Trong báo cáo của Thư viện Quốc gia tại Hội nghị “Sơ kết 3 năm áp dụng khung phân loại DDC trong ngành thư viện Việt Nam” đã nêu rõ: “Hiện nay DDC được áp dụng phổ biến trong các hệ thống thư viện công cộng và thư viện các trường đại học, tuy nhiên, hệ thống các thư viện chuyên ngành khoa học công nghệ gần như chưa áp dụng”.
Sở dĩ có hiện tượng này là do: Các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng và trường học có lượng tài liệu được phân bổ đều theo nhiều ngành khoa học bao gồm cả tự nhiên và xã hội, còn các thư viện chuyên ngành thì tài liệu thường đề cập đến các lĩnh vực chuyên môn hẹp của các ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) nên khi áp dụng DDC họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Sau đây chúng tôi xin nêu một vài thuận lợi và khó khăn khi áp dụng DDC để phân loại tài liệu trong các thư viện chuyên ngành KH&CN ở Việt Nam.
1. Thuận lợi
Có thể nói DDC là khung phân loại được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, có hơn 200 nghìn thư viện của 135 nước trong đó có Việt Nam sử dụng, nên khi áp dụng khung phân loại này thì các thư viện nói chung và thư viện chuyên ngành KH&CN nói riêng sẽ có những thuận lợi như sau:
1.1. Sử dụng ký hiệu phân loại có sẵn trong các cơ sở dữ liệu, tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ xử lý
Các thư viện chuyên ngành của Việt Nam thường lưu trữ một khối lượng lớn sách ngoại văn, ví dụ như Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia có số sách nước ngoài chiếm hơn 70% trong tổng số sách được bổ sung hàng năm. Trong khi đó, hiện nay hầu hết sách ngoại văn đều được các thư viện lớn trên thế giới phân loại theo DDC, cập nhật trong các cơ sở dữ liệu (CSDL) và kết nối trên mạng Internet. Bởi vậy, cán bộ phân loại Việt Nam khi phân loại tài liệu nước ngoài chỉ cần truy cập vào các CSDL, ví dụ CSDL sách của Thư viện Quốc hội Mỹ (Database: Library of Congress Online Catalog) để tải xuống và dùng chung ký hiệu phân loại DDC.
Đối với sách tiếng Việt, bắt đầu từ cuối năm 2010 trở đi Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tiến hành biên mục trước xuất bản, bởi vậy hiện nay hầu hết sách được nộp lưu chiểu sau khi xuất bản đều có bản mô tả in sẵn ngay sau trang tên sách và trên đó có cả ký hiệu phân loại theo DDC do cán bộ Phòng Phân loại Biên mục Thư viện Quốc gia Việt Nam xử lý.
Như vậy, nếu áp dụng chung khung phân loại DDC thì các thư viện nói chung và thư viện chuyên ngành nói riêng gần như không phải mất nhiều thời gian và công sức cho công tác phân loại.
1.2. Sử dụng chung một khung phân loại, thuận lợi cho việc trao đổi, chia sẻ và khai thác thông tin giữa các thư viện
Hiện nay, để trao đổi, chia sẻ và khai thác dữ liệu trong CSDL các thư viện thường sử dụng ký hiệu phân loại DDC. DDC được in trên 60 thư mục quốc gia, trong CSDL biên mục WorldCat của OCLC (Online Computer Library Center). Bởi vậy, nếu như các thư viện chuyên ngành KH&CN Việt Nam cũng chuyển sang sử dụng DDC thì đây cũng là một lợi thế.
1.3. DDC là khung phân loại được cập nhật mới và đầy đủ nhất hiện nay
Hệ thống các thư viện chuyên ngành của Việt Nam nói chung đang sử dụng khung phân loại BBK (Bibliotechno-bibliograficheskaja klassifikaxija) và Khung Đề mục quốc gia. Hai khung phân loại này đã nhiều năm nay không được cập nhật, bổ sung. Trong khi đó, DDC có Ban Biên soạn thường trực nên được cập nhật và sửa đổi thường xuyên. DDC bản đầy đủ đã trải qua 23 lần tái bản có bổ sung và sửa chữa. Bản DDC 14 rút gọn đã được dịch sang tiếng Việt, mở rộng và xuất bản năm 2006. Sắp tới bản DDC 22 đầy đủ cũng sẽ được dịch và dự kiến xuất bản vào cuối năm 2013. Như vậy, nếu áp dụng DDC, các thư viện sẽ có một công cụ phân loại mới nhất hiện nay ở Việt Nam mà trong đó có đủ chỗ để phân loại tài liệu về các lĩnh vực KH&CN mới ra đời, cũng như các vấn đề thay đổi về địa lý, chính trị, lịch sử của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Những vấn đề này hiện nay trong các khung phân loại cũ mà thư viện chuyên ngành đang sử dụng thường không có chỗ (không có ký hiệu tương ứng) khi phân loại tài liệu.
Hơn nữa DDC có Bảng chỉ mục quan hệ được biên soạn rất công phu và khoa học, giúp cho việc phân loại tài liệu dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn.
2. Khó khăn
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều khung phân loại. Nhìn chung mỗi khung phân loại đều có những ưu và nhược điểm riêng. Bên cạnh những ưu điểm nổi trội như trên, DDC cũng có một số hạn chế cơ bản gây nhiều khó khăn cho phân loại tài liệu trong các thư viện nói chung và đặc biệt là thư viện chuyên ngành KH&CN nói riêng.
2.1. Sự phân chia các lĩnh vực khoa học trong DDC chưa sát với phân loại khoa học, gây khó khăn khi phân loại tài liệu
Phân loại thư viện dựa trên phân loại khoa học. Nhưng phân loại khoa học là phân chia các ngành khoa học theo nhiệm vụ và chức năng nghiên cứu của nó. Còn phân loại thư viện là phân chia tài liệu theo các ngành khoa học dựa vào cấu trúc của các khung phân loại.
Trong DDC, hệ thống ký hiệu thập phân chỉ cho phép chia đến 10 lớp. Cho nên, nếu như trong BBK và Khung đề mục quốc gia ta thấy gần như tất cả các ngành khoa học đều có mặt ở các lớp cơ bản đầu tiên (ví dụ trong BBK: H Chế tạo máy, K Xây dựng, L Giao thông vận tải, N Y học,…), thì trong DDC hầu hết các ngành khoa học, đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên và ứng dụng gần như không có mặt ở 10 lớp cơ bản đầu tiên.
Ví dụ: Bảng tóm lược thứ nhất - 10 lớp chính của DDC
000 Tin học, thông tin & tác phẩm tổng quát
100 Triết học & tâm lý học
200 Tôn giáo
300 Khoa học xã hội
400 Ngôn ngữ học
500 Khoa học
600 Công nghệ
700 Nghệ thuật & vui chơi giải trí
800 Văn học
900 Lịch sử & địa lý
Sở dĩ có điều này là do DDC được biên soạn bởi Melvil Dewey (1851-1931), một nhà phân loại học người Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng về phân loại khoa học của nhà triết học Anh Francis Bacon (1561-1626) nên cấu trúc của một số lớp trong khung chưa mang tính logic khoa học. Ví dụ: Tôn giáo và Ngôn ngữ học được phân thành 2 lớp lớn là lớp 200 và 400, trong khi đó 6 ngành khoa học tự nhiên chỉ tập trung trong lớp 500 và 13 ngành khoa học ứng dụng nằm trong lớp 600. Điều này gây nhiều trở ngại cho các thư viện chuyên ngành khi phân loại tài liệu, nhất là trong DDC rút gọn 14, nhiều lĩnh vực khoa học chỉ có một ký hiệu duy nhất.
Đây là một hạn chế lớn nhất của DDC, và cũng là lý do tại sao các thư viện chuyên ngành Việt Nam còn ngần ngại và chưa áp dụng DDC.
2.2. Ký hiệu phân loại dài, nhiều chữ số, dễ sai và nhầm lẫn
Trong DDC, ký hiệu phân loại chỉ có một dấu chấm đặt sau 3 chữ số đầu tiên, còn sau đó các chữ số được viết liên tục không có dấu phân cách. Các thư viện chuyên ngành chắc chắn phải sử dụng bản DDC 23 đầy đủ thì mới có đủ ký hiệu để phân loại và như vậy ký hiệu thường dài từ 9 đến 12 chữ số, điều này rất dễ gây sai sót khi xử lý cũng như khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Ví dụ: Bảo dưỡng và sửa chữa động cơ ô tô: 629.250028; Thiết kế tự động (CAD) 620.00420285; Bảo dưỡng thiết bị máy bay 629.134450287
2.3. Khó khăn trong tổ chức kho mở
Hiện nay các thư viện chuyên ngành đang tổ chức kho mở theo BBK và việc sắp xếp tài liệu trong kho khá đơn giản. Vì khung phân loại BBK ra đời sau (1968) và sự phân chia các ngành khoa học trong khung sát với phân loại khoa học Mác - xít nên các ngành khoa học có vị trí ngang nhau, thuận lợi cho việc phân chia và sắp xếp tài liệu theo môn loại trong tổ chức kho. Mặt khác, khi kho mở được tổ chức theo môn loại trong DDC thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì DDC thiếu sự cân đối trong phân chia các lĩnh vực khoa học, nhất là khoa học ứng dụng. Ví dụ: các ngành kỹ thuật như Chế tạo máy, Điện tử viễn thông đều nằm sâu trong lớp con thứ tư của lớp lớn Công nghệ (600):
600 Công nghệ
610 Y học & sức khỏe 620 Kỹ thuật
621 Vật lý học ứng dụng
621.1 Kỹ thuật hơi nước
…
621.3 Truyền thông, điện tử học
…
621.8 Chế tạo máy
Hơn nữa, sự phân chia các môn loại trong DDC chưa hợp lý nên tài liệu về một ngành khoa học có thể xuất hiện ở nhiều lớp khác nhau. Điều này gây khó khăn cho bạn đọc khi tìm tài liệu.
Ví dụ 1: Kinh tế xếp vào 330 (Lớp 300 Khoa học xã hội)
Kế toán xếp vào 657 (Lớp 600 Công nghệ)
Ví dụ 2: Tin học ứng dụng (khoa học máy tính) xếp vào 004-006 (Lớp 000 Tin học, thông tin & tác phẩm tổng quát)
Kỹ thuật máy tính xếp vào 621.39 (Lớp 600 Công nghệ)
Và như trên đã nói, ký hiệu DDC về các tài liệu KH&CN thường dài nên khi in nhãn cho kho mở rất khó đồng đều. Vì nếu lấy thống nhất độ dài của ký hiệu phân loại là 6 chữ số (để cùng chung một cỡ nhãn kho mở) thì ký hiệu xếp giá trùng nhau khá nhiều. Nếu in nhiều chữ số thì số trên nhãn sẽ rất bé, khó khăn cho công tác sắp xếp, tổ chức kho.
3. Kết luận
Hiện nay trong xu thế hội nhập, các thư viện Việt Nam đang cố gắng dùng chung các chuẩn mô tả, biên mục để thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin. MARC 21 đã trở thành khổ mẫu chung, AACR2 và sắp tới là RDA là quy tắc biên mục đang được nhiều thư viện hướng tới. DDC đã trở thành khung phân loại phổ biến trong hệ thống thư viện công cộng và thư viện các trường đại học. Tuy nhiên, hệ thống các thư viện chuyên ngành còn một vài thư viện đã và đang hướng tới LCC (Library of Congress Classification – Khung phân loại Thư viện Quốc hội Mỹ) như Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách Khoa Hà Nội); các thư viện Y học đang áp dụng khung phân loại NLM Classification (National Library of Medicine Classification – Khung phân loại của Thư viện Quốc gia Y học Mỹ); còn lại các thư viện khác vẫn dùng BBK. Đây cũng là một thực trạng đang tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, Pháp. Ở Mỹ, hầu hết các thư viện công cộng và trường học đều sử dụng DDC, nhưng 95% thư viện chuyên ngành không sử dụng DDC. Ví dụ: hệ thống thư viện Y học sử dụng NLM, hệ thống thư viện nông nghiệp sử dụng khung phân loại do IRRI (International Rice Research Institute-Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế) biên soạn, Thư viện Quốc hội Mỹ sử dụng LCC,…
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là các thư viện lớn hiện nay cho dù có sử dụng khung phân loại nào đi nữa nhưng khi in các ấn phẩm thư mục quốc gia hoặc để trao đổi dữ liệu đều phải sử dụng ký hiệu DDC. Bởi vậy, trong CSDL của Thư viện Quốc hội Mỹ, một biểu ghi MARC 21 thường có hai trường ký hiệu phân loại: 050 LCC, 082
DDC. Như vậy, có thể do lịch sử để lại hoặc do vốn tài liệu quá lớn mà các thư viện vẫn chấp nhận sử dụng cùng một lúc hai hoặc nhiều khung phân loại: DDC để trao đổi dữ liệu và in ấn phẩm, khung phân loại còn lại để tổ chức kho mở hoặc để phục vụ cho mục đích riêng. Để thống nhất một khung phân loại trong thời điểm hiện nay, tránh lãng phí công sức và tiền của thì hầu như thư viện nào cũng lựa chọn DDC. Hy vọng các thư viện chuyên ngành Việt Nam sớm chọn cho mình một hướng đi chung, thống nhất, phù hợp để cùng hòa nhập với các thư viện khác trong xu hướng phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. DDC 14. – H.: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2006. - 1068 tr.
2. DDC 21. – New York: OCLC, 1996. – 4 vol.
3. Nguyễn Thị Đào. Khung phân loại thập phân Dewey và khả năng áp dụng tại Việt Nam: Luận văn thạc sĩ. – H.: Đại học Văn hóa, 2002. – 101tr.
3. Sơ kết 3 năm áp dụng khung phân loại DDC trong ngành Thư viện Việt Nam: Kỷ yếu hội nghị : Sapa, 22-23/9/2009. – H.: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2009. – 168tr.
_______________
ThS. Nguyễn Thị Đào
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 4(30) – 2011 (tr.3-5)
< Prev | Next > |
---|
- Hướng dẫn về chương trình giáo dục nghề thư viện/ thông tin
- Index - công cụ tra cứu trực tiếp của sách
- Tìm hiểu các loại sản phẩm và dịch vụ thông tin phục vụ người khiếm thị trên thế giới
- Người dùng tin trong hoạt động du lịch
- Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thông tin – thư viện ở Việt Nam
- Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo kỹ năng thông tin cho độc giả tại Đại học Cần Thơ
- Phát triển và củng cố các mối liên hệ của thư viện công cộng với xã hội
- Vấn đề mở rộng ký hiệu phân loại trong DDC 14 và DDC 22 để phân loại tài liệu Việt Nam
- Các tiêu chuẩn trong hệ quản trị thư viện tích hợp (ILMS)
- Giới thiệu khung phân loại LCC