Thực trạng việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về biên mục và xử lý tài liệu trong các thư viện Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra

E-mail Print

Đặt vấn đề

Trong những thập kỷ gần đây, vấn đề chuẩn hóa nói chung và chuẩn hóa trong biên mục, xử lý tài liệu nói riêng đã bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam. Công cụ thực hiện sự chuẩn hóa là các quy chuẩn bao gồm: tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, quy phạm thực hành, và văn bản pháp quy. Với quan niệm như vậy, tiêu chuẩn là một trong những yếu tố góp phần bảo đảm cho việc chuẩn hóa được thực hiện.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đi sâu vào việc đánh giá thực trạng việc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam trong xử lý tài liệu tại các thư viện ở Việt Nam. Bài viết được chia thành 3 phần:

(i) Các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về xử lý tài liệu

(ii) Thực trạng việc áp dụng các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về xử lý tài liệu trong các thư viện Việt Nam

(iii) Một số giải pháp tăng cường tiêu chuẩn hóa trong công tác xử lý tài liệu tại các thư viện Việt Nam.

1. Các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về xử lý tài liệu

Ở Việt Nam, việc thiết lập các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về công tác thư viện bắt đầu được quan tâm xây dựng và ban hành vào những năm 80 của thế kỷ 20. Cũng như nhiều nước trên thế giới và theo quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO), nội dung các tiêu chuẩn về thư viện nằm trong nhóm ngành thông tin – tư liệu. Hầu hết các tiêu chuẩn này gắn với công tác xử lý tài liệu. Tính đến thời điểm hiện nay, có 8 TCVN liên quan đến xử lý tài liệu đã được ban hành. Cụ thể như sau:

TCVN 4743:1989: Xử lý thông tin - Mô tả thư mục tài liệu ban hành năm 1989: Quy định những yêu cầu đặt ra với công tác mô tả thư mục một tài liệu. Khái niệm tài liệu ở đây bao gồm các tài liệu công bố hoặc không công bố với các loại hình khác nhau: sách, ấn phẩm tiếp tục, các tài liệu định mức kỹ thuật, các tài liệu kỹ thuật, các báo cáo nghiên cứu khoa học, các tài liệu dịch và luận án. Tiêu chuẩn đã đưa ra các quy tắc để mô tả tài liệu với thành phần các yếu tố mô tả, trình tự sắp xếp các yếu tố, cách điền và phương pháp trình bày các yếu tố mô tả, sử dụng các dấu phân cách giữa các yếu tố và các vùng mô tả.

TCVN 5698:1992: Từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt trong mô tả thư mục ban hành năm 1992: Danh mục các từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt thông dụng dùng cho mô tả thư mục tài liệu được thể hiện trong TCVN 5698- 1992. Tiêu chuẩn đưa ra các nguyên tắc viết tắt các từ và các cụm từ đó và các ngôn ngữ nước ngoài được đề cập trong tiêu chuẩn này bao gồm: tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và tiếng Nga.

TCVN 7539:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục ban hành năm 2005: Tiêu chuẩn này quy định về cách trình bày các dữ liệu thư mục cho biên mục đọc máy. Đây là một tiêu chuẩn mới được ban hành và là tiêu chuẩn duy nhất trong số bốn tiêu chuẩn vừa đề cập được xây dựng trên cơ sở một chuẩn biên mục của Hoa Kỳ.

TCVN 7587:2007: Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã địa danh Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ: Các quy định về yêu cầu và quy tắc viết địa danh Việt Nam (bao gồm địa danh hành chính và phi hành chính) và mã các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

TCVN 7588:2007: Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã tổ chức dịch vụ Thông tin KH&CN Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ: Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc viết tên và mã các tổ chức dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

TCVN 4524:2009: Tư liệu – Bài tóm tắt cho xuất bản phẩm và tư liệu: TCVN 4524:2009 thay thế cho TCVN 4524 Bài tóm tắt và bài chú giải ban hành năm 1988

Tư liệu – bài tóm tắt cho xuất bản phẩm và tư liệu. Bản tiêu chuẩn này đã đưa ra các hướng dẫn cho việc chuẩn bị và trình bày các bài tóm tắt các tài liệu.

TCVN 5697:2009: Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục: Tiêu chuẩn này thay thế cho TCVN 5697 ban hành năm 1992. Tại đây, TCVN 5697:2009 quy định danh mục các từ và cụm từ tiếng việt viết tắt thông dụng dùng trong mô tả thư mục tài liệu; nguyên tắc viết tắt các từ và cụm từ đó cũng như qui tắc sử dụng nó; tiêu chuẩn dùng để viết tắt các từ và cụm từ không thuộc lĩnh vực thông tin tư liệu, tiêu chuẩn không bao gồm tên viết tắt các cơ quan và tổ chức cũng như nhan đề tài liệu.

Ngoài các TCVN nêu trên, có một TCVN không trực tiếp đề cập đến một khâu xử lý cụ thể trong thư viện nhưng trong tiêu chuẩn có đưa ra một số khái niệm, thuật ngữ liên quan đến xử lý tài liệu. Đó là TCVN 5453:2009: Thông tin và tư liệu. Từ vựng: TCVN này thay thế cho TCVN 5453:1991: Hoạt động thông tin tư liệu. Thuật ngữ và khái niệm nhằm mục đích tạo thuận lợi truyền thông quốc tế trong lĩnh vực thông tin và tư liệu. Tiêu chuẩn này trình bày các thuật ngữ và các định nghĩa của các khái niệm chọn lọc liên quan đến lĩnh vực hoạt động thông tin, thư viện và tư liệu.

2. Thực trạng việc áp dụng các Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về xử lý tài liệu trong các thư viện Việt Nam

Để đánh giá được thực trạng việc áp dụng các TCVN về xử lý tài liệu trong các thư viện ở Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành điều tra các nhân viên làm công tác biên mục và xử lý tài liệu tại 600 thư viện, trong đó có 45 thư viện tỉnh thành phố, 120 thư viện đại học, 400 thư viện trường học và 35 thư viện đa ngành và thư viện các viện nghiên cứu.

Kết quả cho thấy, nhiều thư viện công cộng đã gần như không biết tới các TCVN về xử lý tài liệu: TCVN 4743:1989: Mô tả thư mục tài liệu, TCVN 5697: Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục, TCVN 5698 Từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt trong mô tả thư mục, TCVN 7587 Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã địa danh Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ, TCVN 7588 Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã tổ chức dịch vụ Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ TCVN 4524: Bài tóm tắt và bài chú giải, được 24,5% thư viện công cộng biết tới nhưng lại có tới 15,5% thư viện không áp dụng. Chỉ có TCVN 7539:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục, được áp dụng nhiều nhất (chiếm 68,8 %). Nhưng cũng có thư viện tuy không biết tới TCVN 7539 nhưng vẫn áp dụng biên mục theo MARC 21. Kết quả cụ thể về việc áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu tại thư viện công cộng có thể xem cụ thể trong bảng 1 dưới đây.

                 Bảng 1: Tình hình áp dụng TCVN về xử lý tài liệu ở các thư viện công cộng

TCVN

Chưa biết có tiêu chuẩn này

Biết nhưng không áp dụng

Đang áp dụng

5453

24

17

4

4524

33

7

5

4743

44

1

0

5697

44

1

0

5698

44

1

0

7539

9

5

31

7587

44

1

0

7588

44

1

0

Việc áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu tại các thư viện đại học còn hạn chế hơn so với thư viện công cộng. Chỉ có 1 thư viện đại học quan tâm tới TCVN 5453:1991. Các TCVN khác gần như không được áp dụng. Số thư viện đại học biết được về các TCVN này rất hạn chế.

Cũng như đối với thư viện công cộng, chỉ có TCVN 7539:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục, được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, một số thư viện đại học cho biết: hiện thư viện có biên mục theo MARC 21 nhưng lại không biết có TCVN 7539:2005. Kết quả cụ thể về việc áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu tại thư viện công cộng

có thể xem cụ thể trong bảng 2 sau đây:

                  Bảng 2: Tình hình áp dụng TCVN về xử lý tài liệu ở các thư viện đại học

TCVN

Chưa biết có tiêu chuẩn này

Biết nhưng không áp dụng

Đang áp dụng

5453

109

10

1

4524

119

1

0

4743

119

1

0

5697

117

3

0

5698

117

3

0

7539

69

25

26

7587

120

   

7588

120

   

Việc áp dụng các TCVN về xử lý tài liệu trong thư viện trường học gần như không được quan tâm trên mọi bình diện (bảng 3). Đây là một vấn đề cần được xem xét và có giải pháp tháo gỡ trong tương lai.

         Bảng 3 : Tình hình áp dụng TCVN về xử lý tài liệu ở các thư viện trường học

TCVN

Chưa biết có tiêu chuẩn này

Biết nhưng không áp dụng

5453

398

2

4524

398

2

4743

398

2

5697

398

2

5698

398

2

7539

398

2

7587

400

 

7588

400

 

Cũng như đối với thư viện công cộng, các thư viện đại học, việc áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu tại các thư viện đa ngành/ thư viện viện nghiên cứu cũng có nhiều hạn chế. Chỉ có 1 thư viện đa ngành quan tâm tới TCVN 5453:1991. Các TCVN khác gần như không được áp dụng. Số thư viện đa ngành/thư viện viện nghiên cứu biết được về các TCVN này rất hạn chế. Chỉ có TCVN 7539:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, một số thư viện đa ngành/thư viện viện nghiên cứu cho biết: hiện thư viện có biên mục theo MARC 21 nhưng lại không biết có TCVN 7539:2005. Kết quả cụ thể về việc áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu tại thư viện công cộng có thể xem cụ thể trong bảng 4.

Bảng 4: Tình hình áp dụng TCVN về xử lý tài liệu ở các thư viện đa ngành/thư viện viện nghiên cứu

TCVN

Chưa biết có tiêu chuẩn này

Biết nhưng không áp dụng

Đang áp dụng

5453

33

1

1

4524

33

2

1

4743

33

2

0

5697

34

0

1

5698

34

0

1

7539

22

0

13

7587

34

 

1

7588

34

 

1

Từ thực trạng sử dụng TCVN bốn nhóm thư viện nêu trên, có thể thấy: nhìn chung việc áp dụng các TCVN trong xử lý tài liệu chưa được các thư viện ở Việt Nam quan tâm. Số liệu tổng hợp về tình hình áp dụng TCVN trong xử lý tài liệu được trình bày trong bảng 5.

               Bảng 5 : Tình hình áp dụng TCVN về xử lý tài liệu ở các thư viện trong cả nước

TCVN

Chưa biết có tiêu chuẩn này

Biết nhưng không áp dụng

Đang áp dụng

5453

564

30

6

4524

583

12

6

4743

594

6

0

5697

593

8

1

5698

593

6

0

7539

489

32

70

7587

598

1

1

7588

598

1

1

Từ việc nghiên cứu và phỏng vấn trao đổi với các nhân viên làm công tác xử lý tài liệu của các thư viện chúng tôi nhận thấy có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các TCVN chưa được các thư viện quan tâm áp dụng:

Một là, sau khi ban hành TCVN, các cơ quan chức năng chưa quan tâm đến việc phổ biến và triển khai các TCVN này. TCVN chỉ là những tiêu chuẩn được khuyến cáo áp dụng.

Hai là, số lượng các TCVN về xử lý tài liệu còn quá ít ỏi. Trong các tiêu chuẩn đó có một số tiêu chuẩn không được soát xét để cập nhật sửa đổi, do đó tồn tại nhiều bất cập. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 46, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm ban hành các TCVN về hoạt động thông tin-thư viện-tư liệu, chưa thực sự quan tâm đến việc biên soạn và soát xét định kỳ các TCVN trong lĩnh vực này.

Ba là, trong công tác giáo dục, đào tạo ngành thư viện, các môn học liên quan đến tiêu chuẩn hóa chưa được quan tâm thỏa đáng.

3. Một số giải pháp tăng cường tiêu chuẩn hóa trong công tác xử lý tài liệu tại các thư viện Việt Nam

Từ thực trạng về việc áp dụng TCVN ở các thư viện nước ta hiện nay cũng như nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện thông tin cho bạn đọc, chúng tôi đề xuất một số giải pháp tăng cường tiêu chuẩn hóa trong công tác xử lý tài liệu tại các thư viện Việt Nam như sau:

3.1 Đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành thêm một số TCVN mới và soát xét có định kỳ các TCVN về các khâu công tác khác nhau trong xử lý tài liệu

Để làm được việc này một cách nhanh chóng, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 46 kết hợp với các thư viện và cơ quan thông tin đầu ngành cần tham khảo thêm một số tiêu chuẩn của nước ngoài hoặc tiêu chuẩn quốc tế hiện hành về công tác xử lý tài liệu. Trên thực tế, có thể lựa chọn các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn phù hợp của nước ngoài để dịch sang tiếng Việt.

Cần phải chú trọng đến việc soát xét lại các tiêu chuẩn đã được ban hành từ quá lâu, đặc biệt là TCVN 5698. Thực tiễn công tác mô tả thư mục tài liệu đã có nhiều biến đổi. Kể từ năm 1989 đến nay, gần 20 năm trôi qua và việc xem xét lại là cần thiết. Trên cơ sở soát xét các tiêu chuẩn này, cần bổ sung và cập nhật đến tiêu chuẩn thực sự có ý nghĩa là tiêu chuẩn cho các thư viện hiện nay áp dụng.

Để giải quyết được những vấn đề trên, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 46 cần phối hợp với các cơ quan chủ chốt như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học Xã hội để xây dựng được một chương trình tổng thể cho công tác tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực thư viện - thông tin, đặt ra các kế hoạch cụ thể cho việc biên soạn và triển khai các TCVN trong lĩnh vực hoạt động này.

3.2 Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xử lý tài liệu

Nhằm rút ngắn thời gian trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về xử lý tài liệu, các thư viện Việt Nam có thể mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều đó có thể áp dụng một số biện pháp cụ thể sau: Thực hiện nghiên cứu và lựa chọn các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến hoạt động thư viện - thông tin phù hợp với Việt Nam; Xây dựng các TCVN trên cơ sở dịch nguyên văn hoặc dịch và hiệu chỉnh các tiêu chuẩn này cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; Phổ biến các tiêu chuẩn này trong các thư viện và cơ quan thông tin ở Việt Nam.

3.3. Tăng cường công tác phổ biến, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các tiêu chuẩn đã được ban hành

Để các tiêu chuẩn thực sự được triển khai trong thực tế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến tuyên truyền tiêu chuẩn này. Cần chú trọng việc nâng cao nhận thức cho các thư viện và cá nhân người cán bộ thư viện về vai trò của việc chuẩn hoá nói chung và việc áp dụng các tiêu chuẩn cụ thể nói riêng. Các cơ quan quản lý ngành cần thiết lập các quy định và văn bản hướng dẫn để việc triển khai áp dụng các TCVN trong công tác thư viện nói chung và công tác xử lý tài liệu nói riêng được tiến hành đồng bộ và thống nhất. Ngoài hình thức tập huấn đối với từng tiêu chuẩn cụ thể, nên đưa nội dung công tác hoạt động tiêu chuẩn vào một số cuộc hội nghị hội thảo hoặc qua các bài viết trên các báo, tạp chí của ngành.

3.4 Xây dựng và phát triển được một đội ngũ cán bộ nghiệp vụ có trình độ và tay nghề cao

Với mục đích triển khai một cách kịp thời và có hiệu quả các tiêu chuẩn đã được ban hành, cần có những người có khả năng làm việc một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra các chính sách khuyến khích, động viên và lôi cuốn các cán bộ thực thi áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong xử lý tài liệu.

Kết luận: Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng của chuẩn hóa. Đã đến lúc phải xem xét tiêu chuẩn hóa như là một yếu tố quan trọng giúp cho các thư viện có thể hội nhập, chia sẻ và phát triển nguồn lực phục vụ cho việc khai thác và sử dụng thông tin đạt hiệu quả cao hơn. Để thực hiện được việc chuẩn hóa trong xử lý tài liệu, trước hết cần phải bắt tay vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các TCVN về công tác xử lý tài liệu, xử lý thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TCVN 4524:1988: Bài tóm tắt và bài chú giải.

2. TCVN 4743:1989: Xử lý thông tin. Mô tả thư mục tài liệu.

3. TCVN 5453:1991: Hoạt động thông tin tư liệu. Thuật ngữ và khái niệm.

4. TCVN 5697:1992: Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục.

5. TCVN 5698:1992: Từ và cụm từ tiếng nước ngoài viết tắt trong mô tả thư mục.

6. TCVN 6450:1998: Tiêu chuẩn hoá và các hoạt động có liên quan. Thuật ngữ chung và định nghĩa.

7. TCVN 7539:2005: Khổ mẫu MARC 21 cho dữ liệu thư mục.

8. TCVN 7587:2007: Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã địa danh Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ

9. TCVN 7588:2007: Thông tin và Tư liệu – Tên và Mã tổ chức dịch vụ Thông tin KH&CN Việt Nam dùng trong lưu trữ và trao đổi thông tin khoa học và công nghệ.

10. TCVN 5453:2009: Thông tin và tư liệu. Từ vựng.

11. TCVN 4524:2009: Tư liệu – Bài tóm tắt cho xuất bản phẩm và tư liệu.

12. TCVN 5697:2009: Từ và cụm từ tiếng Việt viết tắt trong mô tả thư mục.

13. Vũ Dương Thúy Ngà. Đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế - Một giải pháp quan trọng đảm bảo chuẩn hóa hoạt động thư viện - thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Văn hóa trong thế giới hội nhập. - Hà Nội, 2010. – tr.421-428.

 

___________________

ThS. Vũ Dương Thúy Ngà

Vụ Thư viện

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 4(30) – 2011 (tr.15-20)


Đọc thêm cùng chuyên mục: