Index - công cụ tra cứu trực tiếp của sách

E-mail Print

Cách đây hơn 3 năm, thầy dạy chữ Hán Nôm của chúng tôi có ra bài tập viết và bình câu: “Thư trung hữu ngọc”, tức là “Trong sách có ngọc”. Thực vậy, những bậc vĩ nhân hay những người thành đạt nhất đều nói rằng một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc phát triển và định hướng tư duy của họ là việc đọc sách.

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI cho thấy sự biến đổi nhanh trên nhiều lĩnh vực, có khá nhiều phương tiện, công nghệ hỗ trợ con người trong nghiên cứu, học tập và giải trí… nên việc đọc sách, đến thư viện không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Tại Việt Nam gần đây đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc của người Việt. Nguyên nhân của nó có thể là do văn hóa nghe nhìn dường như lấn lướt văn hóa đọc, thời gian con người dành cho việc đọc sách cũng ít hơn trước. Số lượng sách, các dạng xuất bản phẩm không ở dạng giấy được xuất bản, phát hành ngày một nhiều, điều này dẫn đến không ít độc giả tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn cách tiếp cận, loại hình xuất bản phẩm cho việc đọc của mình.

Vì vậy việc các cán bộ làm công tác biên tập trong nhà xuất bản hay các cán bộ làm công tác thư viện cần có những định hướng mới trong xuất bản, hay giới thiệu cho bạn đọc của mình cách tiếp cận một cuốn sách, cách đọc, cách khai thác, cách tra cứu như thế nào để thấy được “Ngọc trong sách”. Đó chính là cách duy nhất để lôi cuốn bạn đọc, tạo mối quan hệ gắn bó giữa bạn đọc với thư viện, giữa bạn đọc với tài liệu sách.

Một nhà văn khi ẩp ủ tác phẩm – đứa con tinh thần của mình, chắc hẳn sẽ có nhiều lời hay, ý đẹp, nghĩa từ sâu xa chứa đựng tâm tư, xúc cảm muốn được truyền đến bạn đọc của mình. Với nhiều phong cách khác nhau, các nhà văn muốn bạn đọc của mình tiếp cận với những từ, những câu “đắt nhất” đó một cách tự nhiên hoặc bất ngờ, vào thời điểm cao trào hay trầm lắng. Thơ xưa có câu: Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em đã có chồng anh tiếc lắm thay. Ở đây, chúng ta thấy rằng hai câu thơ đầu là một hoạt động hết sức bình thường với việc hái hoa bưởi hay việc hái nụ tầm xuân. Thậm chí đến câu thứ ba, người đọc vẫn chưa thấy cao trào hay ngụ ý của tác giả. Nhưng cho đến câu thơ thứ tư, người đọc dường như hẫng hụt với câu “Em đã có chồng anh tiếc lắm thay”. Thực tế, các hoạt động ở 4 câu thơ, thậm chí là màu xanh biếc của hoa tầm xuân (mặc dù hoa tầm xuân chỉ có màu hồng nhạt) cũng chưa thể hiện cụ thể sự nhấn mạnh của tác giả, ý “đắt nhất” của tác giả ở đây được chốt lại cuối cùng là “Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Đối với một nhà nghiên cứu, trong công trình nghiên cứu khoa học của mình thường sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn, thuật ngữ khoa học, cách tiếp cận mới được thể hiện. Và đó cũng chính là những ý tưởng, tư tưởng, tính mới trong nghiên cứu… được tác giả mong muốn thể hiện, chia sẻ với giới chuyên môn, với người đọc tham khảo và với người học. Vậy làm sao để bạn đọc sớm phát hiện ra những ý “đắt nhất” đó? Cách thức nào để bạn đọc kiểm soát nội dung cuốn sách, hệ thống các vấn đề, các nội dung trùng lặp nhau để thuận tiện cho việc đối chiếu, so sánh và suy ngẫm về một vấn đề? Việc làm này chỉ có tác giả và các cán bộ là chuyên gia trong công tác biên tập đúng nghĩa của nhà xuất bản mới có thể thực hiện được. Đó chính là tạo “Index” cho tài liệu sách, đặc biệt là sách tham khảo và nghiên cứu chuyên ngành.

Nhiều chuyên gia, bạn đọc đã chia sẻ kỹ thuật hoặc cách đọc một cuốn sách như [4]:

- Đọc bằng mắt, không đọc bằng miệng

- Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều

- Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc

- Đọc với tốc độ biến đổi

- Cố gắng hiểu nghĩa cả đoạn văn, không để ý đến từ, câu

- Tập đọc nhanh, thâu tóm nhanh cái chủ yếu, vấn đề cơ bản trong sách…

Quả thực là rất khó khi thực hiện cùng một lúc các kỹ thuật như trên để đạt được hiệu quả trong quá trình đọc. Thậm chí, nếu có chăng thì nắm được đoạn này, lại mất đoạn khác… Tuy nhiên, với việc tạo “Index” cho tài liệu sách sẽ giúp người đọc lựa chọn phạm vi nội dung, định hướng việc đọc sách và kiểm soát việc đọc sách của chính mình.

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đã từng đọc một cuốn sách của nước ngoài, đặc biệt là (sách của các nước phát triển) và chúng ta cũng đã xem lướt lời nói đầu, mục lục, tài liệu tham khảo… trước khi đọc sách. Về cơ bản, sách của nước ngoài cũng giống như sách được xuất bản trong nước. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa sách tham khảo, sách nghiên cứu của nước ngoài với sách tham khảo, nghiên cứu trong nước là phần “Index” ở phía sau danh mục tài liệu tham khảo của sách nước ngoài. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi xuất bản sách tham khảo, nghiên cứu ở các nước phát triển. Tuy nhiên, “Index” lại được xem là hiện tượng hiếm gặp trong sách của các nhà xuất bản tại Việt Nam.

Vậy, có điểm gì hay trong “Index” của sách nước ngoài? Điểm khác biệt là các tác giả và người biên tập của nhà xuất bản nước ngoài đã dày công chỉ ra, đánh dấu những thuật ngữ, từ chuyên môn, các từ khóa… hay còn được hiểu là những từ, ý, câu “đắt nhất” của công trình nghiên cứu khoa học. Họ chỉ ra cho người đọc sách thấy được thuật ngữ mà người đọc quan tâm, muốn tìm hiểu, muốn làm rõ được xuất hiện ở những trang nào và xuất hiện cùng với cụm từ nào liên quan… Khi đọc một cuốn sách nghiên cứu về bất cứ lĩnh vực nào, sử dụng “Index”, người đọc sẽ dễ dàng kiểm soát được trong toàn bộ nội dung tài liệu, những trang, đoạn có xuất hiện cụm từ mà họ quan tâm và những thông tin liên quan đến việc giải nghĩa, làm rõ cụm từ đó hay việc kết nối giữa từ đó với các cụm từ khác như thế nào. Ví dụ, trong cuốn “Strategic management and information systems” [7], thuật ngữ quan tâm là “Strategic”, và thuật ngữ này được thể hiện trong “Index” phía sau danh mục tài liệu tham khảo như sau:

Strategic

analysis 29-33, 42, 46

business unit (SBU)      7-8, 55-56, 70, 151, 156-8, 184, 185

change    34

               choice  8, 26, 29, 40, 57, 61, 65, 168, 299 contribution   228, 234, 241, 242, 247

               desirability   66

              directions60, 194, 201 feasibility   66

               fit  58, 65, 340

Thứ nhất, thuật ngữ Strategic analysis được nhắc đến và giải thích ở trang 29 đến trang 33 của cuốn sách. Sau đó, thuật ngữ này được nhắc lại ở trang 42 và 46 với việc kết hợp với các thuật ngữ khác, mở rộng hơn nội dung cho thuật ngữ Strategic analysis.

Tiếp đến là Strategic business unit viết tắt là (SBU) được nhắc đến lần đầu ở trang 7 và trang 8. Sau đó là trang 55 và trang 56, trang 70, trang 151, trang 156 đến trang 158, tiếp tục xuất hiện ở trang 184 và trang 185.

Để thực hiện công việc soạn thuật ngữ in trong “Index”, các tác giả mất khá nhiều thời gian và công sức lựa chọn, phân tích, tổng hợp, tránh trùng lặp và đặc biệt là sự nghiêm túc khi lựa chọn sử dụng, giới thiệu các nội dung khoa học trong sách đến người đọc. Nhưng khi hoàn tất, người đọc sẽ có được một công cụ tra cứu hữu ích trong tay, giúp họ kiểm soát kiến thức, thông tin trong sách một cách có hệ thống. Đây có thể được coi là xương sống của cuốn sách, là công cụ tra cứu, tìm kiếm sách, thậm chí có thể cho là “Google” của cuốn sách. Tuy phải đầu tư nhiều công sức, thời gian cho việc làm “Index”, nhưng kết quả và giá trị mà “Index” mang lại là rất lớn. Đó chính là việc người đọc được sử dụng một công cụ tra cứu hỗ trợ người đọc việc đọc nhanh, hiểu nhanh, nắm vững nội dung chính yếu của sách trong thời gian ngắn nhất mà đôi khi không phải đọc hết cả cuốn sách. Điều này gián tiếp nâng cao giá trị gia tăng của sách đối với người đọc, người nghiên cứu bởi vì trong một xã hội tràn ngập các thông tin như hiện nay, việc dành thời gian đọc sách, lựa chọn sách đối với người đọc là không nhiều. Người đọc cần tự trang bị kỹ năng đọc nhanh, đọc nhiều và hiệu quả nhất. Chính vì vậy “Index” sẽ là công cụ tra cứu trực tiếp trong tài liệu sách giúp người đọc thỏa mãn nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của mình một cách hiệu quả nhất.

Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng sách được xuất bản tại Việt Nam là rất lớn (tính đến cuối năm 2009 đã có 20.601 đầu sách/01 năm với 196.325.141 bản sách/01 năm [8]) và các nhà xuất bản đã dành nhiều quan tâm, cố gắng nhất định để thiết lập “Index”, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn. Nhiều cuốn sách bán chạy của nước ngoài được dịch và xuất bản trong nước cũng bị lược bỏ đi phần “Index”, mặc dù sách gốc có in phần “Index” rất cẩn thận và đầy đủ. Qua tiếp xúc với sinh viên của một số trường đại học và cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, phần lớn sinh viên không biết sách nước ngoài có phần “Index” này, do vậy họ không biết và không hình thành thói quen tra nội dung thông qua thuật ngữ tại “Index”. Nhiều nhà xuất bản và công ty liên kết xuất bản cũng đã để ý đến việc thực hiện làm “Index” cho sách, nhưng vì nhiều lý do và điều kiện chưa cho phép nên lâu nay họ đã không thực hiện.

Cho đến cuối năm 2008 và đầu 2009, khi Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh liên kết với Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra đời bộ sách Cờ Vua gồm 9 tập sách với những thiết kế ban đầu có phần “Index” đánh dấu cho việc nhận thức tầm quan trọng của “Index” đối với một cuốn sách cũng như việc làm “Index” là việc tôn trọng người đọc sách của các công ty liên kết xuất bản. Trích phần “Index” của cuốn “Cờ Vua - Những bài học đầu tiên” tập 1 [3] như sau:

Cánh Hậu,   12, 47

Cánh Vua,   12

Dãy xích Tốt,   92

Đường giới tuyến,   12

Gambit,   70, 109

Khai cuộc,   34, 109

Lực lượng,   25, 48

Thuật ngữ Cánh Hậu được xuất hiện lần đầu ở trang 12 và trang 47. Tại trang 12, thuật ngữ Cánh Hậu được giải thích rõ ràng cho người chơi hiểu. Đến trang 47, thuật ngữ Cánh Hậu được xuất hiện với một thế cờ cụ thể.

Mạnh dạn trong việc thiết kế “Index” – “Công cụ tra cứu trực tiếp của sách”, Ban giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh [10] đã bỏ ra rất nhiều công sức cùng tác giả bộ sách Cờ Vua, các cộng tác viên, đội ngũ biên tập của công ty, đội ngũ biên tập của Nhà xuất bản Kim Đồng trao đổi, lựa chọn và đi đến thống nhất nội dung phần “Index” đầu tiên cho cuốn sách được xuất bản đầu tay của công ty. Sau khi cuốn sách ra đời và phát hành, nhiều đối tác xuất bản trong và ngoài nước, các nhà chuyên môn, các kiện tướng quốc tế về cờ Vua đã đánh giá rất cao về chất lượng hình thức cũng như nội dung của cuốn sách, đặc biệt là phần “Index” cho bạn đọc. Đó chính là nguồn động viên lớn cho cán bộ công ty và niềm tin cho họ khi tiếp tục tạo “Index” cho các cuốn sách được xuất bản tiếp sau với nhiều mảng đề tài phong phú và hấp dẫn phục vụ người đọc sách Việt Nam và hội nhập với bạn bè quốc tế.

Tóm lại, người đọc sách thông minh là người biết áp dụng các phương pháp và kỹ năng đọc khác nhau cho các loại sách nhằm thu được thông tin nhanh và hiểu thấu đáo các vấn đề nêu ra trong sách. Tuy nhiên với những công cụ hỗ trợ tra cứu trực tiếp như “Index” sẽ giúp người đọc nhanh chóng tìm được “ngọc trong sách”, đồng thời kiểm soát được việc đọc của mình cũng như thấy được giá trị nội dung của tài liệu sách.

Để các nhà xuất bản tại Việt Nam sớm nghiên cứu và triển khai việc làm “Index” cho các cuốn sách, người cán bộ thư viện sẽ là người trực tiếp cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm việc đọc sách và sử dụng “Index” thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị với bạn đọc. Từ đó lấy ý kiến và đề xuất với các nhà biên tập sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản và các nhà xuất bản để thay đổi nhận thức trong việc biên tập, biên dịch và xuất bản sách tham khảo, sách nghiên cứu trong và ngoài nước. Hơn nữa, để thành công trong việc in “Index” cho sách, đem lại quyền lợi cho người đọc, gia tăng giá trị, gia tăng trong việc sử dụng “Index”, việc đề xuất, khuyến nghị với lãnh đạo Cục xuất bản đưa nội dung “Index” đối với xuất bản phẩm là sách thành tiêu chí bắt buộc khi xuất bản sách tham khảo và sách nghiên cứu là điều nên làm sớm. Thiết kế “Index” cho sách sẽ là một trong số những yếu tố nâng tầm giá trị của mỗi cuốn sách Việt Nam, thúc đẩy ngành xuất bản Việt Nam tự tin trong hội nhập “văn hóa xuất bản” quốc tế. Đồng thời, khi việc làm này được thực hiện phổ biến và thành công, xuất bản phẩm và sách của Việt Nam chắc chắn sẽ tự tin hơn khi “bước ra biển lớn”, hòa nhập vào các gian hàng sách lớn tại các cuộc Hội chợ sách quốc tế được tổ chức định kỳ hàng năm trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Adrien Jean (1993). Nghệ thuật đọc sách báo, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

2. Hoàng Xuân Việt (2005). Thuật đọc sách báo, Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Lương Trọng Minh (2008). Cờ Vua: Những bài học đầu tiên – T.1, Kim Đồng, Hà Nội.

4. Mortimer J. Adler (1976). Đọc sách như một nghệ thuật, Lao động Xã hội, Hà Nội.

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009). Luật xuất bản, Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6. Tiêu Vệ (2004). Phương pháp đọc sách có hiệu quả cao, Đại học Sư phạm, Hà Nội.

7. Wendy Robson (1997). Strategic manage- ment and information systems, Pearson Education, London.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông (2009). Số liệu xuất bản năm 2009 http://mic.gov.vn/solieuthongke/xb/Trang/solieutho ngkexuatbaninphathanhxuatbanphamnam2009.aspx

9. http://www.moingay1cuonsach.com.vn

10.Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh http://www.longminh.com.vn.

 

_____________________

ThS. Nguyễn Hữu Nghĩa - Phan Hồng Giang

Khoa TT-TV, ĐH Văn hóa Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(29) – 2011 (tr.34-37)


Đọc thêm cùng chuyên mục: