vậy.

Ví dụ:

Ở Anh có “Sách chỉ nam thư mục về tài liệu Anh” của William Thomas Lowders xuất bản năm 1883 gồm các sách hiếm, quý, hữu dụng được xuất bản ở Anh liên quan đến nước Anh và Ai-rơ- lan từ khi phát minh ra nghề in.

Mỹ có “Thư mục Mỹ” của Charles Evans xuất bản năm 1941 tập hơp tất cả các ấn phẩm của Mỹ từ 1839 đến 1920.

Tại Pháp có thư mục “Tài liệu Pháp thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX” của Joseph Marie Querand xuất bản năm 1827- 1864.

Nga có thư mục “Trong rừng sách” của N. A. Rubakin phản ánh tất cả các xuất bản phẩm ở Nga trước Cách mạng tháng Mười 1917.

Trung Quốc có bộ thư mục “Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu” được biên soạn năm 1795 (đời Thanh) thâu tóm toàn bộ sách của Trung Quốc có từ trước đó.

Ở Việt Nam, những thư mục dân tộc đầu tiên là “Nghệ văn chí” của Lê Quý Đôn và “Văn tịch chí” của Phan Huy Chú. Sau đó không kể những thư mục của người Pháp biên soạn về Việt Nam thì Trần Văn Giáp là người thứ ba biên soạn thư mục dân tộc tổng hợp với một quy mô lớn và với tác phẩm “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” xuất bản năm 1971 bao gồm những tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Khi biên soạn bộ thư mục trên, Trần Văn Giáp đã sử dụng phương pháp thư mục học đặc biệt, đó là phương pháp thư mục học Việt Nam.

Trần Văn Giáp vốn được học nhiều về Hán học, sử học Trung Hoa nên ông rất am tường về phương pháp thư mục học phương Đông. Ông lại được học khoa thư mục ở Pháp và nắm được phương pháp thư mục học của phương Tây. Song khi vận dụng vào thực tiễn biên soạn thư mục, Trần Văn Giáp đã trở về với cội nguồn dân tộc để kế thừa và phát triển nền học thuật của nước nhà.

Nói về tính kế thừa, chính Trần Văn Giáp đã ghi trong bài tựa thư mục của mình: “Soạn tập sách này, chúng tôi lấy hai thiên kinh tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú làm gốc”.

Trong thực tế, Trần Văn Giáp đã nghiên cứu, xử lý toàn bộ số tên sách của hai thư mục cổ cùng với số sách đáng kể ông sưu tầm thêm được. Mặt khác ông đã lọc lấy tất cả các thông tin mà các vị tiền bối đã cung cấp về sách trong thư mục. Đó là những thông tin về tên sách, số tập, số quyển, số tờ, tên tác giả, tiểu sử tác giả, nội dung chính và giá trị của tác phẩm, tình hình biên soạn, công bố tác phẩm… Những thông tin đó thật là quý giá, đặc biệt đối với những sách đã ra đời cách đây hàng mấy trăm năm, giúp ích cho các nhà nghiên cứu ngày nay. Sự kế thừa còn thể hiện rõ ở chỗ: dưới các yếu tố mô tả tác phẩm, Trần Văn Giáp đã chú thích thêm tác phẩm nằm ở mục nào trong thư mục của Lê Quý Đôn và ở mục nào trong thư mục của Phan Huy Chú để tiện cho người đọc tra cứu, so sánh.

Về việc phân loại sắp xếp sách trong thư mục, Trần Văn Giáp đã sử dụng phương pháp sắp xếp theo nội dung tác phẩm, đó là phương pháp khoa học mà Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã làm. Từ đó ông đã xây dựng nên một bộ thư mục có giá trị và độ tin cậy cao.

Cùng với sự kế thừa là sự sáng tạo trong phương pháp thư mục học của Trần Văn Giáp. Chỉ xem xét một số mặt như việc giám định văn bản và phân loại, sắp xếp tài liệu ta cũng thấy rõ điều này.

Trần Văn Giáp coi mỗi tác phẩm là đối tượng của một bài nghiên cứu, do đó ông đã làm việc hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng, tìm thấy sự chính xác cao nhất cho các văn bản. Điều này quả là khó khăn bởi vì sách Hán Nôm có đặc tính chung là cũ nát, được nhân bản bằng chép tay hoặc in bằng thủ công, nhiều khi bị “tam sao thất bản”, thật giả lẫn lộn, đúng sai khó phân biệt. Để khắc phục điều này, Trần Văn Giáp đã nghiên cứu sâu nhiều văn bản khác nhau cùng những tài liệu liên quan đến mỗi tác phẩm, tìm ra những sở cứ cho sự khẳng định của mình. Trong nhiều trường hợp ông đã chính xác hóa được nhiều yếu tố (tác giả, tác phẩm, sự kiện…).

Thí dụ: Qua phân tích nhiều sử liệu ông khẳng định:

- Bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu là bộ chính sử đầu tiên của nước ta còn lại, không như một số người cho sách này “trùng tu” từ tác phẩm trước đó.

- “Lam sơn thực lục” do Lê Thái Tổ làm, còn Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Lý Tử Cấu là những người được Lê Lợi giao cho việc biên sửa từ “Lam sơn ký” để hoàn chỉnh tác phẩm này.

- “Lê triều thông sử” là tên đúng của bộ sử do Lê Quý Đôn biên soạn, không phải là “Đại Việt thông sử” vì Lê Quý Đôn chỉ soạn sử triều Lê, hơn nữa Phan Huy Chú cũng đã giới thiệu tên sách này trong “Nghệ văn chí”.

Trần Văn Giáp cũng phân biệt rõ những tác phẩm dễ nhầm lẫn để đồng nhất hóa văn bản cho từng bộ sách. Thí dụ:

- Phân biệt bộ “Đại Nam thực lục chính biên” không rõ tác giả với “Đại Nam thực lục” (tiền biên và chính biên) do Sử quán triều Nguyễn soạn.

- “Hoàng triều đại điển” của Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn soạn, có sách lại ghi là “Trần triều đại điển”.

Có những tác phẩm lại có nhiều bản khác nhau, Trần Văn Giáp đã giới thiệu từng bản đó.

Thí dụ: “Ức Trai tập” của Nguyễn Trãi có tới 4 bản, mỗi bản có những chi tiết khác nhau. “Đại Việt sử ký toàn thư” có 3 bản, mỗi bản có những phần đúng sai thêm bớt.

Hầu hết các tác phẩm còn được Trần Văn Giáp giới thiệu cấu trúc của nó, nội dung chính của từng phần, các bài bạt, bài tựa và nhiều tài liệu, sự kiện liên quan.

Từ đó việc ghi chép, giới thiệu sách của thư mục được Trần Văn Giáp phân thành 3 mảng:

1)         Miêu tả sách

2)         Nội dung sách

3)         Tiểu truyện các tác giả.

Các mảng này Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú cũng có làm, song Trần Văn Giáp đã đi sâu, phát triển hơn nhiều. Điều đó khiến người đọc tra cứu được kỹ lưỡng về tác phẩm như đi vào một khu rừng đại ngàn mà được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết đến từng thân cây, ngọn cỏ.

Về mặt phân loại, sắp xếp tác phẩm chúng ta càng thấy sự độc lập, sáng tạo của Trần Văn Giáp. Như trên đã nói, ông phân loại, sắp xếp tài liệu theo nội dung khoa học của chúng. Và theo cách gọi các môn khoa học hiện nay, các sách trong thư mục được phân thành 8 môn loại:

I - Lịch sử                    V - Văn học

II - Địa lý                     VI - Tôn giáo

III - Kỹ thuật                VII - Triết học

IV- Ngôn ngữ              VIII - Sách tổng hợp

Trong mỗi loại lại chia thành các đề mục nhỏ, thí dụ:

Lịch sử có:       1. Lịch sử nói chung

                        2.         Khảo cổ

                        3.         Tổ chức nhà nước

                        4.         Giáo dục

                        5.         Truyện ký

                        6.         Phả lục

Với cách phân loại trên, Trần Văn Giáp đã xây dựng một bảng phân loại mới cho thư mục. Ông không phân chia sách thành 4 môn loại như Lê Quý Đôn. (“Nghệ văn chí” chia sách thành 4 mục: 1. Hiến chương loại 2. Thi văn loại 3. truyện ký loại 4. Phương kỹ loại) và Phan Huy Chú cũng vậy (“Văn tịch chí” chia sách thành 4 mục:   1. Hiến chương loại 2. Kinh sử loại 3. Thi văn loại. Truyện ký loại (phụ lục: Phương kỹ loại). Cách chia thành 4 mục tuy có thích hợp với số lượng sách thời đó, song không có các phần chi tiết làm hạn chế độ chính xác khi sắp xếp tài liệu).

Ông cũng không phân chia sách theo cách phân loại của “Tứ khố toàn thư” (Trung Quốc cổ) với: 1. Kinh 2. Sử 3. Tử 4. Tập, hoặc tứ bộ có mở rộng như “Tụ khuê thư viện tổng mục sách” của thư viện Tụ Khuê triều Nguyễn với: 1. Kinh 2. Sử 3. Tử 4. Tập và Tây thư, “Lê thị tích thư ký” của Lê Nguyên Trung với: 1. Kinh 2. Thư 3. Sử 4. Tử 5. Tập 6. Cử nghệ 7. Tạp trứ. Những cách này không phù hợp với nội dung sách của Việt Nam. Cách phân chia theo khu vực địa lý như “Hoàng Nguyễn tứ khố thư mục” cũng không thích hợp với thư mục dân tộc tổng hợp.

Trần Văn Giáp cũng không làm như các thư mục của người Pháp biên soạn về Việt Nam. Họ chủ yếu phân loại sắp xếp tài liệu theo hình thức của tài liệu và thứ tự chữ cái. Có một vài thư mục sắp xếp tài liệu theo chủ đề song sự xác định chủ đề cũng không thích hợp với các tài liệu Hán Nôm và thư mục dân tộc.

Ngoài ra Trần Văn Giáp còn xây dựng bảng tra bổ trợ (bảng tra tên tác giả và tác phẩm). Đây là điều mà các thư mục trước ông đã không làm. Các bảng tra giúp độc giả sử dụng thư mục dễ dàng đồng thời thể hiện tính khoa học cao của thư mục.

Tóm lại, cách trình bày và cấu trúc thư mục “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” của Trần Văn Giáp không những phát huy được phương pháp thư mục của dân tộc mà còn tiếp cận được với phương pháp thư mục hiện đại.

Giáo sư Trần Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã viết: “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” là chiếc cầu nối giữa hai nền thư tịch cũ và mới. Nhận định này quả là rất chính xác.

Trong bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, hoạt động thư mục ở nước ta chưa phát triển mạnh thì công trình thư mục của Trần Văn Giáp là một bước tiến có ý nghĩa, tạo tiền đề cho những thư mục ra đời phong phú, đa dạng từ những năm 70 trở đi.

Ngày nay nhiều thư mục đã ra đời sau thư mục của Trần Văn Giáp với dung lượng tài liệu lớn hơn, song thư mục “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” vẫn là một cái mốc quan trọng trong lịch sử thư mục học Việt Nam, có giá trị như một nguồn tài liệu văn học, sử học Việt Nam đồng thời có giá trị đặc biệt về phương pháp thư mục học khoa học

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Nghĩa. Những đóng góp của “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” trên lĩnh vực thư tịch học // Trần Văn Giáp với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. - H.: Văn hóa- thông tin, 1997. - 377 tr.

2. Trần Văn Giáp. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm: Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam.

T1: H.: Văn hóa, 1984. - 431 tr. T2: H.: Khoa học xã hội, 1990. - 279 tr.

3. Trịnh Kim Chi. Tính kế thừa và sáng tạo trong phương pháp thư mục học của Trần Văn Giáp // Trần Văn Giáp với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. - H.: Văn hóa - thông tin, 1997. - 377 tr.

 

____________________

Trịnh Kim Chi

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 5(31) – 2011 (tr.13-16)


Đọc thêm cùng chuyên mục: