Người dùng tin là một bộ phận quan trọng, không tách rời của hệ thống thông tin, bởi người dùng tin vừa là đối tượng phục vụ, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ thông tin, đồng thời họ cũng là người sản sinh ra thông tin mới. Các cơ quan thông tin ngành du lịch hoạt động cũng không nằm ngoài điều này. Để thỏa mãn nhu cầu tin của người dùng tin phục vụ các hoạt động du lịch, việc nghiên cứu đặc điểm người dùng tin trong hoạt động du lịch là một việc làm không thể thiếu đối với các cơ quan thông tin trong ngành.
Hoạt động du lịch là hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức,
cá nhân và khách du lịch có liên quan đến du lịch, nói một cách khác hoạt động du lịch được tổ chức là giải quyết mối quan hệ "cung" - "cầu" trong kinh doanh du lịch, xuất phát từ "cung" để "cầu" tốt nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trên cả hai phương diện kinh tế và xã hội. Để đảm bảo việc tham gia các hoạt động du lịch đúng với mục đích, các đối tượng trên rất cần thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến du lịch giúp họ quản lí, đầu tư, dịch vụ du lịch, nhu cầu du lịch… Như vậy người dùng tin du lịch chính là những người có nhu cầu tin về du lịch, là đối tượng phục vụ của các cơ quan thông tin trong ngành du lịch. Với cách hiểu này, người dùng tin mà các cơ quan thông tin trong ngành du lịch phục vụ mang tính đa dạng, phức tạp hơn nhiều so với các ngành khác, bởi người dùng tin du lịch không chỉ là những người công tác trong ngành, mà còn cả những người ngoài ngành, đặc biệt có một đối tượng quyết định sự tồn tại của ngành du lịch đó là khách du lịch trong và ngoài nước.
Như đã biết, mục tiêu hoạt động của các cơ quan thông tin du lịch là đáp ứng được nhu cầu tin của người dùng. Để thực hiện được mục tiêu đó, các cơ quan thông tin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, song có một yếu tố không thể thiếu là phải nắm bắt được đặc điểm các đối tượng là yếu tố không thể thiếu, làm cơ sở để điều chỉnh hoạt động thông tin, xây dựng và phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin phù hợp, đáp ứng nhu cầu tin một cách đầy đủ, chính xác cho người dùng tin. Xuất phát từ những điều này, việc nghiên cứu, tìm ra đặc điểm các nhóm người dùng tin là cần thiết. Tùy theo tính chất, đặc thù hoạt động của mỗi một cơ quan thông tin sẽ có cách phân chia thành các nhóm người dùng tin khác nhau. Dựa trên tính chất công việc, mục đích của từng đối tượng khi tham gia hoạt động du lịch, chúng tôi phân chia người dùng tin du lịch thành 7 nhóm sau:
Nhóm 1. Những người hoạt động trong ngành du lịch
Đây là những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, quyết định chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng mọi yêu cầu của khách du lịch. Nhóm người này thuộc nhiều trình độ chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau, song dựa vào tính chất công việc có thể quy thành hai nhóm lao động chính sau:
- Các nhà lãnh đạo, quản lí hoạt động du lịch: Là người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức điều hành các hoạt động du lịch. Đây là nhóm người có trình độ chuyên môn và trình độ quản lí nhà nước, có sự nhạy bén với những biến động tình hình kinh tế - xã hội, lĩnh vực kinh doanh du lịch trong nước và thế giới. Để phục vụ công tác kế hoạch và hoạch định chính sách, nhóm này cần các thông tin đã được xử lí, đòi hỏi độ chính xác, nhanh, diện yêu cầu rộng về mọi lĩnh vực và mang tính chất tổng kết, dự báo, đặc biệt là thông tin về đường lối, chiến lược, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước; kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, tiềm năng du lịch tự nhiên, các giá trị văn hoá của từng vùng miền, từng địa phương; xu hướng phát triển du lịch, nhu cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, địa điểm loại hình du lịch được ưa thích… Thông tin càng chính xác, kịp thời bao nhiêu càng giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc hoạch định chiến lược, lập kế hoạch và dự án phát triển du lịch có hiệu quả.
- Những người phục vụ trong ngành du lịch:
Là nhóm người có số lượng lớn, thuộc nhiều ngành nghề, trình độ chuyên môn khác nhau. Đây là nhóm người giao tiếp trực tiếp với khách du lịch nên họ không chỉ cần các kiến thức về nghiệp vụ, mà còn cần các kiến thức phông nền văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng quốc gia... Xuất phát từ yêu cầu công việc, họ cần các thông tin không chỉ phục vụ hoạt độngnghiệp vụ mà còn cần thông tin về các điểm du lịch, về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam; thông tin về phong tục, bản sắc văn hóa của các dân tộc, quốc gia trên thế giới; thông tin về quy chế, luật lệ, pháp luật được các cơ quan thẩm quyền ban hành… từ đó sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi do khách đặt ra, tránh được những điều cấm kị, tạo cho khách một tâm lí thoải mái, dễ chịu và hài lòng ngay từ phút đầu gặp gỡ đến khi kết thúc các tour du lịch.
Nhóm 2. khách du lịch
Khách du lịch là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngành du lịch. Đây là nhóm người dùng tin đa dạng, phức tạp nhất bởi họ thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ và mang nhiều quốc tịch khác nhau. Tuy nhiên trước khi lựa chọn các tour du lịch họ cần các thông tin phục vụ chuyến đi như: điểm du lịch, khu du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch; quy định về xuất nhập cảnh, tình hình môi trường văn hóa - xã hội thông tin về đất nước, con người, tình hình chính trị nơi họ đến, cũng như các chỉ dẫn về đường sá, phương tiện đi lại, thời tiết, dịch vụ kèm theo và giá cả... từ đó du khách tự lựa chọn được các chuyến đi phù hợp với sở thích và kinh tế của mình.
Nhóm 3. Nhà đầu tư du lịch
Nhóm người dùng tin này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những người dùng tin, song là nhóm người có khả năng về tài chính và hoạt động kinh doanh. Họ luôn có nhu cầu tìm hiểu thị trường, tìm kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư. Để phục vụ cho việc đầu tư một dự án nào đó trong du lịch, họ cần thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch, bản sắc văn hoá vùng miền, nguồn nhân lực... cũng như các chủ trương, chính sách chế độ ưu đãi của nhà nước, địa phương cho các dự án, giúp họ yên tâm, tin tưởng trong việc triển khai các dự án đầu tư tại các điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Nhóm 4: Nhà giáo, nhà nghiên cứu
Là những người công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu… có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản, có kiến thức và am hiểu khá toàn diện về lĩnh vực du lịch. Thông tin cho nhóm này rất đa dạng mang tính chuyên sâu, có tính lí luận, thực tiễn và mang tính thời sự liên quan đến lĩnh vực hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của họ.
Nhóm 5: Người dân địa phương
Là những người hiện đang sinh sống tại địa phương, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, địa vị..., là nhóm người trực tiếp tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường địa phương tạo sự hấp dẫn cho du khách. Nhu cầu tin của nhóm này không mang tính chất chuyên sâu, thông tin họ cần là những thông tin khái quát về giá trị tự nhiên, giá trị nhân văn, nguồn gốc về điểm du lịch nơi mình đang cư trú, các kiến thức cơ bản về văn hóa du lịch, cũng như các lợi ích mang lại cho gia đình mình, địa phương mình từ các hoạt động du lịch. Từ đó, họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn các di sản tự nhiên, di sản văn hoá dân tộc, phát triển nghề cổ truyền cũng như cách ứng xử giao tiếp với du khách.
Nhóm 6: Học sinh - sinh viên đang theo học ngành du lịch
Đây chính là nguồn nhân lực quyết định chất lượng hoạt động du lịch trong tương lai, là nhóm người mới chập chững tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức nghiệp vụ du lịch thông qua giáo trình và thông qua các bài giảng của giáo viên, chưa có nhiều điều kiện vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cùng với đó, do thời gian học tập trên lớp nhiều, thời gian tự nghiên cứu hạn chế nên nhóm này rất cần những thông tin dạng cơ bản ở sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, tài liệu chuyên khảo... và các thông tin liên quan đến hoạt động du lịch, phục vụ trực tiếp cho từng môn học, từng ngành nghiên cứu.
Nhóm7: Người liên quan công tác quản lý du lịch
Đây là nhóm người không thuộc ngành du lịch, song trong công tác hoạt động chuyên môn lại liên quan đến hoạt động du lịch. Đó là những người công tác thuộc các ngành: văn hóa, ngoại giao, công an, hải quan, giao thông vận tải, quản lí môi trường... Để làm tốt chức trách, nhóm người này không chỉ có nhu cầu thông tin về nghiệp vụ, mà còn cần thông tin về số lượng và quốc tịch của các đoàn khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam và xuất cảnh ra nước ngoài; các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự có liên quan đến hoạt động du lịch; từ đó họ có thể dễ dàng phối hợp với ngành du lịch để quản lí khách du lịch và hoạt động du lịch, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường cảnh quan tại các điểm du lịch…
Trên đây là những nét cơ bản về đặc điểm người dùng tin và nhu cầu tin của từng nhóm trong hoạt động du lịch. Việc phân chia người dùng tin thành 7 nhóm chỉ mang tính chất tương đối. Tùy theo mức độ phát triển của cơ quan thông tin, những nhóm người này có thể được chia nhỏ hơn theo đặc tính của người dùng tin. Mỗi một đối tượng tùy theo mục đích, sẽ cần mức độ, khối lượng thông tin và hình thức phục vụ thông tin có thể khác nhau, song ở bất kỳ điều kiện nào thông tin cũng phải đem lại lợi ích cho việc giải quyết các nhiệm vụ đặt ra của người dùng tin. Đó chính là mối quan hệ giữa “cầu” và “cung”, là cái đích trong hoạt động thông tin phục vụ du lịch của các cơ quan thông tin trong ngành, từ đó góp phần nâng chất lượng hoạt động du lịch, thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong thời kì hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trịnh Xuân Dũng. Giáo trình Tâm lí Du lịch / Trịnh Xuân Dũng, Nguyễn Vũ Hà. – H.: Văn hóa Thông tin, 2004.
2. Nguyễn Văn Đính. Giáo trình kinh tế du lịch/ Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa. – H.: Đại học kinh tế Quốc dân, 2008.
3. Phan Thị Huệ. Tăng cường hoạt động thông tin tại thư viện tỉnh Quảng Ninh phục vụ du lịch địa phương: Luận văn thạc sĩ chuyên ngành khoa học thư viện. – 2004.
___________________
Th.S. Phan Thị Huệ
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(29) – 2011 (tr.25-28)
< Prev | Next > |
---|
- Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thông tin – thư viện ở Việt Nam
- Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo kỹ năng thông tin cho độc giả tại Đại học Cần Thơ
- Phát triển và củng cố các mối liên hệ của thư viện công cộng với xã hội
- Vấn đề mở rộng ký hiệu phân loại trong DDC 14 và DDC 22 để phân loại tài liệu Việt Nam
- Các tiêu chuẩn trong hệ quản trị thư viện tích hợp (ILMS)
- Giới thiệu khung phân loại LCC
- Hệ thống quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở Koha, cơ hôi lý tưởng cho các thư viện Việt Nam
- Nhận diện và phân loại bài tổng quan
- Nguồn nhân lực của hệ thống thư viện công cộng Việt Nam: Mạnh hay yếu?
- Hội đồng thư viện và công tác phát triển tài liệu thư viện