Hội Thư viện Việt Nam 5 năm nhìn lại

E-mail Print

1. Sự ra đời của Hội Thư viện Việt Nam

Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, kinh tế nước ta có bước tăng trưởng khá, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt, công tác thư viện cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Số lượng thư viện, cán bộ thư viện tăng nhanh. Việc mở rộng giao lưu quốc tế của nước ta đã kéo theo sự vươn ra hòa vào dòng chảy thế giới của các ngành, các tổ chức Việt Nam, trong đó có thư viện. Vai trò của hiệp hội cũng được tăng cường. Nhiều hội nghề nghiệp đã được thành lập. Đứng trước tình hình đó, ngành thư viện cũng đã nhận thức được sự chín muồi để hình thành tổ chức nghề nghiệp của mình. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – BVHTTDL), Ban Vận động thành lập Hội Thư viện Việt Nam đã được thành lập gồm đại diện Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, các cơ quan thư viện lớn khác trong cả nước. Trong thời gian ngắn, Ban Vận động đã tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của những người làm công tác hội thư viện của một số nước ngoài để xác định được vị trí, vai trò, bước đi trong thành lập Hội Thư viện Việt Nam (HTVVN). Đồng thời, Ban Vận động đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ trình các cơ quan chức năng xin phép thành lập Hội. Bên cạnh đó, các thành viên trong Ban Vận động cũng đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân và những người tâm huyết với sự nghiệp thư viện làm đơn gia nhập HTVVN. Kết quả là, từ đầu tháng 5 năm 2006 đến giữa tháng 10 năm 2006, Ban Vận động đã nhận được tổng số 1.447 lá đơn của 102 cơ quan thư viện và các trung tâm thông tin – thư viện trong cả nước gia nhập HTVVN.

Ngày 22/10/2006, sau nhiều cố gắng của các tổ chức và cá nhân liên quan, HTVVN đã tiến hành đại hội thành lập và bầu Ban chấp hành (BCH) của Hội. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tiên của những người làm công tác thư viện của cả nước Việt Nam1. Sự kiện này thể hiện sự trưởng thành về ý thức nghề nghiệp của cộng đồng thư viện nước ta.

Đại hội đã thông qua Điều lệ, bầu Ban chấp hành Hội và Chương trình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ I.

Trong Điều lệ, Hội đã đề ra những mục tiêu hoạt động như sau:

- Hội góp phần xây dựng ngành thư viện Việt Nam ngày càng vững mạnh, khẳng định vai trò, vị trí của thư viện trong xã hội và đời sống văn hoá của nhân dân, phục vụ có hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước.

Từ mục tiêu trên BCH HTVVN khóa I(2006- 2011) đã đề ra Chương trình hoạt động như sau:

Thông tin

- Tuyên truyền và hướng dẫn hội viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về kinh tế – văn hóa – xã hội nói chung và công tác thư viện nói riêng.

- Trao đổi nghiệp vụ thư viện dưới nhiều hình thức.

- Xin phép lập một tạp chí về Thư viện.

Nghiên cứu khoa học

- Tổ chức nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực thư viện, tổ chức các dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tư vấn thiết kế trụ sở thư viện; dịch vụ phản biện các công trình nghiên cứu khoa học của thư viện v.v...

- Tư vấn cho các dự án đầu tư của ngành.

- Nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến những thành tựu khoa học và công nghệ vào hoạt động thư viện.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ

- Đề xuất, phối hợp với cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, giúp hội viên đạt tiêu chuẩn nghề nghiệp và duy trì hoạt động nghề nghiệp ở trình độ cao.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ thư viện cho hội viên.

- Xây dựng bộ sách truyền thống ngành, lịch sử phát triển ngành.

Bảo vệ quyền lợi hội viên

- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên, của các tổ chức thành viên. Chú ý phát triển hội viên mới.

Quan hệ quốc tế

- Vận động tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân nước ngoài góp phần trí tuệ và sức lực xây dựng và phát triển sự nghiệp thư viện.

- Mở rộng hợp tác, giao lưu với các tổ chức nước ngoài và quốc tế về thư viện theo quy định của pháp luật.

- Bước đầu lập mối quan hệ và trao đổi thông tin với các Hội Thư viện của một số nước trong khu vực và quốc tế.

2. Một số hoạt động tiêu biểu của Hội nhiệm kỳ I

2.1. Công tác tổ chức

Công tác đầu tiên mà BCH Hội tập trung ưu tiên tiến hành là công tác tổ chức, xây dựng bộ máy của Hội.

- Thành lập Văn phòng Hội. Trụ sở Hội đã được Đại hội nhất trí với đề xuất của Thư viện Quốc gia Việt Nam, đặt tại 31 Tràng Thi, Hà Nội; BCH đã phân công một số ủy viên BCH làm Chánh và Phó Văn phòng Hội, Kế toán. TVQG đồng ý cử một người đảm nhiệm công việc (bán thời gian) nhân viên văn phòng. Hội đã đăng ký con dấu, mở tài khoản riêng.

- Thành lập các tiểu ban chuyên môn của BCH theo nguyên tắc Trưởng tiểu ban là Chủ tịch Hội hoặc Phó Chủ tịch Hội; Phó trưởng ban là thành viên trong Ban Chấp hành mà trong công việc hàng ngày có liên quan nhiều tới lĩnh vực hoạt động của tiểu ban: Ban Tổ chức và hội viên; Ban Chế độ - chính sách; Ban Đào tạo; Ban Đối ngoại; Ban Kiểm tra; Ban Nghiên cứu khoa học. Đồng thời, cũng đã thành lập một số trung tâm, đặc biệt Trung tâm xuất bản và phát hành tài liệu thư viện do Chủ tịch Hội làm Giám đốc.

- Củng cố BCH: BCH được đại hội bầu ra gồm 31 thành viên, trong đó ngoài Chủ tịch còn có 5 Phó Chủ tịch và các thành viên từ nhiều vùng miền, các hệ thống thư viện khác nhau. Điều đó, về nguyên tắc, cho phép Hội nắm bắt nhu cầu của hội viên nhanh hơn và triển khai công tác của Hội cũng tốt hơn. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, một số thành viên BCH nghỉ hưu, trong đó có những người ở xa Hà Nội nên không thể tiếp tục tham gia công tác của BCH. Vì thế, năm 2009, BCH đã họp và quyết định bổ sung 4 thành viên BCH mới, gồm:

+ Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện;

+ Bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam;

+ Ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh;

+ Ông Ngô Văn Chung, Giám đốc Thư viện Quân đội.

Sau khi được bổ sung vào BCH, các thành viên trên đã tích cực hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các công tác của Hội.

Ngoài ra, BCH còn xây dựng và thông qua quy chế hoạt động của BCH, của các đơn vị trực thuộc BCH theo quy định trong Điều lệ Hội và Quy chế chi tiêu nội bộ của Hội.

- Thành lập các chi hội, liên chi hội ở cơ sở:

Do ý thức được sức mạnh của Hội phải xuất phát từ cơ sở nên BCH đã rất chú trọng đến thành lập các chi hội, liên chi hội. BCH đã thường xuyên gửi công văn hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc các tổ chức thành viên thành lập các chi hội, liên chi hội trực thuộc Hội. Về liên chi hội thì BCH muốn chuyển đổi các liên hiệp đã có từ trước sang liên chi hội vì các liên hiệp này được thành lập trên những cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ. Trong khi các Liên hiệp thư viện đại học phía Bắc và phía Nam nhất trí ngay với chủ trương này thì các liên hiệp thuộc hệ thống thư viện công cộng còn phân vân vì nhiều lãnh đạo liên hiệp quan niệm rằng nếu chuyển sang liên chi hội thì sẽ không được hỗ trợ hoạt động từ kinh phí nhà nước. Thường trực Hội đã thảo luận với lãnh đạo Vụ Thư viện và đi đến thống nhất về tên gọi của Liên chi hội, Chi hội, Phân hội TV cơ sở. Đầu năm 2011, BCH Hội đã gửi công văn chỉ đạo các thư viện khẩn trương thành lập các tổ chức ở cơ sở theo tinh thần thỏa thuận với Vụ Thư viện và đặt ra mục tiêu: phấn đấu đến tháng 6/2011 sẽ ổn định tổ chức hội từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng kết quả thu được không mấy khả quan: ngoài 3 liên chi hội (Liên chi hội các thư viện đại học phía Nam, Liên chi hội các thư viện đại học phía Bắc, Liên chi hội thư viện các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên) và Chi hội thư viện Phú Yên (2009), chỉ thành lập thêm được Chi hội thư viện tỉnh Đồng Nai với 622 hội viên tại 14 phân hội cấp huyện của tỉnh này.

- Gia nhập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:

Năm 2008, HTVVN làm hồ sơ, thủ tục và đã được chấp nhận là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Việc tham gia vào Liên hiệp này đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của HTVVN: nhận được sự giúp đỡ về nghiệp vụ hoạt động của Hội; đã tham gia các lớp học do Liên hiệp tổ chức; tham gia vào Đoàn Chủ tịch Liên hiệp. Có thể nói rằng việc gia nhập này đã làm tăng thêm sức mạnh và nâng cao được vị thế của HTVVN...

2.2. Phát triển hội viên

- Thiết lập hội viên tập thể. Trong Điều lệ chính thức của Hội chỉ có quy định về hội viên cá nhân. Điều đó gây khó khăn cho việc quản lý và thu hội phí. Vì thế, BCH đã đề nghị với Bộ Nội vụ và đã được Bộ đồng ý điều chỉnh quy định về hội viên cá nhân thành hội viên tập thể. Nghĩa là, một thư viện nào đó trở thành hội viên tập thể thì tất cả thành viên trong hội viên tập thể đó đều là hội viên của HTVVN. BCH Hội coi những thư viện đã tham gia đại hội thành lập Hội là hội viên tập thể đương nhiên của mình. Hội viên tập thể đóng hội phí thay cho tất cả hội viên của mình. Việc chuyển đổi hội viên cá nhân thành hội viên tập thể đã có hiệu quả trong việc thu hội phí. Lần đầu tiên, năm 2009, các hội viên tập thể đã thực hiện việc nộp hội phí: 26 hội viên tập thể đóng được 33,5 triệu đồng. Tuy vậy, có một số thư viện đã không đóng hội phí từ khi thành lập đến nay, có thể các thư viện đó nghĩ rằng mình chưa phải là hội viên chính thức của Hội.

Các liên chi hội, chi hội sau khi thành lập cũng đã chú trọng phát triển hội viên mới, đặc biệt là các Liên hiệp Thư viện đại học phía Bắc, phía Nam.

Ngoài ra, năm 2009, biểu trưng – lôgô của Hội Thư viện đã được chọn thông qua cuộc thi sáng tác lôgô; và vào đầu năm 2011 website của Hội đã được thiết kế, đăng ký với cơ quan chức năng và đã đưa lên mạng Internet (www.vla.org.vn).

2.3. Công tác chỉ đạo các hoạt động chuyên môn

Hội đã chỉ đạo các Liên chi hội, Chi hội phối hợp với các Thư viện tham gia các hoạt động chuyên môn, tập trung cổ vũ cho hoạt động thư viện và phong trào đọc. Tuy nhiên, do mới thành lập nên BCH Hội đã chọn những hoạt động có tính chất bề nổi. Ngay trong năm 2007, Hội đã có công văn hướng dẫn các thư viện thành viên tổ chức ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 và được nhiều thư viện tỉnh thực hiện. Ngay tại Hà Nội, Hội đã phối hợp với Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia tổ chức Ngày Sách và bản quyền thế giới trong các năm 2007, 2008, 2010, 2011. Nhân dịp đó Hội phát động các đợt quyên góp sách hoặc các phong trào thi đua. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội, trong các năm từ 2007 – 2011, BTC ngày hội đã quyên góp được khoảng 100.000 cuốn và đã gửi hỗ trợ cho các thư viện có nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực của ngành Thư viện Việt Nam nhằm tôn vinh nghề thư viện và cổ vũ cho văn hóa đọc ở nước ta.

- Một thành tích nổi bật của BCH Hội Thư viện khóa I là đã phối hợp với Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện tốt vai trò là Chủ tịch CONSAL XIV. Để thực hiện vai trò này, ngành thư viện nước ta đã tổ chức thành công hội nghị BCH CONSAL XIV lần thứ nhất tại Huế (2007) và lần thứ hai tại Tp. Hồ Chí Minh (2008), và Đại hội CONSAL XIV tại Hà Nội (4/2009). Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, trong đó gần 350 đại biểu nước ngoài, đến từ 27 nước. Chúng ta đã thực hành nhiều sáng kiến trong tổ chức và hoạt động của CONSAL và do đó góp phần nâng cao hiệu quả của tổ chức này. Cho đến bây giờ các đồng nghiệp Đông Nam Á vẫn còn đánh giá rất cao những đóng góp mới của ngành thư viện Việt Nam với tổ chức này thông qua việc tổ chức Đại hội CONSAL XIV. Sở dĩ có thành công đó là do những cố gắng của BTC, Chi hội Thư viện Quốc gia, Vụ Thư viện, Thư viện KHTH Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Liên chi hội thư viện đại học phía Nam, Trung tâm Học liệu Huế, Thư viện Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội...

- Hội góp phần quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản về thực hiện chuẩn hóa. Nhiều thành viên BCH Hội đã tham gia Ban tư vấn dịch bản tóm lược DDC 14 và lựa chọn các chuẩn nghiệp vụ chung cho các thư viện Việt Nam. Kết quả bản tiếng Việt của DDC 14 đã được công bố vào năm 2006. Lãnh đạo Hội đã phối hợp với Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia tổ chức Hội thảo bàn về ứng dụng DDC (3/2007), từ kết quả hội nghị đó Bộ VHTT, 7/5/2007 đã ban hành văn bản số 1598/VHTT-TV về việc áp dụng DDC14, MARC21, AACR2, những chuẩn nghiệp vụ do Ban tư vấn lựa chọn, vào công tác của các thư viện Việt Nam.

- Năm 2009, Lãnh đạo Hội cùng với Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia tham mưu với Bộ VHTTDL chỉ đạo tích cực việc tạo dư luận xã hội và có ý kiến với UBND tỉnh Phú Thọ về việc thu hồi đất của Thư viện tỉnh Phú Thọ để xây dựng khách sạn 5 sao nhưng chưa bố trí diện tích nhà mới cho Thư viện tỉnh. Kết quả UBND tỉnh Phú Thọ đã dừng việc này trong một thời gian và sau đó đã thu xếp địa điểm mới cho thư viện tỉnh Phú Thọ. Đó cũng là thành công của HTVVN.

- Lãnh đạo Hội đã tham gia trực tiếp vào Ban vận động “Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long – Hà Nội” trong dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà xuất bản Hà Nội chủ trì; phối hợp với Thư viện Quốc gia và Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chuyên đề “Xây dựng bộ Tiêu đề chủ đề Việt Nam” (đầu năm 2009) với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ nhiều thư viện trong cả nước với kết quả đạt được là đã thống nhất khái niệm tiêu đề chủ đề và kiến nghị với TVQG đứng ra biên soạn Bộ tiêu đề chủ đề Việt Nam...

- Tổ chức cuộc gặp thường trực HTVVN và Hội Thông tin – Tư liệu Việt Nam bàn về các hoạt động phối hợp giữa hai Hội. Phối hợp với Hội TTTL tổ chức các hội thảo ở Hà Nội và Phú Thọ về đưa công nghệ sinh học vào Việt Nam, mở ra hướng thư viện phục vụ nông nghiệp (2009) và cả hai hội phối hợp với Vụ Thư viện tổ chức hội thảo "Thư viện phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn" (tháng 11/2010)...

- Lãnh đạo Hội đã tham gia Ban biên soạn Luật Thư viện, Ban xây dựng chiến lược phát triển Văn hóa đọc (do Bộ VHTTDL chủ trì).

- Tổ chức cuộc thi “Triển lãm và phục vụ Báo Xuân” năm 2011. Kết quả đã có 23 thư viện tỉnh, thành phố gửi Báo cáo, hồ sơ về HTVVN đề nghị xét và chấm giải (08 thư viện tỉnh, thành gửi Hồ sơ về muộn nên không dự xét giải lần này). Kết quả là, có 05 thư viện tỉnh, thành phố đạt giải Nhất (Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Tp. Đà Nẵng) và 07 thư viện đạt giải Nhì (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Nai, Hậu Giang, Long An). Đây là hoạt động độc lập (tự tổ chức) đầu tiên của HTVVN.

Các liên chi hội, chi hội cũng đã tiến hành nhiều hoạt động như Liên chi hội Thư viện Đại học phía Nam và phía Bắc mỗi năm thường tổ chức từ 2 – 3 hội nghị, hội thảo, trong đó có những hội thảo phối hợp với các đối tác nước ngoài và 2 – 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ thuộc các thư viện thành viên. Chủ đề của các hội thảo, lớp học là những vấn đề mới của công tác thư viện nước ta hoặc thế giới. 05 liên hiệp, 01 Liên chi hội và 02 chi hội thuộc hệ thống thư viện công cộng mỗi năm đều tổ chức các hoạt động: hội nghị hoặc hội thảo khoa học và tổ chức cuộc thi thiếu niên kể chuyện sách của liên chi hội.

2.4. Công tác hợp tác quốc tế:

BCH đã phối hợp với Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam và nhiều thư viện khác tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế, tiêu biểu là:

- Tham gia xây dựng và thực hiện dự án vùng do Quỹ SIDA (Thụy Điển) tài trợ: “Phát triển hoạt động thư viện công cộng ở Việt Nam và Lào”. Đã tổ chức một số cuộc khảo sát và hội thảo về công tác thư viện của Việt Nam và Lào. Tổ chức được lớp đào tạo về kỹ năng thông tin cho 18 cán bộ thư viện của 2 nước. Với sự giúp đỡ của Quỹ SIDA, Đoàn HTVVN và Lào gồm 6 thành viên đã sang thăm và trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội với Hội Thư viện Hồng Kông trong thời gian từ 16– 20/11 năm 2008. Sau đó, tại Hà Nội, BCH HTVVN đã tổ chức cuộc họp – trao đổi kinh nghiệm công tác với Chủ tịch Hội Thư viện Hồng Kông và xây dựng dự thảo chiến lược hoạt động của HTVVN đến năm 2010. Cũng nhờ tài trợ của Quỹ SIDA, HTVVN đã tổ chức thi và chọn được mẫu lô gô chính thức cho Hội.

- Năm 2009, Hội phối hợp với Quỹ châu Á tổ chức thành công cuộc thi “Đi tìm đại sứ văn hóa” tại Việt Nam do Quỹ châu Á tài trợ. Các “đại sứ” đoạt giải đã có chuyến thăm Hoa Kỳ do ông Phạm Thế Khang, Giám đốc TVQG, Phó Chủ tịch thường trực HTVVN dẫn đầu.

- Hội đã phối hợp với Hội Hỗ trợ giáo dục và Thư viện Việt Nam (LEAF-VN) tại Hoa Kỳ tổ chức 2 lớp tập huấn về “Bộ Tiêu đề chủ đề - Subject Heading” với sự thuyết trình, hướng dẫn của các chuyên gia thư viện là Việt kiều tại Mỹ. 02 lớp được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 260 người học đến từ các hệ thống thư viện trong cả nước.

- Lãnh đạo Hội đã tham dự Hội thảo "Xây dựng Hội Thư viện vững mạnh" tại Singapore (2009); đã tham gia đoàn công tác tại Lào, trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Thư viện, kinh nghiệm Quản lý sự nghiệp thư viện trên phạm vi cả nước và kế hoạch hợp tác hoạt động giữa HTVVN và Hội thư viện Lào.

- Hội đã phối hợp với Quỹ Force (Hà Lan) và Vụ Thư viện tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết 10 năm triển khai Dự án "Hỗ trợ phát triển dịch vụ thư viện phục vụ người khiếm thị ở Việt Nam" tại Hà Nội tháng 11/2010;

- Hội đã phối hợp với Thư viện trường Đại học Berkeley xây dựng đề án về “Ghi đầy đủ các Dấu trong danh từ riêng Việt Nam”, kiến nghị với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ để bổ sung vào Bộ Tiêu đề chủ đề (Subject Heading). Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã đồng ý với kiến nghị này và đề nghị phía Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án.

- Các Liên chi hội Thư viện Đại học phía Bắc và phía Nam đều có những hoạt động hợp tác quốc tế. Năm 2010 Liên chi hội Thư viện Đại học phía Bắc phối hợp với Thư viện các trường Đại học Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về "Tạo lập và chia sẻ tài nguyên Điện tử" với hơn 100 người tham gia. Năm 2011 phối hợp với một số nhà xuất bản lớn trên thế giới tổ chức hội thảo giới thiệu về nguồn tin điện tử... Liên chi hội thư viện Đại học phía Nam phối hợp với LEAF - VN tại Hoa Kỳ mở lớp Tập huấn "Tiếp cận thông tin theo chủ đề".

- Liên chi hội phía Bắc những năm gần đây, nhân dịp tham gia các hội thảo khoa học hàng năm với Hiệp hội thư viện đại học các nước Đông Á đều cử thêm người đến học hỏi nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động của các nước đăng cai tổ chức.

3. Đánh giá chung

Về thành công, có thể rút ra một số thành công tiểu biểu của HTVVN trong 5 năm qua như đã hình thành sớm bộ máy của BCH và định ra quy chế hoạt động của BCH; Đã triển khai được một số hoạt động chuyên môn, mặc dù phần lớn các hoạt động đó là phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác; Đã tiến hành một số hoạt động hợp tác quốc tế có kết quả; Các liên chi hội thư viện đại học đã có nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt hỗ trợ tích cực cho các thư viện thành viên trong việc chuẩn hóa về nghiệp vụ thư viện.

Tuy nhiên hoạt động của Hội có nhiều hạn chế, trong đó đáng chú ý là: Việc bộ máy tổ chức của Hội từ Trung ương đến cơ sở chậm được ổn định, đã hạn chế nhiều tới hiệu quả hoạt động của HTVVN; Hoạt động của Hội nói chung, của các tiểu ban nói riêng còn hạn chế, đơn điệu, chưa nhiều, chưa có bề rộng lẫn chiều sâu; Nhiều thành viên BCH Trung ương và BCH cơ sở còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động của Hội, một số ủy viên BCH Hội chưa thật sự quan tâm đến công tác Hội, không triển khai các Nghị quyết của BCH TW Hội, các nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt là tác động của Hội đến ngành thư viện, đến xã hội chưa rõ nét. Chưa lôi cuốn được sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, của xã hội đối với Hội; Chưa có hoạt động có thể mang lại những khoản thu cho Hội; Việc đóng hội phí chưa được thực hiện tốt. Nhiều hội viên tập thể chưa đóng hội phí từ khi thành lập đến nay; Công tác đối với hội viên chưa thực hiện tốt chưa có thẻ hội viên, chưa có hỗ trợ hội viên khi gặp khó khăn.

Nguyên nhân của những tồn tại trên thì có nhiều nhưng có thể nêu ra các nguyên nhân chính sau:

- Về nhận thức, BCH từ Trung ương đến cơ sở chưa nhận thức đúng về hoạt động của Hội là cần thiết để tập hợp đông đảo cán bộ thư viện tự nguyện tham gia Hội, bảo vệ quyền lợi, phát huy sức mạnh của cán bộ thư viện, do đó, nhiều người chưa dành thời gian và trí tuệ để chủ động đề ra các nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với tính chất một hội xã hội nghề nghiệp;

- Điều kiện hoạt động của Hội như: cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện v.v... đều thiếu thốn.

- Hội mới thành lập nên chưa có kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động.

- Việc điều hành của lãnh đạo Hội đến các tiểu ban, các thành viên BCH chưa thường xuyên. Nhiều chủ trương, công việc thiết thực, phù hợp đã đề ra nhưng việc theo dõi thực hiện chưa tốt nên chưa đi vào thực tiễn. Nhiều ủy viên BCH, trưởng tiểu ban do bận công tác tại cơ quan chưa dành nhiều công sức cho việc lên kế hoạch và điều hành công việc của tiểu ban. Cán bộ lãnh đạo Hội khi đang tại nhiệm thì bận bịu, thiếu thời gian để tham gia công tác hội, khi nghỉ hưu rộng rãi thời gian thì lại thiếu ngân sách, phương tiện, cơ sở vật chất để làm công tác cho hội...

- Công tác tuyên truyền về Hội còn rất hạn chế. Thỉnh thoảng mới có một ít tin tức đưa lên Tạp chí Thư viện Việt Nam, lên trang web của Hội do thiếu người chuyên trách công việc này.

Những công việc của nhiệm kỳ tới chắc chắn sẽ có nhiều nhưng công tác tổ chức vẫn phải đặt lên hàng đầu như bầu ra một BCH mới có đủ năng lực khắc phục các tồn tại trong nhiệm kỳ I; hoàn thiện tổ chức hội ở cơ sở trong tất cả các hệ thống thư viện; tiến hành các hoạt động nhằm làm cho hội viên và xã hội hiểu về vai trò và lợi ích của Hội đối với xã hội và mỗi hội viên; tiến hành các hoạt động nhằm làm tăng quỹ Hội từ nguồn thu hội phí và tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước...

Tóm lại, mặc dù còn nhiều tồn tại nhưng BCH Khóa I đã đặt những nền tảng đầu tiên trên bước đường phát triển của HTVVN. Nhiệm vụ của BCH khóa mới là tìm ra những phương cách để khẳng định vị thế và tác dụng của Hội trong xã hội, trên trường quốc tế và trong cộng đồng đông đảo những người làm công tác thư viện Việt Nam.

 

__________________

Lê Văn Viết

Chánh Văn phòng Hội Thư viện Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(32) – 2011 (tr.3- 8)


Đọc thêm cùng chuyên mục: