Một số vấn đề về thực thi các văn bản quy phạm pháp luật tại các thư viện công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

E-mail Print

Trong một xã hội văn minh, hiện đại, vai trò của sách, báo và thư viện ngày càng trở nên quan trọng đối với đời sống con người, nhất là ở những đô thị phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM)…

Từ những năm 2000, Pháp lệnh Thư viện ra đời đã khẳng định vai trò, vị trí và tác dụng của Thư viện trong đời sống xã hội. Hoạt động thư viện trong cả nước nói chung và tại Tp.HCM nói riêng đã được Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chỉ đạo và từng bước có sự đầu tư đúng mức. Hệ thống Thư viện công cộng được ưu tiên phát triển rộng khắp từ Trung ương đến các tỉnh, thành, quận huyện và xã phường… Tuyên ngôn của UNESCO về Thư viện đã nhấn mạnh: “Thư viện công cộng mở ra cơ hội cho người dân ở cơ sở tiếp cận tri thức, đảm bảo cho họ học tập liên tục và tự quyết định sự phát triển văn hóa của mình, của nhóm cộng đồng”. Quan điểm này được thể hiện ngày càng rõ ở nước ta và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

Để hệ thống thư viện công cộng phát triển đúng hướng, phục vụ có hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Thư viện cần phải được nghiên cứu, tăng cường. Đối với Thư viện công cộng, từ sau khi Pháp lệnh Thư viện ra đời, Chính phủ, các Bộ, Ngành hữu quan đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư… từng bước chỉ đạo, hướng dẫn cho hệ thống thư viện phát triển đúng hướng. Ví dụ: Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06/08/2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT ngày 04/05/2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; Đặc biệt Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập… Thực tế những năm qua, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật tại các Thư viện công cộng trên địa bàn Tp.HCM có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về thuận lợi

- Các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành có liên quan tại Tp.HCM đã quán triệt đúng tinh thần và chấp hành tốt các văn bản pháp quy của Trung ương. Chỉ đạo của Thành ủy, Uỷ ban Nhân dân Thành phố về Quy hoạch, định hướng phát triển ngành Thư viện đến năm 2020 có tầm nhìn, sự cân đối, đồng bộ giữa các thư viện chuyên ngành, thư viện công cộng, trong đó có chỉ đạo quy hoạch Thư viện Thiếu nhi cấp thành phố.

- Các cấp chính quyền từng bước có sự đầu tư kinh phí về cơ sở vật chất Thư viện và đầu tư kinh phí cho các hoạt động phát triển sự nghiệp Thư viện (bổ sung vốn tài liệu năm sau cao hơn năm trước, đầu tư kinh phí phát triển các loại hình, dịch vụ Thư viện mới).

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Thư viện trong quan hệ, hợp tác, trao đổi và đào tạo cán bộ đối với các tổ chức trong và ngoài nước.

- Được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính trong từng giai đoạn (Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006).

- Đặc biệt, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố (KHTHTP) và hệ thống thư viện công cộng 24 quận huyện được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát để thực thi các văn bản quy phạm pháp luật được thuận lợi. Sự giúp đỡ của các ngành chức năng có liên quan như Tài chính, Kho bạc, ngành Giáo dục… rất kịp thời, thiết thực, tạo điều kiện cho Thư viện phát triển một số mô hình mới mang tính xã hội hóa cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng các cơ chế, chính sách mới tại các Thư viện công cộng trên địa bàn Tp.HCM cũng còn gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:

1. Về phí Thư viện

- Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản quy định mức phí thống nhất trong hệ thống Thư viện công cộng cả nước - mà chỉ mới ban hành 02 Quyết định quy định mức thu, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí Thư viện áp dụng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Quyết định số 07/2005/QĐ- BTC ngày 18/01/2005 và Quyết định số 90/2008/QĐ-BTC ngày 24/10/2008 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 07/2005/QĐ-BTC).

- Riêng đối với Thư viện tỉnh thành, ngày 30/07/2003 Bộ Tài chính có ban hành Thông tư số 71/2003/TT-BTC Hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có phí Thư viện. Ngày 16/10/2006 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 97/2006/TT-BTC Hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sửa đổi Thông tư số 71/2003/TT-BTC). Quy định cụ thể hơn ở các mục như: phí thẻ đọc, thẻ mượn tối đa không quá 20.000 đồng/ thẻ/ năm đối với người lớn, phí sử dụng phòng Đọc (đa phương tiện, tài liệu quý hiếm và các phòng đọc đặc biệt khác tối đa không quá 5 lần mức thu phí thẻ mượn, thẻ đọc tài liệu).

Ngày 17/06/2008, Ủy ban Nhân dân Tp.HCM có Công văn số 3817/UBND-TM chỉ đạo giữ nguyên mức thu phí theo Thông tư 97/2006/TT- BTC nhằm khuyến khích người dân vào Thư viện. Có thể nói, với mức phí như vậy thì không khuyến khích sự phát triển các dịch vụ, loại hình mới hiện đại, hấp dẫn bạn đọc, nhất là đối với một số Thư viện lớn tại Hà Nội, Tp.HCM… Ngay tại Thư viện KHTHTP, mức thu này không phù hợp với phòng Đọc Doanh nhân, phòng Đọc Đa phương tiện (vì không đủ chi phí điện máy lạnh và các chi phí khác để thỏa mãn nhu cầu của người đọc - trong lúc bạn đọc sẵn sàng trả phí cao hơn để được phục vụ tốt hơn).

2. Về xếp hạng Thư viện

- Ngày 10/08/2006 Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT Hướng dẫn phân hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động văn hóa - thông tin thay thế Thông tư số 58/TC-VHTT ngày 18/07/1994:

+ Thông tư 67/2006/TT-VHTT ra đời hầu như chưa có tính kế thừa, bổ sung, phát triển Thông tư số 58/TT-VHTT đã ban hành năm 1994 như việc quy định đồng loạt các thư viện cấp tỉnh, thành xếp cùng một hạng mà không đánh giá đúng sự phát triển của các thư viện có quy mô lớn ở các thành phố lớn.

- Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT chưa kích thích sự phát triển của hệ thống Thư viện công cộng, ảnh hưởng đến uy tín của các Thư viện đã được xếp hạng trước đó (như Thư viện KHTHTP năm 1997 được Ủy ban Nhân dân Thành phố xếp hạng I cùng với các Bảo tàng và Trung tâm Văn hóa, nhưng khi có Thông tư số 67/2006/TT- BVHTT, Thư viện KHTHTP không được công nhận hạng I. Điều này gây khó khăn cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.HCM trong việc xếp lại hạng Thư viện KHTHTP - không xếp hạng lại và không công nhận hạng đã được xếp theo Thông tư số 58/TT-VHTT). Trên thực tế, do bị rớt hạng nên ảnh hưởng đến qui mô cơ cấu tổ chức bộ máy, hệ số phụ cấp chức vụ của cán bộ thư viện bị giảm, ảnh hưởng đến sức phấn đấu, tâm tư, tình cảm của CBCNVC.

+ Ngay trong Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT cũng cho thấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự nhìn nhận và đánh giá chưa đúng tầm, chưa đúng mức giữa Thư viện KHTHTP và Trung tâm Văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ví dụ:

Tại mục 4. Thư viện

- “Hạng II gồm: Thư viện trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hà Nội, Tp.HCM”

Tại mục 7. Trung tâm Văn hóa - Thông tin

- “Hạng I gồm: Trung tâm Văn hóa - Thông tin trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hà Nội, Tp.HCM”

Trong khi đó quy mô, chức năng, nhiệm vụ giữa hai đơn vị không có gì thay đổi, nhưng từ khi có Thông tư 67/2006/TT- BVHTT chỉ có thư viện bị tụt hạng.

3. Về cơ cấu tổ chức bộ máy

- Ngày 04/05/2005 Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông   tin   đã   ban   hành   Quyết   định   số 16/2005/QĐ-BVHTT Ban hành Quy chế mẫu Tổ chức và hoạt động của Thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định:

Tại “Điều 6. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ”… “Đối với Thư viện hạng I có thể có đầy đủ 08 phòng; hạng II có 06 phòng; hạng III có 04 phòng”.

Quyết định này hiện nay là cơ sở pháp lý để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm căn cứ phê duyệt ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thư viện các tỉnh thành.

Việc quy định số lượng phòng ở hạng I có 08 phòng, hạng II có 06 phòng, hạng III có 04 phòng như trong Quy chế mẫu của Bộ áp dụng cho Thư viện các tỉnh, thành mà không căn cứ vào quy mô, tính chất hoạt động của mỗi đơn vị là không phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của từng đơn vị, cũng như không phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2020. Ví dụ: Thư viện Khoa học Tổng hợp đã có 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Đọc; phòng Báo - Tạp chí; phòng Tổ chức kho tài liệu; phòng Thông tin - Thư mục; phòng Tin học; phòng Bổ sung; phòng Xử lý tài liệu; phòng Bảo quản; phòng Mạng lưới (phòng Tổ chức phong trào); phòng Hành chính - Tổng hợp. Do căn cứ Quy chế mẫu của Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 10/11/2009, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.HCM đã có Quyết định số 1072/2009/QĐ-VHTTDL Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thư viện KHTHTP và trong đó chỉ có 08 phòng. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển như hiện nay, Thư viện KHTHTP, ngoài 10 phòng đã có, thì cần phải có thêm: Phòng Nghiệp vụ, phòng Tài chính, phòng chuyển dạng tài liệu, phòng Đọc đặc biệt (phòng Đọc hạn chế, phòng Đọc khiếm thị, phòng Đọc bản đồ), phòng Phục vụ bạn đọc (phòng Đọc cộng đồng, phòng Đọc doanh nhân, phòng Đọc thanh thiếu niên, phòng Báo - Tạp chí, phòng Mượn, phòng Đọc đa phương tiện, phòng Đọc dịch vụ…) mới đảm đương hết công tác chuyên môn và phục vụ tốt cho bạn đọc.

- Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị định 43/2006/ NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ, Thư viện KHTH vẫn chưa được phân cấp trong việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh trưởng, phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

- Nghị   định   số   43/2006/NĐ-CP   ngày 25/04/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị, sự nghiệp công lập; Ngày 09/08/2006 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2006/TT-BTC

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP có quy định:

+ Tại mục V: Về hoạt động liên doanh, liên kết được hướng dẫn tại điểm 2 và 3: Các đơn vị được sử dụng đất để góp vốn liên doanh liên kết theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành; Kết quả hoạt động tài chính và dịch vụ này được quản lý sử dụng theo Thông tư số 71/2006/TT-BTC. Nhưng, ngày 31/12/2009 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 245/2009/TT- BTC Quy định thực hiện một số nội dung Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước có quy định:

+ Tại Điều 29 mục 1 và 2: Các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất và tài sản đã đầu tư trên đất vào mục đích cho thuê, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết phải nộp tiền thuế đất. Đối với ngành văn hóa, đặc biệt là trên lĩnh vực thư viện thì các hoạt động này chủ yếu mang tính phục vụ cộng đồng, nguồn thu không phải vì lợi nhuận. Cho nên, nếu quy định phải nộp tiền thuê đất ngang với các loại hình dịch vụ khác thì không phù hợp, mà Nhà nước nên có chính sách cụ thể cho từng loại dịch vụ và nên có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các loại hình văn hóa, nhất là trên lĩnh vực Thư viện để góp phần nâng cao trình độ dân trí và thu hút đông đảo mọi người dân đến với Thư viện.

Từ những thực trạng như đã nêu trên, Thư viện KHTHTP có những đề xuất, kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau:

- Tham mưu, đề xuất Quốc hội sớm thông qua Luật Thư viện, trong đó có quy định cụ thể về:

+ Phí, lệ phí.

+ Xếp hạng Thư viện và số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy mô và tính chất hoạt động của Thư viện.

+ Công nhận tài liệu quý hiếm là di sản văn hóa của Quốc gia do Thư viện quản lý.

+ Tài liệu hạn chế và những điều kiện được sử dụng.

+ Mối quan hệ của Thư viện đối với quyền sở hữu tư nhân về tài liệu quý hiếm trong việc mua bán, chuyển nhượng, hợp đồng phục chế, chuyển dạng tài liệu, nhân bản tài liệu…

- Phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo có sự thống nhất trong việc ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ Thư viện trong xử lý nghiệp vụ.

- Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP trên lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là xã hội hóa trong việc phát triển các dịch vụ văn hóa, cũng như điều chỉnh về mức phụ cấp độc hại.

Để hệ thống Thư viện công cộng tại Tp Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục là nguồn lực giúp nâng cao dân trí và phổ cập giáo dục của cộng đồng, là cơ quan giáo dục thường xuyên dành cho mọi đối tượng thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần giải quyết sớm những khó khăn, bất cập nêu trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nạn “nghèo thông tin ”ở các nước đang phát triển // Nhân dân 29/19/1995.

2. Nguyễn Tiến Hiển.Quản lý thư viện và trung tâm thông tin/ Nguyễn Tiến Hiển, Nguyễn Thị Lan Thanh. - H.: Văn hóa-thông tin, 2002.

3. Nghị định 72/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06 tháng 08 năm 2002 Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện.

4. Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2006 Quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Quyết định số 10/2007/QĐ BVHTT ngày 04 tháng 5 năm 2007 của Bộ Văn hóa-thông tin Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

6. Quyết định số 16/2005/ QĐ-BVHTT ngày 4/5/2005 của Bộ trưởng Bộ VHTT ban hành Quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

7. Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trích phần thư viện).

8. Thông   tư   số   67/2006/TT-BVHTT   ngày 10/8/2006 của Bộ VHTT Hướng dẫn phân hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động VHTT (trích phần thư viện).

 

___________________

ThS. Bùi Xuân Đức

Giám đốc TVKHTH Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 4(30) – 2011 (tr.6-10)


Đọc thêm cùng chuyên mục: